Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Lễ Vượt Qua

 Lễ Vượt Qua

 

 

 

 

 

 

Trong bốn lễ đầu tiên thì lễ Bánh Không Men được nhắc đến nhiều nhất. Lễ đầu tiên là lễ Vượt Qua. Ma-thi-ơ 26 cho thấy rằng lễ Vượt Qua đã được thay thế bởi Bàn của Chúa. Tại sao? Bởi vì Chúa Giê-su là thực tại của lễ Vượt Qua.

Đấng Christ là thực tại của lễ Vượt Qua

Khi đến Bàn của Chúa, điều đầu tiên cần nhớ là chúng ta phải giữ lễ Bánh Không Men. “Nhưng vào ngày thứ nhất của lễ Bánh Không Men, các môn đồ đến với Giê-su và thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi chuẩn bị cho thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Ma-thi-ơ 26:17). Ở đây chúng ta thấy lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men thuộc về nhau. Hai lễ này bắt đầu cùng lúc, nhưng chiên lễ Vượt Qua chỉ được ăn trong một ngày, còn bánh không men thì phải ăn trong bảy ngày. Như vậy lễ Bánh Không Men cũng được nhấn mạnh trong Lời Chúa. “Trong khi họ ăn, Giê-su lấy bánh, tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đồ, và nói: Hãy lấy và ăn; đây là thân thể Ta” (Ma-thi-ơ 26:26). Chúa là thực tại của chiên lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước là một hình ảnh của Đấng Christ, và ở đây được thay thế bởi Đấng Christ. Không có gì lạ khi thấy Chúa Giê-su, Giăng Báp-tít nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29). Ông không nói: “Kìa, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Mê-si, Đấng Cứu Chuộc hay Con của Đức Chúa Trời”. Nếu tôi là dân ngoại sống vào thời đó, tôi sẽ nói: Đó đâu phải là con chiên mà là một người. Nhưng tất cả người Do Thái đều hiểu vì họ giữ lễ Vượt Qua từ năm này sang năm khác. Phao-lô đã nói: “Sự khoe khoang của anh em là không tốt. Anh em không biết rằng một chút men làm dậy cả đống bột sao? Hãy loại sạch men cũ đi, để anh em trở nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì chiên lễ Vượt Qua của chúng ta, là Đấng Christ, đã chịu hiến tế rồi. Vì vậy, chúng ta hãy giữ lễ, không phải với men cũ, cũng không với men xấu xa và hiểm độc, nhưng với bánh không men của lòng chân thành và của lẽ thật” (1.Cô-rinh-tô 5:6-8). Chúng ta có thể thắc mắc: “Chúng ta cũng phải giữ lễ sao? Không phải nó thuộc về Cựu Ước sao?”. Chính Phao-lô đã nói chúng ta phải giữ lễ. Anh em có giữ lễ không? Tôi muốn giữ lễ. Đấng Christ là lễ Vượt Qua của tôi.

Trong lễ Vượt Qua tuyệt vời này có chứa đựng những điều gì? Anh em có giữ lễ Bánh Không Men không? “Vì vậy, chúng ta hãy giữ lễ, không phải với men cũ, cũng không với men xấu xa và hiểm độc”. Anh em không có men nào sao? Anh em không muốn thoát khỏi chất men này sao? Chúng ta hãy giữ lễ với “với bánh không men của lòng chân thành và của lẽ thật”. Thật là tuyệt!

Đấng Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời

Nếu đọc Xuất Ai Cập ký 12:1-14 nhiều lần, chúng ta sẽ nhận biết được trong lễ tuyệt vời này bao gồm những gì. Đấng Christ là chiên lễ Vượt Qua đã được ấn định từ trước khi sáng thế (1.Phi-e-rơ 1:19-20, 2.Ti-mô-thê 1:9). Điều này cho thấy rằng Đức Chúa Trời biết trước điều gì sẽ xảy ra nên đã chuẩn bị sẵn Chiên Con trước khi A-đam được tạo ra, trước cả trái đất. Như thế không tuyệt vời sao? Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng toàn tri. Ngài biết con rắn sẽ đến để cám dỗ A-đam, có sự hỗn độn và tội lỗi vào trong nhân loại, làm nhân loại bị hủy hoại và rơi vào ách nô lệ của Sa-tan. Ngài đã biết tất cả. Anh em phải quý điều này. Đức Chúa Trời đã không can thiệp ngay lập tức mà Ngài đã chuẩn bị sẵn một giải pháp. Tôi luôn học để không phải lo lắng hay bị xúc phạm vì điều gì đó. Anh em có biết giải pháp là gì không? Trước khi lập nền của thế giới, Đức Chúa Trời đã biết tất cả và đã có một giải pháp cho vấn đề của anh em hôm nay. Anh em hãy học để ngủ ngon, nếu không anh em sẽ bị thức trắng nhiều đêm. Anh em có quen biết Đức Chúa Trời tuyệt vời như vậy không? Tầm nhìn của chúng ta rất hẹp. Khi thấy nan đề ở trước mắt, chúng ta tự hỏi: “Giải pháp là gì vậy? Chúng ta phải làm gì?” Chúng ta hãy đi ngủ. Vì trước khi lập nền của thế giới, Đức Chúa Trời đã có sẵn giải pháp cho vấn đề của chúng ta. Có vấn đề nào lớn hơn vấn đề con rắn xưa, khi hắn đến cám dỗ nhân loại và tạo nên sự hỗn độn như vậy?
Chiên Con đã bị giết khi nào? Từ khi lập nền thế giới (Khải Huyền 13:8). Tuy Chiên Con đã được định sẵn trước khi lập nền thế giới, nhưng ngay khi nền của trái đất vừa được lập, Đức Chúa Trời đã không chờ đợi lâu mà Ngài đã giết Chiên Con. Tại sao? Để gìn giữ thế giới tuyệt vời này. Đức Chúa Trời thật tuyệt! Đừng nghĩ đây là điều đơn giản. Sau đó Chiên Con của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ khi Chúa Giê-su Christ đến. Vì thế, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến khi thời gian được trọn (Ga-la-ti 4:4). Mọi điều đã được lên kế hoạch vào đúng thời điểm. Thỉnh thoảng chúng ta hay hấp tấp để giải quyết vấn đề, chúng ta nổi giận và bối rối. Nhưng Đức Chúa Trời đã có thể chờ. Vì không thể chờ, nên anh em bùng nổ như một ngọn núi lửa và toàn bộ tro bụi bị phun ra ngoài. Vì tro bụi mà không ai có thể thấy điều gì nữa. Đó không phải là cách của Đức Chúa Trời. Ngài có thể chờ cho đến khi thời gian được trọn. Nếu biết Chiên Con, anh em sẽ hoàn toàn tin tưởng Ngài, vì Ngài sẽ cứu chúng ta một cách toàn diện. Chiên tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị là giải pháp cho mọi vấn đề của chúng ta. Khi thời gian được trọn, Chiên Con được bày tỏ, chứ không thể trước đó hay sau đó. Tại sao? Vì các tiên tri đã biết trước thời điểm. Đức Chúa Trời đã cho họ biết khi nào Đấng Mê-si sẽ đến và khi nào Chiên Con sẽ bị giết. Điều này được chép ở đâu? Trong Đa-ni-ên 9. Đức Chúa Trời có thời gian của Ngài. Tất cả đều được Đức Chúa Trời chuẩn bị. Nếu biết điều này, anh em sẽ không lo lắng. Mỗi khi lo lắng, chúng ta hãy học để tin tưởng vào giải pháp tuyệt vời của Đức Chúa Trời. Anh em hãy cầu nguyện: “Chúa ơi, xin hãy giải quyết vấn đề này vào thời gian đã được định sẵn”. Thời gian biểu của Đức Chúa Trời là thời gian biểu tốt nhất.

Được chuộc bằng huyết báu của Đấng Christ

Trong Xuất Ai Cập Ký 12, chúng ta thấy huyết của chiên được bôi lên thanh dọc và thanh ngang của khung cửa. Tại sao lễ này có tên là “lễ Vượt Qua”? Vì thiên sứ hủy diệt sẽ đi qua nhà đó (tiếng Anh là “pass over”). Đức Chúa Trời đã phán xét Ai Cập bằng cách giết tất cả con đầu lòng. Khi thiên sứ hủy diệt nhìn thấy huyết thì sẽ đi qua nhà đó. Trong thời Tân Ước, chúng ta biết huyết báu của Đấng Christ chuộc chúng ta khỏi sự phán xét và sự chết. Lúc đó, Đức Chúa Trời đã chuộc dân Israel ra khỏi Ai Cập cho chính Ngài. Anh em đã được chuộc chưa? Điều này có nghĩa gì với anh em? Ngài đã trả tiền chuộc để anh em được tự do. Chỉ như thế sao? Nếu anh em mua một chiếc xe hơi, thì nó thuộc về ai? Nó thuộc về anh em, vì anh em đã trả tiền. Rồi ai dùng xe hơi của anh em cũng được sao? Không, xe hơi không còn tự do nữa vì anh em đã mua nó. Trong 1.Cô-rinh-tô 6:20, Phao-lô nói rằng anh em đã được mua bằng một cái giá rất cao. Kết quả là gì? Anh em còn thuộc về mình không? Theo sự dạy dỗ là không, tuy nhiên anh em chỉ làm những gì mình thích. Anh em có thể tưởng tượng được rằng chiếc xe hơi mà anh em mua tự nhiên biến mất không? Không. Còn với anh em thì sao? Ai cũng thích nói: “Ha-lê-lu-gia, Ngài là Đấng Cứu Chuộc của tôi”. Nhưng anh em vẫn còn thuộc về chính mình. Như vậy không đúng. Chúa đã trả cái giá rất đặc biệt để chuộc anh em, có nghĩa là mua anh em cho chính Ngài. Qua đó, anh em được mang trở lại với Đấng Tạo Hóa và ý định tuyệt vời của Ngài. Anh em không phải là của anh em nữa vì anh em đã được chuộc. Anh em không chỉ được cứu khỏi hình phạt đời đời và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên là bao gồm luôn điều này. Nếu không được chuộc, anh em sẽ bị phán xét chung với người Ai Cập.

Được chuộc khỏi sự nguyền rủa của luật pháp

Anh em cũng đã được chuộc khỏi sự nguyền rủa của luật pháp (Ga-la-ti 3:13, 4:5). Anh em không còn ở dưới luật pháp nữa mà ở dưới ân điển. Anh em được tự do, nhưng không tự do để bây giờ vô pháp luật. Bây giờ anh em có thể thực hiện mọi điều Chúa đã phán vì anh em có sự sống của Ngài. Sự sống này có thể thực hiện mọi luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì thế anh em đã được chuộc khỏi sự nguyền rủa của luật pháp. Đấng Christ đã thực hiện đầy đủ luật pháp. Bây giờ mọi đòi hỏi công chính của luật pháp được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống trong xác thịt, nhưng sống trong Linh (Rô-ma 8:4). Anh em đừng nói: “Tôi không phải thực hiện luật pháp nữa”. Không, anh em vẫn phải làm, nhưng nhờ sự sống của Đấng Christ anh em có thể thực hiện mọi đòi hỏi của luật pháp. Linh của anh em đã được làm cho sống và Thánh Linh sống trong anh em, nên anh em không có vấn đề để thực hiện đầy đủ luật pháp.

Được chuộc khỏi lối sống hư không

Ngoài ra, chúng ta còng được chuộc khỏi lối sống hư không, trống rỗng và vô ích do tổ tiên truyền lại (1.Phi-e-rơ 1:18). Anh em có được chuộc khỏi đó không, hay chỉ được chuộc khỏi tội lỗi và sự đoán phạt? Phi-e-rơ cho biết chúng ta đã được chuộc khỏi lối sống vô nghĩa và trống rỗng. Ngày nay chúng ta làm nhiều điều vô nghĩa và không mục đích. Rất nhiều Cơ Đốc nhân sống một cuộc sống vô nghĩa. Họ làm việc gì đó, nhưng không có mục đích.
Mục đích của cuộc đời anh em là gì? Nếu phải trả lời câu hỏi này thật nhanh, anh em sẽ nói gì? Đừng suy nghĩ lâu. Nếu phải suy nghĩ lâu, có nghĩa là anh em không biết. Nếu tôi hỏi anh em học ngành gì, anh em sẽ trả lời ngay lập tức. Vậy mục đích của anh em là gì? Là xây dựng nhà Đức Chúa Trời! Đề làm gì? Để chúng ta có thể là những người thờ phượng thật! Tại sao anh em muốn là người thờ phượng thật? Để trở thành Trái Đầu Mùa! Tại sao? Trước khi cơn đại nạn xảy ra, tôi muốn được cất lên trước ngai Đức Chúa Trời! Để làm gì? Tôi muốn cùng trị vì với Đấng Christ trong vương quốc ngàn năm! Ha-lê-lu-gia! Tôi biết mục đích của mình, tôi biết tôi muốn gì. Anh em biết mình muốn gì không? Mục tiêu của anh em là gì? Chúng ta hãy giữ lễ Vượt Qua!
Được chuộc khỏi mọi sự bất chính
Chúng ta cũng được chuộc khỏi mọi sự gian ác và bất chính (Tít 2:14). Anh em có được chuộc khỏi những điều này không?

Được cứu khỏi thời đại gian ác hiện tại

Chiên lễ Vượt Qua không chỉ cứu chúng ta khỏi sự phán xét đời đời, mà mang chúng ta ra khỏi Ai Cập. Anh em hãy dùng trí nhớ mình để học thuộc những câu Kinh Thánh này. Chúa đã cứu chúng ta khỏi thời đại gian ác hiện nay (Ga-la-ti 1:4). Tình hình thế giới hiện nay thật là xấu xa. Chúng ta đã được chuộc khỏi Hollywood. Hollywood là một địa danh đẹp đẽ à? Ai cũng muốn đến thăm Hollywood. Câu này không chỉ nói đến thế giới mà còn nói đến tôn giáo. Vào thời đó, câu này ám chỉ Do Thái giáo. Do Thái giáo là một tôn giáo rất tốt. Nó không lấy tư tưởng của Khổng Tử làm nền tảng, mà dựa trên Kinh Thánh. Anh em nghĩ rằng một điều gì đó tốt có thể giết Chúa Giê-su sao? Chúa Giê-su đã nói về họ: “Các ngươi là dòng dõi rắn độc!”. Chỉ mình Chúa biết điều này, vì Ngài dò xét trong lòng. Chúa đã gọi họ: Nhưng kẻ giả hình. Đừng nghĩ rằng tôn giáo là tốt. Tôn giáo có một tác dụng đặc biệt: Làm người xấu có vẻ bề ngoài tốt. Xin Chúa hãy mở mắt chúng ta! Chiên lễ Vượt Qua có thể cứu chúng ta khỏi thời đại gian ác, không phải trong tương lai hay trong quá khứ mà trong hiện tại. Trong mỗi thời đại, Ma Quỷ có một “thiết kế” đặc biệt để bắt và giam cầm anh em, làm anh em không tự do để đi theo Đức Chúa Trời hằng sống.
Chúa đã cứu chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối và đặt chúng ta vào vương quốc Con yêu dấu của Ngài (Cô-lô-se 1:13). Dĩ nhiên là trong tương lai chúng ta sẽ được cứu hoàn toàn khỏi quyền lực bóng tối. Nhưng câu hỏi là đối với chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta thích chuyển tất cả vào tương lai. Hôm nay, anh em có sống trong vương quốc không? Anh em được chuộc khỏi điều gì và anh em đi về đâu? Tất cả những điều này đều liên quan đến lễ Vượt Qua. Anh em không thể tưởng tượng được chuyện người Israel ở lại Ai Cập, sau khi họ đã ăn chiên lễ Vượt Qua. Đức Chúa Trời đã chuộc dân Ngài khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, khỏi bàn tay của Pha-ra-ôn. Ai Cập chỉ là một hình ảnh của thời đại gian ác hiện tại. Hôm nay anh em đang ở đâu? Khi đến với Bàn của Chúa, anh em có thể nói: “Ngợi khen Chúa, con đã ra khỏi thế giới! Con không còn thuộc về thời đại gian ác này. Cám ơn Chúa đã chết vì con, để chuộc con khỏi thời đại gian ác hiện tại” Anh em có nói như thế không? Tôi hiếm khi nghe người ta cầu nguyện như vậy. Khi đến Bàn của Chúa, chúng ta thường nói: “Ngài đã chết vì tôi”. Vâng, đúng vậy. Chiên Con đã chịu đóng đinh và đã đổ huyết ra. Có phải huyết Chiên Con chỉ được đổ ra để tha thứ tội lỗi cho chúng ta và để chúng ta tiếp tục phạm tội nữa? Anh em được chuộc khỏi điều gì? Khỏi truyền thống của tổ tiên anh em? Khỏi lối sống hư không của anh em? Khỏi thời đại gian ác hiện tại? Khỏi quyền lực của bóng tối, để anh em được dời sang vương quốc Con yếu dấu của Ngài? Nó không tuyệt vời sao? Chúng ta có thể thực sự nói tất cả những điều này không? Chúng ta có ý thức được không? Hay anh em vẫn còn yêu thế giới này? Nếu anh em thực sự giữ lễ Vượt Qua, không ai phải nói với anh em rằng: “Đừng yêu thế giới”. Nhưng nếu anh em không giữ lễ này và vẫn còn ở Ai Cập, thì sứ đồ Giăng tội nghiệp phải nói với anh em rằng: “Đừng yêu thế giới lẫn những điều trong thế giới” (1.Giăng 2:15).

Là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời

Đó là mục tiêu của sự giải cứu khỏi Ai Cập. Khi họ ở sa mạc, Đức Chúa Trời đã phán rằng nếu họ giữ gìn điều răn của Ngài thì họ sẽ trở thành một dân thuộc riêng về Ngài. Đó là một tài sản đặc biệt cho Đức Chúa Trời, một dân tộc thánh, một vương quốc của các thầy tế lễ. Điều này thật trên cả tuyệt vời. Tất cả đều thuộc về “cái gói” lễ Vượt Qua! Anh em có biết thưởng thức không? Chúng ta phải học để giữ lễ này. Nếu anh em thực sự giữ nó, anh em sẽ thích ra khỏi Ai Cập. Đó là trọng tâm của lễ Vượt Qua. Hay anh em thích ở lại đó hơn và thích làm nô lệ? Anh em vẫn còn yêu thế giới à? Không, đừng nên như thế.

Cách ăn lễ Vượt Qua

Ngay cả cách ăn lễ Vượt Qua cũng được quy định. Dĩ nhiên huyết của chiên phải được bôi lên thanh dọc và thanh ngang của khung cửa (Xuất Ai Cập Ký 12:7, 13). Nhưng anh em phải ăn chiên lễ Vượt Qua với rau đắng và bánh không men (Xuất Ai Cập Ký 12:8). Anh em có thích rau đắng không? Anh em có giữ lễ này với rau đắng không? Các loại thuốc Bắc đều rất đắng. Nhưng các thảo dược này sẽ chữa lành anh em. Ở đây không liên quan đến sự tha thứ mà liên quan đến sự chữa lành. Khi dự Bàn của Chúa, anh em đã bao giờ cầu xin: “Chúa, khi con ăn Ngài, con muốn được chữa lành ở bên trong” không? Có rất nhiều điều trong tôi cần được chữa lành. Tâm hồn tôi cần được chữa lành. Anh em có thích rau đắng không? Nếu không, anh em không thể giữ lễ này được. Rau đắng là một phần của lễ, cũng giống như bánh không men vậy.
Anh em phải ăn cách hối hả (câu 11). Tại sao? Vì anh em muốn ra khỏi Ai Cập. Anh em phải sẵn sàng, thậm chí mang sẵn giày dép, tay cầm gậy. Anh em đừng giữ lễ với dép đi trong nhà và quần áo ngủ mà phải sẵn sàng để ra khỏi Ai Cập. Chúng ta có thái độ này không? Mỗi người sẵn sàng để rời bỏ Ai Cập. Anh em đã được giải phóng khỏi Ai Cập, khỏi thế giới. Nếu không thì tại sao Đấng Christ phải chịu chết? Ngài đã không chịu chết để anh em hưởng thụ thế giới này. Dù chúng ta sống trong thế giới, nhưng chúng ta không thuộc về nó. Tuy anh em có việc làm, nhưng anh em phải thấy rằng anh em phải sẵn sàng, lòng anh em không bị trói buộc bởi công việc. Anh em có thể có xe hơi, nhưng anh em không bị trói buộc bởi nó. Lòng anh em phải tự do. Anh em không thuộc về mình nữa. Anh em đã được mua bằng một giá cao để anh em làm vinh hiển Đức Chúa Trời qua thân thể anh em. Thân thể anh em là đền thờ của Thánh Linh. Tất cả những điều này thuộc về lễ Vượt Qua! Đức Chúa Trời muốn có một dân tuyệt vời như thế. Anh em đã được gọi ra khỏi Ai Cập cho ý định của Ngài. Không có gì ngạc nhiên khi Hội Thánh có tên là “Những người được gọi ra”. Được gọi ra khỏi đâu? Khỏi mọi nơi mà anh em đang ở. Khỏi Ai Cập, Ba-by-lôn, Sô-đôm, Gô-mô-ra, … Anh em đã được cứu khỏi những nơi đó. Lễ này giải phóng anh em ra khỏi cảnh nô lệ và quyền lực của Sa-tan, khỏi thế giới, khỏi thời đại gian ác hiện tại. Điều này phải trở thành hiện thực của chúng ta. Nếu chỉ biết những điểm này mà không có hiện thực thì không có nghĩa gì cả. Anh em không thể thưởng thức sự dạy dỗ mà anh em chỉ có thể thưởng thức hiện thực.

Hiện thực của báp-tem

Anh em cho rằng việc dân Israel ra khỏi Ai Cập chỉ là một giáo lý thôi sao? Họ có ra khỏi Ai Cập hay không? Họ đã đi xuyên qua Biển Đỏ. Anh em có đi qua Biển Đỏ không? Anh em đã được làm báp-tem. 1.Cô-rinh-tô 10 cho chúng ta biết rằng dân Chúa đã đi qua Biển Đỏ và đã được làm báp-tem vào Môi-se. Môi-se là hình ảnh của Đấng Christ. Có nghĩa báp-tem là đi vào trong Đấng Christ. Điều này cũng thuộc về việc ra khỏi Ai Cập! Nếu anh em không xuyên đi qua Biển Đỏ, quân lính của Pha-ra-ôn sẽ bắt anh em và mang anh em trở lại Ai Cập. Đừng nghĩ rằng báp-tem không quan trọng, chỉ cần đức tin là đủ rồi. Chúa đã nói: “Ai tin và chịu báp-tem” (Mác 16:16). Khi chịu báp-tem, anh em đã được báp-tem vào trong Đấng Christ, đặc biệt là vào trong sự chết của Ngài. Như thế ở trong sự phục sinh anh em cũng sẽ giống Ngài. Anh em bước vào cuộc đời mới. Tất cả những điều này đều chứa đựng trong lễ Vượt Qua. Nó phải rất thật đối với chúng ta như kinh nghiệm của dân Israel: Họ thực sự ra khỏi Ai Cập và đã đi xuyên qua Biển Đỏ. Tất cả người Ai Cập đã bị chìm ở Biển Đỏ. Thật tuyệt vời! Đúng là sự xuất hành!

Thưởng thức hiện thực nơi Bàn của Chúa

Anh em nghĩ rằng việc xuất hành này chỉ thuộc về Cựu Ước, còn hôm nay thì không? Khi đến Bàn của Chúa, chúng ta thưởng thức sự xuất hành tuyệt vời này. Anh em hãy nói với Chúa: “Cám ơn Chúa vì Chúa đã cứu con ra khỏi thế giới này”. Nhưng nó phải thật. Anh em không thể nói như vậy rồi hôm sau lại chìm trong thế giới. Khi dân Israel đứng bên bờ bên kia của Biển Đỏ, họ đã thực sự reo mừng. Chúng ta có reo mừng vì chúng ta không còn thuộc về thế giới này và bây giờ đang đứng bên bờ bên kia không? Nếu anh em thực sự giữ lễ, thì tất cả những điểm này phải nằm trong lòng anh em. Nếu không anh em chỉ có cảm xúc và rên rỉ: “Ôi Chúa ơi, Chúa đã chết vì con. Chúa đã chịu đau đớn nhiều trên thập giá. Cảm ơn Chúa!” Chúa không muốn anh em khóc mà Chúa muốn anh em vui mừng, vì Ngài đã làm rất nhiều điều cho anh em. Anh em có thật nhiều lý do để mừng rỡ, hân hoan và ngợi khen. Nhưng chỉ được như vậy khi anh em có hiện thực và lòng anh em ý thức được những gì Chúa đã làm cho anh em. Nó không liên quan đến việc anh em nhớ đến sự đau khổ và mão gai của Ngài. Chúa sẽ nói: “Tại sao con lại cứ nghĩ đến mão gai? Bây giờ, Ta đang đội vương miện vàng”. Anh em sẽ khóc khi nhìn thấy Ngài sao? Chúa sẽ nói: “Con hãy nhìn kỹ đi! Ta đã sống lại từ những kẻ chết!” Các môn đồ đã khóc khi họ nhìn thấy Đấng đã phục sinh sao? Không, họ đã mừng rỡ. Ngài là Đấng Christ toàn thắng! Ngài đã bước ra khỏi mồ trong chiến thắng. Chúa không muốn chúng ta nhớ đến việc Ngài chịu đánh đập, bị phun nước bọt vào mặt, bị đội mão gãi và chịu đựng đau đớn trên thập giá. Khi những người đàn bà khóc ở bên thập giá, Chúa đã nói gì với họ? “Hãy khóc cho chính các ngươi!” Chúa hoàn toàn không đánh giá cao việc họ khóc cho Ngài. Anh em nghĩ rằng Chúa đánh giá cao nước mắt của anh em cho Ngài sao? Ngày nay Chúa đang ở trong sự vinh hiển. Nếu anh em giữ lễ và thấy được những gì Chúa đã làm, anh em sẽ trân trọng Bàn của Chúa. Chúng ta được giải phóng khỏi Ai Cập, được mang vào trong Đấng Christ, cùng làm một với sự chết của Ngài. Không chỉ mình Chúa đã chết trên thập giá mà toàn bộ tạo vật cũ nữa. Chúa đã chiến thắng mọi quyền hạn và các thế lực. Có người đã từng nói: nếu ngợi khen Chúa khi bẻ bánh thì không tôn trọng Chúa, mà chúng ta phải khóc. Nếu anh em muốn khóc thì không sao cả, nhưng đừng ngăn cản người khác ngợi khen. Anh em có quyền tự do để khóc. Nhưng nếu thấy những gì Chúa đã thực hiện trên thập giá, làm sao anh em có thể khóc được? Anh em có thể khóc khi dự tiệc cưới không? Anh em nghĩ gì khi tất cả mọi người khóc trong đám cuới của anh em? Không, tất cả đều vui mừng.
Phao-lô đã nói: Tôi đã đóng đinh với Đấng Christ (Ga-la-ti 2:19). Anh em có thể nói như thế không? Bên Bàn của Chúa anh em thường cầu nguyện: “Chúa ơi, Chúa đã chết vì con”. Anh em cám ơn Chúa vì Ngài đã chết vì anh em, nhưng Chúa sẽ hỏi anh em: “Còn con? Con vẫn còn sống sao? Làm thế nào mà Ta đã chết, nhưng con vẫn còn sống?” Có thể anh em nói là anh em quý thập giá của Đấng Christ. Nhưng anh em quý thập giá như thế nào? Xác thịt của anh em vẫn còn tích cực. Anh em nên nói: “Ha-lê-lu-gia, tôi đã chết! Tôi đã đóng đinh với Đấng Christ và tôi không còn sống nữa!”. Như thế không phải là sự giải phóng sao? Thế tại sao anh em hay nổi nóng? Tại sao anh em hay cảm thấy bị quấy rầy? Không phải anh em đã cùng chết với Ngài trên thập giá sao? Trọng tâm của Rô-ma 6 là gì? Đấng Christ đã chết cho chúng ta? Không, chúng ta đã cùng chết với Ngài. Bên Bàn của Chúa, anh em có hay nghe người ta cầu nguyện: “Chúa ơi, con ngợi khen Chúa vì con đã cùng chết với Ngài” không? Chúa thích nghe gì hơn? “Chúa đã chết vì con” hay “Con đã cùng chết với Chúa”? Chúa đã mang chúng ta lên thập giá. Con người cũ đã bị đóng đinh. Nhưng nó phải là hiện thực đối với anh em, nếu không thì anh em không thể ngợi khen Ngài vì điều đó.
Bên Bàn của Chúa, chúng ta đừng nên hát nhiều mà tốt hơn là ngợi khen Chúa về những điểm tuyệt vời này. Tôi hy vọng rằng Bàn của Chúa được đầy rẫy mọi hiện thực của sự vui hưởng. Tôi không phản đối việc hát, nhưng có rất nhiều điều mà chúng ta có thể ngợi khen Ngài. Nhất là khi chúng ta có hiện thực. Lúc đó thì lễ sẽ hoàn toàn khác. Chúng ta giải thích cho thế hệ trẻ lý do chúng ta giữ lễ Vượt Qua như thế nào? Anh em có thể nói với họ tất cả những điểm này không? Chúng ta phải giữ lễ này.

Của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm

Lễ Vượt Qua có nhiều điểm tương đồng với của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm mà anh em có thể dâng cho Cha. Của lễ chuộc tội lỗi có nghĩa là tội lỗi và sự chết không còn quyền lực trên anh em nữa. Nếu anh em không học để thưởng thức lễ, thì sẽ không có của lễ để dâng cho Cha. Ví dụ nếu anh em không giữ lễ Bánh Không Men, thì làm sao anh em chuẩn bị của lễ thức ăn cho Cha được? Làm sao anh em có thể chuẩn bị của lễ thức ăn không có chất men, nếu anh em không giữ lễ Bánh Không Men, là dịp anh em loại bỏ chất men của mình. Nếu tôi đầy chất men, tôi sẽ không biết làm của lễ thức ăn như thế nào. Tất cả những lễ này rất quan trọng. Anh em phải tự đi vào trong những Lời này.

Giữ lễ

Lễ này không chỉ liên quan đến sự tha thứ tội lỗi hay được cứu khỏi sự phán xét đời đời trong tương lai. Nhưng việc giữ lễ này còn quan trọng hơn. Khi đến với Bàn của Chúa, anh em hãy đọc qua những câu Kinh Thánh này và nói với Chúa: “Chúa ơi, con đến để giữ lễ Vượt Qua. Con muốn có hiện thực của lễ này. Con muốn thưởng thức nó”. Nếu không, anh em chỉ nghĩ đến việc Chúa đã chết vì anh em. Như thế có đủ không? Chúa đã làm trọn tất cả để cứu chúng ta cách toàn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25). Anh em có hay cầu nguyện: “Hãy cứu con một cách toàn vẹn!” không? Anh em còn ở dưới quyền lực của bóng tối không? Tất cả những gì chứa đựng trong lễ Vượt Qua phải trở thành hiện thực của chúng ta. Lúc đó, anh em sẽ kinh nghiệm được sự tự do.
Việc giữ lễ là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong nhà của Đức Chúa Trời hằng sống. Đừng cho rằng trong thời Tân Ước hôm nay chúng ta không cần phải giữ lễ Vượt Qua nữa. Phao-lô nói: Chúng ta hãy giữ lễ. Điều này đã được ghi rất rõ. Đấng Christ là chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Mỗi chúng ta nên thuộc 1.Cô-rinh-tô 5:7-8. Toàn bộ Kinh Thánh cho thấy Chiên Con đã bị giết và đổ huyết ra để chuộc chúng ta. Chúng ta phải đi vào trong Lời Chúa, nếu không chúng ta không biết ngày nay phải giữ những lễ nào. Nếu Giê-su Christ là chiên lễ Vượt Qua thì Ngài là sự ứng nghiệm của lễ Vượt Qua trong thời Cựu Ước.

Huyết báu của Đấng Christ

Khi Chúa Giê-su đến, Giăng Báp-tít đã chỉ Ngài và nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế giới” (Giăng 1:29). Chiên trong thời Cựu Ước chỉ là hình ảnh của Đấng Christ, Đấng được hiến tế trên bàn thờ. Ngài đã đổ huyết mình ra, và Đức Chúa Trời nói rằng: Nếu Ta thấy huyết, Ta sẽ đi qua nhà của ngươi và con đầu lòng sẽ không bị giết. Ta sẽ tha thứ tất cả tội lỗi của ngươi, vì trong luật pháp có chép rằng: Không có đổ huyết thì sẽ không có tha thứ. Hê-bơ-rơ 10 nói rằng huyết của bò và dê không rửa sạch tội lỗi của chúng ta được. Đức Chúa Trời không muốn nhận của lễ thiêu và của lễ chuộc tội lỗi, bởi vì Ngài không muốn các con vật. Chỉ mình huyết báu của Đấng Chist mới có thể làm được. Anh em phải thực sự trân trọng huyết Ngài. Phi-e-rơ nói rằng không ai trong chúng ta được mua bằng bạc hay vàng. Không có số tiền nào của thế giới có thể chuộc được chúng ta (xem Thi Thiên 49). Ngay cả người giàu nhất cũng không thể trả cho sự cứu chuộc của mình được. Chỉ mình Chúa Giê-su Christ mới có thể vì Ngài là Chiên thật, không lỗi lầm nào. Ngài hoàn hảo và không có tội. Tôi không thể chuộc được anh em vì chính tôi đầy rẫy tội. Anh em tìm được con chiên không tì vết, thánh khiết và không có tội ở đâu? Do đó, chính Con Đức Chúa Trời phải đến vì chỉ mình Ngài mới không có tội. Anh em phải quý điều này. Nếu Ngài có tội, Ngài không thể trả tiền chuộc anh em, và Đức Chúa Trời sẽ không chấp nhận. Anh em cũng không trả được. Ngoài Chúa Giê-su Christ ra thì không có cách nào khác. Do đó, anh em phải giữ lễ Vượt Qua.

Được chuộc để tha tội cho chúng ta

Mọi tội của anh em được tha thứ. Anh em có trân trọng điều đó không? Anh em chỉ nói: “Ngợi khen Chúa, tội của con được tha”, rồi anh em bỏ đi. Khi đến Bàn của Chúa, anh em có nhận thức được rằng Đức Chúa Trời đã tha mọi tội của anh em nhờ sự chết của Đấng Christ trên thập giá không? Nếu có thì tại sao anh em không tha thứ cho anh em của mình, nếu họ chỉ xúc phạm anh em có chút xíu thôi? Đừng xem nhẹ điều này. Chúa đã dạy chúng ta rằng: Xin hãy tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (Ma-thi-ơ 6:12). Anh em biết tại sao mình không thể tha thứ được không? Vì anh em chưa bao giờ nhận thức được các tội của anh em đã được tha, dù chúng lớn hơn tội của người khác. Anh em hãy nhớ đến câu chuyện mà Chúa Giê-su đã kể trong Ma-thi-ơ 18:21-35. Phi-e-rơ nói: “Ngài đã gánh các tội của chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với các tội, sống cho sự công bình; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em đã được chữa lành” (1.Phi-e-rơ 2:24). Anh em có thưởng thức được câu này không? Tất cả những điều này đều thuộc về lễ Vượt Qua.

Được mua bằng một giá đắt

Sự cứu chuộc là gì? Là anh em đã được mua. Ví dụ nếu người ta mua anh em về làm nô lệ thì anh em thuộc về ai? Chúa đã mua anh em bằng một giá rất cao. Ngài đã trả tiền chuộc bằng chính mạng sống của Ngài. Ngài đã đổ huyết mình ra. Anh em vẫn còn thuộc về mình sao? Anh em có sống với nhận thức rằng anh em không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về Chúa Giê-su không? Đó là ý nghĩa của sự cứu chuộc.
Tôi tin anh em biết những điểm này. Nhưng việc giữ lễ không liên quan đến những điểm này, mà liên quan đến hiện thực, sự thưởng thức và trân trọng của anh em đối với tất cả những điều này. Chúng ta nói đến sự cứu chuộc, nhưng chúng ta lại hoàn toàn tự do để làm những điều mình muốn. Phao-lô nói rất rõ rằng chúng ta đã được mua bằng một giá rất cao và không thuộc về chính mình nữa (1.Cô-rinh-tô 6:19-20). Thân thể của anh em là đền thờ của Thánh Linh, do đó anh em phải làm vinh hiển Chúa ngay cả trong thân thể mình. Tôi không có quyền để làm những điều tôi muốn, mặc dù Chúa đã ban cho tôi sự tự do. Chúa sẽ không bao giờ ép buộc chúng ta, nhưng nếu tôi nhận biết được cái giá mà Chúa đã trả thì tôi không còn lựa chọn nào khác. Không phải chúng ta thường hay hát bài: “Tôi không thuộc về tôi nữa?” Anh em thích điệu nhạc hay hiện thực? Nếu không giữ lễ, anh em sẽ không ý thức gì về điều này. Nhưng nếu anh em giữ lễ, mỗi lần đến Bàn của Chúa, lòng anh em sẽ đầy biết ơn về những gì Chúa đã làm trên thập giá.

Hòa bình nhờ huyết Chúa Giê-su Christ

Huyết của Chúa Giê-su Christ cũng đã làm nên hòa bình (Cô-lô-se 1:20). Chúng ta có hòa bình với Đức Chúa Trời nhờ Chúa Giê-su Christ, vì Ngài đã trả một cái giá. Nếu không phải như vậy thì làm sao anh em có hòa bình với Đức Chúa Trời? Anh em đã nhận được tha thứ mọi tội lỗi. Từ tận đáy lòng, tôi rất trân trọng rằng mọi tội lỗi của tôi đã được tha thứ. Nếu không, anh em sẽ đứng trước quan án của mọi tạo vật. Khải Huyền 20 cho biết rằng một ngày kia, tất cả những người vô tín phải xuất hiện trước ngai trắng lớn. Các sách được mở ra và không ai có thể giấu được những gì mình đã làm. Nhưng huyết Chúa Giê-su đã rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Như vậy không tốt sao? Hay anh em xem đó là chuyện hiển nhiên? Chúa đã trả một giá rất cao để tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải làm gì khi đến dự lễ? Anh em chỉ ăn một miếng bánh nhỏ, uống một ngụm rượu, nói “Ha-lê-lu-gia” rồi đi về nhà? Anh em thưởng thức lễ Vượt Qua như vậy sao?

Huyết Chúa rửa sạch lương tâm chúng ta

Hê-bơ-rơ 9:14 nói rằng huyết Chúa rửa sạch lương tâm chúng ta khỏi mọi việc làm chết để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống. Lần cuối cùng mà lương tâm anh em được rửa bằng huyết Chúa là khi nào? Nếu lương tâm không sạch, bị vẩn đục thì anh em sẽ không còn cảm giác nữa. Nếu tôi mang một cái mắt kính ba tháng không được lau chùi sạch thì tôi có nhìn thấy rõ không? Dù anh em ngồi trước tôi, tôi cũng không thấy anh em. Nếu tôi quen thuộc với điều đó, thì tôi cũng không quan tâm đến việc rửa kính. Như thế, tôi không thấy gì được thì không phải là chuyện lạ. Trong 1.Ti-mô-thê 1, Phao-lô nói đức tin bị đắm chìm nếu chúng ta bỏ lương tâm của mình. Ngày nay, rất nhiều Cơ Đốc nhân không còn lương tâm nữa. Do đó, Thánh Linh không thể nói gì với họ được. Họ bị cách ly khỏi Thánh Linh, lương tâm không còn nhạy cảm. Trong Ê-phê-sô 4, Phao-lô nói họ mất sự cảm biết. Đột nhiên mọi thứ đều ổn vì anh em không còn cảm nhận trong lương tâm. Đấng Christ, Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta, đã đổ huyết vì chúng ta.

Nhờ huyết đi vào Nơi Chí Thánh

Nhờ huyết này, anh em có thể đi vào Nơi Chí Thánh (Hê-bơ-rơ 10:19-22). Tôi hy vọng chúng ta không chỉ biết điều này mà cũng làm theo. Nhờ huyết Ngài, chúng ta có một con đường mới, sống động để đi vào và thông công với Đức Chúa Trời. Anh em nói đến thông công, nhưng làm thế nào để anh em có thể thông công được nếu không còn cảm nhận? Nếu lòng anh em đầy sự căm ghét, thì làm sao anh em có thể thông công với Đức Chúa Trời? Ngài sẽ bỏ đi. Anh em nghĩ mình thông công với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không có ở đó.

Nhờ huyết để thắng kẻ kiện cáo anh em

Làm sao anh em có thể thắng Sa-tan khi anh em có nhiều ô uế, nhiều vấn đề và lương tâm không sạch? Chúng ta đã thắng hắn nhờ huyết của Chiên Con (Khải Huyền 12:11). Anh em có kiện cáo anh em của mình không? Từ tận đáy lòng, tôi không muốn kiện cáo ai cả. Nếu anh em giữ lễ Vượt Qua tuyệt vời này, thì làm sao anh em có thể kiện cáo ai đó được. Anh em sẽ được giải phóng nhờ huyết Chúa Giê-su Christ. Đấng Christ trở thành sự hòa bình tuyệt vời của chúng ta: hòa bình với Đức Chúa Trời và hòa bình với con người.

Đấng Christ đã tiêu diệt Ma Quỷ bởi sự chết của Ngài

Bởi sự chết của Đấng Christ trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt kẻ cầm quyền sự chết, là Ma Quỷ (Hê-bơ-rơ 2:14). Chúa đã nói đến con rắn được giương lên trong Giăng 3:14. Anh em phải thưởng thức điều này. Khi Chúa chết trên thập giá, con rắn cũng bị đóng đinh cùng. Vì thế Chúa đã đến trong hình hài của con người. Rô-ma 8 nói rằng Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi và đóng đinh tội lỗi. Tội lỗi này chính là con rắn. Thật tuyệt vời! Ga-la-ti 5 nói những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt cùng với tham muốn và dục vọng của mình rồi.

Một mệnh lệnh đời đời

Đây là một mệnh lệnh đời đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế hệ kế phải biết về lễ Vượt Qua. Tôi yêu thế hệ trẻ! Tôi muốn thế hệ sau biết tất cả những gì mà tôi biết, và biết nhiều hơn, để họ có thể tiến lên với Chúa. Chúa lo rằng thế hệ sau không còn biết gì về việc ra khỏi Ai Cập. Vì thế chúng ta phải tiếp tục kể về nó. Thế hệ sau phải xây trên những gì thế hệ trước đã đạt được, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu. Nếu không thì cuộc sống Hội Thánh không có tương lai. Đức Chúa Trời đã nói rõ rằng phải giữ lễ Vượt Qua từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu thế hệ trẻ hỏi: Tại sao các anh giữ lễ này? Anh em phải kể họ nghe cả câu chuyện: Chúng tôi đã ở Ai Cập, đã bị Pha-ra-ôn bắt làm nô lệ... Anh em phải kể họ tất cả những điều này, nếu không thế hệ sau sẽ yêu thích Ai Cập. Rồi anh em phải kể Chúa đã cứu anh em ra khỏi Ai Cập như thế nào? Chiên Con bị giết ra sao? Thiên sứ hủy diệt đã làm gì? Chúng ta đã đi xuyên qua Biển Đỏ (phép báp-tem) ra sao, Chúa đã ở cùng chúng ta như thế nào? Ngài đã làm mười tai vạ ở Ai Cập như thế nào? Chúng ta phải kể cho thế hệ sau, nếu không họ sẽ không biết. Chúng ta phải kể họ tại sao chúng ta thịt Chiên Con. Lễ đầu tiên này thật giàu có. Chúng ta không thể khai thác tất cả được. Những gì Chúa đã làm cho chúng ta trên thập giá thật là tuyệt vời.
Khi đến Bàn của Chúa, anh em có thể nói: "Cảm ơn Chúa về sự chết tuyệt vời của Chúa trên thập giá". Lúc đó Chúa sẽ xem trong lòng anh em xem có thật hay không. Anh em phải thực sự thưởng thức tất cả những điều tuyệt vời này. Chúa ơi, chúng con muốn giữ lễ Vượt Qua!