Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

RUTH – TĂNG TRƯỞNG ĐẾN MỨC TRƯỞNG THÀNH--8




ĐƯỢC ĐEM VÀO TRONG MỐI LIÊN HIỆP VỚI CHRIST



Khi Ruth chương ba kết thúc, Naomi nói rằng Boaz sẽ không yên nghỉ cho đến khi ông hoàn thành điều ông phải làm ngày hôm qua. Do đó, chương bốn bắt đầu với việc Boaz giải quyết với người bà con có quyền ưu tiên trên Ruth và di sản của nàng. Theo Phục Truyền 25: 5, người bà con gần nhất chịu trách nhiệm kết hôn với vợ của người nam đã chết để dấy lên con cái theo tên của người đã qua đời. Nếu không, di sản của người đã chết trong miền đất Israel có thể bị mất khỏi chi phái của mình (Dân 36: 7-8). Đây là chủ đích của cuộc giao dịch này.
Bây giờ vấn đề là: Người bà con gần nhất này đại diện cho ai? Người ta có thể tranh cãi rằng Ruth chính yếu muốn nói đến một câu chuyện đẹp, và các giáo lý không phải là đặc điểm của sách này. Theo cái nhìn này, khi Boaz nói: “Có một người bà con gần hơn ta”, điều đó chỉ giới thiệu thêm kịch tính và sự lãng mạn cho câu chuyện này. Tuy nhiên, rõ ràng Boaz đại diện cho Christ, và Ruth đại diện cho chúng ta. Vì vậy, điều đó phải có nghĩa là tuy niềm ao ước của Ruth hướng về Boaz và nàng dâng mình cho ông, nhưng có một người bà con gần với nàng hơn Boaz.




NGƯỜI THIÊN NHIÊN VÀ SỰ THEO ĐUỔI CỦA NÓ


Người họ hàng gần nhất này có quyền công bố sự sở hữu trên Ruth. Nếu vậy, làm thế nào nàng có thể dâng mình cho Boaz? Trong kinh nghiệm của chúng ta, người bà con gần hơn này là người thiên nhiên của chúng ta. Nếu người thiên nhiên của chúng ta là người bà con gần nhất và có quyền sở hữu ưu tiên trên chúng ta, thì làm thế nào chúng ta có thể được giải phóng để được kết hiệp với Christ? Người bà con này phải bị xử lý trước khi chúng ta có thể hoàn toàn bước vào trong mối liên hiệp mà chúng ta ao ước có với Chúa.


Chúng ta biết được người thiên nhiên của mình bởi các niềm ao ước của nó. Điều người thiên nhiên của anh em và của tôi theo đuổi có thể rất khác nhau. Mỗi chúng ta đều theo đuổi điều chúng ta thấy là mối lợi tốt nhất. Nếu chúng ta thông minh, người thiên nhiên của chúng ta sẽ hướng đến một số điều. Nếu chúng ta tham vọng, nó sẽ khiến chúng ta theo đuổi những điều khác. Nếu chúng ta lười biếng, nó sẽ tìm cho chúng ta một đại lộ khác nữa. Nhiều lĩnh vực khác nhau trong thế giới đã phát triển tương ứng với mọi loại người khác nhau theo khả năng và mối quan tâm của họ. Theo cách này, thế giới tương ứng với người thiên nhiên.


Christ như người họ hàng gần trong linh chúng ta, là điều chắc chắn ao ước chính Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, người thiên nhiên của chúng ta như người bà con gần nhất ở trong hồn chúng ta. Trong hồn chúng ta có một điều gì đó gọi là sự sống hồn, là điều muốn cả Đức Chúa Trời lẫn thế giới. Thế giới hiện hữu tương ứng với mọi niềm ao ước của cả ba phần của con người thiên nhiên: tâm trí, tình cảm và ý muốn của chúng ta. Chính tâm trí và tình cảm của chúng ta quyết định ai trong hai người bà con này sẽ kết hiệp với chúng ta.


BA PHẦN CỦA THẾ GIỚI


VÀ NGƯỜI THIÊN NHIÊN CỦA CHÚNG TA


Thế giới cũng có ba phần: phần tội lỗi, phần vật chất hay vật lý và phần tôn giáo. Thế giới tội lỗi cuốn hút xác thịt sa ngã của chúng ta, trong khi thế giới vật chất cuốn hút người thiên nhiên của chúng ta khi chúng ta không tập trung vào một mình Christ. Thí dụ, nhiều người theo đuổi một công việc với một công ty nào đó để có một loại cuộc sống tiện nghi nào đó.


Thế giới tội lỗi, như được mô tả trong Ruth, bị xử lý trong chương một khi Ruth nói với Naomi: “Nơi nào mẹ đi, con sẽ đi… và Đức Chúa Trời của mẹ (sẽ là) Đức Chúa Trời của con” (1: 16). Thế giới vật chất bị xử lý trong chương ba, khi Ruth hoàn toàn dâng mình cho Boaz tại sân đập lúa.


Vì chúng ta đã được Christ cứu chuộc nên về nguyên tắc, người thiên nhiên của chúng ta sẽ không còn chọn các phương diện tội lỗi của thế giới nữa. Về nguyên tắc, người thiên nhiên của chúng ta cũng không ao ước phương diện vật chất của thế giới nếu chúng ta đã dâng mình cho Chúa. Phương diện nào của thế giới còn lại cho chúng ta? Đây có thể là một điều bất ngờ: Chính thế giới tôn giáo có khả năng ngăn cản chúng ta vui hưởng mối liên hiệp trọn vẹn với Christ.
Thế giới tội lỗi là một người bạn rất thân của thế giới vật chất. Nhưng thế giới tôn giáo dường như tách biệt khỏi thế giới tội lỗi và vật chất, ít nhất là trong diện mạo. Ban đầu, các tín đồ tranh đấu với tội lỗi, và họ cứ bị đánh bại hết lần này đến lần khác cho đến khi họ từ bỏ. Tuy nhiên, khi họ từ bỏ, dường như họ tìm thấy một bí quyết, và bởi đó họ được giải phóng khỏi phương diện này của thế giới. Hễ chúng ta có xác thịt sa ngã thì sức lôi cuốn của thế giới tội lỗi vẫn còn. Tuy nhiên, đó không phải là phương diện chính yếu mà con người thiên nhiên của chúng ta bị hấp dẫn. Mức độ kế tiếp của thế giới, và cũng là điều chúng ta thấy dễ chấp nhận hơn, là thế giới vật chất. Mặc dù chúng ta là những người theo Chúa, nhưng dường như chúng ta vẫn thấy hợp lý khi theo đuổi những điều trong thế giới vật chất, như sự nghiệp hoặc một lối sống tốt hơn cho gia đình mình, nhiều hơn Christ. Một câu châm ngôn Trung Hoa nói rằng càng lớn tuổi, anh em càng quan tâm đến tiền bạc và ít quan tâm đến những điều khác. Điều cám dỗ tôi khi lớn tuổi là niềm ao ước về sự bình an và yên tĩnh. Thật dễ chịu khi được thoát ra khỏi mọi sự rối loạn và rắc rối xung quanh tôi. Nhưng những niềm ao ước như vậy không sở hữu chúng ta. Chúng ta là vì Christ.



Sự tranh chiến nào luôn luôn hiện hữu đối với những người đã dâng mình cho Christ? Chính là xu hướng của người thiên nhiên về những điều của thế giới tôn giáo. Chúng ta biết rằng thế giới tội lỗi và thế giới vật chất không thuộc về Christ. Bây giờ điều thu hút con người thiên nhiên của chúng ta là thế giới mà nơi đó Christ được nói đến nhưng lại vắng mặt. Thế giới tôn giáo có thể đổ đầy chúng ta bằng một điều gì đó liên quan đến Christ sau khi Đấng Christ sống động đã lìa khỏi. Theo cách này, người thiên nhiên của chúng ta với sự xu hướng về tôn giáo là người bà con gần nhất của chúng ta.


Nói cách đơn giản, chúng ta bị người thiên nhiên của mình kiểm soát, và người thiên nhiên của chúng ta bị tôn giáo kiểm soát. Khi các tín đồ chúng ta đang sống bởi người thiên nhiên, chúng ta bị tôn giáo kiểm soát nhiều hơn Christ.


Tôn giáo làm cho người ta đánh mất phần nào khả năng lập luận,vì nó được cai trị bởi sự nhiệt thành chứ không phải trí tuệ. Dường như tôn giáo phải đem dân chúng đến với Christ. Tuy nhiên, khi dân chúng tập trung vào tôn giáo, Christ biến mất cùng với lập luận. Theo cách này, người thiên nhiên của chúng ta, vốn bị tôn giáo kiểm soát, trở nên người họ hàng gần nhất của chúng ta, ngay cả khi chúng ta ao ước rằng người họ hàng gần nhất của chúng ta phải là Christ.


XU HƯỚNG CỦA NGƯỜI THIÊN NHIÊN ĐỐI VỚI TÔN GIÁO


Trong tôn giáo, người ta rao giảng về Christ và nói về Ngài, nhưng chính Christ thì không có ở đó. Tôn giáo có gì mà người thiên nhiên của chúng ta lại xu hướng về nó mạnh mẽ như vậy? Điều gì làm cho nó có hấp lực như vậy?
LUẬT PHÁP
Trước hết, tôn giáo dường như ban cho con người thiên nhiên một con đường dễ dàng để làm vui lòng Đức Chúa Trời ở ngoài Christ. Chúng ta có thể gọi đây là luật pháp. Trong mỗi con người thiên nhiên của mỗi người yêu Jesus, có một sự xu hướng mạnh mẽ đối với luật pháp. Người thiên nhiên nói: “Tôi yêu Chúa. Tôi biết tôi phải làm gì. Tôi sẽ học thuộc lòng 1000 câu Kinh Thánh mỗi năm”. Có gì sai với điều này không? Chỉ sai nếu chúng ta tự đặt mình dưới ách nô lệ, nhận lấy điều đó như luật pháp. Nhưng dù vậy, nỗ lực giữ luật pháp này sẽ vạch trần tình trạng thật của chúng ta. Ở núi Sinai khi người Israel nói với Moses: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều Chúa đã phát ngôn”, (Xuất 19: 8), họ lại kết thúc trong việc nhảy múa quanh bò con bằng vàng trước khi Moses từ trên núi trở xuống (32: 1-6). Tính năng phơi bày này là một trong những tính năng tích cực của luật pháp.



Vậy thì chúng ta sẽ làm gì nếu không thể đặt ra các mục tiêu hợp pháp? Nếu chúng ta không phục vụ Chúa về mặt thực tiễn, chúng ta cảm thấy mình không đang làm điều đáng phải làm. Có gì sai với việc chúng ta đặt ra mục tiêu học thuộc lòng 1000 câu Kinh Thánh một năm? Không có gì sai. Về một mặt, chúng ta sẽ đụng chạm Christ trong Lời, và mặt khác, nếu chúng ta thất bại trong việc đạt được mục tiêu của mình, chúng ta sẽ bị vạch trần và được đem đến với Christ để xưng nhận nhu cầu của mình về Ngài. Nếu chỉ có thể học thuộc 05 câu trong tháng này thay vì phải học được 84 câu theo dự tính, chúng ta không nên rơi vào sự kết án của luật pháp. Con người thiên nhiên tìm cách biện minh trước Đức Chúa Trời bằng cách tranh đấu để giữ trọn luật pháp. Tuy nhiên, luật pháp đem chúng ta đến với Christ qua sự thất bại của mình. Theo cách này, đó là người giám hộ để đem chúng ta đến với Christ. (Gal 3: 24).


Nhiều người tiếp tục bị cầm giữ trong ách nô lệ dưới luật pháp mặc dù họ có Christ. Cách duy nhất để thoát ra khỏi việc ở dưới luật pháp là chịu đóng đinh với Christ. Điều này được nhìn thấy trong Rome 6-7. Luật pháp không thể cai trị trên người chết. Ngợi khen Chúa về điều này!


Ý THỨC HỆ


Thứ hai, luật pháp cung cấp cho người thiên nhiên ý thức hệ. Christ đã ban chính Ngài và nhiều lẽ thật phong phú về chính Ngài cho chúng ta, nhưng các Cơ Đốc nhân dễ biến mọi điều này thành ý thức hệ. Khi một điều gì đó chúng ta nhận được trở nên ý thức hệ., chúng ta bị tách rời khỏi Christ.
Hội Anh Em Plymouth là một minh hoạt tốt cho điều này. Vào những năm 1800, họ nhận được nhiều sự phong phú từ Chúa. Nhiều ánh sáng ra từ Lời, và nhiều thánh ca phong phú được họ viết ra. Nhưng khi điều Chúa ban cho họ trở nên một ý thức hệ, thì họ đánh mất Chúa sống động. Ngày nay, ở Plymouth, Anh Quốc, sự nhóm lại đã từng đem phước hạnh của Christ đến cho hàng ngàn người đã trở nên một loại nhóm họp của một vài người trung tín bám chặt lấy một điều gì đó bằng con người thiên nhiên của họ. Điều họ trung tín nắm giữ không phải là Christ mà là tập hợp các sự dạy dỗ đã trở nên ý thức hệ của họ. Chúng ta phải cẩn thận đối với khuynh hướng này, vì ý thức hệ rất dễ phát triển. Bám chặt một ý thức hệ thì dễ hơn bám chặt Christ nhiều. Một ý thức hệ kiểm soát, thì Christ không kiểm soát.



Một số người bám chặt ý 
thức hệ đến mức họ bỏ lơ hoặc phủ nhận thực tại của Thân Thể Christ. Thí dụ, một số Cơ Đốc nhân nói rằng họ thuộc hội những người theo Luther do ý thức hệ của họ. Thật ra, họ là các tín đồ, nhưng họ đã đánh đổi thực tại của Thân Thể Christ để lấy ý thức hệ. Ý thức hệ cần những người đi theo; nó cần sự trung thành nếu muốn được duy trì. Giữa vòng những người bị ý thức hệ kiểm soát không có tình yêu chân thật để tìm kiếm điều tốt nhất cho toàn bộ Thân Thể Christ. Nếu chúng ta có thể tránh khỏi cái bẫy của ý thức hệ, chúng ta sẽ rất quý báu trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Chỉ có điều này mới biểu hiện Thân Thể Christ.




TỰ TIN VÀ PHÁT TRIỂN


Thứ ba, thế giới tôn giáo tương ứng với niềm ao ước của con người thiên nhiên chúng ta về sự tự tin và tự phát triển. Tôn giáo rất giỏi trong việc khích lệ chúng ta phát triển chính mình, và người thiên nhiên của chúng ta mong mỏi một sự phát triển như vậy.



Peter minh họa điều này. Ông tự tin tuyên bố rằng ông đã lìa bỏ mọi sự để theo Chúa và xứng đáng được một điều gì đó đổi lại (Matt 19: 27). Chiếc thuyền và ngôi nhà của Peter chắc chắn có rất ít giá trị, ngay cả khi so với những chiếc thuyền và những ngôi nhà khác, nhưng dường như ông không cảm thấy xấu hổ khi hỏi ông sẽ được gì đổi lại cho sự hy sinh nhỏ bé của ông. Điều này luôn làm tôi bối rối. Tại sao các Cơ Đốc nhân chúng ta lại quá tự tin như vậy? Và tại sao Chúa lại tiếp nhận những lời tuyên bố như vậy từ chúng ta? Chúng ta nói với Ngài chúng ta yêu Ngài biết bao và chúng ta sẽ từ bỏ mọi sự cho Ngài. Ngài không bao giờ nói: “Ngươi đang nói dối”. Chúng ta rơi lệ và xưng nhận tình yêu của mình dành cho Ngài, rồi lập tức lìa bỏ sự hiện diện của Ngài để làm một điều gì đó tách rời khỏi Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta, dù chúng ta có biết cách yêu đáp lại Ngài cách đúng đắn hay không.



Bất kể hành vi của chúng ta, vì một lý do nào đó, chúng ta rất tin chắc về chính mình. Sự tự tin này thay thế Christ. Chúng ta tin cậy khả năng riêng của mình để theo Christ, nghĩ rằng chúng ta biết cách làm thỏa mãn Ngài và cách phục vụ Ngài. Nhưng chúng ta không biết. Thay vì vậy, có một người bà con gần hơn Christ, một người nào đó gần hơn mà chúng ta chịu kiểm soát. Đó là người thiên nhiên của chúng ta, là người nỗ lực làm vui lòng Đức Chúa Trời ở ngoài Christ. Người thiên nhiên của chúng ta mặc nhiên là người bà con gần nhất của chúng ta.



Người thiên nhiên của chúng ta, là người bà con gần nhất của chúng ta, xu hướng về ba phương diện này của thế giới tôn giáo, mỗi một điều trong số đó đều thay thế Christ. Thứ nhất, người thiên nhiên ao ước làm vui lòng Đức Chúa Trời bằng cách làm trọn luật pháp. Thứ hai, nó ao ước bám chặt và bảo vệ cho một ý thức hệ. Chúng ta chỉ nên bảo vệ đức tin chung mà mọi tín đồ chân thật đều giữ vững, như được khải thị trong Kinh Thánh. Thứ ba, chúng ta tự tin rằng chúng ta có thể làm một điều gì đó cho Christ. Vì người thiên nhiên của chúng ta rất gần với chúng ta, nên nếu muốn thuộc về một mình Christ, chúng ta cần Ngài như Boaz của chúng ta hành động cho chúng ta.


BOAZ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NGƯỜI BÀ CON GẦN NHẤT


Trong câu một của Ruth 4, Boaz đi đến cổng thành, và người bà con gần nhất xuất hiện. Boaz mời người ấy và các trưởng lão của thành phố ngồi xuống. Tôi thích bức tranh này. Chúa nắm quyền và mọi người phải vâng phục Ngài. Thậm chí người thiên nhiên đầy ý thức hệ cũng không thể tranh cãi trong sự hiện diện của Chúa. Khi đó Boaz kể lại thể nào Naomi đã trở về từ đất nước Moab mà không có người nam thừa kế và đang có nguy cơ mất phần đất của mình. Boaz thúc giục người bà con đó và nói: “Nếu anh muốn chuộc phần đất này thì hãy chuộc đi, vì anh là người bà con gần hơn”. Khi đọc điều này, chúng ta có thể hơi hồi hộp, vì chuyện gì sẽ xảy ra với Ruth nếu người bà con gần hơn này đồng ý? Và điều đó đã xảy ra, vì người bà con này dường như vui sướng lấy thêm tài sản này cho chính mình. Tuy nhiên, Boaz nhắc nhở người ấy rằng nếu làm điều này, người ấy cũng phải kết hôn với Ruth và qua nàng dấy lên con trai theo tên người chồng đã chết của nàng, hầu cho tên và di sản của người ấy không đi đến chỗ kết thúc. Khi nghe điều này, người bà con gần hơn khựng lại và không sẵn lòng thực hiện bổn phận của mình. Tại điểm này, người ấy nhường lại quyền cho Boaz.


Trong kinh nghiệm của chúng ta, khi Chúa bước vào và đương đầu với người thiên nhiên của chúng ta, chúng ta lắng nghe, nhưng vẫn bám chặt luật pháp, ý thức hệ và sự tự tin của mình. Chúa nói: “Ngươi phải làm điều này cho chính ngươi nếu muốn hoàn thành điều đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời”, và ban đầu chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta có thể làm được. Chúng ta thấy lợi ích. Nhưng chúng ta không nhận thức rằng luật pháp, ý thức hệ và sự tự tin không thật sự vì ích lợi của chúng ta. Đúng hơn, chúng chỉ là phương tiện để thế giới tôn giáo đạt đến các đích điểm của riêng nó. Những người ở dưới luật pháp không thể làm hoàn hảo bởi luật pháp (Heb 7: 18-19). Và những người bị kiểm soát bởi ý thức hệ bám chặt lấy một điều gì đó khác hơn Christ. Vì vậy, mọi điều tôn giáo đại diện vui mừng vùng lên trong chúng ta để bám chặt một điều gì đó có vẻ có lợi qua danh của Christ. Khi đó, Chúa nói: “Chờ đã! Ngươi cũng phải kết hôn với Ruth và dấy lên người thừa kế cho người chồng đã chết của nàng vì chỗ của người ấy trong miền đất này”.


Cho đến lúc này, người bà con gần nhất hẳn phải cảm thấy rất may mắn vì Boaz đã đem ra mọi điều này. Dường như điều đó rất có lợi cho ông. Nhưng khi Boaz đưa ra ý tưởng kết hôn với Ruth, người họ hàng gần hơn này từ chối. Nếu người bà con gần nhất có một người con trai bởi Ruth, thì luật pháp đòi hỏi người con ấy phải thuộc về Mahlon, con trai Elimelech, chứ không phải thuộc về chính ông. 


Người con đó sẽ được dấy lên theo tên của Elimelech và Mahlon và sẽ trở về phần đất được khôi phục vốn thuộc về Elimelech. Người bà con gần nhất này cảm thấy một điều như vậy sẽ hủy hoại di sản của chính mình (Ruth 4: 6). Nói cách khác, ông chỉ quan tâm mình sẽ được gì từ mối liên hệ với Ruth. Ông không quan tâm đến nàng, mặc dù ông có liên hệ mật thiết với nàng.


MỘT TẤM LÒNG VÌ LỢI ÍCH CỦA NHAU


Thế giới tôn giáo sử dụng chúng ta; nó không quan tâm đến chúng ta. Trái lại, Chúa quan tâm đến chúng ta và chiến đấu vì những điều sẽ là phước hạnh cho chúng ta. Ngài tranh đấu để chúng ta trưởng thành. Ngài không lợi dụng chúng ta. Chúng ta sẽ là vợ Ngài (Eph 5: 31-32), và việc có được Ngài trở nên phước hạnh cao nhất của chúng ta. Tôn giáo chỉ tìm cách ngăn trở điều này, hầu cho nó có thể duy trì và mở rộng sự hiện hữu của nó cùng với luật pháp, ý thức hệ và sự tôn cao bản ngã của nó.


Vì vậy, người bà con gần hơn này từ bỏ quyền của mình bằng cách cởi giày ra và trao cho Boaz. Đây là một phong tục vào thời đó. Đó là một sự xác nhận, tương đương với việc ký hợp đồng ngày nay. Khi đó, Boaz nói: “Các ông là nhân chứng ngày hôm nay về việc tôi đã mua mọi điều thuộc về Elimelech, mọi điều thuộc về Chilion và Mahlon, từ tay của Naomi. Hơn nữa, tôi đã nhận lấy Ruth người Moab, vợ góa của Mahlon, làm vợ mình, để ghi nhớ mãi tên của người đã chết qua di sản của người ấy, hầu tên của người ấy không bị xóa khỏi giữa vòng anh em người ấy và khỏi vị trí của người ấy nơi cổng” (Ruth 4: 9-10). Boaz đang làm điều này không phải vì chính ông mà là vì Naomi và Ruth, và để ghi nhớ tên của Elimelech và Mahlon.


Khi Chúa đem chúng ta theo với Ngài, dường như Ngài chẳng được gì ngoài nhiều công tác vất vả. Nhưng ít nhất, Ngài có được chúng ta. Cách của Chúa luôn luôn là đổ chính Ngài ra và chịu khổ vì cớ chúng ta, để chúng ta có thể có được phước hạnh tối hậu (Eph 5: 25).


Đối với mọi điều này, các trưởng lão và những người có mặt nói: “Chúng tôi là nhân chứng”. Có thể họ không hiểu tại sao Boaz làm một điều như vậy. Ruth còn trẻ và có thể xinh đẹp, nhưng Boaz đã bước vào một điều gì đó không đem lại cho ông bất cứ lợi ích nào về lâu dài, vì bất cứ đứa con nào được sinh ra bởi mối liên hiệp của họ sẽ được quy về Mahlon. Boaz sẽ phải công tác vì ích lợi của một người khác và dấy lên một dòng dõi cho người ấy. Boaz thật ngay thẳng, nhân từ và đúng đắn biết bao! Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều có một tấm lòng như vậy để chiến đấu cho lợi ích của nhau, thay vì chỉ đơn giản vì lợi ích của riêng mình.



Nhiều lúc tôi nghe một số người phát ngôn chỉ trích những người đã lìa khỏi sự tương giao. Thái độ này không đại diện cho tấm lòng của Đức Chúa Trời, vì Ngài ghét phải nhìn thấy ai đánh mất phần vui hưởng Christ của mình. Chúng ta không nên nói về họ theo cách này. Có phải chúng ta là các anh hùng vì chúng ta có thể vui hưởng nếp sống hội thánh cho đến bây giờ không? Chúng ta biết đây là sự thương xót của Chúa. Chúng ta đứng vì sự hiệp nhất của Thân Thể Christ và không phải là một bè đảng, nhưng nhiều lúc chúng ta làm cho mình trở nên rất hẹp hòi.



PHƯỚC HẠNH TRÊN RUTH VÀ BOAZ


Cuối cùng, mọi người đã chúc phước Boaz bằng một phước hạnh thú vị. Họ nói: “Nguyện Chúa làm cho người nữ sắp đến nhà ông giống như Rachel và Leah, hai người xây dựng nhà Israel” (Ruth 4: 11). Tôi sẽ cảm thấy bị xúc phạm bởi điều này, mặc dù Rachel nghĩa là “chiên con” theo tiếng Hebrew, nhưng Leah nghĩa là “sự hao mòn”. Điều này giống như nói: “Nguyện cô dâu của anh giống như chiên con và giống như bị mòn mỏi!” Tuy nhiên, đây là hai người đã xây dựng nhà Israel.



Nếu ao ước xây dựng chứng cớ của Chúa, chúng ta phải kinh nghiệm điều được biểu thị bởi tên Rachel và Leah. Về một mặt, chúng ta là Rachel, một con chiên được hiến dâng cho Chúa vì chủ đích của Ngài. Đôi khi chúng ta mạnh mẽ tuyên bố chúng ta vì Ngài. Mặt khác, chúng ta là Leah, rất yếu đuối và mòn mỏi đến nỗi dường như chúng ta không thể trỗi dậy. Nhưng vì sự thuận phục của chúng ta với Chúa, nên sự yếu đuối của chúng ta là sự yếu đuối của chiên con được hiến dâng. Vì chúng ta biết Ngài và biết chính mình, nên Chúa có cách xây dựng vương quốc của Ngài qua chúng ta.



Vương quốc của Chúa không phải chính yếu được thiết lập qua sự vận dụng thắng thế. Không. Vương quốc của Chúa thường được xây dựng khi chúng ta tin cậy ngài giữa các sự giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Mặc dù yếu đuối nhưng chúng ta là chiên con của Ngài. Ngợi khen Chúa về Rachel và Leah!



Sau đó, họ tiếp tục: “Nguyện ông được thịnh vượng ở Ephrathah và nổi tiếng ở bethlehem. Nguyện nhà ông giống như nhà Perez, là người Tamar sinh cho Judah, bởi con cái mà Chúa sẽ ban cho ông từ người nữ trẻ tuổi này” (Ruth 4: 11-12). Perez nghĩa là “xuyên phá”. Một điều gì đó đã bị giới hạn và trì kéo lại, nhưng bây giờ được xuyên phá. Kế đó, họ nói về Tamar và Judah, là hai người có một lịch sử rất đáng hổ thẹn. Tamar là con dâu của Judah, đã ăn mặc như một kỹ nữ và có con với Judah. Nếu là Boaz, tôi sẽ cảm thấy bị sỉ nhục nếu có người ví vị hôn thê của tôi với một người nữ như vậy. Tuy nhiên, trường hợp này thật ra ngụ ý một sự khích lệ cho Boaz, vì dù Ruth là một người Moab đến từ một bối cảnh đen tối, nhưng sự sinh ra của Perez cũng đã xảy ra như một sự xuyên phá khỏi bối cảnh đen tối để trở nên một phước hạnh cho Israel. Cuối cùng, cả Perez lẫn con cái sinh bởi Boaz và Ruth đã trở nên phương tiện để Jesus Christ đến trong xác thịt (Matt 1: 3,5).


PHƯỚC HẠNH CHO NAOMI


Vì vậy, cuối cùng Boaz và Ruth đã kết hôn, và họ có một con trai. Khi đó những người nữ nói với Naomi rằng bà được phước biết bao: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã không để bà lại mà không có một người họ hàng gần; và nguyện danh của người ấy được nổi tiếng ở Israel! Và nguyện người ấy là một người phục hồi sự sống cho bà và là người nuôi dưỡng bà lúc về già; vì con dâu bà, là người yêu 


thương, tốt hơn bảy con trai đối với bà, đã sanh con cho người ấy” (Ruth 4: 14-15). Sách này gọi là sách Ruth, nhưng lại bắt đầu và kết thúc với Naomi. Bà không còn là Mara (cay đắng) nữa, vì bây giờ bà thật sự được phước. Qua Boaz, cả Naomi lẫn Ruth đều được phước. Naomi thậm chí có được người phục hồi sự sống ở tuổi già của bà. Nếu theo Chúa, chúng ta đừng bao giờ chán nản. Luôn luôn có một điều gì đó của Chúa chống đỡ chúng ta. Chính Ruth trở nên tốt hơn bảy người con trai đối với Naomi. Chúa thà có một người đắc thắng như vậy còn hơn có bảy người chỉ đi xem lễ.


SỰ TIẾP TỤC: OBED, JESSE VÀ DAVID


Trong câu 16, Naomi nhận lấy con trẻ, đặt nó trong lòng bà và trở nên nhũ mẫu của nó. Sau đó, một điều thú vị đã xảy ra. Dường như chính những người lân cận vào nhà đã đặt trên cho đứa trẻ. Họ đặt tên cho nó là Obed, nghĩa là “phục vụ” hoặc “thờ phượng”. Thật ý nghĩa là hai điều này có thể cùng đến với nhau trong một người. Obed trở nên cha của Jesse (Jehovah hiện hữu), cha David (yêu dấu). Từ hình thành gốc của tên David được dùng rất nhiều trong
Kinh Thánh.



Có ba chỗ trong Kinh Thánh đề cập đến mười thế hệ. Chỗ thứ nhất là Sáng Thế Ký 5, đi từ Adam đến Noah. Thứ hai là Sáng Thế Ký 11, đi từ Shem đến Abraham. Chỗ thứ ba đưa ra mười thế hệ là ở đây trong Ruth chương bốn. Chỗ thứ nhất đưa ra mười thế hệ bàn đến kinh nghiệm về sự cứu chuộc, chỗ thứ hai đề cập đến kinh nghiệm về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và chỗ thứ ba này bàn đến kinh nghiệm về việc được đem từ sự tái sanh đến vương quốc Đức Chúa Trời.


Tôi hy vọng tất cả chúng ta được ấn tượng với vấn đề này về Christ như người họ hàng gần của chúng ta và người thiên nhiên, có xu hướng tôn giáo, như một người họ hàng gần hơn. Có lẽ nếu chúng ta gặp hai người này – Boaz và người bà con gần hơn – họ có thể trông gần như nhau. Boaz gần với người họ hàng khác này bao nhiêu? Có thể rất gần, gần đến nỗi khó mà phân biệt được họ. Điều gì phân biệt họ trong kinh nghiệm của chúng ta? Một người ao ước nhận lấy điều chúng ta có, và người kia muốn ban chính Ngài cho chúng ta vì Ngài quan tâm đến lợi ích tối hậu của chúng ta. Nguyện ngày nay tất cả chúng ta dâng lòng mình cho Chúa như Ruth đã dâng mình cho Boaz, hầu cho Chúa có thể khải thị đầy đủ cho chúng ta Ngài là ai và vạch trần kẻ cạnh tranh với Ngài để có được tấm lòng và tâm trí chúng ta. Nguyện Chúa thương xót chúng ta khi chúng ta theo đuổi Ngài như Đấng duy nhất mà chúng ta ao ước, cho đến khi Ngài và chúng ta thật sự kết hiệp làm một.
Chúa ơi, đây là ao ước của chúng tôi!