Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC BÀI 5

NỘI DUNG SỰ PHỤC VỤ PHÚC ÂM
CỦA CỨU CHÚA – NÔ LỆ
(1)
Kinh Thánh: Mác 1:14-15
Nếu tra cứu dàn bài của sách Phúc Âm Mác được in trong Bản Kinh Thánh , anh em sẽ thấy Phúc Âm này gồm 6 phần chính: mở đầu của Phúc Âm và bổ nhiệm Cứu Chúa – Nô Lệ để phục vụ sự cứu chuộc (11:1-14:42); sự chết và phục sinh của Cứu Chúa- Nô Lệ để hoàn thành sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời (14:43-16:18); sự thăng thiên của Cứu Chúa – Nô Lệ để Ngài được tôn cao (16:19); và việc Cứu Chúa – Nô Lệ làm lan rộng Phúc Âm cách hoàn vũ qua các môn đồ (16:20). Trong những bài trước, chúng ta đã suy xét sự mở đầu của Phúc Âm và sự bổ nhiệm Cứu Chúa – Nô Lệ. Bài này chúng ta sẽ bắt đầu suy xét chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ để lan rộng Phúc Âm
Chúng ta đã thấy Cứu Chúa – Nô Lệ được bổ nhiệm vào chức vụ bởi hai bước – bước báp-têm, và bước thử nghiệm. Trong 1:14-10:52, Cứu Chúa – Nô Lệ thực hiện chức vụ mà Ngài đã được bổ nhiệm, một chức vụ để lan rộng Phúc Âm.
Trong bài thứ ba của loạt Nghiên Cứu Sự Sống này, chúng ta đã thấy rằng Phúc Âm là sự ứng nghiệm các lời hứa, các lời tiên tri và các hình bóng trong Cựu Ước, và là sự cất bỏ Kinh luật. Cả sự ứng nghiệm các lời hứa, các lời tiên tri và các hình bóng lẫn sự cất bỏ Kinh luật đều là một Thân Vị sống động, tức Jesus Christ. Chính Đấng Christ là sự ứng nghiệm và chính Ngài là sự cất bỏ Kinh luật. Thế thì, khởi đầu Phúc Âm là gì? Khởi đầu Phúc Âm thật ra là việc dẫn đến Thân Vị sống động này. Đối với chúng ta ngày nay, Đấng Christ là mọi sự. Hễ có Ngài, chúng ta có mọi sự. Chúng ta không có các lời hứa – chúng ta có Đấng Christ. Chúng ta không có các lời tiên tri – chúng ta có Đấng Christ. Chúng ta không có các hình bóng – chúng ta có Đấng Christ. Chúng ta không cố gắng giữ Kinh luật vì Đấng Christ ở đây, và chúng ta có Ngài. Trong từ điển thuộc linh của chúng ta, từ ngữ duy nhất là Đấng Christ.

Bây giờ chúng ta đã thấy Phúc Âm là gì, chúng ta cần phải tiếp tục suy xét nội dung của sự phục vụ Phúc Âm được bày tỏ trong 1:14-45. Theo phần này của Phúc Âm Mác nội dung của sự phục vụ Phúc Âm bao gồm 5 điều: rao giảng Phúc Âm (cc 14-20), dạy lẽ thật (cc 21-22), đuổi quỉ (cc.23-28), chữa bịnh (cc.29-39), tẩy sạch người phung (cc 40-45). Bằng những tư liệu đơn giản, nội dung sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô Lệ  là rao giảng, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa lành, và tẩy sạch. Người ta có thể đọc 1:14-16 nhiều lần mà không nhận ra rằng những câu Kinh Thánh này mô tả nội dung của sự phục vụ Phúc Âm. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục xem xét những gì 1:14-20 ghi lại về việc rao giảng Phúc Âm
RAO GIẢNG PHÚC ÂM
Trong Một Miền Bị Khinh Dể
Mác 1:14 chép: “Sau khi Giăng bị tống giam, Jesus đến Ga-li-lê, rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời”. Việc Giăng bị bỏ tù là một dấu hiệu về sự khước từ Phúc Âm, đặc biệt là ở vùng được tôn trọng. Vì vậy, Cứu Chúa – Nô Lệ đã rời miền đó, và trở lại miền bị khinh dể để phục vụ Phúc Âm
Mặc dầu Giăng Báp-tít phục vụ trong đồng vắng, không ở trong đền thánh và trong thành thánh, nhưng chức vụ của ông thì ở Giu-đê, không xa những “điều thánh”. Vì dân chúng khước từ Giăng nên Chúa Jesus đến Ga-li-lê để bắt đầu sự phục vụ Phúc Âm cách xa đền thánh và thành thánh. Điều này xảy ra theo sự tể trị để ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 9:1-2. Ga-li-lê là một nơi có dân pha trộn giữa dân Do Thái và dân ngoại. Vì vậy, miền này được gọi là “Ga-li-lê của các dân ngoại và bị người Do Thái chính thống khinh miệt (Gi 7:41, 52)
Sự phục vụ Phúc Âm được khởi sự bởi chức vụ của người mở đường cho Cứu Chúa- Nô Lệ (1:1-11) tại Giu-đê là miền tôn trọng. Nhưng sự phục vụ này được tiếp tục bởi chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ ở Ga-li-lê, là miền bị khinh miệt, trong khoảng ba năm (1:14-9:50). Mác không thuật lại điều gì về chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê trong suốt thời gian này như Giăng đã thuật lại trong Phúc Âm  của ông (Gi 1:29-42; 2:13-3:36; 5:1-47; 7:10-11:57). Mác không thuật lại bất cứ điều gì về chức vụ của Cứu Chúa – Nô Lệ tại Giu-đê cho đến khi Ngài rời Ga-li-lê để đến Giê-ru-sa-lem lần sau cùng (Mác 10:1) nhằm hoàn thành công tác cứu chuộc của Ngài. Sau đó sự phục vụ Phúc Âm được tiếp thu bởi chức vụ  của Ngài trên đường đến Giê-ru-sa-lem với vùng phụ cận của Giê-ru-sa-lem (10:1-14:42). Sự phục vụ này bao gồm sự chết cứu chuộc của Ngài, sự phục sinh truyền sự sống của Ngài, sự thăng thiên để tôn cao Ngài, và sự phục vụ Phúc Âm của Ngài được các môn đồ Ngài tiếp nối để rao giảng cho toàn cõi thọ tạo (14:43-16:20). Tuy nhiên, trong Phúc Âm của sứ đồ Giăng, ông đã thuật lại những sự kiện tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đê trước thời điểm Mác chương 10 mà điều đó không có trong Phúc Âm Mác (xem Gi 1:29-42; 2:13 – 3:36; 5:1-47; 7:10-11:57)
Theo Mác 1:14, Jesus vào Ga-li-lê rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Sự rao giảng của Cứu Chúa – Nô Lệ là để loan báo tin vui của Đức Chúa Trời cho những người soi sáng những người ngu dốt trong sự tối tăm bằng ánh sáng thần thượng của lẽ thật. Sự rao giảng của Ngài hàm ý đến sự dạy dỗ, và sự dạy dỗ của Ngài hàm ý đến sự rao giảng (Mat 4:23). Đây là điều đầu tiên Ngài đã làm trong chức vụ của Ngài, và đó là cấu trúc gồm  tóm tất cả về sự phục vụ Phúc Âm của Ngài (Mác 1:38-39; 3:25; 6:12; 14:9; 16:15, 20)
PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG DẠY DỖ PHÚC ÂM
Điều đầu tiên trong sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô Lệ là rao giảng Phúc Âm. Chúng tôi đã chỉ ra rằng sự rao giảng của Chúa luôn luôn hàm ý đến dạy dỗ, và sự dạy dỗ của Ngài hàm ý sự rao giảng. Điều này cho thấy có điều gì đó rất quan trọng liên quan đến việc rao giảng Phúc Âm của chúng ta ngày nay. Nhiều thánh đồ có gánh nặng rao giảng Phúc Âm. Họ thiết tha mong ước rao giảng Phúc Âm cho họ hàng, láng giềng, bạn bè, bạn học và đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người đã kinh nghiệm về việc không biết nói gì khi họ cố gắng rao giảng Phúc Âm. Lý do là họ chưa phát triển kỹ năng dạy dỗ Phúc Âm mặc dầu họ có gánh nặng rao giảng Phúc Âm. Nếu không biết cách dạy dỗ, chúng ta sẽ không thể rao giảng có hiệu quả. Rao giảng Phúc Âm tùy thuộc vào dạy dỗ.
Tôi nài khuyên tất cả các thánh đồ là những người trung tín với Chúa  không chỉ học cách rao giảng Phúc Âm mà còn học cách dạy Phúc Âm. Thí dụ, nói về Đức Chúa Trời, có người nói: “Các bạn ơi, trong vũ trụ chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật. Ngoài Ngài ra, không có thần nào cả. Bất cứ điều gì tuyên bố là Đức Chúa Trời đều là giả tạo. Đức Chúa Trời chân thật là Đức Chúa Trời chúng tôi thờ phượng”. Cách nói về Đức Chúa Trời như thế này thì rất giới hạn. Với cách rao giảng như vậy thì không có sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Tôi dùng điều này làm thí dụ về việc cần phải phát triển kỹ năng dạy dỗ và rao giảng Phúc Âm. Vì vậy, tôi khuyến khích các nhân sự trong các Hội Thánh dành nhiều thời gian và sức lực để đào sâu vào trong Lời, và giúp các thánh đồ học biết các lẽ thật khác nhau của Phúc Âm, và cũng học cách trình bày những điều này cho người khác. Trước nhất, tất cả các thánh đồ phải tự mình học lẽ thật. Sau đó họ cần đạt được kỹ năng trình bày những lẽ thật này cho người khác
Các buổi nhóm của Hội Thánh địa phương phải nên bao – hàm – tất – cả. Nói cách thuộc linh, Hội Thánh là gia đình, nhà hàng, bệnh viện, khách sạn, phòng tập thể dục, và cũng là trường học. Về nhu cầu phát triển kỹ năng dạy dỗ Phúc Âm của chúng ta, một vài buổi nhóm của Hội Thánh nên giống như lớp học để hướng dẫn. Trong những buổi nhóm này, các thánh đồ có thể giúp đỡ để hiểu biết lẽ thật và trình bày lẽ thật.
Về nhu cầu này, tôi muốn nói đôi lời với các trưởng lão. Làm một trưởng lão ở một Hội Thánh địa phương là rất khó vì một trưởng lão phải có khả năng làm nhiều việc khác nhau. Vì Hội Thánh là gia đình nên trưởng lão phải biết cách nuôi dưỡng con cái thuộc linh. Vì Hội Thánh là nhà hàng nên trưởng lão phải biết cách dọn thức ăn thuộc linh bổ dưỡng cho thánh đồ. Vì Hội Thánh là bệnh viện nên trưởng lão phải học cách chăm sóc các anh chị em như một bác sĩ thuộc linh. Vì Hội Thánh là một khách sạn nên trưởng lão phải biết cách phục vụ thánh đồ, biết cách chờ đợi họ. Vì Hội Thánh là phòng tập thể dục nên trưởng lão phải biết cách trở thành một huấn luyện viên các thành viên trong “đội” cùng nhau luyện tập bài tập thuộc linh. Vì Hội Thánh cũng là trường  học nên trưởng lão phải biết cách dạy dỗ thánh đồ. Việc dạy dỗ thánh đồ có nhiều mức độ khác nhau: mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, và thậm chí sau đại học. Một trưởng lão phải có khả năng dạy các thánh đồ về những điều thuộc linh ở mọi trình độ khác nhau. Mặc dầu trách nhiệm của trưởng lão về tất cả các vấn đề này là vô cùng nặng nề, nhưng bởi sự thương xót của Chúa, các trưởng lão cần phải học tập làm những điều này.
Phần lớn việc rao giảng Phúc Âm của chúng ta là không hiệu quả hoặc không kết quả. Lý do cho việc thiếu hiệu quả hoặc thiếu kết quả như vậy là vì một số thánh đồ rao giảng thiếu nội dung. Khi nói chuyện với người khác, chúng ta cần có điều gì đó phong phú để trình bày cho họ. Thí dụ, khi mời người nào đó một tách nước mà chỉ có vài giọt thì chắc chắn không phù hợp. Thay vào đó, anh em nên mời người ấy một tách nước đầy. Đó là hình ảnh minh họa việc chúng ta cần được đổ đầy những sự phong phú thần thượng để mỗi khi nói chuyện về người khác, chúng ta có thể cung ứng những sự phong phú này cho họ.
Giả sử anh em gặp người nào đó hỏi điều gì đó,  thì anh em nên nắm lấy cơ hội để cho người ấy một viên “kim cương” lẽ thật. Chẳng hạn, anh em có thể nói với người ấy về lới hứa được Đức Chúa Trời lập trong Sáng Thế Ký 3:15 là lời hứa về dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn. Sau đó, anh em có thể tiếp tục chỉ ra rằng dòng dõi của người nữ, tức Chúa Jesus, là sự ứng nghiệm lời hứa này, và trên thập tự giá Ngài đã giày đạp đầu Sa-tan, do đó diệt trừ kẻ thù của Đức Chúa Trời. Khi có cơ hội khác,  anh em có thể chia sẻ một phương diện khác của lẽ thật với người này. Có thể là sau một thời gian, người ấy sẽ bày tỏ khao khát muốn tham dự buổi nhóm với anh em.
CẦN CÓ CẢ RAO GIẢNG LẪN DẠY DỖ
Cũng theo nguyên tắc này, khi dạy lẽ thật, chúng ta cũng nên rao giảng. Chúng ta không nên dạy dỗ theo cách văn tử chết. Điều này có nghĩa là việc dạy dỗ của chúng ta phải sống động, và không chỉ là dạy giáo lý suông. Thí dụ, nếu chúng ta nghiên cứu việc trinh nữ sinh ra. Đấng Christ chỉ theo cách giáo lý thì việc nghiên cứu như thế sẽ có ảnh hưởng chết chóc, trước nhất trên chúng ta, và sau giảng sống động. Bất cứ khi nào dạy một câu Kinh Thánh cho người khác, chúng ta cũng nên rao giảng cho họ. Trong khi dạy lời Thánh, chúng ta cũng phải nói ra Phúc Âm. Đây là cách Chúa đã thực hành trong Phúc Âm Mác. Bất cứ khi nào Chúa rao giảng, Ngài cũng dạy dỗ, và bất cứ khi nào dạy dỗ, Ngài cũng rao giảng. Sự phối hợp giữa dạy dỗ và rao giảng thì thật tuyệt vời.
Con người sa ngã cần nghe cả sự rao giảng lẫn dạy dỗ Phúc Âm. Giữa vòng những người sa ngã, sự thiếu hiểu biết về Đức Chúa Trời và những điều thuộc về Đức Chúa Trời thật kinh khủng biết bao! Cho dù xã hội của chúng ta có thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục nhưng con người vẫn không hiểu biết về lễ thật thần thượng. Họ không biết Đức Chúa Trời, không biết về ý nghĩa đời người, và không biết mình từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Thay vào đó, trong sự thiếu hiểu biết của họ, con người chỉ quan tâm đến tư dục xác thịt, và vui thú thế gian. Vì vậy, ngày nay người ta cần sự dạy dỗ đúng đắn về Lời của Đức Chúa Trời, và sự dạy dỗ ấy sẽ soi sáng họ.
Là một Nô Lệ phục vụ Đức Chúa Trời, Chúa Jesus rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật cho những người ngu dốt, đang ở trong tối tăm. Là sự tiếp nối của Chúa, sự mở rộng và gia tăng của Ngài, ngày nay Hội Thánh cũng nên làm như vậy. Đối với những người sa ngã trong sự tối tăm, Hội Thánh nên rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật. Tôi hy vọng tất cả các thánh đồ trở nên những người rao giảng Phúc Âm giỏi và là những giáo sư Kinh Thánh giỏi.
Nếu tất cả chúng ta trở nên những người rao giảng và những giáo sư giỏi, Chúa sẽ có cách trở lại nhanh hơn. Tình hình ngày nay không để cho Chúa trở lại vì không có gì sẵn sàng cho Ngài trở lại. Vì vậy, chúng ta cần phải trung tính theo các bước của Chúa trong vấn đề rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật. Ngài là người rao giảng giỏi và giáo sư giỏi nên chúng ta phải học tập Ngài để cũng trở nên những người rao giảng và những giáo sư giỏi. Về vấn đề này, tôi đặc biệt hy vọng những người trẻ sẽ trung tín với Chúa trong sự khôi phục của Ngài. Các anh chị em trẻ tuổi ơi, trước mặt các anh chị em là con đường dài. Tôi nài khuyên anh em hãy trung tín trong sự khôi phục của Chúa để rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật.
PHÚC ÂM VÀ VƯƠNG QUỐC
Theo 1:14, Chúa rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Một số thủ bản thêm vào “Vương quốc của”, và do đó nói về Phúc Âm Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Phúc Âm của Jesus Christ (c.1) là Phúc Âm của Đức Chúa Trời (La 1:1), và là Phúc Âm về Vương Quốc của Đức Chúa Trời (xem Mat. 4:23). Trong 1:15, Chúa Jesus Phán: “Kỳ đã trọn, Vương Quốc đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn, và tin Phúc Âm” Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự cai trị, trị vì của Đức Chúa Trời với mọi phước hạnh và sự vui hưởng của Vương Quốc ấy. Đây là mục tiêu Phúc Âm của Đức Chúa Trời và của Jesus Christ. Để bước vào Vương Quốc này, người ta cần phải ăn năn các tội phạm và tin Phúc Âm hầu cho các tội phạm được tha và họ có thể được Đức Chúa Trời tái sinh để có sự sống thần thượng của Vương Quốc này (Gi 3:3,5). Tất cả tín đồ trong Đấng Christ có thể dự phần Vương Quốc trong thời đại Hội Thánh để vui hưởng Đức Chúa Trời trong sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh (La 14:17) Vương Quốc này sẽ trở nên Vương Quốc của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời cho các tín đồ đắc thắng thừa hưởng và vui hưởng trong thời đại Vương Quốc sắp đến (1 Cô 6:9-10; Ga 5:21; Eph 5:5) để họ có thể trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm (Khải 20:4, 6). Là Vương Quốc đời đời, lúc đó phước hạnh ấy sẽ là phước hạnh đời đời về sự sống của Đức Chúa Trời để tất cả những người được chuộc của Đức Chúa Trời vui hưởng trong trời mới đất mới cho đến đời đời (Khải 21:1-4; 22:1-5, 14, 17) Vương Quốc của Đức Chúa Trời như vậy đã đến gần và Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô Lệ sẽ đem tín đồ của Ngài vào trong đó. Vì Vương Quốc này Cứu Chúa – Nô Lệ bảo người ta phải ăn năn và tin Phúc Âm (xem chú 33 trong Giang 3:281 trong Hê-bơ-rơ 12; và 33 trong Ma-thi-ơ 5)
HÃY ĂN NĂN VÀ TIN PHÚC ÂM
Như được dùng trong 1:15, từ “ăn năn” nghĩa đen là suy nghĩ cách khác , tức là có sự thay đổi tâm trí. Ăn năn là thay đổi tâm trí với lòng hối tiếc về quá khứ, và hướng về tương lai. Về mặt tiêu cực, ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời không những là ăn năn về các tội phạm và những việc làm sai trái, mà cũng ăn năn về thế giới và sự hư hoại của nó; đó là điều đã chiếm đoạt và làm hư hoại con người mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng cho chính Ngài, và ăn năn về đời sống từ bỏ Đức Chúa Trời trong quá khứ. Về mặt tích cực, ăn năn là hướng về Đức Chúa Trời trong mọi phương diện và trong mọi sự để hoàn thành mục đích của Ngài khi tạo dựng nhân loại. Đây là “ăn năn đối với Đức Chúa Trời”, tức là “ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời” (Công. 20:21; 26:20).
Trong khi Chúa rao giảng, Ngài bảo người ta ăn năn và tin Phúc Âm. Ăn năn chủ yếu là trong tâm trí; còn tin chủ yếu là ở trong lòng (La. 10:9). Tin điều gì đó là tin vào điều chúng ta tin. Đó cũng là nhận lãnh vào trong mình những gì chúng ta tin. Tin Phúc Âm chủ yếu là tin Cứu Chúa – Nô Lệ (Công. 16:31), và tin Ngài là tin vào trong Ngài (Gi. 3:15-16) và nhận lãnh Ngài vào trong chúng ta (Gi. 1:12) để chúng ta có thể được liên hiệp với Ngài cách hữu cơ. Một đức tin như vậy trong Đấng Christ (Ga.3:22) được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta (Êph 2:8) qua việc chúng ta nghe lời lẽ thật của Phúc Âm (La. 10:17; Êph. 1:13). Đức tin này đem chúng ta vào trong mọi phước hạnh của Phúc Âm (Ga. 3:14). Vì vậy, đức tin này quí báu đối với chúng ta (2Phi. 1:1). Một đức tin quí báu như thế trước hết đòi hỏi phải ăn năn.
Tin là nhận lãnh Cứu Chúa – Nô Lệ không những để được tha thứ các tội phạm (Công. 10:43) mà còn để được tái sinh (1 Phi. 1:21, 23) hầu cho những người tin có thể trở nên con cái Đức Chúa Trời (Gi. 1:12-13), và Chi Thể của Đấng Christ (Êph.5:30) trong mối liên hiệp hữu với Đức Chúa Trời Tam – Nhất (Mat.28:19).
PHÚC ÂM CỦA JESUS CHRIST
PHÚC ÂM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, VÀ PHÚC ÂM
CỦA VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI

Cụ thể là trong Mác 1:15, Chúa Jesus rao giảng rằng chúng ta nên tin Phúc Âm. Đây là Phúc Âm của Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời (c.1), Phúc Âm của Đức Chúa Trời, và Phúc Âm về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời, cùng với tất cả các tiến trình mà Ngài đã trải qua, bao gồm sự nhục hóa, chịu đóng đinh, được phục sinh, thăng thiên và tất cả công tác cứu chuộc mà Ngài đã hoàn tất, là nội dung của Phúc Âm (La.1:2-4; Lu. 2:10-11; 1 Cô.15:1-4; 2 Ti. 2:28). Vì vậy, Phúc Âm là nói về Ngài. Phúc Âm được Đức Chúa Trời hoạch định, hứa trước, và hoàn tất (Êph.1:8-9; Công.2:23; La.1:2; 2 Cô.5:21; Công 3:15) và đó là quyền năng của Đức Chúa Trời dẫn đến sự cứu rỗi cho mọi người tin (La.1:16) để họ có thể được giải hòa với Đức Chúa Trời (2Co6 5:19), và được Ngài tái sinh (1 Phi 1:3) để trở nên con cái Ngài (Gi.1:12-13; La 8:16), vui hưởng tất cả  sự phong phú và phước hạnh của Ngài như là cơ nghiệp của họ (Eph.1:14). Vì vậy, đây là Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Phúc Âm này đem tín đồ vào trong lãnh vực cai trị thần thượng trong vương quốc thần thượng (1 Tê 2:12). Vì vậy, đây cũng là Phúc Âm của Vương Quốc Đức Chúa Trời. Do đó, toàn thể nội dung của Phúc Âm này cũng giống như nội dung của Tân Ước với tất cả các di sản của giao ước ấy. Khi tin vào Phúc Âm này, chúng ta thừa hưởng Đức Chúa Trời Tam-Nhất với sự cứu chuộc, sự cứu rỗi, và sự sống thần thượng của Ngài cùng với tất cả sự phong phú của sự sống ấy để làm phần hưởng đời đời của chúng ta.