Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

GIA-CƠ VÀ ĐẢNG CẮT BÌ TẠI JERUSALEM-




Công 12:16-17; 15:13-19, 11:2-3-
Rô. 15: 30-31, “Anh em ơi, tôi nhơn Chúa chúng ta là Jêsus Christ, và nhơn sự thương yêu của Thánh Linh, mà nài khuyên anh em hãy cùng tôi chiến đấu trong sự cầu nguyện Đức Chúa Trời cho tôi,  hầu tôi được giải cứu khỏi những kẻ không vâng phục tại Giu-đê..”
Galati 2: 11-12, “Nhưng khi Sê-pha đến An-ti-ốt, tôi có ngăn cản trước mặt ông, vì ông có chỗ đáng trách.  Bởi trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến, thì ông ăn chung với người Ngoại bang;nhưng khi họ đã đến thì ông lại lui riêng ra, vì sợ những kẻ chịu cắt bì”.

Tít 1:10, “Vì có nhiều người bất phục, nói bông lông, hay lừa dối, nhứt là những kẻ thuộc đảng cắt bì;..”
   Chúng ta không biết làm sao Gia-cơ, em Chúa, vốn là người chống Chúa Jesus trước khi Ngài sống lại, mà sau khi tin Chúa vào khoảng năm 30 S.C., ông lại lần lần nổi lên như một trưởng lão đầu nhất và làm một người có thế lực rất lớn trên hầu hết các hội thánh xứ Giu đê, Samari…và cũng có ảnh hưởng phần nào trên các hội thánh dân ngoại bang? Các Cơ Đốc nhân Do thái xung quanh ông lại hình thành một thế lực lớn mà Phao-lô gọi là đảng cắt bì, những kẻ đối địch với chức vụ phúc âm của Phao-lô. Đảng nầy cố gắng bắt ép Cơ Đốc nhân ngoại bang vâng giữ luật pháp Môi se như chịu cắt bì, ….
   Tôi có vài suy nghĩ về công việc hầu việc Chúa của Gia cơ và đảng cắt bì để chúng ta tránh vết xe đổ của người đi trước. Chúng ta không có quyền phê bình và lên án việc làm của Gia cơ, nhưng Rô ma 15:4 chép, “Bởi hễ điều gì trước đã chép là chép để dạy dỗ chúng ta, hầu nhờ sự nhẫn nại và sự yên ủi do Kinh thánh mà chúng ta được hi vọng”
1.    Ngày phục sinh của Chúa là ngày khai mào cho sự thực thi giao ước mới, nhưng Gia -cơ không hiểu sự ra đi của Cựu ước và sự khởi đầu của Tân ước, nên ông mới nói những lời hồ đồ, đầy sự tối tăm với Phao-lô—Công 21:18-26, “Anh ơi, anh thấy biết mấy vạn người Do-thái đã tin, và hết thảy đều sốt sắng về luật pháp;  họ đã nghe rằng anh dạy mọi người Do-thái ở giữa Ngoại bang chối bỏ Môi-se, bảo họ chớ làm cắt bì cho con cái mình, cũng đừng noi theo lề thói nữa.  Bây giờ cần phải làm sao? Vì chúng chắc nghe anh đã đến rồi.  Vậy, hãy làm theo như chúng tôi nói cho anh: Chúng tôi đây có bốn người đều mắc lời hứa nguyện;  hãy đem họ đi, cùng làm lễ tẩy sạch với họ; lại hãy vì họ chịu chi phí để cạo đầu cho họ. Như thế ai nấy đều sẽ biết sự họ đã nghe về anh là không có gì, song rõ anh cũng noi theo khuôn phép, vâng giữ luật pháp vậy”.
   Gia cơ khuyên Phao-lô làm kẻ giả hình. Ông thuyết phục và ép Phao-lô đến đền thờ dâng của lễ. Sự dâng của lễ nầy đồng nghĩa với việc hủy bỏ lời giảng dạy của phao lô chép ở sách Galati, gây thiệt hại lớn cho cuộc gia tể Tân tước của Đức Chúa Trời.
   Nhiều ông Gia-cơ ngày nay cũng không hiểu Thân Thể Chúa là gì. Họ tưởng đó là một hệ thông do hành động thống nhất hóa cưỡng ép, cách nhân tạo, để tập hợp các hội thánh, hầu mình cai trị. Thảm thương thay!
2.    Mỗi hội thánh địa phương đều có sự độc lập tương đối và có quyền tài phán ngang nhau, tại sao hội thánh Jerusalem nắm quyền chủ trị trên nhiều hội thánh, kiểm tra mọi hoạt động của các tôi tớ khác của Chúa. Họ chất vấn Phi-e-rơ, “Khi Phi-e-rơ đã trở lên Giê-ru-sa-lem, thì tín đồ trong vòng kẻ chịu cắt bì tranh biện với người,  mà rằng: “Anh đã vào nhà kẻ chưa chịu cắt bì và ăn chung với họ!”(Công 11:2-3)
  Dù hội thánh anh có giàu có, đông đảo tín đồ, có vị trí tại thủ đô, hay đô thị lớn, anh cũng không được dựa vào tư thế địa lợi đó mà lấn lướt trên các hội thánh khác.
3.    Tại sao hội thánh của Gia cơ điều động một số thành viên của mình để làm người do thám, người đi khủng bố các địa phương khác để kiểm tra xem các nơi có thực thi các nguyên tắc hành động (không đúng Kinh thánh) do ông đề ra hay không? Phao lô chứng thực cho hành động do thám lén lút đó như sau, “Sau đó mười bốn năm tôi lại lên Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, có đem Tít cùng đi nữa.  Tôi theo sự khải thị mà lên đó, phô bày cho họ Tin Lành mà tôi đã rao giảng giữa người Ngoại bang,.  Tít, là kẻ cùng đi với tôi, tuy là người Hi-lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì.  Tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy anh em giả kia lẻn vào rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Christ Jêsus, cốt ý để bắt chúng tôi vào ách tôi mọi (của luật pháp). Chúng tôi chẳng chịu dung nhượng thuận phục họ, đến nỗi một giờ nào cũng không, hầu cho lẽ thật của Tin Lành cứ ở với anh em” (Galati 2:1-5).
4.    Ngày nay nhiều hội thánh trở thành một hệ thống tôn giáo, có quyền sinh sát trong tay, sai phái nhiều người tín cẩn của mình, đi  khắp nơi do thám, theo dỏi các đầy tớ khác của Chúa, hầu tìm duyên cớ phán xét và xử tội họ. Một sứ đồ tiền phong như Phi-e-rơ còn phải sợ sự hiện diện của họ. Một quyền lực của sự tối tăm gây ra bầu không khí sợ hãi bao trùm các hội thánh. Đây có phải là Thân Thể hữu cơ, sinh động của Chúa hay không các bạn?
Kết luận:
Có nhiều Gia cơ đang mạo muội, tự phụ hầu việc Chúa hôm nay. Nguyện Chúa cho chúng ta đừng bị mắc lừa và sợ hãi các ông Gia cơ đó, để lẽ thật của phúc âm cứ ở với dân Ngài, chớ không phải “lẽ giả của phúc âm”. Mong lắm thay.
Minh Khải—7-6-2015