Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG THÁNH KINH -11


TỘI CỦA ĐA-VÍT 

Trong II Sa-mu-ên 11:1-27 chúng ta đọc thấy câu chuyện    một trong những cuộc sa ngã đáng buồn nhất của một người của Đức Chúa Trời không thấy được ghi lại ở một chỗ nào khác trong sử ký, đồng thời chúng ta cũng được đọc phần ký thuật về một trong những tội lỗi đáng phỉ nhổ và nặng nề nhất mà bất cứ một người nào cũng có thể phạm đối với một bạn thân trung thành với mình. Chúng ta đọc thấy thế nào Đa-vít đã phạm tội đối với người tôi tớ tận trung với mình là U-ri, một trong những tội phạm nặng nề nhất mà một người này đã phạm đối với một người khác, và thế nào để che lấp tội lỗi mình, vua ấy đã khiến cho tay mình vấy máu của con người ấy. Sau khi sự việc xảy ra, do lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài, Đức Chúa Trời đã sai nhà tiên tri của Ngài đến với Đa-vít để công bố với vua rằng “Nhưng vì việc này vua đã gây dịp cho những kẻ thù nghịch Đức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết” (II Sa-mu-ên 12:14).


Lịch sử đã chứng minh cho chân lý của lời công bố này, rất ít có điều gì trong Thánh Kinh đã từng tạo ra nhiều kẻ thù nói phạm Đức Giê-hô-va hơn là tội lường gạt này của Đa-vít. Các kẻ thù của Chúa thường xuyên dựng nó lên và biến nó thành mục tiêu cho việc che bai chế nhạo không thương tiếc.

Một số người muốn bảo vệ Thánh Kinh từng tưởng rằng cần phải bào chữa cho hành động này của Đa-vít, hay ít ra cũng cố tìm cách làm cho nó có vẻ như chẳng đáng thù ghét gì mấy như khi mới thoạt nhìn vào. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại tìm cách biện hộ cho hành động của Đa-vít? Đã chẳng có chỗ nào trong Thánh Kinh tìm cách bào chữa cho nó cả. Trái lại, Đức Chúa Trời đã quở trách nó bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất. Nó đã bị trừng phạt bằng một loạt nhiều tai hoạ đáng sợ, loại tai hoạ rất ít khi được thấy một người nào khác phải gánh chịu.

Quả thật là Đa-vít từng được Thánh kinh đề cập như là con “người theo lòng của Đức Chúa Trời” (I Sa-mu-ên 13:14; Công vụ 13:22); nhưng nói như thế không có nghĩa rằng Đa-vít là một người hoàn toàn không lầm lỗi. Nó chỉ có nghĩa rằng khác hẳn với Sau-lơ là người lúc nào cũng sẵn sàng đi theo ý riêng, thì Đa-vít là một người luôn luôn muốn tìm biết ý chỉ Đức Chúa Trời trong mọi sự để rồi làm đúng theo đó. Cho nên, ông vốn là một người theo lòng của Đức Chúa Trời.

Tuy đây, vốn là thái độ luôn luôn có trong tâm và trí của Đa-vít đối với Đức Chúa Trời, ông vẫn có thể sa vào tội lỗi - y như việc vẫn có thể xảy ra cho người ta hiện nay. Cả đến một người toàn tâm toàn ý muốn đầu phục Đức Chúa Trời; vẫn có thể bước lệch ra khỏi lập trường tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Trời của mình, để trong một khoảnh khắc yếu lòng và dại dột, có thể có một hành động thật quái gỡ trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi sẽ tự chuốc lấy cho mình sự đoán phạt nghiêm khắc nhất của Chúa.

Đoạn ký thuật về tội của Đa-vít mà Kinh điển không hề tìm cách giảm khinh, là một trong nhiều bằng cớ chứng minh nguồn gốc từ Đức Chúa Trời và tính cách tuyệt đối đáng tin của Thánh Kinh. Đa-vít vốn là vị đại anh hùng của thời đại ông. Nếu các trước giả viết Thánh Kinh không được Đức Thánh Linh hướng dẫn, chắc các vị đã che giấu hoặc ít nhất cũng tìm cách giảm bớt đi điều lỗi lầm đáng sợ này của Đa-vít; nhưng sự thật là các vị đã không hề làm một việc gì thuộc loại như thế cả. Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn các vị trong phần ký thuật này, đã chỉ đạo để các vị vẽ lại biến cố này với tất cả những gì là xấu xa đáng ghê tởm của nó, y như sự việc đã xảy ra.

Đây là điểm dị biệt căn bản giữa các nhà viết tiểu sử trong Thánh Kinh với các nhà viết tiểu sử khác. Ngay đến các vị anh hùng trong Thánh Kinh, một khi đã sa ngã thất bại, cũng không được xử trắng án, tội lỗi của họ đã không hề được bào chữa. Tội lỗi của họ đã không được che giấu đối với con mắt của công chúng. Chúng đều được ghi lại với đầy đủ chi tiết, còn tội nhân thì cũng bị “treo lên” như một lời cảnh cáo đối với nhiều người khác. Trong vấn đề cá biệt này, Đa-vít “đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va mà làm điều không đẹp lòng Ngài” (II Sa-mu-ên 12:9) và Thánh Kinh đã nói rõ ràng như thế.

“Điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời” (II Sa-mu-ên 11:27), nên Đức Chúa Trời đã đưa ông ra trước cả thế gian như một kẻ phạm tội tà dâm và sát nhân (II Sa-mu-ên 12:9). Cả câu chuyện vốn quá kinh tởm để có thể đem ra đọc trước công chúng, nhưng nếu người nào chịu đọc nó trong chỗ riêng tư cùng với lời cầu nguyện thiết tha, thì có thể nhận thấy nhiều bài học vô cùng quí báu trong đó. Đây là một trong số những tội lường gạt nghiêm trọng nhất của lịch sử, nhưng tôi vui mừng vì nó đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Phần ký thuật về nó và các hậu quả của nó đã giữ được cho nhiều người dừng lại để khỏi sa vào cái tội hay nhìn ngắm để rồi nghiền ngẫm với ý đồ tội lỗi.
NHỮNG NGƯỜI TỐT NHẤT VẪN CÓ THỂ SA NGÃ

Câu chuyện về tội lỗi của Đa-vít chứa đựng nhiều bài học quan trọng. Bài học đầu tiên nó dạy cho chúng ta là một con người đặc biệt tốt lành thiện hảo - vâng, một nhân vật “theo lòng của Đức Chúa Trời” - nếu rời mắt khỏi Lời Ngài, thì rất dễ sa vào một tội lỗi hết sức trầm trọng vào đó. “Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội” (Châm ngôn 28:26). Còn ai tưởng rằng mình có thể lấy sự khôn ngoan và sức riêng của mình để ganh đua với ma quỉ, thì sẽ phải thất vọng nặng nề. Đa-vít là một trong những nhân vật cao thượng nhất thời mình. Ông vốn dũng cảm hào hiệp, có quyết tâm vâng phục ý chỉ Đức Chúa Trời, nhưng lại dám tự mình đùa giỡn với sự cám dỗ, nên đã sa xuống đến chỗ sâu thẳm nhất của sự xấu xa, đê tiện, và nhục nhã.

ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG TÂY VỊ AI

Câu chuyện này cũng dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nhìn vào tội lỗi của người ta với một chút tán thành nào cả. Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai cả (Rô-ma 2:11) theo nghĩa là Ngài cho phép một vài người nào đó phạm tội rồi bỏ qua không trừng phạt. Đức Chúa Trời rất yêu mến Đa-vít. Ngài đã cho vua thấy nhiều chứng cứ về tình yêu đó của Ngài. Nhưng khi Đa-vít phạm tội, thì Đức Chúa Trời đã đối xử với tội lỗi của vua ấy thật nghiêm khắc và bằng cách đoán phạt nhà vua không chút nương tây. Ngài đã cho phép tội lỗi của Đa-vít cắn rứt ông, khiến cả đời ông cảm thấy cay đắng, bị dày vò cho đến tận ngày ông qua đời.

Đức Chúa Trời đã tha tội cho Đa-vít và phục hồi địa vị được thông công với Ngài và được hưởng niềm vui của sự cứu rỗi (Thi thiên 51:12) nhưng Ngài đã để cho Đa-vít uống nhiều từ chiếc chén đắng mà nhà vua đã tự pha chế cho mình. Một trong các con trai của nhà vua đã noi theo nhà vua trong tội tà dâm mà gánh nặng của nó lại giáng trên chính con gái vua (xem II Sa-mu-ên 13:1-14). Một con trai khác lại noi theo nhà vua vào tội sát nhân (xem II Sa-mu-ên 13:28-29) và như Đa-vít đã nổi loạn chống lại Cha trên trời của vua, chính con trai vua cũng đã nổi loạn phản lại vua (II Sa-mu-ên 15:13-14). Đa-vít đã bị bỏ mặc để phải gặt lấy những gì nhà vua đã gieo. Đa-vít đã phải khóc than về đứa con bội nghịch đó khi nó nằm dài trước mặt vua, câm lặng vì đã chết rồi: “Vua rất cảm thương, bèn lên lầu cửa thành và khóc. Người vừa đi vừa nói rằng: Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!

Nhưng Đa-vít đã biết rất rõ ràng rằng sở dĩ Áp-sa-lôm phải lầm lạc để rồi phải chết, chính là vì hậu quả của tội lỗi của nhà vua.
SỰ THA THỨ TRỌN VẸN CHO MỌI TỘI NHÂN

Nhưng hãy còn một bài học quí báu khác nữa cho chúng ta trong lịch sử của tội lỗi của Đa-vít, và đó là cả đời với một tội nhân xấu xa hơn hết, thì vẫn có sự tha thứ đầy đủ và vô điều kiện (miễn phí). Tội của Đa-vít thật đen tốt, đen tối như lúc nửa đêm vậy; nó thật đáng sợ; nó vô phương bào chữa; nhưng Đa-vít đã được tha thứ, thật trọn vẹn và vô điều kiện. Đa-vít nói: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” và qua nhà tiên tri của Ngài, Đức Chúa Trời đã phán với Đa-vít: “Đức Giê-hô-va cũng đã xoá tội vua” (II Sa-mu-ên 12:13).

Trong một trong những bài thi thiên đẹp đẽ nhất của Đa-vít kể lại câu chuyện về việc mình đã được tha tội (Thi thiên 32:1-6) chính Đa-vít đã nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời thánh khiết. Ngài cực kỳ thù ghét tội lỗi. Ngài sẽ không thể nhìn vào dù là một tội nhỏ nhặt nhất với một chút đồng ý nào. Thế nhưng Đức Chúa Trời cũng là một Đức Chúa Trời của tình yêu thương tha thứ. Ngài đang đứng đó, sẵn sàng tha thứ cho tội nhân xấu xa đê tiện hơn hết. Ngài luôn luôn kêu gọi những người nam người đã phạm tội.

“Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào” (Ê-sai 55:7).

Có nhiều người tưởng rằng họ đã phạm tội quá nhiều, quá sâu nặng đến mức chẳng bao giờ còn có thể được tha thứ nữa, nhưng sự thật không phải là như thế. Thật khó tìm ra một người nào từng phạm tội sâu nặng hơn vua Đa-vít. Nhà vua đã phạm vào cái tội lớn nhất mà một người có thể phạm đối với một người khác, và vua đã làm bẩn đôi tay của mình bằng máu của nạn nhân, thế nhưng nhà vua vẫn được tha thứ. Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì cớ câu chuyện của Đa-vít. Nó ban cho tôi niềm hi vọng dành cho tất cả mọi người. Căn cứ vào những gì Thánh Kinh đã kể lại, tôi chẳng quan tâm lo lắng gì cả cho bất kỳ ai đến hỏi tôi rằng “Có sự cứu rỗi cho tôi không?” vì tôi sẽ không chút phân vân do dự để trả lời rằng: “Có, Đa-vít đã được tha thứ, thì bạn cũng có thể được nữa”.
Một đêm nọ, tôi trò chuyện với một người đang bị tội lỗi cắn rứt sâu xa. Anh ta đã làm vấy bẩn tay mình bằng máu của một đồng loại. Anh ta đã bắn chết một người. Anh ta bảo chắc mình sẽ chẳng bao giờ được tha thứ. Tôi đã chỉ cho anh ta lời cầu nguyện của Đa-vít trong Thi Tv 51:14 và cho anh ta thấy rằng Đa-vít đã được giải cứu khỏi tội làm đổ máu, nên cũng có sự tha tội cho anh ta nữa.