Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

TÂN SINH 1--ĐƯỢC SINH LẠI NGHĨA LÀ GÌ?



Vào giây phút chúng ta mới tin Chúa Jesus và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, một điều gì đó kì diệu đã xảy đến với chúng ta. Kinh Tháng mô tả điều đó bằng cách nói rằng chúng ta được “sinh lại”: “Jesus đáp: Amen, amen, Ta nói với ngươi: Nếu người  nào không được sinh lại, thì không thể thấy vương quốc Đức Chúa Trời”. ( John 3: 3).
Thuật ngữ “sinh lại” (tân sinh) đã được dùng nhiều lần đến nỗi không còn nhiều tác động nữa. Cho dù có nhiều người sử dụng thuật ngữ này, và nhiều giáo sư Cơ Đốc đã phát ngôn về chủ đề này, nhưng ít ai trong chúng ta hiểu được việc được sinh lại phong phú và kỳ diệu như thế nào.

Chúng ta không nhận thức được có bao nhiêu điều diễn ra ngay khi chúng ta mới tin Chúa Jesus. Khi chúng ta ăn năn tội lỗi mình và mở lòng ra với Chúa, có thể chúng ta đã cầu nguyện đôi điều giống như vầy: “Chúa Jesus ơi, tôi là một tội nhân. Xin tha thứ cho tôi về tội lỗi của mình. Bây giờ tôi mở ra với Ngài. Chúa Jesus ơi, tôi tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của tôi.” Sau khi cầu nguyện, chúng ta cảm tạ vì tội lỗi mình đã được tha thứ. Chúng ta vui mừng vì chúng ta không còn phải đi địa ngục nữa; nhưng chúng ta không hề có ý tưởng rằng Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta một điều gì đó lớn hơn so với việc “không phải đi địa ngục”. Chúng ta không nhận thức rằng chính Chúa có một niềm ao ước. Chủ đích của Chúa trong việc cứu chúng ta cao hơn nhiều so với sự hiểu biết của chúng ta. Thật ra, chỉ trong cõi đời mọi sự phong phú mà chúng ta đã nhận được vào lúc được cứu rỗi mới được khải thị cho chúng ta cách trọn vẹn. Chỉ trong cõi đời đời chúng ta mới nhận thức đầy đủ việc được sinh lại mầu nhiệm và quý báu biết bao. Khi chúng ta được sinh lại, một điều gì đó lạ lùng xảy ra, là điều hầu như vượt quá sự hiểu biết.

“ĐƯỢC SINH LẠI” KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ “LÊN THIÊN ĐÀNG”
Việc được sinh lại thường bị hiểu sai. Chính chúng ta có thể nghĩ rằng được sinh lại nghĩa là một ngày kia chúng ta sẽ lên thiên đàng. Chúng ta sẽ lên thiên đàng khi chúng ta chết hoặc khi Chúa trở lại. Nhưng sự dạy dỗ này hoàn toàn sai trật. Trong Kinh Thánh, không có cái gọi là “lên thiên đàng”. Thay vì vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng vào cuối thời đại này, thành phố thiên thượng là Jerusalem mới sẽ xuống trái đất (Khải 21:2). Chúng ta không lên trời. Jerusalem mới sẽ xuống trái đất, là nơi các tín đồ sẽ ở với Chúa cho đến đời đời. Quan niệm về việc lên thiên đàng đã khiến chúng ta lầm lạc. Điều đó khiến chúng ta nghĩ rằng sau khi được sinh lại, chúng ta có thể sống theo bất cứ cách nào mà mình chọn trước khi lên thiên đàng.

Sự hiểu biết điển hình về việc được sinh lại là chúng ta có một thỏa thuận với Chúa. Sau khi lập thỏa thuận này, chúng ta sẽ không còn đi địa ngục nữa. Thay vì vậy, chúng ta sẽ lên thiên đàng. Trước khi lên thiên đàng, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình thích. Chúng ta có thể đi đến hội thánh mà chúng ta chọn. Chúng ta có thể khá tự do trong nếp sống hằng ngày của mình. Về một mặt, chúng ta có thể thực hiện một số công tác tôn giáo. Trong lúc đó, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa để Ngài chăm lo cho mọi nhu cầu cá nhân của chúng ta.

Bây giờ, vì đã được sinh lại nên chúng ta có thể nghĩ rằng chủ đích của Chúa ngày nay chỉ là chăm sóc chúng ta. Giả sử chúng ta thiếu tiền, vì vậy chúng ta cầu nguyện với Chúa. Sau đó, người chủ sẽ tăng lương cho chúng ta. Sau đó, chúng ta cầu nguyện: “Chúa ơi, cảm tạ Ngài vì đã giúp tôi về mặt tài chánh”. Giả sử chúng ta đang cố đón xe buýt, nhưng chung ta bị trễ. Khi đó, chúng ta cầu nguyện: “Chúa ơi, hãy giữ xe buýt lại cho tôi.” Chúng ta nhận thấy rằng xe buýt đang ở chờ chúng ta. Khi đó, chúng ta nói với Chúa: “Cảm tạ Ngài vì đã giữ xe buýt lại cho tôi.” Nếu vô tình để quên ví tiền của mình ở đâu đó và quay lại tìm, chúng ta sẽ cầu nguyện: “Chúa ơi, xin đừng để ai khác nhặt được nó.” Nếu tìm thấy ví của mình ở đúng nơi mà chúng ta để quên, chúng ta sẽ cầu nguyện: “Chúa ơi, cảm tạ Ngài. Ngài đã gìn giữ để không ai lấy ví của tôi.” Mọi kinh nghiệm này đều đơn giản và có thể hiểu được. Nhưng dường như chúng ta thường tìm kiếm những loại kinh nghiệm này chứ không tìm kiếm chính Chúa. Mặc dù Chúa đáp lại những lời cầu nguyện như vậy, nhưng mức độ kinh nghiệm sự sinh lại của chúng ta không nên chỉ có bấy nhiêu.

Nếu chúng ta nghĩ rằng chủ đích duy nhất của Chúa là đáp ứng các nhu cầu cá nhân riêng của chúng ta trước khi chúng ta lên thiên đàng, thì chúng ta đang đối xử với Chúa Jesus cách bất công. Quan niệm này biến Ngài thành một ông già Noel ngồi giữa một trung tâm mua sắm. Chúa chẳng khác nào là một người tặng quà, chờ chúng ta cầu nguyện và nói cho Ngài biết chúng ta cần gì. Chúng ta cho rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự mà chúng ta cầu xin, ngoại trừ chính thân vị của Ngài.
Chúa không có ý định để cho chúng ta sống theo cách chúng ta chọn. Chủ đích của Ngài không phải là chúng ta sẽ lên thiên đàng. Sự hiện hữu của Ngài không phải chỉ là để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của chúng ta. Nhu cầu quan trọng nhất mà chúng ta có là nhu cầu về chính Đấng Christ, và niềm ao ước của Chúa là ban chính Ngài cho chúng ta. Chúng ta được sinh lại để có được các kinh nghiệm chủ quan về Đấng Christ.

“ĐƯỢC SINH LẠI” NGHĨA LÀ ĐẤNG CHRIST SỐNG TRONG CHÚNG TA 

Chúng ta có thể nghĩ rằng khi chúng ta được sinh lại, Thánh Linh đã bước vào trong chúng ta, nhưng chính Đấng Christ vẫn còn ở ngoài chúng ta. Đây cũng là một quan niệm sai trật. Vì Đưc Chúa Trời là Tam Nhất, nên chúng ta thường chia Ngài thành Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con và Đức Chúa Trời Linh; nhưng chúng ta thường xao lãng sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Khi chúng ta được sinh lại, ai đã bước vào trong linh chúng ta để sống trong chúng ta? Chúng ta có thể trả lời: “Thánh Linh”. Điều này chắc chắn đúng, nhưng chúng ta không được phân rẽ Linh khỏi chính Đấng Christ. Nếu chúng ta nói rằng chỉ có Linh bước vào trong chúng ta, chứ không phải chính Đấng Christ, thì việc được sinh lại không có liên quan gì đến thân vị của Đấng Christ sống động. Nếu được hỏi : “Linh ở đâu?”, chúng ta có thể nói: “Linh ở bên trong tôi như người đại diện của Đấng Christ.” Rồi nếu được hỏi “Đấng Christ ở đâu?”, chúng ta có thể nói: “Ngài đang ngồi trên ngai trong cõi thiên thượng.” nhưng điều này không chính xác. Chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Tam Nhất. Không chỉ Linh ở trong chúng ta, mà Đấng Christ cũng ở trong chúng ta. Khi chúng ta được sinh lại, chính Đấng Christ bước vào trong chúng ta.
Kinh Thánh làm sáng tỏ rằng sau khi chúng ta được cứu, Đấng Christ sống trong chúng ta. Colose 1:27 nói : “Đức Chúa Trời đã vui lòng tỏ cho họ biết sự vinh hiển phong phú của huyền nhiệm này là vì giữa lòng dân Ngoại bang, tức là Đấng Christ ở trong anh em, sự hi vọng về vinh hiển.’ Theo câu này, Đấng Christ không chỉ ở trên ngai trong cõi thiên thượng. Ngài ở trong chúng ta như hi vọng về vinh hiển. 2 Corinth 13:5 nói: “Anh em hãy tự kiểm tra xem liệu anh em có ở trong đức tin không; hãy tự chứng thực. Hoặc đối với chính mình, anh em không nhận thức rằn Jesus Christ ở trong anh em sao, bằng không anh em bị loại ra?” Câu này rất nghiêm trọng. Nếu Đấng Christ không ở trong chúng ta, thì chúng ta bị loại ra. Rom. 8:10: “Nhưng nếu Đấng Christ ở trong anh em thì dù thân thể chết vì cớ tội, nhưng Linh và sự sống vì cớ sự công nghĩa.” Cuối cùng, Galati 2:20 nói : “Tôi bị đóng đinh với Đấng Christ, và không còn tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” Tất cả những câu này chứng tỏ với chúng ta rằng không phải chỉ có một mình Linh là Đấng bước vào trong chúng ta khi chúng ta được sinh lại. Thật không đúng khi chúng ta nói rằng Linh ở trong chúng ta chỉ như người đại diện của Đấng Christ là Đấng đang ngồi trên ngai trong cõi thiên thượng. Bây giờ vì chúng ta đã được sinh lại nên theo Kinh Thánh, chính Đấng Christ sống trong chúng ta.

ĐẤNG CHRIST MUỐN CHÚNG TA
KINH NGHIỆM NGÀI CÁCH CHỦ QUAN

Tại sao việc nhận thức rằng chính Đấng Christ hiện đang sống trong chúng ta lại quan trọng như vậy? Đó là vì Ngài muốn trở nên chủ quan đối với chúng ta. Thật không đủ khi chỉ biết về Ngải cách khách quan. Đấng Christ muốn trở nên thực tế với chúng ta trong kinh nghiệm của chúng ta, và đó là lý do tại sao Ngài cứu chúng ta. Để minh họa, giả sử tôi có một viên kẹo và muốn anh em nếm thử. Việc nếm và vui hưởng viên kẹo thì chủ quan. Nhưng giả sử tôi chỉ quan tâm đến các sự kiện khách quan. Tôi có thể nói cho anh em biết mọi chi tiết về viên kẹo. Tôi có thể nói cho anh em nó mùi vị như thế nào. Tôi có thể mô tả màu sắc và hình dáng của nó. Tôi có thể nói về thành phần. Tôi có thể cho anh em biết tôi đã mua nó ở đâu. Nhưng sau khi nghe mọi sự kiện này, cuối cùng anh em sẽ nói: “Chỉ cần đưa tôi viên kẹo. Tôi không quan tâm nó trông ra sao hay nó từ đâu đến. Hãy để tôi nếm thử”. Sau đó, nếu anh em lấy viên kẹo bỏ vào miệng, thì nó không còn khách quan đối với anh em nữa. Nó trở nên rất chủ quan.

Chúng ta phải tự hỏi chính mình, chúng ta có một Đấng Christ chủ quan không? Chúng ta biết nhiều sự kiện về Ngài, nhưng Ngài có thực tế đối với chúng ta không? Chúng ta có thể nói về Ngài và đánh giá cao Ngài, nhưng chúng ta có kinh nghiệm Ngài trong đời sống hằng ngày của mình không? Được sinh lại là có một kinh nghiệm đích thực, chủ quan về Đấng Christ. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Chúng ta cần chứng thực kinh nghiệm sinh lại của mình hết ngày này sang ngày khác và hết năm này sang năm khác. Chúng ta phải vui hưởng các sự phong phú mình nhận được từ sự cứu rỗi suốt cả cuộc đời mình. Chúa cứu chúng ta để Ngài có thể trở nên chủ quan đối với chúng ta. Điều chúng ta nhận được vào giây phút chúng ta lần đầu tiên mở lòng minh và tin Chúa Jesus phải trở nên sự vui hưởng liên tục của chúng ta. Đây là điều Chúa ao ước, và đây là lý do tại sao chúng ta được sinh lại.

VIỆC ĐƯỢC SINH LẠI DẪN ĐẾN BA KẾT QUẢ KỲ DIỆU

Có ba điều lạ lùng xảy ra với chúng ta khi chúng ta được sinh lại. Thứ nhất, chúng ta nhận được một sự thay đổi sự sống. Sự sống của Đức Chúa Trời Tam Nhất bước vào trong chúng ta và phục hồi linh chúng ta. Thứ hai, chúng ta nhận được một sự thay đổi vị trí. Chúng ta không còn thuộc đất nữa, nhưng chúng ta được ngồi với Đấng Christ trong các nơi thiên thượng. Thứ ba, chúng ta nhận được điều cần yếu là sự thay đổi cách sống. Chúng ta được sinh vào trong Thân Thể Đấng Christ để sống nếp sống Thân Thể. Đây là ba kết quả kỳ diệu khi chúng ta được sinh lại. Giây phút chúng ta tiếp nhận Chúa, mọi sự lập tức thay đổi. Sự sống, vị trí và cách sống của chúng ta trở nên mới.

VIỆC ĐƯỢC SINH LẠI LÀM CHO CHÚNG TA
TRỞ NÊN VĨ ĐẠI TRONG QUAN ĐIỂM CỦA CHÚA
Không một điều nào trong số những điều này từng xảy ra đến với dân Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Bất kể các tổ phụ và các tiên tri trong Cựu Ước kỳ diệu đến đâu, họ cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm về việc được sinh lại. Họ chưa từng có một sự thay đổi về sự sống, sự thay đổi về vị trí hay nhu cầu về sự thay đổi cách sống. Thí dụ, trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Abraham nhưng Abraham chưa từng được sinh lại. Vì vậy, Abraham chưa từng có một sự thay đổi sự sống. Abraham vẫn luôn là Abraham. Đức Chúa Trời cũng nhiều lần hiện ra với Jacob, nhưng ông vẫn là Jacob. Tên của ông được đổi thành Israel, nhưng sự sống của ông vẫn không thay đổi. Ông chưa từng nhận được sự thay dổi về sự sống, sự thay đổi về vị trí hay nhận được điều cần yếu là sự thay đổi cách sống. Jacob không bao giờ có thể được sinh lại.

Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tổ phụ, nhiều vị vua, tiên tri và chi phái vĩ đại trong Cựu Ước. Ngài đã hiện ra với họ, Ngài đã phát ngôn với họ và Ngài đã dùng họ theo nhiều cách khác nhau; nhưng không ai trong số đó từng kinh nghiệm việc nhận được một sự sống mới. Không ai trong số họ từng nhận được một vị trí mới. Và không ai trong số họ từng nhận được điều cần yếu là một cách sống mới. Chúng ta không khinh thường các tổ phụ này. Bởi đức tin, chúng ta là hậu duệ của họ. Chúng ta đánh giá cao Abel, Seth, Enoch, Noah, Abraham, Isaac, Jacob, Joseph, Moses, joshua, Caleb và nhiều người khác. Nhưng không ai trong số họ được sinh lại. Đức Chúa Trời không bao giờ có thể tác động hỗ tương với họ hoặc công tác với họ theo cùng một cách mà Ngài hiện đang làm với chúng ta.

Lấy một ví dụ rất tiêu cực trong Cựu Ước, đó là Jehovah đã sử dụng tiên tri Balaam. Balaam được Balak là vua dân Moab thuê mướn để rủa sả dân Israel (Dân 22:1– 24:25). Nhưng khi ông đang cố gắng rủa sả họ thì tất cả những gì Balaam có thể làm lại là chúc phước cho họ. Khi Balak phản đối, yêu cầu ông rủa sả dân Israel, Balaam đáp lại cách rất thuộc Linh: “Tôi sẽ phát ngôn những gì  Jehovah phát ngôn.” Balaam công bố nhiều sự chúc phước đẹp đẽ trên con cái Iarael. Nhưng sau mọi sự chúc phước này, chính Balaam có bất cứ sự khác biệt nào không? Ông có thay đổi chút nào không? Câu trả lời là không. Cuối cùng ông đã tìm ra cách làm tổn hại dân Israel. Ông không thể rủa sả họ, vì Linh của Đức Chúa Trời không ở trên ông để làm như vậy. Nhưng ông đã dạy Balak cách làm dân Israel vấp ngã bằng cách đem họ vào trong sự vô luân và thờ thần  tượng ( Khải 2:14). Điều này khuấy động cơn giận của Đức Chúa Trời và khiến Ngài phạt dân Israel (Dân 25:1-9) Thậm chí sau khi Đức Chúa Trời đã phát ngôn qua Balaam, ông vẫn là một người độc ác. Balaam được Đức Chúa Trời dùng, nhưng ông vẫn là Balaam. Tất nhiên, những người chúng ta ngưỡng mộ trong Cựu Ước không giống như Balaam, nhưng nguyên tắc cũng đúng đối với họ. Bất kể Đức Chúa Trời sử dụng họ nhiều bao nhiêu, sự sống, vị trí và cách sống của họ vẫn y như cũ. Họ không nhận được các phước hạnh mà chúng ta vui hưởng ngày nay bởi được sinh lại.

Trong Cựu Ước, có nhiều tổ phụ vĩ đại là những người được Đức Chúa Trời dùng cách tích cực; nhưng không ai trong số họ từng kinh nghiệm điều mà chúng ta đã kinh nghiệm khi ăn năn và tin vào Chúa Jesus. Giây phút chúng ta được sinh lại, chúng ta lập tức trở nên vĩ đại hơn mọi tổ phụ trong Tân Ước. Chúng ta nhận được ba điều vĩ đại mà họ chưa từng nhận được. Chúng ta nhận được một sự sống mới, một vị trí mới và điều cần yếu là một cách sống mới. Điều này làm cho chúng ta trở nên vĩ đại hơn tất cả những người của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước.

Khi Chúa Jesus ở trên đất, Ngài nói rằng John Baptist vĩ đại hơn mọi thánh đồ Cựu Ước. Ngài nói: “Giữa vòng những người được nữ sinh ra không ai được dấy lên lớn hơn John Baptist, nhưng kẻ nhỏ nhất trong vương quốc thiên thượng thì lớn hơn ông” (Math. 11:11). John Baptist vĩ đại hơn mọi người đi trước ông. Trong tất cả các thánh đồ Cựu Ước– Abel, Enoch, Noah, Abrahsm, Isaac, Jacob, Moses, David, Solomon, Isaiah, Jeremiah, Daniel– không ai vĩ đại hơn. Nhưng Chúa cũng nói một điều đáng ngạc nhiên: “Nhưng kẻ nhỏ nhất trong vương quốc thiên thượng thì lớn hơn ông”. Điều đó có nghĩa là mọi người được sinh lại đều vĩ đại hơn John Baptist.

Chúng ta thường xem mình là nhỏ bé và không quan trọng, nhưng chúng ta không nên xem thường chính mình. Chúa Jesus nói rằng chúng ta vĩ đại hơn John Baptist, vốn là người vĩ đại hơn tất cả những người của Đức Chúa Trời đã đi trước ông. Cho dù chúng ta chỉ mới được cứu cách đây không lâu, nhưng chúng ta vô cùng đặc biệt đối với Chúa. Chúng ta vĩ đại hơn tất cả các tổ phụ Cựu Ước. Chúng ta vĩ đại hơn John Baptist. Ngợi khen Chúa, chúng ta đã được sinh lại! Chúng ta có một sự sống mới, một vị trí mới và điều cần yếu là một cách sống mới. Đó là lý do tại sao chúng ta vĩ đại và quý báu trong mắt của Chúa.