Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 20




TIẾNG KÊU LA CỦA CÁC THÁNH ĐỒ TỬ ĐẠO VÀ SỰ ĐÁP LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI - ẤN THỨ NĂM VÀ ẤN THỨ SÁU
Trong bài này, chúng ta suy xét ấn thứ năm và thứ sáu. Theo kí thuật của sách Khải Thị, bốn ấn đầu tiên không nối tiếp nhau liên tục nhưng đồng thời diễn ra. Tất cả các ấn ấy đều bắt đầu xảy ra gần như cùng một lúc và sẽ chấm dứt cùng một lúc. Điều này rất giống với cuộc đua tứ mã; bốn con ngựa bắt đầu và chấm dứt gần như cùng một lúc. Bảy ấn có thể được chia thành hai nhóm bao gồm bốn ấn đầu và ba ấn sau. Trong khi bốn ấn đầu không nối tiếp nhau liên tục còn ba ấn sau thì tiếp nhau liên tục.
Như chúng ta thấy, bốn ấn đầu tiết lộ về thời đại Tân Ước, tức thời đại rao giảng phúc âm. Sự rao giảng phúc âm sẽ diễn tiến giữa sự thăng thiên của Đấng Christ và sự trở lại của Ngài. Những điều chính yếu khác là chiến tranh, đói kém và sự chết cộng tác với nhau để đẩy mạnh việc rao giảng phúc âm. Đức Chúa Trời  có một mục đích duy nhất trong thời đại này; đó là rao giảng phúc âm để sản sinh và xây dựng Hội thánh hầu thực hiện kế hoạch đời đời của Ngài. Chúng ta cần có cái nhìn tổng quát như vậy. Nhưng những nhân vật quan trọng trên đất không có cái nhìn này. Thậm chí những vị vua và tổng thống của các nước cũng không biết họ đang làm gì. Nhưng chúng ta biết. Mọi điều các bậc cai trị ấy thực hiện cũng đều giúp cho việc rao giảng phúc âm. Đức Chúa Trời đang tể trị trong vấn đề này.

Sách Khải Thị bắt đầu với các Hội Thánh địa phương có Đấng Christ đang ở giữa và chấm dứt với Giê-ru-sa-lem Mới có Đấng Christ là trung tâm và bao quát của thành. Giữa hai đầu này của sách Khải Thị, chúng ta có thời đại Hội thánh và thời đại vương quốc. Trong thời đại Hội Thánh, tức thời đại Tân Ước, Đức Chúa Trời đang làm một điều: Ngài đang sản sinh các Hội Thánh qua việc rao giảng phúc âm trọn vẹn. Tất cả 27 sách của Tân Ước được bao gồm trong phúc âm trọn vẹn này. Mục đích của Đức Chúa Trời không chỉ là cứu một nhóm tội nhân đáng thương. Quan niệm ấy quá thấp và nhiều người có đầu óc triết lí không chịu chấp nhận như vậy. Họ cần nhận thấy rằng việc rao giảng phúc âm có mục đích cao hơn nhiều và ở trên bình diện cao nhất; đó là sản sinh các Hội thánh để cấu thành Giê-ru-sa-lem Mới. Sau thời đại Hội Thánh sẽ đến thời đại vương quốc. Trong thời đại vương quốc, Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất những gì chưa được làm trọn và chưa được hoàn hảo trong thời đại Hội Thánh. Sau thời đại vương quốc, mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn tất cách triệt để và hoàn toàn. Khi ấy sẽ có cõi đời đời với trời mới đất mới và Giê-ru-sa-lem Mới bao gồm tất cả các thánh đồ được cứu chuộc. Đây là một cái nhìn tổng quát về vũ trụ.
Như đã chỉ ra, qua bốn ấn đầu, chúng ta thấy một quang cảnh về những gì sẽ xảy ra giữa thời điểm Đấng Christ thăng thiên và thời điểm Ngài trở lại. Bốn điều đang diễn ra là: rao giảng phúc âm, chiến tranh, đói kém và sự chết. Con ngựa thứ hai, thứ ba và thứ tư thúc đẩy việc rao giảng phúc âm.  Sự kiện này cho thấy rằng trong bàn tay tể trị của Chúa chỉ có một điều trong thời đại này là rao giảng phúc âm trọn vẹn để sản sinh các Hội Thánh địa phương hầu xây dựng chổ ở đời đời của Đức Chúa Trời, tức Giê-ru-sa-lem Mới. Khi có cái nhìn tổng quát này, chúng ta mới có thể đọc sách Khải Thị và hiểu sách ấy cách đầy đủ và đúng đắn.
I. LỜI KÊU LA CỦA CÁC THÁNH ĐỒ TỬ ĐẠO - ẤN THỨ NĂM

Trước nhất, bảy ấn được chia thành 4 ấn và 3 ấn, và sau đó được chia thành 6 ấn và 1 ấn. Số 4 chỉ về tạo vật, như được tượng trưng bởi bốn sinh vật và số 6 chỉ về sự sáng tạo, vì sự sáng tạo được hoàn tất trong 6 ngày. Số 3 chỉ về Đức Chúa Trời Tam Nhất và số 1 chỉ về Đức Chúa Trời duy nhất. Vì thế 4 cộng 3 lẫn 6 cộng 1 đều cho thấy rằng qua sự phán xét của Đức Chúa Trời, bảy ấn đem sự sáng tạo của Đức Chúa Trời cùng với tất cả các tạo vật đến với Đức Chúa Trời.
Ấn thứ năm cho thấy sự tử đạo Cơ Đốc từ thế kỉ thứ nhất đến gần cuối thời đại này. (Điều này có thể bao gồm cả sự tử đạo của các thánh đồ Cựu Ước – Mat. 23; 34 – 36). Trong khi phúc âm đang được rao giảng, như được hàm ý qua ấn thứ nhất, luôn luôn có sự tử đạo của các thánh đồ trung tín.
A.   Tử đạo
Trong thời đại rao giảng phúc âm, nhiều thánh đồ đã chịu tử đạo vì lời của Đức Chúa Trời và chứng cớ của Jesus. Ê-tiên, Phi-e-rơ và hầu như tất cả các sứ đồ khác đều chịu tử đạo. Sứ đồ Giăng bị đày và Phao-lô bị tù rồi về sau chịu án tử hình. Trải qua các thế kỉ, nơi nào có rao giảng phúc âm, nơi đó có tử đạo. Hàng ngàn người trung tín với chứng cớ của Chúa đã chịu tử đạo. Theo một ý nghĩa, ngay cả anh Nee cũng đã chịu tử đạo. Hầu như tất cả những anh em đồng công trước kia của tôi đều chịu tử đạo trong 26 năm qua do ở tù cho đến khi qua đời.
Các thánh đồ tử đạo không phải vì họ chống đối bất cứ luật lệ gì của con người mà vì lời của Đức Chúa Trời và chứng cớ của Jesus. Lời của Đức Chúa Trời là tin mừng, tức phúc âm mà họ công bố cho con người. Chứng cớ của Jesus là nếp sống mà họ sống. Xã hội loài người cùng với văn hóa loài người hoàn toàn ở dưới ảnh hưởng gian ác của Sa-tan, như được nói trong 1 Giăng 5: 19: “cả thế giới đều năm trong ta ma quỷ.” Cả việc rao giảng lời của Đức Chúa Trời lẫn nếp sống làm chứng cớ của Jesus đều chống lại xu hướng của Sa-tan trong thế giới. Chắc chắn Sa-tan ghét điều này. Vì thế, khi nào và nơi nào các thánh đồ rao giảng lời Đức Chúa Trời  và sống chứng cớ của Jesus thì Sa-tan xúi giục người ta bắt bớ họ, thậm chí cho đến chết. Đây là một trận chiến, không phải giữa con người và các thánh đồ nhưng giữa Sa-tan và Đức Chúa Trời. Sẽ đến một thời điểm Đức Chúa Trời báo thù cho các thánh đồ bằng cách thi hành sự phán xét công chính của Ngài trên đất là nơi đang ở dưới ảnh hưởng gian ác của Sa-tan.
                                       B. Tiếng kêu la
Nói về “hồn của kẻ chịu giết vì Lời Đức Chúa Trời và vì lời chứng của họ,” Khải thị chép: “Họ đều kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chủ tể, là Đấng Thánh và chân thật, Ngài không xét đoán và chẳng thân oan huyết chúng tôi nơi những kẻ ở trên đất cho đến chứng nào?” Trong 6: 9, chúng ta thấy những hồn ở dưới bàn thờ. Điều này chỉ về các sinh tế bị giết trên bàn thờ. Khi một sinh tế bị giết trên bàn thờ, huyết của sinh tế ấy chảy xuống phần cuối của bàn thờ. Hồn của xác thịt ở trong huyết (Lê. 17: 11). Sự kiện hồn của các thánh đồ tử đạo ở dưới bàn thờ cho thấy rằng theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả họ đều đã được dâng lên cho Đức Chúa Trời làm sinh tế trên bàn thờ và huyết của họ, tức sự sống của họ, được đổ ra tại đó. Bây giờ, vị trí của họ là ở dưới bàn thờ. Theo hình bóng, bàn thờ nằm ở sân ngoài của nhà trại và đền thờ; và sân ngoài chỉ về trái đất. Vì thế, “ở dưới bàn thờ” là ở dưới đất, nơi hồn của các thánh đồ tử đạo đang ở. Đó là Pa-ra-đi, nơi Chúa Jesus đến sau khi Ngài chết (Lu. 23: 43). Nơi đó ở trong lòng đất (Mat. 12: 40) và là phần dễ chịu của âm phủ, nơi Áp-ra-ham đang ở (Công. 2: 27; Lu.16: 22 – 26).
Ngày nay, các thánh đồ tử đạo đang ở trong Pa-ra-đi dưới bàn thờ, tức là dưới đất. Nói rằng các thánh đồ ấy đang ở trên trời là hoàn toàn sai. Bản gốc Kinh Thánh tham khảo của Scofield có một lời ghi chú về Lu-ca 16: 23 rằng Pa-ra-đi vốn ở bên dưới đất trước khi Chúa Jesus phục sinh, nhưng bởi và với sự phục sinh của Đấng Christ, Pa-ra-đi đã được chuyển từ dưới đất lên tầng trời thứ ba. Tuy nhiên vào ngày Ngũ tuần, tức 50 ngày sau khi Chúa sống lại, Phi-e-rơ nói: “Đa-vít chẳng từng thăng thiên (Công. 2: 34). Thậm chí vào ngày Ngũ tuần, Đa-vít vẫn chưa ở trên trời. Trong một quyển sách của G.H Lang, Trái đầu mùa và mùa gặt, trang 54, vị cố giáo sư trong Hội Anh Em Tây Phương này nói rằng: “Kinh văn không có chổ nào tuyên bố rằng: sau khi Đấng Christ thăng thiên, Pa-ra-đi được chuyển từ dưới đất lên từng trời thứ ba ‘nhưng hoàn toàn chống lại quan điểm ấy.” Ông cũng dẫn chứng câu trong Công vụ các Sứ đồ chương 12 là chổ Phi-e-rơ nói Đa-vít không ở trên trời. Tôi đề cập đến điểm này để chúng ta có thể thấy rằng tất cả các thánh đồ tử đạo vẫn còn ở trong Pa-ra-đi dưới bàn thờ.
Nhiều Cơ đốc nhân không biết Pa-ra-đi ở trong âm phủ (Hades). Bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Pa-ra-đi ở trong âm phủ là lời Chúa nói với tên trộm được cứu trong Lu-ca 23: 43: “Thật vậy, Ta nói với anh, hôm nay anh sẽ ở với Ta trong Pa-ra-đi.” Công vụ các Sứ đồ 2: 27 và 31 bày tỏ rằng sau khi chết, Chúa Jesus đã đến âm phủ. Ma-thi-ơ 12: 40  hàm ý rằng âm phủ ở trong “lòng đất” nơi Chúa Jesus đã đến suốt 3 ngày 3 đêm sau khi Ngài chết. Trong Âm phủ có phần dễ chịu được ví như lòng Áp-ra-ham là nơi La-xa-rơ đã đến (Lu. 16: 23). Đây không phải là Pa-ra-đi trên các tầng trời mà là Pa-ra-đi trong âm phủ. Một số người dùng 2 Cô-rin-tô 12: 2 – 4 để tranh luận rằng khi Phao-lô được “đem đến Pa-ra-đi” thì ông được “đem đi đến tầng trời thứ ba.” Nhưng 2 Cô-rin-tô 12: 2 – 4 không chứng minh Pa-ra-đi ở trên tầng trời thứ ba; thay vào đó, phân đoạn Kinh Thánh này chứng minh ngược lại. Từ ở đầu câu 3 chứng minh rằng việc Phao-lô được “đem đi đến tầng trời thứ ba” và việc ông được “đem đi đến Pa-ra-đi” được đề cập trong câu 3 và 4 là hai điều khác nhau. Từ Hi lạp được dịch là đem lên trong câu 2 và 4 (KJV) cũng có thể được dịch là đem đi. Một mặt, Phao-lô sống ở trên đất nhưng mặt khác, ông được “đem đi” đến các tầng trời và vào trong “Pa-ra-đi.” Nhờ vậy, Phao-lô đã nhận được một khải tượng đầy đủ về toàn thể vũ trụ. Đối với nhân loại, vũ trụ có ba phần: các tầng trời, trái đất và dưới trái đất (đc. Phil. 2: 10). Phao-lô đã đến chỗ nhận biết những điều ở dưới đất, trên trời và trong Pa-ra-đi. Ông đã có khải thị lớn nhất về vũ trụ liên quan đến con người.
Khi các thánh đồ được cứu qua đời, tất cả họ trở nên trơ trụi, không còn thân thể nữa. Con người không có thân thể có nghĩa là con người trơ trụi, không ở trong tình trạng bình thường. Không ai có thể ở trong hiện diện của Đức Chúa Trời trên tầng trời thứ ba trong tình trạng trơ trụi, bất thường như vậy. Cho nên, các thánh đồ đã chết phải được giữ lại tại một nơi thoải mái cho đến khi họ sống lại, tức là khi Đức Chúa Trời sẽ mặc cho họ bằng một thân thể phục sinh và họ sẽ là một người trọn vẹn trong tình trạng bình thường.
Một số người có thể thắc mắc về Phi-líp 1: 23, là chỗ Phao-lô nói rằng ông “muốn lìa đời để ở với Christ.” Dường như Phao-lô muốn nói: “Nếu tôi chết, tôi sẽ ở với Christ.” Ở với Christ không phải là một vấn đề tuyết đối mà là vấn đề tương đối. Thậm chí ngay bây giờ, chúng ta cũng đang ở với Christ. Tất nhiên đang khi ở trong thân thể vật lí này, chúng ta không gần gũi với Christ như khi chúng ta chết ra khỏi thế giới này mà vào trong một lĩnh vực khác. Nhưng điều này không có nghĩa là khi tín đồ chết thì họ được cất lên các tầng trời. Điều đó sẽ không xảy ra cho đến ngày phục sinh và cất lên.
Những người khác có thể dùng 1 Tê-sa-lô-ni-ca chương 4 để tranh luận rằng các thánh đồ đã chết sẽ ở với Đấng Christ trên trời. Họ nói rằng khi Đấng Christ trở lại, Ngài sẽ đem các tín đồ đã chết theo với Ngài và sự kiện ấy chứng minh rằng bây giờ họ phải ở với Ngài trên trời. Nhưng xin đọc kĩ chương này. Chương này nói rằng “những kẻ chết trong Christ sẽ sống lại trước,” và những người “sống mà còn ở lại, đều sẽ cùng họ được cất lên đám mây” (1 Tê. 4: 16 – 17). Theo 1 Tê-sa-lô-ni-ca chương 4, các thánh đồ đã chết sẽ được làm cho sống lại và họ cùng với những người còn sống sẽ được cất lên không trung để gặp Đấng Christ. Chúng ta cần đọc kĩ Kinh Thánh và đừng theo sự dạy đỗ nông cạn truyền thống ngày nay. Chúng ta phải thấy rõ rằng các thánh đồ được cứu không đang ở trên các tầng trời nhưng đang ở nơi dễ chịu mà Kinh Thánh gọi là Pa-ra-đi, là nơi Chúa Jesus từng thăm viếng sau khi Ngài chết.
Sau khi chờ đợi suốt một thời gian dài, gần cuối thời đại này, các thánh đồ tử đạo kêu la về sự báo thù, thúc giục Chúa phán xét và báo thù cho huyết của họ “nơi những kẻ ở trên đất.”
                                         C. Được Chúa chấp thuận
Câu 11 chép: “Mỗi người trong họ đều được ban cho một áo dài trắng và có lời phán rằng phải nghỉ ngơi ít lâu nữa, cho đến chừng bạn đồng bộc và anh em của họ, mà cũng phải bị giết như họ, được đủ số đã.” Áo dài trắng ở đây nói lên rằng sự tử đạo của họ đã được Đức Chúa Trời chấp thuận. Những người “cũng phải bị giết” chỉ về những người sẽ chịu tử đạo trong đại nạn (20: 4).
Theo cụm từ “phải nghỉ ngơi ít lâu nữa, cho đến chừng... được đủ số đã” thì lời kêu la của các thánh đồ tử đạo ắt diễn ra vào gần cuối đại nạn này. Chúng ta vẫn ở trong bốn ấn đầu. Ấn thứ năm chưa đến. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta ở gần thời điểm của ấn thứ năm.
                    II. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI - ẤN THỨ SÁU
A.   Bắt đầu có những tai họa siêu nhiên

Ấn thứ sáu (6: 12 – 17) đáng dấu sự khởi đầu của các tai họa siêu nhiên là lời đáp của Đức Chúa Trời đối với lời kêu la của các thánh đồ tử đạo trong ấn thứ năm. Sau khi mở ấn thứ sáu ra thì Chúa đến làm rúng động trái đất và cơ binh trên trời. Trái đất sẽ rúng động dữ dội, mặt trời sẽ trở nên đen như vải bằng lông, mặt trăng sẽ trở nên như huyết, các vì sao trên trời sẽ sa xuống đất như cây vả bị cơn gió lớn rung đổ trái non xuống, trời bị dời đi như cuộn sách cuốn lại và mọi núi và đảo đều bị dời khỏi chỗ nó (6: 12 – 14). Rúng động lớn này sẽ là lời cảnh báo cho cư dân ở trên đất. Điều đó sẽ cảnh báo họ để họ ăn năn quay về với Đức Chúa Trời. Dường như Đức Chúa Trời phán với họ rằng: “Các ngươi là cư dân trên đất chỉ sống cho chính mình. Các ngươi không quan tâm đến Ta. Bây giờ là lúc Ta làm rúng động trái đất để cảnh báo các ngươi.” Trong khi một số người phạm thượng nói rằng họ là Đức Chúa Trời thì Chúa sẽ làm rúng động trời đất để nhắc nhở họ Ngài mới là Đức Chúa Trời. Điều đó sẽ là một sự rúng động kinh khủng biết bao! Trái đất, mặt trời, mặt trăng và những vì sao sẽ bị ảnh hưởng.

B.   Phản ứng của các cư dân trên đất
Trong các câu từ 15 đến 17, chúng ta thấy phản ứng của các cư dân trên đất. Họ sẽ nấp trong hang và hốc đá trên núi, và nài xin núi và đá che họ khỏi mặt Đức Chúa Trời và cơn thịnh nộ của chiên con. Câu 15 cho thấy cảm nhận của lương tâm họ vì họ sợ sự phán xét của đang đến của Đức Chúa Trời, cho rằng ngày trọng đại về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và Chiên con đã đến. Tuy nhiên ấn thứ sáu chưa phải là lời tuyên bố của Đức Chúa Trời về sự phán xét sắp đến của Ngài mà là một lời cảnh báo các cư dân trên đất. Các vua, các vĩ nhân, người giàu và các nhà quý tộc trên đất đều sẽ bàng hoàng trước trận động đất ấy và nghĩ rằng ngày thịnh nộ của Đức Chúa Trời và Chiên con đã đến. Thật ra đó chưa phải là ngày thịnh nộ mà chỉ là tiền vị và lời cảnh báo để họ ăn năn. Trong lời cảnh báo ấy, dường như Đức Chúa Trời phán rằng: “Hãy trở về cùng Ta. Đừng nói rằng các ngươi là Đức Chúa Trời. Các ngươi là cư dân đáng thương ở trên đất vốn được Ta dựng nên. Ta đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các vì sao để các ngươi sống. Nhưng các ngươi đã quên lãng, chống đối và báng bổ Ta. Bây giờ là lúc các ngươi được cảnh cáo để ăn năn.”
C.   Ý nghĩa của tai họa này

Ý nghĩa của tai họa này là cảnh báo cư dân ở trên đất. Đây chưa thực sự là cơn thịnh nộ của Chúa. Đây là lời đáp của Đức Chúa Trời cho lời kêu la của các thánh đồ tử đạo trong ấn thứ năm và cho thấy rằng Đức Chúa Trời sắp đến để báo thù cho họ và biện minh cho chính Ngài. Đức Chúa Trời đang đến để báo thù cho huyết các thánh đồ yêu dấu của Ngài.

              III. LỜI CẢNH BÁO TRƯỚC NGÀY CỦA CHÚA

Là lời mở đầu cho đại nạn, ấn thứ sáu là lời cảnh báo trước ngày của Chúa. Theo Giô-ên 2: 30 – 31, giữa ấn thứ sáu và năm tiếng kèn đầu (8: 6 – 11) sẽ không có khác biệt nhiều về thời gian. Theo Giô-ên 2: 30 – 31, trước hết có huyết của tiếng kèn thứ nhất và thứ hai, lửa của tiếng kèn thứ nhất, thứ hai và thứ ba (8: 7 – 10) và khói của tiếng kèn thứ năm (9: 1 – 3), rồi sau đó có mặt trời và mặt trăng của ấn thứ sáu. Chương 9: 4 được sánh với 7: 3 hàm ý rằng tiếng kèn thứ năm rất gần với ấn thứ sáu.
Sẽ có hai tai họa trong việc làm rúng động và thay đổi trái đất cùng vô số cơ binh trên trời. Tai họa thứ nhất sẽ xảy ra trước ngày của Chúa, tức là trước đại nạn (G-ên 3: 11 – 16; 2: 30 – 31; Lu. 21: 11). Và tai họa thứ hai sẽ xảy ra sau ngày của Chúa, tức là sau đại nạn (Mat. 24: 29 – 30; Lu. 21: 25 – 26). Những gì được đề cập trong ấn thứ sáu là tai họa thứ nhất. Điều này không những được xem là lời cảnh báo mà còn có thể được xem là sự mở đầu cho đại nạn sắp đến. Theo sau ấn thứ sáu, tức là vào lúc ấn thứ bảy được mở, có bốn tiếng kèn đầu là dấu chỉ cho thấy đại nạn đang đến (8: 1 – 2, 6 – 13). Sau đó, đại nạn sẽ được thực hiện trong 3 tiếng kèn chót (9: 1 – 21; 11: 14 – 19).
Còn--
-