Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

NHÌN XEM VÀ ĐƯỢC CỨU VÌ NGÀI TÌM KIẾM ANH EM



Có rất ít câu Kinh thánh trong các sách Phúc Âm tóm lược chủ đích trọn đời sống của Chúa Jesus Đấng Christ. Một câu trong số đó là Luke 19: 10” “Vì Con Loài Người đã đến để tìm và cứu điều bị mất.” Một câu khác là John 10: 10b: “Ta đã đến để chiên có thể có sự sống và có cách dư dật hơn.” Từ hai câu ngắn ngủi này, chúng ta có thể tóm lược chủ đích trọn đời sống của Chúa Jesus Đấng Christ. Dù chúng ta có thể không biết điều đó, nhưng Lời Chúa lan tràn khắp thế giới. Bất kể đi đâu anh em cũng thấy những người đói khát Lời Đức Chúa Trời. Nếu tìm cách nhận biết Đức Chúa Trời, anh em sẽ tìm thấy Ngài như đã chép trong Jeremiah 29: 13: “Các ngươi sẽ tìm thấy Ta nếu các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.” Một khi chúng ta tìm thấy Ngài thì Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta sự sống dư dật. Trong Thế Chiến thứ nhất, có nhiều binh sĩ bị thương và trong số đó có 85 trường hợp rất thương tâm. Họ bị mất hai chân, hai tay và mù cả hai mắt. Họ gần như người chết, được khiêng đi trong giỏ và được cho ăn uống bằng ống dẫn hoặc thìa. Về mặt thuộc linh, đây là tình trạng của nhiều tín đồ ngày nay. Dù họ nói rằng mình đã được sinh lại, nhưng trong nhiều năm họ vẫn câm và điếc về mặt thuộc linh. Có nhiều tín đồ ở trong tình trạng  bệnh tật như vậy và họ không có sức lực để công tác cho Đức Chúa Trời. Điều Chúa nói: “Ta đã đến để Chiên có thể có sự sống và có cách dư dật” vẫn là sự thật. Từ “Dư dật” có ý nghĩa lớn lao, và cụm từ “Dư dật hơn” có nghĩa là sự đầy tràn.


Nếu nghiên cứu các lời sau cùng của Chúa trước khi Ngài đi lên Jerusalem lần cuối, anh em sẽ thấy rằng Ngài đang khải thị mọi nguyên tắc và lẽ thật này: Chính Ngài sắp sửa tìm và cứu điều bị mất. Đôi khi chính những người bị lạc mất không biết thể nào Cứu Chúa yêu thương và Người Chăn tốt lành đang tìm kiếm họ. Ngài dùng nhiều phương tiện để cứu họ. Đôi khi Ngài khiến bạn bè và thậm chí người lạ có gánh nặng cầu nguyện cho họ. Ngài thay đổi mọi kế hoạch của họ, cho đến khi họ đến với kế hoạch của Ngài.Trong nhiều năm, tôi từng có tham vọng trở thành bác sỹ. Vì vậy, tôi theo học ngành khoa học và đạt được kết quả học tập rất tốt. Tôi đã chắc rằng mình sẽ được nhận vào Đại Học Y Khoa. Tuy nhiên, vào năm 1925 cha tôi đến Lahore Punjab, nơi tôi học để mua một số máy móc cho nhà máy của ông. Ông dắt tôi theo đến gặp đại lý cung cấp máy móc thiết bị. Suốt thời gian đó tôi theo dõi cha tôi thỏa thuận với họ. Sau đó cha tôi trở về và bảo tôi hỏi thăm chừng xem khi nào họ có máy để giao. Mỗi tuần tôi đến hỏi: “Đơn hàng của cha tôi sao rồi?” Và họ thường trả lời: “Đến giờ vẫn chưa thấy gì.” Một ngày kia tôi phát hiện họ đang lừa gạt cha tôi và họ làm ăn gian dối. Vì vậy, tôi gởi điện báo cho cha tôi để cho ông biết rằng ông đã bị lừa gạt và sẽ bị lỗ nặng. Khi ấy tôi chợt nghĩ: “Cha mình đang bị một đại lý lừa đảo. Sao mình không học làm kỹ sư để giúp đỡ ông?” Do đó tôi quyết định học ngành kỹ thuật để giúp đỡ cha tôi trong công việc nhà máy tại Sargoda. Điều này có nghĩa là tôi phải đến Anh quốc để học ngành kỹ sư.

Ở Anh quốc, tôi sống tại một nơi gọi là Denmark Hill. Vào Chủ nhật tôi thường chơi quầm vợt sau đó trở về câu lạc bộ để ăn nhậu và làm những điều vô bổ khác. Một tối Chủ nhật nọ, khi từ câu lạc bộ trở về nhà trọ, tôi lặng lẽ mở cửa bước vào và nghe tiếng nhạc vọng ra từ phòng khách. Bà Camp, chủ nhà trọ, đang chơi một bản thánh ca rất hay bằng dương cầm. Tuy nhiên tôi chẳng mấy lưu tâm. Tôi chỉ thích nhạc khiêu vũ. Khi biết tôi đã vào nhà, bà ấy nói với tôi: “Cậu vào đây nghe nhạc của tôi chút đi.” Tôi bước vào, chỉ để làm bà vui. Bà nói: “Cậu có thích nhạc không?” Vì phép lịch sự, tôi trả lời: “Có, thưa bà.” Do đó vào các ngày Chủ nhật bà thường để cửa phòng khách mở khi đàn những bài thánh ca. Bà chẳng bao giờ nói với tôi lời nào về sự cứu rỗi hay về Kinh thánh. Bà là một người rất tử tế, và tôi cho rằng chắc hẳn bà đã có gánh nặng cầu nguyện cho tôi, vì tôi thường phí thời gian vào việc khiêu vũ và chè chén. Vào những ngày Chủ nhật, bà thường cho tôi một chiếc bánh Pudding ngon lành làm cho tôi phải vào phòng khách để nghe nhạc. Mỗi lần bà yêu cầu tôi vào phòng, tôi thường tự nhủ: “Nếu mình không vào thì bà ấy sẽ không cho mình bánh Pudding nữa.” Vì vậy mỗi Chủ nhật tôi đều đến. Bây giờ tôi nhận biết rằng Chúa đã dùng bà ấy để kéo tôi đến với chính Ngài, mặc dù lúc đó tôi là một người vô thần, một người có tư tưởng tự do và ghét Kinh thánh. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã đầy nhân từ và thương xót, Ngài đã tiếp tục tìm kiếm tôi.

Một ngày nọ khi đến trường tôi nhìn thấy trên bảng thông báo một dấu hỏi rất lớn, bên dưới viết dòng chữ: “Sao năm nay bạn không nghỉ hè ở Canada?” Tôi hỏi thăm và được biết là có khoảng 25 sinh viên tốt nghiệp sẽ đi Canada. Theo kế hoạch, họ sẽ làm việc ở trang trại sáu tuần để kiếm tiền, rồi sau đó đi thăm các nơi khác. Tôi đăng ký với ban tổ chức. Sau một thời gian họ viết thư cho tôi: “Chúng tôi khuyên bạn đừng đi Canada, vì có thể ở Canada người ta không đổi xử tử tế với bạn như ở Anh đâu.” Lý do là vào thời đó ở miền Tây Canada, người ta không thân thiện với người Ấn độ.” Tôi trả lời: “Tôi sẽ tự đi. Tôi biết cách để đi đến đó.” Họ viết cho tôi một bức thư khác: “Nếu bạn nhất định đi thì đừng đổ lỗi cho chúng tôi nếu người ta làm tổn thương bạn hoặc không cho bạn ở trọ.” Tôi tự nhủ: “Vậy mình sẽ cho những người da trắng kia thấy mình không hề thấp kém hơn họ. Hễ họ làm gì thì mình sẽ làm điều đó; nếu họ uống rượu mình sẽ uống rượu; nếu họ khiêu vũ, mình sẽ khiêu vũ; nếu họ nói chuyện, mình sẽ nói chuyện. Vì bức thư mà họ đã viết mình phải chứng tỏ cho họ thấy mình không hề thấp kém.” Tôi kể với anh em câu chuyện này là để cho anh em thấy thể nào Đức Chúa Trời dùng mọi điều để kéo chúng ta đến với chính Ngài.

Vào năm 1928, tôi rời khỏi Liverpool. Ở trên tàu, tôi thấy một bản thông báo nói rằng sẽ có một buổi nhóm Cơ đốc được tổ chức tại phòng ăn vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật. Tính đến thời điểm đó, tôi chưa bao giờ tham dự một buổi nhóm Cơ đốc nào. Tôi không biết chút gì về Kinh thánh, cũng chẳng quan tâm đến Kinh thánh hay Cơ đốc giáo. Chính sự thách thức trong bức thư tôi nhận được đã khiến tôi tham dự buổi nhóm. Tôi chẳng hế muốn đi. Tôi tự nhủ trong lòng: “Mình đã cùng họ đến nhiều quán rượu, sàn nhảy và những nơi đáng hổ thẹn, vậy tại sao không cùng họ đến đó luôn, để xem các Cơ đốc nhân thờ phượng như thế nào? Điều đó cũng chẳng hại gì.” Tôi đã đến và ngồi ở phía sau. Buổi nhóm bắt đầu, và khi họ đứng lên, tôi cũng đứng lên; khi họ ngồi xuống, tôi cũng ngồi xuống. Khi một người bắt đầu giảng thì tôi ngủ gục.
Tôi chẳng thích thú gì với buổi nhóm. Tôi tự nhủ: “Làm sao những người này có thể phục vụ Chúa? Họ chỉ biết về xe hơi và máy bay, còn người Ấn độ chúng tôi biết Đức Chúa Trời. Chúng tôi có nhiều sách vở về tôn giáo.” Với suy nghĩ như vậy, tôi chẳng quan tâm đến bài thuyết giáo và ngủ thiếp đi. Vào lúc kết thúc buổi nhóm, mọi người quỳ xuống cầu nguyện. Tôi nghĩ: “Mình sẽ không làm điều này giống như họ. Họ không phải là dân tộc mình. Mình sẽ không quỳ gối.” Vì vậy tôi tiếp tục ngồi và nhìn xung quanh. Rồi một ý nghĩ đến với tôi: “Như vầy không phải phép. Mình phải quỳ xuống hoặc là đi ra ngoài. Mình đã đi đến nhiều đền thờ Hindu (Ấn độ giáo), đã tháo giày để tỏ lòng tôn kính. Nếu mình có thể tỏ lòng tôn kính với các đền thờ Hindu và nhà thờ Hồi giáo, thì tại sao không tỏ lòng tôn kính ở đây?” Vì vậy tôi gạt bỏ niềm kiêu hãnh về dân tộc và tôn giáo rồi quỳ xuống. Ngay giây phút tôi quỳ xuống, thân thể tôi run rẩy như thể có quyền năng thần thượng giáng trên tôi. Tôi bắt đầu nói: “Chúa Jesus ôi, tôi biết và tin rằng Ngài là Đấng Đấng Christ hằng sống.” Bấy giờ các lời “Đấng Đấng Christ hằng sống” đến với tôi một lần nữa. Tôi ở Canada ba tháng và người ta đối xử với tôi rất chu đáo. Điều đó khiến tôi ao ước trở lại Canada.

Vào năm 1929, tôi trở lại Canada, lần này là để tham dự khóa đào tạo kỹ thuật. Tôi sống ở một căn phòng trên tầng hai của một ngôi nhà thuộc Hội Thanh Niên Cơ đốc. Ông Hansen, một giám đốc nhà băng trẻ tuổi, cũng sống ở đó. Ông có gương mặt rất dễ mến và sáng ngời. Tôi nói với ông ấy: “Thưa ông Hansen, ông có thể cho tôi biết kinh nghiệm vui mừng nhất trong cuộc đời ông là gì không? Tôi đã hỏi các giáo sư, các bạn của tôi và các sinh viên câu hỏi này và họ đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau.” Ông Hansen trả lời: “Kinh nghiệm vui mừng nhất trong cuộc đời tôi là khi tôi tìm thấy Đấng Christ” Tôi hỏi: “Nghĩa là sao ạ?” Ông trả lời: “Đừng nghĩ rằng tất cả những người được gọi là Cơ đốc nhân đều là Cơ đốc nhân thật. Chỉ bởi kinh nghiệm chúng ta mới trở nên Cơ đốc nhân thật.” Khi đó tôi không hiểu được điều ông muốn nói. Tôi biết một điều là ông ấy rất vui mừng, và luôn luôn có gương mặt vui mừng, sáng ngời. Tôi nhận thấy ông rất khác với các người khác. Tôi lại đến gặp ông và nói: “Thưa ông Hansen, ông cho tôi mượn quyển Kinh thánh của ông được không?” Ông ấy trả lời: “Tại sao cậu hỏi mượn Kinh thánh? Tôi nghe nói người Ấn độ không thích Kinh thánh mà.” Tôi nói: “Đúng vậy. Tôi cũng không thích Kinh thánh. Năm 1919 tôi được tặng một quyển Kinh thánh và tôi đã xé nát từng trang. Tuy nhiên kể từ năm ngoái tôi đã được thuyết phục rằng Jesus là Đấng Đấng Christ hằng sống. Tôi muốn biết thêm về Ngài.” Ông Hansen đã đưa cho tôi quyển Tân Ước bỏ túi của ông ấy.

Tôi bắt đầu đọc quyển Tân Ước, và đọc đến ba giờ sáng. Tôi đọc Phúc Âm của Matthew và tự nhủ: “Khi còn học cử nhân mình đã đọc nhiều sách nổi tiếng của các tác giả nổi tiếng, nhưng mình chưa bao giờ đọc quyển sách nào như thế này. Xét về ngôn ngữ và văn phong, quyển sách này rất khác biệt. Mình phải thừa nhận rằng đây không phải là một quyển sách bình thường. Đây là quyển sách của Đức Chúa Trời.” Lòng đầy sự tôn kính, tôi đọc từng câu một. Vào ngày thứ ba, tôi đọc đến Phúc Âm của John chương 3 câu 3: “Amen, amen, Ta nói với các ngươi.” Mặc dù không nhìn thấy người nào, nhưng tôi đột nhiên ý thức được rằng một sự hiện diện thần thượng trong căn phòng. Tôi nghe thấy các lời này: “Ta nói với các ngươi” lặp lại nhiều lần. Lúc đó tôi tự nhủ trong lòng: “Đây là một quyển sách tốt, nhưng nó dành cho người châu Âu và người Mỹ. Người Ấn độ chúng ta có các sách khác.” Nhưng giọng nói ấy cất lên: “Đừng nói vậy! Ta nói với các ngươi! Sách này thuộc về ngươi.” Khi ấy tôi nói: “Chúa ôi, nếu sách này thuộc về tôi thì tôi là một đại tội đồ, vì tôi đã xé nát Kinh thánh do không biết gì về sách ấy.” Ngay lúc ấy và tại chỗ ấy, tôi đã quỳ xuống, và tôi thấy tội của mình đến trước mặt. Tôi có thể nhìn thấy các dấu vết của tội trên thân thể mình. Tôi cảm thấy mình hết sức nhơ bẩn. Tôi có thể ngửi thấy mùi hôi thối. Tiếng nói ấy lại cất lên: “Những vết nhơ mà ngươi nhìn thấy, và mùi hôi thối mà ngươi ngửi thấy, là do tội.” Lúc ấy tôi nhìn thấy mọi tội lỗi, mặc dù trong quá khứ tôi đã có thể khéo léo che giấu chúng khỏi các thầy cô giáo, bạn bè, cha mẹ và những hàng xóm của mình. Bây giờ tất cả những điều đó được phơi bày ra. Vì vậy, tôi trả lời: “Vâng thưa Chúa. Tôi là một đại tội đồ. Tôi xưng nhận tội lỗi của mình. Tôi rất hối tiếc về những điều đó.” Tôi cảm thấy buồn rầu. Tôi có tiền, nhưng không có sự bình an. Tôi có học vấn, nhưng cuộc đời tôi là một sự thất bại. Vì vậy, tôi nói: “Chúa ôi, một người như tôi có hy vọng gì không?” Khi ấy lại có tiếng nói: “Đây là thân thể Ta bị vỡ ra vì ngươi. Và đây là huyết Giao Ước Mới của Ta đã đổ ra để tha thứ tội lỗi cho ngươi.” Tôi lại đáp: “Chúa ôi, các lời này vượt quá sự hiểu biết của tôi, nhưng dù không hiểu, tôi vẫn tin.” Và tiếng nói ấy lại cất lên: “Con Ta ơi, các tội lỗi của con đã được tha.”

Vào lúc đó tôi không biết gì về sự cứu rỗi, sự sinh ra mới bởi biện minh. Tôi chỉ biết một điều, đó là Chúa Jesus đã chết vì tội lỗi của tôi và Ngài đã tha thứ mọi tội lỗi của tôi. Ngay lập tức tôi không còn thích hút thuốc, uống rượu, xem chiếu bóng hoặc chơi với những người bạn xấu nữa. Tất cả đều chấm dứt. Tôi cảm thấy hết sức đói khát Lời Đức Chúa Trời. Tôi bắt đầu dành cả ngày để đọc kinh Thánh. Tôi đọc hết quyển Kinh thánh trong ba tuần, sau đó đọc lại lần thứ hai rồi thứ ba.

Một ngày nọ, tôi đọc đến Hebrew 13: 8. Khi ấy tôi cầu nguyện: “Chúa Jesus ôi, tôi tin các lời này. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi Ngài vẫn y nguyên.” Lúc đó tôi bị viêm mũi và viêm họng rất nặng. Tôi đã chịu đựng căn bệnh này trong mười hai năm. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc, và điều trị với nhiều bác sỹ nhưng không có hiệu quả. Vì vậy, tôi đã cầu nguyện với Chúa: “Chúa ôi, Ngài vẫn y nguyên, tôi tin điều đó. Ngài có thể nhân từ chạm đến mũi và họng tôi không?” Sau khi cầu nguyện xong, tôi nằm xuống ngủ. Khi thức dậy vào buổi sáng, tôi hoàn toàn lành bệnh. Điều này xảy ra ba mươi hai năm trước.

Cũng trong thời gian đó, vào một sáng Chủ nhật sau buổi nhóm, tôi gặp một Cơ đốc nhân tốt tên Flinn. Anh ấy làm trong ngành giám sát giao thông đường sắt. Anh ấy là một người vạm vỡ và khỏe mạnh. Khi chúng tôi bắt tay, xương bàn tay tôi suýt bị vỡ vụn. Anh ấy nói với tôi: “Này anh, sao anh không đi đến Ấn độ để giảng Phúc Âm?” Tôi trả lời: “Anh Flinn, tôi đã dành năm năm để học ngành kỹ thuật và tôi là một người nói năng không rành mạch. Tôi nói năng lắp bắp. Khi nhìn thấy một nhóm người nhỏ là đầu gối tôi bắt đầu run rồi. Tôi không biết hát dù chỉ một nốt nhạc. Làm sao một người dốt nát như tôi có thể trở nên một người rao giảng?” Tôi mỉm cười và bỏ đi. Mỗi lần cầu nguyện, tôi có thể cảm thấy bàn tay của anh ấy nắm bàn tay tôi và nghe các lời anh ấy: “Tại sao anh không đi? Tại sao anh không đi?” Tôi thường nói: “Chúa ôi, tôi sẽ dâng cho Ngài mọi điều tôi có. Tôi không muốn bất cứ điều gì cho chính mình. Tôi không muốn nhà cửa, xe hơi, tài sản hay bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ dâng cho Ngài tất cả tiền bạc của tôi vì công tác của Ngài, nhưng xin đừng bắt tôi làm người rao giảng.” Chúa nói với tôi: “Ta không muốn tiền của ngươi. Ta muốn chính ngươi.” Tôi nói hết lần này đến lần khác: “Chúa ôi, tôi sẽ dâng cho Ngài tiền của tôi, tôi sẽ thuê nhiều giảng sư để rao giảng. Họ sẽ làm tốt việc đó. Chúa ôi xin đừng bắt tôi làm người rao giảng.” Chúa tiếp tục phát ngôn với tôi trong hai năm: “Tại sao ngươi không đi? Sao ngươi không đi?” Tôi tiếp tục vật lộn và tranh đấu với Chúa.

Sau hai năm, Chúa phát ngôn với tôi trong một buổi nhóm nhỏ dành cho người trẻ. Một người đứng lên giữa buổi nhóm và nói với tôi: “Anh ơi, anh cho chúng tôi biết về công tác ở Ấn độ được không?” Vì vậy tôi đứng lên và bắt đầu “Vạch lá tìm sâu” đối với công tác Cơ đốc ở Ấn độ. Đêm đó, khi trở về phòng, tôi đã không thể cầu nguyện. Chúa nói với tôi: “Ngươi có quyền gì mà chỉ trích các đầy tớ của Ta, trong khi chính ngươi đã không vâng phục Ta trong hai năm? Ngươi không có quyền gì để chỉ trích cả.” Các lời này đến với tôi như một lưỡi gươm. Tôi nói: “Chúa ôi, làm sao một người như tôi có thể trở nên một người rao giảng? Trong mỗi phương diện tôi đều không đủ tiêu chuẩn để trở nên một người rao giảng. Nhưng nếu Ngài muốn, thì Chúa ôi tôi sẵn sàng. Tôi không lựa chọn gì cả. Ngài có thể sai tôi đi bất cứ đất nước nào Ngài muốn. Dù đó là châu Phi, Trung quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi đều đồng ý. Ngài có thể sai tôi đi đến bất cứ nơi nào. Tôi sẽ đi.” Chúa nói: “Ta chấp nhận cho ngươi phục vụ Ta với ba điều kiện. Đừng nói hoặc gợi ý với bất cứ ai về các nhu cầu vật chất và nhu cầu tài chính của ngươi, dù là bạn thân nhất hay thân tộc của ngươi. Ngươi không được nhận lấy tài sản của mình ở Punjab. Ngươi phải lệ thuộc Ta về mỗi nhu cầu của mình. Thứ hai, đừng gia nhập bất cứ hội đoàn nào. Thứ ba, đừng lập kế hoạch riêng. Hãy để Ta dẫn dắt ngươi mỗi ngày. Tôi nói: “Thưa Chúa, tôi đồng ý.” Việc đã định xong. Đó là vào tháng tư năm 1932.

Tôi không biết phải đi đâu và bắt đầu công tác của mình như thế nào, nhưng tôi biết một điều: Chúa sẽ giúp đỡ tôi mỗi ngày. Năm 1933, tôi đến Bombay. Cha mẹ tôi đến thăm tôi. Trước đó tôi đã viết thư cho cha tôi và đưa ra lời chứng của mình. Vì vậy, cha tôi nói với tôi: “Con ơi, chỉ có mẹ và cha biết con là một Cơ đốc nhân, chúng ta chưa nói với bất kỳ ai khác. Chúng ta không phản đối gì cả. Con là một thanh niên và con có thể làm điều mình thích. Nhưng chúng ta có một yêu cầu. Khi về quê, con đừng nói rằng con là một Cơ đốc nhân. Con có thể đọc Kinh thánh và cầu nguyện và đi nhóm ở bất cứ nơi nào. Không ai cấm con. Nhưng chúng ta yêu cầu con đừng nói mình là một Cơ đốc nhân. Nếu con làm như vậy, cộng đồng người Sikh của chúng ta sẽ xầm xì nói xấu chúng ta.” Cha mẹ tôi là những người Sikh chính thống. Tôi trả lời: “Nếu Chúa Jesus đã không tìm kiếm và cứu cuộc đời con thì con đã trở về như một tội nhân, một kẻ cờ bạc và làm những điều đáng hổ thẹn. Con hẳn đã phung phí tiền mình kiếm được. Bây giờ Chúa đã thay đổi con và ban cho con một sự sự sống mới.” Tôi nói tiếp: “Nếu như con ngừng thở một lúc, con có thể sống được bao lâu? Sẽ không bao lâu. Chúa Jesus Đấng Christ là sự sống của con, làm thế nào con có thể sống nếu phủ nhận Ngài?” Cha tôi nói với tôi: “Nếu như vậy thì con không thể về nhà.” Mặc dù tôi trở về Ấn độ sau bảy năm (du học), nhưng tôi đã không thể về nhà. Sau đó cha tôi lìa khỏi. Tôi đưa cho ông tất cả số tiền tôi có để tỏ lòng kính trọng ông.

Tôi đến một Chatram (khu nhà ở từ thiện) ở Bombay, ở đó tôi được cấp cho một căn phòng miễn phí trong một tuần để ngủ nghỉ và cất giữ đồ đạc. Mỗi ngày tôi đi ra đường phố ở Bombay để làm chứng phát truyền đạo đơn. Nếu có người quan tâm, họ thường dắt tôi về khách sạn và mời tôi uống trà hoặc cà phê. Đó là thức ăn cả ngày của tôi và thường rất ngon miệng.

Trên chuyến xe lửa trở về Punjab, cha tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ, cha tôi thấy một ông lão nói với mình: “Đừng lo lắng về con trai người. Nó đã tìm thấy sự bình an thật, vì vậy đừng quấy rầy nó.” Từ Bombay tôi đi đến Karachi, và cha tôi đã đến đó để gặp tôi. Ông nói: “Về nhà đi con. Bây giờ cha biết con đã tìm thấy điều gì.” Rồi ông dẫn tôi về nhà.

Một ngày nọ, chúng tôi có một buổi nhóm mở. Những người theo đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Sikh cũng đến; nhiều người trong số họ cầm theo đá và dùi cui. Khi tôi đưa ra lời chứng, một người đàn ông rất to béo ở hàng ghế sau đứng dậy. Đó là một bác sỹ. Ông ta nói: “Này anh, chúng tôi muốn hỏi anh một câu. Anh mới nói về tình yêu, và anh nói rằng Đức Chúa Trời là tình yêu. Cha anh yêu anh đã gởi anh ra nước ngoài học tập. Ông ấy đã thường xuyên gởi những khoản tiền lớn để chu cấp cho anh ăn học. Vậy chẳng phải anh nên xin phép cha mình trước khi chịu baptism sao? Anh gọi đó là tình yêu sao? Hãy nhìn cha anh xem, ông ấy đau lòng biết bao.” Cha tôi đang ngồi ở phía trước. Ông đứng dậy và nói: “Sao ông lấy danh nghĩa của tôi mà nói? Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi đau lòng. Ai nói với ông điều đó? Con trai tôi đã tìm thấy một điều gì đó mà tôi không có. Nó tìm thấy sự bình an thật. Ở đây có những người theo đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Sikh, đã có ai tìm thấy sự bình an thật chưa? Người nào đã tìm thấy thì mới có quyền chất vấn con tôi.” Không có ai trả lời. Từng người một đứng dậy và đi khỏi. Tôi tiếp tục ở lại đó rao giảng Phúc Âm trong mười ngày.

Một thời gian sau, chính Đức Chúa Trời phát ngôn với cha tôi. Cha tôi có một vụ kiện lớn tại Tòa Án Tối Cao ở Lahore. Một sáng Chủ nhật nọ ông đi ngang một căn nhà cũ trên đường Macleou. Ông lặng lẽ đi vào trong và ngồi nghỉ. Đột nhiên ông thấy có ánh sáng lớn chiếu ra trước mặt và nghe thấy các lời này: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế giới.” Cha tôi nói: “Chúa Jesus! Ngài đã cứu con trai tôi, xin hãy cứu tôi nữa.” Đức Chúa Trời đã gặp ông và thay đổi đời sống ông như vậy.
Trong ba năm, cha tôi không chịu baptism. Ông nói với tôi: “Không cần thiết phải baptism. Cha đọc Kinh thánh mỗi ngày. Cha làm chứng rất dạn dĩ. Cha không hổ thẹn.” Ông nói hoàn toàn đúng. Ông thường đọc Kinh thánh rất lớn tiếng vào lúc ba giờ sáng. Ông thường đánh thức mẹ tôi để bà cũng có thể nghe. Vì vậy, ông nói: “Baptism chỉ là hình thức.” Tôi yên lặng không nói gì mà chỉ cầu nguyện. Một đêm nọ, tôi nằm mơ. Trong giấc mơ tôi nhìn thấy một con sông lớn. Tôi ở bờ sông bên này, còn cha tôi ở bờ sông bên kia. Rồi tôi thấy cha tôi bơi đến với tôi. Ông thở rất mệt nhọc và tôi bước xuống để kéo ông lên khỏi nước. Sau đó tôi thức dậy. Tôi cầu nguyện và Chúa bày tỏ cho tôi ý nghĩa của giấc mơ. Chúa khải thị cho tôi rằng không bao lâu nữa cha tôi sẽ qua đời. Ông phải vượt qua Sông Jordan, nhưng ông chưa sẵn sàng. Chúa nói: “Hãy đi gặp cha ngươi.” Vì vậy tôi đến gặp và hỏi ông. Ông mỉm cười và bảo tôi rằng Chúa muốn ông đi đến Madras và làm chứng trong baptism. Vào tháng 12 năm 1945, ông đến Madras và chịu baptism vào ngày lễ Giáng sinh. Ông cũng làm chứng và phát ngôn trong ba giờ. Ông lên khỏi nước với khuôn mặt sáng ngời và sau đó nói với tôi: “Sao trước đây con không cho cha biết làm chứng trong baptism là một điều tuyệt vời như vậy?”

Sau đó cha tôi trở về Punjiab. Tôi có năm anh em. Ông đến gặp từng người một và nói: “Ta là cha của các con. Ta đã cho các con ăn học và cưới vợ cho các con. Ta đã làm mọi điều cho các con. Nhưng Ta đã không làm một điều. Ta đã không chỉ cho các con về con đường cứu rỗi. Hãy tha thứ cho ta, vì ta đã không biết. Bây giờ ta đến để nói với con rằng đây là con đường duy nhất. Nếu con muốn vào vương quốc của Đức Chúa Trời, con phải tin Chúa Jesus Đấng Christ và được sinh lại.”
Vào tháng sáu năm 1946, ông qua đời, như Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho tôi trước đó. Trước khi mất, ông gọi em gái tôi đến và nói: “Con ơi, sau ba ngày nữa con sẽ không còn thấy cha.” Em gái tôi khóc. Ông nói: “Đừng khóc vì ta, hãy khóc cho chính con. Thời gian của ta trên đất đã mãn. Ta sẵn sàng ra đi. Ta có thể thấy các thiên sứ đang đến đón ta. Con ơi, đừng khóc vì ta. Trước khi ra đi ta muốn hòa giải với mọi người. Con giúp ta mời tất cả các anh em và bà con của ta đến nhé.” Và tất cả họ đã đến, từng người một. Ông nói với họ: “Nếu tôi có làm gì sai trái, xin hãy tha thứ cho tôi.”
Nhưng một người bác của tôi không chịu đến. Có một sự bất mãn trong gia đình kéo dài suốt nhiều năm. Tất cả là do một cái mâm bằng đồng rất lớn dùng để thết đại tiệc mà ông nội tôi để lại. Khi ông nội tôi mất, tài sản được phân chia, và cha tôi nói: “Tôi muốn cái mâm đó.” Bác tôi nói: “Không, tôi sẽ lấy nó.” Vì vậy, cha tôi dùng sức cưỡng đoạt nó. Vì việc này, bác tôi đã không nói chuyện với ông hơn ba mươi lăm năm. Bác tôi nói: “Chú đã cướp cái mâm của tôi, vì vậy tôi sẽ không đến.” Cha tôi lại nói với em gái tôi: “Hãy mời bác đến.” Bác ấy lại trả lời: “Ta sẽ không đến.” Lần thứ ba bác cũng từ chối. Nhưng đến lần thứ tư bác ấy đồng ý đến. Cha tôi ra gặp bác và nói: “Xin tha thứ cho em. Em đã làm anh buồn và đau lòng. Em sắp phải đi rồi, và em muốn giải hòa. Xin tha thứ cho em.” Bác tôi tha thứ cho cha tôi và cả hai cùng khóc. Cha tôi đã thanh thản ra đi trong hòa bình.


Chúa tìm kiếm và cứu dân chúng cách đầy yêu thương. Tuy tôi không biết, nhưng Ngài đã dùng mọi phương tiện để tìm kiếm và cứu tôi. Ngài biết tôi là một kẻ báng bổ. Không ai có thể phạm tội nặng hơn tôi, một kẻ đã xé nát Kinh thánh, đã mạo phạm Đức Chúa Trời và dân Ngài. Không ai phạm tội giống như tôi. Vì Ngài đã tìm kiếm tôi, bây giờ Ngài đang tìm kiếm anh em. Có thể Ngài đã khiến cho nhiều người có gánh nặng cầu nguyện cho anh em mà anh em không hề biết. Bây giờ đã đến lúc, Ngài đang gõ cửa tấm lòng anh em. Ngài muốn tha thứ. Các lời này đến với anh em từ Ngài: “Hỡi con trai, con gái Ta, hãy vui mừng lên vì tội lỗi các con đã được tha.” Anh em sẽ không chấp nhận Ngài sao? Không ai có thể yêu anh em nhiều hơn Ngài. Nếu Ngài đã tha thứ cho một người như tôi, một kẻ báng bổ, một kẻ không đáng nhận được gì ngoài lửa địa ngục thì chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho anh em. Tôi nài khuyên anh em, đừng chần chừ mà hãy tiếp nhận Ngài. Hãy nhìn xem Ngài và được cứu.
Bakht Singh