Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

LỊCH SỬ KHẢI THỊ CỦA DANH ĐỨC GIA-VÊ-



Gia-Vê (יַהְוֶה) là Tên của Đức Chúa Trời, ý nghĩa của “Gia-Vê” là Đấng Hằng Hữu (I Am). Danh Gia-Vê xuất hiện khoảng 7000 lần trong kinh thánh Cựu ước, người Israel đọc là Yehôvâh và phiên âm ra tiếng La-tinh là Yahweh, nên người Công giáo Việt Nam cũng phiên âm là Yavê. Bản Kinh thánh Pháp văn dịch nghĩa là l'Éternel- Đấng Hằng Hữu. Bản King James, vốn đã ngự trị trên các hội thánh nói tiếng Anh suốt 4 thế kỉ vừa qua, nhưng họ lại dịch Danh Gia-Vê là LORD, nên một số bản dịch Việt văn cũng dịch noi theo là CHÚA. Chữ “CHÚA” nầy không phải là Tên của Đức Chúa Trời, và nó dễ lẫn lộn với chữ “Lord-- Chúa” là Adonai, nghĩa là “Chủ” trong kinh Cựu ước. Trong những bài viết của tôi, tôi thường dùng Danh “Gia-Vê” như bản Thánh Kinh Tiêu Chuẩn Việt văn 2016 đã sử dụng.
Trong bài nầy tôi dùng kí hiệu TKTC cho kinh văn của bản Thánh Kinh Tiêu Chuẩn, và kí hiệu NTT (linh mục Nguyễn Thế Thuấn) cho kinh văn Công giáo.
Gia-vê là đơn Danh của Đức Chúa Trời, Ngài còn khải thị 14 hợp Danh của Gia-vê trên dòng lịch sử của dân Israel kéo dài chừng 1400 năm, từ Áp-ra-ham (2000 T.C.) đến tiên tri Ê-xê-chi-ên (571 T.C.). Đức Chúa Trời đã tiệm tiến khải thị những ý nghĩa thâm thúy cặp theo với 14 lần các hợp danh Gia-vê đó xuất hiện, ứng theo nhu cầu của tuyển dân trong các giai đoạn lịch sử của họ.


--A. Với Áp-ra-ham – vào khoảng năm 2000 T.C.
1.Gia-Vê Jireh (Yehôvâh yir'eh) - Gia-Vê Quan Phòng-
Trong Sáng thế kí chương 15 và Xuất hành 12: 40, Chúa cho biết thời gian từ Áp-ra-ham cho đến khi dân Israel ra khỏi Ai-cập là khoảng chừng trên 430 năm. Trong hơn 4 thế kỉ nầy, Chúa chỉ khải thị một hợp Danh Gia-Vê cơ bản là:
Sáng thế kí 22:14- TKTC: “Áp-raham bèn gọi tên chỗ đó là Đức GIA-VÊ Sẽ Cung-cấp; như được nói cho đến ngày nay, "Trên núi của Đức GIA-VÊ nó sẽ được tìm thấy". Bản NTT: “Chỗ ấy Abraham gọi tên là "Yavê sẽ liệu" khiến ngày nay người ta còn nói: "Trên núi Yavê sẽ liệu".
Danh Yehôvâh yir'eh có chữ yir'eh, chữ nầy nghĩa đen là perceive, present, provide, regard, chúng ta có thể dịch là: thấy, dự bị, quan phòng, thiên hựu. Danh nầy là Danh cơ bản, Danh làm nền tảng của Đức Gia-Vê. Ngài bày tỏ rằng chính Ngài là Đấng tiên liệu, thấy trước, quan phòng trước theo ân thiên hựu của Ngài về mọi nhu cầu của thánh dân. Tại chỗ đó, trên núi Mô-ri-a, Chúa đã dự phòng nhu cầu Chiên Con, là Đấng Christ cho Áp-ra-ham. Qua Danh Gia-Vê Jireh, chúng ta được mặc khải rằng Đấng Christ là sự dự bị của Đức Chúa Trời ứng cho mọi nhu cầu của tín nhân trải các thời đại đến cả cõi đời đời vô tận. Chúng ta phải đến chỗ nhận ra rằng chỉ có Đấng Christ là giải pháp, là dự liệu của Chúa cho chúng ta đến mãi mãi.

--B. Với Môi-se – vào khoảng năm 1490 TC.
Từ ngày dân Israel ra khỏi Ai-cập cho đến ngày Giô-suê chinh phục xong đất hứa có 40 năm đồng vắng và cộng với chừng 60 chinh phục xứ sở. Trong giai đoạn khoảng một thế kỉ nầy, Chúa khải thị 5 hợp Danh của Đức Gia-Vê cho Môi-se như sau:- Đây là thời kì xây dựng bản thể thuộc linh cho toàn dân thánh:

2.Gia-Vê Ropheca (Yehôvâh râphâ')-- Gia-Vê Lương Y-
Xuất hành 15:26 TKTC, “Ta sẽ chẳng giáng trên ngươi một trong các chứng bịnh mà Ta đã giáng trên dân Ê-díp-tô, vì Ta, GIA-VÊ, là Đấng chữa lành của ngươi"-
Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ,thành ngữ “GIA-VÊ, là Đấng chữa lành” là Yehôvâh râphâ. Bản NTT dịch: “Ta là Yavê, Ðấng chữa lành ngươi”. Ông Rotherham dịch là: “Gia-Vê là Lương Y”. Chữ ‘râphâ' có nghĩa là “vá” như vá áo, “sửa lại” ngôi nhà như Thi 60:2, 1 Các Vua 18:30; “chữa” trong chữa bệnh, Gióp 5:18. Thi 103:- Ngài chữa lành mọi bệnh tật, chữa lành lòng đau thương,Thi 147:3; chữa lành tật nguyện thân thể, như trường hợp A-bi-mê-léc, Sáng 20:17, chữa bệnh của vua Ê-xê-chia 2 Vua 20:5.
Trong bước đầu trên con đường theo Chúa, dân Chúa vốn bị nhiễm tạp chất Ai cập từ lâu đới, nên thường sinh ra các triệu chứng như thích ăn thực phẩm Ai cập, thích thờ bò con vàng, ưa nổi loạn, nên tại đây Chúa khởi sự khải thị cho họ thấy rằng Ngài là Gia-Vê Lương Y. Nhưng rất tiếc thế hệ đầu tiên khoảng 600 ngàn người nam trên 20 tuổi và số lượng các bà vợ có thể đông như vậy, đều bị những chứng bệnh nan y, mãn tính của Ai cập hành hạ, cuối cùng họ đều đã chết rải rác trong sa mạc, chỉ còn hai người mà thôi.
Bạn nghĩ rằng Gia-Vê Lương Y có thể chữa được các căn bệnh của thời đại như Eubola, Sida hay Corona chăng? Xin Đức Gia-Vê Ropheca chữa cho tận gốc bệnh Ai cập trong mỗi chúng ta.

3.Gia-Vê Nissi- (Yehôvâh nissı̂y)- GIA-VÊ Cờ Xí-
Xuất hành17:26TKTC- “Môi-se bèn xây một bàn-thờ, và đặt tên nó là Đức GIA-VÊ là Cờ Của Ta”. Bản NTT dịch: “Môsê đã xây tế đàn và gọi tên là Yavê-Nissi, Yavê, cờ trận của tôi”.
Chữ “Nissi” được dịch là “buồm” trong Ê-sai 33:23; là “cờ” trong Ê-sai 49:20; 62:10; là “sào” treo rắn đồng trong Dân 21: 8,9; là “cờ xí” trong Thi 60: 4. Ngài bị treo lên cây sào để chiến thắng sa-tan, tội lỗi, xác thịt (A ma léc) cho chúng ta. Chúa là ngọn cờ luôn đưa chúng ta đến chiến thắng khải hoàn. Chúa là cờ chiến thắng, cờ chứng cớ của đời sống chúng ta. Ngài cũng là cánh bưồm để đưa chúng ta lướt tới. Ê-sai 33:23 NTT, “Ðỏi của ngươi đã chùng, không phương giữ vững cột buồm, không trương cờ hiệu. Bấy giờ mù sẽ chia phần chiến quả (và) què quặt tha hồ cướp của”. Thi thiên 60:4 BDM chép “Ngài đã ban cho những người kính sợ Ngài cờ hiệu, Để họ trương lên vì chân lý”.

4. Gia-Vê Eloheca (Yehôvâh 'ĕlôhı̂ym)-- Gia Vê Đức Chúa Trời ngươi-    
Danh אֱלֹהִים nầy có nghĩa là “Gia Vê Đức Chúa Trời ngươi”, hơi giống mục 6 “Gia Vê Đức Chúa Trời chúng tôi”. Danh nầy xuất hiện lần đầu ở Xuất hành 20:2,"Ta là GIA-VÊ Chúa TRỜI của ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ra khỏi nhà các kẻ nô-lệ”. Bản NTT dịch: “Ta là Yavê, Thiên Chúa của ngươi, Ðấng đã đem ngươi ra khỏi đất Aicập, khỏi nhà tôi mọi”.
Danh nầy xuất hiện trong Xuất hành chương 20 các câu 2,3,7,10,12, khi Chúa muốn có một mối liên hệ cá nhân thân mật của Ngài với mỗi một tín nhân mà Ngài đem ra khỏi Ai-cập. Giu đa Ích-ca-ri-ốt chỉ gọi Chúa Giê-su là “Thầy”, chứ không hề gọi Ngài là “Chúa”. Khi đề cập đến Chúa trước mặt Sa-mu-ên, vua Sau lơ nói “Đức Chúa Trời của ông”, Sau lơ không xưng nhận Chúa là sở hữu của mình. Danh nầy xuất hiện 16 lần trong Phục truyền chương 16, Môi- se cũng nhấn mạnh mối liên hệ cá nhân của mỗi một con dân với Chúa của mình, trước khi ông từ biệt họ và ra đi. Đó là một sự nhấn mạnh đáng kể trong Kinh thánh.

5.Gia-Vê Mekaddeshcem- (Yehôvâh qâdash)- GIA-VÊ, Đấng Thánh Hóa-
Chữ qâdash có nghĩa là thanh tẩy, thánh hóa, làm cho nên thánh.
Danh Giê-Vê Đấng Thánh hóa xuất hiện 7 lần trong sách Lê- vi- kí chương 20, 21 và 22. Thí dụ Lê. 20:8, “Và các ngươi sẽ giữ các luật-lệ của Ta và thực-hành chúng; Ta là GIA-VÊ, Đấng làm các ngươi nên thánh”. Sách Lê-vi-kí còn 5 lần nhấn mạnh điệp ngữ  “hãy thánh khiết vì Ta là thánh khiết”.
Bản NTT dịch: “Ta là Yavê Ðấng đã tác thánh các ngươi”. Chúa là Đấng Thánh hóa cho tín đồ, như tác giả thơ Hê-bơ rơ 2:11 nói về Đấng Christ, “Vì cả Ngài, là Đấng thánh-hóa lẫn tất cả những kẻ được thánh-hóa đều từ một Cha”. Trong 1Tê sa lô ni ca 5:23, Đấng Thánh hóa đây còn có danh hiệu là “Đức Chúa Trời của sự bình an”. Bản TKTC dịch: “Bây giờ xin chính Đức Chúa TRỜI bình-an thánh hóa anh em hoàn-toàn; và xin linh và hồn và thân-thể của anh em được giữ-gìn trọn-vẹn, không trách được lúc Chúa Giê-su Christ của chúng ta đến”.
Sau khi được chữa lành bệnh tật, và chiến thắng A ma léc, tượng trưng xác thịt, con dân Chúa sẽ được Ngài thánh hóa cách trọn vẹn trong tâm linh, tâm hồn và thân thể để từ tín nhân bình thường, là thánh đồ theo địa vị trở thánh thánh đồ thực nghiệm.

6.Gia-Vê Eloheenu (Yehôvâh 'ĕlôhı̂ym)- Gia-Vê Đức Chúa Trời chúng tôi-
Danh Yehôvâh 'ĕlôhı̂ym nghĩa là “Gia-Vê Đức Chúa Trời chúng tôi” xuất hiện lần đầu tiên ở Phục truyền 1:6 TKTC, “GIA-VÊ Đức Chúa TRỜI chúng ta đã phán với chúng ta tại Hô-rếp”. Hợp danh nầy chép 19 lần trong sách Phục truyền và 3 lần trong Thi thiên 99. Danh thánh nầy ngụ ý Đức Gia-Vê là sở hữu của dân thánh. Trong những bài giảng từ giã, được chép thành bộ Đệ nhị luật, Môi-se nhấn mạnh mối liên hệ thân ái giữa Đức Gia-Vê và dân Ngài. Môi-se trình bày Ngài là Ai, Ngài ở đâu, Ngài đã nói gì, Ngài đã làm gì, Ngài đã ban cho những gì, Ngài đã có gì, Ngài bày tỏ những gì. Gia-Vê Đức Chúa Trời chúng tôi là Vị Cha nhân từ, nhẫn nhục với đàn con khờ dại, ưa nổi loạn trong đồng vắng. Ngài đã ẵm bồng và nuôi dưỡng họ như con mọn và đưa họ đến bờ sông Giô đanh để họ vào chiếm hữu cơ nghiệp mà Ngài đã hứa ban cho tổ phụ họ, là xứ Ca- na- an màu mỡ cùng phong phú.

--C. Thời kì các Thẩm phánTao loạn kéo dài khoảng 450 năm-
Trong cả thời gian dài hơn 4 thế kỉ nầy, dân Chúa chỉ được một sự khải thị duy nhất về:

7. Gia-Vê Salam (Yehôvâh shâlôm)-- GIA-VÊ là Sự Bình-an-
Thẩm phán 6:24, “Đoạn Ghê-đê-ôn xây một bàn-thờ cho Đức GIA-VÊ ở đó và đặt tên nó là: Đức GIA-VÊ là Sự Bình-an”. Bản NTT dịch: “Ghêđêôn đã xây ở đó một tế đàn và ông gọi là: "Yavê-Bằng yên".
Chữ shâlôm có nghĩa “mạnh giỏi, mạnh khỏe” trong Sáng 43:27,28 (nói về Gia-cốp); “bình an vô hại” trong 2 Sa 18: 28-29 (nói về Áp-sa-lôm); “may mắn” trong Thi 35:27; “an nghỉ, lành mạnh” trong Thi 38:3.
Tại sao Chúa khải thị Danh “Gia-vê là Sự Bình-an” cho Ghê-đê-ôn? Ghê-đê-ôn sống trong thời tao loạn, thời kì các sứ quân mà Phao-lô ước chừng có đến 450 năm kéo dài từ sau khi chinh phục đất hứa đến đầu thời Sa-mu-ên (Công vụ 13:19). Riêng bản thân Ghê-đê-ôn, một thanh niên có thân hình cao to lực lưỡng, nhưng tâm hồn thiên nhiên lại rất nhát gan, không gan dạ như Phu-ra, người tôi tớ tín cẩn của mình (Thẩm 7:9-15). Ông không có sự bình an khi Chúa kêu gọi ông dẫn quân chiến đấu với quân thù là Ma-đi-an. Cho nên Ghê-đê ôn phải kinh nghiệm sự bình an của Chúa ngự trị trong lòng, là “bình-an của Đức Chúa TRỜI, vượt quá tất cả tâm-trí, sẽ gìn-giữ tâm và trí” của mình trước, nhiên hậu ông mới đánh đuổi được kẻ thù và đem lại hòa bình cho xứ sở. Thẩm phán 8:28 NTT ghi lại: Và như thế là Mađian đã bị hạ xuống trước mặt con cái Israel làm chúng không còn ngẩng đầu lên được nữa, và xứ đã được yên hàn bốn mươi năm, những ngày đời Ghêđêôn”.

--D. Khởi đầu thời vương quốc Israel (1171-- 571 T.C.)
Trong thời kì kéo dài từ Sa-mu-ên đến tiên tri Ê-xê-chi-ên, Chúa khải thị 7 hợp Danh cuối cùng của Đức Gia-Vê trong kế họach thấy trước của Chúa nhằm mục đích chăn nuôi, củng cố vương quốc Đức Chúa Trời trong Israel, và cuối cùng là phục hồi dân lưu đày, rồi đưa nước Israel vào thiên niên kỉ mai sau.

8. Gia-Vê vạn quân (cơ binh) (Yehôvâh tsebâ'âh).
Chữ Tsebâ'âh được dịch là “đội ngũ” (Dân 1:3); “công việc” (Dân 4:23). Đó là danh hiệu quân sự của Đức Gia-vê. Ngài thường bảo đảm với dân Ngài về điều gì đó bằng câu nhấn mạnh như đinh đóng cột, hay như dấu ấn không phai mờ bằng một tuyên bố: “Danh Ngài là Đức Gia-vê vạn quân” (Ê-sai 47:4; 48:2; 51:15; 54:5).
 Trong 1Sa mu-ên 1:3 NTT, Danh nầy xuất hiện lần đầu: - “Hàng năm, người ấy từ thành quê lên thờ lạy và tế lễ cho Yavê các cơ binh ở Silô”. Danh nầy xuất hiện 53 lần trong sách Xa cha ri, với mục đích trấn tỉnh dân sót ít oi đã hồi hương từ chốn lưu đày Ba by lôn trở về. Đức Gia-vê vạn quân ở cùng họ, nên họ không phải sợ hãi.
Vào đầu sách Sa mu-ên, nhà Chúa tại Si-lô hoang loạn, đội ngũ thầy tế lễ ở đó tha hóa. Cho nên Danh Đức Gia-Vê xuất hiện trước tiên tại đó, nói lên quân số người hầu việc Chúa thiếu hụt trầm trọng. Chúa dấy Sa mu ên đi theo con đường Na xi rê, là cửa hông, để bổ sung quân số phụng sự Chúa tại hội mạc đó. Danh nầy đứng đầu thời kì vương quốc khoảng 600 năm của Israel.
Quân số thầy tế lễ thuộc linh rất thiếu hụt trong hội mạc ngày nay. Bạn có tin như vậy không?

9. Gia-vê Ro-hi (Yehôvâh râ‛âh)- Gia-vê, Đấng Chăn Chiên-
Yehôvâh râ‛âh có nghĩa là: “Đức Gia-vê, Đấng Chăn Chiên của tôi”. Chữ râ‛âh được dịch là: “nghề chăn nuôi” (Sáng 4:3); “bạn” trong Châm 28:7; “người chăn” trong Giê 17:16, Sáng 13:7. Với tư cách là Đấng Chăn Giữ chúng ta, Đức Gia-vê là Đấng chăn nuôi cung cấp, là Đấng chăn giữ bảo vệ, là Bạn tương giao, Bạn giúp đỡ, là Mục Tử họp bầy lại để an ủi, dìu dắt.
Đa-vít từng nhìn thấy dân Chúa thời vua Sau-lơ tản lạc, chạy trốn quân Phi-li-tin. Sau đó Chúa chọn ông làm kẻ chăn dân Ngài, và trên hết Ngài khải thị cho ông thấy rằng Ngài là Đấng chăn giữ ông, qua đó ông sẽ chăn dân Israel.
Tôi rất cảm động những lời nầy: “Người đã chọn Ðavít nô bộc của Người, từ ràn chiên, Người đã cất lên, từ sau cừu mẹ, Người đã gọi đến, cho chăn dắt Yacob dân Người, và Israel, cơ nghiệp của Người, và ngài chăn dắt chúng, với lòng trọn hảo, với bàn tay khôn khéo của ngài, ngài dẫn chúng đi” (Thánh vịnh 78: 70-72 NTT).
“Chúa ơi, xin dấy lên nhiều mục tử như Ða-vít để chăn giữ cơ nghiệp Ngài hiện nay”.

10. Gia-Vê Hô-si-nu (Yehôvâh ‛âśâh)- Gia-Vê Đấng Tạo Tác-
Hầu hết Kinh văn Việt văn dịch từ ngữ ‛âśâh là “Đấng Tạo Hóa”, “Hãy đến,cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi” (Thi 95:6). Bản NTT dịch “Đấng dựng nên”. Các dịch giả dịch như vậy vì họ ngộ nhận ‛âśâh là bârâ'. Sáng thế kí 1:1 chép Đức Chúa Trời sáng tạo (bârâ') vũ trụ, từ không không làm ra có, Sáng 2: 3b TKTC, “mọi sự làm việc của Ngài mà Đức Chúa TRỜI đã sáng-tạo và làm nên”. “Sáng-tạo và làm nên” theo nguyên văn là bârâ' và ‛âśâh. Bârâ' là to create, ‛âśâh là to make, là tạo tác, làm ra từ vật đã có.
Dường như Hợp Danh Yehôvâh ‛âśâh, Gia-Vê Đấng Tạo Tác nầy chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Thi thiên 95. Chúng ta khó xác nhận tác giả thi thiên 95 nầy là ai? Phải chăng Môi-se đã viết thánh vịnh nầy, vì thánh vịnh 90 và 91 có tác quyền của ông? Phải chăng Môi-se cảnh cáo dân Israel đừng thờ lạy một thần nào khác, mà chỉ phải: “hãy tiến vào! Ta hãy thờ lạy, cúc cung, quì gối, trước nhan Yavê, Ðấng làm nên ta!” (NTT)? Phải chăng người ta đã đặt thánh vịnh 95 nầy vào bộ sách Thi thiên, tập 4, giữa dòng lịch sử vương quốc suy thoái của Israel thời các vua,--chỉ “hãy thờ-lạy và sấp mình, … quì gối trước mặt Đức GIA-VÊ Đấng Tạo Tác của chúng ta” mà thôi, nếu không sẽ mất nước?

11. Gia-vê Heleyon (Yehôvâh ‛elyôn)- GIA-VÊ Chí Cao-
Từ ngữ ‛elyôn xuất hiện nhiều lần trong kinh Cựu ước, đi cặp theo như Vua chí cao, Đức Chúa Trời chí cao, nhưng hợp Danh “Yehôvâh ‛elyôn” dường như chỉ xuất hiện 2 lần ở Thi thiên 7:17, và 47:2, để khải thị tính ưu việt tối thượng của Chúa trong vương quốc Ngài giữa vòng dân Israel thời các vua. Thi 47:2 TKTC, “Vì Đức GIA-VÊ Chí Cao phải được kinh-sợ, Một vị Vua vĩ-đại trên tất cả trái đất”.
Người ta hô la “Giê-su là Chúa” trong giờ hội thánh nhóm họp, hay lớn tiếng hát chúc tôn Chúa là Vua chí cao trong Hội thánh, nhưng trong thực tế thì ai đó mới có quyền tối cao trong Nhà Chúa! ?

12. Gia-vê Elohay  (Yehôvâh 'ĕlôhı̂ym)- Gia-Vê Đức Chúa Trời Của Tôi-
Từ ngữ אֱלֹהִים đọc là 'ĕlôhı̂ym, được dịch là: Đức Chúa Trời ngươi trong mục 4, Đức Chúa Trời chúng tôi trong mục 6, và bây giờ Thi thiên 7:1 NTT dịch là: “Lạy Yavê Thiên Chúa tôi…”. Có lẽ hợp Danh nầy của Đức Gia-vê xuất hiện lần đầu trong Thánh vịnh, nói lên đức tin của một cá nhân đối với Chúa trong thời các vua. Đây là đức tin cá nhân. Đa-vít thường nói, và quen cầu nguyện: “Gia-Vê Đức Chúa Trời con soi-sáng sự tăm-tối của con” (Thi thiên.7:; 18: 30. E-xơ-ra mạnh dạn tuyên bố, “vì có tay của Yavê Thiên Chúa của tôi thờ ở trên tôi” (E-xơ-ra 7:28b NTT). Tiên tri Xa Cha ri hi vọng, “Đức GIA-VÊ, Đức Chúa TRỜI của tôi sẽ đến, với tất cả các vị thánh!” (Xa 14:5 TKTC).
Bạn có một đức tin cá nhân, sống động với “Gia-Vê Đức Chúa Trời Của Tôi” như các thánh đồ đó đã có hay chăng?

13 Gia-Vê Tsidkeenu (Yehôvâh tsedeq)- Gia-Vê Sự Công Nghĩa-
Hợp Danh nầy xuất hiện trong thời vong quốc của Israel, và dường như chỉ được chép 2 lần duy nhất trong Giê. 23:6 và 33:16. Từ ngữ rightenousness được nhiều người dịch là công bình, công chính, hay công nghĩa. Nếu ai hiểu được ý nghĩa của chữ “nghĩa” theo chữ Nho sẽ ưa chuộng nói: Gia-Vê Sự Công Nghĩa.
Danh nầy nói tiên tri về tương lai xán lạn của quốc gia Israel trong nước ngàn năm.
Trong vương quốc thiên hi niên ấy, cổ thành Jerusalem hiện nay sẽ được Chúa ban cho danh mới là:Gia-Vê Sự Công Nghĩa”- “Trong những ngày đó, Giu-đa sẽ được cứu-rỗi, và Giê-ru-sa-lem cũng sẽ ở trong sự an-toàn; và đây là danh mà nó sẽ được xưng: GIA-VÊ là sự công-chính của chúng ta” (Giê 33:16 TKTC).
Trong thiên niên kỉ tới, dân Israel sẽ xưng tụng Danh Đấng trị vì trên họ là Gia-Vê Sự Công Nghĩa. “Vào thời Ngài, Yuđa sẽ được cứu thoát, và Israel hưởng cảnh an cư, và này đây tên hiệu gọi Ngài: "Yavê đức nghĩa của chúng tôi". Chúa và thành phố của Ngài có cùng một Tên, vì Chồng và Vợ, Đức Gia-Vê và Hội chúng Israel phục hồi, phải có cùng một Tên.

14. Gia-Vê Shammah (Yehôvâh shâm)- 'GIA-VÊ ở đó-
“Thành ấy sẽ có chu vi 18 ngàn cu-bít; và tên của thành từ ngày đó sẽ là: 'GIA-VÊ ở đó” (E-xê-chi-ên 48:35 TKTC).
“Chu vi là 18.000 (xích). Và tên thành từ nay sẽ là "Yavê-ở-đó" (Êzêkiel 48:35 NTT).
Nghĩa đen của từ ngữ shâm là “ở đó”. Danh nầy bày tỏ cho tiên tri Ê-xê-chi-ên vào khoảng năm 571 T.C, giữa cảnh lưu đày của dân tuyển, để nói trước về tương lai huy hoàng mà Chúa sẽ ban cho họ sau nầy.
Đức Gia-Vê Shammah có nghĩa là: Gia-Vê ở đó. Đó là danh hiệu Chúa tự chỉ về mình với tư cách Đấng ngự trong thành Jeusalem cổ vào thời kì thiên hi niên. Trong quá khứ, đền tạm và đền thờ là nơi Ngài ngự, trong tương lai Ngài sẽ vận hành uy quyền trong phạm vi rộng rãi hơn, là thành cổ Jerusalem. Vào lúc đó, thành Salem có chu vi 18.000 cần (cubit). Mỗi cần là 0, 45 mét, vậy chu vi của thành Sa-lem trong thiên hi niên là 8100 mét, và có người nói là 9000 mét.
Câu Chúa hỏi loài người sau khi họ sa ngã là: “Hỡi A-đam, ngươi ở đâu?” Câu hỏi thứ nhất trong Tân ước hỏi Chúa là “Ngài ở đâu?” (Giăng 1: 38). Lời Đức Thánh Linh qua kinh thánh đáp lại sự kiện “Ngài đã ở đâu” trong quá khứ, hiện tại và tương lai là:
-
Trong máng cỏ thấp hèn, nhục hóa,
Trong cám dỗ vật vã đồng hoang,
Trong tòa án bị chối ngang,
Trên cây thập tự muôn vàn khổ đau.
-
Trong ý chỉ nhiệm mầu Thánh Phụ,
Trên con đường chức vụ gian nan,
Trong mồ rồi sống huy hoàng,
Tại Sa-lem cổ, vinh quang trị đời.
“Gia-Vê Ở Đó” là tên của Jerusalem trong vương quốc Đấng Christ, và đó cũng là Danh hiện diện của Chúa Giê-su Christ yêu quý của chúng ta—Hoàng Đế Đa-vít lớn hơn hiển trị tại cổ thành Jerusalem trong mấy năm tới đây. A men.
Khải Đạo- 03-5-2020