Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Diễn trình Giành Lại Lập trường-




Trong diễn trình giành lại lập trường, tín đồ phải quyết định bằng ý muốn của mình và lựa chọn, từ chối. Người ấy phải kháng cự bằng ý muốn của mình. Người ấy phải quyết định đánh trận chiến đó. Người ấy phải chọn sự tự do. Người ấy phải từ chối mọi lập trường và chống cự để kẻ thù không chiếm thêm lập trường và lấy đi sự tự do của mình. Trong việc quyết định, từ chối, lựa chọn và chống cự như vậy, tín đồ đang chiến đấu vì chủ quyền của mình. Chúng ta đừng bao giờ quên vấn đề ý muốn tự do. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một ý muốn tự do. Do đó, chúng ta phải là ông chủ của chính mình. Nhưng bây giờ, các ác linh đã tiếp quản các chi thể của chúng ta và các chức năng của chúng ta trở thành ông chủ của “bản thể” chúng ta. Chúng ta đã đánh mất chủ quyền của mình. Khi một tín đồ bắt đầu giành lại lập trường của mình, người ấy đang chống đối các ác linh trong công tác “thay thế” người ấy của chúng. Vì vậy, người ấy phải chiến đấu. Tín đồ phải liên tục tuyên bố rằng mình không cho phép các ác linh xâm phạm quyền của mình. Người ấy không để cho các ác linh xâm phâm nhân cách của mình. Người ấy không để cho các ác linh nhập vào mình. Người ấy không để cho các ác linh tiếp quản bản thể mình. Người ấy sẽ không bước theo các ác linh cách mù quáng. Người ấy sẽ không! Người ấy sẽ không ! Người ấy sẽ là chủ của chính mình. Người ấy muốn biết điều mình đang làm. Người ấy sẽ kiểm soát bản thể mình. Người ấy muốn toàn bản thể thuận phục mình. Người ấy từ chối mọi công tác của các ác linh trên mình. Người ấy từ chối mọi quyền công tác của chúng trên mình. Khi người ấy vận dụng ý muốn của mình để thốt ra quyết định, sự lựa chọn và sự từ chối của mình, các ác linh sẽ không thể tiếp tục công tác. Vì ý muốn đã quyết định, từ chối và lựa chọn nên người ấy phải giáng thêm một đòn nữa là sự kháng cự của ý muốn.

Khi tín đồ giành lại lập trường bằng ý muốn của mình, nếp sống người ấy sẽ kinh nghiệm một sự khởi đầu mới. Chuyện gì sai thì đã sai rồi. Bây giờ người ấy có một sự khởi đầu tươi mới. Người ấy có thể giành lại mọi điều mình đã dâng cho các ác linh. Linh, hồn và thân thể phải được lấy lại từ kẻ thù. Người ấy phải dâng mình một lần nữa cho Đức Chúa Trời. Mọi lập trường được nhường cho các ác linh qua sự thiếu hiểu biết phải được bác bỏ. Mọi quyền đã nhường cho chúng phải được lấy lại. Phương cách như sau:
Từ chối mọi điều người ấy đã từng tiếp nhận. Lìa khỏi mọi điều người ấy  đã bám chặt.
Hủy bỏ mọi điều người ấy đã sắp xếp.
Bãi bỏ mọi điều người ấy đã hứa.
Không tin vào bất cứ điều gì người ấy đã tin.
Phá hủy mọi điều người ấy đã làm trước đây.
Rút lại mọi điều người ấy đã nói.
Giải tán mọi điều mà chính người ấy đã liên kết.
Nói ra mọi điều người ấy đã giữ im lặng.
Chống đối mọi sự người ấy đã hợp tác.
Từ chối ban cho những gì trước đây người ấy đã ban cho.
Lật đổ mọi sự suy xét, bàn luận và hứa hẹn trước đây.
Từ chối mọi lời cầu nguyện, câu trả lời và sự chữa lành trước đây.
Mọi biện pháp này đều nhắm vào các ác linh. Trước đây, tín đồ xem các ác linh là Thánh Linh. Vì vậy, đã có một mối tương giao thân mật. Bây giờ người ấy sáng tỏ về mối liên hệ này, và sẽ đòi lại điều người ấy đã cho chúng trong sự thiếu hiểu biết. Một người nhường lập trường cho các ác linh trong những sự việc riêng biệt. Do đó, để giành lại lập trường, một người phải cất đi từng rào cản một. Rào cản lớn nhất cho sự tự do đối với một tín đồ là thái độ giành lại lập trường bằng ý muốn cách tổng quát, bao hàm và không rõ ràng; trong khi từ chối để đòi lại lập trường thì phải theo cách cụ thể, từng điểm một và chi tiết. Sự chống đối tổng quát đối với lập trường mà các ác linh đoạt lấy sẽ chỉ cho tín đồ một thái độ đúng đắn. Để có được sự tự do, người ấy phải giành lại mọi lập trường cách chi tiết. Điều này có thể rất khó. Nhưng nếu ý muốn thật sự vì sự tự do, và nếu tín đồ xin ánh sáng của Đức Chúa Trời soi sáng, khi Thánh Linh chỉ ra mọi điều trong quá khứ, người ấy chỉ cần kháng cự từng chi tiết một, và mọi điều đó sẽ ra đi.Nếu tín đồ sẵn lòng kiên nhẫn tiến tới, người ấy sẽ thấy rằng đây là phương cách thực tiễn để được giải cứu. Người ấy sẽ được phóng thích từng điều một vào trong sự tự sự do. Một sự kháng cự tổng quát bày tỏ rằng chúng ta chống đối công tác của các ác linh, còn sự kháng cự chi tiết buộc các ác linh ra đi và từ bỏ lập trường mà chúng nắm giữ.
Việc một tín đồ trở nên thụ động trong ý muốn của mình giống như việc đi xuống dốc; mọi sự đều tiến triển theo chiều hướng đi xuống cho đến khi người ấy rơi xuống điểm thấp nhất. Để giành lại lập trường, người ấy phải xoay lại và đi lên từng bước một. Người ấy phải leo lên bằng với số bước mà người ấy đã đi xuống ban đầu; người ấy không thể bỏ qua một bước nào. Người ấy dần dần rơi vào trong sự lừa dối và thụ động, vì vậy người ấy phải dần dần hiểu biết và sống động. Mọi chỗ thụ động phải được lật đổ và giành lại, từng chỗ một. Khi chân người ấy bước thêm một bước, người ấy đang giành lại thêm một bước. Trước đây, người ấy đã bước từng bước đi xuống. Bây giờ, người ấy đang bước từng bước đi lên. Chúng ta phải lưu ý là điều chúng ta nhường cho các ác linh gần đây nhất là điều chúng ta đi xuống là bước đầu tiên mà chúng ta đi lên
Việc lật đổ lập trường trong tín đồ không được dừng lại cho đến khi người ấy đạt đến vị trí tự do ban đầu. Tín đồ phải biết mình đi xuống từ đâu. Người ấy phải trở lại tình trạng nguyên thủy. Người ấy phải biết tình trạng bình thường của mình; người ấy phải biết ý muốn của mình năng động ra sao, tâm trí của mình sáng tỏ thế nào và thân thể của mình mạnh mẽ bao nhiêu. Người ấy phải biết tình trạng hiện tại của mình và so sánh cả hai. Khi đó, người ấy sẽ nhận thức mình đã đi xuống bao xa qua sự thụ động. Người ấy phải đặt tình trạng bình thường ở trước mặt mình mọi lúc, nhưng vẫn xem xét tình trạng bình thường này như mục đích nhỏ nhất. Người ấy không nên thỏa mãn cho đến khi ý muốn người ấy chủ động kiểm soát mọi phần của toàn bản thể mình; chừng nào đạt đến điều này, người ấy mới đạt đến tình trạng bình thường trong diễn trình giành lại tự do, một tín đồ phải nhận diện rõ tình trạng của mình. Chỉ khi đó người ấy mới có thể không bị lừa dối để nghĩ rằng mình được tự do trong khi thực tế người ấy chưa được khôi phục lại tình trạng bình thường.
Chúng ta phải hoàn toàn giành lại những gì chúng ta không còn có thể kiểm soát, những điều dường như nằm ngoài quyền hạn của chúng ta, dù đó là ý tưởng, trí nhớ, sự tưởng tượng, sự biện biệt, sự phán xét, tình yêu, khả năng chọn lựa và chống cự, hoặc bất cứ phần nào của thân thể chúng ta rơi vào trong sự thụ động và mất đi tình trạng bình thường của nó, đều khiến chúng ta không thể làm chủ chính mình. Chúng ta phải sử dụng ý muốn của mình để sử dụng các quan năng của chúng ta. Giây phút chúng ta sa vào trong sự thụ động, các ác linh sẽ nắm giữ các quan năng thụ động của chúng ta và sử dụng chúng thay cho chúng ta hoặc với sự giúp đỡ của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy tình trạng thật của mình và muốn giành lại lập trường và sử dụng quan năng của mình một lần nữa, chúng ta sẽ cảm thấy điều này rất khó thực hiện. Đây là vì: (1) ý muốn của chúng ta vẫn yếu đuối và không thể kiểm soát mọi sự, và (2) các ác linh sẽ dốc hết sức để chiến đấu với chúng ta. Thí dụ, một tín đồ có thể rơi vào trong sự thụ động trong vấn đề quyết định. Mặc dù người ấy bác bỏ lập trường này và không để cho các ác linh công tác nữa, và mặc dù người ấy quyết định vận dụng quyết định của mình và không ở dưới sự kiểm soát của các ác linh nữa, nhưng người ấy sẽ thấy rằng: (1) người ấy không thể tự quyết định điều gì, và (2) các ác linh sẽ không để cho người ấy quyết định điều gì hay hành động theo bất cứ cách nào. Khi một tín đồ ám cố gắng lật đổ quyền bính của các ác linh, các ác linh sẽ cố gắng ngăn không cho tù nhân của chúng tự do hành động.
Bây giờ tín đồ phải lựa chọn có tiếp tục thụ động, để cho các ác linh tiếp tục chuyển động hay không. Nếu người ấy không sẵn lòng để cho các ác linh sử dụng mình theo cách này, mặc dù người ấy tạm thời không thể “quyết định” bất cứ điều gì, nhưng người ấy sẽ không để cho các ác linh sử dụng khả năng quyết định của mình. Vì vậy, trận chiến vì sự tự do bắt đầu. Cuộc chiến này hoàn toàn là một trận đấu của ý muốn. Vì ý muốn đã sa vào trong sự thụ động nên nó để cho mọi quan năng của toàn bản thể mình rơi vào trong sự thụ động. Ý muốn (thân vị) đã đánh mất chủ quyền của nó và không còn có thể tự do kiểm soát và điều khiển mọi quan năng của toàn thể bản thể nữa. Kết quả là các ác linh buớc vào thay thế ý muốn (thân vị) để kiểm soát và chỉ đạo mọi quan năng của toàn bản thể. Do đó, nếu tín đồ muốn được tự do, ý muốn cần chỗi dậy: (1) chống đối sự cai trị của các ác linh, (2) khôi phục lập trường đã mất, và (3) công tác cách tính cực với Đức Chúa Trời và vận dựng toàn bản thể mình. Mọi sự đều lệ thuộc vào ý muốn. Khi ý muốn chống đối các ác linh và không để cho chúng chiếm hữu các quan năng của mình thì chúng sẽ rút lui. Như chúng ta đã đề cập trước đây, các ác linh có thể bước vào vì tín đồ đã cho phép chúng. Vì vậy, sự từ chối hiện tại của người ấy là cần thiết để hủy bỏ sự tán thành trước đây hầu cho các ác linh sẽ phải mất lập trường tấn công của chúng. Khi người ấy cẩn thận chống cự, các ác linh không thể công tác nữa.
Mỗi tấc lập trường phải được khôi phục. Mỗi điểm lừa dối phải được vạch trần. Tín đồ phải có sự kiên nhẫn để chiến đấu với kẻ thù trong mọi sự và chiến đấu đến cuối cùng. Người ấy phải biết rằng việc từ chối mọi lập trường không có nghĩa là người ấy đã khôi phục mọi lập trường rồi, vì không phải mọi lập trường đều được khôi phục ngay khi người ấy từ chối. Các ác linh vẫn sẽ tranh đấu đến cùng. Ý muốn của tín đồ cần trải qua trận chiến rất khốc liệt trước khi có thể trở nên mạnh mẽ, đầy quyền năng, và tự do. Do đó, tín đồ phải liên tục thực hiện việc lật đổ lập trường. Hơn nữa, người ấy cần lật đổ cách kiên trì, cho đến khi mỗi điểm lập trường đều được phơi bày, từ chối và bãi bỏ, cho đến khi mọi quan năng của toàn bản thể người ấy có thể xoay chuyển theo ý muốn con người. Mọi quan năng thụ động phải được khôi phục lại tình trạng làm việc bình thường của chúng. Tâm trí cần suy nghĩ rõ ràng; tâm trí cần phải có thể suy nghĩ về các chủ thể để mà ý muốn muốn suy nghĩ. Hơn nữa, không một ý tưởng nào được nằm ngoài tầm kiểm soát của ý muốn. Trí nhớ cần phải có thể ghi nhớ những việc mà một người muốn nhớ và không đầy các ý tưởng mà người ấy không muốn. Các hành động khác của thân thể - ca hát, phát ngôn, đọc và cầu nguyện – cũng cần được kiểm soát bởi ý muốn. Ý muốn cần năng động để có thể làm chủ toàn bản thể. Mọi khả năng khác của toàn  bản thể con người đều cần phải tác nhiệm bình thường.
Một tín đồ không chỉ phải từ chối lập trường bị các ác linh chiếm giữ, mà còn phải từ chối mọi công tác được thực hiện bởi các ác linh. Một tín đồ cần vận dụng ý muốn của mình để nhận lấy chỗ đứng chống lại mọi công tác của các linh. Điều này sẽ làm khổ các ác linh. Khi đó, tín đồ cầu xin Đức Chúa Trời ban cho mình ánh sáng để nhận biết các công tác của các ác linh và từ chối chúng từng điểm một. Công tác của các ác linh trên tín đồ bao gồm: (1) thay thế các hoạt động của tín đồ và (2) tác động đến các hoạt động của tín đồ. Vì vậy, tín đồ phải từ chối công tác của chúng bằng cách không cho phép (1) các hoạt động của mình bị thay thế hoặc (2) các hoạt động của mình bị ảnh hưởng. Tín đồ phải từ chối không chỉ lập trường tạo cơ hội cho các ác linh mà còn phải từ chối lập trường bảo tồn chúng trong vị trí hiện tại. Khi một tín đồ chống cự theo cách này, người ấy sẽ thấy chúng dùng mọi phương tiện của chúng để chống đối người ấy. Nếu không gây chiến với chúng bằng mọi sức lực của mình, người ấy không thể trở lại tình trạng bình thường và giành lại tự do. Khi một tín đồ đánh trận theo các này, người ấy sẽ khám phá ra rằng ban đầu mình không thể sử dụng các quan năng của mình. Nhưng khi người ấy dùng mọi sức lực của mình để tấn công toàn bộ quyền lực của chúng, ý muốn người ấy hoàn toàn có thể khôi phục từ thụ động trở lại năng động, và người ấy một lần nữa có thể cai trị trên toàn bản thể mình. Cả sự thụ động lẫn việc bị quỷ ám đều bị tiêu diệt trong chiến trận này.
Khi tín đồ đánh trận để giành lại lập trường, người ấy sẽ trải qua những thời kỳ rất đau khổ. Trong việc quyết tâm cố gắng giành lại tự do của mình, người ấy sẽ cảm thấy đau đớn vô cùng và cảm nhận được một sự tranh đấu dữ dội vì sự kháng cự của quyền lực tối tăm. Khi người ấy cố gắng sử dụng ý muốn của mình để (1) chống đối quyền bính của các ác linh và (2) thực hiện bổn phận của mình, người ấy sẽ kinh nghiệm cường độ kháng cự của các ác linh đang chiếm hữu người ấy. Khi người ấy bắt đầu chiến đấu, người ấy chưa nhận thức được mình sa ngã bao nhiêu. Chỉ khi nào người ấy chiến đấu với các ác linh từng chút một và giành lại lập trường từng chút một, cảm nhận sự chống đối và ách nô lệ từ các ác linh, người ấy mới nhận thức được mức độ sa ngã của mình. Vì các ác linh chống đối quá dữ dội và vì chúng rất miễn cưỡng từ bỏ ách nô lệ của chúng, nên các triệu chứng của người ấy càng trở nên tệ hơn khi người ấy khởi xướng chiến tranh để giành lại lập trường. Dường như càng chiến đấu, người ấy càng ít có quyền năng và các lĩnh vực bị kẻ thù ám càng rối reng và hỗn loạn hơn. Tình trạng này là dấu hiệu của chiến thắng. Mặc dù tín đồ cảm thấy tệ hơn trước, nhưng thật ra tình trạng của người ấy đang được cải thiện vì các triệu chứng này chỉ tỏ rằng sự kháng cự của tín đồ đã sản sinh các hiệu quả, và các ác linh đang cảm nhận được sự tấn công của tín đồ. Cho nên, chúng chổi dậy kháng cự lại. Tuy nhiên, đây chỉ là sự vùng vẫy cuối cùng của chúng mà thôi. Nếu tín đồ cứ kiên trì, các ác linh nhất định sẽ chạy trốn.
Trong chiến trận này điều quan trọng là tín đồ phải luôn luôn đứng trên Rô-ma 6:11, công nhận rằng mình là một với Chúa và vì Chúa đã chết nên mình cũng đã chết. Đức tin này sẽ giải phóng người ấy khỏi quyền bính của các ác linh vì chúng không có quyền bính trên người chết. Đây phải là chỗ đứng vững chắc của tín đồ. Trong suốt thời gian này, người ấy cũng phải học tập sử dụng lời của Đức Chúa Trời để xử lý mọi lời nói dối của kẻ thù, vì chúng sẽ nói với người ấy rằng người ấy đã sa ngã sâu đến nỗi không thể được phục hồi. Trong sự chịu khổ vì sự xung đột, nhất là khi các  ác linh vùng vẫy lần cuối và tín đồ kinh nghiệm sự đau khổ cực điểm, chúng sẽ khiến người ấy chán nản và cảm thấy mình vô vọng và không thể được tự do. Nếu tín đồ nghe theo ma quỷ, người ấy sẽ rơi vào trong mối nguy hiểm lớn nhất. Tín đồ phải nhận thức rằng Golgotha đã hủy diệt Satan và các ác linh của hắn (Heb. 2:14; Col 2:14-15; John 12:31-32). Sự cứu rỗi đã được hoàn thành. Mỗi tín đồ có thể được giải cứu ra khỏi quyền bính của sự tối tăm và được chuyển dời vào trong vương quốc của Con yêu dấu Ngài trong kinh nghiệm của mình (Col.1:13). Hơn nữa, dựa trên sự thật là việc đòi lại lập trường sẽ đem đến nỗi khổ lớn hơn, nên chúng ta biết rằng các ác linh đang run rẩy vì công tác đòi lại này. Vì vậy, những gì đã làm là đúng đắn và lập trường phải càng được chiếm lại nhiều hơn. Bất kể các ác linh đưa ra các sự biểu lộ mới gì, và bất kể chúng khiến một người chịu khổ hay hành động bao nhiêu, hễ người ấy nhận thức được nguồn là các ác linh, người ấy phải từ chối các sự biểu lộ và phớt lờ chúng. Đừng cảm thấy tiếc cho chúng hay bàn bạc về chúng. Sau khi một người từ chối chúng, người ấy không nên chú ý đến chúng nữa.
Nếu một tín đồ thật trung tín phớt lờ bất cứ sự buồn rầu tạm thời nào và dạn dĩ đòi lại lập trường bằng ý muốn của mình, người ấy sẽ thấy sự tự do của mình dần dần trở lại. Nếu lập trường được từ chối và giành lại cách chi tiết, mức độ quỷ ám cũng sẽ giảm từng chút một. Nếu một tín đồ không nhường lập trường mới cho các ác linh thì quyền lực của việc bị quỷ ám sẽ giảm tương xứng với sự thu hẹp lại của lập trường. Mặc dù có thể phải mất một thời gian tín đồ mới có thể hoàn toàn tự do. Có thể trong quá khứ, người ấy không có cảm nhận gì cho chính mình, cho các giác quan, diện mạo hoặc nếp sống hằng ngày của mình. Bây giờ, dần dần có các cảm nhận trở lại. Tín đồ không nên bị làm cho hiểu sai rằng nếp sống thuộc linh của người ấy đang thụt lùi vì lại cảm thấy những điều này. Người ấy phải nhận thức rằng mình đã đánh mất ý thức về những điều này khi bị quỷ ám. Vì người ấy bắt đầu được tự do nên các cảm nhận về những điều đó đang trở lại. Các cảm nhận này bày tỏ rằng các ác linh đã nhập vào các giác quan của người ấy nhưng bây giờ chúng đang lìa khỏi người ấy. Khi một tín đồ đạt đến bước này, người ấy phải trung tín tiến lên, vì người ấy sẽ sớm kinh nghiệm sự giải phóng đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi trở lại tình trạng bình thường, người ấy không nên thỏa mãn với chút ít thành công. Nếu muốn trục xuất các quỹ hoàn toàn, lập trường phải hoàn toàn được khôi phục.
SỰ DẪN DẮT THẬT
Chúng ta phải hiểu cách Đức Chúa Trời dẫn dắt cũng như mối liên hệ giữa ý muốn con người và ý muốn Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải nhận thức rằng sự thuận phục của một tín đồ đối với Đức Chúa Trời phải là vô điều kiện. Hơn nữa, khi nếp sống thuộc linh của một tín đồ đạt đến đỉnh cao, ý muốn của người ấy phải làm một với ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là tín đồ không còn có ý muốn của mình nữa. Quan năng ý muốn vẫn hiện hữu, nhưng tính khí thiên nhiên ra đi. Đức Chúa Trời vẫn cần quan năng ý muốn của con người để công tác với Ngài vì sự hoàn thành ý muốn của Ngài. Khi nhìn vào khuôn mẫu của Chúa Jesus, chúng ta có thể thấy rằng một người làm một với Đức Chúa Trời vẫn có khả năng có ý muốn “Ta không tìm kiếm ý muốn riêng mà tìn ý muốn của Đấng đã sai ta” (John 5:30) “Chẳng phải để làm theo ý muốn riêng của Ta mà là theo ý muốn của Đấng đã sai  Ta” (6:38) “Nhưng không theo ý Con, mà ý Cha được nên” (Luke 22:42). Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Chúa Jesus, Đấng làm một với Cha, vẫn có ý muốn riêng của Ngài bên cạnh ý muốn của Cha. Các câu này không nói rằng Ngài không có ý muốn của Ngài; đúng hơn, lời kinh thánh nói rằng Ngài không tìm kiếm, thực hiện hoặc hoàn thành ý muốn riêng của Ngài. Vì vậy, ai thật sự làm một với Đức Chúa Trời đều không được kết liễu chức năng của ý muốn; đúng hơn, người ấy phải đặt ý muốn của mình về phía ý muốn của Đức Chúa Trời.
Sự dẫn dắt đích thực không có nghĩa là tín đồ phải vâng phục Đức Chúa Trời như một cái máy. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là tín đồ phải chủ động thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không muốn tín đồ bước theo Ngài cách mù quáng; Ngài muốn tín đồ sử dụng toàn bản thể mình cách hợp lý để thực hiện ý muốn của Ngài. Những người lười biếng thích nhìn thấy Đức Chúa Trời hành động thay cho họ, còn họ thì thụ động bước theo. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn các tín đồ lười biếng. Đức Chúa Trời muốn các tín đồ hăng hái chuẩn bị các chi thể của mình và chủ động vâng phục khi họ đã dành thời gian kiểm tra và hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời. Trước đây chúng ta đã nói về cách nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời qua trực giác. Vì vậy, chúng ta sẽ không lặp lại điều đó ở đây. Nếu một tín đồ ao ước vâng phục Đức Chúa Trời, người ấy phải trải qua các bước sau: (1) người ấy phải quyết tâm vâng phục ý muốn của Đức Chúa trời (John 7:17); (2) người ấy phải tiếp nhận sự khải thị về ý muốn của Đức Chúa Trời qua trực giác (Eph 5:17) (3) người ấy phải được Đức Chúa Trời làm cho vững mạnh để quyết tâm thực hiện điều đó (Phil 2:13); và (4) người ấy phải được Đức Chúa Trời làm cho vững mạnh để thực thi điều đó (phil 2:13) Đức Chúa Trời sẽ không thay thế tín đồ trong việc thực hiện ý muốn của Ngài. Sau khi một tín đồ hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời , người ấy phải làm vững lập ý muốn của mình để thực hiện điều đó. Sau khi ý muốn được vững lập, người ấy phải xin quyền năng của Thánh Linh thực hiện điều đó cách thực tiễn.
Một tín đồ phải xin quyền năng của Thánh Linh vì ý muốn của người ấy quá yếu đuối không thể một mình hành động. Luôn luôn là “việc muốn thì có ở trong tôi, còn việc thực hiện điều thiện thì không” (Roma 7:18). Vì vậy, cần phải có Thánh Linh để làm vững mạnh người bên trong của chúng ta để chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời cách thực tiễn. Trước hết Đức Chúa Trời vận hành bên trong chúng ta, làm cho chúng ta sẵn lòng. Kế tiếp, Đức Chúa Trời vận hành bên trong chúng ta vì niềm vui thích tốt lành của Ngài (Phil 2:13).
Đức Chúa Trời khải thị ý muốn của Ngài qua trực giác của chúng ta. Nếu ý muốn của một tín đồ liên hiệp với Ngài, Đức Chúa Trời sẽ gia tăng sức lực cho tín đồ và khiến tín đồ có thể để cho ý muốn của mình đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời và thực hiện điều đó. Đức Chúa Trời muốn các tín đồ làm một với ý muốn của Ngài. Nhưng Ngài không muốn thay thế con cái Ngài trong sự áp dụng ý muốn của họ. Chủ đích của Đức Chúa Trời trong việc sáng tạo và cứu chuộc con người là để con người hoàn toàn tự do trong ý muốn của mình. Qua sự cứu rỗi được Chúa Jesus hoàn thành trên thập tự giá, các tín đồ ngày nay có thể tự do lựa chọn và bước theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao nhiều lệnh truyền trong Tân ước (tất cả đều gắn liền với sự sống và sự tín kính) đều đòi hỏi về phía tín đồ phải có sự luyện tập ý muốn để lựa chọn hay từ chối. Nếu Đức Chúa Trời muốn kết liễu quan năng ý muốn, thì các lệnh truyền này còn có ý nghĩa gì?.
Một tín đồ thuộc linh là người hoàn toàn có khả năng vận dụng ý muốn của mình. Người ấy phải liên tục lựa chọn ý muốn của Đức Chúa Trời và từ chối ý muốn của Satan. Mặc dù nhiều lần người ấy không thể nói được điều gì từ Đức Chúa Trời và điều gì từ Satan, nhưng người ấy vẫn có thể lựa chọn và từ chối. Người ấy có thể nói: “mặc dù tôi không biết điều gì thuộc về Đức Chúa Trời và điều gì thuộc về ma quỷ, nhưng tôi chọn Đức Chúa Trời và từ chối ma quỷ”. Mặc dù người ấy không biết điều gì thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng người ấy có thể chọn Đức Chúa Trời trong “động cơ” của mình và chọn bất cứ điều gì thuộc về Đức Chúa Trời. Người ấy có thể nhận lấy thái độ là không muốn bất cứ điều gì ra từ ma quỷ, bất kể đó là điều gì. Bất kể điều gì đến trên người ấy, người ấy phải lựa chọn và từ chối. Nếu người ấy không biết cũng không sao; người ấy vẫn phải luôn luôn chọn ý muốn của Đức Chúa Trời. Người ấy có thể nói: “Mỗi khi tôi biết ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi muốn ý muốn đó. Tôi sẽ luôn luôn chọn ý muốn của Đức Chúa Trời và từ chối ý muốn của Satan”. Bởi làm như vậy, Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ công tác bên trong người ấy và Ngài sẽ làm vững mạnh ý muốn đứng chống lại Satan hằng ngày đến mức Satan buông mất quyền lực của hắn hằng ngày. Khi đó, Đức Chúa Trời sẽ có thêm một đầy tớ trung tín trong một thế giới phản loạn. Khi một người liên tục từ chối ý muốn của Satan trong động cơ của mình và xin Đức Chúa Trời chứng thực điều gì là theo Ngài, người ấy sẽ nhận thức trong linh mình rằng thái độ của ý muốn đóng một vai trò to lớn trong nếp sống thuộc linh.
TỰ TRỊ
Khi nếp sống thuộc linh của tín đồ đạt đến đỉnh cao, người ấy có thể tự cai trị chính mình. Khi chúng ta nói rằng Thánh Linh bên trong chúng ta chủ trị chúng ta, chúng ta không có ý nói là chính Thánh Linh trực tiếp cai trị trên bất cứ phần nào của con người chúng ta. Nếu tín đồ có sự hiểu lầm này, người ấy hoặc sẽ bị quỷ ám hoặc sẽ chán nản khi không thấy Thánh Linh cai trị trên nếp sống của mình theo cách này. Nếu một tín đồ nhận thức rằng Thánh Linh đang dẫn dắt người ấy vào trong sự tự trị, người ấy sẽ không rơi vào trong sự thụ động; trái lại, người ấy sẽ tiến bộ nhiều trong nếp sống thuộc linh của mình.
“Bông trái của Linh là….tự chủ” (Gal 5:22-23 KJV) Nghĩa gốc của từ tự chủ là tự cai trị. Công tác của Thánh linh là dẫn dắt người bên ngoài của tín đồ vào trong sự thuận phục đầy đủ với sự tự trị của người ấy. Thánh Linh lệ thuộc vào ý muốn được đổi mới của tín đồ để cai trị trên chính người ấy. Mỗi khi một tín đồ hành động theo xác thịt, người bên ngoài phản loạn với linh. Sự phản loạn này không đến như một sự phản loạn hợp nhất, nhưng như các hành động phản loạn rời rạc. Khi một tín đồ thật sự thuộc linh và khi người ấy sản sinh bông trái của Linh, không chỉ có sự nhân từ, vui mừng, nhu mì,…v…v…, được tìm thấy trong người ấy (trong hồn người ấy), mà khả năng tự cai trị cũng được tìm thấy trong người ấy. Mặc dù người bên ngoài đôi lúc bị bối rối, nhưng bây giờ nó hoàn toàn được khuất phục và ở dưới sự cai trị của chính người ấy theo ý muốn của Thánh Linh.
Trước hết, một tín đồ phải kiểm soát linh mình để linh người ấy luôn luôn ở trong tình trạng, đúng đắn. Tâm linh không nên quá nóng hay quá chán nản, nhưng phải ở trong vị trí đúng đắn. Linh chúng ta, giống như các phần khác, cần ở dưới sự kiểm soát của ý muốn. Một tín đồ chỉ có thể kiểm soát linh mình và giữ linh trong vị trí đúng đắn khi tâm trí người ấy được đổi mới và khi người ấy đầy quyền năng của Thánh Linh. Một tín đồ có kinh nghiệm sẽ biết rằng khi linh bị kích động, người ấy phải vận dụng ý muốn của mình để kiểm soát linh. Khi linh quá chán nản , người ấy phải vận dụng ý muốn của mình để nâng đỡ linh. Chỉ theo cách này tín đồ mới có thể bước đi trong linh mỗi ngày. Lời này không mâu thuẫn với điều chúng ta đã nói trước đây về việc linh cai trị toàn bản thể. Khi nói rằng linh cai trị toàn bản thể chúng ta, chúng ta có ý nói rằng trực giác của linh biểu hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Cho nên, linh kiểm soát toàn bản thể chúng ta (bao gồm ý muốn) qua ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nói rằng ý muốn chúng ta kiểm soát toàn bản thể, chúng ta có ý nói ý muốn chúng ta trực tiếp kiểm soát toàn bản thể chúng ta (bao gồm linh chúng ta) theo ý muốn của Đức Chúa Trời . Trong kinh nghiệm, hai điều này hoàn toàn tương thích với nhau. “Ai không cai trị trên linh của mình thì giống như một thành phố bị đạp đổ, và không có các bức tường” (Châm 25:28)
Thứ hai, tín đồ phải kiểm soát tâm trí của mình và các quan năng khác của hồn mình. Mọi ý tưởng phải thuận phục sự kiểm soát của ý muốn. Mọi ý tưởng lang thang phải đến dưới sự kiểm soát của ý muốn. “Bắt giam mỗi ý tưởng hầu dẫn đến sự vâng phục Đấng Christ’ (2 Cor 10:5) “Hãy đặt tâm trí anh em trên những điều ở trên trời” (Col 3:2)
Thứ ba, thân thể phải ở dưới sự kiểm soát. Thân thể con người phải là công cụ cho người đó và không trở thành chủ của người đó qua các sự khao khát và dục vọng hoang dã. Tín đồ phải dùng ý muốn của mình để kiểm soát, huấn luyện và bắt phục thân thể để nó có thể hoàn toàn vâng phục và chờ đợi ý muốn của Đức Chúa Trời mà không kháng cự. “Nhưng tôi đánh (khắc khổ) thân thể mình và bắt nó là nô lệ” (1 Cor 9:27). Khi ý muốn của tín đồ đạt đến tình trạng hoàn toàn tự kiểm soát, người ấy sẽ không bị ngăn trở bởi bất cứ phần nào của bản thể mình. Một khi nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời, người ấy có thể liên tục đáp lại. Cả Thánh Linh và linh con người đều cần một ý muốn tự trị như vậy để thực hiện sự khải thị của Đức Chúa Trời. Do đó, về một mặt, chúng ta phải làm một với Đức Chúa Trời; mặt khác, chúng ta phải khắc khổ toàn bản thể mình để nó vâng phục chúng ta cách hoàn toàn. Điều nay rất quan trọng đối với nếp sống thuộc linh của chúng ta.
Watchman Nee (Người huộc linh)