Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Con người được tạo nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, có nhiệm vụ cai trị



(Phần 10 của loạt bài  "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời".

(Sáng Thế Ký 1:26‐28; Thi Thiên 8)
Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để chúng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật và các thú rừng trên khắp đất, và mọi sinh vật bò sát mặt đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho trái đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và các thú vật chuyển động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:26-28).

A. Con người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời

(Sáng Thế Ký 1:26-27)
Sáng nay, chúng ta đi đến cao điểm của sự tạo dựng. Anh em có để ý rằng trong những ngày qua Chúa luôn đi lên cao hơn không? Chúa không ở một mức độ, mà Chúa đã nâng cao dần mức của sự sống. Mức cao nhất của sự sống mà Chúa đã tạo ra là con người. Con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nghĩa là không còn gì cao hơn nữa, vì không có gì cao hơn Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Ha-lê-lu-gia! Chúng ta phải cảm tạ và ngợi khen Chúa vì chúng ta là người. chứ không phải là con chuột hay con thú nào đó. Những hình ảnh trong Sáng Thế Ký 1 miêu tả các mức độ khác nhau của sự sống thuộc linh. Kinh nghiệm về con người thực sự là sự biểu lộ cao nhất của sự sống thuộc linh.

Tôi muốn tóm tắt lại những gì chúng ta đã nghe. Ban đầu là sự hỗn độn và đó cũng là tình trạng thuộc linh ban đầu của chúng ta. Anh em đang ở trong sự hỗn độn, thật tuyệt vời khi Chúa soi sáng. Có lẽ anh em sẽ không cảm thấy dễ chịu lắm vì ánh sáng phơi bày anh em. Đó chính là sự cứu rỗi cho anh em, làm anh em xoay lòng lại với Chúa. Ánh sáng không phải để phán xét anh em mà là để làm sạch và dọn dẹp trong anh em. Ánh sáng này muốn chỉ cho anh em thấy những điều không ổn, những gì tối tăm, những gì thuộc về đêm tối trong đời sống chúng ta. Nhưng Chúa không dừng lại mà Ngài tiếp tục phân rẽ giữa những gì thuộc về trời và những gì thuộc về đất và phân rẽ giữa sống và chết. Sau đó, Chúa bắt đầu để sự sống của Ngài phát triển trong chúng ta. Sự sống này bắt đầu với cỏ, thật nhỏ bé, không được biểu lộ nhiều ra bên ngoài. Cỏ cũng tốt, nhưng sự sống phải phát triển thành thảo mộc, rồi thành cây. Sự sống của Chúa ở trong chúng ta muốn tăng trưởng, chứ không dừng ở một mức độ mãi. Kế đó, Chúa đã cho chúng ta thấy kế hoạch của Ngài là Hội Thánh. Chúng ta thấy Hội Thánh là mặt trăng và chúng ta phản chiếu Chúa. Nếu chúng ta đến Hội Thánh, sự sống của chúng ta có thể phát triển nhiều hơn nữa. Trong Hội Thánh, chúng ta học để thắng thế gian thông qua bản chất của cá. Khi có gì xảy ra, chúng ta dùng đôi cánh của chim để bay đến vị trí thuộc trời của chúng ta: chúng ta đã được đặt ngồi cùng Chúa ở các nơi trên trời. Và rồi chúng ta học để phục vụ, kinh nghiệm được bản chất của gia súc, nghĩa là nhờ Đấng Christ để phục vụ Đức Chúa Trời. Thật là tuyệt phải không? Chúng ta cũng học để hạ mình thành một con giun như Chúa, để Chúa có thể nâng chúng ta lên. Điều này không phải là kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc sống Cơ Đốc nhân, nhưng Chúa muốn chúng ta kinh nghiệm được nó. Kế đó, chúng ta đã thấy rằng con sư tử là con vật thống trị. Sư tử cũng là hình ảnh cho con người. Con người cũng phải cai trị. Qua Sáng Thế Ký 1, chúng ta thấy một sự phát triển qua các kinh nghiệm và giai đoạn của sự sống.

1. Con người phải biểu lộ bản chất của Đức Chúa Trời (2.Tê-sa-lô-ni-ca 1:10; 2:14)

Con người có một đặc quyền tuyệt vời là được phép sở hữu tất cả những gì mà Đức Chúa Trời có. Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Tại sao Đức Chúa Trời lại làm như vậy? Tại sao người ta tốn công để làm đôi găng tay theo hình dạng của bàn tay? Để bàn tay có thể lấp đầy găng tay được. Đức Chúa Trời đã tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài, để sự sống Ngài có thể đổ đầy chúng ta. Những gì mà Ngài có, Ngài muốn ban vào trong chúng ta. Anh em có nhận được Đấng Christ chưa? Chúng ta hãy đọc vài câu trong Cô-lô-sê 1:26-27 để có ấn tượng về điều này “tức là điều huyền nhiệm đã được giấu kín trải qua các thời đại và các thế hệ, nhưng bây giờ đã được bày tỏ cho các thánh đồ của Ngài. Đức Chúa Trời đã muốn tỏ cho họ biết sự giàu có về vinh hiển của huyền nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hy vọng của sự vinh hiển”. Trong những ngày này, chúng ta đã cảm nhận được rằng trong Đấng Christ có chứa đựng tất cả những gì Đức Chúa Trời sở hữu. Mọi phương diện của sự sống Đức Chúa Trời đã được làm ứng nghiệm trong Jesus Christ. Đấng Christ này bây giờ đang ở trong chúng ta. Để làm gì? Đức Chúa Trời đã ban Đấng Christ cho chúng ta để chúng ta kinh nghiệm được Đấng Christ và dùng đến Ngài. Nếu Đấng Christ ở trong anh em, mà anh em không cảm nhận được thì có ích gì? Như thế không được. Đức Chúa Trời sẽ không vui vì Ngài đã ban tặng chúng ta món quà lớn nhất vũ trụ, mà chúng ta làm như không có. Nếu anh em tặng một siêu xe hơi cho ai đó, thì người nhận cũng phải chạy nó, chứ không chỉ để trong gara. Chúng ta phải học để sử đụng những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Cô-lô-se 2:8-10 nói rằng “Hãy giữ mình, đừng để ai gài bẫy anh em bằng triết học và lời giả dối rỗng tuếch dựa trên truyền thống của loài người và các yếu tố của thế giới, chứ không theo Đấng Christ. Vì trong Ngài toàn bộ sự đầy dẫy của bản tánh Đức Chúa Trời đều hiện diện trọn vẹn trong thân thể, và trong Ngài anh em được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực”. Ha-lê-lu-gia, trong Đấng Christ có toàn bộ sự đầy dẫy bản tính của Đức Chúa Trời và cũng trong Đấng Christ mà chúng ta được mang đến sự đầy dẫy này. Chúng ta có con đường để đến với sự đầy dẫy này. Vì vậy, chúng ta đừng để bị phân tâm bởi bất kỳ điều gì. Phao-lô đã khuyên các thánh đồ đừng để mình bị lừa dối bởi triết học hay lời giả dối rỗng tuếch dựa vào truyền thống của loài người. Nhiều Cơ Đốc nhân gìn giữ truyền thống hay thực hành theo một phương pháp nào đó rồi nghĩ mình là “siêu thuộc linh”. Vì sao lại như vậy? Vì họ không nhận biết Đấng Christ và không khám phá được sự giàu có ở trong Ngài. Có nhiều thứ đã thay thế Đấng Christ. Chỉ biết Đấng Christ sống trong chúng ta thì chưa đủ, mà chúng ta phải phám khá được sự đầy dẫy của Ngài.

2. Không phải bởi nỗ lực cá nhân mà bởi Đấng Christ ở trong chúng ta (Cô-lô-se 1:27; 2:8-10; Phi-líp 3:7-9; 2.Phi-e-rơ 1:1-4)

Qua Cô-lô-se 1:27, Đức Chúa Trời không chỉ dừng lại ở việc Đấng Christ ở trong anh em mà Ngài còn muốn bày tỏ sự giàu có của Đấng Christ cho anh em. Ngài muốn cho anh em kinh nghiệm món quà này to lớn như thế nào. Đức Chúa Trời nói đây là một điều huyền nhiệm. Điều huyền nhiệm có nghĩa là người ta không thể tìm ra một cách nhanh chóng, mà người ta phải tìm kiếm và hỏi han. Đấng Christ ở trong anh em cũng vậy. Đừng nghĩ rằng mọi thứ đều xuất hiện một cách tự động. Đức Chúa Trời làm cho Đấng Christ trong anh em trở nên một điều huyền nhiệm để anh em làm quen với Đấng Christ. Ngài cũng muốn thấy anh em khao khát khám phá được sự giàu có của Đấng Christ. Đây là điều mang tính quyết định.

2.Phi-e-rơ 1:3-5 “Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và việc sống theo Đức Chúa Trời, qua sự hiểu biết đầy đủ về Đấng đã kêu gọi chúng ta đến sự vinh hiển và nhân đức của Ngài. Qua những điều đó, Ngài đã ban cho chúng ta những lời hứa quý giá và lớn nhất, để cho anh em nhờ đó được dự phần vào bản tính của Đức Chúa Trời, vì đã thoát được sự hư nát gây ra bởi tham dục trong thế gian. Vậy nên, anh em hãy dùng tất cả siêng năng để thêm cho đức tin mình dồi dào sự nhân đức, thêm cho nhân đức hiểu biết”. Phi-e-rơ đã khám phá rằng Đức Chúa Trời đã ban tặng cho chúng ta mọi lời hứa quý giá và lớn nhất. Anh em đã làm gì để nhận được Đấng Christ? Anh em chỉ tiếp nhận Ngài thôi. Bởi đức tin mà anh em đã nhận được món quà này. Chỉ vậy thôi mà Đức Chúa Trời đã ban tặng cho anh em mọi sự liên quan đến sự sống và việc sống theo Đức Chúa Trời. Cái “gói” mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh em có chứa đựng mọi điều. Điều này giống như hạt giống của cây. Một hạt giống tuy rất nhỏ, nhưng nó bao gồm mọi thông tin về các tế bào của cây. Khi được gieo xuống đất, nó có thể tự phát triển thành một cái cây to, vì trong hạt giống có đủ mọi điều cần thiết rồi. Tôi cảm động vì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để chúng ta có thể kinh nghiệm được hiện thực thuộc linh trong Sáng Thế Ký 1.

3. Siêng năng để có được bản tính của Đức Chúa Trời nhiều hơn (2.Phi-e-rơ 1:5-10)

Ngài đã ban cho anh em tất cả. Anh em đừng nói rằng mình chỉ kinh nghiệm được cỏ thôi. Không phải như vậy, trong anh em có sự sống đắc thắng thế gian, anh em có sự sống có thể bơi lội trong biển, có vây, có vảy. Chúa đã ban cho anh em sự sống này rồi. Dù đã được tặng tất cả nhưng chúng ta cần phải siêng năng.Trong câu 5, Phi-e-rơ nói “Vậy nên, anh em hãy dùng tất cả siêng năng để thêm cho đức tin mình dồi dào sự nhân đức, thêm cho nhân đức hiểu biết”. Nếu anh em đã nhận được một cái gì đó thật tuyệt thì anh em phải chăm chỉ siêng năng để khám phá nó. Ví dụ, tôi mua một cái điện thoại di động mới vì điện thoại kia quá cũ. Tôi chỉ dùng được 5% chức năng của điện thoại mới thôi vì tôi không siêng năng để khám phá mọi chức năng của nó. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy ganh tỵ khi thấy người khác dùng nó. Cái di dộng của tôi cũng làm được như vậy, nhưng tôi đã không siêng năng để khám phá nó.

Nhưng nếu anh em không đầu tư nhiều vào điện thoại di động thì cũng không sao, tại vì nó không có ích lợi nhiều. Còn đầu tư để có thêm bản tính Đức Chúa Trời thì có lợi nhiều hơn. Anh em hãy đọc trong 1.Ti-mô-thê 4:7-8: “Nhưng hãy từ chối các câu chuyện không thánh khiết và hoang đường của các bà già, mà tự luyện tập để có thêm bản tính Đức Chúa Trời. Vì sự luyện tập thân thể ích lợi chẳng bao nhiêu, còn luyện tập để có thêm bản tính của Đức Chúa Trời thì ích lợi đủ mọi mặt, vì trong đó có lời hứa cho cuộc sống hiện tại và cho đời sống tương lai nữa”. Người ta có thể luyện tập nhiều thứ, như tập dùng điện thoại thông minh, tập để ghi bàn đẹp trong môn bóng đá,... Tất cả những điều này chẳng có lợi bao nhiêu. Chỉ có một thứ duy nhất có lợi về mọi mặt. Đó chính là tâm linh của anh em. Hãy luyện tập tâm linh anh em hơn tất cả những thứ khác. Hãy khám phá Đấng Christ ở trong anh em vì Ngài có lời hứa cho cuộc sống hiện tại và cả cuộc sống đời sau nữa. Nếu luyện tập như vậy, anh em sẽ đi đúng đường và sẽ thành công. Anh em sẽ không mệt mỏi mà đạt được sự mục tiêu của sự vinh hiển. Chúng ta hãy siêng năng để sử dụng tâm linh của mình, đừng lười biếng. Sự luyện tập thân thể cũng cần phải siêng năng. Lúc đầu tôi không có hứng để chạy bộ vào buổi sáng. Tôi phải chiến thắng chính mình để mỗi ngày dậy sớm hơn một tiếng. Cuối cùng tôi cũng làm được. Việc luyện tập tâm linh cũng vậy, nếu chúng ta muốn thì chúng ta sẽ làm được. Chúa sẽ giúp chúng ta.

Lu-ca 11:9-13 “Ta nói với các ngươi: Hãy xin, các ngươi sẽ được ban cho; hãy tìm, các ngươi sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các ngươi. Vì hễ ai xin sẽ nhận được, ai tìm sẽ gặp, và ai gõ cửa, cửa sẽ mở cho. Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin một con cá mà cho nó con rắn thay vì con cá chăng? Hay con mình xin một quả trứng mà cho con bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu xa mà còn biết cho con cái mình những vật tốt, huống chi Cha các ngươi trên trời, Ngài há chẳng ban Thánh Linh cho những người xin Ngài sao?” Chúng ta phải làm gì khi nhận thấy đời sống thuộc linh không có tiến bộ? Chúa đã ban cho chúng ta một lời hứa tuyệt vời: hãy xin thì sẽ được ban cho. Nhưng nếu xin mà không nhận được liền thì anh em làm gì? Chúng ta phải đi tìm. Chúng ta nên hỏi Chúa: “Tại sao con không nhận được? Điều gì cản trở Chúa? Tại sao con không còn kinh nghiệm được Chúa nữa? Con không muốn ở trong tình trạng này. Con không muốn dậm chân tại chỗ mà con muốn tiến lên”. Hãy đi tìm như vậy đó vì Chúa đã nói “Hãy tìm thì sẽ gặp”. Nhưng câu 9 không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm mà chúng ta phải gõ cửa. Khi nào anh em phải gõ cửa? Để đi ra khỏi cái phòng này, anh em không cần gõ cửa không mà chỉ cần mở cửa ra. Anh em gõ cửa khi cánh cửa đang bị đóng. Thỉnh thoảng, anh em đã tìm kiếm nhiều, nhưng không thấy tiến bộ, nó giống như cánh cửa đang bị đóng. Nhưng anh em dừng lại ở đó, Chúa nói chúng ta phải gõ cửa. Đây là nghĩa của “dùng tất cả siêng năng” trong 2.Phi-e-rơ 1:5. Nếu anh em nói “con đã tìm nhưng không có tác dụng gì cả” thì Chúa sẽ trả lời “Thế con đã dùng tất cả siêng năng chưa?” Một số người một khi đã muốn thì không bao giờ bỏ cuộc cả. Nếu vợ tôi tìm mà không gặp thì vợ tôi gõ cửa, cánh cửa luôn mở ra. Như ở Gia-cốp cũng vậy, ông từng là một kẻ lừa đảo. Ở ông có gì đặc biệt? Ông đã dùng tất cả siêng, đã luôn tranh đấu cho đến khi nhận được sự chúc phước mới thôi. Nguyên lý này rất quan trọng. Anh em đừng có dè dặt. Nếu Chúa không trả lời liền thì anh em đừng giữ im lặng, mà hãy bám chặt lấy Chúa cho đến khi Ngài nhậm lời. Chúa sẽ ban cho chúng ta vì Ngài thích như vậy.

B. Đảm nhận nhiệm vụ cai trị (Sáng Thế Ký 1:28)

Con người không chỉ được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, mà con người là tạo vật duy nhất được Ngài giao nhiệm vụ. “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để chúng cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật và các thú rừng trên khắp đất, và mọi sinh vật bò sát mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:26). Đức Chúa Trời đã ấn định chúng ta để cai trị. Cho đến bây giờ, Sa-tan vẫn thống trị trên trái đất một cách bất hợp pháp. Nhưng Đức Chúa Trời đã tạo con người để con người mang trái đất trở lại dưới sự tể trị của Ngài. Chúng ta có ý nghĩa rất cao trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, nên Ngài phán với con người “hãy chế phục trái đất” (câu 28). Ngài đã tạo trái đất cho chúng ta, nhưng nó chưa ở dưới quyền của chúng ta. Ngài không làm cho trái đất phục tùng chúng ta cách tự động, mà chúng ta phải học để thống trị nó. Chúng ta hãy giành lấy trái đất này.

1. Nhờ vào nhân tính của Chúa để cai trị (Ma-thi-ơ 5:5)

Tôi cảm thấy thú vị khi Chúa bảo con người phải cai trị các sinh vật bò sát mặt đất. Câu này nói đến con giun, nhưng cũng nói đến con rắn. Cai trị con giun thì không khó lắm, tôi tin ai trong chúng ta cũng có thể cai trị con giun được. Ngay cả con nít cũng làm được. Nhưng cai trị con rắn là chuyện khác. Sáng Thế Ký 3:1 “Rắn là loài quỷ quyệt hơn cả tất cả các loài thú đồng mà CHÚA Đức Chúa Trời đã tạo nên”. Cai trị con rắn không phải là chuyện đơn giản. Nhưng chúng ta có sự ấn định này. Để thống trị được kẻ thù thì chúng ta cần sự sống của Chúa. Khi Chúa làm người, Chúa đã hoàn toàn đánh bại Sa-tan. Nhân tính của Ngài không thể bị hư hỏng. Dù Sa-tan đã dùng hết mọi quỷ kế, nhưng sự sống Ngài có thể chống trả được hoàn toàn. Sa-tan muốn nâng Ngài lên, nhưng Ngài đã không cho phép, mà luôn nhường vinh dự cho Đức Chúa Trời. Nếu ai đó ca ngợi chúng ta thì chúng ta như thế nào? Bỗng nhiên mọi người nói với anh em rằng “Anh thật là giỏi”. Những lúc như vậy, chúng ta tự hào rất nhanh. Ma quỷ thường lợi dụng những dịp đó để làm chúng ta bị sụp bẫy. Chúng ta rất cần sự sống của Chúa, vì chỉ có bản tính của Ngài mới có thể chống trả được kẻ thù. Cho nên, sự thống trị không được nhắc đến đầu tiên mà được nhắc đến cuối cùng. Chúng ta cần có nhiều kinh nghiệm với Chúa và hãy để sự sống Ngài tăng trưởng trong chúng ta. Hãy để Chúa thành hình trong chúng ta. Càng kinh nghiệm được con giun (sự hạ mình của Chúa) càng nhiều, chúng ta càng đi vào sự thống trị này.

Chính vì vậy, Ma-thi-ơ 5:5 nói rằng “Phước cho những kẻ nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất”. Chúa rất nhu mì nhưng lại rất rõ ràng và thẳng thắn. Ngài có một nhân tính tuyệt vời. Nếu chúng ta có được nhân tính này, Chúa sẽ để chúng ta thừa hưởng trái đất. Chúng ta hãy đọc trong Khải Huyền 2:26-27 để thấy cai trị là sự ấn định dành cho loài người chúng ta “Kẻ nào thắng, và giữ các việc của Ta đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho quyền trị các nước: kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ đập vỡ chúng như đồ gốm, cũng như Ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha Ta”. Nếu chúng ta thắng, chúng ta sẽ cùng cai trị với Chúa trên trái đất này. Chúa nói chúng ta sẽ cai trị bằng cây gậy sắt. Điều gì sẽ xảy ra nếu cây gậy sắt này nằm trong tay một người hay nổi giận? Cũng may hồi trước ba tôi chỉ có cây thước gỗ chứ không có gậy sắt. Loài người chúng ta khi đánh con cái nhiều lúc cũng không thương xót lắm. Nếu Chúa ban cho anh em gậy sắt, anh em phải có được nhân tính của Ngài. Chúa không muốn chúng ta xả cơn giận hay làm theo nhân tính của mình, mà Ngài muốn chúng ta bước đi trong sự khôn ngoan và thẩm quyền của Ngài. Để Chúa ban cho chúng ta một thẩm quyền như vậy thì chúng ta phải có sự nhu mì của Ngài.

2. Đức Chúa Trời không muốn thực hiện chương trình của Ngài một mình mà muốn cùng làm với con người (Ma-thi-ơ 16:18-19; 18:18; Giăng 5:19-20; 15:15-16; Thi Thiên 102:13-18)

Đức Chúa Trời không muốn thực hiện chương trình của Ngài một mình mà Ngài muốn cùng làm với loài người chúng ta. Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người và giao cho loài người nhiệm vụ cai trị. Tuy loài người đã sa ngã và đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, nhưng Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi ý định của mình. Ngài thực sự muốn chúng ta học để cùng cai trị với Ngài. Cho đến ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời đã làm tất cả một mình, và Ngài chỉ cần sáu ngày thôi. Chúa phán “Hãy có ánh sáng” thì có ánh sáng. Chúa chỉ cần phán là có sự phân rẽ giữa nước ở trên và nước ở dưới. Chúa chỉ cần phán và nó xảy ra như vậy. Nếu Đức Chúa Trời muốn thực hiện tiếp chương trình của Ngài trong ngày nay thì sao? Khi làm con thuyền Nô-ê, Ngài có phán “Hãy có con thuyền” và con thuyền tự có không? Không, Chúa đã phán với con người. Ngày nay Chúa cũng phán như vậy với chúng ta. Ngài nói với những người có thể cùng tác động với Ngài. “Đây là dòng dõi của Nô-ê. Trong thế hệ mình, Nô-ê là một người công chính và trọn vẹn; ông không ngừng đi với Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 6:9). Đức Chúa Trời đã thấy tình trạng tồi tệ của thế giới và không muốn tiếp tục để như vậy nữa, mà muốn can thiệp và tể trị. Ngài đã làm như thế nào? Ngài có cùng làm với bất kỳ người nào không? Đức Chúa Trời phải chờ đợi một thời gian vì không kiếm được người cùng làm với Ngài. Chúng ta phải là người như thế nào để Đức Chúa Trời có thể dùng được? Chúng ta phải là người “không ngừng đi với Đức Chúa Trời” và là người không thể chê trách được. Chúng ta hãy là người sống bởi Đấng Christ vì chỉ có Đấng Christ trong anh em mới có bản chất như vậy. Đức Chúa Trời cần những người bước đi bởi Đấng Christ mà Ngài đã ban. Ngài rất vui mỗi khi tìm được những người như thế, vì Ngài có thể giao nhiệm vụ cho người đó được. Nô-ê đã nhận được nhiệm vụ và đã làm theo. Việc làm con thuyền không diễn ra trong một ngày mà đã kéo dài nhiều năm. Ngày nay, Đức Chúa Trời không thực hiện kế hoạch của Ngài trong một ngày nữa mà Ngài muốn cùng làm với chúng ta, nên cần nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu Ngài kiếm được người mà Ngài có thể cùng làm được thì nó cũng sẽ xảy ra. Cùng làm với con người là ý muốn và kế hoạch của Chúa, và Chúa cũng sẽ chỉ làm như vậy thôi. Ngài đã chờ cho đến khi Nô-ê đóng tấm ván cuối cùng và đưa tất cả thú vật vào trong thuyền, rồi Ngài đóng cửa thuyền lại và sự phán xét là nước lụt mới đến. Đức Chúa Trời đã phải chờ đợi cho đến khi Nô-ê làm xong. Ngợi khen Chúa! Anh em có ý thức được rằng loài người có ý nghĩa như thế nào trong kế hoạch của Đức Chúa Trời không?

Tôi muốn lấy một ví dụ khác. Đức Chúa Trời đã phán với dân Ngài rằng Ngài muốn có một nơi cư ngụ ở giữa họ khi nào? Có phải Ngài đã nói điều này với Đa-vít, khi họ đang ở trong xứ tốt lành? Không phải, lòng của Đức Chúa Trời đã muốn điều này từ rất lâu. Phục Truyền. 12:5 cho biết ý Ngài “nhưng nơi nào trong những chi phái các ngươi, mà CHÚA Đức Chúa Trời các ngươi sẽ chọn, để đặt danh Ngài, tức là nơi ngự của Ngài, thì các ngươi phải tìm đi đến đó”. Câu này đã được làm ứng nghiệm khi nào? Đức Chúa Trời đã tìm được nơi yên nghỉ khi nào? Thi Thiên 132:1-8 “CHÚA ôi! xin nhớ lại Đa-vít, và các sự khổ nạn của người; Người đã thề cùng CHÚA, và hứa nguyện với Đấng Toàn năng của Gia-cốp: Tôi sẽ không vào trong trại mình, cũng không lên giường nghỉ, Tôi sẽ không cho mắt tôi ngủ, cũng không cho mí mắt tôi nghỉ nhọc, Cho đến chừng tôi tìm được một chỗ cho CHÚA, Một nơi ở cho Đấng Toàn năng của Gia-cốp! Kìa, chúng tôi có nghe nói về hòm giao ước tại Ê-phơ-rát, chúng tôi đã tìm được hòm ấy trong vùng rừng. Chúng tôi sẽ vào nơi ở Ngài, và thờ lạy trước bệ chân Ngài. Hỡi CHÚA, xin hãy chỗi dậy để vào nơi an nghỉ của Ngài, Ngài đi cùng rương giao ước quyền năng của Ngài”.

Lúc đó là khoảng 400 năm sau khi Giô-sua mang dân vào xứ tốt lành. Khi khi vào xứ tốt lành rồi thì tình trạng của dân Đức Chúa Trời ngày càng tồi tệ hơn. Hòm giao ước, chứng cớ của Đức Chúa Trời, đã không ở nơi an nghỉ mà Đa-vít đã tìm thấy nó ở nơi nào đó trong rừng. Dân Chúa vẫn tích cực làm gì đó, nhưng không có ai thắc mắc đến kế hoạch của Đức Chúa Trời, dù Đức Chúa Trời đã muốn đi vào nơi an nghỉ của Ngài trước đó lâu rồi. Ngài có muốn ở đâu đó trong rừng của dân Phi-li-tin không? Ngài ở đâu cũng được sao? Không, Ngài đã muốn đi vào sự yên nghỉ lâu rồi. Nhưng Ngài phải chờ đợi cho đến khi có được Đa-vít. Ngay nay cũng vậy, Đức Chúa Trời thường phải chờ đợi loài người chúng ta. Ngài chờ cho đến khi có ai đó hỏi Ngài. Thậm chí chỉ cần một người hỏi “Chúa ơi, nơi ở của Ngài thực ra ở đâu vậy. Con muốn tìm một nơi cho Chúa” cũng đủ cho Ngài rồi. Chúa đã dùng Đa-vít là người duy nhất đó. “Vì CHÚA đã chọn Si-ôn; Ngài ước Si-ôn làm nơi ở của Ngài; Đây là nơi an nghỉ của Ta đời đời; Ta sẽ ngụ ở đây, vì Ta có ước ao như thế” (câu 13-14). Anh em cho rằng Chúa không quan tâm đến việc khi nào Ngài có được nơi ở của mình sao? Ồ, Chúa đã nói Ngài khao khát có được nơi an nghỉ của Ngài. Chúa không mặc kệ chuyện nhà Chúa như thế nào. Chúa chưa có được nó vì chưa tìm được ai để cùng làm. Xin Chúa thức tỉnh điều này trong chúng ta. Ở đây, Đức Chúa Trời rất mừng rỡ khi Ngài có được Đa-vít. Ngay lúc Đa-vít quyết định dâng mình cho nhà Chúa, Chúa cũng ban cho ông lời hứa về vương quyền vĩnh cữu (2.Sa-mu-ên 7:16). Nếu chúng ta là những người như vậy, Chúa sẽ ban cho chúng ta quyền cai trị, nghĩa là mang chúng ta đến sự ấn định mà Ngài đã dành cho chúng ta. Chúa muốn có những người như vậy. Ngợi khen Chúa!

Anh em ơi, ngày nay Chúa muốn xây dựng cái gì? Ma-thi-ơ 16:18-19 cho biết “Ta muốn xây dựng Hội Thánh của Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội Thánh đó. Ta muốn giao chìa khóa của vương quốc các tầng trời cho ngươi”. Chúa muốn xây dựng Hội Thánh của Ngài. Amen! Chúa đã đến và nói điều này với con người. Lúc đó, Cha đã ban cho Phi-e-rơ một khải thị về Đấng Christ: Ngài không phải là một tiên tri mà là Con của Đức Chúa Trời. Như vậy, Chúa đã tìm thấy được một người mà Ngài có thể bày tỏ ý muốn của Ngài, tìm được một người có thể cùng làm với Ngài. Chúa cũng cho biết liền là xây dựng Hội Thánh không đơn giản mà nó là một cuộc chiến. Chúng ta phải chiến thắng kẻ thù. Rồi trong câu 19, Chúa nói “Ta muốn giao chìa khóa của vương quốc các tầng trời cho ngươi...”. Điều này không vĩ đại sao? Anh em có bao giờ nghĩ được rằng Đức Chúa Trời giao chìa khóa của vương quốc cho một người không? Chúa không chỉ giao chìa khóa cho Phi-e-rơ mà ngày nay Chúa cũng giao chìa khóa của vương quốc cho chúng ta. “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:18). Thật tuyệt phải không? Lời hứa này dành cho những ai mở lòng mình ra cho Chúa, cho những ai để Chúa tỉa sửa. Chúa luôn tìm kiếm những người sẵn lòng cùng làm việc với Ngài. Chúa nói chúng ta hãy buộc và mở. Đừng nghĩ rằng Hội Thánh sẽ được xây dựng hoàn tất khi Chúa muốn làm. Chúa đã muốn có Hội Thánh từ lâu rồi, cách đây 2000 năm. Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhưng vẫn chưa tìm thấy được những người mà Ngài có thể cùng xây dựng Hội Thánh. Chúa muốn chúng ta sử dụng chìa khóa của vương quốc. Ngày nay, việc Hội Thánh được xây có liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Chúng ta đừng chờ đợi đến khi nào đó Chúa sẽ làm. Anh em hãy bắt đầu buộc và mở. Chúng ta hãy đảm nhận nhiệm vụ này và nói với Chúa “Chúa ơi, chúng con muốn làm”.

Giăng 5:19-20 “Vậy, Jesus cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy. Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con công việc lớn lao hơn những việc nầy nữa, để các ngươi lấy làm lạ lùng”. Qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời cuối cùng cũng tìm được một người có thể thực hiện mọi ý muốn của Ngài. Cha đã yêu Đấng Christ và đã bày tỏ cho Ngài những gì Cha muốn làm. Ngài đã thực hiện mọi điều Cha muốn. Trước khi ra đi, Chúa đã dặn dò các môn đồ trong Giăng 14:12-14 “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin Ta, cũng sẽ làm việc Ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì Ta trở về với Cha. Các ngươi nhân danh Ta mà cầu xin bất cứ điều chi, Ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh Ta xin điều chi, Ta sẽ làm cho”. Đừng nghĩ rằng nó chỉ dừng lại ở việc Đấng Christ thực hiện ý muốn của Cha. Không phải vậy, Chúa muốn chúng ta làm những việc Chúa đã làm, thậm chí còn làm việc lớn hơn nữa. Ha-lê-lu-gia! Chúa mong muốn chúng ta bước vào sự tương giao này và Ngài đã ấn định chúng ta để làm. Giăng 15:15-16 cũng nói như thế “Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng Ta đã gọi các ngươi là bạn, vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe từ Cha của Ta. Chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, mà Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi ra đi và kết quả, để cho trái các ngươi vẫn còn mãi, để cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh Ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi”. Chúa không coi chúng ta là đầy tớ nữa mà Ngài nói “Ta đã gọi các ngươi là bạn, vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe từ Cha của Ta”. Chúa rất vui nếu chúng ta mở lòng ra cho Chúa, để Ngài có thể nói cho chúng ta biết những điều Ngài muốn làm. Khi Chúa có được những người như vậy thì đó là niềm vui lớn nhất của Chúa. Chúa cũng nói “Các ngươi nhân danh Ta mà cầu xin bất cứ điều chi, Ta sẽ làm cho”.

Bây giờ tôi muốn chia sẻ về “cầu xin trong danh Chúa”, vì trong nhiều nhóm khác sau khi cầu nguyện xong người ta nói “chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ”. Một hình thức như vậy có phải là cầu xin trong danh Chúa không? Không phải. Nó có nghĩa sâu xa hơn nhiều. Tôi lấy một ví dụ. Làm thế nào để một anh em nào đó nhân danh tôi rút 500 euro ở ngân hàng? Anh em đó phải có giấy ủy quyền của tôi, tôi phải xác nhận rằng anh ta có quyền làm như vậy. Chúa nói chúng ta phải cầu xin nhân danh Ngài có nghĩa là Chúa đã ban quyền của Ngài cho chúng ta, để chúng ta có thể sử dụng sự giàu có của Ngài. Chúa “đã làm giấy ủy quyền cho tài khoản của Ngài” và đã giao nó cho anh em. Ngài nói anh em có thể đến “ngân hàng” (nghĩa là đến Cha) để xin mọi sự giàu có của Chúa. Anh em có thể nói với Cha rằng “Cha ơi, con nhân danh Con của Cha để xin điều này...”. Như vậy không tốt sao? Nếu chúng ta không sử dụng sự ủy quyền này thì làm sao chúng ta có thể làm những việc lớn hơn những việc mà Chúa đã làm. Anh em có thể làm được với “tiền túi” của anh em không? Tiền túi của anh em không đủ đâu. Anh em phải dùng “tài khoản” này, nghĩa là dùng đến Đấng Christ của anh em. Anh em phải nói với Cha rằng “con đòi hỏi Cha những gì mà con đã được hứa ban trong Đấng Christ. Đây là giấy ủy quyền của Đấng Christ. Xin hãy ban cho con. Con muốn dùng nó để có thể thực hiện được việc của Cha”. Rồi Cha sẽ cho anh em. Chúa nói “Nếu các ngươi nhân danh Ta xin điều chi, Ta sẽ làm cho”. Cha sẽ cho ban cho anh em mọi điều anh em cầu xin nhân danh Chúa. Để được như vậy thì chúng ta phải học cách để xin nhân danh Chúa. Nếu anh em cảm thấy mình không tiến lên được, hay trong Hội Thánh ở địa phương mình còn thiếu sót điều gì đó thì hãy đến với Cha để xin.

Tôi muốn làm chứng về thời gian tôi còn học đại học. Trong hai năm liền, chúng tôi đã giảng Phúc Âm ở đó hàng tuần. Chúng tôi đã tổ chức những buổi thuyết trình về Phúc Âm và mỗi tuần có những buổi nhóm sinh viên trong trường. Tuy chúng tôi đã làm rất nhiều, nhưng không kết được quả nào cả. Có nhiều người đến, nhưng không có ai ở lại. Khi nhận ra rằng nó không có tác dụng gì cả, tôi đến với Chúa bằng câu Kinh Thánh “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành tay đánh lưới người”. Tôi nói với Chúa “Chúa ơi, Chúa đã hứa với chúng con rằng chúng con phải đi theo Chúa, rồi Chúa sẽ làm cho chúng con trở thành tay đánh lưới người. Đó là một lời hứa mà Chúa đã ban cho con. Con đã đi theo Chúa. Lâu nay con không bắt được con cá nào cả. Nhưng Chúa hãy làm con trở thành một người đánh cá. Chúa đã hứa vậy với con mà!”. Lúc đó tôi đã sử dụng sự ủy quyền của Chúa để dùng “tài khoản” Ngài và cũng đã gõ cửa, vì lâu nay cánh cửa đã bị đóng. Và Chúa đã mở cửa ra. Tôi có thể làm chứng với anh em rằng kể từ ngày đó chúng tôi kết được nhiều quả. Chúng tôi không làm gì hơn mà cũng làm giống như trước, nhưng tôi đã dùng “tài khoản” này. Đó là sự khác biệt mang tính quyết định. Tôi rất được khích lệ. Chúng ta làm đại cái gì đó, làm theo Hội Thánh của địa phương khác, hay ý thức đến với Cha: “Cha ơi, con muốn có sự ủy quyền này. Con muốn sử dụng tài khoản của con”. Cách chúng ta cùng làm việc với Chúa để thực hiện kế hoạch của Ngài là điều rất quan trọng.

C. Cách chúng ta cùng làm việc với Chúa để thực hiện kế hoạch của Ngài

1. Đừng thờ ơ với ý định của Ngài (Thi Thiên 102:14; Nê-hê-mi 1:3-4)

Thi Thiên 102:13-14 “Ngài sẽ trỗi dậy và thương xót Si-ôn, vì đây là thời gian để làm ơn cho nó; phải, thời điểm ấn định đã đến. Vì các tôi tớ Ngài yêu quý những viên đá của Si-ôn và thương xót đống gạch đổ nát của nó”. Thời điểm Chúa thương xót Si-ôn là khi nào? Khi nào Chúa sẽ khôi phục lại chứng cớ của Hội Thánh? Đó là lúc các tôi tớ của Chúa yêu quý những viên đá của Si-ôn và có lòng thương xót đống gạch đổ nát của nó. Chúa phải chờ đợi việc khôi phục lại chứng cớ của Ngài là Si-ôn, là Hội Thánh ngày hôm nay, cho đến có ai đó nghĩ đến và nói với Chúa: “Chúa ơi, bây giờ con đang sống trong thời điểm để hoàn tất. Nhưng Hội Thánh vẫn giống đống gạch đổ nát. Con đang sống tại địa phương của mình. Chúa muốn xây dựng Hội Thánh của Ngài và muốn hoàn thành nó. Nhưng chúng con chỉ có vài người, năm mười năm nay không có tiến triển mà vẫn như vậy”. Nếu anh em mặc kệ hay nghĩ rằng mình không thể thay đổi được thì nó vẫn sẽ như vậy. Anh em muốn chờ cho đến lúc nào đó Chúa sẽ làm hay anh em chủ động đến với Chúa? Anh em có thương xót đống gạch đổ nát của Si-ôn không? Tôi nói cho anh em biết rằng Chúa sẽ chờ đợi cho đến khi chúng ta có lòng thương xót gạch đổ nát của Si-ôn, Chúa sẽ không làm gì cả cho đến lúc anh em tự nhủ trong lòng “Chúa ơi, con không thể đồng ý như vậy được. Chúa đã ban khải thị về Hội Thánh cho con. Chúa muốn xây dựng Hội Thánh. Chúa ở, bây giờ con tìm kiếm Ngài. Con muốn Chúa làm. Con muốn sử dụng chìa khóa của Chúa. Con đến với Chúa vì Chúa đã ban quyền này cho chúng con. Con muốn lãnh nhận nó”.

Khi CHÚA xây dựng xong Si-ôn, Ngài sẽ hiện ra trong sự vinh hiển của Ngài. Ngài sẽ đoái nghe lời cầu nguyện của những kẻ bất lực và không khinh thường lời cầu nguyện của họ. Hãy ghi chép điều này cho thế hệ tương lai, Một dân, sẽ được tạo nên, sẽ ngợi khen CHÚA” (câu 16, 17). Anh em thân mến, những điều này được ghi chép cho chúng ta. Chúa đã viết những điều này cho anh em, cho thời điểm này, cho ngày hôm nay. Tôi cảm thấy rất xúc động vì ở đây ghi rằng Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của những kẻ bất lực. Thỉnh thoảng anh em cảm thấy mình bất lực, nghĩ rằng “Tôi làm gì ở đây? Ở đây tôi có một mình. Tôi không thể thay đổi được cả trường đại học lớn“. Ở đây không liên quan đến việc anh em có bao nhiêu người. Đối với Chúa một người cũng đủ. Nếu anh em là người đó thì hãy nói với Chúa “Chúa ơi, con ở đây. Hãy cùng làm với con”. Chúa đoái nghe lời cầu nguyện của người bất lực và không khinh thường lời cầu nguyện của họ. Ngài sẽ nhậm lời và làm.

2. Cầu nguyện không ngừng và không mệt mỏi (Lu-ca 18:1-8; Ê-sai 62:6-7)

Trong Lu-ca 18:1-8, Chúa đã ban cho chúng ta một dụ ngôn rất tốt. Chúa muốn chúng ta cũng có thái độ như góa phụ ở trong đó. Thậm chí Ngài nói chúng ta cầu nguyện mọi lúc và không được mệt mỏi. Đây là lời khuyên nhủ chúng ta hãy gõ cửa Ngài. Chúng ta đừng chỉ cầu nguyện một lần rồi ngưng vì thấy không có gì xảy ra. Ở đây, Chúa so sánh chính mình với quan án bất công. Tại sao? Tuy Chúa là Đấng công chính, nhưng có một số điều Ngài không làm nó trở nên quá đơn giản. Mặc dù Chúa đã xác định chúng ta để cai trị nhưng Ngài không làm cho nó đơn giản vì Chúa muốn thấy sự nài nỉ ở trong chúng ta. Chúa muốn thấy sự tuyệt đối, sự quyết định của anh em. Ngài muốn thấy nó quan trọng đối với anh em như thế nào. Nó có quan trọng đối với anh em như đối với Ngài không? Đa-vít đã cầu xin rằng “Chúa ơi, con không để mắt con ngủ cho đến khi con tìm được một nơi cho Ngài. Con không muốn thả lỏng”. Một thái độ như vậy làm đẹp lòng Chúa. Chính vì vậy Chúa khích lệ chúng ta ở đây rằng đừng bỏ cuộc quá sớm, đừng dừng lại nếu không được liền. Không phải Chúa không muốn ban cho chúng ta, mà Chúa muốn làm cho kẻ thù bị xấu hổ. Vì như thế Sa-tan sẽ bị hổ thẹn. Nếu anh em gõ cửa mà nó không xảy ra liền thì kẻ thù làm gì? Nó sẽ cười anh em, hắn nói “Tao đã nói với mày là nó không có tác dụng mà. Mày đừng làm nữa”. Rồi anh em gõ cửa tiếp, nhưng vẫn không có gì xảy ra. Ma quỷ sẽ tiếp tục nói như trên vào đầu anh em. Chúng ta phải vượt qua được. Chúng ta phải đạt được vị trí này ở trong Đấng Christ, để cai trị ma quỷ. Chúng ta hãy nói với hắn “Tao chống lại mày. Tao tin Chúa của tao”. Chúng ta hãy như góa phụ này, không dừng lại. Đây là điều rất quan trọng. Cầu xin 100 lần cũng được, cầu xin cho đến khi nào Chúa thấy lòng chúng ta sẵn sàng nên trả lời chúng ta. Chúng tôi có thể làm chứng điều này. Trong trời gian gần đây, chúng tôi đã cầu nguyện: “Chúa ơi, Chúa phải làm nó thôi. Chúng con không buông lỏng nó”. Và Chúa đã trả lời rất nhanh. Trong vòng một tuần, chúng tôi đã thấy đươc kết quả. Đó là điều mà trước đó chúng tôi nghĩ rằng nó không xảy ra được.

3. Dùng đức tin để cầu xin (Lu-ca 18:8; Gia-cơ 1:5-7)

Trong Lu-ca 18:8, Chúa nói “Tuy nhiên, khi Con Người đến, liệu Ngài còn thấy đức tin trên mặt đất chăng?”. Điều này rất quan trọng. Nếu chúng ta cầu xin, chúng ta phải dùng đức tin mà cầu xin. “Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì Ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hạt cải, các ngươi sẽ bảo núi này rằng: Hãy dời từ đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có việc gì mà các ngươi chẳng làm được. Nhưng thứ quỉ nầy nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được” (Ma-thi-ơ 17:20-21). Qua những câu này, Chúa nói đức tin là yếu tố quyết định. Điều tôi rất khích lệ ở đây là chúng ta không cần một đức tin khổng lồ. Để Chúa đoạt lấy trường đại học ở Munich thì đức tin chúng ta phải lớn như thế nào? Chỉ cần như một hạt cải. Anh em có đức tin và hãy dùng lấy đức tin của mình. Hãy nói với Chúa “Chúa ơi, con tin Chúa. Con không biết nó phải như thế nào. Nhưng con tin Chúa”. Hãy luyện tập đức tin. Chúa còn nói rằng “Không có gì mà các ngươi không làm được”. Chúa không chỉ nói như vậy một lần mà Ngài cũng nói như vậy trong Ma-thi-ơ 21:21-22 “Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy nhấc lên và quăng mình xuống biển, thì nó sẽ xảy ra. Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin bất kỳ điều gì, các ngươi sẽ nhận được điều đó”. Có nghĩa là chúng ta cũng có thể cầu nguyện mà không tin, rồi không nhận được gì. Đó là vấn đề. Anh em phải luyện tập đức tin. Đừng nói rằng anh em không có đức tin. Phi-e-rơ đã nói rằng tất cả đều đã nhận được một đức tin quý giá như nhau. Anh em hãy ý thức điều này, đừng nói mình không có đức tin. Hãy luyện tập và dùng đến nó khi anh em cầu xin. Chúa cũng nói như vậy trong Mác 11:22-24 “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai sẽ biểu hòn núi nầy rằng: Phải cất mình lên, và quăng xuống biển, nếu người chẳng nghi ngại trong lòng, nhưng tin chắc lời mình nói sẽ ứng nghiệm, thì điều đó sẽ thành cho. Bởi vậy Ta nói cùng các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, thì điều đó sẽ ban cho các ngươi”. Ha-lê-lu-gia! Trong khi cầu nguyện, có lúc tôi giải tỏa được gánh nặng, nên tôi cảm tạ Chúa, tôi tập cảm ơn vì tôi đã nhận được. Chúng ta không chỉ cầu nguyện trong buổi nhóm cầu nguyện mà chúng ta ngợi khen Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta.