Khi một tín đồ tiến bộ dần trên lối mòn thuộc linh, người ấy sẽ từ từ
thấy rõ hơn rằng sống cho chính mình là một tội lỗi, thậm chí là tội lỗi lớn
nhất. Một tín đồ sống cho chính mình là loại hạt lúa mì không sẵn lòng rơi
xuống đất và chết; vì vậy người ấy vẫn là một hạt. Một tín đồ có thể tìm kiếm
sự đổ đầy của Thánh Linh và muốn trở nên một người thuộc linh có quyền năng.
Tuy nhiên, mục đích của người ấy là gì? Đó là làm cho chính người ấy hạnh phúc
và cảm thấy thoải mái hơn! Nếu người ấy được yêu cầu sống hoàn toàn vì Đức Chúa
Trời và công tác của Đức Chúa Trời, không kể đến cảm nhận và hạnh phúc của
riêng mình, người ấy sẽ thối lui và không tiến lên nữa. Điều này chỉ tỏ rằng
người ấy hiểu lầm ý nghĩa của việc trở nên thuộc linh. Trong phần sâu thẳm nhất
của lòng người ấy, sự ái kỷ và sự sống-hồn chưa được từ bỏ. Mỗi người con của
Đức Chúa Trời đều là một đầy tớ của Đức Chúa Trời. Mỗi người đều nhận được ân
tứ từ Chúa; không ai không có ân tứ (Matt. 25:15). Đức Chúa Trời đặt mỗi tín đồ
trong hội thánh và ban cho mỗi người một phần lao tác mà người ấy phải hoàn
thành. Ý định của Đức Chúa Trời, từ đầu cho đến cuối, không phải là linh của
tín đồ phải trở nên một ao tù sự sống thuộc linh. Nếu là như vậy, nước sẽ bắt
đầu cạn khô. Sự thoái lui của một tín đồ và sự giảm sút quyền năng thuộc linh
có lẽ chính yếu là do nguyên nhân này. Một khi sự sống của Đức Chúa Trời bị
khóa chặt trong linh, tín đồ bắt đầu cảm thấy khô hạn. Thật ra, sự sống thuộc
linh là vì công tác thuộc linh. Công tác thuộc linh không gì khác hơn là sự
biểu hiện của sự sống thuộc linh. Bí quyết để sống nếp sống thuộc linh là để
cho sự sống tuôn chảy ra mà không có sự gián đoạn và không vươn đến nếp sống
của người khác.
Thức ăn cho nếp sống thuộc linh của tín đồ là làm công tác của Đức Chúa
Trời (John 4:34). Nếu một tín đồ thuộc linh (những người mới bắt đầu thì chưa
đủ tiến bộ để được kể đến ở đây) đặc biệt chú ý đến tính thuộc linh của riêng
mình, xem việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện như là sự giải trí, hay sự dưỡng
linh suông, thì khi người ấy chỉ quan tâm đến chính mình, vương quốc Đức Chúa
Trời sẽ chịu tổn thất lớn. Người ấy phải tin rằng Đức Chúa Trời có thể chống đỡ
cho mình, không chỉ về mặt thuộc thể mà còn về mặt thuộc linh. Nếu người ấy sẵn
lòng chịu đói, không tìm thức ăn khi mình đói, nhưng chỉ tìm cách thực hiện
điều Đức Chúa Trời muốn nơi mình, thì người ấy chắc chắn sẽ được thỏa mãn. Vâng
phục và thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời là ăn thức ăn thuộc linh. Trái lại,
những người chỉ chú ý đến những điều nuôi dưỡng họ sẽ chẳng có được gì. Nhưng
những người có lòng đơn nhất, chỉ chăm lo cho những điều của vương quốc Đức
Chúa Trời sẽ hoàn toàn được thỏa mãn. Khi một tín đồ không quan tâm đến chính
mình, nhưng chỉ đặt tâm trí trên công việc của Cha, người ấy sẽ thấy mình luôn
luôn đầy dẫy và thỏa mãn.
Một tín đồ đừng bao giờ quá ao ước một điều gì đó mới mẻ. Điều người ấy
thật sự cần là canh giữ điều mình đã có được để nó không bị đánh mất, vì điều
gì không bị đánh mất tức là đã có được. Phương cách để canh giữ là sử dụng điều
người ấy đã có được, vì chôn nó xuống đất chắc chắn là mất nó. Khi một tín đồ
để cho sự sống trong linh mình tuôn chảy mọi nơi, người ấy không chỉ có được
người khác mà còn có được chính mình. Tuy nhiên, sự có được này là do người ấy
đã không muốn có được chính mình mà muốn đánh mất chính mình để có được người
khác. Sự sống thuộc linh bên trong người thuộc linh phải tuôn chảy ra bởi
phương tiện là công tác thuộc linh bên ngoài. Nếu linh của tín đồ có thói quen
mở ra – nó phải đóng lại đối với kẻ thù – thì sự sống của Đức Chúa Trời sẽ tuôn
chảy ra từ đó để cứu và xây dựng nhiều người. Một khi công tác thuộc linh ngừng
lại, sự sống thuộc linh sẽ bị cản trở. Hai điều này không thể phân rẽ.
Bất kể một tín đồ làm nghề gì trong thế giới thì vẫn luôn có phạm vi
làm việc. Một tín đồ thuộc linh nhận biết vị trí của mình trong Thân Thể Đấng
Christ; vì vậy, người ấy cũng nhận biết phạm vi công tác của mình. Mọi chi thể
đều có công dụng và việc thực hiện công dụng của mình là công tác của người ấy.
Một số ân tứ là dành cho một số loại chi thể và một số ân tứ là dành cho cả
thân thể. Tín đồ phải biết phạm vi ân tứ của chính mình và công tác trong phạm
vi đó. Nhiều tín đồ thuộc linh đã thất bại trong vấn đề này. Hoặc họ rút khỏi
công tác khiến cho nếp sống thuộc linh không có cơ hội phát triển hoặc họ công
tác bên ngoài phạm vi của họ khiến cho nếp sống thuộc linh bị tổn hại. Việc không sử dụng tay chân cũng
tổn hại như việc lạm dụng tay chân vậy. Giữ lại sự sống thuộc linh là cách duy
nhất để đánh mất nó, nhưng việc công tác cách khinh suất cũng ngăn trở sự giải
phóng sự sống thuộc linh.
QUYỀN NĂNG
THUỘC LINH
Nếu chúng ta muốn nhận được quyền năng để làm chứng cho Đấng Christ và
chiến đấu chống lại Satan, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc
tìm kiếm các kinh nghiệm đầy dẫy Thánh Linh. Đúng là hiện tại, ngày càng có
nhiều người tìm kiếm sự đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng họ tìm cách đầy dẫy Thánh
Linh và nhận được quyền năng thuộc linh vì mục đích gì? Bao nhiêu người tìm
kiếm quyền năng để phô trương? Để khiến xác thịt mình lộng lẫy hơn? Bao nhiêu
người hi vọng nhận được quyền năng có thể khiến người khác nể phục họ, để họ
khỏi phải khổ công tìm kiếm và chiến đấu? Chúng ta phải thấy rõ động cơ của
chúng ta là gì trong việc nhận được quyền năng thuộc linh. Nếu động cơ của
chúng ta không hòa hợp với Đức Chúa Trời và không ra từ Đức Chúa Trời, chúng ta
sẽ không nhận được quyền năng thuộc linh. Thánh linh của Đức Chúa Trời sẽ không
ngự trên “xác thịt” con người (Sáng 6:3). Ngài chỉ ngự xuống trên linh mà Đức
Chúa Trời đã tạo nên mới. Nhưng như vậy không phải là chúng ta có thể để cho
người bên ngoài (xác thịt) sống trong khi xin Đức Chúa Trời baptism người bên
trong (linh) trong Thánh Linh. Nếu xác thịt chưa trải qua sự xử lý, thì Linh
của Đức Chúa Trời sẽ không ngự xuống trên nhân linh, vì việc ban quyền năng cho
người thuộc xác thịt sẽ không có kết quả nào khác hơn là làm cho người ấy
khoe khoang và thậm chí trở nên thuộc
xác thịt hơn.
Chúng ta thường nói rằng thập tự giá đến trước Lễ Ngũ Tuần; Thánh linh sẽ không ban
quyền năng cho người nam và người nữ nào chưa trải qua thập tự giá. Golgotha là
con đường duy nhất để đến với phòng cao của Jerusalem. Chỉ những người đi theo
khuôn mẫu này mới có khả năng tiếp nhận quyền năng của Thánh Linh. Lời Đức Chúa
Trời nói: “Đây sẽ là dầu xức thánh…sẽ chẳng hề đổ ra trên xác thịt con người”
(Xuất 30:31-32). Bất kể đó là xác thịt ô uế nhất hay xác thịt có văn hóa nhất,
Thánh Linh của Đức Chúa Trời cũng không thể ngự xuống trên đó. Nếu không có dấu
đinh từ thập tự giá thì không thể có dầu xức của Thánh Linh. Sự chết của Chúa
Jesus là phán quyết của Đức Chúa Trời trên mọi người trong Adam: “Mọi người đều
phải chết”. Đức Chúa Trời chờ cho đến khi Chúa Jesus chết; chỉ khi đó Ngài mới
sai Thánh Linh xuống. Cũng vậy, nếu một tín đồ không kinh nghiệm sự chết của
Chúa Jesus và chết đối với mọi điều thuộc về sáng tạo cũ thì người ấy không thể
hi vọng nhìn thấy quyền năng của Thánh Linh. Trong lịch sử, Lễ Ngũ Tuần đến sau
Golgotha; trong kinh nghiệm thuộc linh, sự đổ đầy quyền năng của Thánh Linh
cũng đến sau việc vác thập tự giá.
Xác thịt mãi mãi bị kết án trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn
nó chết. Một tín đồ có thể không muốn xác thịt chết, nhưng lại muốn nhận được
Thánh Linh để tô điểm cho nó và cung cấp thêm quyền năng cho công tác của Đức
Chúa Trời (tất nhiên, điều này tuyệt đối không thể). Động cơ của chúng ta trong
tất cả những điều này là gì? Động cơ của chúng ta phải chăng là sự hấp dẫn,
danh tiếng riêng, được mọi người chào đón, được các tín đồ thuộc linh ngưỡng
mộ, sự thành công, được con người chấp nhận, xây dựng bản ngã của mình? Những
người có động cơ không tinh sạch – động cơ kép – không thể nhận được baptism
trong Thánh Linh. Chúng ta có thể nghĩ rằng động cơ của chúng ta rất tinh sạch,
nhưng thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại của chúng ta sẽ qua môi trường mà cho chúng
ta biết động cơ của chúng ta có thật sự tinh sạch hay không. Nếu không đi đến
chỗ công tác hiện tại của chúng ta hoàn toàn thất bại, người khác khinh thường
và từ chối chúng ta, khiến chúng ta mang tiếng ác, thì thật khó biết được động
cơ của chúng ta có hoàn toàn vì Đức Chúa Trời hay không. Mọi người thật sự được
Chúa sử dụng đều đi lối mòn này. Mỗi khi thập tự giá hoàn thành công tác của
nó, vào lúc đó chúng ta nhận được quyền năng của Thánh Linh.
Chẳng phải không có nhiều tín đồ không có kinh nghiệm sâu nhiệm về thập
tự giá mà lại có quyền năng để làm chứng cho Chúa và được Chúa đại dụng sao?
Kinh Thánh bảo chúng ta rằng ngoài dầu xức thánh, còn có một loại dầu xức
“giống như” vậy (Xuất 30:33). Nó cũng được tổng hợp theo cách tương tự, nhưng
nó không phải là dầu xức thánh. Chúng ta không nên ao ước sự thành công và sự
vĩ đại; chúng ta chỉ nên quan sát xem sáng tạo cũ của mình – mọi sự chúng ta có
bởi sự sinh ra – đã trải qua thập tự giá hay chưa. Nếu xác thịt không trải qua
thập tự giá, quyền năng mà chúng ta có chắc chắn không phải là quyền năng của
Thánh Linh. Mọi tín đồ có cái nhìn thấu đáo thuộc linh, là những người đã bước
vào trong bức màn, đều biết rằng các sự thành công như vậy không hề có giá trị
thuộc linh.
Khi một tín đồ kết án xác thịt mình và bước đi theo linh, người ấy có
thể thật sự nhận được quyền năng của Thánh Linh. Nếu không, người ấy đang muốn
xác thịt mình nhận được quyền năng thuộc linh. Nếu xác thịt không trải qua sự
chết, linh không thể nhận được quyền năng, vì khi quyền năng của xác thịt vẫn
còn, xác thịt vẫn trị vì và linh bị đàn áp. Quyền năng của Thánh Linh chỉ ngự
xuống trên một linh đầy dẫy Thánh Linh, vì chỉ khi đó quyền năng của Thánh Linh
mới có thể tuôn chảy. Khi linh đầy dẫy, quyền năng bước vào sẽ tràn chảy ra. Vì
vậy, về một mặt, tín đồ phải chết đối với sáng tạo cũ, và mặt khác người ấy
phải học cách đồng đi với Thánh Linh trong cách sống của mình. Khi đó, người ấy
có thể nhận được quyền năng.
Mọi tín đồ phải tìm kiếm quyền năng của Thánh Linh. Chỉ hiểu biết trong
tâm trí thôi thì không đủ. Thánh linh phải bao quanh linh người ấy. Công tác có
hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc tín đồ có kinh nghiệm việc được baptism
trong Thánh Linh hay không. Thánh Linh cần một đầu ra. Tiếc là Ngài không thể
tìm thấy đầu ra trong nhiều tín đồ. Một số bị cản trở bởi tội lỗi, một số thì
kiêu ngạo, một số thì lạnh lẽo, một số thì đầy dẫy ý kiến riêng, và một số thì
tin cậy sự sống của hồn. Chẳng có một khe hở nào cho quyền năng của Thánh Linh
thoát ra! Ngoài Thánh Linh chúng ta còn có quá nhiều nguồn khác!
Trong vấn đề tìm kiếm quyền năng của Thánh linh, chúng ta phải giữ cho
tâm trí mình sáng tỏ và ý muốn của mình năng động. Điều này canh giữ chống lại
sự giả mạo của kẻ thù. Hơn nữa, chúng ta phải để cho Đức Chúa Trời cất khỏi
cách sống của chúng ta, từng điều một, mọi sự thuộc về tội lỗi và mọi sự bất
nghĩa và nghi ngờ. Chúng ta phải dâng toàn bản thể cho Chúa. “Hãy tiếp nhận lời
hứa của Linh qua đức tin” (Gal 3:14). Hãy yên nghỉ trong Đức Chúa Trời và tin
rằng Đức Chúa Trời sẽ làm theo lời Ngài vào đúng thời điểm của Ngài. Đừng quên
vấn đề này. Nếu Đức Chúa Trời trì hoãn, chúng ta phải để cho ánh sáng của Ngài
kiểm tra cách sống của chúng ta hơn nữa. Nếu Đức Chúa Trời để cho chúng ta có
cảm xúc khi nhận được quyền năng, chúng ta có thể vui mừng. Nếu Ngài không cho,
chúng ta vẫn phải tin rằng Ngài đã thực hiện điều đó.
Chỉ bởi nhìn vào kinh nghiệm của một tín đồ, chúng ta có thể nói được
là người ấy đã nhận được quyền năng hay chưa. Bất cứ ai nhận được quyền năng
đều phát triển một ý thức rất nhạy bén về các cảm thức của linh mình. Người ấy
sẽ nhận được tài hùng biện (nhưng không cách thế tục) để làm chứng cho Chúa.
Công tác của người ấy sẽ hiệu quả và kết quả còn lại. Quyền năng là điều kiện
cơ bản cho công tác thuộc linh.
Sau khi một tín đồ nhận được quyền năng của Thánh Linh, người ấy sẽ có
cảm nhận sáng tỏ về các cảm thức của linh mình. Trong công tác của Đức Chúa Trời,
một tín đồ phải giữ cho linh mình tự do để cho Thánh Linh tuôn chảy ra sự sống
Ngài sau khi nhận được quyền năng. Giữ linh mình tự do là giữ cho linh mình
luôn luôn ở trong tình trạng Thánh Linh có thể công tác.
Thí dụ, Đức Chúa Trời có thể truyền lệnh cho một tín đồ dẫn dắt một
buổi nhóm. Linh của tín đồ này cần được tự do. Người ấy không nên bước vào buổi
nhóm với một linh vẫn còn nhiều gánh nặng hoặc lo âu. Điều này sẽ khiến toàn bộ
buổi nhóm có gánh nặng và trở nên “chai cứng” và không thể phá vỡ được. Một
người dẫn dắt buổi nhóm không được đến buổi nhóm với gánh nặng riêng, hi vọng
rằng cả hội đoàn sẽ tác nhiệm hoặc hỗ trợ người ấy tự do khỏi gánh nặng của
mình. Việc lệ thuộc vào sự đáp ứng của hội đoàn giải phóng người dẫn dắt buổi
nhóm khỏi gánh nặng riêng của mình sẽ dẫn đến sự thất bại.
Linh của chính tín đồ phải sôi trào và không có vướng mắc khi đến chỗ
nhóm. Nhiều người đầy dẫy gánh nặng khi đến buổi nhóm. Người dẫn dắt buổi nhóm
phải tự giải phóng mình trước bởi phương tiện là sự cầu nguyện, thánh ca hoặc
lẽ thật, trước khi giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời. Nếu người dẫn dắt buổi nhóm
có gánh nặng mà không thể được giải phóng khỏi gánh nặng của mình thì làm sao
người ấy có thể hi vọng người khác được giải phóng?
Chúng ta phải biết rằng các buổi nhóm thuộc linh là một sự tương giao
giữa linh và linh. Người nói giải phóng sứ điệp từ linh mình, và người nghe
tiếp nhận lời Đức Chúa Trời bằng linh mình. Dù một tín đồ là người dẫn dắt hay
người nghe, khi linh người ấy có gánh nặng và không được tự do, thì người ấy
không thể mở ra đối với Đức Chúa Trời và đáp ứng với lời Đức Chúa Trời; vì vậy,
linh của chính mỗi tín đồ phải được tự do. Hơn nữa, người dẫn dắt phải nổ lực
giải phóng linh của hội chúng trước khi giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải có được quyền năng của Thánh Linh trước khi có thể thực
hiện một công tác quyền năng. Chúng ta phải giữ cho linh mình tự do để quyền
năng tuôn chảy ra từ linh. Sự biểu hiện của quyền năng trên một tín đồ ở nhiều
mức độ khác nhau. Người ấy kinh nghiệm Golgotha bao nhiêu thì người ấy sẽ kinh
nghiệm Lễ Ngũ Tuần bấy nhiêu. Nếu linh của tín đồ thật sự sôi trào, Thánh Linh
sẽ có thể công tác.
Tuy nhiên, trong công tác, đặc biệt là đối với mỗi cá nhân, đôi khi có
kinh nghiệm về việc linh bị đóng lại. Điều này có thể là do một người khác. Có
thể người mà anh em gặp có một tình trạng đặc biệt khiến linh anh em cảm thấy
bị đóng kín. Có thể người ấy không có một linh và tâm trí mở ra hoặc người ấy
không có khả năng tiếp nhận lẽ thật; người ấy có thể có ý tưởng không đúng đắn
trong tâm trí là điều chặn đứng sự tuôn chảy của linh. Nếu người khác có loại
tình trạng này, điều này sẽ khiến linh của công nhân cảm thấy bị đóng kín.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ cần nhìn vào thái độ của người đến với
chúng ta là có thể biết được chúng ta có thể thực hiện công tác thuộc linh đối
với người ấy hay không. Nếu chúng ta cảm thấy linh mình bị đóng kín vì cớ người
ấy thì chúng ta không thể truyền đạt lẽ thật cho người ấy.
Nếu linh chúng ta cảm thấy bị đóng lại và chúng ta tự gượng ép công tác
thì công tác có thể không phải ra từ linh nhưng chỉ là sản phẩm của tâm trí.
Chỉ có công tác được thực hiện từ linh mới có bông trái còn lại và hiệu quả.
Điều gì được sản sinh từ tâm trí sẽ luôn luôn thiếu quyền năng thuộc linh. Nếu
chúng ta không cất bỏ sự ngăn trở của một người bởi sự cầu nguyện và sự lao tác
chuẩn bị hầu cho linh chúng ta được tự do để truyền đạt lời Đức Chúa Trời, thì
công tác của chúng ta sẽ đánh mất tính hiệu quả. Các tín đồ phải học tập bước
đi theo linh hầu cho họ có thể công tác trong linh.
SỰ KHỞI
XƯỚNG CÔNG TÁC THUỘC LINH
Việc khởi đầu bất cứ điều gì cũng không phải là chuyện nhỏ. Một tín đồ
không nên hấp tấp làm một điều gì đó chỉ vì điều đó tốt lành, cần thiết và ích
lợi cho người khác. Nhưng điều này không đủ để làm lý lẽ chứng minh rằng công
tác đó là theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Có thể Đức Chúa Trời muốn dấy người
khác lên để làm công tác, hoặc Ngài có thể cho phép công tác tạm thời dừng lại.
Mặc dù theo quan niệm loài người thì thật khó để buông bỏ điều đó nhưng Đức
Chúa Trời biết cách chăm lo cho điều đó. Vì vậy, sự tốt lành, sự cần thiết hoặc
ích lợi đều không đủ để làm nguyên tắc chỉ đạo cho công tác của chúng ta.
Sách Công Vụ có khuôn mẫu tốt nhất cho công tác của chúng ta. Trong
công vụ, chúng ta không nhìn thấy một ai đó “dâng mình làm giảng sư”, “quyết
định làm công tác của Chúa”, “trở nên một nhà truyền giáo” hoặc “trở nên một
mục sư”…v…v.. Đúng hơn, chúng ta thấy chính Thánh Linh xức dầu và sai người đi
công tác. Đức Chúa Trời không tuyển dụng những người tự dâng mình vì công tác;
Đức Chúa Trời chỉ sai những người mà Ngài muốn. Chúng ta không thấy bất cứ ai
tự mình chọn làm công tác; chỉ có Đức Chúa Trời tuyển chọn những người lao tác
vì công tác của Ngài. Không có chỗ cho ý tưởng của xác thịt con người. Nếu Đức
Chúa Trời muốn làm một điều gì đó thì thậm chí một Saul cũng không thể kháng
cự. Nếu Đức Chúa Trời không muốn làm thì thậm chí một Simon cũng không thể mua
bằng tiền. Là Chúa của mọi người, Đức Chúa Trời kiểm soát công tác của chính
Ngài, không cho phép một phần nhỏ nào của con người pha trộn vào đó. Con người
không đến với công tác; đúng hơn, Đức Chúa Trời “sai phái” những người lao tác.
Vì vậy, công tác thuộc linh phải bắt đầu bằng một sự kêu gọi riêng tư từ chính
Chúa. Một người không nên đi ra công tác vì sự khẩn nài của các giảng sư, sự
thúc giục của người thân và bạn bè hoặc sự ham thích của chính bản chất người
ấy đối với Lời thánh. Chỉ những người không mang đôi giày xác thịt mới có thể
đứng trên lập trường thánh của công tác Đức Chúa Trời. Một sự thất bại, lãng
phí và rối loạn như vậy xảy ra vì tự con người đến với công tác chứ không phải
được sai đi công tác.
Ngay cả khi đã được chọn, một người cũng không thể bắt đầu hành động
cách tự do. Từ quan điểm của xác thịt, không một công tác nào khác trong thế
giới nghiêm khắc hơn công tác thuộc linh. Chúng ta đọc trong Công Vụ các cụm từ
như: “Thánh Linh nói”, “Chúa nói với ông”; “Thánh Linh nói với ông”, “Thánh
Linh sai đi”, “Thánh Linh cấm”. Ngoài việc vâng phục, công nhân không có quyền
để đưa ra bất cứ ý kiến nào. Vào lúc đó, công tác của các sứ đồ không là gì
khác hơn là nhận biết tâm trí của Thánh Linh trong trực giác của họ và bước
theo. Điều này đơn giản biết bao!. Nếu công tác thuộc linh cần một tín đồ sử
dụng đôi chút nỗ lực riêng để khuyên răn, tính toán, xoay xở và lo lắng thì chỉ
những người tài năng, thông minh và có học thức cách thiên nhiên mới có thể
công tác. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã hoàn toàn đặt mọi sự thuộc xác thịt qua
một bên. Đối với Đức Chúa Trời, hễ linh của một tín đồ thánh khiết và tinh
sạch, sống động và đầy quyền năng, thì người ấy có thể bước theo sự hướng dẫn
của Chúa và thực hiện một công tác thật hiệu quả. Đức Chúa Trời không bao giờ ban cho các tín đồ quyền bính
để kiểm soát công tác; Ngài chỉ muốn họ lắng nghe điều Ngài nói trong linh họ.
Samaria có một “cuộc phục hưng lớn” nhưng Philip không chịu trách nhiệm
về công tác nuôi dưỡng tiếp tục. Ông phải lập tức rời khỏi đó và đi đến đồng
vắng để cứu hoạn quan Ngoại Bang. Ananias chưa từng nghe về sự hoán cải của
Saul, và theo lập luận của ông thù đi cầu thay cho Saul là đồng nghĩa với chết.
Tuy nhiên ông không quyết định cho chính mình. Luật lệ Do Thái cấm người Do
Thái đến nhà của một người Ngoại Bang để giao thiệp với họ, nhưng khi Thánh
Linh phát ngôn, Peter không thể kháng cự. Paul và Barnabas được Thánh Linh sai
đi , nhưng Thánh Linh vẫn có quyền cấm họ đến Asia, rồi sau này lại dẫn dắt
Paul đến Asia để thiết lập hội thánh tại Epheso. Mọi công tác đều ở trong tay
của Thánh Linh; một tín đồ chỉ phải vâng phục. Nếu công tác là theo ý tưởng,
những điều thích và không thích của loài người thì vào những ngày đầu, họ sẽ
không đến nhiều nơi mà lẽ ra họ phải đến, và họ sẽ đến nhiều nơi mà lẽ ra họ
không nên đến. Các kinh nghiệm này bày tỏ cho chúng ta rằng chúng ta không nên
bước theo ý tưởng, lập luận, sở thích và quyết định riêng; đúng hơn, chúng ta
phải bước theo sự dẫn dắt của Thánh Linh trong linh mình. Nhưng kinh nghiệm này
cũng bày tỏ cho chúng ta rằng Thánh Linh không dẫn dắt qua ý tưởng, sở thích và
quyết định của chúng ta; trái lại, các ý tưởng, sở thích và quyết định của
chúng ta hoàn toàn trái ngược với sự dẫn dắt của Thánh Linh trong chúng ta. Nếu
các sứ đồ không công tác theo tâm trí, tình cảm và ý muốn của họ, thì làm sao
chúng ta có thể?
Mọi công tác Đức Chúa trời kêu gọi chúng ta làm đều được khải thị trong
trực giác của linh (xem phần Năm, Chương Một). Khi một tín đồ hành động theo
các ý tưởng cả tâm trí, các hoạt động của tình cảm và các tham vọng của ý muốn
thì người ấy ở ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời. Chỉ có điều nào được sinh bởi
Linh mới là linh; mọi điều khác đều không phải. Mọi sự trong công tác của một
tín đồ phải ra từ việc tiếp nhận sự khải thị trong linh sau khi tin cậy và chờ
đợi Đức Chúa Trời; nếu không, xác thịt sẽ bước vào. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ
ban cho chúng ta quyền năng thuộc linh để làm mọi sự Ngài kêu gọi chúng ta làm.
Vì vậy, có một nguyên tắc quan trọng là đừng bao giờ công tác vượt quá sức lực
trong linh chúng ta. Nếu công tác vượt quá linh mình thì chúng ta sẽ lấy sức
lực riêng của mình để trợ giúp. Đây là khởi đầu của sự khốn khổ. Công tác quá
sức sẽ ngăn trở chúng ta bước đi theo linh và ngăn trở chúng ta thực hiện công
tác thuộc linh thật.
Hầu hết mọi người ngày nay đều sử dụng lý lẽ, ý tưởng, lập luận, tình
cảm, cảm xúc, sở thích, ước muốn, ao ước…v…v làm tiêu chuẩn cho công tác. Nhưng
mọi điều này đều ra từ hồn và không có giá trị thuộc linh. Chúng ta phải biết
rằng những điều này là các đầy tớ tốt, nhưng chúng không phải là những ông chủ
tốt; nếu chúng ta bước theo chúng, chúng ta sẽ thất bại. Công tác thuộc linh
phải ra từ linh. Đức Chúa Trời sẽ không khải thị ý muốn của Ngài ở bất cứ nơi
nào khác hơn linh
Hơn nữa, khi dân chúng cần sự giúp đỡ thuộc linh, công nhân đừng bao
giờ để cho các cảm xúc thuộc hồn đắc thắng mối liên hệ thuộc linh. Ngoài niềm
ao ước hoàn toàn thuần khiết là giúp đỡ họ về mặt thuộc linh, thì các cảm xúc
thuộc hồn khác đều gây tổn hại. Đây thường là một hiểm họa và là một cái bẫy
cho công nhân. Tình yêu, sự cảm mến, mối quan hệ, sự lo lắng, sự thích thú, sự nhiệt
thành…v…v..đều phải hoàn toàn được hướng dẫn bởi Thánh Linh. Vì không vâng theo
luật này mà một số công nhân cho Đấng Christ có các sự thất bại về mặt đạo đức
và mặt thuộc linh. Về một mặt, chúng ta có thể để cho sự cuốn hút thiên nhiên
và niềm ao ước loài người kiểm soát công tác của mình; mặt khác, chúng ta có
thể để cho sự căm ghét thiên nhiên và sự thiếu cảm mến loài người kiểm soát
công tác chúng ta. Trong cả hai trường hợp, kết quả đều là một sự thất bại và
nếp sống của công nhân sẽ sụp đổ. Nhiều lần, thậm chí đối với những người thân
yêu nhất của chúng ta dựa trên xác thịt cũng phải được đặt ở vị trí thứ yếu,
thậm chí đôi khi phải hoàn toàn không để ý đến, trước khi chúng ta có thể thu
đoạt được kết quả thuộc linh. Các ý định và ước muốn của chúng ta phải hoàn
toàn được dâng cho Chúa.
Chúng ta chỉ phải công tác khi nhận biết trong trực giác rằng công tác
là theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Xác thịt không có khả năng tham gia công tác
của Đức Chúa Trời. Mức độ hữu dụng thuộc linh của chúng ta phụ thuộc vào việc
chúng ta để cho thập tự giá cắt xác thịt chúng ta sâu đến đâu. Các sự hoàn
thành trên bề mặt chẳng có nghĩa lý gì; chỉ có công tác được thực hiện bởi Đức
Chúa Trời, qua những người chịu đóng đinh, mới có ý nghĩa. Thậm chí công tác
được thực hiện trong danh Chúa Jesus với sự nhiệt thành và lao tác, vì chính
nghĩa hay vì sứ mệnh của vương quốc thiên thượng, cũng không đủ để che đậy xác
thịt. Đức Chúa Trời chỉ muốn chính Ngài
thực hiện công tác; Ngài không muốn xác thịt xen vào quấy rầy Ngài. Chúng ta
phải nhận thức rằng thậm chí trong vấn đề phục vụ Đức Chúa Trời, cũng có khả
năng dâng “lửa lạ” và “không thuộc linh”. Điều này sẽ khuấy động cơn thịnh nộ
của Đức Chúa Trời. Mọi ngọn lửa không được nhen lên trong linh bởi Thánh Linh
đều là lửa lạ và là tội lỗi trong mắt Đức Chúa Trời. Không phải công tác nào
được thực hiện vì Đức Chúa Trời cũng là công tác của Đức Chúa Trời. Chỉ làm một
điều gì đó vì Ngài thôi thì không đủ. Vấn đề thật sự là ai làm điều đó? Nếu
chính Đức Chúa Trời không công tác từ linh của tín đồ và chỉ có hoạt động của
một tín đồ sử dụng sức lực riêng của mình thì công tác không thể được kể đến
trước mặt Đức Chúa Trời. Mọi điều ra từ xác thịt đều hư nát cùng với xác thịt.
Chỉ những điều ra từ Đức Chúa Trời còn lại mãi mãi. Chỉ thực hiện công tác mà
Đức Chúa Trời truyền lệnh thì mới không vô ích
W.N (Người Thuộc Linh)