Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG THÁNH KINH --13


  ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU CÓ SAI CÁC THẦN NÓI DỐI VÀ TÀ THẦN ĐẾN VỚI CHÚNG TA KHÔNG?


Một trong những phân đoạn gây bối rối nhất cho chúng ta trong Thánh Kinh là ở I Vua 22:1-53 và trong II Sử ký 18:1-34. Trong hai khúc sách này, nhà tiên tri Mi-chê đã được thuật lại là có nói rằng: “Vậy, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va” (I Vua 22:19). Trong cùng câu ấy, ông tiếp tục kể lại thế nào ông đã “thấy Đức Giê-hô-va ngự trên ngôi Ngài và cả cơ binh trên trời đứng chầu Ngài bên hữu và bên tả”.


Trong khúc sách này, Đức Giê-hô-va đã được tả vẽ là đang yêu cầu cả đạo quân đang tập họp ấy hãy thuyết phục A-háp đi lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Rồi một thần nói dối đã được mô tả là đang tiến đến trước mặt Đức Giê-hô-va và nói: “Tôi sẽ đi và làm một thần nói dối trong miệng những tiên tri của Ngài” (I Vua 22:22). Đức Giê-hô-va được cho là đã nói với thần nói dối ấy rằng: “Phải, ngươi sẽ dụ người được. Hãy đi, và làm như ngươi đã nói” (c.22).

Thoạt nhìn thì dường như Đức Chúa Trời đã phê chuẩn vào dự phần vào việc nói dối và lường gạt. Ta phải giải thích như thế nào? Nó đã được đưa ra rõ ràng trong văn cảnh. Mi-chê nhân danh Đức Thánh Linh để nói ra đang tìm cách thuyết phục A-háp và Giô-sa-phát đừng lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Tất cả các tiên tri giả đã bảo với hai vua ấy rằng họ phải ra đi và sẽ chiến thắng. Còn Mi-chê, sứ giả của Đức Giê-hô-va lại nói với họ ngược lại, rằng nếu họ đi lên thì sẽ bị bại trận, và A-háp chắc chắn sẽ bị tử trận, ông bảo với họ rằng vị “thần” và các tiên tri giả, đã nhân danh để nói ra, là một vị thần nói dối. Ông đã kể lại mọi sự bằng một phương pháp như khắc như hoạ đến cao độ.

Tuy bức tranh ấy là vô cùng sinh động, nó không truyền dạy điều sai lầm mà là sự thật, và truyền dạy bằng một phương pháp hầu như là có tính cách bắt buộc, nghĩa là đã có một vị thần nói dối trên miệng các tiên tri giả. Nếu chúng ta đọc cả phần thuật sự từ đầu chí cuối, thì rõ ràng là Đức Giê-hô-va đã không thật sự dự phần vào việc dối gạt kia. Đã không có dự phần vào vụ lường gạt ấy, Ngài còn sai chính nhà tiên tri của Ngài đến cảnh cáo họ rằng vị thần mà các tiên tri giả đã nghe theo để nói, là một vị thần nói dối, và đã nói với họ các sự kiện chính xác của trường hợp này về kết quả của trận đánh sẽ như thế nào. Nếu họ bằng lòng chọn việc nghe lời của Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, họ đã được cứu khỏi tai hoạ ấy; nhưng nếu họ không chịu nghe Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ phó mặc “cho chúng mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin đều dối trá” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:11). Nhưng Ngài đã không làm như thế mà không có cảnh cáo họ rất nhiều lần.

Đây là phương pháp phổ biến của Đức Chúa Trời, chẳng những chỉ được truyền dạy trong Kinh Thánh, mà cả trong kinh nghiệm nữa, ấy là Ngài cho phép mỗi người tự chọn lấy, hoặc là nghe lời Ngài để biết chân lý (sự thật), hoặc là làm mặt ngơ tai điếc đối với Ngài để bị phó mặc cho ảo tưởng sai lầm. Nếu họ “không chịu nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:10) thì Đức Chúa trời sẽ phó mặc họ “mắc phải sự lầm lạc là khiến chúng nó tin điều dối giả” (c.11). Nếu loài người muốn lời nói dối, thì Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng đầy dẫy họ.

     Trong những khúc Thánh Kinh khác dường như có dạy rằng Đức Chúa Trời sai các tà thần đến với người ta, thì vấn đề được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời là toàn thiện, là Đức Chúa Trời của tình yêu, nhưng lại sai các tà thần đến với loài người?” Xin chúng ta chuyển sang một khúc sách đã dạy điều đó, để sẽ cho ngay một câu trả lời cho chỗ khó khăn này. Chúng ta đọc thấy trong I Sa-mu-ên 16:14 “Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người” “một tà thần” có nghĩa gì? Văn cảnh cho thấy rõ ràng rằng đó là một vị thần khuấy khuất, bồn chồn bất an, và trầm uất. Tình hình lúc ấy như sau: Sau-lơ đã bị tố giác là bất trung với Đức Chúa Trời, vua ấy đã cố ý bất tuân lệnh của Đức Chúa Trời (15:4-35 và nhất là c.22-23;); và hậu quả là Đức Chúa Trời đã rút Thần Linh Ngài khỏi nhà vua, và một vị thần bất mãn, 
bất an đã “nhập” vào nhà vua.





Đây không phải là một hành động xấu từ phía Đức Chúa Trời. Ngài chẳng bao giờ có thể làm điều gì không tử tế cả. Có một điều mà lòng nhân từ thương xót của Cha chúng ta ở trên trời vẫn ban cho chúng ta khi chúng ta không vâng lời và đi lạc xa khỏi Ngài, ấy là Ngài sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy không vui và bất mãn đối với tội lỗi mình. Nếu Đức Chúa Trời cứ bỏ mặc cho chúng ta tiếp tục vui vẻ trong tội lỗi, thì đó mới chính là điều không tử tế nhất mà Ngài có thể làm. Nhưng do lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ giành lại tất cả các tội nhân, khiến họ quay trở lại với Ngài, nếu có thể được; và nếu chúng ta phạm tội, thì vì điều lợi ích lớn lao nhất cho chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ đưa chúng ta đến chỗ mất tinh thần, bất an nghiêm trọng nhất trong tội lỗi mình. Nếu chúng ta biết lợi dụng phải lẽ vị thần bất an và mất tinh thần mà Đức Chúa Trời đã sai đến với chúng ta đó, thì vị ấy sẽ đưa chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời và với niềm vui của Đức Thánh Linh.

Sau-lơ đã sử dụng sai lầm vị thần ấy. Thay vì để cho tấm lòng bất an của mình đưa mình trở lại với Đức Chúa Trời, nhà vua đã để cho tấm lòng bất an ấy gây thêm nhiều cay đắng cho tâm hồn mình để chống lại con người đã được Đức Chúa Trời ban đặc ân cho. Việc sai một tà thần đến là một hành động do lòng nhân từ thương xót về phía Đức Chúa Trời. Việc sử dụng sai hành động nhân từ thương xót ấy đã dẫn đến hậu quả là cảnh tàn hại cuối cùng của Sau-lơ.

Ngày nay, có nhiều người từng có lần được biết một điều gì đó về Linh của Đức Chúa Trời và niềm vui của Đức Thánh Linh nhưng lại sa vào tội lỗi; và Đức Chúa Trời với lòng nhân từ thương xót và tình yêu lớn lao của Ngài, hiện đang sai một tà thần đến với người ấy - một tinh thần bất an, bất mãn, không hài lòng sâu xa, hoặc thậm chí là một nỗi đau khổ trừu tượng nữa. Xin chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì điều đó. Hãy để cho Ngài tra xét, hãy khiêm hạ trước mặt Ngài để tìm xem mình đã phạm tội với Đức Chúa Trời ở phương diện nào, khiến mình mất đi niềm vui của sự cứu rỗi. Hãy để cho Ngài cắt nó đi, hãy xưng tội ấy ra và trở lại với Đức Chúa Trời để được Ngài làm mới lại niềm vui của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã từng ban cho bạn (xem Thi thiên 51:12).

Một tà thần gây bồn chồn bất an và bất mãn cũng đã được sai đến với Đa-vít nữa, lúc vua ấy phạm tội; nhưng rồi, sau khi có chống cự chút ít, Đa-vít đã chịu xưng tội với Đức Giê-hô-va, thì Ngài đã xoá nó đi và đưa nhà vua đến một chỗ vui vẻ mừng rỡ trong Ngài, nơi ông có thể chỉ giáo và dạy dỗ nhiều người khác về con đường mà họ phải theo (Thi thiên 32:4-8; 51:9-13).
GIÔ-NA VÀ CON CÁ LỚN 


Qua nhiêu năm, câu chuyện về Giô-na và con cá voi (theo bản Anh văn, Whale: con cá voi) là mục tiêu đắc ý mà người không tin Chúa nhằm vào để chế nhạo, và nó cũng từng gây nhiều lúng túng cho những kẻ “dốt nát và tin không quyết” (II Phi-e-rơ 3:16). Nói chung thì câu chuyện ấy đã không được các nhà phê bình phá hoại tin tưởng, và họ thắc mắc đặt vấn đề chẳng hay nó có thật trong lịch sử hay không. Họ tìm cách giải thích đó là một dụ ngôn hay ẩn dụ.

Những kẻ muốn không tin toàn thể phần linh cảm và tính cách có thật tuyệt đối của Thánh kinh đã nhiều lần quả quyết với chúng tôi kèm theo sự phô trương về kiến thức khoa học của họ, rằng cách cấu trúc của miệng con cá voi và hình dạng của cổ họng nó sẽ không thể nào để cho qua lọt cả một con người còn nguyên vẹn, đó là chưa kể việc người ấy lại còn có thể sống sót và nguyên vẹn. Chúng ta có thể nói gì về tất cả những chuyện này?

Trước hết, xin lưu ý cái sự kiện rằng đã không có chỗ nào trong Thánh Kinh bảo với chúng ta rằng Giô-na đã bị một con cá voi nuốt sống. Trong Giô-suê 2:1 chúng ta được cho biết là “Đức Giê-hô-va sắm sửa một con cá lớn đặng nuốt Giô-na, Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm”. Ở đây không hề chép rằng con cá lớn đó là một con cá voi, với cấu trúc cá biệt về cái miệng và cổ họng của nó. Đây có thể là một con cá to đã được chuẩn bị đặc biệt cho cơ hội ấy, hoặc là một con cá đã được quyền năng thần hữu của Đức Chúa Trời sắp xếp để có sẵn tại đó để thi hành chủ đích mà Đức Chúa Trời đã hoạch định.

Khi đề cập biến cố lịch sử này. Chúa Giê-xu bảo rằng "Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm" (Ma-thi-ơ 12:40). Còn con cá lớn đó là cá gì thì chúng ta không được cho biết; nhưng ai ai cũng biết cái sự kiện rằng có rất nhiều loại cá mà người Hi-lạp xưa gọi là “những con quái vật của biển” - danh từ đã được các học giả dùng để dịch con cá lớn trong truyện tích của Giô-na trong bộ Bảy Mươi Dịch Giả (Septuagint) - những con cá mập, to đủ để nuốt cả một người hay một con ngựa, và vẫn còn tồn tại mãi đến gần đây trong Địa Trung hải, nơi mà dường như theo phần ký thuật ở đây, là biến cố ấy đã xảy ra. Thật vậy, có tài liệu ghi lại rằng một người nọ, từ trên tàu đã rơi xuống Địa Trung hải và bị một trong những con quái vật ấy nuốt sống, con quái vật bị giết, và người kia được cứu mà vẫn còn sống. Người ta cũng từng lấy từ trong bụng một con cá to khác ra cả một con ngựa nữa.
MỘT LOẠI CÁ VOI CÁ BIỆT

Hơn nữa, cho dù Thánh Kinh có chép rằng con cá lớn kia là cá voi đi chăng nữa, phần thuật sự cũng chẳng hề gặp khó khăn gì như những người vô tín và thiếu hiểu biết đã cho là như thế. Nếu quả thật có những loại cá voi mà miệng và cổ họng có hình dạng khiến chúng không thể nào nuốt được trọn vẹn một người đã trưởng thành, thì điều đó không được nghiệm đúng với tất cả các loại cá voi.

Trong quyển sách của ông nhan đề là “Một con cá mập dài 5 mét (15 feet) đã được tìm thấy trong bụng một con cá nhà táng “. Ông viết thêm rằng “khi hấp hối, con cá nhà táng luôn luôn mửa những gì đang có trong dạ dày của nó ra”. Quyển sách của ông kể lại cho chúng ta về một con cá voi đã bị bắt và giết đi như sau:

Số thức ăn từ dạ dày ói ra đó có khối lượng rất lớn mà một vài người trong đám họ ước lượng cỡ bằng cả một căn phòng chứa ngư cụ của chúng tôi, nghĩa là khoảng gần 3x2x2 mét (8x6x6 feet).

Lẽ dĩ nhiên, một con cá cỡ đó thì chẳng gặp khó khăn gì khi cần nuốt một người, cho nên cả phần phản bác đoạn thuật sự của Thánh Kinh theo luận điểm rằng một con cá voi không thể nào nuốt được một người là vô căn cứ đối với một người có kiến thức cao, và vốn do sự dốt nát mà ra.
 
Có người có thể cãi: “nhưng tác dụng của các dịch vị tiêu hoá sẽ giết chết một người nằm trong bụng một con cá voi hay bất kỳ một con quái vật của biển nào khác”. Thế nhưng, nói như thế là loại Đức Chúa Trời ra khỏi bức tranh trong khi trong câu chuyện này của Thánh Kinh thì Đức Chúa Trời chính là Đấng có quyền áp đảo đối với cả quá trình tiêu hoá. Đức Chúa Trời đã tạo ra con quái vật, con người và các dịch vị tiêu hoá, rất có thể kiểm soát dễ dàng các dịch vị tiêu hoá để giữ cho người ấy còn sống. Chúng tôi không cố tìm cách vạch rõ rằng đây không phải là một phép lạ, nhưng những ai thật sự tin vào Đức Chúa Trời và thường có một kinh nghiệm quan trọng nào với Đức Chúa Trời cũng đều chẳng gặp rắc rối gì với một phép lạ.

Hơn nữa, thiết tưởng cần nói thêm rằng Thánh Kinh không có nói rằng Giô-na vẫn còn sống trong thời gian ông nằm trong bụng con cá lớn kia. Có nhiều điều trong đoạn thuật sự như đã được ghi lại trong sách Giô-na có vẻ như cho thấy rằng ông đã không còn sống (xem Giô-suê 2:2,5-7). Dường như rất có thể rằng Giô-na đã thật sự chết rồi, rồi được khiến từ chết sống lại. Nếu quả thật Giô-na đã chết, thì điều đó chỉ thêm một lần nữa cho những lần sống lại đã được chép trong Thánh Kinh mà thôi, và khiến Giô-na càng trở thành một biểu tượng (hình bóng) đáng chú ý hơn nữa của Chúa Cứu Thế.

Với những người tin Đức Chúa Trời, thì chẳng có khó khăn gì để tin vào sự sống lại, nếu sự việc đã được chứng thực đầy đủ. Tại sao lại tưởng rằng việc Đức Chúa Trời khiến người chết sống lại, lại là điều không thể tin được? Đã có nhiều trường hợp mà Thánh Kinh đã ghi lại ít nhất là việc khiến sống lại nhiều người nam người nữ có vẻ như đã chết đến mấy ngày rồi. Sử tính của biến cố về Giô-na và con cá lớn này đã được chính Chúa Cứu Thế Giê-xu chuẩn nhận (Ma-thi-ơ 12:40). Cho rằng đây chỉ là dụ ngôn hay ẩn dụ là không tin lời của chính Chúa Giê-xu.

Cho nên sau khi xét kỹ những gì Kinh điển nói và các sử kiện, tất cả những khó khăn được giả định là đã có trong câu chuyện của Giô-na và “con cá voi” đều tan biến mất cả.