Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 3




PHẦN GIỚI THIỆU SỰ SỐNG VÀ SỰ XÂY DỰNG (2)

Trong bài trước chúng ta thấy Đấng Christ, là Lời, đã đến như sự sống và ánh sáng nhằm mục đích sinh ra nhiều con cái để trở nên sự mở rộng và sự bày tỏ Đức Chúa Trời cách tập thể. Điều đó được khải thị trong Giăng 1:1-13. Nguyện chúng ta ghi sâu điều này trong lòng.
Trong bài này chúng ta đến phần hai của Giăng chương 1, là phần gồm các câu từ 14 đến 18. Phần này cho chúng ta thấy chính Đấng Christ là Lời, đã đến như sự sống và ánh sáng để sinh ra nhiều con để mở rộng và bày tỏ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhục hóa để chúng ta được vui hưởng Ngài. Giăng 1:1-13 cho thấy Đấng Christ đến để sinh ra con cái cho Đức Chúa Trời; các câu 14-18 bày tỏ mọi con cái Đức Chúa Trời đều cần vui hưởng Đấng Christ.


Làm thế nào chúng ta có thể vui hưởng Đấng Christ? Bởi sự nhục hóa của Ngài. Nhục hóa có nghĩa là làm cho vững chắc cụ thể. Là Lời trước khi nhục hóa, Đấng Christ rất huyền nhiệm. Tuy nhiên khi nhục hóa, Ngài trở nên thật đối với chúng ta. Trước khi nhục hóa, Ngài là vô hình, không thể thấy được và không đụng chạm được. Do trở nên xác thịt, Ngài trở nên cụ thể, có thật, có thể thấy được và đụng chạm được. Câu 14 chép: “Lời đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta”. Đó là một điều cụ thể. Khi trở thành xác thịt để đóng trại giữa loài người, Ngài trở nên hữu hình. Không những người ta có thể thấy Ngài, mà họ còn chạm đến Ngài được. Vì vậy, Giăng nói: “Chúng ta đã ngắm xem vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con độc sanh của Cha”. Trong thư tín đầu tiên của mình, ông nói họ đã chạm đến Ngài (1 Gi. 1:1). Do đó, trong sự nhục hóa, Đấng Christ trở nên hữu hình.

Dầu Ngài trở nên hữu hình qua sự nhục hóa, chúng ta vẫn cần một điều gì đó hơn thế nữa rồi mới có thể vui hưởng Ngài. Vì vậy, 1:14 nói rằng Ngài “đầy ân điển và lẽ thật”. Câu này không nói Ngài đầy dẫy giáo lý và ân tứ. Khi trở nên thấy được và rờ chạm được, Ngài đầy dẫy ân điển và thực tại. Khi Đấng Christ ở trong xác thịt với các môn đồ, không những họ thấy và chạm đến Ngài, mà họ còn vui hưởng Ngài. Nếu anh em có thể hỏi Phi-e-rơ và Ma-ri vì sao họ yêu Ngài nhiều như vậy và tại sao họ thích ở trong sự hiện diện của Ngài, hẳn họ sẽ đáp: “Chúng tôi không biết nói làm sao. Ở với Ngài bao lâu, chúng tôi được vui thỏa bấy lâu. Không lời nào diễn tả được. Nhưng tất cả chúng tôi đều có thể làm chứng rằng được ngồi trước sự hiện diện của Ngài là điều rất ngọt ngào. Có sự vui hưởng và có thực tại thế nào ấy. Chúng tôi không biết cách giải thích hay định nghĩa điều ấy, nhưng chúng tôi biết chắc rằng mình vui hưởng điều ấy”. Họ vui hưởng điều gì vậy? Đó là Lời ở trong xác thịt, đầy dẫy ân điển và thực tại.

II. LỜI NHỤC HÓA ĐỂ GIẢI BÀY ĐỨC CHÚA TRỜI
A. Trở Nên Xác Thịt
Chúng tôi vừa mới trình bày Lời trở nên xác thịt để chúng ta vui hưởng Ngài. Bây giờ chúng ta cần nhìn thấy Ngài đã nhục hóa để có thể giải bày Đức Chúa Trời (c. 18). Đức Chúa Trời được “bày tỏ ra trong xác thịt” (1 Ti. 3:16). Ngài giải bày Đức Chúa Trời ra bằng cách nào? Ngài giải bày Đức Chúa Trời trong xác thịt bằng cách trình bày chính Ngài cho chúng ta để chúng ta vui hưởng. Ngài không nói với các môn đồ đầu tiên rằng: “Các con bé nhỏ của Ta ơi, Ta muốn các con biết rằng Ta là Con Đức Chúa Trời và Ta đã đến trong xác thịt để giải bày Đức Chúa Trời cho các con. Tất cả các con cần phải biết Đức Chúa Trời. Hãy nhìn mặt Ta. Các con phải nhận biết Ta là ai. Khi các con biết Ta, các con biết Đức Chúa Trời Cha”. Nếu Ngài giải bày Đức Chúa Trời như vậy, tất cả các môn đồ đã bỏ Ngài mà đi. Nếu vậy Phi-e-rơ có lẽ đã nói: “Tôi sẽ trở về Ga-li-lê đi đánh cá”, và Ma-thê có lẽ đã nói: “Chúa ơi, tôi sẽ về nhà làm công chuyện mình”. Không, Đấng Christ không đến trong xác thịt để giải bày Đức Chúa Trời ra bằng cách dạy dỗ, nhưng bằng cách đầy ân điển và thực tại. Ngài không nói: “Các con bé nhỏ ơi, các con phải tìm kiếm Đức Chúa Trời trong Ta. Hãy học bài học là Ta đến đây để giải bày Đức Chúa Trời”. Ngài giải bày Đức Chúa Trời bằng cách cho họ vui hưởng Ngài, bằng cách trình bày chính mình là ân điển và thực tại. Do đó, Phi-e-rơ có lẽ đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ trở về nghề đánh cá. Tôi sẽ ở lại với con người này mãi mãi. Dầu tôi không biết Ngài là ai, Ngài có phải là Con Đức Chúa Trời, là Cha, là Lời, hay Đấng Tạo Hóa hay không, nhưng tôi thật biết rằng ở với Ngài là điều rất ngọt ngào”. Đó là cách Jesus, Con Đức Chúa Trời ở trong xác thịt, đã giải bày Đức Chúa Trời. Ngài không giải bày Đức Chúa Trời cho các môn đồ bằng cách dạy dỗ họ, nhưng bằng cách cung ứng cho họ một sự vui hưởng ngọt ngào. Ngài có thể bắt lấy người ta bằng cách chỉ nhìn họ. Sự hiện diện của Ngài làm họ vui thỏa biết bao! Sự hiện diện của Ngài đầy sức lôi cuốn. Rất nhiều môn đồ buổi ban đầu đã được Ngài thu hút. Dường như không ai chống nổi sự hiện diện đầy sức lôi cuốn của Ngài. Đó là cách Ngài giải bày Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời không phải là một Đức Chúa Trời của sự dạy dỗ, giáo lý, nguyên tắc, luật lệ, hay ân tứ. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời để chúng ta vui hưởng. Đức Chúa Trời là ân điển và thực tại đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là sự vui hưởng đầy trọn của chúng ta, và Jesus Con Đức Chúa Trời chính là hiện thân mọi sự vui thỏa của Đức Chúa Trời. Khi Ngài ở với anh em, anh em vui hưởng Đức Chúa Trời. Anh em được nếm Đức Chúa Trời là Đấng ngọt ngào, yêu dấu và quí báu. Cuối cùng anh em có được thực tại của Ngài. Chúng ta không có lời lẽ nào của loài người để giải thích điều này. Dù thiếu lời diễn tả, nhưng chúng ta có thể vui hưởng điều này hôm nay. Khi ở với Chúa một thời gian và kêu cầu Ngài: “Chúa Jesus ơi, con yêu Ngài”, chúng ta cảm nhận một sự ngọt ngào, an ủi, yên nghỉ, tươi mới, và mạnh mẽ. Không những vậy, chúng ta còn có thực tại của Ngài. Người ta có thể hỏi anh em: “Các anh có thực tại nào?” Dầu tôi không biết làm thế nào để mô tả, nhưng tôi có thực tại. Trước khi dành thì giờ ở trong sự hiện diện của Chúa, thì tôi trống rỗng, nhưng bây giờ tôi đầy dẫy. Tôi có thực tại. Tôi thỏa mãn và đầy tràn.

Lời đã nhục hóa để giải bày Đức Chúa Trời, và trở nên xác thịt để chúng ta vui hưởng Ngài. Con Đức Chúa Trời giải bày Đức Chúa Trời cho loài người bằng cách cho họ vui hưởng Ngài. Điều này thật kỳ diệu.

Khi Lời trở nên xác thịt, Ngài ở trong “hình trạng của xác thịt của tội” (La. 8:3, RcV). Trong Kinh Thánh, từ ngữ “xác thịt” không phải là một từ ngữ tốt, nhưng chỉ về điều gì sa ngã và tội lỗi. La Mã 7:18 nói rằng không có điều gì tốt ở trong xác thịt chúng ta. Khi Lời nói rằng Đấng Christ đã trở nên xác thịt, có phải nghĩa là Ngài trở nên điều gì tội lỗi không? Tuyệt đối không phải. Ngài đã trở nên xác thịt trong “hình trạng của xác thịt của tội”. Con rắn bằng đồng được Môi-se treo lên trên một cây sào (Dân. 21:4-9) là biểu tượng về Đấng Christ mang hình trạng của xác thịt của tội. Mặc dầu con rắn bằng đồng có hình dạng của một con rắn, nó không có bản chất độc địa của rắn. Bản chất nó thuần khiết, tinh sạch và tốt lành. Nó được làm theo hình dạng con rắn vì mục đích thay thế. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này khi đến với Giăng 3:14. Bây giờ chúng ta chỉ cần nhận biết rằng khi Đấng Christ trở nên xác thịt, Ngài không có bản chất tội lỗi của xác thịt, nhưng chỉ [có] hình trạng của xác thịt của tội là đủ rồi. Do trở nên xác thịt như vậy, loài người có thể chạm đến Ngài, dự phần trong Ngài, và vui hưởng sự đầy đủ của Đức Chúa Trời trong Ngài. Khi trở nên xác thịt, Ngài hiển nhiên trở nên tội, vì 2 Cô-rin-tô 5:21 nói rằng Đức Chúa Trời làm cho Ngài trở nên tội. Thật ra, Ngài không có bản chất tội, nhưng chỉ có hình thể, hình trạng của xác thịt của tội.

Trong 2 Cô-rin-tô 5:21 chúng ta cũng được cho biết rằng Ngài “không biết tội”. Chúng ta không có ngôn ngữ nào giải thích điều này. Làm sao chúng ta có thể nói Chúa Jesus không biết tội khi Ngài biết mọi sự? Vì biết mọi sự, Ngài biết tội cách thấu suốt. Tuy nhiên, 2 Cô-rin-tô 5:21 nói rằng Ngài không biết tội. Điều này nghĩa là gì? Theo sự hiểu biết của tôi, nói như vậy nghĩa là Jesus không có tội và Ngài không liên quan gì đến tội. Trong bản chất và tố chất của Ngài, không có điều gì là tội cả. Dầu Ngài bị làm nên tội, trong Ngài không có bản chất tội. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là Ngài ở trong hình thể, hình trạng của xác thịt của tội.

B. Để Đóng Trại Giữa Loài Người
Khi ở trong xác thịt, Ngài là đền tạm của Đức Chúa Trời giữa loài người. Bằng cách nhục hóa, Lời không những đem Đức Chúa Trời vào trong nhân tính, mà còn trở nên đền tạm cho Đức Chúa Trời, làm nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất giữa loài người. Theo lịch sử Cựu Ước, giữa vòng loài người trên đất có một đền tạm, và Đức Chúa Trời hiện diện trong đền tạm ấy. Jesus trong xác thịt là đền tạm thật. Đền tạm trong Cựu Ước là biểu tượng, là hình bóng, là tiền ảnh của đền tạm thật, mà đền tạm thật ấy là chính Đấng Christ trong xác thịt. Đức Chúa Trời ở trong đền tạm, vì đó là đền tạm đem Đức Chúa Trời đến với dân Israel. Trong thời Tân Ước, Jesus trong xác thịt là Đấng đem Đức Chúa Trời đến với con người để họ được vui hưởng sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi Ngài ở trong xác thịt như đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người, Đức Chúa Trời được hiện thân trong Ngài (Côl. 2:9). Tất cả những gì Đức Chúa Trời là và có đều được hiện thân trong Jesus. Đức Chúa Trời được hiện thân trong xác thịt trong Jesus vì mục đích gì? Để loài người tội lỗi có thể nhận lấy Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Nói cách khác, Đức Chúa Trời được hiện thân trong Đấng Christ để chúng ta vui hưởng Ngài.

Khi ở trong xác thịt, Đấng Christ là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trên đất. Một ngày kia, khi ở trên núi với ba môn đồ, Ngài biến hóa trước mặt họ (Mat. 17:2; 2 Phi. 1:17-18). Điều này có nghĩa là chính Đức Chúa Trời vinh quang cư ngụ trong Ngài đã ra khỏi đền tạm. Đức Chúa Trời vinh quang được giấu kín trong xác thịt Ngài và bởi xác thịt Ngài được bày tỏ ra trên núi ấy. Đó là sự biến hóa của Chúa Jesus. Vinh quang, là chính Đức Chúa Trời, đã ra khỏi đền tạm. Ngay cả trong các thời đại cổ xưa, con cái Israel đã thấy vinh quang Sê-ki-na giấu kín trong đền tạm (Xuất. 40:34). Sự kiện giống như vậy đã xảy ra trên núi biến hóa. Khi Ngài đang đứng trước mặt ba môn đồ, thình lình vinh quang Sê-ki-na ở trong Jesus được bày tỏ ra, chiếu sáng trên Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Họ sửng sốt, và vào lúc ấy họ không thể vui hưởng vinh quang ấy nhiều được. Lúc ấy có thể họ chỉ vui hưởng Chúa phần nào. Nhưng khi nhớ lại sự kiện ấy, chắc hẳn họ sẽ nghĩ điều đó thật kỳ diệu.

C. Với Ân Điển
Giăng nói với chúng ta rằng khi Đấng Christ là Lời trở nên xác thịt và đóng trại ở giữa chúng ta, Lời ấy đầy ân điển. Có một điều gì đó ở với Đấng Christ mà Kinh Thánh gọi là ân điển. Ân điển là gì? Đó là điều khó định nghĩa. Chúng ta có thể nói ân điển là Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ với “tất cả những gì Ngài là” như sự đầy đủ để chúng ta vui hưởng. Điều này bao hàm sự an nghỉ, an ủi, quyền năng, sức mạnh, ánh sáng, sự sống, sự công chính, sự thánh khiết, và tất cả những thuộc tính thần thượng khác. Đó là ân điển để chúng ta vui hưởng. Chúng ta có thể đơn sơ vui hưởng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là mọi sự. Bất cứ khi nào ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta vui hưởng sự đầy đủ của tất cả những gì Ngài là. Do đó, câu 16 chép: “Vì từ sự đầy trọn của Ngài mà chúng ta đều đã nhận được, và ân điển trên ân điển” .Sự đầy trọn của Đức Chúa Trời Tam Nhất, tức là tất cả những gì Đức Chúa Trời là, đều ở trong Đấng Christ cách có hình thể để chúng ta vui hưởng.

Chúng ta đã thấy ân điển không là gì kém hơn Đức Chúa Trời ở trong Con để chúng ta vui hưởng. Khi so sánh Ga-la-ti 2:20 với 1 Cô-rin-tô 15:10, chúng ta thấy Đấng Christ là ân điển cách rõ ràng – thí dụ: “nhưng không phải là tôi... bèn là Christ” và “nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển Đức Chúa Trời”. Ân điển không phải là những món quà vật chất, cũng không phải chỉ là những món quà thuộc linh, mà là chính Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là sự vui hưởng của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nói rằng mọi sự khác hơn Đấng Christ đều là phân (Phil. 3:8). Ngoài Đấng Christ ra, ngoài Đức Chúa Trời ra, theo mắt vị Sứ đồ, ngay cả những điều tốt nhất không là gì khác hơn phân, trong tiếng Hi Lạp, có nghĩa là thức ăn của chó, là đồ bỏ hay rác rến ném cho chó trong thời cổ xưa. Nếu ai tìm kiếm một điều gì khác hơn Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, người ấy đang tìm kiếm rác rến. Mọi sự tách rời khỏi Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đều là như vậy. Nhưng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là ân điển đối với chúng ta, và ân điển này đến bởi sự nhục hóa của Đức Chúa Trời. Ân điển chỉ là chính Đức Chúa Trời mà chúng ta vui hưởng ở trong Đấng Christ như sự vui hưởng duy nhất và đầy trọn của mình.

Khi chúng ta vui hưởng Đức Chúa Trời và dự phần trong Ngài, đó là ân điển. Tôi xin nói lại rằng ân điển là Đức Chúa Trời trong Con để chúng ta vui hưởng. Ân điển là Đức Chúa Trời, không trong giáo lý, nhưng trong kinh nghiệm của chúng ta. Khi anh em kinh nghiệm Đức Chúa Trời là sức mạnh, sự sống, sự an ủi, sự nghỉ ngơi, quyền năng, sự công chính, và thánh khiết của mình, đó là ân điển. Đấng Christ giải bày Đức Chúa Trời là Cha bằng cách cho chúng ta vui hưởng; hằng ngày Ngài cung ứng cho chúng ta một phần vui hưởng về Đức Chúa Trời.

Càng vui hưởng Đức Chúa Trời, chúng ta càng biết Ngài. Cách duy nhất để biết một thức ăn nào đó là ăn thức ăn ấy. Dầu anh em có thể bảo tôi một món ăn nào đó ngon lắm, tôi sẽ không thể biết món ấy trừ khi tôi nếm nó. Khi tôi ăn món ấy, nó được “giải bày” cho tôi qua việc tôi vui hưởng nó. Khi ấy tôi biết món ăn ấy, nhưng tôi vẫn không thể giải thích nó cho anh em. Nếu anh em muốn biết món ăn ấy, anh em cũng phải ăn nó. Vì vậy, Đức Chúa Trời được giải bày cho chúng ta qua việc chúng ta nếm biết Ngài. Chúng ta cần nếm Đức Chúa Trời. Chúng ta cần vui hưởng Ngài là ân điển của mình, vì đó là cách Đấng Christ giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta. Điều này vượt quá ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta thật được vui hưởng, nhưng khó thuật lại cho người khác điều ấy. Giả sử anh em nếm một bánh ga-tô và nói: “Bánh ga-tô này ngon quá”. Nếu tôi hỏi anh em nó ngon làm sao, anh em sẽ trả lời: “Tôi không thể nói được. Chính anh phải nếm thử”. Chúng ta cần nếm biết Đức Chúa Trời. Đấng Christ đã đến với sự đầy trọn của ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta cần vui hưởng sự hiện diện của Ngài và ở với Ngài. Sau đó chúng ta sẽ dự phần trong “những gì Đức Chúa Trời là”. Bằng cách này Đức Chúa Trời được giải bày cho chúng ta, và chúng ta đến để nhận biết Ngài.

D. Với Thực Tại
Bất cứ khi nào vui hưởng Đức Chúa Trời, không những chúng ta có ân điển, mà còn có thực tại nữa. Khi vui hưởng Đức Chúa Trời, chúng ta có sự vui thỏa, tức là ân điển và khi có sự vui thỏa này, chúng ta nhận biết thực tại của Đức Chúa Trời. Yếu tố sau cùng liên quan đến sự nhục hóa của Đức Chúa Trời là thực tại. Lẽ thật trong Phúc Âm Giăng thật ra có nghĩa là thực tại. Lẽ thật có nghĩa là sự nhận thức về Đức Chúa Trời và thực tại của Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước, Phao-lô nói mọi sự đều là phân (Phil. 3:8), và Sa-lô-môn tuyên bố rằng mọi sự là hư không (Truyền. 1:2), không có thực tại. Không một điều nào là thực tại; mọi sự là hư không. Theo mắt vị sứ đồ mọi sự là phân, và theo mắt vua Sa-lô-môn mọi sự là hư không. Chỉ có Đức Chúa Trời là thực tại. Nếu có Đức Chúa Trời, chúng ta có thực tại. Càng kinh nghiệm Đức Chúa Trời, chúng ta càng vui hưởng ân điển và hiểu được thực tại.

Ân điển là Đức Chúa Trời mà chúng ta vui hưởng trong Con; thực tại là Đức Chúa Trời được chúng ta nhận thức trong Con. Ân điển là sự thụ hưởng, và thực tại là sự nhận thức. Nói rằng: “Đức Chúa Trời là ánh sáng” có thể chỉ là một giáo lý mà không có nhận thức. Tuy nhiên, khi anh em dự phần trong Đức Chúa Trời, kinh nghiệm Đức Chúa Trời là sự sáng cho mình, thì anh em nhận thức Đức Chúa Trời là sự sáng. Cũng vậy, nói rằng: “Đức Chúa Trời là sự sống” có thể chỉ là một thuật ngữ. Nhưng khi vui hưởng Đấng Christ là phần của mình, anh em nhận thức Đức Chúa Trời là sự sống cho mình. Như vậy, ân điển là Đức Chúa Trời mà anh em vui hưởng, và thực tại là Đức Chúa Trời mà anh em nhận thức trong sự vui hưởng ấy.

Cả ân điển và thực tại đều cùng với Jesus mà đến. Câu 17 chép: “Vì luật pháp đã được ban cho qua Môi-se; còn ân điển và thực tại đã đến qua Jesus Christ” .Luật pháp đòi hỏi dựa trên “những gì Đức Chúa Trời là”, nhưng ân điển cung ứng cho con người “những gì Ngài là” để đáp ứng điều Ngài đòi hỏi. Cùng lắm luật pháp chỉ là lời chứng về “những gì Đức Chúa Trời là” (Xuất. 25:21), nhưng thực tại là nhận thức về “những gì Ngài là”. Không ai có thể nhận lấy Đức Chúa Trời nhờ luật pháp, nhưng ân điển là sự vui hưởng Đức Chúa Trời dành cho con người, và thực tại là nhận thức về Đức Chúa Trời dành cho con người. Cuối cùng, ân điển là Đức Chúa Trời được con người vui hưởng, và thực tại là Đức Chúa Trời được con người nhận thức. Vì cả ân điển và thực tại đều cùng đến với Jesus, khi Jesus ở với chúng ta, chúng ta có ân điển và thực tại. Dầu thiếu ngôn ngữ thích đáng để mô tả, nhưng trong kinh nghiệm của mình chúng ta vẫn biết được điều này, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Nhiều lần chúng ta đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là ân điển của mình, và nhiều lần chúng ta đã nhận thức rằng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ thật là sự sống, ánh sáng, sự an ủi, sự nghỉ ngơi, sự kiên nhẫn, sự khiêm nhường, và nhiều điều khác. Đó là nhận thức về Đức Chúa Trời.

Khi vui hưởng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là ân điển và hiểu biết Ngài trong Đấng Christ là thực tại, chúng ta nhận thấy sự giàu có của Đấng Christ thật không dò lường được. Từ sự đầy trọn của Ngài mà chúng ta đã nhận được ân điển trên ân điển. Trong Đấng Christ nhục hóa có sự đầy trọn dư dật, vì sự đầy trọn của Đức Chúa Trời cư ngụ trong Ngài (Côl. 2:9). Nhờ sự nhục hóa của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, chúng ta có thể nhận được sự phong phú của ân điển và thực tại từ sự đầy trọn thần thượng của Ngài.

Ân điển và thực tại không có giới hạn. Luôn luôn có sự đầy trọn. Bất cứ điều gì chúng ta vui hưởng khác hơn Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đều có giới hạn; nhưng khi vui hưởng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là ân điển và thực tại, chúng ta thấy không có giới hạn, chỉ có sự đầy trọn. Sự đầy trọn này không có giới hạn. Càng vui hưởng sự đầy trọn này, anh em càng nhận thức rằng sự đầy trọn ấy thật vô giới hạn. Ân điển không bao giờ vơi cạn vì sự vui hưởng của anh em, và thực tại không bao giờ có thể cạn kiệt bởi kinh nghiệm của anh em. Càng kinh nghiệm, anh em càng có thêm ân điển, và thực tại gia tăng theo khả năng kinh nghiệm của anh em. Sức chứa của chúng ta quyết định mức lượng của mình về sự đầy trọn của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Đức Chúa Trời đầy trọn bao nhiêu đối với anh em? Nếu sức chứa của anh em là một cái tách một trăm mi-li-lít, sự đầy trọn của Ngài đối với anh em là một trăm mi-li-lít. Nếu sức chứa của anh em gia tăng đến ba ngàn lít, sự đầy trọn của Đức Chúa Trời sẽ đầy dẫy mức lượng ấy. Nếu sức chứa của anh em bằng Thái Bình Dương, anh em sẽ biết sự đầy trọn của Đức Chúa Trời đến mức ấy. Tuy nhiên, ngay cả sức chứa của Thái Bình Dương cũng chưa lớn đủ. Chúng ta cần sức chứa của đại dương đời đời. Ngay cả nếu sức chứa của chúng ta gia tăng đến mức ấy, Đức Chúa Trời cũng sẽ đầy dẫy chúng ta. Như vậy, sự vui hưởng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là vô hạn. Chúng ta vui hưởng sự đầy trọn của Ngài được bao nhiêu thì tùy thuộc vào sức chứa của mình.

E. Trong Con Độc Sinh Của Đức Chúa Trời
Sự giải bày này về Đức Chúa Trời ở trong Con độc sinh của Ngài là Đấng ở trong lòng Cha từ cõi đời đời quá khứ và là Đấng ở trong lòng Cha sau khi nhục hóa. Do đó, câu 18 chép: “Chẳng ai từng thấy Đức Chúa Trời bao giờ; duy Con độc sanh ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha”. Con độc sinh đã ở cùng Đức Chúa Trời Cha và đã, hiện và sẽ luôn luôn ở trong lòng Cha. Lời của câu 18 đơn giản, nhưng ý nghĩa thật sâu xa. Anh em có thể nói lòng Cha là gì không? Tôi chưa nghe một định nghĩa nào thỏa lòng mình. Điều này quá thân thiết, quá sâu thẳm và quá sâu nhiệm. Đơn giản là tôi không thể nói với anh em điều đó có nghĩa là gì vì tôi thiếu sự hiểu biết và lời diễn đạt. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Con độc sinh yêu dấu của Cha liên tục ở trong lòng Cha và giải bày Cha. Đó là cách Ngài giải bày Cha và đem chúng ta vào trong sự vui hưởng Cha.

Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ, và với Đấng Christ chúng ta có ân điển và thực tại. Do đó, khi đến với Đấng Christ, chúng ta vui hưởng ân điển và tham dự vào thực tại. Câu 18 cho biết Đấng Christ, là Con độc sinh của Đức Chúa Trời, ở trong Đức Chúa Trời Cha. Vì thế, khi chúng ta vui hưởng Đấng Christ một cách thân mật như vậy, sự vui hưởng thân mật về Ngài sẽ đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời Cha. Nói cách khác, sự vui hưởng Đấng Christ đem chúng ta vào trong lòng Cha. Với Cha, chúng ta có tình yêu và ánh sáng. Đấng Christ là sự bày tỏ Đức Chúa Trời theo giống như cách ân điển là sự bày tỏ tình yêu và thực tại là sự bày tỏ ánh sáng. Khi chúng ta vui hưởng Đấng Christ như ân điển và thực tại, sự vui hưởng này đem chúng ta vào lòng Cha là nơi chúng ta vui hưởng tình yêu và ánh sáng. Tình yêu là nguồn ân điển ẩn giấu, và ánh sáng là nguồn thực tại ẩn giấu. Đó là lý do vì sao trong Phúc Âm Giăng chúng ta có ân điển và thực tại, nhưng trong Thư tín 1 Giăng chúng ta có tình yêu và ánh sáng (1 Gi. 1:5; 4:7-8). Phúc Âm Giăng đem Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và chúng ta vui hưởng Ngài là ân điển và thực tại. Thư tín 1 Giăng đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời và chúng ta vui hưởng Ngài là tình yêu và ánh sáng. Nếu chúng ta chỉ vui hưởng ân điển, sự vui hưởng ấy chưa đủ sâu xa. Khi ân điển đem chúng ta vào trong tình yêu, chúng ta đạt đến nguồn mà ân điển từ đó tuôn ra. Khi chúng ta dõi theo ân điển trở về nguồn, ân điển trở thành tình yêu. Cũng vậy, ánh sáng là nguồn mà thực tại từ đó tuôn ra. Khi anh em dõi theo thực tại trở về nguồn, anh em sẽ đến ánh sáng, vì ánh sáng là kinh nghiệm sâu xa hơn của thực tại.

F. Giải Bày Đức Chúa Trời
Chúng ta đã thấy Lời nhục hóa để giải bày Đức Chúa Trời, bày tỏ Đức Chúa Trời (Hê. 1:3), để giải thích Đức Chúa Trời và định nghĩa về Đức Chúa Trời. Con Độc Sinh của Cha giải bày Đức Chúa Trời bằng Lời, sự sống, ánh sáng, ân điển và thực tại. Chúng ta đã thấy năm điều này có liên quan đến sự nhục hóa của Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này được đặt nền tảng và hoàn thành trong chính Đức Chúa Trời. Lời là Đức Chúa Trời được bày tỏ, sự sống là Đức Chúa Trời được truyền dẫn, ánh sáng là Đức Chúa Trời chiếu soi, ân điển là Đức Chúa Trời được vui hưởng, và thực tại là Đức Chúa Trời được nhận thức, hiểu biết. Đức Chúa Trời được giải bày cách trọn vẹn trong Con nhờ năm điều này. Yếu thể tính của tất cả những điều này là chính Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời được giải bày qua những điều này. Mặc dầu chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, Con Ngài đã giải bày Đức Chúa Trời bởi Ngài là Lời, sự sống, sự sáng, ân điển và thực tại. Chúng ta càng tiếp nhận Lời, có Đức Chúa Trời làm sự sống của mình, và để cho ánh sáng của sự sống này chiếu sáng bên trong mình, và càng vui hưởng Đức Chúa Trời như ân điển và hiểu biết Ngài như thực tại, thì Đức Chúa Trời càng được giải bày cho chúng ta. Giải bày Đức Chúa Trời nghĩa là bày tỏ, giải thích, và định nghĩa Đức Chúa Trời. Đấng Christ đã giải bày, bày tỏ, giải thích và định nghĩa Đức Chúa Trời bằng cách nhục hóa với tư cách là Lời cùng sự sống, ánh sáng, ân điển và thực tại.

Mười tám câu đầu của chương một có thể tóm lại thành một vài lời đơn giản: Lời, Đức Chúa Trời, sự sống, ánh sáng, ân điển và thực tại. Giăng 1:1-18 cho chúng ta biết thế nào nhờ Lời mọi sự đã hiện hữu và thế nào Lời là chính Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt để đem ân điển và thực tại đến với con người. Trong Ngài có sự sống, tức là ánh sáng cho loài người để họ nhận lãnh. Bao nhiêu người tiếp nhận Ngài như vậy đều được sinh bởi Ngài, có Ngài làm sự sống và ánh sáng của mình. Sau đó họ nhận lấy Ngài là ân điển và thực tại. Bằng cách đó, Đức Chúa Trời trong Con được giải bày cho loài người. Qua Lời, sự sống, ánh sáng, ân điển và thực tại, Đấng Christ đã bày tỏ, giải thích và định nghĩa Đức Chúa Trời cho chúng ta.