Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Đồ



Trong Hán Việt, chữ  "đồ" cũng như nhiều chữ khác, tùy theo văn mạch hoặc lối viết khác nhau mà mang nhiều nghĩa khác nhau. Một trong những nghĩa thông dụng của chữ "đồ" là "học trò." Khi nói "ông đồ" là nói "ông học trò." Tại sao học trò mà lại gọi bằng ông? Theo lối thi cử xưa do triều đình tổ chức để chọn người làm quan, một người phải bỏ ra 10 năm học tập, còn gọi là 10 năm đèn sách (thắp đèn ban đêm để đọc sách) trước khi dự thi. Có ba cấp loại thi từ thấp lên cao: Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình.


Thi Hương cũng như Thi Hội, gồm bốn kỳ thi kéo dài trong khoảng một tháng. Thí sinh phải đậu hết bốn kỳ Thi Hương mới được dự Thi Hội của năm sau và phải đậu hết  bốn kỳ thi Hội mới được vào dự Thi Đình là cấp loại cao nhất, được tổ chức ngay tại triều đình. Những người chỉ thi đậu ba kỳ thi đầu của Thi Hương thì được mang học vị tú tài và được gọi là ông tú hoặc ông đồ. Gọi là ông tú vì người đó có học vị tú tài, gọi là ông đồ (ông học trò) là vì người ấy vẫn còn tiếp tục học để thi. Thông thường, các cuộc thi được mở ra mỗi ba năm một lần. Có những người theo đuổi nhiều cuộc Thi Hương mà vẫn không sao vượt qua được kỳ thi cuối cùng cho nên đành bỏ cuộc, theo nghề dạy học. Dù không còn học để thi nữa nhưng vì người ta đã quen miệng gọi là "ông đồ" cho nên danh hiệu "ông đồ" gắn liền với những người dạy học. Những người theo học các ông đồ được gọi là "đồ đệ" hoặc "đồ muội" nghĩa là học trò đàn em, "đệ" là em trai, "muội" là em gái.
Thánh Kinh Việt ngữ bản dịch Phan Khôi đã tận dụng chữ "đồ"  (học trò) rất là tuyệt vời trong khi dịch các từ ngữ sau đây:
- pistos = tín đồ (believer trong Anh ngữ); trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là "người đáng tin" hoặc "người có đức tin vào một người nào đó;" khi dùng trong Tân Ước thì có nghĩa là "người tin vào Đấng Christ."
- mathetes = môn đồ (disciple trong Anh ngữ); trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là "người theo học với một vị thầy."
- hagios = thánh đồ (saint trong Anh ngữ); trong nguyên ngữ Hy-lạp dùng trong Tân Ước có nghĩa là: "người  đã được thanh tẩy khỏi mọi ô uế và được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời."
- apostolos = sứ đồ (apostle trong Anh ngữ); trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là "người được sai đi thi hành một sứ mạng;" khi dùng trong Tân Ước thì có nghĩa là "người được Chúa sai đi rao giảng Tin Lành cho người chưa tin nhận Chúa."
Trong Hán Việt, chữ "đồ" còn có nghĩa là bị đi đày, khi dùng chung với chữ tội: "tội đồ," thì có nghĩa là người có tội bị đày đến một nơi xa quê hương của mình để chịu án phạt. Dùng từ ngữ "tội đồ" để gọi chung những người trong thế gian không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nên sẽ bị đày vào hỏa ngục để chịu phạt thì rất là thích hợp. Vì vậy, tôi đề nghị dùng chữ "tội đồ" để dịch chữ "hamartolos" (sinner trong Anh ngữ) thay vì dùng từ ngữ tội nhân.  Như vậy, chúng ta sẽ có:
- tội đồ là người phạm tội với Đức Chúa Trời và sẽ bị hình phạt trong hỏa ngục.
- tín đồ là người tin vào ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nên được thoát khỏi địa vị tội đồ để học tập trở nên giống như Chúa.
- môn đồ là người sau khi tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì hết lòng học tập, vâng theo Lời Chúa để được trở nên giống như Chúa. Môn đồ vẫn có thể bỏ Chúa (Giăng 6:66), chối Chúa (Giăng 18:17, 25-27), hoặc phản Chúa (Giăng 13:21-30).
- thánh đồ là người hết lòng làm theo lời Chúa, được Đức Thánh Linh dùng lời Chúa để thánh hóa (Giăng 17:17) và biệt riêng cho Đức Chúa Trời sử dụng (Rô-ma 6:13, 19). Thánh đồ không còn vì chính mình mà sống nữa nhưng là người sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa; hoặc sống hoặc chết, thánh đồ đều thuộc về Chúa cả (Rô-ma 14:7-8).
- sứ đồ là người được Chúa sai đi thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Lành (Ma-thi-ơ 28:18-20; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Bổn phận làm chứng về Chúa (rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến - I Cô-rinh-tô 11:26) là của tất cả các thánh đồ nhưng Chúa có gọi riêng một số người trong Hội Thánh làm sứ đồ (I Cô-rinh-tô 12:28) để suốt phần đời còn lại của họ chỉ chuyên tâm rao giảng Tin Lành.
Mặc dù đa số các giáo hội giới hạn tiếng gọi sứ đồ trong vòng 12 sứ đồ Chúa gọi lúc ban đầu cùng với Ma-thia được rút thăm, chọn thế chỗ của Giu-đa ích-ca-ri-ốt, họ dựa vào lời nói của Phi-e-rơ quy định điều kiện để được làm sứ đồ: "theo cùng chúng ta trọn lúc Đức Chúa Jesus đi lại giữa chúng ta, từ khi Giăng làm phép báp-tem cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa chúng ta" (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21-22), nhưng cá nhân tôi thì tin rằng quan điểm đó hoàn toàn sai. Chính Thánh Kinh xác nhận Phao-lô là một sứ đồ của Chúa và Phao-lô không hề hội đủ tiêu chuẩn mà Phi-e-rơ nêu ra. Thánh Kinh cũng gọi Ba-na-ba là sứ đồ (Công Vụ Các Sứ Đồ 14) và trong Khải Huyền 2:2 nói đến việc Hội Thánh Ê-phê-sô thử các sứ đồ. Nếu chức vụ sứ đồ chỉ giới hạn trong vòng 12 sứ đồ ban đầu thì Hội Thánh Ê-phê-sô không cần phải thử những người đến với Hội Thánh tự xưng là sứ đồ nữa. Cũng có lập luận cho rằng bởi vì nền tường thành Giê-ru-sa-lem mới chỉ có tên 12 sứ đồ cho nên trong Hội Thánh không thể có hơn 12 sứ đồ. Lập luận đó cũng không hợp lý, bởi vì sự kiện tên 12 sứ đồ được ghi trên nền tường thành thánh không hề mang ý nghĩa chỉ có 12 người được Chúa gọi làm sứ đồ. Sách Khải Huyền ghi rằng chỉ có 24 ngai với 24 trưởng lão, không lẽ trong toàn Hội Thánh trải qua gần 2,000 năm nay chỉ có 24 trưởng lão?
Nguyện mỗi một chúng ta đừng "hồ đồ" (không rõ lý lẽ, không phân biệt đúng sai) nhưng dứt khoác từ bỏ địa vị tội đồ, trở nên tín đồ của Đấng Christ, hết lòng học tập Lời Chúa để trở nên môn đồ của Ngài, chịu từ bỏ mọi sự, chịu khổ đi theo Chúa mỗi ngày, hoàn toàn sống và chết cho Chúa để trở nên thánh đồ của Ngài và khi nhận được sự kêu gọi để trở nên sứ đồ của Chúa trong những ngày cuối cùng này thì "không bàn với thịt và huyết" mà mạnh dạn thưa với Chúa: "Có con đây! Xin hãy sai con!"
Với những người được kêu gọi chăn bầy chiên của Chúa, ước mong quý vị từ bỏ danh xưng trịch thượng, dịch sai "mục sư" mà nhận làm một "mục đồ" của Chúa, nghĩa là một người học theo Chúa để chăm sóc bầy chiên của Ngài.

Tim Huỳnh