Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

NHÌN XEM VÀ HỌC TẬP



Các lời đơn giản mà chúng ta đọc trong Hebrew 12: 2: “Nhìn xem Jesus,” chứa đựng một bí quyết lớn lao. Các lời này cho chúng ta biết rằng trước hết chúng ta phải nhìn xem Chúa Jesus ngay bây giờ, và sau đó cứ tiếp tục nhìn xem Ngài, không chỉ trên đất này mà suốt cả cõi đời đời.


Có lẽ anh em đã nghe nói về thác Niagara ở Canada. Nó được xem như một trong bảy kỳ quan của thế giới. Giống như có nhiều người đến Agra để xem đền Taj Mahal, nhiều người trên khắp thế giới cũng đến tham quan thác Niagara. Đó là một nơi rất đẹp. Thác Niagara nằm ở biên giới giữa Hoa kỳ và Canada. Vào năm 1928, tôi cùng bốn người bạn đã đến thăm thác nước nổi tiếng này. Sau khi chiêm ngưỡng khoảng hai giờ, các bạn tôi nói với tôi: “Đi thôi, chúng ta đã xem thấy vậy là đủ rồi.” Tôi nói với họ: “Chúng ta đã nghe rất nhiều người nói về thác Niagara, và bây giờ chúng ta đã đến đây, sao chúng ta không xem thêm?” Họ trả lời: “Anh đã xem thấy rồi đó, chỉ là cái thác nước thôi mà. Anh còn muốn xem gì nữa?” Họ bỏ đi ngay chiều tối hôm đó. Có thể họ nghĩ rằng nếu ở lại lâu hơn họ sẽ phải trả tiền khách sạn nhiều hơn. Còn tôi ở lại đó thêm năm ngày nữa để ngắm thác nước vào lúc mặt trời mọc, lúc giữa trưa và lúc hoàng hôn. Tôi bắt đầu nhìn thấy thác nước cách mới mẻ. Càng nhìn xem quang cảnh tuyệt vời này, tôi càng thấy nó đẹp vô cùng. Tuy nhiên, để thưởng thức vẻ đẹp trọn vẹn của thác Niagara thì người ta phải tham quan vào mùa Đông, mùa Hè và cả các mùa khác nữa. Để thưởng thức vẻ đẹp của thác Niagara, một chi tiết vô cùng nhỏ bé trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta đã mất nhiều thời gian như vậy, thì rõ ràng là để thưởng thức vẻ đẹp của Đấng Sáng Tạo, Chúa Jesus Đấng Christ chúng ta sẽ cần đến cả cõi đời đời. Ngài quá vinh hiển và đẹp đẽ.

Khi anh em thấy chán nản, ngã lòng hoặc thất vọng trong đời sống riêng tư hay trong chức vụ, anh em cần cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi, hãy ban cho tôi cái nhìn mới mẻ về vinh hiển của Con Ngài.” Sứ đồ John đã có đặc ân nhìn thấy Chúa theo cách gần gũi nhất. Ông đã phục vụ Ngài cách trung tín. Ông đã có thể hỏi Ngài bất cứ câu hỏi nào. Thật vậy, thậm chí ông đã nằm dựa đầu nơi ngực Chúa. Ông đã nhìn thấy Chúa biến hóa. Ông đã nhìn thấy Chúa sống lại và thăng thiên vào trong cõi thiên thượng. Nhưng bây giờ trong sách Khải thị, khi đã lớn tuổi, John nhìn thấy Ngài theo cách hoàn toàn mới. Ông biết đó là Chúa, Jesus Đấng Christ. Ông không cần hỏi: “Ngài là ai?” Vì ông đã nghe một tiếng nói: “Ta là Alpha và Omega, đầu tiên và sau cùng” (Khải 1: 11). John đã xoay lại để nhìn xem tiếng đã nói với ông, và ngay lập tức ông ngã xuống nơi chân Ngài và nói: “Chúa ôi, tôi chưa từng biết rằng Ngài đẹp đẽ và vĩ đại như vậy.” Chúng ta cần nhiều ngày để nhận biết đầy đủ hơn về ý nghĩa của các đặc điểm của Chúa Jesus Đấng Christ – tóc Ngài, bàn chân Ngài, bàn tay Ngài, mắt Ngài, miệng Ngài và các áo choàng của Ngài.

Tại sao Chúa hiện ra với John theo cách như vậy? Câu trả lời rất đơn giản. Chúa chúng ta muốn nói với John: “Ta muốn dân Ta trở nên giống như Ta.” Đó là lý do tại sao vào thời đó dân Chúa phải trải qua các nỗi thống khổ như vậy. Giả sử bây giờ anh em muốn có vàng ròng rực rỡ thì vàng phải được nấu chảy ra rồi được tinh luyện trong lửa. Người thợ bạc sẽ đốt lửa thật nóng cho đến khi bề mặt kim loại nóng chảy trở nên giống như gương có thể soi được. Sự phản chiếu gương mặt người thợ bạc trong kim loại nóng chảy là sự thử nghiệm cho thấy vàng đã trở nên hoàn toàn tinh thuần. Tương tự như vậy, chúng ta phải được tinh luyện bằng lửa là sự chịu khổ, cho đến khi vinh hiển của Chúa Jesus có thể được nhìn thấy trong chúng ta cách đầy đủ.

Tôi đã nói đôi chút về mái tóc trắng của Chúa chúng ta. Bây giờ tôi sẽ nói vài lời về đôi mắt. Có một câu chuyện về Napoleon, Hoàng đế nước Pháp. Trong quân đội của Napoleon có một nhóm binh sĩ nổi loạn chống lại ông. Vì vậy, Napoleon dựng lều và ra lệnh: “Hãy đem các binh sĩ nổi loạn vào lều của tôi, từng người một.” Vị Hoàng đế ngồi trong lều, và theo lệnh của ông, người ta đem các binh sĩ vào từng người một. Ông không nói lời nào, chỉ ngồi đó nhìn kỹ từng người một từ đầu đến chân, sau đó đuổi họ đi. Từ ngày đó, không còn ai dám nổi loạn với ông nữa. Napoleon đã không nói gì. Ông đã không nói: “Nhìn đây, mày đã phạm lỗi.” Các binh sĩ có thể đọc được trong mắt ông rằng ông đang rất giận dữ. Họ đã sợ hãi và tự nhủ: “Nếu chúng ta không vâng phục ông ấy thì ông ấy sẽ trừng phạt chúng ta.”

Một người giàu có ở Hoa kỳ có một con mắt còn tốt và một con mắt giả. Con mắt giả được làm rất đẹp đến nỗi không ai có thể phân biệt được đâu là mắt giả, đâu là mắt thật. Một ngày kia ông gọi một đứa con đến và hỏi: “Này con, hãy cho ta biết con mắt nào của ta là thật, con mắt nào là giả?” Ngay lập tức đứa trẻ nói đúng đâu là con mắt giả. Người đàn ông hỏi: “Sao con biết?” Đứa trẻ trả lời: “Vì trong đó không có tình yêu.” Con mắt giả thì sáng đẹp, nhưng trong đó không có tình yêu. Trong Lời Đức Chúa Trời, tôi nhìn thấy đôi mắt của Chúa Jesus Đấng Christ. Đôi mắt ấy đầy tình yêu – tình yêu thần thượng, đời đời. Chúng ta đọc trong Jeremiah 31: 3: “Thật vậy, Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu đời đời, vì vậy Ta đã lôi cuốn ngươi bằng lòng yêu thương trìu mến.” Lửa trong mắt Chúa Jesus Đấng Christ không phải để khiến anh em sợ hãi, nhưng để đổ tình yêu của Ngài vào trong anh em. Đức Chúa Trời muốn anh em trở nên thánh khiết. Nhưng làm thế nào anh em có thể thánh khiết? Bởi nhìn vào mắt Chúa Jesus Đấng Christ và nhìn xem Ngài mặt đối mặt. Ban đầu thì điều này không dễ chịu, vì lửa sẽ đốt sạch mọi cặn bã của tội trong anh em. Tuy nhiên, khi anh em tiếp tục nhìn vào trong mắt Ngài, tình yêu thần thượng sẽ được đổ vào trong anh em.

 Thứ hai, chúng ta cũng đọc thấy đôi mắt ấy trong II Sử ký 16: 9: “Vì mắt của Jehovah chạy tới lui khắp đất để làm vững mạnh những người có tấm lòng hoàn hảo đối với Ngài.” Tình yêu của Đức Chúa Trời quá vĩ đại đến nỗi mắt Ngài chạy tới chạy lui khắp đất công tác vì cớ chúng ta. Đôi mắt yêu thương của Ngài chạy tới chạy lui, giống như người mẹ trông chừng con cái mình. Mặc dù người mẹ đang làm việc trong bếp, bà vẫn để mắt đến đứa con, để nó khỏi bị nguy hiểm. Nếu chúng ta giữ lòng mình hoàn hảo đối với Ngài bằng cách thực hiện ý muốn của Ngài, khi ấy chúng ta biết rằng mắt Chúa chuyển động vì cớ chúng ta để ban cho chúng ta nhiều bạn bè, anh em và chị em và bày tỏ cho chúng ta nhiều đặc ân.

Chúng ta lại đọc: “Vì ai chạm đến ngươi là chạm đến đồng tử của mắt Ngài” (Zech 2: 8). Mắt là bộ phận rất nhạy cảm. Anh em có thể chạm đến bất cứ phần nào của thân thể, nhưng nếu anh em chạm vào mắt, chúng sẽ nói với anh em: “Đừng chạm vào tôi.” Vì vậy Đức Chúa Trời nói: “Nếu ai chạm đến ngươi, Ta sẽ nói: ‘Đừng chạm đến nó, đừng chạm đến nó; đó là con Ta, nó thuộc về Ta.” Chúng ta quá quý báu đối với Ngài, đến nỗi Ngài sẽ không để cho bất cứ người nào hoặc quyền lực nào làm tổn hại chúng ta.

Tác giả Thi thiên nói: “Mắt của Jehovah chăm xem người công nghĩa, và tai Ngài lắng nghe tiếng kêu la của họ” (Thi 34: 15). Chúa giữ mắt Ngài chăm nhìn chúng ta để cứu chúng ta. Hơn nữa chúng ta đọc trong Thi thiên 32: 8: “Ta sẽ chỉ dẫn ngươi và dạy dỗ ngươi bằng mắt Ta.” Anh em có thể nói rất nhiều điều bằng mắt. Một ngày kia, khi tôi trở về nhà trọ, người chủ nhà nói với tôi: “Cậu dùng trà nhé.” Tôi đáp: “Vâng ạ.” Vợ ông ấy đi vào bếp. Chúng tôi đợi một lát, sau đó bà ấy đi ra đứng sau cánh cửa nhìn chồng và dùng mắt ra dấu. Bà ấy ngụ ý trong nhà không còn sữa, và muốn chồng mình để tôi đi. Anh em thấy đó, nhiều điều có thể nói được bằng mắt. Chúa nói: “Ta sẽ hướng dẫn ngươi bằng mắt Ta. Ta sẽ cho  ngươi biết phải đi đâu và đi vào lúc nào.


Đây là sứ điệp chúng ta nhận được từ đôi mắt của Chúa khi chúng ta cứ liên tục nhìn xem Ngài.
Bakht Singh