1 Cor. 15: 45, 54-56 “A-đam sau hết
lại nên linh ban sự sống-“Sự chết đã bị sự đắc thắng nuốt mất”. “Ớ sự chết, sự
đắc thắng của mầy ở đâu? Ớ sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” Cái nọc của sự chết
là tội lỗi, quyền lực của tội lỗi là luật pháp.
Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta sự đắc thắng bởi Chúa
chúng ta là Jêsus Christ”.
Heboro 2:14, “hầu cho nhờ sự chết
mà Ngài có thể diệt trừ (phế thải) kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ”.
Theo tiếng Hi lạp, từ ngữ “sự chết”
là θανάτος, tiếng Pháp là: la mort; tiếng Anh là: the Death; tiếng Hoa là: 死亡 = tử vong. Nhà khoa học định nghĩa sự chết là
tình trạng bị cắt đứt đối với nguồn sống. Thí dụ, một cành hoa bị cắt khỏi gốc,
nó còn sống trong chính nó, nhưng nó đã chết đối với nguồn sống của gốc cây hoa.Chết
là tách rời khỏi Chúa là nguồn sự sống.
Ngay từ vườn Ê-đen, chúng ta thấy
sự chết, vũ khí lợi hại của satan, đã khai chiến tấn công sự sống của Đức Chúa
Trời. Lời Chúa dự báo trước cùng A-đam đã ứng nghiệm khi A-đam sa ngã; “nhưng về
cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ
chết” (Sáng 2:17).
Những câu kinh thánh trên đây cho
thấy có sự giao chiến trải nhiều đời giữa Chúa là Linh ban sự sống và Ma quỷ--
kẻ cầm quyền sự chết. Các bạn có thấy hội thánh là mục tiêu tấn kích của satan,
và là bãi chiến trường của sự tranh chấp rất căng thẳng nầy chăng?
Quyền năng sự chết của satan tấn
công dân Chúa theo hai ý nghĩa: 1/ là tìm cách giết tín đồ về mặt thân thể vật
lí- 2/ tìm cách làm cho tín đồ liệt nhược, chết cứng về mặt thuộc linh như:--
không còn đói khát lời Chúa, không muốn cầu nguyện tương giao với Chúa. Phao lô
có nói tình trạng tín đồ góa bụa mà chết thuộc linh là, “Nhưng bà goá nào buông
lung vui thú, thì dẫu sống cũng như chết” (1 Tim. 5:6). Đối với hạng loại tín đồ
chết cứng nầy, Phao lô giải thích là họ bị luật của sự chết chi phối, “Vì luật
của Thánh Linh của sự sống trong Christ Jêsus đã buông tha tôi khỏi luật của tội
lỗi và sự chết”. (Rô ma 8:2).
Luật của tội lỗi hành động khiến
tín đồ không thể không phạm tội, và còn tích cực, và năng động phạm tội nữa,
nhưng luật của sự chết vận hành khiến tín đồ không thể không chết, hay qua đời,
và khi còn sống vật lí thì trở nên liệt nhược đối với những yêu cầu của Chúa.
Kinh thánh có mô tả “nọc sự chết”
(1 Cor 15: 55 ); “mùi sự chết” (2 Cor, 2:16); dây sự chết (Thi 18:4; 116:3)—tất
cả với chủ tâm đưa tín đồ xuống mồ càng sớm càng tốt hoặc làm cho họ sống tình
trạng thuộc linh dẫu sống cũng như chết, và liệt nhược thuộc linh rồi.
-
1. Sự
chết tấn công tín đồ Cựu ước:
a. Cây
sự sống:
Sau khi loài người sa ngã, Chúa đặt
cherubim ngăn bàn tay loài người tội lỗi hái trái cây sự sống, ngụ ý Ngài chặn
sự tấn công của sự chết vào sự sống của Đức Chúa Trời
b. Ca-in
và A-bên:
Ngày sau khi Chúa chối từ của lễ
bằng “việc làm” của Ca-in, Chúa cảnh cáo Ca-in, “tội lỗi rình đợi trước cửa,
thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó”. Tội đó là satan, đã truyền sự chết
vào Ca-in, và sau đó anh ta đã giết em mình. Ngay sau khi A-bên chết, Chúa liền
xuất hiện hạch hỏi Ca-in, “em của ngươi đâu?”. Đó là thái độ của Đức Chúa đối với
sự sống—Ngài ghen tức về sự sống, và chống đối sự chết.
c. Nô-ê:
Sáng. 9: 6
Chúa ra quy luật để chống lại sự
tấn công của sự chết. Chúa phán, “Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người
khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài”. Chúa sẽ
làm cho công bằng trong lãnh vực sự sống. Bạn cướp lấy của con người điều mà bạn
sẽ bị cướp lại, bạn không được thêm gì cả. Đó là một cảnh cáo nghiêm trọng bày
tỏ cho con người biết thái độ của Đức Chúa Trời là gì đối với sự sống.
d. Hê-nóc,
Sáng 5:24, “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời
tiếp người đi”.
Tư tưởng Đức Chúa Trời hướng về sự
sống, không hướng về sự chết. Đức Chúa Trời chống sự chết và bênh vực sự sống.
Trong danh sách ở Sáng thế ký chương 5 có chép một lọat người chết kể từ A-đam,
đột nhiên có Hê-nóc phá ngăn lịch sử sự chết. Đó là sự bù đắp cho tiến trình của
con người sa ngã đang xuống dốc. Trong tương lai, Chúa sẽ thu hoạch nhiều tín
nhân không trải qua sự chết, không trải qua mồ mả, giống như Hê-nóc. Giăng
11:26, “còn hễ ai sống mà tin Ta, thì đời đời hẳn chẳng hề chết”-1 Tê. 4: 17, “đoạn,
chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại, đều sẽ cùng họ được cất lên trong đám mây để
nghinh tiếp Chúa tại khoảng không; như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn”
e. Y-sác:
” Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình. ..Thiên-sứ phán rằng:
Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó” (Sáng 22: 10, 12a).
Trong hình bóng nầy, Y-sác cũng
không chết, và không vượt qua sự chết. Trong Y-sác lớn hơn, là Chúa Jesus, các
mục đích của Đức Chúa Trời được thực hiện, vì trong Đấng Christ, sự chết đã qua
đi, không còn nữa.
f.
Gióp: “Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Nầy,
các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó.-- Đức
Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ
mạng sống người.- Vợ người nói với người rằng: Uả? Ông hãy còn bền đỗ trong sự
hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi” (1: 12; 2: 6,9).
Trong việc satan đánh cuộc với Đức
Chúa Trời về Gióp, Ngài cho phép satan đụng chạm mọi sự của Gióp như con cái,
tài sản, thân thể, nhưng Chúa giới hạn, “hãy giữ mạng sống người”. Chúa ghen
tương về sự sống. Satan thù ghét sự sống và quỷ quyệt ra sức ép Gióp từ nhiều mặt
để gián tiếp giết Gióp—như hắn xúi giục vợ Gióp khuyên ông tự tử. Nhưng quyền sự
chết của satan thất bại. Gióp vẫn còn sống về mặt vật lí và sinh động về mặt sự
sống thuộc linh. Gióp nói, “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài;”
(13:15a). Ngón đòn sự chết của satan tấn công Gióp đã chiến bại.
g. Israel
xuất hành: “Vả, khi giữa đêm, Đức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ
Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị
tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật. Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết
thảy người Ai cập đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ai cập, vì chẳng
một nhà nào là không có người chết” (Xuất 12:29-30).
Quyền năng sự chết được thả ra
hành hại cả xứ trong đêm đó, nhà nào cũng có người chết, nhưng Israel được an
toàn dưới sự che chở của huyết Chiên Con Vượt Qua. Đức Chúa Trời luôn luôn bảo
vệ con cái Ngài trước sự tấn công của sự chết.
h. Luật
về huyết : “Phàm ai ăn một thứ huyết nào sẽ bị truất khỏi dân mình” (Lê. 7:27).
Thái độ của Đức Chúa Trời đối với
sự sống nói chung là cấm dân Israel ăn huyết, vì sự sống ở trong huyết. Con người
không được ăn huyết, bày tỏ rằng sự sống thuộc về Đức Chúa Trời. Sự sống thần
thượng ban cho tín đồ Tân ước cũng vậy, Đức Chúa Trời quý trọng sự sống và ghét
sự chết.
-
2. Sa
tan tấn công Chúa Jesus:
Chúa Jesus là Đức Chúa Trời mang
thân xác con người. Ma quỷ luôn luôn tìm cách giết mạng sống Ngài, tức là hủy
diệt nhân tánh của Ngài:
--Lu ca 4: 9-12, “Đoạn, ma quỉ dẫn
Ngài đến Giê-ru-sa-lem, đặt Ngài trên cánh dơi nóc đền thờ, mà nói rằng: “Nếu
Ngài là Con Đức Chúa Trời, hãy gieo mình xuống đi; vì có chép rằng: 'Chúa vì
ngươi sẽ truyền lịnh cho thiên sứ Ngài gìn giữ ngươi, Chúng sẽ nâng đỡ ngươi
trong tay, Kẻo ngươi vấp chân nhằm đá chăng.'” Jêsus cất tiếng đáp rằng: “Có
phán rằng: 'Ngươi chớ thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. Chúa Jesus không mắc lừa
satan để nhảy biểu diễn từ nóc đền thờ xuống đất. Thiên sứ không có trách nhiệm
cho những ai cảm tử, mạo hiễm để thử Đức Chúa Trời theo ý riêng, hầu mình được
nổi danh trong thế giới tôn giáo.
--Lu ca 4: 28-30, “Ai nấy ở trong
nhà hội nghe những điều đó, thì giận đầy, đứng dậy đuổi Ngài ra khỏi thành, kéo Ngài đến
chỗ hẳm trên núi mà họ đã xây thành, để quăng nhào Ngài xuống. Song Ngài qua khỏi giữa họ rồi đi”. Kể từ ngày
giảng bài đầu tiên khởi đầu chức vụ ba năm rưỡi tại nhà hội Na-xa rét, ma quỷ
luôn luôn xúi giục dân chúng tìm cách giết Chúa không thôi. Đó là sự tấn công của
satan vào mạng sống của Chúa Jesus. Chúa hỏi họ: “Cớ sao các ngươi tìm giết ta?-
Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỉ, và các ngươi muốn làm theo tư dục của
cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người..” (Giăng 7:19; 8:44).
San tan, kẻ cầm quyền sự chết cứ
theo Chúa vào Ghết-sê-ma-nê rồi lên đồi Gô-gô-tha giết Chúa. Tưởng đã thành
công, chẳng ngờ, “Đức Chúa Trời đã giải thống khổ của sự chết, khiến Người sống
lại, vì sự chết không thể giữ Người được--hầu cho nhờ sự chết mà Ngài có thể diệt
trừ kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ,..(Công 2:24; Hê. 2:14). Satan giết nhân
tánh Chúa thành công, nhưng từ nơi sự chết của nhân tánh Ngài, Ngài đã phế thải
quyền sự chết của hắn đời đời, khiến hắn không còn quyền đụng đến tín đồ phục
sinh của Chúa nữa.
3. Satan
tấn công hội thánh Tân ước.
Sau khi hội thánh được khai sinh,
thần chết đã giết được Ê-tiên, sứ đồ Gia cơ, rồi bắt sứ đồ Phi-e-rơ với dụng ý
đó. Nhưng Chúa đã can thiệp, làm trì hoản cái chết của Phi-e-rơ đến gần 40 năm
sau. Phần lớn hội thánh Tân ước phải trải qua sự chết tạm thời của thân thể vật
lí, nhưng Chúa là Đấng cầm các chìa khóa của sự chết và âm phủ thay cho thánh đồ.
Câu nầy cũng xảy ra cho nhiều con dân của Chúa, “Khi họ đã làm chứng xong rồi
thì con thú dưới vực sâu lên sẽ giao chiến cùng họ, đắc thắng họ và giết đi”
(Khải 11: 7). Nhưng lại có chép, “có kẻ khác bị khốc hình mà không chịu giải cứu,
để được sự sống lại tốt hơn.” (Heb 11:35).
Cũng giống như Chúa Jesus, vì Phao
lô gây thiệt hại nhiều cho vương quốc của hắn, nên satan muốn thanh toán Phao
lô ngay sau khi ông tin Chúa, và hắn cứ săn đuổi mạng sống ông suốt hơn 30 năm
chức vụ. “Nhưng Sau-lơ càng thêm năng lực, làm cho người Do-thái ở tại Đa-mách
đều luống công, và chứng minh Jêsus là Christ. Cách lâu ngày, người Do-thái đồng
mưu giết Sau-lơ—Đến sáng, người Do-thái đồng mưu thề độc rằng chẳng ăn chẳng uống
cho đến khi giết được Phao-lô. Công 9:22-23; 23:12).
Sự có mặt và sự rao giảng của anh
em có khiến cho satan tức giận đến nỗi săn đuổi mạng sống anh em cách kiên trì như
vậy chăng? Hãy nhớ rằng satan chỉ tranh chấp quyết liệt với dân hùng mạnh của
si-ôn mà thôi.
4. Kết
luận:
Tôi đã minh họa sự tranh chấp của
satan, thần chết đối với dân Si-ôn. Có hai chiến lược trong các sự tấn công của
satan vào hội thánh: 1/ sát hại mạng sống tín đồ nếu hắn có được cơ hội. Mục
tiêu nầy áp dụng gắt gao cho những thành viên nào gây nguy hại với vương quốc của
hắn, như Phao-lô chẳng hạn. 2/ Truyền nọc sự chết để làm tê liệt, để gây tình
trạng hâm hẩm trên toàn bộ tín đồ hội thánh. Mục tiêu nầy khẩn cấp và đồng bộ hơn
mục tiêu thứ nhất.
Trong chiến lược thứ hai của
satan, lắm khi chúng ta tự nhiên cảm thấy uể oải, mỏi mệt khi sắp cầu nguyện, cảm
thấy buồn ngủ khi muốn cầu nguyện hay đọc Kinh thánh, cảm thấy làm biếng không
muốn đi nhóm. Chúng ta lại mắc lừa satan, và tưởng rằng những điều đó là trạng
thái tự nhiên của cơ thể mình, mà không biết là do các quỷ truyền nọc sự chết
cho mình.
Biết bao lần chúng ta hứa hẹn với
Đức Chúa Trời, rất nhiều lần chúng ta hứa nầy nọ cùng bạn bè, nhưng chúng ta bỏ
qua, và không có khả năng thực hiện, tất cả nói nên tình trạng chúng ta đã bị nọc
sự chết làm cho bại liệt rồi.
Satan không mấy quan tâm sự hiện
diện và bành trướng của những cái tạm gọi là hội thánh, hắn không lo sợ khi có
nhiều sự rao giảng Kinh thánh, hắn cũng chẳng nao lòng khi thấy có nhiều sự thờ
phương không có sự sống. Tôi không tin hắn chú ý nhiều đến tính chính thống của
giáo lí lành mạnh trong hội thánh. Điều hắn chống đối mạnh mẽ là sự sống. Tại rất
nhiều điểm nhóm, các sự giảng dạy không có gì sai lầm, nhưng không có sự sinh động,
không tạo ra sự cảm động thuộc linh, không có quyền năng đánh động vào người bề
trong của tín đồ. Vì kẻ thù đã lịch sự, im lặng, kín đáo truyền nọc sự chết thuộc
linh vào buổi nhóm đó rồi.
Với chiến lược thứ nhất của hắn,
chúng ta hãy biết rằng chúng ta sẽ không chết theo mặt lí nếu chưa làm xong chức
vụ Chúa ấn định cho chúng ta. Nhưng về sách lược thứ hai của satan, chúng ta phải
tỉnh thức liên hồi, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hâm hẩm, dở sống dở
chết thuộc linh chẳng sai.
Minh Khải—02-8-2015