Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

NHÂN TÍNH ĐƯỢC NÂNG CAO VỚI THẦN TÍNH CỦA SỨ ĐỒ PAUL TRONG 1 CONRINTH (2)




SỰ PHẤN ĐẤU TRONG NẾP SỐNG PHỤC VỤ
CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT NHÂN TÍNH
ĐƯỢC NÂNG CAO VỚI SỰ ỦY THÁC (1)

Lời giới thiệu
Ngay từ đầu chúng ta cần được nhắc nhở rằng đây là sự huấn luyện về sự phục vụ . Tại sao chúng ta ở đây? Vì chúng ta có sự ao ước phục vụ Chúa. Chúng ta hi vọng rằng sau tuần này toàn bộ cái nhìn của chúng ta về nếp sống phục vụ sẽ trở nên rất khác. Sách 1 Corinth chỉ tỏ rằng nếp sống phục vụ là một nếp sống tranh đấu. Điều đó giống như các bậc cha mẹ dưỡng dục con cái của họ. Dưỡng dục một đứa trẻ là một sự tranh đấu, vì không người cha người mẹ nào biết cách. Không ai có thể nói: “Tôi biết cách dưỡng dục con cái mình. Tôi có thể làm được. Tôi có bí quyết”. Ngay cả một tiến sĩ giáo dục cũng chỉ có thể giúp đỡ anh em về mặt lý thuyết. Cha mẹ không dưỡng dục con cái theo lý thuyết. Họ chỉ có thể dưỡng dục con cái bằng cách tranh đấu. Để phục vụ trong nếp sống hội thánh, chúng ta phải học cách tranh đấu. Nếp sống phục vụ là một nếp sống tranh đấu.

Nếu muốn phục vụ, nếu muốn tranh đấu, nếu muốn là một người phục vụ lành mạnh và đúng đắn, chính chúng ta phải là một người đặc biệt. Để trở nên loại người này, chúng ta cần năm điều: 1) Chúng ta cần có một sự ủy thác; 2) Chúng ta cần nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời; 3) Chúng ta cần ở với các hội thánh địa phương; 4) Chúng ta cần có các sự mong đợi cao trọng; và 5) Chúng ta phải có một nếp sống lao tác vì Thân Thể Đấng Christ. Chúng ta đừng nghĩ năm chi tiết này là dễ, vì không điều nào trong số đó hiện hữu với tâm lý thông thường của chúng ta. Là một người bình thường, chúng ta không có sự suy xét về năm chi tiết này. Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói: “Tôi rất biết ơn Chúa. Tôi được cứu. Tôi yêu Ngài. Vì tôi yêu Ngài rất nhiều nên tôi biết tôi là một người có sự ủy thác thần thượng”. Hầu hết chúng ta làm những điều thuộc linh vì đó là những điều chúng ta cần phải làm. Tại sao một số thánh đồ lau chùi phòng nhóm? Họ có thể nói: “Chẳng có ai làm cả. Nếu tôi không làm thì phòng nhóm sẽ rất dơ bẩn”. Điều này có nghĩa là việc phục vụ của họ không phải là một sự ủy thác. Thay vì vậy, đó là một bổn phận. Nếu điều chúng ta thực hiện trong nếp sống hội thánh chỉ là một bổn phận, chúng ta sẽ không bao giờ dưỡng dục được bất cứ người nào và không bao giờ có thể phục vụ trong nếp sống hội thánh cách đúng đắn.
Một số thánh đồ được “phục sinh” bởi các sự phục vụ đặc biệt, chẳng hạn như một bữa tiệc yêu thương. Họ trở nên nhiệt thành và đầy dẫy hoạt động, rồi khi tiệc tàn họ “chết” trở lại. Tại sao các thánh đồ trải qua điều này? Vì không có sự ủy thác thần thượng. Chỉ có sự ủy thác về một hoạt động, là điều không bao giờ có thể xây dựng hội thánh. Chi tiết đầu tiên trong năm chi tiết trọng yếu để phục vụ trong nếp sống hội thánh là chính chúng ta phải được ủy thác cách thần thượng. Chúng ta có thể nghĩ: “Tôi không biết anh đang nói gì. Tôi yêu Chúa. Điều đó chưa đủ sao? Tôi tham dự tất cả các buổi nhóm. Điều đó chưa đủ sao? Tôi nói tiên tri. Điều đó chưa đủ sao?” Vâng, chưa đủ. Chỉ làm những anh chị em tốt thì không đủ, chúng ta phải là những người có sự ủy thác thần thượng!
Chi tiết thứ hai chúng ta phải có vì một nếp sống phục vụ ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta được ủy thác như thế nào? Qua ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã bao giờ xem xét: “Tôi sống và phục vụ bởi vì ý muốn của Đức Chúa Trời” chưa? Đây không phải là “ý muốn của Đức Chúa Trời” mà chúng ta thường ngụ ý. Đối với chúng ta, “ý muốn của Đức Chúa Trời” thường có nghĩa là “ nếu Đức Chúa Trời cho phép”. Các Cơ Đốc nhân thường nói: “Nếu Đức Chúa Trời muốn, ngày mai tôi sẽ gặp anh” hoặc đại loại như vậy. Họ hành động như thể đây là tất cả những gì Đức Chúa Trời phải quan tâm. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời rất bận rộn thực hiện ý muốn của chính Ngài, chứ không phải ý muốn của chúng ta. Đức Chúa Trời rất có chủ đích. Đức Chúa Trời có ý muốn của Ngài. Sự ủy thác của chúng ta trong nếp sống phục vụ của chúng ta phải là qua ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chi tiết thứ ba trong nếp sống phục vụ của chúng ta là chúng ta phải ở với một hội thánh địa phương. Sứ đồ Paul đã viết 1 Corinth như một bức thư gởi cho một hội thánh địa phương. Giả sử một người nào đó nói hội thánh địa phương của chúng ta không quan trọng lắm vì nó quá nhỏ. Chúng ta nên phản ứng: “Một hội thánh địa phương là một hội thánh địa phương! Anh nói hội thánh này quá nhỏ là ý gì? Đức Chúa Trời tôn trọng hội thánh này, còn anh là ai?” Thứ nhất, chúng ta phải có sự ủy thác thần thượng; thứ hai, sự ủy thác của chúng ta phải là qua ý muốn của Đức Chúa Trời; và thứ ba, chúng ta cần ở trong các hội thánh địa phương.
Paul đã viết cho hội thánh tại Corinth với các sự mong đợi cao trọng. Đây là chi tiết thứ tư vì nếp sống phục vụ của chúng ta. Đây là chi tiết thứ tư vì nếp sống phục vụ của chúng ta. Ngày nay thật khó để tìm được một hội thánh có nhiều nan đề như hội thánh tại Corinth. Dường như Đức Chúa Trời đã cho phép hội thánh tại Corinth trở nên sự tổng cộng của mọi nan đề mà một hội thánh địa phương có thể có. Corinth có các nan đề thần thượng và các nan đề loài người, các nan đề với xác thịt và sự sống – bản ngã, các nan đề về lẽ thật và sự sống. Tuy nhiên, Paul đã viết cho họ với các sự mong đợi cao trọng như vậy. Khi nghĩ về hội thánh địa phương của mình, chúng ta có các sự mong đợi nào? Chúng ta mơ về điều gì? Chúng ta thấy điều gì? Mỗi người phục vụ phải là một “người nằm mơ” với các sự mong đợi cao trọng về tất cả các thánh đồ. Chúng ta không nên nhìn các thánh đồ như “những công cụ” để chúng ta sử dụng. Khi nhìn các thánh đồ, chúng ta cần đầy dẫy các sự mong đợi. Khi ấy, các thánh đồ ở dưới sự chăn dắt của chúng ta sẽ được chúc phước.
Chúng ta có thể có ba chi tiết đầu, nhưng khi đến chi tiết này chúng ta thường cảm thấy: “Ô Chúa, điều này không dễ”. Nếu là những người phục vụ, chúng ta phải tự hỏi các sự mong đợi của chúng ta ở đâu? Trong tuần vừa qua, có bao nhiêu thánh đồ đã đi qua con người của chúng ta và khi họ đi qua, có bao nhiêu sự mong đợi trỗi lên trong chúng ta? Thường khi chúng ta phục vụ , vì một lý do nào đó, chúng ta từ chương trình này đến chương trình khác. Chúng ta chỉ vui mừng là các thánh đồ vẫn còn ở trong sự khôi phục của Chúa. Chúng ta đừng có sự mong đợi quá vô nghĩa như vậy trong sự phục vụ của mình. Thay vì vậy, chúng ta phải đầy dẫy hi vọng. Lý do chúng ta không đủ phẩm chất phục vụ là vì chúng ta không được các sự mong đợi chiếm hữu. Khi một người phục vụ tốt lành xem xét hội thánh địa phương của mình, người ấy được chiếm hữu bởi hi vọng và các sự mong đợi cao trọng về các thánh đồ. Nếu không nhìn thấy điều này, chúng ta không thể phục vụ. Phục vụ thì giống như làm cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn đầy hi vọng về con cái họ, nếu không thì làm thế nào họ có thể dưỡng dục chúng? Các bậc cha mẹ giỏi luôn tìm ra cách để con cái họ có sự phát triển và giáo dục tốt nhất. Họ phải chắc chắn rằng các tài năng của con cái họ được biểu lộ để chúng có thể đạt được thành công lớn nhất. Chỉ khi chúng ta giống như vậy chúng ta mới có thể phục vụ các thánh đồ cách đúng đắn.
Chi tiết cuối cùng nếp sống phục vụ của chúng ta là để chúng ta nhìn thấy Thân thể Đấng Christ. Bức thư này không chỉ được viết cho hội thánh tại Corinth mà còn được viết cho “những người đã được thánh hóa trong Christ Jesus, được gọi là thánh đồ, cùng với mọi người kêu cầu danh Chúa Jesus Christ ở mọi nơi, Đấng là của họ và của chúng ta” (1 Cor 1:2). Điều này có nghĩa là thơ tín 1 Corinth thật ra dành cho Thân Thể Đấng Christ. Trong mọi sự chúng ta làm, chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta là một phần của Thân Thể. Chúng ta yêu cầu Thân Thể, chúng ta phục vụ Thân Thể, và bông trái sự lao tác của chúng ta phải vì Thân Thể. Mọi sự phải vì Thân Thể Đấng Christ.
VỚI SỰ ỦY THÁC
Sứ đồ Paul là một sứ đồ được kêu gọi của Christ Jesus. Cương vị sứ đồ của ông không phải là một địa vị, và đó cũng không phải là một danh hiệu. Cương vị sứ đồ của ông ra từ thân vị của ông. Ông là một sứ đồ, một sứ đồ được cấu thành. Do đó, sự vận hành và vận dụng của ông trở nên cương vị sứ đồ của ông. Cương vị sứ đồ của Paul ta từ thân vị của ông, Thân vị của ông đã được kêu gọi, và trong thân vị, ông là một sứ đồ. Danh hiệu của ông không quan trọng. Dù ông được gọi là “anh Paul”, “sứ đồ Paul” hay đơn giản là “Paul”, ông vẫn là một sứ đồ. Cương vị sứ đồ của ông không đến từ sự sinh ra của ông, nhưng bởi sự cấu thành thần thượng trong nhiều năm. Sau đó, trong sự vận hành của mình, ông đã dấy lên các hội thánh, chỉ định các trưởng lão, dấy lên các đồng công cùng với các tín đồ, và rao giảng phúc âm. Sự vận hành và vận dụng của ông đã trở nên cương vị sứ đồ của ông.
Dù chúng ta không phải là sứ đồ, nhưng chúng ta cũng được kêu gọi giống như Paul. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Paul và Đức Chúa Trời cũng đã kêu gọi chúng ta. Khi ao ước phục vụ, chúng ta cần nhận thức rằng không phải chúng ta đang làm một điều thuộc linh hay thực hiện một công tác thuộc linh. Đừng nói: “Chúa đã bảo tôi rằng tôi phải nói tiên tri vào mỗi buổi sáng Ngày của Chúa”. Khi ấy, điều đó trở nên một điều thuộc linh. Chúa có thể dẫn dắt anh em theo cách như vậy, nhưng điều đó không nên được nhận lấy như một điều thuộc linh. Theo cùng một cách, các đồng công không nên nghĩ: “Chúa đã ban cho tôi khu vực này”. Không, Chúa đã không kêu gọi chúng ta để thực hiện một công tác hay một điều thuộc linh. Trái lại, sự phục vụ của chúng ta phải là “con người” của chúng ta, sự vận hành của chúng ta phải là thân vị của chúng ta, sự lao tác của chúng ta phải là với sự ủy thác của chúng ta. Sẽ không có thực tại trong sự phục vụ thuộc linh của chúng ta cho đến khi điều này sáng tỏ. Sự phục vụ của chúng ta phải là thân vị chúng ta. Loại người chúng ta trở nên sự phục vụ của chúng ta. Hơn nữa, sự lao tác của chúng ta phải là với sự ủy thác của chúng ta. Chúng ta được ủy thác điều gì? Sự ủy thác đó là thân vị của chúng ta. Thân vị và sự ủy thác của chúng ta cần phải là cùng một điều, với sự cấu thành thần thượng. Chúng ta phải có khả năng nói: “Sự phục vụ của tôi là thân vị của tôi, sự vận hành của tôi là thân vị của tôi, và sự lao tác của tôi là thân vị với sự ủy thác của tôi.” Sẽ không có thực tại trong sự phục vụ thuộc linh của chúng ta cho đến khi điều này sáng tỏ. Cùng lắm chúng ta chỉ hoàn thành các công việc suông.
Nếu thân vị của chúng ta không đúng đắn thì không điều gì khác sẽ có hiệu quả. Nếu thân vị của chúng ta thiếu hụt thì sự phục vụ của chúng ta sẽ không lành mạnh. Bên trong chúng ta phải có một điều gì đó như một sự ủy thác thần thượng. Thí dụ, nếu chúng ta đang thực hiện một sự ủy thác thần thượng trong sự cung phụng của mình, thì dù có một trăm người hay chỉ có một người, chúng ta vẫn cung phụng. Có một điều gì đó bên trong chúng ta như một sự ủy thác thần thượng. Nếu có nhu cầu phát ngôn với một nhóm đông người thì chúng ta cung phụng. Nếu không có nhu cầu phát ngôn theo cách đó, chúng ta vẫn sẵn lòng ngồi xuống với chỉ một người và tương giao gánh nặng của chúng ta. Chúng ta có gánh nặng như nhau dù có ba ngàn người, ba trăm người, hay chỉ một người. Nhưng khi thế yếu và tố chất của sự ủy thác chúng ta biến mất thì còn lại một công tác. Chúng ta đánh mất sự tươi mới trong sự phục vụ của mình.
Chúa Jesus là người có một sự ủy thác thần thượng như vậy. Ngài rao giảng cho đám đông, và Ngài cho năm ngàn người ăn. Tuy nhiên, Ngài cũng đi một chặng đường dài để có được một người đàn bà Samaria vô luân. Ngài đã được ủy thác. Ngài có gánh nặng. Sự ủy thác này là chính thân vị của Ngài. Chúng ta cũng phải giống như vậy: Sự ủy thác của chúng ta phải là thân vị chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta là những người chỉ chuẩn bị một sứ điệp, để nếu có một đám đông lớn thì chúng ta sẽ cung phụng, còn nếu không có một đám đông lớn thù chúng ta không có gì để nói, điều đó sẽ không bao giờ có hiệu quả. Tự nó, một sứ điệp không bao giờ có hiệu quả. Chúng ta phải có một sự ủy thác, với một điều gì đó được cấu thành trong thân vị của chúng ta. Sự cấu thành đó trở nên chính “bản thể” của chúng ta. Điều đó bùng cháy trong thân vị của chúng ta khiến chúng ta ao ước điều đó bước ra. Khi ấy, nếu có một người ở với chúng ta, chúng ta tương giao. Nếu có một số người chúng ta dạy dỗ họ. Nếu có một nhóm người, chúng ta phát ngôn với họ. Với một đám đông lớn, chúng ta cung phụng. Dù ở trong tình huống nào đi nữa, chúng ta cũng được chiếm hữu bởi niềm ao ước là mọi sự phong phú của chúng ta bước ra đến với những người chúng ta phục vụ.
Việc chúng ta được khích lệ hoặc nản lòng trong sự phục vụ của mình là bình thường, nhưng chúng ta đừng bao giờ sợ bị sao lãng khỏi sự ủy thác của mình. Sự ủy thác của chúng ta phải không bao giờ bị “mờ nhạt đi”. Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta đang phục vụ những người trẻ và chỉ có hai người xuất hiện trong buổi tập trung của học sinh trung học, điều đó có thể vì họ là những người thật sự cần điều đó. Đó có thể là cơ hội tốt nhất có được họ.
Có thể nếu có nhiều người hơn vào lúc đó thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, chúng ta nhìn vào sự phục vụ thuộc linh như một việc phải làm. “Tôi sẽ làm điều này. Tôi sẽ thực hiện điều này để hoàn thành bổn phận và nghĩa vụ của mình”. Khi ấy, chúng ta hụt mất điều cốt lõi. Một lần nữa, sự phục vụ của chúng ta là phải là “bản thể” chúng ta, sự vận hành của chúng ta phải là thân vị chúng ta, và sự lao tác của chúng ta phải là với sự ủy thác của chúng ta. Sẽ không có thực tại trong sự phục vụ thuộc linh của chúng ta cho đến khi điều này sáng tỏ. Chúng ta đừng bao giờ nói: “Các trưởng lão đã bảo tôi chịu trách nhiệm về công tác sinh viên”. Điều đó cũng không là gì cả. Chúng ta không cần ai bảo chúng ta phải chịu trách nhiệm. Chúng ta chịu trách nhiệm vì cớ thân vị của chúng ta. Chúng ta không cần một “sự chỉ định” khi phục vụ. Thí dụ, có thể chúng ta đơn giản yêu những người trẻ và muốn chăm sóc họ. Chúng ta có những điều thần thượng được cấu tạo vào trong chúng ta, và điều đó vận hành trong chúng ta để trở nên một phước hạnh đối với những người trẻ. Nếu chúng ta là con người đúng đắn, khi ấy chúng ta đơn giản chăm sóc những người chúng ta phục vụ. Nếu chúng ta không phải là con người đúng đắn, thì dù chúng ta cố gắng hết sức cũng không có hiệu quả. Đó không phải là vấn đề chỉ định. Ngay từ đầu, chúng ta phải nhận thức rằng nếu muốn phục vụ, chúng ta phải có một sự ủy thác thần thượng.
(Còn tiếp)
Thiên Trình Sưu tầm—