Vườn Mộ là một cái mộ trong vườn bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem và gần cổng Damascus (Damascus gate). Mộ này cũng được gọi là Đồi Calvary Gordon (Gordon’s Calvary). Mộ này được nhiều người cho là nơi Chúa Giê-su được chôn và sống lại. Đây là địa điểm thứ hai mà truyền thống cho là nơi Chúa Giê-su được chôn. Truyền thống khác được nhiều người chấp nhận hơn là Giáo Đường Mộ Thánh (Church of Holy Sepulchre) trong thành Giê-ru-sa-lem.
Trải nhiều thế kỷ, khách hành hương cho Giáo Đường Mộ Thánh (The Church of Holy Sepulchre) chính là nơi Chúa Giê-su được chôn và tại đây bà Helena, mẹ của Hoàng Đế Constantine đã cho xây một Giáo Đường để kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-su.
Vào thế kỷ thứ 19, có nhiều học giả đã đặt nghi vấn về tính xác thực của ngôi giáo đường này. Trong số những người này có cả Colonel Conder (1870), Fisher Howe (1871) và học giả người Đức Otto Thanius (1842). Mãi đến năm 1883 thì một vị tướng trong quân đội Anh General Charles George Dordon, CB đưa ra lý luận bào chữa quan điểm cho rằng nơi Chúa Giê-su được chôn không phải là tại Giáo Đường Mộ Thánh, mà là tại đồi núi đá gần cổng Damascus. Tướng Gordon nhận thấy các tảng đá của đồi núi này chồng lên nhau giống như một cái sọ người và trong Kinh Thánh Giăng 19:41 đã nói rõ về điều này. Tướng Gordon cũng tìm thấy nhiều ngôi mộ cổ gần đó. Ngoài ra ông cũng tìm thấy một hệ thống chứa nước (cistem) và một máy ép nho làm rượu trong vườn. Điều này chứng tỏ là tại đó ngày xưa đã có một cái vườn. Ông cũng tìm thấy một ngôi mộ được khoét từ một tảng đá lớn và ông cho rằng chính là nơi Chúa Giê-su được chôn và từ đó Ngài đã sống lại. Tất cả những gì ông tìm thấy thích hợp với cách mô tả trong Kinh Thánh về ngôi mộ của Chúa Giê-su.
Ngoài ra ngọn đồi được xem như là đồi Gô-gô-tha (Golgotha) là một nơi hợp lý nhất để đóng đinh Chúa Giê-su, vì ngọn đồi khá cao và các cuộc xử tử theo lối đóng đinh thường được đặt trên các đồi cao để nhắc nhở dân chúng về sự hình phạt nặng nề cho những ai phạm pháp. Cũng có một con đường dẫn về hướng Bắc từ Thành Giê-ru-salem nơi nhiều người qua lại. Đó cũng là cách nhắc nhở cho tội phạm về sự hình phạt khủng khiếp của người La Mã. Ngoài ra hình sọ người trên đồi phía sau cũng là một nhắc nhở đáng ghi nhớ. Eusebius, một sử gia của Hội Thánh ở thế kỷ của ông (thế kỷ thứ 4) nói về một ngôi mộ về phía Bắc của núi Si-ôn.
Nhiều nhà khảo cổ học đã bài bác lý luận của tướng Gordon và cho các công trình xây cất trong vườn này thuộc thời kỳ Thập Tự Quân (Crusaders). Dầu vậy, ngôi vườn mộ vẫn được nhiều người chấp nhận chính là nơi Chúa Giê-su được chôn, phần lớn là các người Tin Lành, đặc biệt là Tin Lành Anh Quốc. Tín đồ Chính Thống và Công Giáo vẫn xem Giáo Đường Mộ Thánh (The Church of the Holy Sepulchre) là nơi Chúa Giê-su được chôn và họ tiếp tục viếng thăm nơi này. Điều khác biệt giữa Vườn Mộ và Giáo Đường Mộ Thánh là tại Vườn Mộ du khách được đi lại thoải mái, không khí trong lành với cây cảnh xanh tươi tốt đẹp cùng với các bài ca vang lên như là lời chúc tụng sự sống lại của Chúa Giê-su.
Tại Giáo Đường Mộ Thánh khách hành hương chen chúc với nhau trong một giáo đường cũ kỹ hương khói bay lên nghi ngút đôi lúc ngộp thở cùng với các tiếng cầu kinh ồn ào. Đó cũng là sự khác biệt giữa cách hành đạo của người Chính Thống và Công Giáo với người Tin Lành.
Dầu mộ trống ở chỗ nào đi nữa, đối với đức tin của chúng ta nó không quan trọng. Điều quan trọng là mộ đã trống thật, và Chúa Giê-su thật đã sống lại, và Ngài đã thật sống lại rồi. (The Lord is Risen, He is Risen Indeed) như lời chào hỏi của các tín hữu Chính Thống trong mùa Phục Sanh.
Giáo sư Nguyễn Xuân Đức