Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 2




PHẦN GIỚI THIỆU SỰ SỐNG VÀ SỰ XÂY DỰNG (1)

I. LỜI, LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI, ĐẾN NHƯ SỰ SỐNG VÀ SỰ SÁNG ĐỂ SINH RA CÁC CON CÁI ĐỨC CHÚA TRỜI
A. Ban Đầu Lời
Ngôn ngữ của Phúc Âm Giăng đơn giản và ngắn gọn, nhưng sách này thật là sách sâu nhiệm nhất trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét mệnh đề đầu tiên của cả sách: “Ban đầu có Lời”. Dầu ngôn ngữ của mệnh đề này rất đơn giản, chúng ta không thể dò thấu được chiều sâu ý nghĩa của mệnh đề này. Ban đầu là gì? Anh em có hiểu ban đầu là gì không? Khi nào là ban đầu? Thật khó trả lời biết bao. Hơn nữa, Lời là gì? Nếu anh em nói Lời là Đấng Christ, tôi xin hỏi anh em vì sao Đấng Christ được chỉ định là Lời trong câu này. Tại sao Ngài không được chỉ định là điều nào khác? Một từ ngữ như “Lời” được dùng để chỉ về Đấng Christ thật đầy ý nghĩa. Dầu mệnh đề này vô cùng sâu xa, chúng ta hãy cố gắng hiểu nó.


1. Ban Đầu – Cõi Đời Đời Quá Khứ
Kinh Thánh bắt đầu với nhóm chữ “Ban đầu”. Tuy nhiên, điều Sáng Thế Ký 1:1 nói khác với Giăng 1:1. Câu ấy chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng các từng trời và trái đất”. Dầu hai sách Sáng Thế Ký và Giăng đều bắt đầu bằng cùng một nhóm chữ, ý nghĩa của mỗi nhóm chữ ấy hoàn toàn khác nhau. Nhóm chữ “Ban đầu” trong Sáng Thế Ký chỉ về lúc bắt đầu thời gian, vì nói đến sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Vì vậy Sáng Thế Ký 1:1 chỉ về lúc bắt đầu thời gian khi ấy Đức Chúa Trời tạo dựng mọi sự. Ý nghĩa của nhóm chữ trong Giăng 1:1 lại khác, vì chỉ về cõi đời đời trong quá khứ không có lúc bắt đầu. Ban đầu trong Sáng Thế Ký chương 1 khởi đầu từ thời điểm sáng tạo, nhưng ban đầu trong Giăng chương 1 thì trước thời điểm sáng tạo. Nói cách khác, ban đầu trong Sáng Thế Ký chương 1 là lúc bắt đầu thời gian, và ban đầu trong Giăng là lúc ban đầu trước khi thời gian hiện hữu; chỉ về cõi đời đời quá khứ không có lúc bắt đầu.

Như chúng tôi đã nêu trong bài trước, chức vụ của Giăng là một chức vụ sửa chữa. Sửa chữa có nghĩa là một điều gì đó đã tồn tại một khoảng thời gian nên đã bị hư hại, vỡ ra hay bị thương, và bây giờ cần được sửa chữa. Sự sửa chữa luôn luôn phục hồi từ tình trạng hiện tại trở về tình trạng đã có từ ban đầu. Chẳng hạn như tôi có một cái áo khoác ngắn đã bảy năm. Thỉnh thoảng một phần của chiếc áo này bị rách, và vợ tôi đã phải vá lại cho tôi. Sau khi vợ tôi vá những chỗ rách, chiếc áo được phục hồi trở lại tình trạng ban đầu. Cũng vậy, Hội thánh đã tồn tại kể từ ngày lễ Ngũ-tuần. Tuy nhiên, không bao lâu sau khi bắt đầu hiện hữu, Hội thánh bị hư hại và tổn thương do nhiều tư tưởng, quan điểm, quan niệm, triết lý, ý kiến và giáo lý. Nếu cẩn thận đọc Tân Ước cùng với lịch sử Hội thánh, anh em sẽ thấy biết bao nhiêu quan niệm tai hại đã len lỏi vào Hội thánh qua Do thái giáo. Những ý kiến này đã phá hoại Hội thánh cổ xưa. Hơn nữa, trong những ngày đầu tiên, ngay cả trong thế kỷ thứ nhất, Trí huệ giáo là sự pha trộn triết lý Hi lạp, Ai Cập và Ba-by-lôn, cũng trà trộn vào Hội thánh, gây ra những thiệt hại đáng kể. Do đó, Hội thánh đầu tiên bị phá hoại bởi cả quan niệm tôn giáo của người Do Thái lẫn các ý kiến thuộc triết lý Hi lạp, tất cả những điều này tạo nên nhiều giáo lý và sự dạy dỗ làm tổn hại Hội thánh, tạo nên nhiều lỗ thủng trong cái lưới thuộc linh.

Lỗ thủng lớn nhất trong cái lưới Hội thánh thì do một số người được mệnh danh là Cơ Đốc nhân nhưng theo quan niệm triết lý của mình, không nhận biết Đấng Christ là Đức Chúa Trời nhục hóa làm người. Họ tự xưng mình là Cơ Đốc nhân, nhưng không tin rằng Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, đã đến trong xác thịt. Giăng gọi những người này là Anti-christ (1 Gi. 2:18, 22). Do đó, 1 Giăng 4:1-3 nói rằng chúng ta hãy thử nghiệm một linh có chân thật hay không bằng cách hỏi xem linh ấy có thừa nhận Đấng Christ đã đến trong xác thịt hay không, vì “linh nào không xưng nhận Jesus Christ đã đến trong xác thịt thì không thuộc về Đức Chúa Trời”. Hơn nữa, trong thư tín thứ hai của ông, Giăng cảnh cáo các tín đồ về antichrist, là người tự xưng là Cơ Đốc nhân, nhưng không xưng nhận Jesus Christ đã đến trong xác thịt (c. 7). Những người rao giảng Đạo Đấng Christ nhưng không tin rằng Đấng Christ là Đức Chúa Trời nhục hóa làm người đã gây ra một lỗ thủng lớn trong lưới. Do đó, bởi quyền chủ tể của Ngài, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chức vụ sửa chữa để vá tất cả những lỗ thủng ấy. Chức vụ của Giăng hoàn thành công tác này, làm chứng rằng Đấng Christ, chính Đức Chúa Trời nhục hóa, đã đến trong xác thịt (Gi. 1:1, 14).

Trên nguyên tắc, ngày nay chúng ta cũng đương đầu với cùng một tình huống như Giăng đã đối diện trong thế kỷ thứ nhất. Lưới thuộc linh bị rách và đầy những lỗ thủng lớn vì nhiều giáo lý, sự dạy dỗ, quan niệm và ý kiến. Chúng ta cần phải được đem trở lại lúc ban đầu. Ban đầu là gì? Ban đầu chỉ có một điều, ấy là sự sống. “Ban đầu có Lời... và Lời là Đức Chúa Trời... Trong Ngài có sự sống”. Phúc Âm Giăng không nói rằng: “Trong Ngài có nhiều giáo lý”. Cách vá những lỗ thủng trong lưới thuộc linh là sự sống. Chúng ta không nên thảo luận về giáo lý, nhưng nên vui hưởng sự sống. Nếu anh em đến gặp tôi với mục đích tranh luận giáo lý, tôi sẽ nói: “Ô, Chúa Jesus! Đấng Christ thật đáng yêu, ngọt ngào và thân thiết. Chúng ta hãy kêu cầu Ngài. Anh em quí mến, chúng ta hãy vui hưởng Chúa. Hễ chúng ta có Chúa Jesus là điều mình vui hưởng, thì mọi sự đều tuyệt vời. Chúng ta hãy quên đi giáo lý và vui hưởng Ngài”. Chức vụ sửa chữa được hoàn thành bởi sự sống, vì sự sống đem chúng ta trở về lúc ban đầu. Ban đầu không có gì ngoài ra sự sống.

2. Lời – Sự Định Nghĩa, Giải Thích Và Bày Tỏ Đức Chúa Trời
Lời là sự định nghĩa, giải thích và bày tỏ Đức Chúa Trời; vì vậy Đức Chúa Trời được định nghĩa, giải thích và diễn tả ra. Đức Chúa Trời rất huyền nhiệm. Ngài cần Lời để diễn tả Ngài. Nếu anh em muốn mình có vẻ bí mật, cách tốt nhất là hãy im lặng, càng im lặng, anh em càng trở nên bí mật. Nhưng càng nói nhiều, anh em càng phơi bày mình ra. Mọi điều sâu thẳm trong anh em được bày tỏ qua lời mình nói ra. Đó là ý nghĩa của Lời. Mặc dầu Đức Chúa Trời là một huyền nhiệm, nhưng Đấng Christ tức Lời của Đức Chúa Trời đã định nghĩa, giải thích và bày tỏ Ngài. Do đó, Lời ấy là sự định nghĩa, giải thích và bày tỏ Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Lời này là chính Đức Chúa Trời, không phải Đức Chúa Trời ẩn giấu, niêm phong và huyền bí, nhưng Đức Chúa Trời được định nghĩa, giải thích và bày tỏ. Lời không phải là Đức Chúa Trời không thấy được, nhưng là chính Đức Chúa Trời có thể thấy được. Ban đầu Lời này ở cùng Đức Chúa Trời; Lời này không tách rời khỏi Đức Chúa Trời, nhưng luôn luôn có Đức Chúa Trời trong mình.

B. Lời Ở Cùng Đức Chúa Trời
Giăng 1:1 nói rằng Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và câu 2 chép: “Lời ấy ban đầu ở cùng Đức Chúa Trời”. Lời luôn luôn ở với Đức Chúa Trời và luôn luôn có Đức Chúa Trời trong mình; Ngài không bao giờ tách rời khỏi Đức Chúa Trời. Khi xa gia đình, nhiều thanh niên nhận được những lá thư yêu thương từ cha mẹ mình. Những lá thư ấy là lời đến từ người mẹ hoặc người cha. Giả sử anh em nhận được một bức thư từ cha mình. Bức thư ấy là lời của cha anh em gởi đến anh em. Tuy nhiên, khi lời ấy đến với anh em, nó không phải là lời đi cùng với cha anh em đến. Mặc dầu lá thư ấy là lời của cha anh em, nó không phải là lời đi cùng với cha anh em, vì anh em và cha anh em thật sự ở xa nhau. Điều này có nghĩa là lời của cha anh em tách rời với chính ông. Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời thì không phải như vậy. Đừng bao giờ nghĩ rằng Lời này tách rời với Đức Chúa Trời. Không, Lời này ở cùng và luôn luôn ở cùng Đức Chúa Trời. Khi Lời đến, Đức Chúa Trời đến. Khi Lời hiện diện, Đức Chúa Trời hiện diện. Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta có một mệnh đề khác trong 1:1 cho chúng ta biết Lời ở cùng Đức Chúa Trời.

C. Lời Là Đức Chúa Trời
Mệnh đề sau cùng của 1:1 nói: “Lời là Đức Chúa Trời”. Đừng bao giờ cố gắng hiểu Kinh Thánh chỉ theo văn tự trên giấy trắng mực đen. Câu này nói rằng là Lời, Đấng Christ vừa ở cùng Đức Chúa Trời, vừa là Đức Chúa Trời. Đấng Christ và Đức Chúa Trời là một hay hai? Nếu Ngài và Đức Chúa Trời là một, thì tại sao Kinh Thánh lại nói Ngài ở cùng Đức Chúa Trời? Làm thế nào hai lời tuyên bố này có thể dung hòa với nhau? Chúng ta không thể làm cho hai lời tuyên bố này dung hòa với nhau được. Trong câu này chúng ta tìm thấy bí quyết để hiểu toàn bộ Phúc Âm Giăng. Trong những bài tiếp theo chúng ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với câu này. Chẳng hạn, Chúa nói với Ni-cơ-đem: “Chẳng từng có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, tức là Con Người vẫn ở trên trời”. Ngài ở đâu, ở trên trời hay ở dưới đất? Chúng ta chỉ nên nói: “Ha-lê-lu-gia, Ngài vừa ở trên trời vừa ở dưới đất”. Ngài có thể ở đây lẫn ở đó vì Ngài ở khắp mọi nơi. Dầu chúng ta không mường tượng được, nhưng chúng ta có một lời rõ ràng như vậy. Chỉ hãy chấp nhận lời này: “Ban đầu có Lời, Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Lời là Đức Chúa Trời”. Dầu chúng ta không thể làm cho mọi mệnh đề trong câu này dung hòa với nhau, chúng ta chỉ nên chấp nhận câu ấy là Lời Đức Chúa Trời.

Những lời Giăng viết thật ngắn gọn nhưng ông rất cẩn thận. Ông biết một số người có thể tranh luận với ông rằng: “Ngài ở cùng Đức Chúa Trời và Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng có lẽ Ngài không ở cùng Đức Chúa Trời từ ban đầu. Ban đầu Ngài là Lời, nhưng có lẽ Ngài không ở cùng Đức Chúa Trời. Một thời điểm nào đó về sau, Lời mới đến ở cùng Đức Chúa Trời và cuối cùng trở thành Đức Chúa Trời”. Nếu đọc lịch sử Hội thánh, anh em sẽ khám phá ngay trong thế kỷ đầu tiên đã có một trường phái tư tưởng tuyên bố rằng ban đầu Đấng Christ không phải là Đức Chúa Trời và vào một thời điểm nào đó Ngài mới trở thành Đức Chúa Trời. Do đó, Giăng thêm vào câu 2, không phải chỉ là lặp lại một phần câu 1, nhưng như một sự khẳng định. “Lời ấy ban đầu ở cùng Đức Chúa Trời”. Đấng Christ ở cùng Đức Chúa Trời, và là Đức Chúa Trời từ ban đầu. Ban đầu, tức là từ cõi đời đời quá khứ, Lời đã ở cùng Đức Chúa Trời. Không như một số người tưởng rằng Đấng Christ không ở cùng Đức Chúa Trời và không phải là Đức Chúa Trời từ cõi đời đời quá khứ và vào một thời điểm nào đó Đấng Christ mới trở thành Đức Chúa Trời và ở cùng Đức Chúa Trời. Thần cách của Đấng Christ thì vĩnh hằng và tuyệt đối. Từ cõi đời đời quá khứ đến cõi đời đời tương lai, Ngài ở cùng Đức Chúa Trời và Ngài là Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao trong Phúc Âm Giăng không có gia phổ về Ngài như Ma-thi-ơ chương 1 và Lu-ca chương 3. Trong phúc âm này, Ngài “không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày sanh thỉ, cũng không có ngày mạng chung” (Hê. 7:3). Tất cả chúng ta phải rất sáng tỏ rằng Đấng Christ của chúng ta ở cùng Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời từ ban đầu. Ngài là Lời ở cùng Đức Chúa Trời từ ban đầu.

D. Sự Sáng Tạo Nhờ Lời
Cõi thọ tạo được hiện hữu nhờ Lời. Tôi thích cách Bản Khôi Phục (RcV) dịch Giăng chương 1 câu 3. “Mọi vật đã hiện hữu nhờ Ngài, và ngoài Ngài không một vật nào đã hiện hữu mà được hiện hữu”. Mọi vật đã hiện hữu nhờ Ngài và ngoài Ngài không một vật nào hiện hữu có nghĩa là gì? Đơn giản có nghĩa là ngoài Ngài không có điều gì tồn tại cả. Một ngày kia, nhờ Lời mà rất nhiều điều đã hiện hữu. Theo một ý nghĩa, chúng ta có thể nói Đức Chúa Trời không làm gì cả vì Ngài không cần phải làm gì cả. Ngài chỉ cần phán: “Hãy có”, thì có mọi sự. Theo quan niệm loài người chúng ta, sự sáng tạo đòi hỏi ít nhiều công sức lao động. Tuy nhiên, trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời không có lao động, chỉ có nói mà thôi. Khi Đức Chúa Trời phán: “Hãy có sự sáng”, thì sự sáng hiện hữu. Khi Ngài phán: “Hãy có khoảng không”, thì khoảng không hiện hữu. Khi Ngài phán: “Đất khô hãy hiện ra”, thì đất khô hiện ra. Người vô thần sẽ nói như vậy là vô lý, vì họ không tin Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta tin Ngài. Không những chúng ta tin Đức Chúa Trời, mà cũng tin Đấng Christ bao-hàm-tất-cả. Nhờ Ngài, là Lời, mà mọi sự đã hiện hữu.

Nguyên tắc này cũng giống như trong cõi sáng tạo mới. Mặc dầu chúng ta là con người thuộc cõi sáng tạo cũ, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng chúng ta phải trở nên con người của cõi sáng tạo mới. Theo quan niệm loài người chúng ta, loại thay đổi này đòi hỏi rất nhiều công tác. Tuy nhiên, cõi sáng tạo mới không hề cần nhiều công tác, mà chỉ được hoàn thành nhờ Lời, là Đấng Christ. Nếu một người bằng lòng nói: “Chúa Jesus”, người ấy sẽ trở nên một người mới ngay cả trước khi lời ra khỏi môi miệng mình. Chỉ bằng cách nói “Chúa”, thì một điều gì đó không có trở nên hiện hữu. Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, là Đấng “gọi những điều không có như có rồi” (La. 4:17). Đức Chúa Trời không làm gì cả; Ngài chỉ gọi. Dầu chưa từng có sự sáng, khi Đức Chúa Trời phán: “Sự sáng”, thì sự sáng liền xuất hiện. Đó là sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nếu Ngài không sáng tạo theo cách ấy, có thể Ngài cũng giống như chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời không giống chúng ta – Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời. Mọi sự hiện hữu nhờ Lời. Hễ anh em có Lời, anh em có mọi sự.

Điều này sẽ làm cho đức tin anh em mạnh mẽ và vững chắc. Khi nào anh em tiếp lấy Lời, một điều gì đó không hiện hữu sẽ hiện hữu. Điều này thật kỳ diệu. Đừng nói mình yếu đuối, vì càng nói mình yếu đuối, anh em sẽ càng trở nên yếu đuối, chỉ vì anh em nói mình yếu đuối. Tuy nhiên, do tiếp lấy Lời, nếu anh em nói: “Tôi mạnh mẽ”, sức mạnh sẽ nảy sinh. Đừng nói “Tôi không có quyền năng”. Càng nói mình không có quyền năng, anh em càng bất lực. Nhưng nếu anh em nói: “Ngợi khen Chúa vì con có quyền năng nhờ Lời”, thì anh em sẽ có quyền năng, quyền năng làm cho những điều không có trở nên có nhờ Lời. Nếu anh em bị đau đớn bởi một chứng bệnh nào đó, đừng nghĩ nhiều về nó, nhưng hãy nói: “Nhờ Lời, tôi là một người khỏe mạnh”. Nếu anh em nói như vậy, sức khỏe dầu không có, sẽ nảy sinh. Các chị em thường đến nói với tôi: “Anh ơi, là các chị em, chúng tôi không có sự khôn ngoan. Chúng tôi đến gặp anh vì anh khôn ngoan”. Các chị em ơi, càng nói như vậy, các chị em càng thiếu khôn ngoan. Tuy nhiên, các chị em thiếu khôn ngoan là một điều không đúng sự thật. Các chị em không có Lời sao? Hễ có Lời, các chị em phải tuyên bố: “Tôi có sự khôn ngoan nhờ Lời”. Nếu tuyên bố như vậy, các chị em sẽ có sự khôn ngoan. Chúng ta không có gì trong chính mình, nhưng có mọi sự nhờ Lời.

Sự sáng tạo là gì? Sự sáng tạo là gọi những sự không có như đã có nhờ Lời. Lời vừa là phương tiện, vừa là phạm vi. Hễ khi nào anh em có Lời, thì có phương tiện và phạm vi. Như vậy, anh em có thể nói: “Vì tôi có Lời là phương tiện và phạm vi, nên những điều không có trở nên có”. Hãy học tập nói: “Không có trở nên có nhờ Lời”. Tôi không còn tách biệt với Lời nữa. Tôi ở trong Lời và ở với Lời. Như vậy, nhờ Lời, những điều không có trở nên có.

E. Sự Sống Trong Lời
Bây giờ chúng ta đến điểm quan trọng nhất: sự sống ở trong Lời. “Trong Ngài có sự sống” (1:4). Từ ngữ “Ngài” trong 1:4 chỉ về Lời là Đức Chúa Trời và nhờ Ngài mọi vật đã hiện hữu. Trong Ngài có sự sống. Tại sao Ngài tạo dựng mọi vật trước khi Ngài đến để làm sự sống? Bởi vì để Ngài được tiếp nhận như sự sống, cần phải có nơi chứa đựng, phải có người tiếp nhận. Giả sử Ngài không tạo nên gì cả, nhưng đến để làm sự sống. Ngài sẽ là sự sống cho ai? Dầu Ngài là sự sống, sẽ không ai tiếp nhận Ngài là sự sống cả. Do đó, trước khi Ngài đến để làm sự sống, Ngài đã tạo dựng các từng trời, trái đất, và con người có một linh để tiếp nhận Ngài. Xa-cha-ri 12:1 nói rằng Chúa “giương các từng trời, đặt nền trái đất, tạo linh trong con người”. Do đó, các từng trời là vì trái đất, trái đất vì con người và con người được tạo dựng có một linh để tiếp nhận Đức Chúa Trời. Bây giờ Lời, là sự sống, có thể đến để được con người mà Ngài đã tạo dựng tiếp nhận. Sự sáng tạo sinh ra bình chứa đựng sự sống.

Chúng ta đã thấy sự sống ở trong Lời. Sự sống chỉ có thể được tìm thấy trong sự bày tỏ Đức Chúa Trời. Là sự bày tỏ và giải thích về Đức Chúa Trời, Lời chứa đựng Đức Chúa Trời là sự sống của chúng ta. Khi tiếp nhận Lời, chúng ta tiếp nhận sự sống ở bên trong. Cả Lời và sự sống đều là chính Đức Chúa Trời. Lời là sự diễn tả Đức Chúa Trời, và sự sống chính là nội dung của Đức Chúa Trời. Khi nghe Lời, chúng ta nhận thức rằng Đức Chúa Trời được bày tỏ và giải thích; khi tiếp nhận Lời, chúng ta tiếp nhận chính nội dung của Đức Chúa Trời, là sự sống, bởi đó chúng ta được sinh ra bởi Đức Chúa Trời và trở nên con cái Ngài. Sự sống trong Lời chính là nội dung của Đức Chúa Trời.

Vì câu 2 chỉ về sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký chương 1, việc đề cập đến sự sống trong câu 4 hẳn chỉ về sự sống được bày tỏ bằng cây sự sống trong Sáng Thế Ký chương 2. Điều này được xác quyết qua việc Giăng đề cập đến cây sự sống trong sách Khải Thị chương 22. Vì sự sống ở trong Ngài, nên Ngài là sự sống (Gi. 11:25; 14:6), và Ngài đã đến để con người có sự sống (10:10).

Con người đã được làm nên như chiếc bình để chứa đựng Đức Chúa Trời là sự sống. Tuy nhiên, bởi sự sáng tạo, họ chỉ là một chiếc bình trống không; họ không có sự sống thật. Sự sống thọ tạo của con người không thật; sự sống thật là sự sống thần thượng, tức là Đấng Christ. Trước khi tiếp nhận Đấng Christ, anh em có sự sống nào? Cùng lắm là có sự sống tạm thời, chứ không có sự sống vĩnh viễn, đời đời. Mặc dầu đó là sự sống có thể sử dụng ngay được, nhưng sự sống ấy không bất biến. Trước khi tiếp nhận Đấng Christ, chúng ta không biết chắc sự sống ngắn ngủi của mình kéo dài bao lâu. Vì vậy, theo một ý nghĩa, chúng ta không có sự sống trước khi được cứu. Sự sống trong Đấng Christ là đời đời, bất biến và vĩnh viễn. Mọi người đều cần sự sống ấy, sự sống thần thượng và bất thọ tạo trong Đấng Christ. Sự sống này dành cho con người và con người là đối tượng tiếp nhận sự sống này.

F. Sự Sống Là Sự Sáng Của Loài Người
Giăng 1:4 chép: “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người”. Sự sống này là sự sáng của loài người; đó là một sự thật tuyệt đối. Khi chúng ta kêu cầu danh Chúa Jesus, tiếp nhận Ngài vào trong mình, sự sống thần thượng đến trong bản thể chúng ta. Ngay lập tức chúng ta có cảm nhận về một điều gì chiếu sáng ở bề trong, nhưng có lẽ lúc ấy, chúng ta không có ngôn từ nào để diễn tả. Sự chiếu sáng ấy là sự chiếu sáng của sự sống. Vì sự sống chiếu sáng, sự sống là sự sáng của loài người. Sự chiếu sáng này khẳng định cách mạnh mẽ hơn hết rằng chúng ta đã được Đức Chúa Trời sinh ra.

Khi chúng ta nghe Lời và nhận lãnh sự sống, sự sống trở nên sự sáng chiếu ở bề trong để soi sáng chúng ta. Khi Đức Chúa Trời là sự sống thần thượng chiếu soi bên trong chúng ta như ánh sáng của sự sống, thì chúng ta ở trong sự soi sáng của Ngài. Được sinh bởi Đức Chúa Trời bằng cách tiếp nhận Lời Ngài, chúng ta có Đức Chúa Trời làm sự sống của mình, và sự sống này trở thành ánh sáng bên trong chúng ta, chiếu sáng luôn luôn. Chúa là Lời của Đức Chúa Trời, là sự bày tỏ Đức Chúa Trời, nhờ đó chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tiếp nhận Ngài là sự bày tỏ Đức Chúa Trời, Ngài trở nên sự sống của chúng ta và sự sống này trở thành ánh sáng chiếu trong chúng ta.

Câu 5 chép: “Ánh sáng chiếu trong tối tăm, và tối tăm không thắng hơn ánh sáng được” .Sự tối tăm không bao giờ thắng hơn hay dập tắt ánh sáng được, nhưng ánh sáng xua tan bóng tối. Khi ánh sáng của sự sống chiếu trong chúng ta, bóng tối không bao giờ thắng hơn ánh sáng được. Hơn nữa, ánh sáng này là ánh sáng thật soi sáng mọi người. Từ ngữ “soi sáng” trong tiếng Hi Lạp cũng chính là từ ngữ được dùng theo cùng một cách như trong Ê-phê-sô 1:18; 3:9 và Hê-bơ-rơ 6:10, 10:32. Ở đây chỉ về sự soi sáng bề trong, là sự soi sáng đem sự sống đến cho người tiếp nhận Lời. Ánh sáng vật lý dành cho cõi sáng tạo cũ (Sáng. 1:3-5, 14:18). Ánh sáng của sự sống dành cho cõi sáng tạo mới.

Sự sống cũng trở nên uy quyền cho những người tin để làm con cái của Đức Chúa Trời. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ tin đến danh Ngài; kẻ ấy chẳng phải sanh bởi khí huyết, chẳng phải bởi tình dục, cũng chẳng phải bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy” (1:12-13). Sự sinh ra được mô tả trong những câu này không phải là sự sinh nở thiên nhiên mà chúng ta có nhờ cha mẹ mình, mà là sự sinh ra lần thứ hai, xảy ra khi chúng ta tin vào danh của Chúa Jesus.

Tin Chúa tương đương với tiếp nhận Ngài. Khi tôi nói về sự tiếp nhận Chúa Jesus, có lẽ anh em nói mình chưa bao giờ làm điều đó. Nhưng tôi muốn hỏi anh em một câu: Anh em chưa tin Chúa Jesus sao? Khi nghe danh Ngài, anh em không tin danh ấy sao? Nếu một người thật sự tin vào danh yêu quí ấy, thì tôi tin chắc rằng bằng cách này hay cách khác, người ấy sẽ nói: “Chúa Jesus”. Hễ anh em nói lên danh này từ những nơi sâu thẳm của bản thể mình, thì có nghĩa là anh em đã tin Ngài. Nếu tin Ngài bằng cách kêu cầu danh Ngài, thì đó là bằng cớ anh em đã tiếp nhận Ngài. Vì đã tiếp nhận Ngài, anh em đã tiếp nhận uy quyền để trở nên một người con của Đức Chúa Trời. Uy quyền là gì? Ấy là chính Đấng Christ là sự sống cho anh em. Đấng Christ là sự sống, đơn giản là Linh của quyền làm con, và Linh của quyền làm con này làm cho anh em trở nên con của Đức Chúa Trời. Anh em có thể biết mình là con của Đức Chúa Trời qua hai điều: bởi sự kiện anh em tin Ngài và kêu cầu danh Ngài, và bởi sự kiện là nhiều lúc anh em tự phát kêu lên cách ngọt ngào: “A-ba, Cha”. Nếu anh em có thể gọi Đức Chúa Trời là “A-ba, Cha” cách ngọt ngào như vậy, điều đó chứng tỏ anh em là con Ngài.

Như câu 13 tuyên bố, sự sinh ra này không do huyết, không do ý muốn của xác thịt, hay ý muốn con người. Huyết (Hi văn: những loại huyết) ở đây chỉ về sự sống thuộc thể; ý muốn của xác thịt chỉ về ý muốn của con người sa ngã sau khi họ đã trở nên xác thịt; ý muốn con người chỉ về ý muốn của con người do Đức Chúa Trời tạo dựng. Khi trở nên con cái Đức Chúa Trời, chúng ta không sinh bởi sự sống thuộc thể, sự sống sa ngã, hay sự sống thọ tạo, nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời, bởi sự sống bất thọ tạo. Loài người trở nên con cái Đức Chúa Trời nghĩa là họ có sự sống thần thượng và bản chất thần thượng.

Vì sao Đức Chúa Trời sinh ra nhiều con cái như vậy? Chính yếu không phải vì Ngài yêu chúng ta hay vì Ngài thương xót chúng ta. Dầu Ngài yêu chúng ta, mục đích của Ngài khi sinh nhiều con cái là để Ngài được “nhân lên”. Đức Chúa Trời muốn được “nhân lên”. Tất cả những người làm cha ít nhiều đều có sự “nhân lên”. Trước khi Đức Chúa Trời sinh chúng ta ra, Ngài chỉ có một mình là chính Đức Chúa Trời. Ngài nhìn vào chính mình và nói: “Ta đây có một mình. Ta toàn năng, thông biết mọi sự, có mặt khắp nơi. Ta là mọi sự, nhưng Ta chỉ có một mình”. Bây giờ sau khi sinh rất nhiều con, Ngài có thể nói: “Kìa là sự ‘gia tăng bội phần’ của Ta!” Suốt các thế kỷ và thế hệ Đức Chúa Trời đã “nhân lên” chính Ngài.

Ban đầu có Lời và trong Ngài có sự sống. Qua sự sáng tạo Ngài đã chuẩn bị nhiều người tiếp nhận. Ngày nay, những người tiếp nhận này đã trở nên sự “nhân lên” của Đức Chúa Trời, sự “nhân lên” này đã trở nên sự gia tăng và sự bày tỏ tập thể của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được bày tỏ cách đầy trọn qua con cái Ngài là sự gia tăng và sự bày tỏ Ngài cách tập thể.

Ban đầu Đức Chúa Trời chỉ có một Con, là Con độc sinh của Ngài, là sự bày tỏ Ngài. Sự bày tỏ ấy có thể được gọi là sự bày tỏ của cá nhân. Bây giờ nhờ nhân lên sự sống của Ngài, Đức Chúa Trời có nhiều con là sự bày tỏ Ngài. Sự bày tỏ này có thể gọi là sự bày tỏ tập thể, bao hàm Con Ngài, là Đấng bây giờ trở nên Con Trưởng, và nhiều anh em Ngài. Đây là một trong những khía cạnh chính yếu của khải thị trong sách này.
-oooo