Tổng quan
Ai là người nghiên cứu thận trọng và vừa đọc Thánh Kinh vừa suy tư đều nhận thấy câu của vị sứ đồ viết về Kinh điển rằng “ở trong (Thánh Kinh) có mấy khúc khó hiểu mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa... chuốc lấy sự hư nát riêng về mình” (II Phi-e-rơ 3:16) có nhiều phần đúng. Có ai là người trong chúng ta chưa từng thấy trong Thánh Kinh những điều gây lúng túng cho mình, mà lúc hãy còn là một Cơ-đốc nhân mới mẻ, chưa từng trải, đã đưa chúng ta đến chỗ thắc mắc đặt vấn đề là chẳng hay rút cục, Thánh Kinh có phải là Lời Đức Chúa Trời hay không?
Chúng ta thấy trong Thánh Kinh có nhiều điều dường như không thể nào hoà giải được với những điều khác, cũng ở ngay trong Thánh Kinh. Chúng ta nhận thấy có những điều dường như khó cũng tồn tại được với cái ý tưởng rằng Thánh Kinh có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời và tuyệt đối vô ngộ. Thật là chẳng khôn ngoan khi cố tìm cách che giấu cái sự kiện rằng quả có những chỗ khó hiểu như thế. Nhiệm vụ của người khôn ngoan mà cũng là chân thành nữa, là phải thành thực trực diện với chúng và khảo xét chúng. Có nhiều điều chúng ta có thể nói về những chỗ khó hiểu như thế mà tất cả những ai nghiên cứu Thánh Kinh có suy tư cuối cùng đều phải đương đầu.
CHÚNG TA CÓ THỂ TRÔNG MONG GẶP NHỮNG CHỖ KHÓ HIỂU
Điều đầu tiên chúng ta có thể nói về những chỗ khó hiểu đó trong Thánh Kinh, là ngay ở bản tính của sự việc, những chỗ khó hiểu là điều chúng ta phải trông mong là sẽ gặp. Một số người tỏ vẻ ngạc nhiên và bối rối vì gặp những chỗ khó hiểu khó giải nghĩa trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, riêng tôi thì sẽ càng ngạc nhiên và bối rối hơn nếu mình không gặp những điều như thế.
Thánh Kinh là gì? Bộ sách ấy là một mặc khải (revelation) phần tâm trí, ý chí và cá tính của một Đức Chúa Trời vô hạn, vĩ đại, toàn tri và trọn vẹn tuyệt đối (hoàn thiện). Đức Chúa Trời chính là Tác giả của sự mặc khải ấy, nhưng mặc khải ấy được dành cho ai? Cho loài người, là những hữu thể giới hạn, những con người có cá tính bất toàn, và do đó, cũng có khả năng biện biệt bất toàn về lãnh vực thuộc linh (Spiritual). Nếu đem một người khôn ngoan nhất ra đo bằng tỷ lệ xích là cõi vĩnh hằng, thì người ấy chỉ là một em bé sơ sinh, còn người thánh khiết nhất nếu đem so với Đức Chúa Trời, thì chỉ là một đứa trẻ con về sự phát triển đạo đức. Hệ quả là ngay từ những điều kiện cần thiết nhất trong trường hợp này, thì trong một mặc khải như thế nhất thiết phải có nhiều khó khăn ngay từ nguồn gốc xuất phát đối với những con người như thế.
Khi con người giới hạn cố tìm hiểu cái vô hạn, thì bắt buộc phải gặp khó khăn. Khi kẻ dốt nát muốn suy tưởng về lời phát biểu của Đấng Quán Thông Trọn Vẹn, thì nhất định sẽ phải gặp nhiều điều khó hiểu và nhiều điều có vẻ như phi lý đối với tâm trí ấu trĩ và thiếu chính xác của người ấy. Khi loài người mà óc phê phán đạo đức liên quan đến tính cách đáng ghét của tội lỗi và tính cách đáng sợ của sự trừng phạt mà nó đòi hỏi đã bị chính tội lỗi của họ làm cho cùn nhụt, thì khi muốn lắng nghe các đòi hỏi của Đấng Thánh Khiết tuyệt đối, họ bắt buộc phải lúng túng, bối rối đối với một số đòi hỏi của Ngài, và khi suy xét về những cách đối xử của Ngài, họ bắt buộc phải choáng váng trước một số những cách đối xử ấy. Những cách đối xử đó sẽ có vẽ như quá nghiêm khắc, quá nghiệt ngã, quá thô bạo, quá khủng khiếp.
Rõ ràng là chúng ta phải gặp khó khăn trong một phần mặc khải như bộ Thánh Kinh. Nếu có ai trao cho tôi một quyển sách thật đơn giản như một bảng cửu chương và nói rằng: “Đây là Lời của Đức Chúa Trời. Trong sách này, Ngài đã mặc khải toàn bộ ý chỉ và sự khôn ngoan của Ngài”, chắc tôi sẽ lắc đầu và đáp: “Tôi không tin, nó quá dễ hiểu, nên không thể là sự mặc khải trọn vẹn của một Đấng Khôn Ngoan vô hạn”. Trong bất kỳ một mặc khải trọn vẹn nào về tâm trí, ý chỉ, cá tính cũng như sự thực hữu của Đức Chúa Trời, đều phải có những điều khó hiểu cho những người mới bắt đầu, mà người khôn ngoan tài giỏi nhất trong chúng ta đều chỉ là những người muốn bắt đầu, mới học vỡ lòng về những kiến thức thuộc linh mà thôi.
KHÓ HIỂU KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI SAI TRÁI
Điều thứ hai câu nói về những khó khăn này, là một giáo lý khó hiểu hay một phản bác nghiêm trọng đối với một giá lý không hề chứng minh được rằng giáo lý ấy là sai. Nhiều người hay suy nghĩ lại tưởng là như thế. Nếu họ gặp một khó khăn nào trên con đường tin vào nguồn gốc từ Đức Chúa Trời và tuyệt đối vô ngộ không sai chạy của Thánh Kinh, thì họ lập tức kết luận rằng giáo lý ấy là không đáng tin. Như thế là hết sức vô lý.
Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ, để học tập để biết suy tư cho hợp lý và công bằng. Rất ít có lý thuyết khoa học nào được mọi người tin tưởng hiện nay, lại chưa từng gặp một vài khó khăn quan trọng trong quá trình tiến đến chỗ được chấp nhận. Hồi thuyết của Copernicus - hiện đã được mọi người thừa nhận - mới được công bố, nó đã gặp rất nhiều khó khăn. Nếu lý thuyết ấy đúng thì Kim tinh phải có những giai đoạn xuất hiện giống như mặt trăng, nhưng chẳng hề có viễn vọng kính tốt nhất nào vào thời đó lại phát hiện được những giai đoạn xuất hiện như thế. Dù vậy, luận cứ tích cực bênh vực cho lý thuyết ấy đã rất vững chắc đến độ nó được chấp nhận bất chấp lời phản bác có vẻ như không thể nào giải đáp được ấy. Khi một viễn vọng kính “mạnh” hơn được sáng chế, người ta khám phá ra rằng dù sao thì Kim tinh càng có các giai đoạn xuất hiện của nó. Đã có một khó khăn toàn diện nảy sinh, cũng như hầu hết tất cả các khó khăn đã nảy sinh liên quan đến Thánh Kinh, do sự dốt nát của con người đối với một số các sự kiện liên quan.
Lý thuyết về tinh vân cũng được giới khoa học ngày nay thừa nhận. Tuy nhiên, hồi lý thuyết ấy mới được công bố lần đầu tiên, và một thời gian dài tiếp theo đó, các di chuyển của Thiên vương tinh đã không thể hoà giải được với thuyết ấy. Thiên vương tinh dường như di chuyển theo chiều trái ngược với những gì thuyết ấy nói về nó, nhưng các luận cứ tích cực cho thuyết ấy lại vững chắc đến độ nó vẫn được thừa nhận bất chấp việc không thể giải thích được sự chuyển động của Thiên vương tinh.
Nếu chúng ta áp dụng lương tri lương thức mà tất cả các ngành khoa học (ngoại trừ ngành phê bình Thánh Kinh, nếu đó quả thật là một khoa học) đều thừa nhận vào việc nghiên cứu Thánh Kinh, thì chúng ta phải đặt vấn đề là phần chứng cứ tích cực của một lý thuyết thì có tính cách quyết định và nó phải được một người có lý trí tin tưởng bất chấp một số khó khăn liên quan đến các chi tiết nhỏ nhặt. Kẻ chối bỏ một chân lý đã được chứng nghiệm hẳn hoi chỉ vì có một vài sự kiện có vẻ như không hể hoà giải được với chính nó, là một nhà tư tưởng nông nổi. Còn nhà học giả chối bỏ niềm tin của mình vào nguồn gốc vốn là từ Đức Chúa Trời và tính cách vô ngộ của bộ Thánh Kinh chỉ vì một số sự kiện được cho là không thể hoà giải với giáo lý ấy, cũng là một học giả hết sức nông nổi. Có nhiều tư tưởng gia nông nổi thuộc loại ấy trong thế giới thần học ngày nay.
Tác giả: R.A.Torrey
Còn Tiếp