Ta Đã Đắc Thắng Thế Giới
Chúa muốn chúng ta có cái nhìn sáng tỏ về
chính Ngài và vinh hiển của Ngài. Hầu hết các rắc rối của chúng ta đều do chúng
ta không nhìn thấy Ngài hoặc học biết Ngài như chính Ngài là. Bất cứ khi nào cảm
thấy ngã lòng, thất vọng và bị đánh bại, chúng ta có thể tìm thấy một phương
thuốc hiệu nghiệm: Xoay qua Chúa Jesus Đấng Christ và nhận được một khải tượng
mới mẻ về Ngài. Các Cơ đốc nhân trên khắp thế giới đều ý thức rằng giữa vòng họ thiếu hụt sự thánh khiết. Chúng
ta không nhìn thấy sự sống và quyền năng giữa vòng dân Đức Chúa Trời. Tuy
nhiên, Chúa chúng ta nói: “Người nào tin vào trong Ta, người ấy sẽ làm những
công tác mà Ta đã làm” (John 14: 12). Ngài cũng nói: “Kìa, Ta ở với các ngươi mọi
ngày cho đến khi tổng kết thời đại” (Matt 28: 20). Chúng ta đọc trong Hebrew
13: 8: “Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, Jesus Đấng Christ vẫn y nguyên.” Các câu
này trong Lời Đức Chúa Trời, mà hầu như Cơ đốc nhân nào cũng biết, cho thấy rằng
Đức Chúa Trời của chúng ta không bao giờ thất bại. Tuy nhiên, chúng ta đã thất
bại, vì vậy chúng ta không nhận được quyền năng của Ngài.
Chúa chúng ta đã biết trước mỗi một sự tấn công của kẻ thù đối với dân
Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài đã ban cho chúng ta nhiều lời cảnh báo. Chúng ta
biết rằng ma quỷ có thể đến như sư tử gầm rống, hay giống như lang sói săn mồi,
hay giống như một cơn nước lụt, hay như một thiên sứ sáng chói. Chúng ta không
nên nghĩ rằng vì kẻ thù rất mạnh nên chúng ta sẽ bị đánh bại. Chúa chúng ta nói
rất rõ ràng: “Hãy can đảm lên; Ta đã đắc thắng thế giới” (John 16: 33). Chỉ bởi
qua Ngài và qua Ngài chúng ta mới có thể kinh nghiệm nếp sống Cơ đốc chiến thắng.
Sự Khôi Phục Đầy Trọn
Trong sách Khải thị, chúng ta nhận thấy thể nào chúng ta đến với Chúa Jesus
Đấng Christ để trở nên những người chinh phục càng hơn. Sứ điệp trong sách này
là một sứ điệp về sự chiến thắng trọn vẹn. Chiến thắng này làm cho chúng ta có
đủ tư cách thừa hưởng mọi điều của sáng tạo mới và khôi phục mọi điều mất mát
mà chúng ta đã giữ vững được. Chúng ta không muốn bị mất bất cứ điều gì, nhưng
thực tế thì chúng ta thường bị mất điều nay điều kia. Chúng ta mất mát vì sơ suất,
bị lấy cắp hoặc vì chúng ta hay quên. Khi còn nhỏ, chúng ta làm mất bút, sách vở
và nhiều thứ khác. Tuần nào chúng ta cũng phàn nàn với mẹ mình một điệp khúc là
chúng ta đã làm mất những thứ này. Khi lớn lên, vì sơ suất chúng ta làm mất
chìa khóa, giày dép và mắt kính. Bây giờ chúng ta quên mang dù và để quên những
món đồ khác trên xe lửa. Chúng ta cũng bị mất cắp nhiều thứ. Thợ giặt ủi làm hư
quần áo của chúng ta. Một số người cứ như là bàn tay lủng, họ đánh rơi và làm đổ
vỡ đồ đạc. Do đó, chúng ta có cả một hồ sơ về những sự mất mát. Hãy tưởng tượng
một ngày kia có một người đến với anh em: “Ông A, hãy đi với tôi và xem mọi thứ
ông đã làm mất.” Anh em đi theo người đó và kinh ngạc khi thấy mọi điều anh em
đã mất ở đó, và kìa, tất cả những điều đó đã trở nên mới. Lúc ấy anh em sẽ
không cảm thấy vui mừng sao? Anh em sẽ nói: “Ngợi khen Chúa! Mọi điều tôi mất
đã được khôi phục.”
Anh em tìm thấy một sứ điệp như vậy
trong sách Khải thị. Sách này cho chúng ta biết thể nào mọi sự mất mát, kể từ
ngày Adam và Eva phạm tội trong vườn Eden có thể được phục hồi. Nhân loại đã mất
mọi sự vì sự rủa sả của tội. Chúa Jesus Đấng Christ đã vào trong thế giới để phục
hồi cho chúng ta mọi điều chúng ta đã đánh mất. Khi còn là một cậu bé trai, tôi
đã xem một người làm ảo thuật. Người ấy lấy chiếc đồng hồ của một khán giả rồi
để vào trong một chiếc hộp rỗng, sau đó dùng búa đập nhiều lần. Ông ta đập nát
chiếc đồng hồ thành nhiều mảnh nhỏ, sau đó phủ một chiếc khăn lên hộp; và thật
đáng kinh ngạc, ông ta lấy ra từ đó chiếc đồng hồ còn nguyên vẹn. Tất cả khán
giả đều thắc mắc không hiểu sao người đó có thể làm được như vậy. Nhà ảo thuật
đó chỉ mê hoặc chúng tôi bằng ảo giác. Tuy nhiên, về mặt thuộc linh, Chúa chúng
ta sẽ thực hiện những điều kỳ diệu. Ngài sẽ nhận lấy đời sống tàn lụi và đã bị
làm ô uế bởi tội của chúng ta mà làm cho chúng ta trở nên hoàn hảo, trọn vẹn.
Chúng Ta Sẽ Giống Như Ngài
Chúng ta sống trong thời đại của nhiếp ảnh. Nhiều người kè kè theo mình chiếc
máy ảnh và nhiều người khác mơ rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ sở hữu một chiếc.
Khi muốn chụp hình, nhiều người đi mua hoặc mượn một bộ đồ đẹp, một chiếc nhẫn
hay đồng hồ để đeo, hầu cho họ trông đẹp hơn. Khi chụp ảnh lần đầu, tôi đã mượn
một chiếc đồng hồ đeo tay; và khi hình được rửa ra, điều đầu tiên tôi muốn biết
là có nhìn thấy chiếc đồng hồ trong hình không. Nhìn thấy chiếc đồng hồ trong ảnh,
tôi rất vui. Người thợ chụp ảnh cũng lấy lược chải chải tóc và chỉnh lại khuôn
mặt tôi. Tuy trời tối nhưng bức hình của tôi rất đẹp.
Bản chất loài người là muốn mình trông đẹp hơn thực tế; nhưng trong Lời
Ngài, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một bức ảnh là hình ảnh chân thực của
chính chúng ta. Kinh thánh nói: “Từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu đều không lành lặn,
nhưng có những vết bầm, vết đánh và những thương tích còn nguyên. Chúng chưa được
làm tan, chưa được băng bó hoặc chưa làm dịu bằng dầu xức” (Isa 1: 6). Thật là
một bức tranh buồn! Anh em có thể tưởng tượng được một người như vậy đứng trước
mặt anh em không? Anh em có thể thấy từ đầu đến chân người ấy không có gì khác
ngoài những vết bầm, những thương tích và vết đánh. Đó là một cảnh tượng nghê tởm;
tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhìn thấy anh em và tôi giống như vậy. Đó là tình trạng
thuộc linh của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Đôi lúc khi một người đi khám
bệnh, nhìn bên ngoài thì người ấy rất ổn, nhưng bác sỹ phát hiện ra người ấy mắc
một căn bệnh đáng sợ. Khi tiến hành phẩu thuật, người ta phát hiện ra căn bệnh
đã tiến triển rất xấu, và bác sỹ nói rằng người ấy chỉ sống được tối đa một hoặc
hai tháng nữa. Bạn bè của người ấy không thể tin rằng đó là sự thật. Họ nói:
“Sao có thể như vậy? Anh ấy trông rất ổn, sao có thể chết sớm như vậy?” Phải, họ
không thể nhìn thấy bên trong người bệnh, nhưng bác sỹ có thể. Cũng vậy, Đức
Chúa Trời nhìn thấy sự hư hoại bên trong và bản chất tội lỗi của chúng ta. Anh
em có thể nghĩ rằng mình đẹp đẽ, nhưng Đức Chúa Trời nói rằng anh em rất xấu
xí, vì Ngài nhìn vào bên trong và thấy sự rủa sả trên mặt anh em. Hãy nhớ, điều
này đúng với mọi bản thể loài người.
Có thể bác sỹ nói rằng anh em không còn hy vọng, nhưng Chúa không nói như vậy.
Ngài bảo chúng ta rằng chúng ta đã phạm tội, và Ngài cũng nói chúng ta có thể
được biến đổi và thay đổi hoàn toàn. Ngài sẽ không nói: “Ta rất tiếc nhưng Ta
không thể thay đổi ngươi, ngươi quá tệ.” Khi thấy con cái mình bị tội làm hư hỏng,
nhiều bậc cha mẹ đã nói như vậy về chúng. Họ đã làm hết sức để thay đổi chúng
nhưng chúng vẫn phản loạn. Họ quở trách và trừng phạt chúng, và khi chúng vẫn
không thay đổi, họ nói: “Mày cút khỏi nhà. Mày không xứng đáng làm con tao.”
Nhưng Chúa Jesus sẽ không nói với anh em như vậy. Dù Ngài nhìn thấy tình trạng
đáng hổ thẹn và tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài nói: “Con Ta ơi, ta sẽ biến đổi
con và làm cho con giống như Ta.” “Chúng ta sẽ giống như Ngài” (John 3: 2). Các
lời này không kỳ diệu sao? Ngay cả các thiên sứ cũng ngưỡng mộ chúng ta vì
chúng ta sẽ không giống như họ nhưng giống như Ngài, Đức Chúa Trời vinh hiển.
Khi chúng ta nhìn thấy Ngài như Ngài là thì chúng ta sẽ giống như Ngài. Ô, thật
là tình yêu dịu dàng! Ngài thật bày tỏ cho chúng ta ân điển và quyền năng vô
han!
Một bé gái hỏi mẹ: “Khi lên Thiên đàng thì chúng ta sẽ là người da trắng hay da đen?” Người mẹ đáp:
“Chúng ta sẽ không phải là da trắng hay da đen. Chúng ta sẽ giống như Chúa
Jesus Đấng Christ.” Điều đó hoàn toàn đúng. Vì chủ đích này, chúng ta phải có một
khải tượng sáng tỏ về vinh hiển của Cứu Chúa hằng sống của chúng ta. Sứ đồ John
đã có một khải tượng như vậy khi ông xoay lại và nhìn thấy Chúa: “Đầu tóc Ngài
trắng như lông chiên trắng, như tuyết; mắt Ngài như ngọn lửa; chân Ngài như đồng
sáng, như được nung trong lò; và tiếng nói Ngài như tiếng của nhiều dòng nước.
Ngài cầm bảy ngôi sao trong tay hữu; có một thanh gươm bén hai lưỡi ra từ miệng
Ngài; và mặt Ngài như mặt trời chiếu sáng hết mức” (Khải 1: 14 – 16). Chúa đã
khải thị chính Ngài cho John theo cách này để chúng ta có thể hiểu được Ngài muốn
chúng ta là loại người nào.
Sứ đồ John đã rất nản lòng khi ông nhìn thấy sự bắt bớ và các nỗi khổ mà
các tín đồ thời đó phải chịu. Nhiều người đã bị tản lạc, nhiều người bị giam cầm,
nhiều người bị mất tài sản, nhiều người mất sự vui mừng và bình an vì sợ hãi.
Ma quỷ nghĩ: “Ta đã chiến thắng,” tuy nhiên hắn đã không biết thể nào Chúa đang
công tác bên trong lòng các tín đồ qua các kinh nghiệm này để biến đổi họ thành
hình trạng của chính Ngài.
Đôi khi những người rao giảng như chúng ta quên mất công tác bên trong này.
Chúng ta rất vui mừng khi thấy có nhiều người nghe, và khi chỉ có một ít thính
giả thì chúng ta thấy buồn, chúng ta mất sự vui mừng. Chúng ta quá chú trọng số
lượng. Đó là cách nhiều nhà truyền giáo và mục sư bị lừa dối. Họ nghĩ rằng bởi
có được những đám đông lớn và nhiều người được hoán cải họ sẽ làm vui lòng Đức
Chúa Trời. Họ gửi sang Anh và Mỹ những bản báo cáo cảm động: “Chúng tôi đã làm
baptism cho rất nhiều người hoán cải, vui lòng gửi thêm tiền đến. Dân chúng ở
đây rất nghèo. Họ không có quần áo để mặc, và chỉ có cơm không để ăn sáng, trưa
và tối. Họ không có thịt cừu hoặc bơ sữa.” Họ chỉ quan tâm đến đám đông và số
lượng. Hãy tưởng tượng một người mẹ có 25 đứa con, đứa thứ nhất bị mù, đứa thứ
hai bị câm, đứa thứ ba bị què quặt, đứa thứ tư bị điếc và những đứa khác cũng
giống như vậy. Những đứa trẻ này khiến cho người mẹ vui mừng được bao nhiêu? Có
thể một người mẹ khác chỉ có hai hoặc ba đứa con, nhưng chúng đều khỏe mạnh và
lành lặn, không bị khuyết tật gì. Anh em nghĩ xem người mẹ nào hạnh phúc? Những
người quan tâm đến số lượng có thể nói: “Chúng tôi làm baptism cho rất nhiều
người,” nhưng bao nhiêu người trong số đó bị điếc, câm, đui về mặt thuộc linh?
Tại sao các nhà truyền giáo và các mục sư đó làm như vậy? Vì họ chưa nhìn thấy
Chúa và cũng không biết quyền năng của Ngài. Đó là lý do tại sao anh em thấy có
nhiều sự cằn cỗi thuộc linh trong công tác Cơ đốc ở Ấn độ ngày nay.
Đức Chúa Trời nói với sứ đồ John:
“John, đừng ngã lòng khi ngươi nhìn xem sự hoạn nạn, nghèo khổ, các nỗi khổ và
các sự thử thách của dân Ta. Hãy nhìn xem công tác bên trong mà Ta đang thực hiện
trong họ qua chính những điều này.” Giống như vàng được tinh luyện trong lửa,
Chúa cũng đang tinh luyện dân Ngài qua các sự thử thách của họ. Công tác bên
trong này là vô giá đối với Chúa.
Ngài Là Sự Khôn Ngoan Của Chúng Ta
Chúng ta đọc Khải thị 1: 14: “Đầu và tóc Ngài trắng như lông chiên trắng.”
John đã nhìn thấy một gương mặt chiếu sáng với mái tóc trắng. Một số người
không thích tóc muối tiêu. Họ dùng thuốc nhuộm tốt nhất để giữ cho tóc đen. Họ
nghĩ rằng nhuộm tóc có thể làm cho họ trẻ ra và họ sẽ vui. Tại sao Chúa có tóc
trắng? Hãy đọc Daniel 7: 13. Daniel đã nhìn thấy “Đấng Thượng Cổ” tức là Đấng
là từ ban đầu, Đấng có sự khôn ngoan. Đấng Thượng Cổ này ban sự khôn ngoan của
Ngài cho chúng ta. Do tội chúng ta trở nên dốt nát và ngu dai, nhưng Chúa Jesus
Đấng Christ trở nên sự khôn ngoan của chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Ngài làm
Cứu Chúa của mình. Khi ấy chúng ta hiểu được những điều sẽ đến và những điều
liên quan đến toàn bộ Vương quốc của Đức Chúa Trời.
Vậy Chúa Jesus chúng ta nói: “Amen,
amen, Ta nói với các ngươi, nhiều tiên tri và người công nghĩa đã ao ước nhìn
thấy những điều các ngươi nhìn thấy mà không được; họ ao ước nghe những điều
các ngươi nghe mà không được” (Matt 13: 17). Đây là những điều mà các thiên sứ
mong ước nhìn thấu (I Peter 1: 2). Những điều này từng bị giấu khỏi những người
thế gian, và thậm chí khỏi các tiên tri và những người công nghĩa, nhưng hiện
nay đang được khải thị cho những người đi theo Chúa Jesus Đấng Christ. Khi Chúa
Jesus hằng sống vào trong lòng tôi, chính Ngài trở nên sự khôn ngoan của tôi.
Không phải tri thức Kinh thánh là sự khôn ngoan của tôi mà chính hiện diện sống
động của Chúa Jesus Đấng Christ là sự khôn ngoan của tôi. Tôi sống vì Ngài và
tôi phục vụ Ngài. Tôi càng nhận biết Ngài thì Ngài càng trở nên sự khôn ngoan của
tôi. Đó là lý do tại sao trong khải tượng của mình, John đã nhìn thấy tóc Ngài trắng như lông
chiên và trắng như tuyết.
Khi một em bé được sinh ra trong một gia đình và những người hàng xóm đến
xem, điều đầu tiên họ sẽ hỏi là: “Đứa bé giống cha hay giống mẹ?” Nó sẽ có nét
giống cả cha lẫn mẹ. Khi đứa trẻ lớn lên, những nét giống cha mẹ sẽ càng dễ thấy
hơn. Khi tiếp nhận Chúa Jesus vào trong lòng mình, chúng ta được sinh vào trong
gia quyến của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải giống Ngài, nếu không chúng ta sẽ không
có quyền để được gọi là Cơ đốc nhân.
Hãy tin vào Lời Đức Chúa Trời và ăn năn; hãy tiếp nhận Chúa Jesus vào trong
lòng anh em hôm nay; khi ấy anh em sẽ trở nên con cái Ngài, có hy vọng nhìn thấy
Ngài và trở nên giống như Ngài. Cuối cùng, tất cả chúng ta sẽ giống như Ngài,
khi chúng ta gặp Ngài vào lúc Ngài trở lại. Bây giờ ở trên đất, chúng ta có thể
tiếp nhận Ngài trong lòng mình. Anh em có thể nói một cách chân thật, vui mừng
và dạn dĩ rằng Cứu Chúa đã bước vào để sống trong lòng anh em không? Nếu không
thì hãy tiếp nhận Ngài ngay bây giờ.
Bakht Singh