“Chúng Tôi Muốn Gặp
Jesus”
“Thưa ông, chúng
tôi muốn gặp Jesus” (John 12: 21). Các lời này do một số người Hy-lạp thốt ra. Họ
đã đến Jerusalem để thờ phượng Jehovah vào Tiệc Vượt Qua. Bữa tiệc này là một
hình bóng báo trước về sự chết của Chúa Jesus Đấng Christ và nó được chỉ định để
giúp dân chúng hiểu thể nào Đấng Messiah phải chết vì tội lỗi của họ. Họ đã giữ
lễ tiệc này trong nhiều thế kỷ, nhưng lại không hề biết nghĩa của nó, cũng giống như những người được gọi là Cơ đốc
nhân giữ lễ Giáng sinh và Phục sinh mà không biết ý nghĩa
thuộc linh của chúng. Những người này đã nghe về
Chúa Jesus Đấng Christ, khao khát nhìn thấy Ngài, và khi họ thấy đám đông vây
quanh
Ngài, họ thỉnh cầu với Philip: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Jesus. Xin giúp chúng tôi gặp Ngài vài phút.” Philip
đến gặp Andrew, và cả hai cùng đến chỗ Chúa Jesus. Chúa đã đưa ra một câu trả lời
vô cùng kỳ lạ. Ngài nói: “Nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết thì nó cứ ở
một mình” (John 12: 24).
Mỗi lời Chúa phát ngôn đều đầy ân điển và lẽ thật, và có nghĩa thuộc linh
sâu sắc. Nhiều giáo sư vĩ đại đã phát ngôn những điều kỳ diệu, nhưng các lời của
Chúa Jesus vô cùng đặc biệt và không bao giờ có thể quên được. Các lời và các
câu nói của Chúa Jesus Đấng Christ đã được ghi lại và giải thích trong nhiều
tác phẩm của các tác giả lớn, nhưng họ vẫn chưa diễn đạt được hết ý nghĩa của chúng.
Mỗi lời Ngài
phát ngôn đều
có chủ đích. Tại sao Ngài thốt ra các lời này: “Nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống
đất mà chết thì nó cứ ở một mình?” Những người này đã đến từ một đất nước xa
xôi và háo hức gặp mặt Chúa Jesus. Hẳn nhiên là Philip và Andrew đã đề cập trường
hợp này với Chúa. Theo cách trả lời của Chúa, dường như Ngài đã hoàn toàn phớt
lờ điều đó. Vậy tại sao Chúa chúng ta thốt ra các lời này?
Theo lời Đức
Chúa Trời trong Epheso 3: 20: “Ngài có thể làm rất đổi
dư dật hơn mọi sự chúng ta cầu xin hoặc suy nghĩ.” Thí dụ, có thể có một tội
nhân run rẩy đến với Chúa Jesus và nói: “Chúa ôi, xin tha thứ cho tôi. Tôi rất
hối tiếc về tội lỗi của mình.” Và Chúa nói: “Con Ta ơi, Ta sẽ tha thứ tội lỗi của
con. Ta sẽ ban cho con cả vương quốc của Ta. Bất cứ điều gì con cần, hãy xin và
nhận lấy từ tay Ta.” Khó khăn của chúng ta là chúng ta không biết cách xin.
Ngay cả các môn đồ của Chúa cũng không biết, mặc dù họ đã ở với Ngài trong ba
năm. Chúa nói với họ: “Đến bây giờ các ngươi chưa xin điều gì trong danh Ta;
hãy xin và các ngươi sẽ nhận được, hầu cho sự vui mừng của các ngươi có thể được
làm cho đầy đủ” (John 16: 24). Họ nghĩ rằng họ đã xin nhiều điều từ Ngài. Một bữa
nọ, họ vui mừng hớn hở trở về và nói với Ngài: “Hãy xem những điều chúng tôi đã
làm trong Danh Ngài.” Ngay cả khi ấy, Chúa nói: “Cho đến nay các ngươi vẫn chưa xin điều gì trong Danh Ta.” Nói cách khác, họ chỉ
mới xin những điều đó, là những điều không thể khiến cho sự vui mừng của họ được
đầy đủ.Vì vậy Chúa chúng ta nói: “Bây giờ hãy xin và học tập liên tục cầu xin
liên tục.” Chúng ta cũng cần học bài học này. Chúng ta chưa biết cách xin Đức
Chúa Trời. Khi chúng ta học tập cầu xin, Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn điều
chúng ta có thể cầu xin, suy nghĩ hay tưởng tượng được.
“Nếu Ta Bị Treo Lên... Ta Sẽ Thu Hút Mọi Người”
Chúa biết lòng của những người Hy lạp và với niềm ao ước như thế nào mà họ
đã đến để bắt lỗi, hoặc giống như những người khác, họ đến để được chữa lành hoặc
để nhận được một đặc ân nào đó. Những người này chỉ muốn gặp Ngài. Họ nghĩ rằng
chỉ bởi nhìn thấy mặt Ngài họ sẽ vui mừng và có thể nói với người khác rằng họ
đã gặp người kỳ diệu này. Vì vậy Chúa nói: “Chỉ nhìn xem Ta theo cách này thì sẽ
không hiệu quả. Điều đó sẽ không ban cho các ngươi sự vui mừng thật. Hãy học tập
nhìn xem Ta và đắc thắng.” Ngài muốn chúng ta nhìn xem Ngài không chỉ trong vài
phút mà là mọi lúc và ở với Ngài mãi mãi. Chỉ khi ấy anh em mới có thể thật sự
nhận biết sự vĩ đại và sự vinh hiển của Ngài.
Nhưng làm thế nào để nhìn xem Ngài theo cách như vậy? Chúa chúng ta nói:
“Giờ đã đến để Con Loài Người được vinh hóa” (John 12: 23). Ngài nói điều này
chỉ về sự chết của Ngài. Sau đó Ngài nói tiếp: “Và nếu Ta bị treo lên khỏi đất,
Ta sẽ thu hút mọi người đến với Ta.” Ngài nói điều này để giải thích Ngài phải
chết theo cách nào. Khi Chúa nói các lời này với các môn đồ Ngài, tâm trí Ngài
luôn đặt nơi sự chết của Ngài và việc thể nào Ngài sẽ được vinh hóa qua sự chết.
Ngài muốn nói với dân chúng: “Đây là cách Ta đã đến thế giới để người ta có thể
nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời vĩ đại trong Ta. Nếu các ngươi thật sự muốn
nhìn xem Ta, thì vì chính chủ đích đó mà Ta phải chết, giống như một hạt lúa
mì. Rồi các ngươi sẽ không chỉ thấy Ta
mà sẽ trở nên giống như Ta.”
Giả sử anh em trông giống như một
người ăn xin dơ bẩn và anh em đến gặp một vị vua. Hãy thử tưởng tượng anh em mặc
bộ đồ hôi hám, bẩn thỉu, hai mươi lăm năm rồi chưa thay, và đã nhiều năm anh em
không tắm. Trong bộ dạng như vậy, anh em ra mắt vị vua vĩ đại. Anh em nói: “Tâu
bệ hả, tôi muốn được nhìn mặt Ngài một chút.” Vị vua sẽ trả lời: “Hãy vào
trong.” Trước hết, nhà vua cho gọi thợ hớt tóc đến và bảo ông ta cắt tóc cho
anh em thật đẹp. Nhà vua lại đem cho anh em một cái áo mới và bắt anh em mặc
vào. Rồi nhà vua đem anh em ra ngoài và nói: “Bây giờ hãy đi như là hoàng tử của
ta.” Lúc ấy anh em sẽ cảm thấy thế nào? Khi bước vào anh em là một gã ăn mày
hôi hám, dơ bẩn để gặp nhà vua trong vòng vài phút, và anh em bước ra như một
hoàng tử. Với niềm ao ước giống như vậy, Chúa chúng ta nói: “Ngươi chỉ muốn gặp
Ta một chút, nhưng Ta muốn ngươi nhìn xem Ta và trở nên giống như Ta.” Nhưng điều
đó có thể xãy ra không? Để bày tỏ điều này, Ngài nói: “Nếu hạt lúa mì không rơi
xuống đất mà chết, thì nó cứ ở một mình.” Chúng ta biết rằng một hạt lúa mì nhỏ
bé sản sinh ra hàng trăm hạt khác. Theo cùng một cách, Chúa muốn dạy dỗ: “Ta phải
chết để không chỉ những người Hy lạp này, mà cả thế giới có thể nhìn xem Ta mãi
mãi, và hễ ai nhìn xem Ta đều có thể trở nên giống như Ta.” Do đó, Chúa chúng
ta đã dạy dỗ rất rõ ràng và sáng tỏ rằng Ngài không thu hút người ta bằng các
phép lạ, những dấu hiệu và những điều kỳ diệu, hoặc bằng bất cứ phượng tiện thế
tục nào khác, nhưng bởi việc Ngài bị treo lên thập tự giá.
Vì năm trước đây, nhiều người Ấn
độ nghĩ rằng bởi việc mặc âu phục họ sẽ trở nên các Cơ đốc nhân. Họ lấy tên Tây
như: George, Henry, Charles... Họ nghĩ rằng bởi việc có tên Tây họ sẽ tìm được
việc làm. Nhưng rồi cũng đến lúc người ta không còn thích thú với những tên gọi
này nữa. Vì vậy bây giờ George trở thành Munuswamy hau Muthuswamy. Việc thay đổi danh xưng hay
áo xống không thể làm cho anh em trở nên một Cơ đốc nhân. Chúa nói: “Ta sẽ thay
đổi ngươi và làm cho ngươi giống như Ta.” Khi một hạt lúa mì chết, nó sản sinh
cùng một loại hạt trên cả thân cây. Đấng Christ đã chết để tất cả chúng ta có
thể trở nên giống như Ngài.
Trong nhiều thế kỷ, người ta đã thờ phượng cây
thập tự giá và đốt hương trước nó cách mù quáng. Hãy xem Đức Chúa Trời nói gì:
“Vì lời về thập tự giá đối với những kẻ đang bị diệt vong là ngu dại, còn đối với
chúng ta là những người đang được cứu, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời… Còn
đối với những người được gọi, cả người Do thái lẫn người Hy lạp, Đấng Christ là
quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (I Cô 1: 18, 24). Vì cớ tội, mọi
người đã trở nên ngu dại trước mặt Đức Chúa Trời và vô cùng yếu đuối. Chúng ta
làm việc rất siêng năng để kiếm tiền, rồi sau đó phung phí nó. Chúng ta dùng
đôi tay và đôi chân mình để gây ra tội và sự hổ thẹn. Cuộc đời chúng ta là một
bất hạnh. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch phục hồi chúng ta và làm cho
tất cả chúng ta trở nên khôn ngoan và mạnh mẽ trong Chúa Jesus Đấng Christ. Sự
khôn ngoan và quyền năng đó chỉ có thể đến từ thập tự giá.
Chúa nói: “Nếu Ta bị treo lên, Ta sẽ thu hút mọi người đến với Ta.” Nhưng
con người thật ngu dại! Họ nghĩ rằng họ có thể thu hút người khác bằng sự khôn
ngoan thế tục, công tác và tiền bạc. Đó là lý do tại sao anh em nhìn thấy nhiều sự cằn cỗi như vậy trong công tác Cơ đốc ở
nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những người đã tiếp nhận thập tự giá và đã
bước vào trong kinh nghiệm về thập tự giá thì hoàn toàn được biến đổi và tiếp tục
được biến đổi cho đến khi họ trở nên giống như Đấng Christ.
Có một trường hợp minh họa đời sống một người được biến đổi bởi việc nhìn
xem thập tự giá. Một họa sĩ nọ vẽ một bức tranh Chúa Jesus Đấng Christ trên thập
tự giá. Họa sĩ đó là một người Do thái và không có đức tin trong Đấng Christ. Một
thời gian sau ông ấy bắt đầu vẽ một bức chân dung của một cô gái trẻ. Mỗi lần đến
phòng vẽ tranh của người họa sĩ, cô gái đều nhìn bức tranh và hỏi ông: “Ai ở
trên cây thập tự đó vậy?” Câu hỏi này làm ông bối rối, và ông thường trả lời:
“Đừng quấy rầy tôi về việc đó. Bây giờ tôi muốn vẽ tranh cho cô.” Vì cô gái phải
đến gặp ông mỗi ngày để hoàn thành bức chân dung, cô liên tục hỏi ông câu hỏi
đó: “Ai ở trên cây thập tự đó vậy?” Cuối cùng, người họa sĩ phải kể cho cô nghe
câu chuyện về thập tự giá. Ông chỉ kể ngắn gọn Đấng Christ là người đã chết như
thế nào, Ngài đã được chôn và sống lại ra sao. Một ngày kia, người họa sĩ nhận
được tin từ cô gái trẻ: “Xin hãy đến gặp tôi, tôi đang hấp hối.” Vì vậy ông ta
đến. Ông nhìn thấy gương mặt sáng ngời của cô gái trên chiếc giường hấp hối, và
cô gái nói với ông: “Thưa ông, tôi muốn cảm ơn ông bằng cả tấm lòng vì ông đã
chỉ cho tôi con đường cứu rỗi. Tôi từng là một đại tội đồ. Đã đến lúc tôi ra đi.
Nhưng tôi biết Chúa đã tha tội cho tôi.” Người họa sĩ hỏi: “Ngài đã tha tội cho
cô như thế nào?” Cô gái trả lời: “Từ lúc tôi nhìn thấy bức tranh trong phòng vẽ
của ông và ông kể cho tôi nghe câu chuyện ấy, tôi trở nên không yên nghỉ. Tôi bắt
đầu nhìn thấy tội lỗi của mình và rồi tôi nhận thức rằng Đấng Christ đã chết vì
tội lỗi của tôi và tôi xưng nhận tội lỗi của mình. Bây giờ tôi biết rằng Ngài
đã tha thứ cho tôi.” Cô gái nói tiếp: “Nhờ ông mà tôi được gặp Cứu Chúa, đó là
lý do tôi muốn cảm ơn ông trước khi chết.” Sau khi nói lời này, cô gái thanh thản
ra đi. Sau đó người họa sĩ tự nhủ: “Bức tranh về thập tự giá đã ở trong phòng
tranh của mình nhiều năm mà mình chưa bao giờ biết sự huyền nhiệm của nó. Nhưng
bây giờ mình đã biết quyền năng của thập tự giá.” Ông ăn năn tội lỗi của mình
và kêu lên: “Chúa ôi, tôi cảm tạ Ngài bởi Ngài đã chết vì tội lỗi của tôi.” Sau
đó, ông dành nhiều năm để vẽ một chân dung mới của Chúa Jesus trên thập tự giá.
Khi vẽ xong, ông đã viết bên dưới bức tranh các dòng chữ: “Ta đã làm mọi điều
này cho ngưoi, ngươi đã làm gì cho Ta?” Không lâu sau đó người họa sĩ cũng qua
đời. Bức tranh được trưng bày trong một viện bảo tàng nghệ thuật ở Berlin. Nhiều
người đã đến xem tranh tại viện bảo tàng này. Một ngày nọ, một Bá tước rất giàu
có đến xem để tìm mua một bức tranh đẹp về trang trí trong lâu đài. Ông đi xem
vòng quanh cho đến khi nhìn thấy bức tranh về thập tự giá và các lời viết dưới
bức tranh đã thu hút sự chú ý của ông. “Ta đã làm mọi điều này cho ngươi, ngươi
đã làm gì cho Ta?” Vị Bá tước không thể rời mắt khỏi bức tranh và các lời đó thấm
sâu vào lòng ông. Bức tranh kéo ông đến gần Chúa hơn. Bức trang sống động đến nỗi
ông cảm thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ông cảm thấy như thể chính Chúa
đang đứng bên ông và nói các lời này: “Ta đã làm mọi điều này cho ngươi, ngươi
đã làm gì cho Ta? Ta đã đưa tay Ta để chịu đóng đinh cho ngươi. Ta đã đưa chân
Ta để chịu đâm cho ngươi. Ta đã đưa lưng Ta để chịu đòn roi cho ngươi. Ta đã
đưa mặt Ta để chịu nhổ vì ngươi. Ta đã đưa đầu Ta để chịu đội mão gai vì ngươi.
Nhưng ngươi đã làm gì cho Ta?” Vị Bá tước không thể rời nơi đó. Ông cứ mãi nhủ
thầm: “Vì tôi, vì tôi!” Ông nhìn thấy từng tội lỗi của mình và kêu lên: “Ngài
đã chết vì tội lỗi tôi.” Nước mắt bắt đầu chảy xuống hai má ông. Ông tiếp tục
khóc hàng giờ tại chính nơi đó, cho đến khi người trông coi bảo tàng đến nói:
“Thưa ông, tôi phải về nhà. Đã trể lắm rồi.” Vị Bá tước mua bức tranh đó đem về
nhà. Cuối cùng, ông bán tất cả tài sản của mình và dùng số tiền đó cho Phúc Âm.
Ông nói: “Chúa ôi, Ngài đã làm quá nhiều điều cho tôi, bây giờ tôi dâng cho
Ngài mọi điều tôi có.” Như vậy, ông đã trở nên người sáng lập Hội truyền giáo
Moravia. Từ thời điểm đó, Phúc Âm bắt đầu được truyền bá cách đầy quyền năng đến
nhiều miền đất và hàng triệu người đã được thu hút đến với thập tự giá.
Ý Nghĩa Của Thập Tự Giá
Công tác của thập tự giá trong đời sống anh em không được thực hiện cách dễ
dàng. Điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi Thánh Linh. Điều đó có thể xảy ra
trong đời sống anh em bây giờ hoặc một lúc nào đó. Tuy nhiên, điều chắc chắn là
một khi công tác ấy được thực hiện thì anh em sẽ không bao giờ giống như con
người anh em trước đây nữa. Sẽ có quyền năng mới mẻ trong đời sống anh em. Đấng
Christ đã chết để anh em có thể chết bản chất cũ của mình. Ngài đã sống lại để
anh em có thể sống lại với Ngài và trở nên một sáng tạo mới.
Có nhiều điều để nói về thập tự giá. Tại sao Đấng Christ lại chết một cái
chết như vậy? Ngài đã không chết vì chính Ngài. Ngài đã chết vì tôi; dù anh em
biết điều đó hay không thì Ngài cũng đã chết vì anh em. Vậy tại sao Ngài lại chết
cho con người tội lỗi dù chính Ngài không hề phạm tội. Tại sao Ngài bị những kẻ
độc ác nhạo báng và tại sao một người vô tội như vậy phải chết? Tôi muốn trả lời
các câu hỏi này bằng cách trình bày cho anh em bảy điểm về thập tự giá. Thứ nhất,
Ngài đã chết vì tội lỗi của tôi để giải cứu tôi khỏi sự thẩm phán và sự kết án
của tội. Thứ hai, Ngài đã chết để tôi có thể chết đối với bản chất tội lỗi khốn
khổ của mình. Thứ ba, Ngài đã chết để tôi có thể chết đối với thế giới và sự lừa
dối của nó. Thứ tư, Ngài đã kết thúc cõi sáng tạo cũ. Khi anh em cắt đứt thân
cây thì cả cái cây sẽ đổ xuống. Cũng vậy, khi Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo của
chúng ta chết, Ngài đã chết để kết thúc cõi sáng tạo cũ. Thứ năm, Ngài đã chết
để trở nên bánh hằng sống cho tôi. Thứ sáu, Ngài đã chết để làm cho chúng ta
hoàn toàn trở nên mới giống như Ngài. Khi chúng ta sáng tỏ về các lẽ thật này,
và chúng ta nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus bởi đức tin, chúng ta nhận được
sự sống mới.
Nhìn Xem Và Trở Nên Giống Như Ngài
Tôi chỉ có một yêu cầu, đó là hãy học tập nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus
Đấng Christ. Những người Hy lạp nói: “Chúng tôi muốn gặp Jesus.” Chúa chúng ta
nói: “Các bạn của Ta, các bạn muốn gặp Ta sao? Vậy trước hết hãy trở nên những
người dự phần vào sự chết của Ta, giống như hạt lúa mì chết trong đất.” Không
ai có thể tự cứu mình. Người ta có thể thử dùng nhiều phương tiện như kiêng ăn,
khóc lóc, cầu nguyện dài, hay chịu gian khổ, tuy nhiên họ không thể tự cứu
mình. Chính bởi đức tin mà chúng ta trở nên những người dự phần vào sự chết của
Chúa Jesus. Thí dụ, một người kia đã hút thuốc nhiều năm. Người ấy hứa: “Từ
ngày mai tôi sẽ bỏ hút thuốc.” Nhưng một tuần sau, người ấy lại lén hút thuốc.
Người ấy đã trở thành nô lệ cho thói quen đó. Họ tranh đấu và không yên nghỉ.
Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu thập tự giá, mỗi một tội và thói xấu sẽ tức thì biến
mất. Bởi quyền năng và sự vận hành của thập tự giá của Chúa Jesus Đấng Christ,
chúng ta được ban cho sự chiến thắng trên tội lỗi.
Khi tiếp tục ngắm xem thập tự giá, chúng ta trở nên giống như Chúa Jesus
chúng ta. Hãy lấy những người đã kết hôn làm thí dụ. Trước khi kết hôn, họ bị
hình thức bên ngoài lôi cuốn, nhưng sau khi kết hôn, họ quan tâm đến các mỹ đức
bên trong nhiều hơn. Họ tiếp tục nhìn thấy các mỹ đức mới mẻ trong nhau. Sau
nhiều năm, họ trông giống như anh em, mặc dù trước khi kết hôn giữa họ có sự
khác biệt rất lớn. Khi sự sống của Chúa Jesus vào trong anh em thì cũng giống
như vậy. Khi công tác thập tự giá tiếp diễn, thì anh em càng trở nên giống như
Ngài.
Anh em có thể thấy các phép lạ và có những giấc chiêm bao, nhưng anh em sẽ
không gặp Chúa cho đến khi anh em đến với thập tự giá bởi đức tin và sự khải thị
mà nhận biết Ngài đã làm gì cho anh em. Khi ấy anh em có thể nhìn xem Ngài luôn
luôn. Anh em có thể nhìn xem Ngài mỗi ngày và mọi nơi. Anh em có thể nhìn thấy
vinh hiển thiên thượng của Ngài. Thật là một sự vui mừng lớn lao! Khi học tập
nhìn xem thập tự giá, anh em sẽ càng trở nên giống như Ngài. Nếu anh em chưa có
kinh nghiệm này, hãy đến và kinh nghiệm ngay bây giờ.
Bakht Singh