Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

ĐẮC THẮNG ĐẾN CUỐI CÙNG-




   Trong cuộc đời của mỗi tín nhân dù là Cựu ước hay Tân ước đều phải trải qua hai sa mạc trắc nghiệm, thử thách. Đó là sa mạc vật chất thế giới nầy, và sa mạc tâm lí thuộc hồn. Đa số con dân Chúa đều ngã chết trong hai sa mạc đó, chớ không thể duy trì tình trạng thuộc linh vững vàng của mình đến cuối đời.
   Thánh sử Kinh thánh ghi lại quá ít người đứng vững và đắc thắng đến cùng. Tuổi già Đa vít được phục hồi tình trạng đắc thắng vào cuối đời. Vua A- sa, vua Ê-xê-chia, vua Giô- si- a là những vĩ nhân tiêu biểu rất thành công nổi tiếng nhưng thất bại vào tuổi già. Hôm nay tôi san sẻ hai gương mẫu người đắc thắng đến cuối cùng là Ca-lép và Phao-lô:


1-    Ca-lép duy trì tình trạng đắc thắng:
   “Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, nói rằng: Ông biết điều thuộc về tôi và ông mà Đức Giê-hô-va, đã phán cùng Môi-se, người của Đức Chúa Trời, tại Ca-đe-Ba-nê-a.Các anh em đồng đi lên với tôi làm cho bá tánh sờn lòng; còn tôi trung thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tôi  Kìa, trong bốn mươi lăm năm nay, từ khi Ngài phán lời nầy cùng Môi-se, đương khi Y-sơ-ra-ên còn đi trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va đã bảo tồn sanh mạng tôi đến bây giờ, và ngày nay tôi được tám mươi lăm tuổi.  Rày tôi cũng còn mạnh khoẻ như ngày Môi-se sai tôi đi; tôi vẫn còn sức mà tôi có hồi đó, đặng đi đánh giặc, hoặc vào ra” (Giô suế 14).

   Trong 45 năm qua, bạn bè đồng thời với Ca lép có đến trên 600 ngàn người nam ra khỏi Ai-cập, thì ngoại trừ Giô suê, tất cả đều đã ngã chết trong sa mạc-  Phao lô mô tả thảm cảnh bạn bè của Ca lép như sau: “phần nhiều trong họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã bị ngã chết nơi đồng vắng. Cũng đừng thờ hình tượng như mấy người trong họ, theo lời chép rằng: Dân chúng ngồi mà ăn uống, rồi đứng dậy mà chơi nhởi,  Chúng ta cũng chớ gian dâm như mấy người trong họ đã làm, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người ngã chết.Cũng chớ thử Chúa như mấy người trong họ đã thử, mà bị rắn huỷ diệt. Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị kẻ huỷ diệt làm hư mất” (1 Cor 10)

   Biết bao anh hùng nổi danh như Cô-rê, em chú bác của Môi se, Na-ha-sôn, quan trưởng Giu đa, thượng tế A rôn, nữ tiên tri Mi-ri-am… đều đã chết hoăc vì háo danh, ham ăn, tham dục, phản loạn, lằm bằm… Chỉ Ca lép, Giô suê đứng nổi đến cùng.
    Ngày nay chúng ta cũng đã và đang trải hai đồng vắng  mà Ca lép đã trải qua. Bạn nhìn lại xem quanh bạn còn bao nhiêu người chưa ngã chết trong đồng hoang ấy?

2. Phao Lô chạy đến cuối cùng:
    Nhìn tổng quát cuộc đời Phao-lô cũng trải qua hai sa mạc. Những vĩ nhân đi trước ông như Gia cơ, trưởng lão ở Giê ru sa lem, và sau đó con cái thuộc linh của ông ở thế giới ngoại bang, phần nhiều đều ngã chết cả.
   Ông Gia cơ tin Chúa vào ngày Chúa phục sinh, năm 30 S.C., đến năm 50 ông trở thành tổng quản nhiệm các hội thánh người Hê bơ rơ ở đất Y-sơ-ra-ên, và hải ngoại. Ông chủ tọa giáo hội nghị lần thứ nhất tại Giê ru sa lem. Ông tin Jesus là Cứu Chúa, nhưng nỗ lực đem tín đồ Tân ước trở lại luật pháp Cựu ước. Thành quả cuộc đời ông là làm cho “mấy vạn người Do-thái đã tin, và hết thảy đều sốt sắng về luật pháp” (Công 21:20). Ông đã cám dỗ sứ đồ Phao lô dâng của lễ Cựu ước, đó là một đại tội. Cho nên tôi nói ông Gia cơ, đảng cắt bì ở Giê ru sa lem, và hầu hết thành phần lãnh đạo mọi hội thánh địa phương của người Do thái trong cả đế quốc La mã đều đã sa bại, đã chết trong sa mạc thuộc hồn vì giáo lí pha trộn và phục hồi luật pháp Cựu ước của Gia cơ rao giảng.

   Cuộc đời làm Cơ Đốc nhân của Phao lô dài chừng 33 năm. Truyền thuyết nói rằng ông bị chém đầu vào khoảng năm 67 S.C. Trước khi qua đời, ông nhìn thấy mọi hội thánh ở cõi A-si (Thỗ nhĩ kì) xây bỏ lẽ thật. Đó là các hội thánh do ông thiết lập, đã trở thành Nhà Lớn, đầy đẫy 97 % tín đồ bề ngoài. Họ sa bại, vì “đã tự xưng là có tri thức đó,  nên đã sai trật đức tin rồi” (1 Ti 6:15).  Phao  lô cũng nói đến nhiều tôi tớ Chúa, “vì ganh gỗ và cãi lẫy mà rao giảng Đấng Christ’, “Đức Chúa Trời của họ là cái  bụng, họ lấy sự nhuốc nhơ mình làm vinh hiển, họ chí hướng về việc thuộc đất” (Phi-líp 3:19).  Nhưng Phao lô giữ đức lin, lẽ thật mình tin đến cuối cùng. Quanh ông chỉ còn một thiểu số người trung tín với lẽ thật của Chúa như Lu ca, Ti mô thê, Mác, … còn bao nhiêu đều ngã chết trong sa mạc gió giáo lí, bội đạo. Đáng tiếc!

   Sau khi Phao lô ra đi chừng 25 năm, sứ đồ Giăng chổi dậy. Ông được Chúa cho chép 7 lá thư sách Khải huyền, để cho chúng ta thấy cái nhìn tổng quát 7 hội thánh làm đại diện cho toàn bộ Thân Thể Đấng Christ thời đó và thời hôm nay, đã sa bại, đã bỏ tình đầu của Chúa, đã thờ hình tượng, đã nghe lời dạy dỗ của Giê- sa- bên. Chì còn ít người tại mỗi hội thánh địa phương. Những người đó không phải là mục tử, là trưởng lão mà là các vì sao sáng không có chức quyền trong mỗi hội thánh. Chúa đang nắm các vì sao (thiên sứ= sứ giả: angelos) trong tay Ngài. Họ khó có thể bị sa ngã. Cám ơn Chúa!

   Hôm nay, phần cuối của thời đại Tân ước, bạn có đang dứng vững giữa sa mạc vật chất, giữa đồng hoang gió giáo lí sai lạc không? Bạn có thể nói như Phao lô: “Ta đã đánh trận tốt đẹp, ta đã chạy xong cuộc đua, ta đã giữ được đức tin”. Đây không phải là đức tin ABC cứu rỗi, mà là niềm tín về những lẽ thật căn bản của Đức Chúa Trời trong nội dung Tân ước.
  Giờ cuối cùng của thời đại nầy đến gần, nguyện Chúa nắm giữ chúng ta vì Ngài là “ Đấng có thể giữ anh em khỏi vấp ngã và khiến anh em đứng trước hiện diện vinh hiển của Ngài cách không tì vít, vui mừng cả thể” (Giu de 1:25).
Minh Khải 29-11-2018