Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 21




  
ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO TOÀN DÂN NGÀI

Trong sách Khải Thị có nhiều chỗ là phần xen vào và chương 7 là phần xen vào đầu tiên. Chương này không tiếp theo chương 6. Đây là phần xen vào giữa ấn thứ sáu và thứ bảy, cho thấy thể nào Đức Chúa Trời quan tâm đến dân Ngài trong khi Ngài sắp thi hành sự phán xét của Ngài trên đất. Chương 8 tiếp theo chương 6. Đến cuối chương 6, chúng ta có ấn thứ sáu và đầu chương 8 chúng ta có ấn thứ bảy. Việc tháo ấn thứ bảy sẽ đem đến bảy tiếng kèn mà ba tiếng kèn sau cùng cấu thành đại nạn (8: 1 – 2). Nhưng trước khi điều đó xảy ra, Đức Chúa Trời sẽ đóng ấn những người Israel mà Ngài có ý định bảo toàn (7: 3).

Đức Chúa Trời sẽ bảo toàn dân của Ngài – dân Israel và các thánh đồ được chuộc. Tại sao lại có phần xen vào về việc Đức Chúa Trời bảo toàn dân Ngài ở đây? Lí do là vì trong ấn thứ sáu, chúng ta thấy lời cảnh báo về hoạn nạn sắp đến. Như chúng ta đã thấy, ấn thứ năm là tiếng kêu la của các thánh đồ tử đạo để được báo thù và ấn thứ sáu là Đức Chúa Trời trả lời tiếng kêu la ấy, cũng là lời cảnh báo cư dân trên đất về hoạn nạn sắp đến. Từ khi Đấng Christ thăng thiên, có rất nhiều trận động đất và những tai họa khác. Tất cả những điều đó đều là các thiên tai. Tuy nhiên, khi ấn thứ sáu bắt đầu được mở, các tai họa sẽ không còn mang tính thiên tai nữa mà sẽ có tính chất siêu nhiên. Cả thiên tai lẫn tai họa siêu nhiên đều là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời trên trái đất. Trái đất phản loạn này đáng bị Đức Chúa Trời trừng phạt và bàn tay trừng phạt của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cất khỏi nó. Ở chừng mực nào đó, Đức Chúa Trời trừng phạt trái đất vì mục đích của Ngài. Từ khi Đấng Christ thăng thiên đến nay, Đức Chúa Trời đã và đang trừng phạt trái đất.
Một phương diện trong sự trừng phạt của Đức Chúa Trời được thấy trong việc Titus và quân đội của ông hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Sự hủy diệt ấy được Chúa Jesus nói tiên tri trong Ma-thi-ơ 24: 2; khi đang đề cập đến đền thờ, Chúa phán với các môn đồ rằng: “Các anh không thấy tất cả những điều này sao? Thật vậy, ta nói với các anh, nơi đây hẳn sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào mà không bị ném xuống.” Giê-ru-sa-lem đã bị Titus hủy diệt vì hai lí do: vì tôn giáo Do Thái phản loạn chống lại cuộc gia tể của Đức Chúa Trời và vì tôn giáo ấy là một ảnh hưởng tiêu cực đối với Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Trong Công vụ các Sứ đồ chương 21, chúng ta thấy tôn giáo Do Thái cũ kĩ ảnh hưởng đến Hội thánh là như thế nào. Đến năm 70 S.C, Chúa không còn chịu được sự phản loạn của tôn giáo Do Thái và ảnh hưởng của nó đối với Hội thánh nữa nên Ngài đã sai quân đội La Mã đến để hủy diệt Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Sự hủy diệt ấy là một sự trừng phạt khủng khiếp kèm theo đói kém, dịch bệnh và chết chóc. Sau đó, trải qua các thế kỉ, các thiên tai vẫn được Đức Chúa Trời dùng để trừng phạt trái đất cho đến ấn thứ sáu.
Vào thời điểm ấn thứ sáu, các tai họa sẽ được đổi từ thiên nhiên sang siêu nhiên. Trái đất sẽ bị rúng động, mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao sẽ bị hư hại. Các tai họa ấy sẽ mở đầu cho ấn thứ bảy. Khi ấn thứ bảy được thi hành thì tình hình sẽ thật kinh khủng mà không ai có thể chịu nổi. Không lâu sau khi mở ấn thứ bảy, tiếng kèn thứ nhất sẽ được thổi lên và “phần thứ ba của đất” sẽ bị cháy trụi (8: 7). Đến tiếng kèn thứ hai, “phần thứ ba của biển” sẽ biến ra huyết (8: 8). Đến tiếng kèn thứ ba, một ngôi sao lớn sa xuống “rơi nhằm phần thứ ba của các sông và các suối nước” và “phần thứ ba của nước” trở nên ngải cứu (8: 10 – 11). Đến tiếng kèn thứ tư, “phần thứ ba của mặt trời, phần thứ ba của mặt trăng và phần thứ ba của các ngôi sao” sẽ bị đập “hầu cho phần thứ ba các vì sáng ấy đều bị tối tăm” (8: 12). Đức Chúa Trời đã tạo ra trái đất để con người sống. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều giúp cho việc duy trì sự sống trên đất. Nhưng vì cư dân trên đất quá ngang ngạnh với Ngài suốt các thế kỉ, nên sẽ đến thời điểm Đức Chúa Trời không thể chịu đựng được nữa. Ngài sẽ đến phán xét đất, biển, sông, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Trái đất là vì sự hiện hữu của con người và mọi hình thức sống trên đất đều vì lợi ích của con người. Các động vật, thực vật và khoáng sản đều vì sự hiện hữu của nhân loại. Những điều này không phải ngẫu nhiên mà có nhưng đã được Đức Chúa Trời hoạch định và tạo dựng. Chẳng hạn, trên mặt trăng không có không khí nhưng trên trái đất lại có. Bao quanh địa cầu có một lớp không khí mà Kinh Thánh gọi là khoảng không (bầu khí quyển) Sáng 1: 7). Trái đất là hành tinh có bầu khí quyển. Đức Chúa Trời đã tạo dựng trái đất như vậy để nó có thể duy trì sự sống con người. Không khí, ánh sáng mặt trời và nước đều cần thiết cho sự hiện hữu của con người. Nhưng sau khi Đức Chúa Trời phán xét đất và trời thì đất không còn là nơi thích hợp để con người sống nữa.
Trong Ma-thi-ơ 24: 6 và 7, Chúa nói tiên tri về hai loại chiến tranh sắp đến – chiến tranh giữa dân này và dân kia và chiến tranh giữa nước này với nước kia, tức là nội chiến và thế chiến. Sau khi Đấng Christ thăng thiên, các cuộc chiến tranh ấy bắt đầu diễn ra. Chúa cũng nói tiên tri trong Ma-thi-ơ chương 24 rằng: “nhiều nơi sẽ có … động đất” (c. 7). Một bài báo gần đây cho biết mỗi năm có khoảng 5, 6 ngàn trận động đất với cường độ từ 2 đến 8 độ Richter. Đó là ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa. Trong lời tiên tri của Ngài, dường như Chúa muốn nói rằng: “Đừng sống trên đất này một cách tự mãn như vậy mà không quan tâm đến mục đích Đức Chúa Trời. Các ngươi phải nhận biết rằng Đức Chúa Trời có một mục đích trên đất này và các ngươi phải quay về với Ngài để hoàn thành mục đích của Ngài.” Đức Chúa Trời sẽ cứ liên tục cảnh báo người ta bằng những cuộc chiến tranh và những trận động đất cho đến thời điểm của ấn thứ năm là khi linh hồn của những người tử đạo không còn chịu nổi tình trạng ấy nữa. Khi ấy, các thánh đồ tử đạo sẽ kêu lên rằng: “Lạy Chủ Tể, là Đấng Thánh và chân thật, Ngài không xét đoán và chẳng thân oan huyết chúng tôi nơi những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào?” (6: 10). Sự đáp lời của Đức Chúa Trời rơi vào ấn thứ sáu là khi trái đất bị rúng động và các cơ binh trên trời bị đánh đập để làm sự mở đầu và cảnh báo về hoạn nạn sắp đến. Ấn thứ sáu và bốn tiếng kèn đầu có liên quan gần gũi với nhau về thời gian.
Đến đây, chúng ta cần xem xét chương 2 của Giô-ên. Giô-ên chương 2 chép rằng trước ngày của Chúa sẽ có những điều nào đó xảy ra. Nếu đọc lời tiên tri trong Tân Ước chung với các lời tiên tri trong Cựu Ước, anh em sẽ nhận thấy rằng sẽ có một thời kì được gọi là ngày của Chúa. Ngày ấy là đại nạn. Ngày của Chúa có nghĩa là ngày thạnh nộ của Chúa, là ngày Ngài đến can thiệp vào thế giới bằng những tai họa siêu nhiên. Ngày của Chúa sẽ thật kinh khủng. Một số tiên tri thời Cựu Ước đề cập đến ngày của Chúa và tất cả họ đều cho biết ngày ấy sẽ là một ngày khủng khiếp (G-ên. 1: 15; 2: 1, 11, 31; 3: 14; Xa. 14: 1; Mal. 4: 5). Ấn thứ sáu sẽ ở vào thời điểm trước ngày của Chúa, có nghĩa là trước đại nạn. Đại nạn sẽ bắt đầu vào lúc thổi tiếng tiếng kèn thứ năm. Bốn tiếng kèn đầu là mở đầu cho đại nạn. Điều này cũng tương tự như khởi động xe hơi. Trước hết, bộ phận đánh lửa được bật lên, buồng máy khởi động, rồi chiếc xe sẽ chạy. Cũng vậy, sau lời cảnh báo của ấn thứ sáu, bốn tiến kèn đầu sẽ mở đầu cho đại nạn. Nhưng như xe hơi được khởi động mà chưa lăn bánh thì bốn tiếng kèn cũng là phần chuẩn bị cho đại nạn. Tuy nhiên, ngay cả các tiếng kèn ấy cũng sẽ gây ra đau khổ ghê gớm. Tổn hại gây ra cho đất, nước và các vì sao trên trời sẽ nghiêm trọng hơn tổn hại gây ra do cơn động đất của ấn thứ sáu. Từ thời điểm của ấn thứ sáu trở đi, trên đất sẽ không còn gì tốt dành cho con người.
Tân Ước cho thấy rằng những người đắc thắng sớm như người con trai và trái đầu mùa sẽ được cất lên khỏi đất không lâu trước ấn thứ sáu. Tuy nhiên, chúng ta không thể tính thời điểm chính xác. Nhưng theo sách Khải Thị, sách Ma-thi-ơ và các phần Lời khác, chúng ta có thể nói rằng sự cất lên đầu tiên, tức sự cất lên của người con trai và trái đầu mùa, sẽ xảy ra trước ấn thứ sáu. Xin nhớ rằng Chúa đã hứa với sứ giả Hội thánh tại Phi-la-đen-phi là giữ họ khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên khắp thiên hạ (3: 10). Những người yêu Chúa và những người tìm kiếm Chúa sẽ được cất lên trước ấn thứ sáu. Ngay sau khi mở ấn thứ sáu ra, chúng ta có chương 7 là phần xen vào khải thị rằng trước đại nạn, Đức Chúa Trời sẽ thực hiện hai điều để bảo toàn dân Ngài: Ngài sẽ đóng ấn dân sót Israel được chọn và Ngài sẽ bắt đầu cất những người được cứu chuộc của Hội thánh lên.
                 
                     I. ĐÓNG ẤN DÂN SÓT ISRAEL ĐƯỢC CHỌN

Khải Thị 7: 1 chép: “Sau đó, tôi thấy bốn thiên sứ đứng ở bốn góc đất, cầm bốn hướng gió của đất lại, hầu cho không có gió nào thổi trên đất, hoặc trên biển, hoặc trên cây nào.” Đây là phần xen vào giữa ấn thứ sáu và ấn thứ bảy, cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến dân Ngài ra sao trong khi Ngài sắp thi hành sự phán xét của Ngài trên đất. Gió ở đây dành cho sự phán xét của Đức Chúa Trời (G-na. 1: 4; Ês. 11: 15; Giê. 22: 22; 49: 36; 51: 1). Câu tiếp theo chép: “Tôi lại thấy một thiên sứ khác từ phía mặt trời mọc mà lên, cầm ấn của Đức Chúa Trời hằng sống. Người cất tiếng kêu lớn với bốn thiên sứ đã được phép làm thiệt hại đất cùng biển.” “Một thiên sứ khác” ở đây chỉ về Đấng Christ, cũng như trong 8: ; 10: 1 và 18: 1. Trong Cựu Ước , Đấng Christ được gọi là “Thiên sứ của Chúa,” tức chính Đức Chúa Trời (Sáng. 22: 11 – 12; Xuất 3: 2 – 6; Quan. 6: 11 – 24; Xa. 1: 11 – 12; 2: 8 – 11; 3: 1 – 7). Ở đây, trong Tân Ước, Ngài được gọi là Thiên sứ.
Dù tôi yêu quý dân Israel nhưng tôi cảm thấy buồn cho họ vì theo lời tiên tri và tình trạng hiện tại của họ, họ đã trở về miền đất của cha ông mình trong tình trạng vô tín. Họ vẫn bám lấy tôn giáo cũ kĩ của họ và không tin Đức Chúa Trời theo cuộc gia tể Tân Ước của Ngài. Họ thật ra đang nổi loạn chống lại Ngài. Khi Chúa Jesus đến, Đức Chúa Trời đã thay đổi thời đại giữ kinh luật sang thời đại tin vào Chúa Jesus. Nhưng người Do Thái đã không chấp nhận sự thay đổi này và không chịu chuyển từ việc giữ kinh luật sang tin Chúa Jesus. Làm như vậy là họ phản loạn, ương ngạnh và không vâng phục. Đức Chúa Trời đã chịu đựng họ suốt các thế kỉ và theo quyền tể trị của Ngài, họ đã trở về và một lần nữa được phục hồi thành một quốc gia, nhưng họ vẫn ở trong tình trạng vô tín. Họ không tin Chúa Jesus. Theo một nguồn đáng tin đáng tin cậy mà tôi đã nhận được thì chính quyền Israel đang làm đủ mọi cách để loại trừ bất cứ hình thức hoạt động Cơ đốc nào. Họ không muốn bất cứ giáo sĩ Cơ đốc nào thực hiện công tác truyền giáo. Những lời tiên tri về dân Israel cho thấy rằng họ ở trong tình trạng vô tín cho đến ngày cuối cùng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có quyền tể trị và Ngài sẽ luôn luôn chăm sóc quốc gia Israel, không phải vì chính họ mà vì cuộc gia tểcủa Ngài. Ngài biết rằng giữa vòng những người Do Thái vô tín có một số người trung tín và trước khi Ngài thực sự phán xét trái đất bằng các tai họa siêu nhiên, Ngài sẽ đóng ấn họ.

A.   Trước bốn tiếng kèn

Tiếng kèn đầu là gây hại cho đất và cây cối (8; 7); tiếng kèn thứ hai là gây hại cho biển (8: 8 – 9), tiếng kèn thứ ba là gây hại cho sông (8: 10 – 11) và tiếng kèn thứ tư là gây hại cho các cơ binh trên trời (8: 12). Trước khi thi hành bốn kèn đầu, Đức Chúa Trời sẽ đóng ấn dân Israel được tuyển chọn của Ngài để bảo toàn họ khỏi các tai họa siêu nhiên được thực hiện bởi các tiếng kèn ấy.
                      B. Được bảo toàn đặc biệt khỏi sự thống khổ từ tiếng kèn thứ năm
              Bốn tiếng kèn đầu chỉ gây hại cho đất, biển, sông và các vì sao trên trời. Tiếng kèn thứ năm sẽ trực tiếp gây đau khổ cho loài người. Đức Chúa Trời đóng ấn người Israel được chọn của Ngài đặc biệt là để bảo toàn họ khỏi sự thống khổ từ tiếng kèn thứ năm (9: 4).
C. Trong mười hai chi phái, mỗi chi phái có 12.000 người được đóng ấn
Trong 7: 4 – 8, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ đóng ấn 144.000 người, “từ trong các chi phái của con cái Israel,” đóng ấn 12.000 người từ mỗi chi phái trong 12 chi phái. Đây là những người Israel giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời trong suốt đại nạn (12: 17; 14: 12). Tổng cộng có 144.000 người Israel trung tín được đóng ấn trên trán. Tôi không biết dấu ấn ấy sẽ như thế nào, nhưng các thiên sứ được sai đến phán xét đất sẽ nhận ra dấu đó. Đây là cách Đức Chúa Trời bảo toàn những người Israel được chọn của Ngài trong khi thi hành sự phán xét của Ngài trên đất.
                   D. Giô-sép được phần hưởng gấp đôi
Trong câu 6 và 8, chúng ta thấy Giô-sép được phần hưởng gấp đôi (đc. 1 Sử. 5: 1 – 2; Êxc. 48: 4 – 5). Vì Ma-na-se, một trong hai người con của Giô-sép (Sáng. 48: 5) và Giô-sép (c. 8) đại diện cho hai chi phái nên Giô-sép vẫn có gấp đôi phần hưởng của quyền thừa kế (1 Sử 5: 1 – 2) trong suốt thiên hi niên (Êxc. 48: 4 – 5).
Ru-bên là con trưởng của Israel nhưng đã mất quyền thừa kế do phạm tội và Giu-đa đã vượt lên trên các anh em của mình (1 Sử 5: 1 – 2). Vì vậy, ở đây chi phái  Giu-đa được đề cập trước tiên.
A.   Đan bị loại

Trong Khải thị chương 7, Đan bị loại. Trong kí thuật ở đây cũng như trong 1 Sử Kí chương 2 đến chương 9, chi phái Đan bị loại
 Vì họ thờ hình tượng (Quan. 18: 30 – 31; 1 Vua. 12: 29 – 30; 2 Vua. 10: 29; đc. Sáng 49: 17). Tuy nhiên, Đan vẫn được tính đến trong thiên hi niên (Êxc. 48: 1) vì lời chúc phước của Gia-cốp ở trên ông, Đan có thể vẫn là một trong các chi phái nhờ sự cứu rỗi của Chúa (Sáng. 49: 16 – 18).
II. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHUỘC CỦA HỘI THÁNH ĐƯỢC CẤT LÊN
   Ngoài dân sót Israel được chọn, Đức Chúa Trời còn có một dân khác là các thánh đồ được chuộc của Hội thánh (7: 9 – 17). Trong phần xen vào này, chúng ta thấy một khải tượng bày tỏ thể nào Đức Chúa Trời bảo toàn các thánh đồ được chuộc của Ngài qua mọi hoạn nạn. Cách Đức Chúa Trời bảo toàn dân sót được chọn của con cái Israel là đóng ấn họ và để họ lại trên đất. Trong khi dân Israel là dân thuộc đất của Đức Chúa Trời thì Cơ đốc nhân là dân thuộc trời của Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Áp-ra-ham dân đông như sao trên trời và như cát bãi biển (Sáng. 22: 17). Dân thuộc trời, tức Cơ đốc nhân, là những vì sao, còn dân thuộc đất, tức Israel, là cát biển. Để bảo toàn dân thuộc đất của Ngài, Đức Chúa Trời đóng ấn họ và giữ họ lại trên đất. Ngài sẽ không cất họ từ đất lên các tầng trời. Tuy nhiên, cách Đức Chúa Trời bảo toàn những thánh đồ được cứu chuộc của Ngài không phải là giữ họ trên đất mà đem họ đi bằng cách cất lên. Sự cất lên không phải diễn ra chỉ một lần hay chỉ có một loại. Ít nhất sẽ có hai hay ba loại cất lên. Cuối cùng, tất cả các thánh đồ được chuộc của hội thánh sẽ được cất từ đất lên trời. Phần xen vào trong khải tượng này về Hội thánh cho chúng ta một cái nhìn bao quát từ thời điểm cất lên cho đến cõi đời đời. Nói cách khác, Khải Thi chương 7 kết thúc với cõi đời đời. Trong cõi đời đời, toàn thể Hội thánh sẽ ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và ở dưới sự chăn dắt của Chiên con.
A.  Bắt đầu trước ấn thứ sáu        

Việc Đức Chúa Trời cất các thánh đồ được chuộc của Ngài lên bắt đầu với những người đắc thắng đầu tiên, gồm có người con trai trong 12: 5 và các trái đầu mùa trong 14: 1– 6. Sự kiện này phải xảy ra trước ấn thứ sáu, vì ấn sáu sẽ là khởi đầu các tai hỏa siêu nhiên được Đức Chúa Trời thi hành như “giờ sắp đến trong khắp thiên hạ, để thử những người ở trên đất” (3: 10). Việc Đức Chúa Trời cất các thánh đồ được chuộc của Ngài lên sẽ tiếp tục với hai chứng nhân trong 11: 12, những người đắc thắng muộn trong 15: 2 và mùa gặt trong 14: 14 – 16 (phần lớn các tín đồ sẽ trải qua gần như suốt đại nạn), cho đến khi tất cả các thánh đồ đều được cất lên để tham dự vào sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và được sự chăn dắt của Chiên con cho đến đời đời.
                                               B. Đoàn dân rất đông, không thể đếm được
          Câu 9 chép: “Sau việc ấy, tôi thấy, kìa, một đoàn dân rất đông, không ai có thể đếm được.” Đoàn dân rất đông bao gồm những người được chuộc từ các quốc gia trải qua mọi thế hệ, là không thể đếm được và là thành phần cấu tạo nên Hội thánh           (5: 9; La. 11: 25; Công. 15: 14, 19).
                                             C. Từ các nước, các chi phái, các dân và các tiếng 
Đoàn dân rất đông này bao gồm những người được mua bằng huyết Chiên con từ mọi nước, chi phái, dân và tiếng (7: 9; 5: 9) để cấu thành Hội thánh.
D. Đã ra khỏi cơn hoạn nạn lớn và tay cầm chà là
Về đoàn dân rất đông được đề cập trong câu 9, một trong các trưởng lão nói: “Đây là những kẻ đương ra khỏi hoạn nạn lớn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên con” (c. 14). Hoạn nạn lớn ở đây khác với đại nạn được đề cập trong Ma-thi-ơ 24: 21. Hoạn nạn lớn ở đây là hoạn nạn theo nghĩa thông thường. Toàn thể dân được của Đức Chúa Trời đã trải qua những hoạn nạn, nỗi khổ, sự bắt bớ và sự khổ sở nào đó trong cuộc đời của họ. Không một Cơ đốc nhân nào có thể tránh được những điều này. Trong linh mình Cơ đốc nhân chúng ta là những người vui hưởng. Nhưng về mặt thuộc thể chúng ta là những người chịu khổ. Nhưng một ngày kia, chúng ta sẽ ra khỏi hoạn nạn cách khải hoàn và đứng trước ngai và trước mặt Chiên con. Tất cả những người trong đoàn dân rất đông trong chương này đều cầm trong tay nhánh chà là, tượng trưng cho chiến thắng của họ trên hoạn nạn (đc.Gi. 12: 13) mà họ đã trải qua vì Chúa (c. 14). Cây chà là cũng là dấu hiệu về sự thỏa mãn bởi được tưới nước (Xuất. 15: 27). Nhánh chà là được dùng trong lễ tiệc Nhà trại, trong đó dân của Đức Chúa Trời vui mừng vì được thỏa mãn trong sự vui hưởng (Lê. 23: 40; Nê. 8: 15). Tiệc Nhà trại là hình bóng sẽ được ứng nghiệm bởi đoàn dân rất đông này bao gồm những người được chuộc của Đức Chúa Trời, tức những người vui hưởng tiệc Nhà trại đời đời. Đoàn dân này “sẽ mọc lên như cây chà là” trong đền thờ của Đức Chúa Trời  (Thi. 92: 12 – 13).
B.   Đứng trước ngai và trước mặt Chiên con

“Đứng trước ngai” hàmý  rằng        đoàn dân rất đông gồm những người được chuộc này chắc hẳn đã được cất lên đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời. “Đứng trước mặt Chiên con” tưng ứng với “đứng trước mặt Con Loài Người” (Lu. 21: 36) là điều rõ ràng chỉ về sự cất lên. Vì điều này đề cập ngay sau khi mở ấn thứ sáu nên hàm ý rằng việc cất các tín đồ lên hẳn là bắt đầu diễn ra trước ấn thứ sáu. Phần thuật lại trong các câu từ 9 đến 17 cho thấy một cách khái quát quang cảnh từ thời điểm các tín đồ được cất lên đến thời điểm họ vui hưởng trong cõi đời đời.

C.   Mặc áo dài trắng được giặt trong huyết      

Trong câu 9, chúng ta thấy rằng đoàn dân rất đông ấy ‘mặc áo dài trắng,” vì họ “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên con” (C. 14). Áo dài, ở số nhiều, tượng trưng cho sự công chính về hành vi của họ. Trắng cho thấy hành vi của họ vốn thuần khiết và được Đức Chúa Trời chấp thuận bởi đã được giặt trong huyết Chiên Con.                                                                                                                                                                                                                                                                          G. Ngợi khen Đức Chúa Trời và Chiên con

Câu 10 chép: “Họ kêu tiếng lớn rằng: sự cứu rỗi về nơi Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng ngự trên ngai và về nơi Chiên con”. Lời ngợi khen lớn tiếng chỉ đề cập đến sự cứu rỗi hàm ý rằng những người ngợi khen là những người được cứu. Đoàn dân rất đông là những người được cứu bày tỏ lòng biết ơn về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
                                      H. Ngày đêm phụng sự Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài                                                                                                                                 Câu 15 chép: “Vì cớ đó chúng được ở trước ngai Đức Chúa Trời, ngày đêm phụng sự Ngài trong đền thờ Ngài.” Đoàn dân rất đông này đã ra khỏi đại nạn mà vào tình trạng thuộc trời vào đền thờ Đức Chúa Trời là nơi họ ngày đêm phụng sự Ngài.
                                                                                                                                                                   I. Đức Chúa Trời giăng trại Ngài trên họ
Câu 15 cũng chép rằng: “Đấng ngự trên ngai sẽ giăng trại mình trên chúng.” Đoàn dân rất đông sẽ vui hưởng Đức Chúa Trời và sự chăm sóc của Ngài. Ngài sẽ giăng trại Ngài trên họ có nghĩa là Ngài sẽ làm cho nơi ở của Ngài trở nên nơi ở của họ. Đức Chúa Trời sẽ khiến tất cả những người được cứu chuộc của Ngài ở chung với Ngài. Theo một ý nghĩa rất tích cực, thậm chí  Đức Chúa Trời sẽ là nơi cư ngụ của chúng ta, nhà trại của chúng ta. Khi Ngài giăng chính Ngài là nhà trại trên chúng ta, chúng ta sẽ vui hưởng Ngài đến cực điểm. Đấng Christ là nhà trại của Đức Chúa Trời (Gi. 1: 14) và Giê-ru-sa-lem Mới như là sự mở rộng chung cuộc của Đấng Christ sẽ là nhà trại đời đời của Đức Chúa Trời (21: 2 – 3), nơi tất cả những người được cứu chuộc của Đức Chúa Trời sẽ ở cùng Ngài mãi mãi. Đức Chúa Trời sẽ phủ bóng trên họ bằng chính Ngài như được hiện thân trong Christ. Đấng Christ là hiện hân của Đức Chúa Trời sẽ là nhà trại của họ. Bức tranh miêu tả trong các câu từ 15 đến 17, cũng giống như bức tranh miêu tả trong 21: 3 – 4 và 22: 3 – 5, liên quan đến cõi đời đời.
                             J. Chiên con chăn giữ họ và đưa họ đến suối nước sống       
Câu 16 và 17 chép: “Họ sẽ chẳng còn đói, chẳng còn khát nữa; mặt trời, hoặc sự nóng nào cũng hẳn chẳng còn làm hại họ được. Vì Chiên con ở giữa ngai sẽ chăn giữ họ, đưa họ đến suối nước sống và Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi giọt lệ nơi mắt họ.” Ở đây, chúng ta thấy rằng Chiên con sẽ chăn giữ họ và đưa họ đến suối nước sống. Chăn dắt bao gồm nuôi dưỡng. Dưới sự chăn dắt của Đấng Christ, “tôi sẽ không thiếu thốn gì” (Thi 23: 1). Chiên con cũng sẽ dẫn chúng ta đến với các suối nước sống. Trong cõi đời đời, chúng ta sẽ uống nơi nhiều dòng suối và vui hưởng nhiều dòng nước khác nhau. Điều này tuyệt diệu biết bao!
                                 K. Đức Chúa Trời lau ráo mọi giọt lệ nơi mắt họ                                                                                                                                                     Câu 17 cũng chép rằng “Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi giọ lệ nơi mắt họ.” Nước mắt là dấu hiệu của tình trạng không thỏa mãn. Nước sự sống là để thỏa mãn. Vì Chiên con cung ứng nước sự sống cho họ để làm thỏa mãn họ nên họ sẽ không còn nước mắt chán nản nữa. Nước sự sống sẽ được cung ứng và nước mắt sẽ được lau ráo. Sẽ không còn nước mắt hay đói khát mà chỉ có vui hưởng.
                  L. Các thiên sứ, các trưởng lão và bốn sinh vật thờ phượng                          
           Câu 11 và 12 chép: “Hết thảy các thiên sứ đều đứng xung quanh ngai và các trưởng lão cùng bốn sinh vật, đều sấp mặt xuống trước ngai, thờ lạy Đức Chúa Trời, mà rằng: Amen! Sự chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, tôn trọng, quyền năng và lực lượng đều về nơi Đức Chúa Trời chúng ta cho đến đời đời vô cùng! Amen.” Điều này tương tự lời trong Lu-ca 15: 7, là câu cho biết khi tội nhân ăn năn thì trên trời có sự vui mừng. Ở đây, các thiên sứ nói “Amen” đối với lời ngợi khen về sự cứu rỗi của những người được chuộc.
Trong chương này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời chăm sóc dân Ngài như thế nào. Khi sắp phán xét trái đất, Ngài sẽ đóng ấn dân thuộc đất của Ngài và cất dân thuộc trời của Ngài lên. Trong khi dân sót được chọn của Israel được đóng ấn thì tín đồ lại được tái sinh vì Đức Chúa Trời đã đặt chính Ngài là sự sống vào trong chúng ta. Ngài không đánh dấu trên trán chúng ta mà Ngài đặt chính Ngài là sự sống vào trong chúng ta. Vì vậy, chúng ta không phải là dân thuộc đất của Ngài mà là dân thuộc trời của Ngài. Anh em muốn làm một Cơ đốc nhân          được tái sinh hay muốn làm một người Israel được đóng ấn? Cơ Đốc nhân chúng ta không có dấu ấn này – chúng ta có Đức Chúa Trời bên trong là điều tốt hơn nhiều. Không như dân sót Israel được chọn, chúng ta sẽ không ở lại trên đất. Trái lại, chúng ta sẽ được bảo toàn nhờ được cất lên đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ ở trong tình trạng đời đời ấy, vui hưởng sự chăm sóc thần thượng, đời đời của Đức Chúa Trời và cũng vui hưởng sự chăn giữ đời đời của Chiên con. Điều đó sẽ vui thỏa biết bao! Dân sót được đóng ấn của Israel sẽ là dân tốt hơn nhưng chúng ta sẽ là dân tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu muốn được cất lên đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta phải trưởng thành. Nếu chúng ta vẫn còn non và chưa chín thì  Đức Chúa Trời sẽ không cất chúng ta lên. Thay vào đó, Ngài sẽ để chúng ta lại chịu khổ trong cánh đồng cho đến khi chín. Vào lúc tất cả những người trong Hội thánh được cất lên thì có một điều kiện là phải trưởng thành là chín. Tất cả chúng ta đều phải chín và trưởng thành. Đó là điều kiện để chúng ta được Đức Chúa Trời cất lên khỏi trái đất này. Điều này được khải thị đầy đủ và trọn vẹn trong sách Khải Thị. Chẳng hạn, trong chương 14, chúng ta thấy rõ trái đầu mùa và mùa gặt. Trong phần Lời ấy, chúng ta được biết rõ rằng sau khi cánh đồng chín thì mùa gặt đến. Vì thế tất cả chúng ta đều cần lớn lên. Người ta không thể nào lớn lên trong tôn giáo vì ở đó không có thức ăn hay sự nuôi dưỡng. Theo một ý nghĩa, thậm chí ở đó cũng không có cánh đồng. Ngày nay, nơi duy nhất để Cơ Đốc nhân có thể lớn lên là Hội thánh, vì Hội thánh là đồng cỏ, tức Đấng Christ, để bầy chiên ăn và nhận được sự nuôi dưỡng để lớn lên. Bởi ân điển tể trị của Chúa, chúng ta đang vui hưởng đồng cỏ  này. Tất cả chúng ta đều có thể làm chứng rằng từ khi vào nếp sống Hội thánh, chúng ta ở trong đồng cỏ xanh có cỏ non. Ngày ngày chúng ta được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ non là chính Đấng Christ. Ở đây, trong nếp sống Hội thánh, chúng ta ăn Đấng Christ và lớn lên. Ở đây, chúng ta nhận được sự nuôi dưỡng mềm mại một cách đầy đủ vào trong bản thể mình. Cảm tạ Chúa, ngày ngày chúng ta đang lớn lên. Ngợi khen Chúa, chúng ta đang lớn lên và Ngài đang chuẩn bị chúng ta để cất chúng ta lên. Chúng ta không mong đối diện với đại nạn. Chúng ta đang lớn lên để được trưởng thành, lớn lên để được cất lên, lớn lên để vào trong hiện diện của Ngài. Một ngày kia, chúng ta sẽ ở đó.     
Còn nữa-