Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 19


LỊCH SỬ THẾ GIỚI TỪ KHI ĐẤNG CHRIST THĂNG THIÊN ĐẾN          
        CUỐI THỜI ĐẠI NÀY - ẤN THỨ NHẤT ĐẾN ẤN THỨ TƯ
Trong bài này, chúng ta đến với bốn ấn đầu tiên gồm có bốn con ngựa và bốn người cưỡi (6: 1 – 8).
I. CHIÊN CON MỞ RA BÍ MẬT TRONG SỰ QUẢN TRỊ CỦA ĐỨC  
                                           CHÚA TRỜI
Khải Thị 6: 1 chép: “Tôi đã thấy khi Chiên con mở một trong bảy ấn và tôi nghe một trong bốn sinh vật nói như tiếng sấm rằng: Hãy đến!”  Việc Chiên Con mở bảy ấn xảy ra ngay sau khi Đấng Christ thăng thiên lến các tầng trời. Qua sự nhục hóa, đóng đinh và phục sinh của Ngài, Đấng Christ trong sự thăng thiên hoàn toàn xứng đáng mở ra huyền nhiệm của cuộc gia tể Đức Chúa Trời, được chứa trong bảy ấn. Vì cuộc gia tể của Đức Chúa Trời về các tạo vật được chứa trong bảy ấn nên bốn sinh vật thích thú công bố việc mở ra bốn ấn đầu tiên.

II. CUỘC ĐUA TỨ MÃ TẠO NÊN LỊCH SỬ THẾ GIỚI
Bốn ấn đầu tiên gồm có bốn con ngựa với những người cưỡi trong cuộc đua tứ mã. Cả bốn người cưỡi đều không phải là người thật mà là những điều được nhân cách hóa. Rõ ràng người cưỡi con ngựa thứ hai, tức ngựa đỏ, là chiến tranh (c. 4); người cưỡi con ngựa thứ ba, tức ngựa đen, là sự đói kém (c. 5); và người cưỡi con ngựa thứ tư, tức ngựa xanh tái, là sự chết (c. 8). Theo sự kiện lịch sử, người cưỡi con ngựa thứ nhất, tức là ngựa trắng, phải là phúc âm, chứ không phải Đấng Christ hay Anti-christ như một số người giải thích. Ngay sau khi Đấng Christ thăng thiên, bốn điều này – phúc âm, chiến tranh, đói kém và sự chết – bắt đầu chạy như những người cưỡi trên bốn con ngựa và sẽ tiếp tục chạy cho đến khi Đấng Christ trở lại. Bắt đầu từ thế kỉ thứ nhất, phúc âm được lan truyền trong suốt 20 thế kỉ. Đồng thời chiến tranh cũng diễn ra. Chiến tranh luôn luôn gây ra đói kém và đói kém cũng đem đến chết chóc. Tất cả những điều ấy sẽ tiếp tục cho đến cuối thời đại này.
A.   Người cưỡi ngựa trắng
Người cưỡi ngựa trắng là sự rao giảng phúc âm. Màu trắng chỉ về sự trong sạch, thuần khiết, công chính và được chấp thuận. Ngựa trắng là biểu hiệu về sự rao giảng phúc âm là điều trong sạch, thuần khiết, công chính và được chấp thuận đối với cả loài người lẫn Đức Chúa Trời.
Một số người nói rằng người cưỡi ngựa trắng là Đấng Christ và những người khác thì tuyên bố  rằng người cưỡi ấy là Anti-christ. Sau khi nghiên cứu kĩ, chúng tôi được biết là cả hai quan niệm ấy đều không đúng. Trong việc giải thích Kinh Thánh, chúng ta phải theo sát nguyên tắc. Nguyên tắc ở đây là người cưỡi trên bốn con ngựa không phải là những con người mà là những điều được nhân cách hóa. Người cưỡi con ngựa thứ hai là chiến tranh, người cưỡi con ngựa thứ ba là đói kém và người cưỡi con ngựa thứ tư là sự chết. Không điều nào trong những điều này là con người mà là những điều được nhân cách hóa. Theo nguyên tắc này, người cưỡi con ngựa thứ nhất cũng phải là điều được nhân cách hóa. Vì vậy, người cưỡi ngựa ấy không thể là Đấng Christ, cũng không thể là Anti-christ. Theo nguyên tắc, người cưỡi ấy cũng phải là sự nhân cách hóa. Sau khi suy xét kĩ, chúng tôi nhận thấy người cưỡi ấy phải là sự rao giảng phúc âm.

1.     Có một cái cung tượng trưng cho chiến trận đã chấm dứt
Câu 2 chép: “Tôi đã thấy, kìa có con ngựa bạch, người cỡi trên có một cái cung và được ban cho một mão miện; người đi ra vẫn đang thắng và lại để thắng nữa.” Cung tên dùng để chiến đấu. Nhưng ở đây chỉ có cung mà không có tên. Điều này cho thấy rằng mũi tên đã được bắn để tiêu diệt kẻ thù và chiến thắng đã được giành lấy để tạo nên phúc âm hòa bình. Bây giờ chiến trận đã chấm dứt và phúc âm hòa bình được công bố một cách thanh bình. Trên thập tự giá, mũi tên đã bắn trúng tim kẻ thù, trận đánh đã chấm dứt và chiến thắng đã được giành  lấy. Vì vậy, cung mà không có ên là một lời tuyên bố rằng chiến tranh đã chấm dứt và thắng lợi đã dược giành lấy.
2.     Được ban cho mão miện nói lên vinh hiển của phúc âm
Câu 2 cũng chép rằng người cưỡi “được ban cho một mão  miện.” Mão miện là dấu hiệu của vinh hiển. Phúc âm đã được đội mão miện bằng “vinh hiển của Đấng Christ” (II Cô. 4: 4, Hi văn) và được gọi là phúc âm vinh hiển của Đấng Christ. Phúc âm mà chúng ta rao giảng là phúc âm được đội mão miện bằng vinh hiển của Đấng Christ. Chúng ta không những rao giảng phúc âm ân điển mà còn rao giảng phúc âm vinh hiển.
3.     Đi ra chinh phục
Câu 2 cũng chép rằng người cưỡi ngựa trắng “đi ra vẫn đang chinh phục, lại để chinh phục nữa.” Trong suốt các thế kỉ, nơi nào phúc âm được công bố thì phúc âm đã chinh phục, đắc thắng mọi loại chống đối và công kích, và ngày nay phúc âm vẫn đang chinh phục. Chúng ta không được bảo rằng người cưỡi ngựa thứ hai, thứ ba và thứ tư đi ra chinh phục. Chỉ người cưỡi ngựa thứ nhất, tức sự rao giảng phúc âm, là liên tục chinh phục. Nơi nào phúc âm đến thì ở đó có sự chinh phục này.
B.   Người cưỡi ngựa đỏ

Câu 3 và 4 chép: “Khi mở ấn thứ nhì, tôi nghe sinh vật thứ nhì nói: Hãy đến! Liền có con ngựa đỏ khác đi ra. Kẻ ngồi trên được phép cất sự hòa bình khỏi đất, hầu cho người ta giết lẫn nhau; người cũng được ban cho một thanh gươm lớn.” Màu đỏ ở đây tượng trưng cho sự đổ máu. Cho nên ngựa đỏ là một biểu hiệuvề sự khốc liệt của chiến tranh, hoàn toàn là vấn đề đổ máu “Cất sự hòa bình khỏi đất,” “người ta giết lẫn nhau,” và “người cũng được ban cho một thanh gươm lớn,” tất cả những điểm này rõ ràng chỉ về chiến tranh. Từ khi Đấng Christ thăng thiên, theo sau sự rao giảng phúc âm là chiến tranh.

C.   Người cưỡi ngựa đen

Câu 5 và 6 chép: “Khi mở ấn thứ ba, tôi nghe sinh vật thứ ba nói: hãy đến! Tôi thấy, kìa có con ngựa đen, kẻ ngồi trên tay cầm cái cân. Tôi lại nghe ở giữa bốn sinh vật dường như có tiếng nói rằng: Một thăng lúa mì bán một quan tiền, còn dầu và rượu thì chớ làm thiệt hại đến.” Ở đây, màu đen hàm ý đến sự đói kém (Giê. 14: 1 – 4), biểu thị sắc mặt của người đói (Ca. 4: 8 – 9; 5: 9 – 10). Ngựa đen là biểu hiệu của việc lan tràn nạn đói, là điều tạo nên nét mặt đen đúa. Cân được đề cập ở đây dùng để cân những vật quý giá; nhưng nó được dùng để cân thức ăn như được đề cập trong câu 6, vì vậy cho hấy tình trạng khan hiếm lương thực (Lê. 26: 26; Êxc. 4: 16). Dầu và rượu là để làm thỏa mãn con người (Thi. 104: 15). Chúng luôn luôn thiếu và trở nên quý giá trong thời kì đói kém. Trong thời đói kém, dầu và rượu cần phải được giữ gìn và không được làm thiệt hại. Nạn đói kém luôn luôn theo sau chiến tranh vì chiến tranh làm cho thức ăn trở nên khan hiếm. Nếu ngày nay có một cuộc chiến tranh khác thì thế giới sẽ thiếu lương thực.

D.   Người cưỡi ngựa xanh tái

Câu 7 và 8 chép: “Khi mở ấn thứ tư, tôi nghe tiếng sinh vật thứ tư nói: Hãy đến! Tôi thấy kìa có con ngựa xanh tái đi ra, kẻ cỡi ngựa tên là Chết và Âm phủ theo người. Họ được uy quyền trên một phần tư đất để dùng gươm giáo, đói kém, dịch lệ và thú dữ trên đất mà giết hại.” Người cưỡi ngựa thứ tư rõ ràng được đồng nhất với sự chết. Từ được dịch là xanh tái cũng được dịch là xanh lá cây nhợt, tượng trưng cho sắc mặt của những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, ngựa xanh tái là biểu hiệu về sự giết hại của sự chết, tạo ra một vẻ mặt xanh tái. Âm phủ là nơi ở dưới đất, là nơi giữ hồn của những người chết chưa được cứu trước khi sống lại để chịu phán xét trước ngai trắng (20: 11– 15). Sau sự phán xét ấy, những người chưa được cứu sẽ bị ném vào hồ lửa cho đến đời đời. Âm phủ có thể được ví như trại tạm giam, còn hồ lửa là nhà tù vĩnh viễn. Ở đây, Âm phủ đi theo sự chết để nhận lấy những người mà sự chết giết. Sự giết chết do thú dữ được đề cập trong câu 8 là sự phán xét của Đức Chúa Trời (2 Vua. 2: 24; 17: 25; Dân. 21: 6; Xuất 23: 28; Giê. 24: 12).
Trong bốn ấn này, chúng ta thấy sự rao giảng phúc âm, chiến tranh, đói kém và sự chết. Trong 20 thế kỉ qua, bốn điều này đã biểu thị lịch sử nhân loại. Mọi sự khác xảy ra trong khoảng thời gian này có thể được bao gồm trong bốn điều ấy. Ngay sau khi Đấng Christ thăng thiên thì sự rao giảng phúc âm bắt đầu. Ngựa trắng bắt đầu chạy đua và người cưỡi ngựa này là phúc âm vinh hiển của Đấng Christ. Vào năm 70 S.C, Titus là hoàng tử La Mã cùng với quân đội của ông đã hủy phá Giê-ru-sa-lem. Từ đó, trải suốt các thế kỉ, hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác cứ nối tiếp diễn ra. Theo sau chiến tranh là đói kém và đói kém gây ra bệnh tật và chết chóc. Vì thế, lịch sử của 2.000 năm qua không gì khác hơn là rao giảng phúc âm, chiến tranh, đói kém và sự chết. Đây là cách nghiên cứu lịch sử thế giới.
Sách Khải Thị được viết ra vào cuối thế kỉ thứ nhất là một lời tiên tri về những sự sẽ đến. Nếu người cưỡi ngựa trắng là Đấng Christ hoặc Anti-christ như một số người nói thì tất cả bốn ấn này đều chỉ về tương lai. Nếu như vậy thì không có lời tiên tri nào đề cập đến 20 thế kỉ qua. Điều này nói lên rằng lời tiên tri trong sách này là không đầy đủ, vì không cho thấy gì về lịch sử trong 2.000 năm qua, tức là từ thế kỉ thứ nhất đến khi Anti-christ xuất hiện hay Đấng Christ trở lại. Theo nguyên tắc, trong lời tiên tri của sách này, không nên có một lổ hổng lớn như vậy. Do đó, dựa trên nguyên tắc ấy, bốn ấn này phải là lịch sử thế giới từ khi Đấng Christ thăng thiên đến cuối thời đại này.
Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến giáo lí; chúng ta phải quan tâm đến lịch sử và kinh nghiệm. Lịch sử là kinh nghiệm. Chúng ta phải áp dụng lời tiên tri vào lịch sử. Nếu làm như vậy, ngay lập tức chúng ta sẽ nhận thấy rằng từ khi Đấng Christ thăng thiên có một cuộc đua tứ mã là: Rao giảng phúc âm, chiến tranh, đói kém và sự chết. Ngày nay, toàn thế giới đang chuẩn bị cho chiến tranh. Ngay cả các nhà ngoại giao trong Liên Hiệp Quốc cũng đang chuẩn bị cho chiến tranh. Trong khi họ tranh chấp với nhau thì chúng ta rao giảng phúc âm, vì phúc âm là con ngựa dẫn đầu. Chẳng hạn, trong 2 thế kỉ qua, điều đầu tiên đến với Trung Quốc không phải là chiến tranh, mà là phúc âm. Theo sau việc rao giảng phúc âm là chiến tranh, là đói kém và chết chóc. Đó là tiến trình của lịch sử thế giới trong suốt 20 thế kỷ qua.
Đấng Christ đã mở ra bốn ấn và cuộc đua tứ mã đã được khải thị. Đừng cố gắng hiểu lời tiên tri của Kinh Thánh chỉ theo tâm trí. Chúng ta phải quan tâm đến kinh nghiệm. Để hiểu lời tiên tri của Kinh Thánh, chúng ta phải quan tâm đến lịch sử vì lời tiên tri là nói trước những điều sẽ xảy ra. Những gì đã xảy ra trong 20 thế kỉ qua? Bốn điều– rao giảng phúc âm, chiến tranh, đói kém và chết chóc.
Sau khi nhục hóa, Đấng Christ đã hoàn thành sự cứu chuộc qua sự đóng đinh vào trong sự phục sinh, rồi sau đó thăng thiên. Không phải lịch sử con người cho chúng ta một lời tường thuật như vậy. Nhưng đây là lịch sử thế giới đích thực. Khi nghiên cứu lịch sử, tôi khám phá ra rằng lịch sử thế giới tôi được học có một thiếu sót lớn là không có sự nhục hóa, đóng đinh, phục sinh và thăng thiên. Nếu anh em lấy đi bốn điều này khỏi lịch sử thế giới thì chúng ta có loại thế giới gì? Theo lịch sử của Đức Chúa Trời, bốn điều này rất quan trọng. Sau khi Đấng Christ thăng thiên, toàn thể tiến trình của lịch sử thế giới đã thay đổi. Đấng Christ đã viết lịch sử của nhân loại trong 20 thế kỉ qua, bằng cách mở ra cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời.
Chúng ta thấy lịch sử đúng đắn của của con người trong Lời thuần khiết. Việc ghi lại lịch sử như vậy trong Lời thực hiện cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời. Sau khi Đấng Christ thăng thiên và trước khi Ngài trở lại, có lịch sử của thế giới. Lịch sử này được tóm tắt trong một cuộc đua tứ mã. Như chúng ta đã thấy, người cưỡi con ngựa thứ nhất là việc rao giảng phúc âm. Cuộc gia tể của Đức Chúa Trời không vì điều gì khác hơn là rao giảng phúc âm là điều sẽ hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Sự rao giảng phúc âm đến từ đâu? Đến từ sự nhục hóa, đóng đinh, phục sinh và thăng thiên của Đấng Christ. Bốn điều này là cội nguồn của phúc âm. Lịch sử của 20 thế kỉ qua là vì sự rao giảng phúc âm. Đây là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Việc rao giảng phúc âm dẫn đầu trong cuộc đua tứ mã. Thế hệ của chúng ta vì điều gì? Vì sự rao giảng phúc âm. Và rao giảng phúc âm là để thực hiện cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời. Làm thế nào Hội Thánh có thể được sinh ra? Phương cách duy nhất là rao giảng phúc âm. Làm thế nào Giê-ru-sa-lem Mới có thể được hiện hữu? Chỉ qua việc rao giảng phúc âm.
Ba điều tiêu cực là chiến tranh, đói kém và sự chết giúp đẩy mạnh việc rao giảng phúc âm. Chạy một mình trên trường đua thì không nhanh bằng chạy đua cùng với những người khác. Chiến tranh, đói kém, chết chóc là những điều kinh khủng, nhưng chúng thúc đẩy rao giảng phúc âm.
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là làm cho thời đại này, tức thời đại từ khi Đấng Christ thăng thiên đến khi Ngài trở lại, trở nên thời đại rao giảng phúc âm. Mọi sự ở trên đất ngày nay đều vì sự rao giảng phúc âm. Các nhà máy, nhà in, máy bay, ra-đi-ô, ti-vi đều là vì sự rao giảng phúc âm. Đây là thời đại rao giảng phúc âm. Từ khi Đấng Christ thăng thiên, lịch sử thế giới là lịch sử rao giảng phúc âm. Ngày nay chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang rao giảng phúc âm. Và chúng ta không rao giảng một phần phúc âm mà rao giảng phúc âm hoàn toàn, trọn vẹn và đầy đủ. Anh em có nhận biết rằng phúc âm đầy đủ bao gồm nếp sống Hội thánh, vương quốc và thậm chí Giê-ru-sa-lem Mới không? Phúc âm đầy đủ bao gồm mọi sự từ sách Ma-thi-ơ đến sách Khải Thị. Trong những ngày này, chúng ta rao giảng phúc âm đầy đủ, là phúc âm gồm có Hội thánh ngày nay, vương quốc thời đại sắp đến và Giê-ru-sa-lem Mới trong cõi đời đời. Bất cứ điều gì xảy ra ngày nay, kể cả sự chống đối chúng ta, đều giúp để rao giảng phúc âm. Đây là khải tượng từ bốn ấn đầu tiên. Chúng ta không nên giống như ếch ngồi đáy giếng chỉ có một khải tượng rất hạn hẹp về bầu rời. Ngược lại, chúng ta phải có một khải tượng tổng thể để thấy ý nghĩa của bốn ấn đầu tiên. Thay vì có cái nhìn của ếch ngồi đáy giếng, chúng ta cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Người cưỡi ngựa thứ nhất không phải là Đấng Christ cũng không phải là Anti-christ mà là sự rao giảng phúc âm vinh hiển của Đấng Christ. Đây là nhân tố trọng yếu của thời đại này và ba con ngựa kia giúp con ngựa thứ nhất chạy đua. Chúng ta không ở với những người cưỡi ba con ngựa sau, mà ở với người cưỡi con ngựa đầu tiên. Chúng ta chỉ có cung mà không có tên, vì chúng ta rao giảng phúc âm hòa bình, tức phúc âm trong đó chiến thắng đã được giành lấy rồi. Ha-lê-lu-gia, sự rao giảng phúc âm vinh hiển này đang cưỡi đi khắp đất. Ngợi khen Chúa, chúng ta đang cưỡi trên con ngựa đầu tiên.
Còn nữa-