VIỆC ĂN NĂN QUY ĐẠO CỦA PHAO-LÔ
Một “mâu thuẫn” khác đã được to chuyện dường như là giữa hai phần ký thuật khác nhau về việc ăn năn quy đạo của Sau-lơ người Tạt-sơ. Trong Công vụ 9:7 chúng ta được cho biết rằng những người cùng đi với Sau-lơ đến Đa-mách nghe tiếng nói phán với Sau-lơ mà chẳng thấy ai hết. Mặt khác, chính Phao-lô, khi kể lại với người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem câu chuyện về việc ăn năn quy đạo của minh, lại nói “Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi” (Công vụ 22:9)
.
Vậy, hai câu này có vẻ như trực tiếp mâu thuẫn nhau. Khi kể lại câu chuyện về ăn năn quy đạo này, Lu-ca bảo rằng những người cùng đi với Phao-lô nghe tiếng nói, nhưng bản thân Phao-lô khi kể lại chuyện ăn năn quy đạo của mình, lại bảo rằng họ đã không nghe tiếng nói ấy. Còn có gì có thể mâu thuẫn nhau rõ ràng hơn thế?
Dù vậy, điểm dường như mâu thuẫn nhau đó sẽ hoàn toàn biến mất khi chúng ta đọc hai khúc sách ấy trong Hi-văn. Từ ngữ Hi-văn được dịch ra là “nghe” là động từ “làm chủ, cai trị” trong cả hai trường hợp, đã được dùng theo hai “cách”, thuộc cách hay sở hữu cách và mệnh lệnh cách. Trường hợp thuộc cách được dùng khi một người hay một vật được đề cập, được nói đến, và khi tiếng nói được nghe thấy. Tuy nhiên, khi bức thông điệp được nghe nói ra, thì mệnh lệnh cách đã được sử dụng. Thông thường giữa hai trường hợp, chỉ có khác nhau một mẫu tự ở cuối từ ngữ mà thôi. Trong Công vụ 9:7 thuộc cách đã được sử dụng. Họ nghe tiếng nói, nghĩa là tiếng động của tiếng nói. Trong 22:9 những lời nói đã được dịch ra là “tiếng nói”, thuộc “mệnh lệnh cách”. Họ đã không nghe được, hay nghe mà không hiểu bức thông điệp của Đấng đang nói.
Từ ngữ đã được dịch ra là “tiếng nói” cũng có hai nghĩa; một là “một tiếng động, một giọng nói”, và hai là một tiếng nói, nghĩa là “một tiếng động của những lời lẽ được nói ra”. Họ có nghe tiếng nói chỉ như tiếng động mà thôi. Nhưng họ không nghe tiếng nói là “tiếng động của những lời lẽ đã được nói ra” tức là bức thông điệp. Thế là một chỗ có vẻ như khó hiểu khác hoàn toàn tan biến khi chúng ta xét xem đúng nguyên văn Thánh Kinh đã nói gì. Và thay vì có một phản bác chống lại Thánh Kinh, chúng ta lại có một thí dụ khác minh hoạ cho tính cách chính xác tuyệt đối, không phải chỉ do một từ ngữ, mà xuống tận đến một mẫu tự duy nhất kết thúc một từ ngữ, để nhờ đó một trường hợp khó khăn được làm sáng tỏ.
CÁC KÝ THUẬT VỀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA
Một số người phủ nhận tính chính xác của Thánh Kinh đã bàn nhiều về những chỗ có vẻ như mâu thuẫn nhau trong nhiều phần ký thuật khác nhau về việc Chúa Cứu thế Giê-xu đã từ chết sống lại. Có lần một nhân vật không tin Chúa nổi tiếng đã gởi cho một nhật báo vấn đề sau đây, yêu cầu tôi giải quyết.
Phần ký thuật về cuộc viếng mộ trong bốn sách Phúc âm đều khác hẳn nhau. Ở một trường hợp, có hai sách Phúc âm vạch rõ rằng hai phụ nữ đã thấy hai vị thiên sứ tại phần mộ, còn hai sách Phúc âm khác lại nhấn mạnh rằng họ chỉ thấy có một vị thiên sứ mà thôi. Vậy, đâu là giải pháp cho chỗ rõ ràng là khó hiểu này?
Trước hết, xin nói rằng người phản bác đã không nêu ra chính xác được các sự kiện đã xảy ra trong trường hợp ở đây. Quả thật là Ma-thi-ơ có nói là họ thấy một vị thiên sứ (Ma-thi-ơ 28:1-5) còn Mác thì nói “Họ thấy một người trai trẻ (được cho là một thiên sứ Mác 16:5-7), nhưng cả Ma-thi-ơ lẫn Mác đều không có nói rằng “họ chỉ thấy có một vị thiên sứ mà thôi”. Bảo rằng họ thấy một không hề loại trừ được việc rất có thể là họ có thấy đến hai vị thiên sứ. Cho nên, thay vì bảo rằng quả thật là hai sách Phúc âm ấy nói rằng “họ chỉ thấy có một vị thiên sứ mà thôi”, ta có thể nói rằng thậm chí đã chẳng có một sách Phúc âm nào đã nói là chỉ có một vị thiên sứ duy nhất là đã được nhìn thấy mà thôi.
Hơn nữa, xin lưu ý là, như người phản bác đã vạch rõ, không phải là có hai sách Phúc âm đã nói là các phụ nữ kia đã thấy có hai vị thiên sứ tại phần mộ. Quả thật là Lu-ca có nói rằng sau khi vào trong mộ, họ thấy có hai người nam (được cho là hai vị thiên sứ) mặc áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ (Lu-ca 24:3-4). Tuy nhiên rõ ràng là điều này không hề ám chỉ biến cố mà Ma-thi-ơ đề cập, vì vị thiên sứ được ông nói đến là một vị thiên sứ ở bên ngoài phần mộ.
Dường như ông cũng không hề đề cập cùng một sự kiện mà Mác nói đến, vì người nam (hay vị thiên sứ) trong sách Phúc âm Mác là một người đang ngồi ở bên phải phần mộ. Rất có thể rằng vị thiên sứ này đến trước, rồi sau đó, vị thiên sứ ở bên ngoài phần mộ mới đến sau, và cả hai đều cùng đứng bên cạnh hai phụ nữ kia. Sự việc rất có thể đã xảy ra như thế, như bức thông điệp đã được truyền phán bởi hai vị trong sách Lu-ca có phần giống với bức thông điệp được truyền phán bởi vị thiên sứ đứng ở phía ngoài ngôi mộ trong sách Ma-thi-ơ, và bởi người nam ở bên trong phần một trong sách Mác (xem Lu-ca 24:5,6; Ma-thi-ơ 28:5-7; Mác 16:5-7).
Giải pháp thật đơn giản cho tất cả sự việc, là có một vị thiên sứ ở phía ngoài phần mộ khi các phụ nữ đến nơi, và họ nhìn thấy một vị khác nữa ở bên trong phần mộ. Vị ở phía ngoài tiến vào, và vị đang ngồi đã đứng dậy để cùng nhau đứng bên cạnh hai phụ nữ, hoặc là một vị nói trước và một vị nói sau, và cùng thốt ra những lời lẽ như đã được ghi lại trong sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca.
Thế còn phần ký thuật trong sách Giăng thì sao? Giăng bảo với chúng ta rằng có hai vị thiên sứ mặc áo trắng đang ngồi, một vị ở đằng đầu và một vị ở đằng chân, chỗ xác Đức Chúa Giê-xu đã nằm (Giăng 20:12-13). Chúng ta hoà giải thế nào chỗ này với ba chỗ kia? Rất dễ dàng thôi. Đây không phải là nhóm các phụ nữ đã nhìn thấy hai vị thiên sứ này, mà chúng ta được bảo cho biết rõ ràng rằng chỉ có một mình bà Ma-ri nhìn thấy cảnh này mà thôi. Bà Ma-ri đã cùng khởi hành với các phụ nữ khác để đi đến mộ, đã đến trước cả nhóm một chút, và là người đầu tiên nhìn thấy tảng đá chận cửa mộ đã bị lăn ra khỏi cửa mộ rồi (Giăng 20:1), và đã tức khắc kết luận rằng ngôi mộ đã bị ăn trộm, nên chạy thật nhanh đi trước để trở vào trong thành phố, báo tin cho hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng (Giăng 20:2).
Lúc bà đang ở trên đường trở vào thành phố, các phụ nữ khác mới đến và vào trong mộ, và những việc được ghi lại trong các sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đã xảy ra. Các bà này đã lìa khỏi phần mộ trước khi bà Ma-ri lại đến đó lần thứ hai. Phi-e-rơ và Giăng cũng lìa khỏi đó lúc bà Ma-ri đến nơi, và hai vị thiên sứ, một vị lúc ấy, đang ở phía ngoài và vị kia thì ngồi bên trong, đều cùng đến ngồi, một vị ở đằng đầu và vị kia ở đằng chân, chỗ người ta đã đặt thi thể của Chúa Giê-xu.
Tất cả những chỗ có vẻ như mâu thuẫn nhau trong bốn phần ký thuật về sự sống lại của Chúa Giê-xu (và chúng vốn có nhiều) cũng đều tan biến sau khi được nghiên cứu kỹ. Tự chúng, những điểm dường như mâu thuẫn ấy lại trở thành các chứng cứ của chân lý và tính chính xác của các phần ký thuật. Rõ ràng là cả bốn phần ký thuật đều riêng biệt và độc lập đối với nhau. Nếu bốn người khác nhau cùng ngồi lại để dựng lên một câu chuyện về một người đã sống lại mà không hề xảy ra, chắc họ phải tạo ra bốn câu chuyện có vẻ như ăn khớp với nhau. Ít nhất cũng là ở mặt ngoài. Bất cứ một điểm mâu thuẫn nào có thể có trong bốn phần ký thuật đều chỉ bộc lộ sau khi được nghiên cứu cặn kẽ và cẩn thận.
Tuy nhiên, trong các sách Phúc âm trường hợp trái ngược lại đã xảy ra. Tất cả các điểm có vẻ như mâu thuẫn nhau đều chỉ có trên bề mặt. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ càng và công phu, sự nhất trí thật sự mới loé ra. Đây chính là loại hài hoà không thể nào có được giữa bốn phần ký thuật được tạo ra cùng một lúc. Đây chính là loại nhất trí chỉ có thể có được trong bốn phần ký thuật độc lập về đại thể và xảy ra trong cùng những hoàn cảnh giống nhau - mỗi người ký thuật đều kể lại cùng một câu chuyện theo cách nhìn thấy của riêng mình, kể lại các chi tiết đã gây ấn tượng cho mình, bỏ qua các chi tiết cho một người ký thuật khác đến mức người ấy phải kể nó lại.
Lắm khi hai phần ký thuật thoạt trong có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng phần ký thuật thứ ba chen vào và không cố ý, nhưng lại hoà giải được những chỗ có vẻ như khác nhau của hai phần ký thuật kia. Đây chính là điều chúng ta gặp trong bốn phần ký thuật về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta có thể hết lòng tạ ơn Đức Chúa Trời vì có nhiều điểm dường như khác nhau giữa chúng. Và cả khi nếu chúng ta không tìm được lời giải đáp cho một vài điểm có vẻ như mâu thuẫn nhau đó, sự kiện nhờ nghiên cứu thật kỹ, chúng ta tìm được một giải pháp cho một điều có vẻ như là một mâu thuẫn không thể giải thích được, sẽ gợi ý cho chúng ta tin chắc chắn rằng nếu chúng ta biết được tất cả các sự kiện của trường hợp đã xảy ra đó, chúng ta cũng sẽ tìm ra được một giải pháp cho những chỗ có vẻ như khác nhau mà chúng ta vẫn chưa hoà giải được.
Càng nghiên cứu kỹ bốn phần ký thuật về sự Phục sinh, chúng ta sẽ càng tin quyết rằng nếu quả thật chúng ta có lòng chân thành muốn hiểu rõ vấn đề ấy, thì đó chính là những phần ký thuật sự chân thực về những gì đã thật sự xảy ra. Chúng không thể là một câu chuyện giả tạo đã được dựng lên cùng một lúc; bằng chứng cho điều đó là những điểm khác nhau giữa chúng. Chúng lại càng không thể được dựng lên độc lập đối với nhau. Bốn người độc lập đối với nhau ngồi lại để tạo ra một phần ký thuật về một việc gì đó chưa bao giờ xảy ra, sẽ không thể nhất trí ở bất cứ một điểm nào cả. Nhưng sự kiện là càng nghiên cứu bốn phần ký thuật, chúng ta càng khám phá ra rất rõ ràng rằng cả bốn phần ký thuật ấy đều ăn khớp với nhau.
Những gì đã được nói ra về những điểm dường như khác nhau giữa bốn phần ký thuật về sự Phục sinh cũng có thể đem áp dụng cho những chỗ có vẻ như dị biệt trong nhiều phần ký thuật khác về cùng một biến cố. Chúng vốn có nhiều, và nêu chúng ra với đầy đủ chi tiết sẽ đòi hỏi cả một quyển sách dày hơn quyển sách này rất nhiều; nhưng thí dụ minh hoạ trình bày trên đây sẽ có thể được dùng để chứng minh thế nào các điểm có vẻ như khác nhau đó đều có thể được hoà giải từng điểm một nếu chúng ta chịu nghiên cứu chúng thật cặn kẽ, thấu đáo. Và nếu còn có điểm nào vẫn chưa chịu khuất phục trước công tác nghiên cứu gian khổ nhất của chúng ta, chúng ta vẫn có thể tin quyết rằng nếu chúng ta biết rõ được tất cả cả các sự kiện của trường hợp đó, thì những điểm có vẻ như khác nhau đó đều sẽ có thể hoà giải được.