Tuần rồi chúng ta đã cứu xét qua một nhân vật lịch sử trong thời đại của Chúa Jêsus, vua Hê-Rốt đại đế. Để giúp quý thính giả và đọc giả hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử của giai đoạn này, thiết nghĩ chúng ta cần phải đi ngược về quá khứ 600 năm để có cái nhìn thoáng qua về những biến cố lịch sữ dẫn đến thời điểm mà Đức Chúa Trời đã ấn định cho việc giáng sinh làm người của con yêu dấu của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta sẽ có nhận định sâu sắc hơn về thời điểm và việc giáng sinh của Chúa Jêsus theo quan điểm lịch sữ.
Năm 586 trước khi Chúa Jêsus sanh ra, đền thờ Jêrusalem do Solomon xây, bị quân Babylon tàn phá và dân sự Y-sơ-ra-ên bị làm phu-tù ở Ba-by-lôn trong 70 năm. Chúng ta biết được câu chuyện của Đa-ni-ên và ba người bạn bị quăng vào lò lửa. Rồi đế quốc Persia nỗi lên đánh bại đế quốc Babylôn, dân sự Y-sơ-ra-ên được Cyprus đại đế cho về hồi hương kiến thiết lại quê hương đất nước của họ, và tái thiết lại đền thờ Jêrusalem với một khuôn khổ thu hẹp. Sau đó là thời kỳ mà các nhà giải kinh gọi là thời kỳ yên lặng kéo dài khoảng 400 năm, nhưng hỗn loạn chiến tranh vẫn xẩy ra trên vùng đất thánh vì nhiều đế quốc khác nhau nỗi lên và chiếm đóng vùng thánh địa này. Quan trọng nhất phải kể vào năm 336 B.C., Ả-lịch-sơn đại đế chinh phục thế giới, và đem đến miền Trung Đông ngôn ngữ phổ thông lingua franca lúc bấy giờ là tiếng Hy-Lạp. (Cũng nên mở một cái ngoặc là trong giai đoạn này 70 học giả Do Thái cùng nhau dịch kinh thánh Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp ở Alexandra, Ai-Cập, được gọi là bộ Septuagint, và là cột trụ cho người Do Thái ở rải rác khắp đế quốc Hy-lạp được đọc lời Chúa.) Ả-lịch-sơn chỉ cai trị một thời gian ngắn rồi đế quốc của ông phân chia cho bốn vị tướng. Quan trọng nhất cho lịch sử dân tộc Do Thái là Seleucus, sáng lập một đế quốc tồn tại khoảng hai trăm năm. Trong thời gian đó, có một cuộc nỗi dậy của đám Judas Maccabee lãnh đạo chống lại đế quốc. Cuộc nỗi dậy thành công vì lúc đó Seleucus đang phải đối phó đa diện. Về phía Bắc, Seleucus phải đối phó với sự phản công của cựu đế quốc Ba Tư với tên mới là Parthian. Về phía Nam , Seleucus phải đối phó với sự nỗi dậy của Ai-cập. Và về phía Tây, Seleucus phải đối phó với một đế quốc mới là đế quốc La mã. Đế quốc mới này thiết lập ảnh hưởng trong vùng Địa Trung Hải trong vòng 450 năm mà không gặp phải một sự chống nghịch nào.
Với sự thành công của cuộc nỗi dậy do Judas Maccabee lãnh đạo vào năm 150 BC, dân tộc Do Thái có một triều đại gọi là nhà Hasmonean, hay cũng được gọi là nhà Judas Maccabee cai trị trong vòng 100 năm. Đó là thời kỳ duy nhất dân Do Thái có một chế độ vua chúa trong một nước độc lập sau thời kỳ vàng son của David và Solomon. Nhưng vào cuối thời kỳ đó, việc cai trị trở nên bất ỗn do sự tham nhũng bốc lột, tranh dành quyền hành giữa nhiều phe phái khác nhau, họ phải nhờ một người ngoại bang làm Thủ Tướng để cai trị cho vị vua cuối cùng của nhà Hasmonean. Người đó là Antipater. Ông ta là người đến từ vùng Petra , thuộc Biển Chết, thuộc dòng Nabatean Arabs. Ông ta là một người khôn khéo. Khi hai tướng của La mã là Mark Antony và Gaius Octavian vượt binh xuyên qua vùng Trung Đông, Antipater nhận ra tương lai không nằm trong tay của người Ai-cập, cũng không phải nằm trong tay của đế quốc Parthian, và chắc chắn không phải trong tay của Seleucus vì Seleucus bị Parthean đánh bại, nhưng nằm trong tay của tân đế quốc La mã. Khi Antipater bị ám sát, con thứ của ông là Hê-Rốt được nâng lên làm vua. Trong những năm nghịch loạn ở vùng Địa Trung Hải, Hê-Rốt đã khéo léo kết thân hết từ Pompei sang Julius Caesar, sangAntony , sang Octavian (Augustus). La Mã cần một người đa manh và cộng tác với họ ở vùng Palestine, và họ tìm con người đó ở trong Hê-Rốt Đại Đế. Hê-Rốt tạo nên một quốc gia đệm cho La Mã chống lại Nabateans Arabs ở miền Nam và đế quốc Parthians ở phía Đông.
Để có thể hiểu rõ kinh thánh Tân Ước một cách đúng đắn và rõ ràng, nhất là thời kỳ và cuộc đời của Chúa Jêsus như đã được trình bầy trong các sách Tin Lành, chúng ta cần phải học hỏi và hiểu rõ những nhóm tôn giáo khác nhau hoạt động trong vùng đất thánh vào thế kỷ đầu tiên. Josephus, nhà sử gia nỗi tiếng của Do Thái vào thế kỷ đầu tiên, diễn tả ba nhóm tôn giáo chính cùng triết lý hoạt động của họ, Pha-ri-si, Sa-du-xê, và Es-sin (Essenes). Ông cũng đề cập đến những nhóm chính trị và những nhóm cách mạng của người Do Thái trong thế kỷ đầu tiên đặc biệt là những nhóm có liên quan đến cuộc chiến tranh lần thứ nhất với La Mã. Kinh Thánh Tân Ước chỉ đề cập đến nhóm Pha-ri-si và Sa-du-xe nhưng không có nói gì đến nhóm Es-sin. Đời sống tôn giáo của xã hội Do Thái thời bấy giờ rất hỗn tạp.
Nhóm Pha-ri-si có ảnh hưởng trong xã hội Do Thái từ thế kỷ thứ Hai trước Thiên Chúa tới thế kỷ thứ Nhất sau Thiên Chúa. Họ quan niệm giữ sự khắc khe trong các lễ nghi Do Thái giáo như lễ Vượt Qua, giữa trong sạch trong dịp lễ lộc, và khắc khe trong việc ăn uống căn cứ theo như những quy luật của Cựu Ước cùng những truyền thống khác do các ông rabbi qua thời gian thêm vào. Họ có ảnh hưởng với những người thuộc chính quyền Do Thái lúc bấy giờ và trong vòng dân sự Do Thái. Họ kết họp những người tôn sùng Do Thái giáo không hẳn là thầy tế lễ, một số ít thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi, và một số trong hàng ngũ của giới Sanhedrin (Công vụ 5:34). Họ có khuynh hướng đối nghịch chính trị và tôn giáo với nhóm Sa-đu-xê. Những người lãnh đạo của nhóm này được gọi là rabbi hay "thầy giảng", như Ni-cô-đem (Giăng 3:1-10; 7;50; 19:39). Phao-lô cũng từng là người Pharisi (Phi 3:5; Công Vụ 23:6; 26:5).
Nhóm Sa-đu-xê có ảnh hưởng về mặc tôn giáo trong đời sống người Do Thái từ thế kỷ thứ Hai trước Thiên Chúa cho tới thế kỷ thứ Nhất sau thiên Chúa. Tuy là một nhóm nhỏ hơn nhóm Pharisi, như tụ họp những thành phần quan trọng đa số là những thầy tế lễ nên có ảnh hưởng mạnh hơn nhóm Pharisi, đặc biệt là với những người có tiền bạc và có thế lực; họ kiểm soát những thể lệ trong đời sống tôn giáo của người Do Thái lúc bấy giờ, bị nhóm Pha-ri-si ganh ghét, vì họ ủng hộ triều đại cũ của Do Thái nên không thích chế độ mới của vua Hê-Rốt và cũng vì thế họ cũng đối lập với nhóm Hedonians, kiểm soát mọi sinh hoạt trong đền thờ Jêrusalem, nhưng họ tham nhũng và họ cho phép việc buôn bán đổi tiền ở trong đền thờ. Đến nỗi khi Đức Chúa Jêsus vào đền thờ Jerusalem lần đầu tiên, Ngài đã xua đuổi đám buôn bán đổi tiền này. Nhóm Sa-du-xê còn đi xa hơn nữa, họ nhượng bộ với Hê-rốt và nhượng bộ với những nhóm khác cho nên việc thờ phượng trong đền thờ Jerusalem bị coi như là hư đốn. Nhóm thứ ba được Josephus nhắc đến là nhóm Es-sin (Essenes). Nhóm Es-sin là một nhóm nhỏ, có lối sống tách biệt nhưng cộng đồng ở vùng Qumran thuộc biển Chết. Mới đầu họ là những thầy tế lễ "công nghĩa", nhưng từ từ họ tách rời ra khỏi các lễ lộc trong đền thờ Jêrusalem mà họ cho các thầy tế lệ trong đền thờ không đủ tư cách và không đủ thẩm quyền để thờ phượng Chúa. Họ tập trung ở vùng biển Chết và giữ bí mật những cổ kinh Cựu Ước cho đến khi được tìm thấy ở Qumran năm 1947.
Sở dĩ TNPA phải trình bầy dài dòng bối cảnh lịch sữ và thời điểm của việc Chúa Jêsus giáng trần làm người để cứu nhân loại, cho chúng ta thán phục và chúc tôn sự khôn ngoan vô lượng của Đức Chúa Trời. Trong kinh thánh Tân Ước sách Galati 4: 4-5 có chép, "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài." Câu hỏi được đặt ra là thời điểm Chúa đến có đúng kỳ hạn không? Thời thế lúc đó như thế nào? Như đã trình bầy trong bài trước về Hê-Rốt Đại Đế, ông ta là một ông vua hung ác, bạo ngược, nhưng biết lấy lòng người La Mã nên triều đại Hê-Rốt do La Mã dựng nên, kéo dài đến 90 A.D. Không lẽ người Do Thái phải chờ sau khi triều đại Hê-Rốt bị sụp đổ mới có vị cứu tinh hay sao? Còn hơn thế nữa, dân Do Thái đang sống dưới sự áp bức của La mã về mọi mặt, không cho người Do Thái có những hành vi phản nghịch. Vào khoảng thập niên 70 A.D. có một nhóm quá khích Do Thái, được gọi là Zealots, nỗi lên chống lại chính quyền La Mã, nhưng đã bị La mã phản ứng thẳng tay bằng cách thiêu rụi đền thờ Jerusalem do Hê-Rốt xây cách đó sáu năm, chỉ để lại một bức tường gọi là "the Wailing Wall" để cho hậu chúng biết sức mạnh của La mã thời bấy giờ như thế nào. Sau khi đền thờ Jerusalem bị phá hủy, đám Zealots chạy về cố thủ ở Masada, gần biển Chết. Ở đó, họ bị quân lính La Mã bao vây, khiến hơn 900 người Do Thái cố thủ ở Masada phải tự vận, và sau đó người Do Thái tản lạc khắp vùng Địa Trung Hải. Họ không còn quê hương của họ cho mãi đến năm 1948, họ mới tái lập quốc. Cho nên thời điểm Chúa Jêsus đến thế gian làm người đúng như Phao Lô nói là đúng kỳ hạn, người Do Thái đang có một lòng ao ước có một vị lãnh tụ để giải phóng họ như Áp-ra-ham, như Môi-se, như David. Nhưng đó không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài sai con Ngài xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại chứ không phải để giải cứu dân tộc Do Thái ra khỏi vòng nô-lệ.
Không còn phải thắt mắc là vào khoảng cuối thế kỷ thứ Nhất là thời đại trần ai nếu phải sống ở vùng Giu-Đê. Các sử gia gọi thời kỳ này là "Pax Romana", ‘Hòa Bình của La Mã', nhưng là một thứ hòa bình tan thương. Tranh dành chính trị, suy đồi kinh tế, căng thẳng giai cấp, màu da, giáo phái, tệ trạng luân lý, và nạn khủng bố do bọn quá khích hăng máu tạo nên, nói lên đặc tánh đời sống của người Do Thái dưới chân giầy áp bức của La Mã.
Lướt qua bối cảnh và thời điểm lúc Chúa giáng trần, chúng ta có thể nhận thấy theo cái nhìn thường tình của con người là không đúng thời điểm. Dân Do Thái đang sống trong cảnh trần ai, không những dưới tay Hê-Rốt mà còn dưới ách thống trị của La mã. Nói chung, con người chưa chuẩn bị để đón Con Trời trong bối cảnh hỗn loạn về mọi mặt. Nhưng nhìn lịch sữ trãi qua khoảng 3000 năm, chúng ta phải công nhận, thời điểm giáng trần của Chúa Jêsus là "đúng kỳ hạn" như Phao-lô nói. Lịch sữ của nhân loại là câu chuyện Đức Chúa Trời xử lý với nhân loại điển hình là qua dân tộc Do Thái. Từ thời Áp-ra-ham cho đến Môi-se, Chúa đã dẫn dắt dân sự của Ngài từng bước, cho nên Ngài không phải gởi Con Ngài trong giai đoạn đó. Sang đến David và Solomon, Ngài đã đặt hai vị vua nầy vào địa vị trị vì dân sự Ngài, nên Ngài cũng không phải gởi Con Ngài đến trong giai đoạn này. Rồi đến thời kỳ các vua của Giu Đa ở phía Nam và Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc, Ngài đang xử lý với dân sự của Ngài về sự vô-tính và thờ tà thần của họ, nên Con Ngài cũng không phải đến trong giai đoạn này. Và chắn chắn Ngài không gởi con Ngài đến trong thời kỳ lưu đài và 400 năm yên lặng. Và khoảng thời gian sau khi đền thờ Jerusalem do Hê-Rốt xây bị phá hủy, dân Do Thái tản lạc khắc thế giới, khoảng thời gian gần 20 thế kỷ đó, không có lý nào cho Con Trời giáng sinh. Nói tóm lại, không có một bối cảnh nào và không có một thời điểm nào hữu lý cho bằng khoảng thời gian 4 B.C. trong đời Vua Hê-Rốt, trong bối cảnh chiếu chỉ của Caesar Augustus lập sổ dân trong cả thiên hạ, Đức Chúa Jêsus ra đời.
Trong khung cảnh đó, trong thời điểm đó, dân Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung đang khao khát một Đấng Cứu Tinh và Đức Chúa Trời thành người. Trong khung cảnh náo loạn như vậy, một thiên sứ hiện ra cùng một thiếu nữ, loan báo một tin không tưởng: "Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao. . .nước Ngài vô cùng." (Luca 1:30-33).
Mary không thể nào bỏ qua được ý nghĩa những lời của thiên sứ báo tin. Hàng trăm năm trước, các nhà tiên tri cũng đã tiên tri sự giáng trần của một vị Vua, không phải vị Vua như các vị Vua khác, nhưng Vua của muôn Vua, Ngài sẽ trị vị trên ngôi báu Ngài, tiêu diệt kẻ thù của Do Thái, thiết lập một thời kỳ bình an, và cai trị cả thế gian. Bất cứ một người Do Thái nào cũng mong chờ sự ra đời của Đấng Mê-si này, mong Ngài đến để lật đỗ người La Mã, chấm dứt sự khổ nạn của cả một dân tộc. Mary không thể ngờ được nàng là người chịu mang cho Đấng Cứu Chuộc của dân Y-sơ-ra-ên và là Đấng Cứu Thế của nhân loại.
Anh Châu (TNPA)