Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

THƯ CUA QUI-- 30


THƯ 30 

Cháu Wormwood thân mến!

Thỉnh thoảng chú tự hỏi không biết cháu có nghĩ là cháu được gửi đến thế gian này để vui chơi thỏa thích không? Không phải qua bản báo cáo thiếu sót khốn khổ của cháu nhưng qua công an Âm phủ chú được biết thái độ cư xử của anh bệnh nhân trong lần bỏ bom đầu tiên đã tệ quá mức tưởng tượng. Khiếp đảm, anh ta tự cho mình là thằng hèn nhát và do đó không thấy chút kiêu ngạo nào, nhưng anh ta đã làm điều những bổn phận anh ta đòi hỏi và còn trội hơn một chút nữa. Trước cái thảm họa đó, tất cả những gì cháu có thể làm để có lợi cho phe ta chỉ là cơn nóng giận đối với con chó đã làm vấp chân anh ta, sự quá độ không đáng kể trong việc hút thuốc và sự xao lãng một lời cầu nguyện. Than thở với chú về những khó khăn của cháu thì có ích gì? Nếu cháu dựa vào quan điểm “công bình” của Kẻ Thù và gợi ý rằng những cơ hội cũng như những ý định của cháu cần được ghi nhận thì chú không thể đảm bảo rằng cháu sẽ không bị kết án là theo tà giáo. Dù gì chăng nữa, cháu sẽ thấy ngay công lý của Địa ngục hoàn toàn thực tế và chỉ quan tâm đến kết quả. Hãy đem đến thức ăn hoặc nếu không chính cháu sẽ là thức ăn.

      Trong lá thư của cháu đoạn xây dựng duy nhất, là chỗ cháu nói còn đang mong đợi những kết quả tốt do sự mệt mỏi của anh bệnh nhân đưa đến. Nghe cũng hay đấy nhưng không phải tự nhiên mà có đâu. Mệt mỏi thường đưa đến sự hiền dịu hết mức, và sự thoải mái của tinh thần và đôi khi một cái gì đó gần như là khải tượng. Nếu cháu thường thấy những con người mệt mỏi bị dẫn dụ đến sự nóng giận, độc ác hay mất bình tĩnh thì đó là vì các chuyên viên cám dỗ họ thuộc loại có bản lãnh! Mệt mỏi nhè nhẹ là môi trường tốt cho sự cáu kỉnh hơn là mệt lả. Nghịch lý này tùy thuộc phần nào vào những nguyên nhân vật chất. Không phải tình trạng mệt mỏi đưa đến nóng giận mà là những đòi hỏi bất ngờ đối với một người đang mệt mỏi. Những gì một người mong đợi chẳng bao lâu sẽ được xem như những gì họ có quyền hưởng: một sự thất vọng với chút khéo léo về phía chúng ta có thể biến thành sự tổn thương. Chỉ khi nào bọn con người chấp nhận tình trạng không thể sửa đời được, thôi không còn chờ đợi sự cứu giúp và không suy nghĩ trước về tương lai thì những nguy hiểm của nỗi mệt mỏi nhẹ nhàng khiêm tốn mới lộ ra. Để đem đến những kết quả tốt nhất qua sự mệt mỏi của anh bệnh nhân cháu phải nuôi dưỡng anh ta bằng những hy vọng hão huyền. Hãy nhồi vào óc anh ta những lý do có vẻ hợp lý để tin rằng việc ném bom sẽ không được lập lại. 

Hãy khiến anh ta tự an ủi bằng suy nghĩ đến sự thoải mái anh sẽ vui hưởng trên giường tối hôm sau. Hãy phóng đại sự mệt mỏi bằng cách khiến anh ta nghĩ rằng nó sắp chấm dứt; vì người ta thường cảm thấy một tình trạng căng thẳng không thể nào chịu được lâu hơn nữa vào đúng lúc nó chấm dứt hay lúc họ nghĩ nó sắp chấm dứt. Trong điều này cũng như trong vấn đề hèn nhát, điều cần tránh là sự tận hiến. Anh ta muốn nói gì cũng mặc nhưng phải khiến anh ta quyết tâm không chịu đựng bất cứ điều gì xảy đến cho anh ngoại trừ những gì xảy ra trong một thời gian hợp lý và thời gian hợp lý mà anh ta tự định lấy, phải ngắn hơn thời gian thật của thử thách. Cũng không cần ngắn hơn nhiều đâu; trong những cuộc tấn công vào sự kiên nhẫn, sự thanh sạch và sự bền bỉ chịu đựng, niềm vui là bắt bệnh nhân nhượng bộ ngay khi mà (ôi nếu như anh ta biết được) sự giải thoát đã gần kề.
     Chú không biết anh ta có gặp cô gái trong tình trạng căng thẳng này không? Nếu có, hãy tận dụng đến nơi đến chốn sự kiện mệt mỏi khiến phái nữ nói nhiều hơn và phái nam nói ít đi. Điều này gây ra nhiều bực bội ngấm ngầm, ngay cả giữa những người yêu nhau.

      Có lẽ những quang cảnh anh ta đang chứng kiến không cung cấp đủ dữ kiện cho một cuộc tấn công trí tuệ vào đức tin của anh ta, những thất bại trước đây của cháu đã tước đi cơ hội này. Nhưng vẫn còn có thể thử tấn công vào cảm xúc. Hãy khiến anh ta cảm nhận khi lần đầu nhìn thấy những mảnh thi thể còn dính vào tường rằng: "Cuộc sống thực là vậy đó" và tôn giáo của anh ta chỉ là điều tưởng tượng. Cháu sẽ nhận thấy là chúng ta đã hoàn toàn khiến bọn con người lờ mờ về ý nghĩa của từ ngữ “thật”. Họ nói với nhau về một kinh nghiệm thuộc linh: "Tất cả những gì thật sự xảy ra là bạn nghe thấy một điệu nhạc trong một tòa nhà có đèn sáng choang", ở đây “sự thật” có nghĩa thuần túy là những sự kiện vật chất, tách biệt khỏi những yếu tố khác trong kinh nghiệm họ đã có. Mặt khác, họ cũng sẽ nói: "Ngồi trong ghế bành mà thảo luận về việc từ trên cao nhảy xuống nước thì ngon lành lắm nhưng cứ thử leo lên cao đi và rồi sẽ thấy điều ấy thật sự ra sao". Ở đây “thật sự” được sử dụng trong một ý nghĩa trái ngược, không chỉ sự kiện vật chất (điều họ đã biết khi ngồi trong ghế bành thảo luận) mà chỉ cái tác động cảm xúc mà những sự kiện đó gây ra trên ý thức con người. áp dụng từ ngữ này như thế nào cũng giải thích hợp lý được; nhưng công việc của chúng ta là giữ đồng thời cả hai cách để giá trị tình cảm của chữ “thật” có thể sử dụng khi thì như thế này khi thì như thế khác để ích lợi cho chúng ta. Nguyên tắc chung chúng ta đã đặt ra giữa bọn họ là: trong tất cả những kinh nghiệm mà khiến họ tốt hơn hoặc sung sướng hơn, chỉ những yếu tố vật chất là “thật”, còn những yếu tố tâm linh là 
“chủ quan”. 

Trong tất cả những kinh nghiệm làm, họ chán nản hay suy sụp thì những yếu tố tâm linh là thật và nếu không nhận biết như vậy thì có nghĩa là hèn nhát trốn chạy. Cho nên, trong sự sinh nở, máu và sự đau đớn là thật còn niềm vui chỉ là một quan điểm chủ quan; trong sự chết, nỗi kinh khiếp, ghê sợ cho thấy chết “thực sự” như thế nào. Những nét đáng ghét của một người đang bị ghét bỏ là “thật” - trong sự căm ghét bạn thấy rõ con người như họ thật có và không còn ảo tưởng, nhưng những nét đáng yêu của một người đáng được yêu chỉ là một lớp sương mù chủ quan chế giễu một tấm lòng “thật” đã bị bán cho những ham muốn tình dục và những mưu đồ kết hợp vụ lợi. Chiến tranh và nghèo đói “thật sự” khủng khiếp; hòa bình và sự dư dật chỉ là những sự kiện vật chất khơi dậy nơi con người một số tình cảm nào đó. Bọn con người thì cứ tố cáo lẫn nhau là cái gì cũng muốn cả nhưng nhờ vào những nỗ lực của chúng ta thì chúng thường chẳng có được gì mà còn phải mất thêm nữa.
     Bệnh nhân của cháu nếu được điều khiển đúng cách sẽ dễ dàng xem sự xúc động của anh ta khi nhìn thấy những mảnh thi thể của con người là sự biểu lộ của 'thực tế' còn sự xúc động của anh ta khi nhìn thấy những đứa trẻ sung sướng hay một thời tiết tươi đẹp chỉ là một tình cảm hoàn toàn chủ quan.
                                                                                       Chú thân yêu của cháu.
                                                                                               Screwtape