“Trên giường tôi, đêm từng đêm
tôi đã tìm người mà hồn tôi yêu mến; tôi đã tìm chàng, nhưng không gặp. Bây giờ
tôi sẽ trỗi dậy và đi khắp thành; trên các đường phố và trong các quảng trường,
tôi sẽ tìm người mà hồn tôi yêu mến. Tôi đã tìm chàng, nhưng không gặp. Những
người canh tuần đi khắp thành đã gặp tôi – các anh có nhìn thấy người mà hồn
tôi yêu mến; tôi giữ chặt lấy chàng và không buông ra cho đến khi tôi đã đem chàng vào trong nhà của mẹ tôi
và vào trong phòng của người đã thai nghén
tôi. Hỡi các con gái Jerusalem, ta nài khuyên các ngươi bởi những con
linh dương hoặc những con nai cái trong các cánh đồng, đừng làm kinh động hay
đánh thức người yêu của ta cho đến khi nàng vui thỏa.” (Nhã Ca 3:1 -5)
LỜI GIỚI THIỆU
Đức Chúa Trời của chúng ta thì nghiêm
túc và tuyệt đối. Nếu Ngài muốn có anh em, Ngài sẽ đặt anh em trong lòng Ngài
và trong tay Ngài, và sẽ công tác trên anh em cho đến khi Ngài hoàn toàn có
được anh em. Ngay cả các kinh nghiệm kỳ diệu về Christ mà chúng ta vui hưởng
cũng không thể ngăn Chúa đem chúng ta tiến đến những kinh nghiệm kỳ diệu hơn về
Ngài ở phía trước chúng ta. Chắc chắn Ngài sẽ hoàn thành và đạt được niềm ao
ước của Ngài. Dù đôi khi chúng ta bị chiếm hữu trước bởi các công tác thuộc
linh, nhưng Ngài thậm chí có khả năng cứu chúng ta khỏi điều này, và Ngài sẽ
ban chính Ngài cho chúng ta khi chúng ta xoay qua Ngài. Ngài sẽ là sự vui hưởng
và thỏa mãn cực điểm của chúng ta.
Trong chương
2, các câu 10–14, Chúa nói với người tìm kiếm của Ngài: “Người yêu của Ta ơi,
người đẹp của Ta ơi, hãy trỗi dậy và bước ra; vì bây giờ mùa đông đã qua; mưa
đã dứt qua rồi… Hỡi chim bồ câu của Ta, trong các kẽ nứt của vầng đá, tại nơi ẩn
náu trong vách núi, hãy cho Ta thấy vẻ mặt nàng, cho Ta nghe tiếng nàng; vì
tiếng nàng dịu ngọt, và vẻ mặt nàng đáng yêu.” Chúa yêu cầu nàng bước ra, nhưng
nàng đáp lại: “Hãy bắt những con chồn cho chúng ta, những con chồn nhỏ phá hoại
vườn nho trong lúc các vườn nho của chúng ta đang trổ hoa”( 2:15). Nàng đã quá
thỏa mãn với kinh nghiệm dịu ngọt về các vườn nho đến nỗi phớt lờ sự kêu gọi
của Chúa. Vì vậy Chúa đi khỏi.
Người tìm kiếm bám chặt lấy kinh nghiệm Chúa trước đây của nàng, khiến
cho điều đó trở nên một bức tường phân rẽ nàng khỏi Ngài. Nàng đã quý trọng kinh nghiệm đó đến nỗi phớt lờ
khi Ngài kêu gọi nàng trỗi dậy, bước ra và tiến lên với Ngài. Dường như nàng
đang bám chặt lấy một điều gì đó của Chúa trong khi Ngài đứng bên ngoài cửa sổ
kêu gọi nàng.
Dường như có hai Chúa– Đấng nàng đã kinh nghiệm bên trong bức tường và
Đấng đang kêu gọi nàng bên ngoài bức tường. Nàng chỉ có thể nhìn thấy Chúa mà
nàng đã yêu rất nhiều bên trong bức tường. Nàng chỉ ấp ủ kinh nghiệm dịu ngọt
này và sợ những con chồn nhỏ phá hoại vườn nho đang trổ hoa. Nàng đã không hiểu
sự mong mỏi của Chúa và nhu cầu của Ngài bên ngoài bức tường. Chúa đang kêu gọi
người nữ này hết lần này đến lần khác, nhưng nàng phớt lờ Ngài, dù có thể là
không cố ý. Vì vậy, Chúa đã không thể làm gì hơn là bỏ đi.
“TRÊN GIƯỜNG TÔI, ĐÊM TỪNG ĐÊM
TÔI ĐÃ TÌM NGƯỜI MÀ HỒN TÔI YÊU MẾN”
Trước sự ngạc nhiên của nàng, khi Chúa lìa khỏi, nàng đã mất cảm nhận
bên trong về sự hiện diện của Ngài. Đột nhiên mọi cảm nhận về sự dịu ngọt và sự
vui hưởng biến mất, và nàng còn lại một mình ở đó, cảm thấy trống rỗng và vô
vọng. Phản ứng của nàng trước sự thay đổi đột ngột này là đi tìm Ngài. Câu 1
nói: “Trên giường tôi, đêm từng đêm tôi đã tìm người mà hồn tôi yêu mến. “Giường”
ở đây chỉ về kinh nghiệm và sự tương giao dịu ngọt của nàng với Chúa trước đây.
Chiếc giường là nơi một người có thể buông bỏ công tác của mình và vui hưởng sự
yên nghỉ. Nó mô tả sự tự mãn và tự lấy làm đủ của con người. Nếu anh em ở trên
giường mình thì rất có thể anh em không quan tâm đến việc trỗi dậy và tiến lên.
Dù trước đây sự phục vụ của nàng đầy dẫy sự hiện diện của Chúa, nhưng
sự hiện diện này đã trở nên chiếc giường của nàng. Nàng đã quá tự mãn trên
chiếc giường của mình đến nỗi nó trở nên
một sự ngăn trở trong việc nàng đi theo Chúa. Trước giai đoạn này, nàng đã nghĩ
rằng sự hiện diện của Chúa, vẻ đáng yêu của Ngài và các kinh nghiệm thuộc linh
là đủ. Nàng đã không biết Chúa là vô hạn. Mặc dù nàng vẫn có thể tiếp tục nếp
sống thuộc linh của mình như trước, mặc dù ở bên ngoài nếp sống của nàng không
khác gì, nhưng thực tại– chính Chúa và sự hiện diện của Ngài– đã ra đi.
Vì vậy nàng bắt đầu tìm kiếm
Chúa. Nhưng nàng vẫn tìm kiếm Chúa trên chiếc giường của mình. Nàng không thể
tìm thấy Ngài. Theo quan niệm của nàng, chắc chắn phải có một điều gì đó sai
trật trong nếp sống thuộc linh của nàng. Tuy nhiên, nếp sống thuộc linh của
nàng không phải là nan đề; nàng mới là nan đề. Nan
đề là nàng không sẵn lòng đáp lại sự kêu gọi của Chúa. Nàng không sẵn lòng lìa
bỏ mọi sự và đi theo Chúa.
Anh chị em ơi, điều này rất nghiêm trọng. Nhiều người trong chúng ta ấp
ủ sự tốt lành và dịu ngọt của “giường” mình. Chúng ta ấp ủ các kinh nghiệm
thuộc linh kỳ diệu đó. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên quý trọng chính Chúa. Nếu
không có Chúa ở trên giường thì chiếc giường trống rỗng. Thật đáng tiếc vì
nhiều người đang bám chặt lấy những chiếc giường của họ thay vì Chúa. Một số
người vui hưởng sự dịu ngọt của sự cầu nguyện nhiều đến nỗi họ không quan tâm
đến bất cứ điều gì ngoài việc cầu nguyện, cho dù điều đó có nghĩa là phớt lờ
Chúa. Nếu một anh em em yêu cầu một người như vậy đi thăm viếng một thánh đồ
cùng với mình, người ấy sẽ cho đó là một sự gián đoạn đối với sự tương giao
thân mật của người ấy với Chúa, và sẽ bực tức với việc làm gián đoạn của anh em
này. Người ấy sẽ xin Chúa bắt những con chồn nhỏ- ngụ ý bất cứ điều gì làm gián
đoạn “sự tương giao” của người ấy với Chúa. Cho dù sự gián đoạn này là từ Chúa,
người ấy cũng hi vọng rằng Chúa sẽ cất điều đó đi và buộc trói điều đó. Đây là
điều xảy ra khi chiếc giường của chúng ta thay thế quyền bính và vị trí ưu việt
của Chúa trong đời sống chúng ta.
Chúa có thể dung dịu điều này không? Không. Vì vậy, Ngài đã lìa khỏi
người tìm kiếm của Ngài. Mặc dù chiếc giường vẫn còn đó, nhưng sự hiện diện của
Chúa không còn. Mặc dù nàng vẫn có thể cầu nguyện như trước đây, nhưng nàng đã
đánh mất sự dịu ngọt của hiện diện Chúa trong sự cầu nguyện của mình. Bởi
phương tiện là sự kỷ luật thuộc linh nghiêm khắc như vậy, chúng ta học tập
không yên nghỉ nơi bất cứ kinh nghiệm thuộc linh nào trong quá khứ. Linh chúng
ta phải theo sát Chúa.
Chúng ta luôn nghĩ rằng việc vâng phục Chúa đòi hỏi chúng ta trả một
giá rất đắt. Chúng ta không nhận thức rằng nếu chúng ta từ chối thì giá càng
cao hơn. Sự mất mát do không vâng phục vượt xa cái giá để chúng ta vâng phục.
Thí dụ, khi Abraham không vâng phục sự kêu gọi của Đức Chúa Trời để lìa khỏi
quê hương và bà con thân thuộc của mình, Đức Chúa Trời đã cất cha ông đi. Khi
Abraham nghe lời Sarah và không vâng phục Đức Chúa Trời bởi việc có con với
người hầu gái của bà, kết quả là ông sinh ra Ishmael, người mà sau này bắt bớ
Isaac, con trẻ được sinh ra theo lời hứa.
Trong Nhã Ca, Chúa đòi hỏi Shulammite bước theo con đường thập tự của
Ngài. Ngài yêu cầu nàng kinh nghiệm việc Ngài bị sỉ nhục, chịu khổ, bị khinh
miệt, và sự cô độc của Ngài. Nhưng nàng nghĩ giá này quá cao không thể trả
được. Nàng không nhận thức rằng nếu nàng
vâng phục thì quyền năng phục sinh sẽ chống đỡ nàng và sức lực thiên thượng sẽ
bảo vệ nàng. Ân điển của Chúa sẽ cung ứng cho nàng để bước theo Ngài. Đáng tiếc
thay, nàng đã không vâng phục vào thời khắc quyết định này. Do đó, nàng đã phải
trả giá bằng một hình phạt nghiêm khắc, đó là mất sự hiện diện của Chúa. Đây là
một kinh nghiệm đau đớn cho những người nghĩ rằng họ yêu Ngài bằng cả tấm lòng.
Ở đây, trong chương 3, người nữ này đã tăng trưởng trong sự sống đến
mức độ Chúa có thể xử lý nàng hơn nữa. Vì sự bất phục của nàng, sự kỷ luật
thuộc linh đã đến– sự hiện diện của Chúa đã bị cất đi. Sự hiện diện của Chúa
như Đấng ở bên ngoài bức tường đã biến mất, nên sự hiện diện của Ngài như Đấng
ở trong nhà yến tiệc cũng biến mất. Thật ra, hành động của Chúa bên trong và
bên ngoài bức tường y như nhau. Ân điển mà Chúa cung ứng cho chúng ta bên trong
bức tường là để chúng ta có khả năng đáp ứng với sự kêu gọi của Ngài hầu trỗi
dậy và bước đến giai đoạn kế tiếp trong sự theo đuổi của chúng ta. Tuy nhiên,
nếu chúng ta không thể vâng phục, ân điển bên trong bức tường sẽ bị cất đi.
Phản ứng của nàng là tìm kiếm Chúa khắp nơi. Đáng tiếc thay, nàng lại
nghĩ rằng “chiếc giường” của mình không đủ. Nàng không nhận thức rằng chính vì
nàng không sẵn lòng đáp lại sự kêu gọi của Chúa nên sự hiện diện của Chúa đã ra
đi. Nàng tìm kiếm Chúa bằng cách cố gắng cải thiện sự luyện tập thuộc linh của
mình thay vì thừa nhận sự bất phục của mình. Có lẽ tại nơi mà nàng từng có sự
hiện diện của Chúa vào lúc thức canh buổi sáng, bây giờ nàng cảm nhận thấy rất
khô hạn. Nàng cho rằng đây là kết quả sự biếng nhác của mình và cố gắng dậy sớm
hơn, nhưng cũng vô ích. Rồi nàng cảm thấy vấn đề có thể ở nơi việc đọc Kinh
Thánh của nàng, vì vậy nàng cố gằng đọc càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều đó
cũng không có hiệu quả.
Bất kể nàng cố gằng bao nhiêu, Chúa cũng không đáp lại, vì chiếc giường
không phải là nan đề. Trái lại, vấn đề ở nơi sự đáp ứng của nàng đối với sự kêu
gọi của Chúa. Nếp sống thuộc linh của nàng không phải là nan đề; sự bất phục
của nàng là nan đề. Chúa đã kêu gọi: “Hỡi chim bồ câu của Ta, trong các kẽ nứt
của vầng đá, tại nơi ẩn náu trong vách núi, hãy cho Ta thấy vẻ mặt nàng, cho Ta
nghe tiếng nàng.” Nếu Chúa kêu gọi anh em theo cách này, anh em không có lời
bàu chữa nào cả; anh em phải đáp ứng. Nếu Chúa muốn anh em tiến lên, anh em
phải tiến lên. Không có chỗ cho việc phân tích và lý luận. Điều anh em cần là
bước theo. Sự bất phục của anh em sẽ khiến anh em chịu khổ. Anh em cố gắng tăng
cường các hoạt động thuộc linh cũng vô dụng.
“ BÂY GIỜ TÔI SẼ TRỖI DẬY VÀ ĐI KHẮP THÀNH”
Bây giờ nàng nhận thức giải pháp không phải là điều chỉnh nếp sống
thuộc linh của mình. Vì vậy nàng nói: “Bây giờ tôi sẽ trỗi dậy và đi khắp thành.”
Nàng đã trả một giá đắt cho việc không đi theo Chúa. Việc bị mất sự hiện diện
của Chúa đã làm cho nàng cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Về một mặt, nàng
không còn yêu thích thế giới. Mặt khác, nàng không thể có được sự hiện diện của
Chúa. Nàng quá đau buồn vì nàng không thể có được bất cứ điều gì nàng ao ước.
Nếu không đi ra để tìm kiếm Chúa, nàng không thể nào yên nghỉ được nữa.
“ TÔI ĐÃ TÌM CHÀNG, NHƯNG KHÔNG GẶP”
Rồi nàng trỗi dậy và đi khắp thành, tìm kiếm người mà hồn nàng yêu mến
trên các đường phố và trong các quảng trường. Ở đây thành chỉ về hội thánh, còn
các đường phố và các quảng trường chỉ về sự phô bày và triển lãm kinh nghiệm
phong phú về Christ của các thánh đồ (so sánh Châm 8: 1– 4). Nàng tìm kiếm Chúa
trong hội thành. Nàng nghĩ rằng nàng có thể tìm thấy Chúa mà nàng yêu ở giữa
các anh chị em. Có lẽ nàng đi đến gặp một anh em và nói: “Anh ơi, Chúa của tôi
đã biến mất, tôi phải làm gì đây?” Vì anh em này đọc– cầu nguyện tốt nên anh đề
nghị giải pháp là đọc– cầu nguyện, ăn lời. Tuy nhiên, bất kể nàng cố gắng đọc–
cầu nguyện bao nhiêu, nụ cười của Chúa vẫn giấu khỏi nàng. Rồi một người khác
đề nghị: “ Chị nên kêu cầu danh Chúa”. Nhưng dù nàng kêu cầu thật lâu và quyết
liệt thì cũng không có câu trả lời. Sau đó, một chị em vui hưởng việc đổ nước
mắt trước mặt Chúa nói: “Chị chỉ cần khóc trước mặt Chúa”. Nhưng bất kể bao
nhiêu nước mắt đổ ra, nàng vẫn không thể khôi phục sự hiện diện của Chúa. Đây
là ý nghĩa của câu: “Tôi đã tìm chàng, nhưng không gặp.” Dù nàng cố gắng mọi
cách, nhưng vẫn không thể tìm thấy Chúa.
Ô, anh chị em ơi, điều này thật nghiêm trọng. Chúng ta không thể bất
cẩn đối với sự kêu gọi của Chúa. Nếu Chúa yêu cầu chúng ta nối kết với Ngài
trên con đường thập tự của Ngài, nếu Ngài yêu cầu chúng ta liên hiệp với Ngài
trong sự chịu khổ và chịu sỉ nhục của Ngài, chúng ta phải vâng phục. Ngài muốn
nhìn thấy vẻ mặt của chúng ta. Nếu không, Ngài sẽ cất sự hiện diện của Ngài
khỏi chúng ta. Bất kể chúng ta xưng nhận tội lỗi mình hoặc gaio tiếp với Chúa
như thế nào, nếu chúng ta không vâng phục, Ngài sẽ không trả lời. Ngài sẽ chỉ
hỏi: “Ngươi có thật sự đang bước theo Ta không?” Một khi chúng ta vâng phục
Ngài, vấn đề được giải quyết. Khi đi theo Chúa, chúng ta sẽ lập tức có lại sự
hiện diện của Ngài.
Điều Đức Chúa Trời tập trung vào là sự vâng phục của anh em đối với ý
muốn của Ngài. Xử lý những điều vụn vặt không phải là trọng tâm của Ngài. Nếu
không sẵn lòng dâng mình cho Ngài cách tuyệt đối và đi theo Ngài, anh em vẫn
còn sai trật trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, và anh em sẽ là một chiếc bình
vô dụng. Trong tình huống này, bất kể hành vi của anh em tốt đến đâu, anh em
thánh khiết thế nào hoặc tham dự vào bao nhiêu hoạt động thuộc linh, tất cả đều
vô ích. Dù anh em nhiệt thành, có khả năng khuấy động các buổi nhóm, cố gắng
thăm viếng và chăm sóc các thánh đồ thì cũng vô ích. Thậm chí anh em có cố gắng
phục vụ trọn thời gian cũng vô ích. Anh em cần kính sợ Đức Chúa Trời và hợp tác
với Ngài cách tuyệt đối. Anh em phải quan tâm đến ý muốn của Ngài bất kể được
hay mất. Đường lối của Chúa sẽ chỉ được mở ra cho anh em khi anh em kể mọi sự
là lỗ.
Nhưng Shulammite đã không khám phá ra rằng việc nàng mất sự hiện diện của
Chúa không phải là do một điều gì đó trong nếp sống thuộc linh của nàng. Nàng
đã không thấy mình chính nàng là nan đề. Dù nàng đã đi khắp thành, tìm kiếm
người yêu dấu của nàng trên các thành phố và trong các quảng trường, nhưng
không gặp. Dù nàng đã cố gắng bắt chước người khác kêu cầu danh Chúa, đọc- cầu
nguyện, ca hát và cầu nguyện, nhưng nàng không thể khôi phục sự tương giao ngọt
ngào với Chúa. Nàng không thể khôi phục sự hiện diện của Ngài. Thực ra, Chúa đã
không dẫn dắt nàng đọc nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, kêu cầu Ngài nhiều hơn,
hoặc nhiệt thành hơn. Ngài kêu gọi nàng trỗi dậy và trả giá để bước theo trên
con đường thập tự. Ngài ao ước nàng kinh nghiệm sự cay đắng của sự chết và vinh
hiển của sự phục sinh. Ý định của Ngài là giải phóng nàng khỏi chính mình nàng
và giúp bước vào trong sự cung ứng phong phú và tươi mới của Ngài.
“NHỮNG NGƯỜI CANH TUẦN ĐI KHẮP THÀNH ĐÃ GẶP TÔI”
Bây giờ nàng bối rối đến nỗi thử hết mọi cách để tìm Ngài, nhưng tất cả
đều vô hiệu. Nàng sẽ mất sự hiện diện của Chúa mãi mãi chăng? Không. Mặc dù
Chúa chúng ta đáng sợ, nhưng Ngài cũng đáng yêu. Ngài sẽ không bẻ gãy cây sậy
bị giập, cũng không dập tắt vải lanh đang bốc khói (Math.12:20). Khi nàng bế
tắc cùng đường thì Chúa khôi phục nàng. Chúa đã giúp nàng qua các anh chị em
khác. Ngài đã giúp nàng qua các thánh đồ có cùng tấm lòng với Ngài, các thánh
đồ hoàn toàn được liên hiệp với ý muốn của Ngài.
Các anh chị em mà giúp đỡ người nữ này đã kinh nghiệm Chúa cách sâu xa.
Không giống như những người chỉ có chút ít kinh nghiệm, họ sở hữu tấm lòng và
tâm trí của Christ Jesus. Thay vì cố gắng giúp đỡ người tìm kiếm về sự nhiệt
thành và hành vi bên ngoài của nàng, họ đem nàng đến với Chúa và dẫn nàng đến
với đường lối của Ngài. Những người thiếu kinh nghiệm chỉ có thể đưa ra các lời
đề nghị, còn những người ở trong mối
liên hiệp với Chúa có khả năng đem người khác vào trong mối liên hiệp với Ngài.
Điều lạ lùng là mỗi khi chúng ta bế tắc và cùng đường, một trong số các
anh em sẽ đến với chúng ta. Họ là những người canh tuần đi khắp thành. Là các
đầy tớ của Chúa, họ chăm sóc hội thánh. Cũng vậy, họ nuôi nấng các thánh đồ trẻ.
Họ biết rằng nan đề không ở nơi sự theo đuổi và luyện tập của anh em mà là sự
bất phục và không sẵn lòng phủ nhận chính mình của anh em. Ban đầu có thể anh
em nghĩ rằng sự tương giao của họ không thích hợp hoặc không áp dụng được cho
tình trạng của anh em. Anh em cảm thấy câu trả lời của họ không đáp ứng nhu cầu
của anh em và họ không hiểu nan đề của anh em là gì. Đối với anh em, dường như
sự tương giao của họ chỉ là sự dạy dỗ của những Cơ Đốc nhân lớn tuổi hơn.
Thực ra, họ thật sự biết nan đề của anh em. Họ là những người thuộc
linh, có khả năng biện biệt mọi sự và nhìn thấu anh em. Tuy nhiên, vì vẫn còn
non trẻ trong Chúa nên anh em không đủ khả năng lĩnh hội để tiếp nhận sự soi
sáng cho đến khi họ đi khỏi. Rồi đột nhiên anh em cảm thấy rất sáng tỏ và tự
do. Cuối cùng anh em đã tìm thấy câu trả lời mà thật sự giúp đỡ được anh em. Sự
lao nhọc và gánh nặng bấy lâu của anh em đã kết thúc. Bây giờ Chúa đang mỉm
cười với anh em một lần nữa. Mùa đông đã qua và mùa xuân đã đến. Mọi sự được
khôi phục, vẫn dịu ngọt và hấp dẫn như trước kia. Ô, thật là một sự vui hưởng
và yên nghỉ lạ lùng!
“ TÔI GIỮ CHẶT LẤY CHÀNG VÀ KHÔNG BUÔNG RA”
Câu 4 nói: “Khi vừa qua khỏi họ tôi liền gặp người mà hồn tôi yêu mến;
tôi giữ chặt lấy chàng và không buông ra cho đến khi tôi đã đem chàng vào trong
nhà của mẹ tôi và vào trong phòng của người đã thai nghén tôi.” Tuy ở đây kinh
nghiệm của nàng sâu xa hơn trước, nhưng vẫn chưa phải là một kinh nghiệm thiên
thượng. Vì nếu là như vậy, nàng sẽ chẳng còn gì để kinh nghiệm. Nàng vẫn còn nỗ
lực khôi phục các kinh nghiệm trước đây của mình– giữ chặt lấy Ngài và không
buông ra. Nàng sợ Chúa sẽ biến mất một lần nữa nếu để Ngài đi. Điều này chỉ tỏ
chúng ta bám chặt các kinh nghiệm của mình như thế nào. Thật không dễ để chúng
ta buông bỏ các kinh nghiệm tốt lành của mình để nhận lấy điều đang đến từ Chúa
cách tươi mới.
Mọi điều mà chúng ta cho là kỳ diệu và không sẵn lòng buông ra một ngày
nào đó sẽ trở thành nan đề. Bí quyết của ngày hôm nay để đụng chạm Chúa và có
được sự hiện của Ngài sẽ trở nên một sự ngăn trở trong tương lai. Nếu chỉ cố
gắng bám chặt lấy điều mình đã kinh nghiệm thì anh em sẽ không tăng trưởng.
Đây là tình trạng của Shulamamite. Mặc dù Chúa đã bảo nàng lìa khỏi
kinh nghiệm trước đây của mình, nhưng nàng đáp lại: “Hãy bắt những con chồn
nhỏ”. Khi ấy Chúa đi khỏi, và nàng bắt đầu tìm kiếm Ngài. Tuy nhiên, nàng chỉ
tìm Ngài trên giường mình, phớt lờ yêu cầu của Ngài về việc nối kết với Ngài
trong các kẽ nứt của vầng đá và nơi ẩn náu trong vách núi. Nàng đã dùng mọi
cách để tìm kiếm sự hiện diện của Chúa ngoại trừ cách mà Chúa muốn. Cảm tạ Chúa
về sự thương xót của Ngài. Sau khi nàng chịu khổ một thời gian, Chúa đã diện ra
với nàng một lần nữa. Vào lúc này, nàng giữ chặt lấy Chúa và không buông ra.
Nàng ở lại trong các căn phòng. Dường như nàng trở lại chương 1, sợ đánh mất sự
hiện hiện của Chúa. Tuy nhiên, bây giờ nàng đã tăng trưởng một chút. Nàng đã
tiến xa hơn với Chúa trong thời kỳ tìm kiếm của mình
Khi nhìn vào tình trạng của nàng trong chương 1, chúng ta có thể nhận
thức rằng nàng tự mãn ngay cả khi nàng làm chứng “Chiếc trường kỷ của chúng ta
màu xanh, gỗ hương nam và gỗ cây tùng của chúng ta cũng vậy. Tình yêu của chúng
ta màu xanh, đầy sự tươi mới và hi vọng. Tôi là một bông hoa huệ, trong khi
những người khác là gai gốc. Sự xây dựng hội thánh không thể diễn ra nếu thiếu
tôi” Nàng đã quá tự mãn đến nỗi không nhận thức được ý nghĩa của sự khiêm
nhường và vâng phục.
Tuy
nhiên, bây giờ nàng đã học tập hạ mình nhờ kinh nghiệm việc ở tại nơi ẩn náu
trong vách núi, và nàng bắt đầu tương giao với các chi thể của Thân Thể. Trong
chương một, nàng đã vui hưởng Chúa theo cách riêng nhiều đến nỗi không biết
cách để ở với người khác. Nhưng ở đây, vì đã kinh nghiệm việc ở tại nơi ẩn náu
trong vách núi, nên nàng có một sự nhận thức sâu hơn về việc không là gì cả, sa
ngã và bị hư hoại. Nàng cũng nhận thức nhiều hơn về sự phong phú của Đấng Christ.
Nàng đã nhìn thấy vẻ đẹp của các chi thể trong Thân Thể. Nàng không còn coi
mình là trung tâm như trong chương 1 nữa, và cũng không còn bị chiếm hữu quá nhiều
bởi kinh nghiệm trong các căn phòng. Trong chương 1, chính Chúa là Đấng lôi
cuốn nàng, và nàng vui hưởng việc yêu Ngài. Nhưng bây giờ nàng yêu Chúa mà
không cần Ngài lôi cuốn, và Ngài vui hưởng tình yêu của nàng.
Nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời, nàng đã kinh nghiệm nỗi khổ của
thập tự giá– sự cô độc, khô hạn và nghèo khó. Nàng không thể làm gì ngoài việc
ở với các anh chị em. Bây giờ nàng có thể nhận được sự giúp đỡ từ những người
có kinh nghiệm hơn. Ban đầu, nàng nghĩ rằng chỉ một mình nàng thuộc về Chúa,
còn những người khác thuộc về công tác hoặc tôn giáo. Bây giờ nàng nhận thức
rằng “các con trai của mẹ tôi” là sự giúp đỡ của nàng. Nàng không còn coi mình
là trung tâm nữa; bây giờ Chúa là trung tâm của nàng. Nàng đã nhìn thấy hơn nữa
về cách để sống trước mặt Chúa và giữa vòng các thánh đồ. Nàng không còn độc
lập với Chúa hoặc chỉ là một cá nhân giữ vòng các anh chị em.
Bây giờ nàng không dám lìa khỏi Chúa. Nàng không thể bước đi mà không
có sự hiện diện của Chúa. Nếu Chúa vẫn ở với nàng thì nàng vui mừng. Nếu Ngài
dường như biến mất thì nàng trở nên lo âu đến nỗi phải dừng lại và kêu lên: “Ô
Chúa”, cho đến khi nàng cảm thức được Ngài một lần nữa. Nàng vẫn bị trói buộc
bởi các cảm nhận của mình. Nàng chưa nhận thức rằng sự hiện diện của Chúa luôn
luôn ở với minh.
“CHO ĐẾN KHI TÔI ĐÃ ĐEM CHÀNG VÀO TRONG NHÀ CỦA
MẸ TÔI VÀ VÀO TRONG PHÒNG CỦA NGƯỜI ĐÃ THAI NGHÉN TÔI”
Người tìm kiếm đang bước sâu hơn vào trong ân điển (“nhà của mẹ tôi”)
và sự sống (“phòng của người đã thai nghén tôi”). Ở đây “mẹ” chỉ về ân điển
(Gal 4:26). Bây giờ nàng cảm thấy mọi sự đều do ân điển, không phải do khả năng
hoặc sự trung tín của nàng. Kinh nghiệm của nàng ở đây thì sâu xa hơn khi nàng còn
ở trong nhà yến tiệc. Sự nhận thức của nàng về Chúa đã khác hơn trước. Dù đây
không phải là một kinh nghiệm trong sự thăng thiên, nhưng đó là một kinh nghiệm
trong các kẽ nứt của vầng đá, và là một sự tiến bộ thuộc linh. Nàng không còn
bị giới hạn trong sự vui hưởng và công tác riêng của mình nữa, vì bây giờ nàng
nhận thức rằng mối liên hệ của nàng với Chúa là bởi ân điển.
Vì đã kinh nghiệm sự sống dư dật, nàng được giải phóng khỏi chính mình
và bắt đầu bước đi trên con đường thập tự. Vì vậy, kinh nghiệm của nàng không
còn ở trên bình nguyên trong nhà yến tiệc nữa. Nàng đã tiến bộ đến một chiều
kích khác, vì nàng đã kinh nghiệm quyền năng phục sinh. Kinh nghiệm này đã dẫn
nàng tiến xa hơn và làm cho nàng nhảy nhót. Nàng biểu lộ tình trạng thích hợp
cho sự xây dựng của Chúa. Bây giờ nàng thật sự ở trong lòng Chúa. Ngài yêu nàng
và có được nhiều điều trong nàng. Do đó Chúa nói: “Hỡi các con gái Jerusalem , đừng làm kinh
động hay đánh thức người yêu của Ta. Nàng cần nghỉ ngơi, vì nàng đã chịu khổ
nhiều. Sau đó nàng có thể bắt đầu một giai đoạn kinh nghiệm khác”
Cảm tạ Chúa vì khi người tìm kiếm có một sự vui hưởng như vậy, nàng
biểu lộ tình trạng ở trong mối liên hiệp với Chúa như được nhìn thấy trong
3:6-11– đi lên từ đồng vắng, giống như các trụ khói, đượm hương thơm một dược
và nhũ hương, với mọi loại phấn thơm của thương nhân. Nàng cũng trở nên chiếc
giường của Solomon, tự làm cho trống không và dốc đổ chính mình ra cách hoàn
toàn. Nàng được đổ đầy chính Chúa. Tình trạng thuộc linh của nàng tiến triển,
và nàng đã bước vào một mức độ biểu lộ cao hơn.
Anh chị em ơi, từ phần lời này chúng ta nhận thức rằng nếu chúng ta
kinh nghiệm việc được cứu và yêu Chúa, nhưng lại phân rẽ khỏi Chùa thì chúng ta
thật đáng thương. Nếu chúng ta nghĩ rằng một sự nếm trải tình yêu và sự an ủi
của Chúa là đủ tốt thì chúng ta thật đáng thương. Nếu chúng ta trở nên tự mãn
và bằng lòng với chỉ một chút thành tựu thì thật đáng thương. Nếu chúng ta cho
rằng một thành tựu nào đó là đủ cho toàn bộ nếp sống phục vụ của chúng ta thì
thật đáng thương. Nếu không nhận thức được tầm quan trọng của sự tăng trưởng
thuộc linh thì chúng ta chỉ là những Cơ Đốc nhân đáng thương.
Sự phong phú của Chúa là vô hạn. Chúng ta luôn luôn có thể kinh nghiệm
và vui hưởng Ngài hơn nữa. Nguyện chúng ta nghèo khó trong linh; chúng ta hãy
hạ mình và tự làm cho trống không trước mặt Chúa và nói: “Chúa ôi, tôi không là
gì cả, nhưng Ngài là mọi sự. Hãy đổ đầy tôi mỗi lúc để tôi có thể biểu hiện
Ngài cách đầy đủ”. Chúng ta cần có sự khao khát của Paul: “Anh em ơi, tôi không
thể là chính mình đã giật được, nhưng tôi làm một điều: Quên đi những điều ở
đằng sau và vươn đến những điều ở phía trước, tôi đuổi theo về hướng mục đích
vì giải thưởng mà Đức Chúa Trời trong Christ Jesus đã kêu gọi tôi hướng đến”
(Phil. 3:13 -14). Nguyện chúng ta khích lệ và thúc giục lẫn nhau theo cách này
để mọi sự phong phú của Chúa có thể trở nên thực tại của chúng ta. Amen!
Sưu Tầm