Thời Trung Cổ, các phép xá tội hay các cuộc hành hương đến La-mã được xem như là việc lấy tiền bạc để đền bù cho sự trừng phạt tội lỗi đã phạm của tín nhân. Bán các phép xá tội này dần dà đã được các Giáo Hoàng thời kỳ phục hưng sử dụng như một công cụ kiếm tiền thỏa mãn cho nhu cầu tài chính của Giáo Hội tại La-mã. Năm 1515, một phép xá tội đã được chính thức ấn hành trong giáo phận của Tổng Giám Mục ở Magdeburg để thực hiện cho xong thánh đường Peter ở Rome. Trên thực tế, phép xá tội ấy được Tổng Giám Mục Magdeburg dùng để trả nợ mình thiếu Công Tước Brandenburg, vì đã mượn tiền Công Tước để mua chiếc ghế Tổng Giám Mục vùng Mainz cho mình. Tổng Giám Mục Magdeburg phải làm việc hối lộ ấy là để Đức Giáo Hoàng cho phép mình đảm nhiệm hai chức – vốn là một điều cấm kị – và cũng vì ông tuổi hãy còn trẻ.
Tu sĩ Martin Luther, lúc đó đang giảng dạy thần học tại đại học ở Wittenberg và đảm nhiệm việc giảng lời Chúa tại thánh đường của thành phố; đã dùng tòa giảng để nói lên những bất bình của mình trước việc bán phép xá tội, lạm dụng lòng tin của các tín nhân đơn sơ, nghèo khổ, ít học, đồng thời cũng nói lên sự tha thứ và ân điển của Đức Chúa Trời ban cho tội nhân nhưng không bởi đức tin, là từng trải thuộc linh nóng bỏng của thầy tu Martin Luther trong những tháng ngày dụng công đức riêng của mình để đến gần Chúa. Người ta nói rằng từ đầu năm 1517, Martin Luther đã giảng có đến 2000 bài giảng ở tại đó, mà nội dung được phản ánh trong 95 điều khoản lên án việc bán phép xá tội mà ông viết gửi lên Tổng Giám Mục Albrecht von Brandenburg chung với một lá thư (ngày 31/10/1517), cho việc bán phép xá tội là một hành động nguy hiểm đối với Hội thánh. Bản thảo 95 điều khoản nầy được xem Luther xem như cơ sở để tranh luận về vấn đề bản thân của phép xá tội và ý nghĩa của nó tại trường đại học Wittenberg. Thế nhưng Tổng Giám Mục đã không trả lời, mà đã chuyển bản 95 điều khoản ấy đến La-mã, tình nghi là tà giáo.
Thời đại của Martin Luther cũng là thời kỳ phát kiến ra máy in của anh em nhà Gutenberg. Bản đề cương 95 điều khoản của Luther không được tranh luận tại trường đại học Wittenberg như dự định, nhưng đã được nhanh chóng in ấn và gửi đi các nơi cho bạn bè của ông ở Leipzig, Nürnberg, Basel, tại đó lại được in ra và phân phát, chuyền tay nhau đọc rộng rãi. Riêng tại Wittenburg, người ta cho rằng bản đề cương ấy đã được đóng đinh dán trước cửa nhà thờ lớn của thành phố. Tình hình đã chín mùi, lòng người sôi động, những biện pháp cứng rắn được thi hành. Bản đề cương gồm 95 điều khoản của Luther đã mở màn cho một cuộc cải cách lớn nhất lịch sử giáo hội phương Tây.
Hành động của Luther đã có những ảnh hưởng như thế nào?
Việc Luther phản đối chuyện bán phép xá tội ban đầu có sự đồng tình còn dè dặt của các đồng nghiệp của ông ở viện đại học Wittenberg. Đặc biệt là Andreas Bodenstein, giáo sư đỡ đầu cho luận án tiến sĩ của Luther, còn được gọi là Karlstadt, đã bảo vệ Luther một cách hết sức mạnh mẽ đến nỗi đã khiến cho nhà thần học Johhann Eck, người đấu tranh cho Hội thánh truyền thống đã lên tiếng thách thức ông. Trong lúc đó ở Rome, người ta đã lập tòa án để xử Luther tội tà giáo. Thay vì gửi Luther đến Rome để bị xử án, hoàng thân Friedrich der Weise, vì muốn công trình của vị giáo sư nổi danh ở Wittenberg được tiếp tục sanh hoa kết trái, đã điều đình để Luther chỉ ra mắt một đại diện của Giáo Hoàng để được tra hỏi một cách “mật thiết” mà thôi. Mùa hè 1518, Luther đã đến ra mắt Hồng Y Cajetan, một trong những nhà thần học có tiếng đương thời ở Augsburg. Cố gắng đầu tiên để dàn xếp mọi việc đã thất bại, vì trong lần gặp gỡ đó Luther chỉ nói những lập luận của ông đi theo như Kinh Thánh chứ không theo truyền thống của giáo hội.
Công tước Georg, cháu của Hoàng thân Friedrich der Weise, cai trị phía đông vùng Sachsen cũng thấy là cần phải cải chính giáo hội, tuy nhiên cũng không muốn tách rời La-mã, đã khơi mào cho cuộc tranh luận trước công chúng giữa Luther và Johann Eck tại trường đại học Leipzig, đã gây cho giới trí thức tại đó nhiều lo lắng. Dư luận và thiện cảm quần chúng nghiêng hẳn về phía Luther và sau mọi cố gắng, Eck đã không thành công trong việc kết tội Luther là tà giáo, chống đối quyền của giáo hoàng. Eck đã bị coi là kẻ bại trận trong cuộc tranh luận đó.
Đứng trước như chỉ trích của kẻ thù và sự ủng hộ của bạn bè thân hữu, Luther như được chấp cánh. Trong vòng một thời gian ngắn ông đã cho in ấn một loạt những bài viết được xem như nền tảng cho chương trình cải cách của mình, khởi đầu là về đạo đức với bài viết “Von den guten Werken”, rồi sau đó “An den Christlichen Adel deutscher Nation von des christlichen Standes Besserung”, “Von der babylonischen Gefangenschaft der Kirche”, “Von der Freiheit eines Christenmenshen”. Tất cả những bài viết nầy cho đến 1525 đã được ấn hành rất nhiều lần.
Ngày 15/06/1520 Rome đã ra chiếu chỉ đe dọa khai trừ Luther, cho phép kẻ mắc tội tà giáo có được 60 ngày để cải chính việc mình làm, và yêu cầu đốt Luther phải đốt bỏ những bài viết của mình. Luther tự tin đến nỗi đã cho phép bạn hữu mình dịch chiếu chỉ đó ra tiếng Đức và ấn hành ở Leipzig. Sau khi sách của Luther bị đốt ở Köhl, trước sự ủng hộ của nhiều sinh viên, Luther đã đốt các sách nói về quyền của giáo hội, đốt các bài viết của đối thủ mình, sau cùng đốt cả chiếu chỉ đe dọa khai trừ ông. Sau khi bị giáo hội khai trừ, Luther trở thành một kẻ mà ai cũng có thể lấy mạng được mà không phạm tội, không ai có thể ra tay cứu giúp gì cho ông được. Hoàng thân Friedrich đã nhờ hoàng đế Karl V của vương quốc Đức can thiệp dựa vào một trong những lời hứa của hoàng đế đối với thần dân của các tiểu vương mà mình cai trị, trong đó có lời hứa không để cho thần dân mình bị một tòa án ngoại quốc nào xử tội.
Ngày 17/04/1521, Luther đã được triệu tới Worms đối chất với đại diện của Tổng Giám Mục thành Trier: Johann von der Ecken, trước mặt cả triều đình của vương quốc Đức. Trước câu hỏi, ông có rút lại những điều mình đã viết không, Luther công nhận là mình đã viết tất cả những bài viết bằng chữ Đức và chữ La-tinh chỉ trích giáo hoàng và nói là mình không thể rút lại những gì mình đã làm, trừ khi có người tìm được trong Kinh Thánh chỗ nào có thể vạch ra được rằng mình làm sai. Hội đồng đã ban lệnh tuyên bố tình trạng ngoài vòng luật pháp của Luther. Cũng chính hoàng thân Friedrich đã tổ chức bắt cóc để cứu mạng Luther, đưa về cất dấu tại lâu đài Wartburg. Tại Wartburg, trong một thời gian rất ngắn, Luther đã dịch lại toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước ra tiếng Đức từ văn bản tiếng Hy-lạp. Lề lối ngôn ngữ của văn chương Đức sau nầy chịu ảnh hưởng rất nhiều vào quyển Kinh Thánh do Luther dịch. Bản dịch Luther cho đến ngày nay vẫn có một giá trị nhất định tại Đức.
Cuộc nổi loạn của các nông dân tại Đức, kéo dài không đầy một năm (1525) chống lại giáo hoàng và sự lạm dụng của Hội thánh đã gây bạo động và đổ máu một số vùng ở Vương quốc Đức như vùng Thüringen và miền Nam Đức, vùng Baden Württemberg. Có đủ hạng người ủng hộ Luther:họ công kích cả hệ thống cai trị thuộc linh, phép xá tội, dứt thông công, miễn phạt, tuyên bố sạch tội, luôn cả thủ tục xưng tội và các tòa án tôn giáo. Những người nông dân đập phá tượng hình các thánh ở nhà thờ, giết các tu sĩ và hàng giáo phẩm, gây những thiệt hại lớn.
Tại hội đồng Speyer, năm 1529 quyết định ngăn trở phong trào cải chính của Luther đã bị phản kháng do những người đã thực hiện cải cách do Luther đề ra. Từ đó, người ta gọi những người theo Luther là “những người phản kháng” (Protestants).
Mãi đến năm 1539, khi Philip Melanchthon, một nhà nhân văn học bạn của Luther soạn ra bản tuyên ngôn, hay bài tín điều Augsburg, được sự công nhận của các hoàng thân công nhận, trở thành bài tín điều chính thức của Hội thánh Lutheran, thì Hội thánh Lutheran chính thức hình thành và nhanh chóng phát triển sang các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Na-Uy.
Tư tưởng của Luther đã khơi mào cho cuộc cải chánh của Jean Calvin ở Pháp và Ulrich Zwingli ở Thụy Sĩ, thúc đẩy sự ly khai khỏi giáo hội La-mã của nước Anh để hình thành Anh Quốc Giáo cũng vào thế kỷ nầy.
Sau cuộc cải chánh của Luther, bản đồ Cơ-đốc giáo đã thay đổi toàn diện. Cộng vào sự phân rẽ Hội thánh Đông -Tây, nay có thêm sự xuất hiện của giáo hội Tin Lành. Các quốc gia ở Bắc Âu theo Tin Lành, tại Anh có Anh Quốc giáo, Thụy Sĩ, Hòa Lan rút ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La-mã để thành lập giáo hội Tin Lành quốc gia. Công giáo La-mã còn tồn tại trong các nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha Ba Lan, Hung, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan … nhưng ảnh hưởng của giáo hội công giáo La-mã đã suy giảm đến mức tối thiểu.
Sưu tầm và trích dịch từ nhiều tài liệu
Nguyễn Tín Nhân