Thánh Kinh có 37 lần dùng chữ "chó." Hầu hết trong những lần đó thì chữ chó mang nguyên nghĩa: chó. Trong một số ít lần thì chữ chó đã được dùng với nghĩa đã biến đổi.
Nghĩa bóng của một chữ khác với nghĩa đã biến đổi của một chữ. Thí dụ như: Trong Thánh Kinh, chữ "nước" có nghĩa bóng chỉ về Thánh Linh của Đức Chúa Trời nhưng chữ nước không có nghĩa đã biến đổi. Chữ Pha-ri-si có nghĩa đen là những người tự biệt riêng mình ra để phục sự Chúa nhưng cũng có nghĩa đã biến đổi là "kẻ giả hình." Ngày nay khi chúng ta nói: "Anh ta là một người Pha-ri-si" thì người nghe không hiểu: "Anh ta là một người tự biệt riêng mình ra để phục sự Chúa" mà hiểu rằng: "Anh ta là một kẻ giả hình!"
Thánh Kinh Tân Ước có hai lần dùng chữ chó với nghĩa đã biến đổi:
"Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả." (Phi-líp 3:2)
"Những loài chó, những thuật sĩ, những kẻ tà dâm, những kẻ giết người, những kẻ thờ hình tượng, và những kẻ ưa thích cùng làm sự giả dối đều ở ngoài hết thảy." (Khải Huyền 22:15)
Đọc hai câu Thánh Kinh trên đây một người sẽ tự hỏi tại sao chó lại được đề cập; nhưng nếu biết được chữ chó ngoài nguyên nghĩa còn có nghĩa đã bị biến đổi (tương tự như chữ Pha-ri-si) và nghĩa đó chỉ về loại người gian ác, dối trá, vô trách nhiệm, thì sự ngạc nhiên sẽ không còn.
Câu hỏi được đặt ra là: Dựa vào đâu để biết chữ chó đã có thêm một nghĩa mới? Cám ơn Chúa, chính Ngài là Đấng đã đặt ý nghĩa mới cho chữ chó và ghi lại trong Thánh Kinh. Ý nghĩa mới đó được nêu rõ trong các câu Thánh Kinh sau đây:
"Vì những chó bao quanh tôi: Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi." (Thi Thiên 22:16)
Đây là lời tiên tri về sự thương khó của Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã gọi đám đông vây quanh Đức Chúa Jesus Christ – nhục mạ Ngài, đâm lủng tay và chân Ngài khi họ đóng đinh Ngài vào thập tự giá – là chó. Họ là những người không biết Chúa và hung ác. Tất cả những ai bách hại con dân Chúa, Hội Thánh Chúa (tức là thân thể Chúa) đều là chó trong cách gọi của Chúa.
"Những kẻ canh giữ của Y-sơ-ra-ên đều là đui mù, không biết chi hết. Chúng nó thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, đều chiêm bao, nằm sóng sượt, và ham ngủ; lại là chó mê ăn, không biết no. Ấy là những kẻ chăn chiên chẳng khôn sáng; mọi người theo đường riêng mình, mỗi người tìm tư lợi mình, người nào cũng vậy." (Ê-sai 56:10, 11)
Đây là lời Đức Chúa Trời quở trách các nhà lãnh đạo của I-sơ-ra-ên. Theo ý nghĩa Chúa dùng trong hai câu Thánh Kinh trên đây thì: Những người chăn dắt con dân Chúa mà không làm tròn thiên chức, chỉ lo hưởng thụ, trục lợi... đều là chó.
Như vậy, chữ chó trong Phi-líp 3:2 là chỉ về những người chăn dắt con dân Chúa mà không làm tròn thiên chức, chỉ biết trục lợi và hưởng thụ, bỏ mặc bầy chiên của Chúa. Họ cùng loại với những kẻ làm công gian ác (tức là những đầy tớ bất trung như trong ngụ ngôn của Ma-thi-ơ 24:48-51). Còn chữ chó trong Khải Huyền 22:5 là chỉ về những kẻ gian ác bách hại Hội Thánh Chúa, bị xếp ngang hàng với những loại người tội lỗi khác trong thế gian.
Tất cả những loại người được liệt kê trong Phi-líp 3:2 là những thành phần trong Hội Thánh trong khi tất cả những loại người được liệt kê trong Khải Huyền 22:15 là những thành phần ngoài Hội Thánh.
Xét về nghĩa bóng thì chữ "chó" mang ba nghĩa bóng sau đây:
(1) Một người thấp kém, không tài, không đức và cô thế, vô phương tự vệ. Trong lối nói khiêm nhường, một người có thể tự ví mình như chó, thậm chí là "chó chết:"
Đa-vít nói với Vua Sau-lơ: "Vua Y-sơ-ra-ên kéo ra đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một con chó chết! Một con bọ chét!" (I Sa-mu-ên 24:14). Ngụ ý của Đa-vít là tại sao một vị vua của I-sơ-ra-ên lại đem binh lực đuổi theo một người cô thế không có giá trị gì như Đa-vít. Thành ngữ "một con chó chết" và "một con bọ chét" mang cùng một nghĩa như nhau và được sử dụng rộng rãi trong các nền văn hóa của xứ Ca-na-an.
Sau khi Đa-vít lên làm vua đã ra ơn cho cháu nội của Vua Sau-lơ là Mê-phi-bô-sết. Trước sự nhân từ và hào phóng của Vua Đa-vít, Mê-phi-bô-sết đã: "...bèn lạy, mà nói rằng: Kẻ tôi tớ vua là gì, mà vua lại đoái mắt đến một con chó chết, như tôi đây?" (II Sa-mu-ên 9:8).
Ha-xa-ên người Sy-ri cũng tự ví mình là chó: "Người của Đức Chúa Trời ngó chăm Ha-xa-ên lâu đến đỗi người phải hổ thẹn, rồi cất tiếng lên khóc. Ha-xa-ên hỏi rằng: Cớ sao chúa tôi khóc? Ê-li-sê đáp rằng: Bởi ta biết ngươi sẽ làm thiệt hại cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngươi sẽ châm lửa các thành kiên cố của chúng nó, giết các kẻ trai trẻ bằng gươm, chà nát con nhỏ, và mổ bụng đờn bà có nghén của chúng nó. Ha-xa-ên tiếp: Nhưng kẻ tôi tớ ông là ai, chẳng qua là một con chó đó thôi; sao làm nổi công sự lớn dường ấy? Ê-li-sê đáp rằng: Đức Giê-hô-va đã tỏ cho ta biết rằng ngươi sẽ làm vua Sy-ri." (II Các Vua 8:11-13).
(2) Tiếng gọi để hạ nhục kẻ thù hoặc là cách nhìn của người I-sơ-ra-ên đối với người thuộc các dân tộc khác:
"Bấy giờ, A-bi-sai, con trai của Xê-ru-gia, tâu với vua rằng: Cớ sao con chó chết kia dám mắng vua chúa tôi? Hãy để tôi đi chém đầu nó." (II Sa-mu-ên 16:9).
(3) Những kẻ ô uế. Theo Thánh Kinh, chó và heo là những con vật ô uế. Đức Chúa Trời không cho phép một người lấy tiền bán chó dâng vào trong nhà của Chúa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:18). Khi con dân Chúa phạm tội mà không ăn năn thì mọi hành động thờ phượng, hầu việc Chúa đều là gớm ghiếc, ô uế và là tội ác đối với Chúa:
"Làm thịt một con bò, cũng như giết một người; tế bằng một con chiên con, cũng như bẻ cổ một con chó; dâng của lễ chay, cũng như chọc huyết heo; đốt hương cũng như ngợi khen thần tượng. Vì những kẻ ấy đã chọn đường mình, lòng ưa thích những việc gớm ghiếc." (Ê-sai 66:3).
Đức Chúa Jesus cũng dùng nghĩa bóng của chữ chó và heo trong câu phán sau đây:
"Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chơn, và quay lại cắn xé các ngươi." (Ma-thi-ơ 7:6)
Theo văn mạch của Ma-thi-ơ đoạn bảy thì câu nói trên đây của Chúa ám chỉ những người đã tin Chúa mà sống trong tội lỗi chứ không phải để ám chỉ những người chưa tin Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng dùng nghĩa bóng của chữ chó và heo khi đề cập đến những người đã tin Chúa rồi mà vẫn sống trong tội lỗi:
"Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn." (II Phi-e-rơ 2:20-22).
Ước mong được nghe cao kiến của quý con dân Chúa.
Huỳnh Christian Timothy