Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG THÁNH KINH--14


VÀI “MÂU THUẪN” QUAN TRỌNG TRONG THÁNH KINH  
Tôi thường gặp nhiều người bảo rằng Thánh Kinh có “đầy dẫy mâu thuẫn”. Khi tôi bảo họ hãy thử chỉ cho tôi một chỗ, thì họ nói “Bộ sách ấy đầy dẫy những điểm như thế”. Khi tôi thúc giục họ chỉ ra một điểm mà thôi, thì thường thường, họ chẳng nói gì thêm nữa cả. Nhưng thỉnh thoảng tôi gặp một người không tin Chúa cũng biết về Thánh Kinh đủ để chỉ ra một vài chỗ có vẻ như có mâu thuẫn. Trong chương này, tôi sẽ xét đến một vài trong số đó.


CHÚNG TA CÓ THỂ NHÌN THẤY ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?  
Một trong những phản bác như thế thường được chỉ ra nhất là chỗ dường như có mâu thuẫn giữa Giăng 1:18 mà chúng ta đọc thấy “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”, với Xuất 24:10 chỗ chúng ta được bảo cho biết là Môi-se, A-rôn, Na-đáp, A-bi-hu và bảy mươi trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên, “ngó thấy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (cũng có nhiều khúc sách khác nữa chép rằng nhiều người đã nhìn thấy Đức Chúa Trời). Vậy, trông có vẻ như đây là một điểm rõ ràng có mâu thuẫn, và nhiều người hoài nghi và ngoại đạo từng bị nó gây bối rối. Và đã có một trong những người tận hiến cho Chúa nhất của tôi từng biết đã bị nó gây bối rối đến độ đã rời chỗ ông ta đang làm việc, đi nhiều dặm đường với tinh thần rất bối rối, để đến hỏi tôi về vấn đề ấy. Giải pháp cho vấn đề khó khăn có vẻ như không thể nào giải đáp được này, thật ra, là rất đơn giản.
Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng hễ khi nào có hai câu nói hoàn toàn mâu thuẫn với nhau về từ ngữ, thì cả hai đều vẫn có thể tuyệt đối đúng cả, vì các từ ngữ đã được dùng trong hai câu nói kia đã không được dùng theo cùng một ý nghĩa với nhau. Thí dụ nếu có người hỏi tôi rằng có bao giờ tôi nhìn thấy được phần sau của đầu mình không, thì tôi có thể trả lời là “không, tôi chẳng bao giờ nhìn thấy được cái ót của mình”, và câu này là hoàn toàn đúng. Hoặc tôi cũng có thể trả lời: “Vâng, tôi từng thấy cái ót của mình” mà câu này thì cũng đúng nữa, tuy hai câu trả lời của tôi có vẻ như hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Quả thật là tôi chưa bao giờ thật sự nhìn thấy cái ót của mình, nhưng tôi đã được nhìn thấy nó rất nhiều lần khi soi mình với một tấm gương khác đặt phía sau mình.
Câu trả lời của tôi hoàn toàn tuỳ thuộc vào điều mà người kia ngụ ý muốn nói khi ông ta đặt câu hỏi ấy cho tôi. Nếu ông ta ngụ ý muốn hiểu theo một ý này, thì tôi sẽ trả lời “không” mà như thế là đúng. Nếu ông ta ngụ ý muốn hiểu theo một ý khác, thì tôi sẽ trả lời là “Có, tôi từng nhìn thấy cái gáy của mình” và câu này cũng đúng nữa. Dù vậy, có người sẽ phản đối: “Ở trường hợp sau, ông đã không thật sự nhìn thấy cái ót của mình. Điều ông thấy chỉ là ảnh chiếu của phần phía sau cái đầu của ông trong gương mà thôi”. Nhưng tôi sẽ đáp lại: “Cả ông cũng chẳng nhìn thấy được cái ót của một nơi khác khi nhìn thẳng vào đó nữa. Cái mà ông thấy chỉ là ảnh chiếu của cái đầu người ấy trên võng mạc của con mắt ông mà thôi”.
Nhưng mọi người đều biết mình muốn nói gì khi dùng cách nói theo nghĩa thông thường đó mỗi ngày. Ai cũng biết khi bạn nói mình nhìn thấy cái gáy của một người khác, là bạn muốn nói rằng bạn nhìn thấy một ảnh chiếu của nó trên võng mạc của con mắt của bạn; và họ cũng biết khi bạn nói bạn nhìn thấy chính cái ót của bạn trên một tấm gương, là bạn muốn nói rằng mình nhìn thấy cái ót của mình trên một mặt gương. Ở trường hợp trước, bạn thấy một ảnh chiếu; trong trường hợp sau, bạn thấy ảnh chiếu của cái ảnh chiếu đó, do đó, trong cả hai trường hợp điều bạn thật sự nhìn thấy là vật được phản chiếu lại.
Vậy, ở trường hợp trước mặt chúng ta đây trong Thánh Kinh, sự việc cũng tương tự như trong thí dụ minh hoạ ở phần trên. Trong yếu tính đời đời của Ngài thì Đức Chúa Trời vốn “vô hình” (I Ti-mô-thê 1:17). Chưa hề có ai từng nhìn thấy Ngài, mà chúng ta cũng không thể nhìn thấy Ngài được (I Ti-mô-thê 6:16). Ngài vốn là thần linh, chứ không phải là một sự vật có hình thức (Giăng 4:23-24), cho nên Giăng mới nói cho chúng ta biết cái chân lý sâu nhiệm và kỳ diệu là:
“Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (1:18).
Nghĩa là Đức Chúa Trời “vô hình” (không thể nhìn thấy được) này đã được giãi bày, được lý giải cho chúng ta hiểu (từ ngữ được dịch ra là “giãi bày” ở đây là từ ngữ do đó mà có danh từ Ê-sai hay giải kinh) nhờ lời phán và nơi con người của chính Chúa Giê-xu. Cho nên Ngài đã được công bố thật đầy đủ, chẳng những bằng lời truyền phán của Chúa Giê-xu, mà bằng cả con người của Ngài nữa, khiến Chúa Giê-xu có thể bảo rằng: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (14:9).
Hơn nữa Đức Chúa Trời mà yếu tính là vô hình này, bởi ân điển lớn lao của Ngài, đã vui lòng tự bày tỏ mình ra bằng hình dáng (thức, thể) con người nhiều lần. Môi-se và bảy mươi trưởng lạo đã thấy một lần tự bày tỏ ra (thể hiện) của Đức Chúa Trời như thế lúc họ ở trên núi (Xuất 24:9-10). Ê-sai từng thấy một lần thể hiện như thế trong đền thờ (Ê-sai 6:1), và khi mô tả điều đó, nhà tiên tri đã tuyên bố rất đúng rằng: “Tôi thấy Chúa”. Gióp cũng thấy một lần thể hiện như thế, và đã tự cảm thấy mình thấp hèn khi được gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt, đến độ ông đã phải kêu lên: “Tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:6).
Trong những lần “hiện hình” này, chính Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ mình ra, cho nên các nhân vật vừa kể trên đã nhìn thấy Ngài. Thế thì chúng ta đã thấy là cả hai câu nói có vẻ như mâu thuẫn nhau - tức là “Chẳng hề (có) ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18), và Môi-se cùng với nhiều người khác nữa “ngó thấy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (Xuất 24:10) - đều hoàn toàn đúng.
Bản thân Chúa Cứu Thế Giê-xu là sự thể hiện (tự bày tỏ ra) tột định của Đức Chúa Trời. “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Cô-lô-se 2:9). Cho nên Chúa Giê-xu đã nói hoàn toàn đúng sự thật với Phi-líp rằng: “Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Rồi sẽ có lúc tất cả những người có lòng trong sạch đều sẽ được ngắm xem vĩnh viễn chính Đức Chúa Trời tự bày tỏ mình ra, có hình thể (thức, dáng) hẳn hoi (Ma-thi-ơ 5:8).
Hình thức mà Chúa Giê-xu đã hiện hữu trước trạng thái được vinh hiển, là “hình Đức Chúa Trời” (Phi-e-rơ 23:6). Từ ngữ Hi-văn đã được dịch ra là “hình” trong khúc sách này có nghĩa là “hình thức bởi đó một người hay một vật đập mạnh vào tầm nhìn; diện mạo bên ngoài” do đó, chúng ta đã được dạy cho biết rõ ràng rằng diện mạo bên ngoài của Chúa Giê-xu trước khi Ngài nhập thể, là diện mạo bên ngoài của Đức Chúa Trời - nghĩa là Ngài chính là Đức Chúa Trời vô hình, Đấng vốn là thần linh trong yếu tính, tự biểu hiện (bày tỏ mình ra) bằng hình thức bên ngoài hữu hình, có thể nhìn thấy được.
CÂU GHI TRÊN THẬP TỰ GIÁ 
Một “mâu thuẫn” thứ hai mà người không tin Chúa cho là quan trong và khiến nhiều tín hữu lúng túng, là ở trong bốn đoạn ký thuật về câu ghi trên tấm bảng treo tại thập tự giá. Chúng ta đọc thấy trong Ma-thi-ơ 27:37 “Phía trên đầu Ngài họ để cái bảng đề chữ, chỉ về Ngài rằng: NGƯỜI NÀY LÀ GIÊ-XU, VUA DÂN GIU-ĐA”. Chúng ta đọc thấy trongMác 15:26 “Án Ngài có ghi vào cái bảng rằng: Vua dân Giu-đa”. Chúng ta đọc thấy trong Lu-ca 23:38 “Phía trên đầu Ngài có đề rằng: NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN GIU-ĐA”. Và chúng ta cũng đọc thấy trong Giăng 19:19 “Phi-lát cũng sai làm một tấm bảng, rồi treo lên trên thập tự giá. Trên bảng đó, có đề chữ rằng: GIÊ-XU NGƯỜI NA-XA-RÉT LÀ VUA DÂN GIU-ĐA”.
Nhưng, đã chẳng có hai câu nào trong số ấy lại nhất trí với nhau trong các từ ngữ đã được sử dụng. Cho nên người phản bác đã thắc mắc đặt câu hỏi: “Làm thế nào để cả bốn câu đều có thể cùng đúng cả được?” Người ta bảo rằng ít nhất phải có đến ba câu sai ở một phần nào đó. Những kẻ chống lại sự linh cảm về lời nói của Kinh điển đã bàn cãi rất nhiều về chỗ khó khăn này. Trong nhiều chủng viện thần học của chúng ta, người ta cũng đã thảo luận rất nhiều về điểm này.
 
Tôi rất ngạc nhiên khi có người lại quá quan tâm đến nó, vì câu trả lời được tìm thấy hết sức rõ ràng ngay trong chính các khúc sách đã được trích dẫn, rằng thật là điều đáng kinh ngạc khi có người nghiên cứu cẩn thận mà lại bỏ qua nó. Trong Giăng 1:9-20 Giăng bảo rằng lời tố cáo khiến Chúa Giê-xu phải bị đóng đinh vào thập tự giá đã được viết bằng Hy-bá-lai văn, La-văn, và Hi-văn để cho tất cả mọi người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiện diện (lúc ấy) đều có thể đọc được bằng Hy-bá-lai văn dành cho thường dân, bằng La-văn dành cho người La-mã; và bằng Hi-văn là ngôn ngữ phổ quát (quốc tế). Phần cốt yếu của lời buộc tội là Chúa Giê-xu đã tự xưng là “Vua dân Giu-đa” và Ngài đã bị đóng đinh vào thập tự giá là vì đã tự xưng như thế. Điều đó giải thích tại sao mấy chữ Vua dân Giu-đa đã xuất hiện trong Hy-bá-lai văn, La-văn và Hi-văn, và tại sao chúng cũng xuất hiện trong cả bốn phần ký thuật và các sách Phúc âm.
Lẽ tự nhiên là Ma-thi-ơ sẽ viết mấy chữ ghi trên tấm bảng đó theo Hy-bá-lai văn; Mác cũng viết chúng theo phong cách của La-văn, và Lu-ca thì viết nó theo phong cách của Hi-văn. Cuối cùng thì Giăng đã viết chúng theo hình thức hoàn toàn La-mã. “Giê-xu người Na-xa-rét” là một câu đầy đủ và rõ ràng cho biết Chúa Giê-xu là ai, còn lời kết án là “Vua dân Giu-đa”.
Điều duy nhất còn lại để phải “tính sổ” là điểm dị biệt giữa Mác và Giăng, nhưng nếu chúng ta đọc Mác 15:26 chúng ta sẽ thấy rằng Mác không bảo là mình viết thật đầy đủ câu đã được ghi trên tấm bảng kia. Ông chỉ nói: “Án Ngài có ghi vào cái bảng rằng: Vua dân Giu-đa”. Bản án là “Vua dân Giu-đa, và đó là câu Mác ghi lại, chỉ một câu đó mà thôi. Mấy chữ “Đây là Giê-xu người Na-xa-rét” không phải là bản án, mà là tên của bị cáo. Cho nên mọi khó khăn mà do đó thiên hạ đã bàn tán quá nhiều, đều tan biến khi chúng ta lưu ý xem đúng ra thì điều gì đã được nói ra, và tất cả những gì đã được nói ra.