Một linh lầm lạc thường dẫn đến cách cư xử
không đúng đắn. Nếu một tín đồ ao ước bước đi theo linh, người ấy phải liên tục
giữ mình trong tình trạng đúng đắn. Linh, giống như tâm trí, có thể trở nên
không kiềm chế và xấc láo, hoặc có thể co rút lại. Nếu không có Thánh Linh canh
giữ linh thì một khi linh thất bại, tín đồ cũng sẽ thất bại trong cách cư xử
bên ngoài. Chúng ta phải nhận thức rằng đằng sau nhiều sự thất bại trong cách
cư xử bên ngoài, linh đã thất bại thậm chí trước khi cách cư xử thất bại. Nếu
linh của một tín đồ mạnh mẽ và đầy quyền năng thì linh có thể kiểm soát hồn và
thân thể, không cho phép chúng trở nên phóng đãng, bất kể hoàn cảnh ra sao. Nếu
không, chúng sẽ đàn áp linh và khiến một tín đồ thất bại.
Đức Chúa Trời nhấn mạnh linh chúng ta. Đây là
nơi sự sống mới cư trú và Thánh Linh công tác. Đây là nơi chúng ta tương giao với
Đức Chúa Trời, hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời và tiếp nhận sự khải thị của
Thánh Linh. Đây là nơi chúng ta được huấn luyện và tăng trưởng. Đây là nơi
chúng ta kháng cự mọi sự tấn công của kẻ thù và có được quyền bính để đắc thắng
ma quỷ và đội quân của hắn. Đây cũng là nơi chúng ta nhận được quyền năng cho
công tác. Linh đã nhận được sự sống phục sinh, còn thân thể phục sinh thì sau
này chúng ta mới có được. Vì vậy, tình trạng của linh cũng là tình trạng của
nếp sống thuộc linh. Vì vậy, việc giữ linh chúng ta trong một tình trạng đúng
đắn là điều thiết yếu. Chúa không quan tâm đến người bên ngoài, hồn, trong một
Cơ Đốc nhân; Ngài chú ý đến người bên trong của chúng ta, là linh. Nếu người
bên trong không ở trong một tình trạng đúng đắn, toàn bộ cách sống của chúng ta
sẽ bị đảo lộn, cho dù sự sống – hồn chúng ta vẫn thịnh vượng.
Kinh Thánh không phải không nói gì về tình
trạng đúng đắn của linh tín đồ. Nhiều tín đồ có kinh nghiệm đã trải qua các sự
nài khuyên của Kinh Thánh. Họ đã ý thức rằng nếu muốn gìn giữ vị trí chiến
thắng và khả năng cùng lao tác với Đức Chúa Trời, một tín đồ phải giữ linh mình
trong các tình trạng khác nhau theo như Kinh Thánh đã dạy dỗ. Chúng ta đã thấy
rằng linh được kiểm soát bởi ý muốn được đổi mới của tín đồ. Điều này rất quan
trọng vì một tín đồ chỉ có thể đặt linh mình trong tình trạng đúng đắn bởi ý
muốn của người ấy. Vì chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của việc linh ở
trong tình trạng đúng đắn, nên chúng ta không cần phải lặp lại điều đó nữa.
THỐNG HỐI
“Jehovah…cứu những người thống hối trong
linh” (Thi 34:18). “Vì Đấng cao cả và được tôn cao, Đấng cư trú trong cõi đời
đòi, có danh là thánh, nói như vầy: Ta sẽ cư trú trong nơi cao và thánh, và với
sự thống hới và khiêm ti của linh” (Isa 57:15)
Thường có một sự hiểu lầm rằng chúng ta chỉ
cần linh thống hối khi ăn ăn tin Chúa hoặc khi sa ngã và phạm tôi. Nhưng Đức
Chúa Trời muốn chúng ta liên tục giữ linh mình trong tình trạng thống hối. Dù
chúng ta có thể không phạm tội hằng ngày nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta liên
tục ăn năn với sự thống hối vì xác thịt chúng ta vẫn hiện hữu, và nó có thể
hoạt động bất cứ lúc nào. Một linh như vậy sẽ giữ chúng ta khỏi việc đánh mất
sự thức canh. Chúng ta đừng bao giờ phạm tội, nhưng chúng ta phải liên tục
thống hối vì chúng ta là tội lỗi. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời có thể được
cảm nhận trong một linh như vậy.
Đức Chúa Trời không muốn chúng ta thỉnh thoảng
mới ăn năn, cho rằng như vậy là đủ rồi; Ngài muốn chúng ta liên tục ăn năn với
sự thống hối trong cách sống của mình. Bởi đó, ngay khi có bất kỳ sự bất hòa
nào với Thánh Linh trong cách sống và cách cư xử, chúng ta có thể lập tức cảm
thức được và đau buồn về điều đó. Chỉ bởi như vậy chúng ta mới có thể thừa nhận
mình sai khi người khác nói chúng ta thật sự sai. Sự năn năn thống hối là rất
cần thiết vì một tín đồ, cho dù đã kết hiệp với Chúa trong một linh, vẫn có thể
lầm lạc. Linh có thể lầm lạc (Isa 29:24) cho dù linh không lầm lạc, thì tâm trí
cũng có thể trở nên mù mờ, không biết cách thực thi ý định của linh. Một linh
thống hối có thể khiến một tín đồ lập tức thừa nhận, mà không che đậy, các vấn
đề nhỏ nhặt không giống Chúa mà người khác nhìn thấy trong người ấy. Đức Chúa
Trời chỉ cứu những người có linh thống hối; Ngài không thể cứu bất cứ ai khác
vì Ngài cần một linh thống hối để khải thị ý định của Ngài. Nhưng ai che đậy và
thanh minh các lỗi lầm của mình chắc chắn là không có linh thống hối. Thậm chí
Đức Chúa Trời không thể cứu người ấy cách hoàn toàn. Chúng ta cần một linh có
thể tiếp nhận sự quở trách từ Thánh Linh cũng như từ những người thế giới và
chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta
chưa đạt đến giai đoạn mà mình đáng phải đạt đến. Khi đó, chúng ta sẽ nhìn thấy
sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong cách sống hằng ngày của chúng ta.
TAN VỠ
“Các sinh tế của Đức Chúa Trời là một linh
tan vỡ” (Thi 51:17)
“Tan vỡ” trong bản gốc có nghĩa là “run rẩy”.
Một số tín đồ, sau khi xưng nhận tội lỗi, vẫn bình thản trong linh như không có
chuyện gì xảy ra. Một linh lành mạnh, sau khi phạm tội, sẽ luôn tan vỡ - giống
như David. Thật ra, một người có một linh tan vỡ có thể dễ dàng được khôi phục
lại cho Đức Chúa Trời.
RUN RẨY
“Nhưng loại người mà ta đoái đến, là người
nghèo khó trong linh, có linh thống hối, và run rẩy vì lời ta” (Isa 66:2)
“Thống hối” trong bản gốc có nghĩa là “bị
đánh đập”. Đức Chúa Trời vui lòng khi linh của một tín độ thật cẩn trọng, như
thể luôn luôn ở dưới sự quở trách và đánh đập, kính sợ Đức Chúa Trời và lời
Ngài. Linh của một tín đồ phải đạt đến giai đoạn liên tục kính sợ Đức Chúa Trời.
Tấm lòng quá tự tin và cứng cỏi phải hoàn toàn tan vỡ, để cho lời Đức Chúa Trời
trở nên sự hướng dẫn trong mọi sự. Một tín đồ phải có sự tôn trọng thánh này,
tuyệt đối không có sự tin cậy nơi chính mình. Vì linh người ấy đã bị đánh đập,
nên người ấy không dám ngẩng đầu lên; thay vì vậy, người ấy luôn luôn vâng phục
Đức Chúa Trời. Một linh cứng cỏi luôn luôn là một sự ngăn trở trong việc vâng
phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Chỉ sau khi thập tự giá hoàn thành công tác
triệt để trong việc làm cho tín đồ có khả năng nhận biết cách sáng tỏ sự không
đáng tin cậy của các ý kiến, cảm xúc và ao ước của mình, người ấy mới không dám
quá tự tin. Người ấy trở nên hết sức thận trọng trong mọi sự, biết rằng mọi sự
sẽ thất bại nếu không có quyền năng can thiệp và giữ gìn của Đức Chúa Trời.
Chúng ta không được trở nên độc lập với Đức Chúa Trời. Hễ linh chúng ta không
còn run rẫy nữa thì nó sẽ có một ý định độc lập (quá tự tin). Chúng ta chỉ dựa
nương Đức Chúa Trời khi nhận thức minh đang ở trong tình trạng hoàn toàn vô
vọng. Một linh run rẩy giữ chúng ta khỏi việc thất bại và khiến chúng ta thật
sự nhận biết Đức Chúa Trời.
KHIÊM NHƯỜNG
“Thà làm một người có linh khiêm nhường ở với
người thấp hèn” (Châm 16:19)
“Nhưng người có linh khiêm nhường sẽ được tôn
trọng” (Châm 29:23)
“Ta sẽ cư trú….với sự thống hối và khiêm ti
của linh, để phục hồi linh của người khiêm ti” (Isa 57:15)
Khiêm nhường không phải là tự xem thường
mình; đúng hơn, đó là không nhìn vào chính mình. Thái độ tự phụ trong linh của
một tín đồ là bằng chứng cho thấy người ấy đã sa ngã. Sự khiêm nhường không chỉ
ở trước mặt Đức Chúa Trời mà còn ở trước mặt con người. Một linh khiêm nhường
có thể được nhìn thấy trong việc giao tiếp với người thấp hèn. Chỉ có một linh
khiêm nhường mới không xem thường bất cứ người nào Đức Chúa Trời sáng tạo. Sự
hiện diện và vinh hiển của Đức Chúa Trời được biểu lộ trong người nào có linh
khiêm nhường.
Một linh khiêm nhường là linh chịu dạy dỗ,
chịu khuyên lơn, và chịu tiếp nhận lời giải thích. Nhiều tín đồ quá kiêu căng
trong linh; vì vậy, họ chỉ có thể dạy người khác chứ không chịu nghe dạy. Nhiều
tín đồ quá ngoan cố, không thể lay chuyển trong linh đến nỗi họ khó có thể được
dạy dỗ. Dù có nhận thức mình sai, họ vẫn nắm giữ cái nhìn riêng. Nhiều tín đồ
quá cứng cõi trong linh nên không thể lắng nghe lời giải thích của người khác
về một sự hiểu lầm. Chỉ có một linh khiêm nhường mới có khả năng tiếp nhận. Đức
Chúa Trời cần một linh khiêm nhường để biểu lộ các mỹ đức của Ngài. Làm sao một
linh kiêu ngạo có thể lắng nghe tiếng của Thánh Linh và cùng lao tác với Thánh
Linh? Linh phải không có bất cứ dấu vết nào của sự kiêu ngạo và phải luôn luôn
mềm mại, dịu dàng và linh động. Một linh có bất cứ sự cứng cỏi nào thì không
giống với Linh của Chúa; vì vậy, linh đó không thể tương giao với Chúa. Linh
phải khiêm nhường, luôn luôn chờ đợi Chúa, và không kháng cự Chúa thì mới có
thể bước đi với Ngài.
NGHÈO KHÓ
“Phước cho người nghèo khó trong linh” (Matt
5:3)
Nghèo khó trong linh là nhận thức được mình
tuyệt đối không có gì. Mối nguy hiểm cho một tín đồ là có quá nhiều điều trong
linh. Chỉ những ai nhận thức mình nghèo khó trong linh mới có thể khiêm nhường.
Kinh nghiệm, sự tăng trưởng và sự tiến bộ của một tín đồ thường trở nên các báu
vật đáng giá trong linh, khiến linh đánh mất sự nghèo khó. Việc suy gẫm về các
sự thu đoạt của mình và chú ý đến các kinh nghiệm của mình là các mối nguy hiểm
rất quỷ quyệt. Tuy nhiên, tín đồ thường không nhận thức được điều này. Nghèo
khó là gì? Nghèo khó là không có gì cả. Nếu một tín đồ có kinh nghiệm sâu xa
nhất và luôn nhớ về kinh nghiệm đó thì nó giống như hàng hóa trong linh người
ấy và trở nên một lưới bẫy cho người ấy. Chỉ có một linh trống không mới khiến
một tín đồ đánh mất chính mình trong Đức Chúa Trời. Một linh giàu có sẽ khiến
một tín đồ trở nên tập trung vào chính mình. Sự cứu rỗi trọn vẹn giải phóng một
tín đồ ra khỏi bản ngã và quay trở lại với Đức Chúa Trời. Nếu một tín đồ cứ giữ
lại một điều gì đó cho chính mình, linh người ấy sẽ lập tức hướng nội và không
thể “vươn ra” để được kết hiệp trong Đức Chúa Trời.
NHU MÌ
“Một linh nhu mì” (Gal 6:1)
Đây là một tình trạng rất quan trọng đối với
linh. Sự nhu mì thì đối lập với sự cứng cỏi và ngoan cố. Đức Chúa Trời đòi hỏi
một linh nhu mì nơi chúng ta. Một linh khó uốn nắn thường đánh mất sự dẫn dắt
của Đức Chúa Trời. Một linh nhu mì có
thể từ bỏ ý muốn riêng và vâng phục Đức Chúa Trời trong thời gian ngắn nhất.
Người nào có linh nhu mì thì có thể lập tức dừng lại, theo sự dẫn dắt của Chúa,
mà Đức Chúa Trời không cần phải báo trước, ngay cả khi người ấy đang hết sức
thịnh vượng trong công tác của mình. Philip đã có một linh như vậy khi ông được
kêu gọi ở Samaria
để đi vào đồng vắng. Một linh nhu mì xoay chuyển tự do trong tay Đức Chúa Trời
theo như Đức Chúa Trời muốn. Một linh nhu mì không biết cách kháng cự Đức Chúa
Trời bước theo ý riêng. Đức Chúa Trời cần một linh thuận phục để hoàn thành ý
muốn của Ngài.
Một linh nhu mì cũng không kém phần quan
trọng đối với con người. Linh nhu mì là một linh giống như chiên con, một linh
của thập tự giá. “Đấng đã chịu lăng mạ mà không lăng mạ lại; chịu khổ mà không
đe dọa” (1 Pet. 2:23); đây là một linh nhu mì. Linh nhu mì sẵn lòng bị đối xử
bất công. Dù được luật pháp bảo vệ và có khả năng trả thù, người ấy cũng chẳng
hề sử dụng cánh tay xác thịt để bù đắp cho chính mình. Dù chịu đau khổ và thiệt
hại, linh này cũng không gây hại cho người khác. Ai có một linh như vậy sẽ cư
xử trong sự công nghĩa nhưng không đòi hỏi sự công nghĩa từ người khác. Người
ấy đầy dẫy tình yêu, ân điển và sự nhân từ; vì vậy, người ấy có thể cảm động
lòng của những người xung quanh.
NHIỆT THÀNH
“Chớ biếng nhác khi lòng nhiệt thành; hãy nóng
chảy trong linh, hãy phục vụ Chúa” (Rô ma 12:11)
Xác thịt có thể hăng hái trong chốc lát từ sự
kích động hoặc tình cảm, nhưng điều này chỉ là tạm thời và không kéo dài. Ngay
cả khi xác thịt nhiệt thành nhất, nó vẫn có thể rất lười biếng vì nó chỉ nhiệt
thành cho những điều phù hợp với ý muốn của nó. Sự nhiệt thành của nó chỉ nhờ
vào sự giúp đỡ của tình cảm. Nó không thể phục vụ Chúa trong những điều nó
không thích hoặc khi nó lạnh lẽo trong cảm xúc. Xác thịt không thể lao tác với
Chúa để liên tục làm việc cách chậm rãi, từng bước một, dù mưa hay nắng. Việc
“nhiệt thành trong linh” là một vấn đề lâu dài; chỉ khi đó chúng ta mới có thể
luôn luôn phục vụ Chúa. Chúng ta phải tránh mọi sự hăng hái thuộc xác thịt.
Chúng ta phải để cho Thánh Linh đổ đầy linh chúng ta và giữ linh chúng ta nhiệt
thành. Khi đó, cho dù tình cảm chúng ta lạnh lẽo, linh chúng ta vẫn không trở
nên lạnh lẽo và bất động trong công tác của Chúa.
Lời nói của vị sứ đồ trong câu này là một
lệnh truyền. Vì vậy, ý muốn được đổi mới của chúng ta có thể lựa chọn điều này.
Chúng ta phải vận dụng ý muốn của mình để chọn điều này. Chúng ta phải vận dụng
ý muốn của mình để chọn sự nhiệt thành. Chúng ta phải nói: “Linh tôi ao ước trở
nên nhiệt thành và không chấp nhận trở nên lạnh lẽo”. Khi tình cảm của chúng ta
hoàn toàn thờ ơ, chúng ta phải để cho linh nhiệt thành của mình kiểm soát mọi
sự, không để cho các cảm xúc hâm hẩm của chúng ta đắc thắng chúng ta. Việc luôn
luôn phục vụ Chúa trong sự đơn nhất là một sự biểu minh của linh nhiệt thành.
ĐIỀM TĨNH
“Người nào có linh điềm tĩnh là người có sự
hiểu biết” (Châm 17:27, ASV)
Linh chúng ta cần phải nhiệt thành. Linh cũng
cần điềm tĩnh hoặc bình tịnh. Sự nhiệt thành liên hệ đến việc không “biếng nhác
khi lòng nhiệt thành….phục vụ Chúa” sự điềm tĩnh có liên hệ đến tri thức.
Nếu linh chúng ta không điềm tĩnh, các hành
động của chúng ta thường mất kiểm soát. Chủ đích của kẻ thù là khiến các thánh
đồ đi chệch hướng và mất liên lạc với Thánh Linh. Chúng ta thường thấy rằng khi
linh của một tín đồ không điềm tĩnh, người ấy thay đổi từ một cách sống theo
nguyên tắc sang một cách sống theo tình cảm.
Ban đầu, linh và tâm trí liên kiết chặt chẽ
với nhau. Chỉ cần linh mất bình tĩnh, tâm trí sẽ bị kích động; chỉ cần tâm trí
trở nên nhiệt thành, tín đồ sẽ mất kiểm soát trên nhiều hành động của mình và
trở nên bất thường. Vì vậy, duy trì một linh bình tĩnh thì luôn luôn có ích. Để
giữ cho bước đi của chúng ta luôn luôn ở trên lối mòn của Chúa, chúng ta phải
liên tục phớt lờ sự phấn khích trong tình cảm, sự gia tăng trong ao ước và sự
bối rối trong tâm trí; thay vào đó, chúng ta phải rút lui để cân nhắc mọi vấn
đề trong linh bình tĩnh của chúng ta. Nếu hành động mỗi khi linh bị kích động,
chung ta e rằng mọi hành động ra từ đó sẽ nghịch lại với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Để có tri thức về bản ngã, Đức Chúa Trời,
Satan, và hiểu biết mọi sự cách thấu đáo, chúng ta phải có sự bình tĩnh trong
linh, điều mà những tín đồ thuộc hồn không bao giờ có. Thánh Linh phải đổ đầy
linh tín đồ. Hồn phải hoàn toàn bị đặt vào chỗ chết để linh có thể có một sự
bình tĩnh khôn xiết. Bất kể có các sự thay đổi trong hồn, thân thể hoặc môi
trường, sự bình tĩnh trong linh chắc chắn sẽ không bị đánh mất. Giống như biển,
dù sóng có vỗ ầm ầm trên bề mặt, thì đáy biển vẫn luôn tĩnh lặng. Trước khi một
tín đồ phân rẽ hồn với linh, mỗi khi có chuyện xảy ra bất ngờ, toàn bản thể
người ấy lập tức bối rối, hoang mang hoặc lúng túng không biết làm gì hay ít
nhất là bị rúng động trong chủ đích của mình. Đây là do thiếu tri thức thuộc
linh và thiếu sự phân rẽ hồn với linh. Vì vậy, để duy trì sự phân rẽ hồn với
linh, người ấy phải duy trì sự điềm tĩnh trong linh. Khi ấy, tín đồ sẽ có kinh
nghiệm “không thể rúng động”. Bất kể hoàn cảnh bên ngoài quấy rầy đến đâu cũng
không thể khiến người ấy đánh mất sự điềm tĩnh và bình an bên trong. Cho dù núi
có sụp trước mắt người ấy, người ấy vẫn không đánh mất sự điềm tĩnh của mình.
Điều này không phải là do sự suy gẫm của con người mà là bởi tín đồ nương dựa
sự khải thị của Thánh Linh về tình trạng thật của mọi sự và bởi sự giới hạn hồn
của tín đồ. Điều này ngăn không cho hồn kiểm soát linh.
Vấn đề chúng ta đang bàn đến liên hệ đến sự
kiểm soát của ý muốn. Linh chúng ta phải thuận phục sự kiểm soát của ý muốn
chúng ta. Ý muốn chúng ta ao ước sự nhiệt thành; ý muốn của chúng ta cũng ao
ước sự điềm tĩnh. Chúng ta không được để cho tình trạng thuộc linh của mình
vượt quá tầm kiểm soát của ý muốn. Linh phải nhiệt thành trong công tác của
Chúa, nhưng cũng phải duy trì thái độ điềm tĩnh khi thực hiện công tác của Chúa.
VUI MỪNG
“ Và linh tôi hớn hở trong Đức Chúa Trời Cứu
Chúa tôi” (luke 1:47)
Linh của một tín đồ phải nhận lấy thái độ tan
vỡ đối với bản ngã (Thi 51:17), nhưng đồng thời phải vui mừng trong Đức Chúa
Trời. Tín đồ vui mừng không phải vì có một điều gì đó vui mừng hoặc bất cứ kinh
nghiệm, công tác, phước hạnh hay môi trường riêng nào. Người ấy vui mừng vì Đức
Chúa Trời là trung tâm của người ấy. Nói cho đúng, ngoài Đức Chúa Trời ra,
không điều gì có thể khiến một tín đồ vui mừng.
Nếu linh của một tín đồ bị đè nén bởi sự lo
lắng, đau khổ hoặc buồn rầu, lập tức linh người ấy bị bỏ rơi. Linh trở nên chán
nản và đánh mất vị trí đúng đắn, không thể hoàn thành sự dẫn dắt của Thánh
Linh. Một khi linh tín đồ bị đè nén bởi các gánh nặng, lập tức linh đánh mất sự
nhanh nhẹn, tự do, sáng suốt và rớt khỏi vị trí thăng thiên. Nếu thời gian buồn
rầu kéo dài, mức độ tổn hại mà linh phải chịu là không dò lường được. Vào một
lúc như vậy, không điều gì khác có thể giúp đỡ ngoại trừ vui mừng trong Đức
Chúa Trời. Vui mừng trong sự kiện Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời; vui mừng
trong cách Đức Chúa Trời hoàn thành mọi sự để làm Cứu Chúa của chúng ta. Một
tín đồ không được đánh mất tiếng “hallelujah” của mình.
KHÔNG HÈN NHÁT
“Vì Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta một
linh hèn nhát, mà là linh quyền năng, yêu thương và tỉnh táo “2 Tim 1:7).
Hèn nhát không phải là khiêm nhường. Khiêm
nhường là tuyệt đối quên đi bản ngã của mình – các sự yếu đuối cũng như các sự
mạnh mẽ của mình. Một người hèn nhát thì ghi nhớ các sự yếu đuối và bản ngã của
mình. Rụt lại và nhút nhát thì không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Về một mặt,
Đức Chúa Trời ao ước chúng ta run rẫy vì chúng ta không là gì cả, nhưng mặt
khác, Ngài muốn chúng ta dạn dĩ bước tới bởi quyền năng của Ngài. Dạn dĩ là làm
chứng cho Chúa, chịu đau khổ, mang sự sỉ nhục, đánh mất mọi sự, nương cậy nơi
Chúa và tin cậy tình yêu sự khôn ngoan, quyền năng, sự thành tín và các lời hứa
của Ngài. Đây là điều Chúa ao ước nơi chúng ta. Mỗi khi thấy mình rụt lại trong
các vấn đề như làm chứng cho Chúa, chúng ta phải nhận thức rằng linh chúng ta
đã rời khỏi tình trạng đúng đắn. Chúng ta phải giữ linh mình trong “sự không sợ
hãi”.
Chúng ta phải có một linh quyền năng, yêu
thương và một tâm trí tỉnh táo . Linh chúng ta cần mạnh mẽ và đầy quyền năng,
nhưng không nên trở nên mạnh đến nỗi không yêu thương nữa. Việc yên lặng, tự kỷ
luật và không dễ bị kích động cũng rất quan trọng. Để chống cự kẻ thù, linh
chúng ta cần mạnh mẽ; để đối xử với người thế giới, linh chúng ta cần yêu
thương; để cư xử cách đúng đắn, linh chúng ta cần tỉnh táo.
W.N. (Người Thuộc Linh)