Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC Bài 8


Kinh thánh: Mác 2:13-17
ĂN VỚI TỘI NHÂN
Kêu Gọi Ma-thi-ơ
Câu 14 chép: “Ngài đi qua, thấy Lê-vi con Anh-phê ngồi tại sở thâu thuế thì bảo người rằng: Hãy theo ta. Người đứng dậy mà theo Ngài”. Sở thâu thuế là nhà thâu thuế, là nơi thâu thuế cho chính quyền La-mã. Lê-vi, còn được gọi là Ma-thi-ơ, là một người thâu thuế, có lẽ là một người ở địa vị cao (Mat.10:3). Những người thâu thuế bị người Do Thái lên án, khinh dể và căm ghét (Lu. 18:11, Mat. 5:46). Hầu hết những người thâu thuế này đều lạm dụng chức quyền, dùng yêu sách để đòi hỏi nhiều hơn mức thuế phải đóng (Lu. 3:12-13; 19:2-8). Đóng thuế cho chính quyền La-mã thì rất cay đắng đối với người Do Thái. Những người tham gia vào thâu thuế ;này đều bị dân chúng khi dể và bị cho là không đáng tôn trọng chút nào (Lu. 18:9-10). Vì vậy, họ bị xếp vào hạng tội nhân (Mác 2:16). Mặc dù Ma-thi-ơ là người thâu thuế nhưng ông đã được Cứu Chúa-Nô Lệ kêu gọi và về sau được chọn và được lập làm một trong mười hai sứ đồ (3:18). Thật là một sự thương xót!
Sự ghi lại việc kêu gọi Ma-thi-ơ thì rất đơn giản. ông là một người thâu thuế, là người bị người Do Thái goi là phản quốc vì đã giúp đỡ đế quốc La-mã. Trong Tân Ước, những người thâu thuế này bị xếp hạng chung với hạng kỵ nữ. Tuy nhiên, một người như Ma-thi-ơ đã được Cứu Chúa-Nô Lệ kêu gọi. Chúa chỉ cần phán với ông “Hãy theo Ta!”. Chúng ta được biết là Ma-thi-ơ đứng dậy và đi theo Ngài. Dựa theo ghi chép ở đây, dường như đây là lần đầu tiên Chúa gặp Ma-thi-ơ. Chắc hẳn là phải có sức hấp dẫn nào đó nơi Chúa, hoặc là trong lờ
i Ngài hay dáng vẻ bên ngoài của Ngài, nên Ma-thi-ơ mới đi theo Ngài.
Theo Chúa bao gồm cả tin Ngài. Không ai theo Ngài nếu không tin Ngài. Tin Chúa là để được cứu (Công. 16:31), và theo Ngài là để bước vào cổng hẹp và bước đi trên đường chật (Mat. 7:13-14).
Đây không phải là trường hợp đầu tiên được ghi lại trong Phúc Âm Mác về việc Chúa kêu gọi người ta theo Ngài. Trong 1:16, Ngài thấy Si-môn và Anh-rê đang thả lưới dưới biển. Sau đó, Ngài phán cùng họ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người”. Tức thì, họ bỏ lưới mà theo Ngài (cc. 17-18). Liền sau đó, Chúa kêu gọi Gia-cơ con Xê-bê-đê cùng với em là Giăng đang ở trong ở thuyền vá lưới (c.19). Khi Ngài kêu gọi, họ để cha lại cùng với những người làm thuê mà theo Ngài (c.20). Chúng ta có một trường hợp tương tự như vậy trong chương 2. Chúa thấy Lê-vi, hay Ma-Thi-ơ, tại sở thâu thuế bảo ông theo Ngài thì Ma-thi-ơ đơn giản đứng lên theo Ngài. Hành động đó của ông là sự đáp lại lời kêu gọi của Cứu Chúa-Nô Lệ, hàm ý ông từ bỏ nghề nghiệp ô uế và đời sống tội lỗi của mình.
Người Bệnh Cần Thầy Thuốc
Câu 15 cho thấy Ma-thi-ơ không những theo Chúa mà còn đãi Ngài một bữa tiệc lớn: “Vả, đương khi Jesus ngồi ăn trong nhà Lê-vi, có nhiều người thâu thuế và kẻ có tội đồng ngồi với Ngài và môn đồ Ngài; vì họ đông và đều theo Ngài”. Ma-thi-ơ đã mời nhiều người thâu thuế và tội nhân đến bữa tiệc này. Nếu được mời đến một bữa tiệc như thế,  có lẽ chúng ta đã khước từ lời mời, không muốn ăn uống với những người như vậy. Tuy nhiên, Chúa Jesus đã dự bữa tiệc ấy.
Nếu đọc Phúc Âm Mác cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy các Kinh luật gia như là các gián điệp đi theo Chúa bất cứ nơi nào Ngài đi. Câu 16 chép: “Các Kinh luật gia thuộc phe Pha-ri-si thấy Ngài ăn chung với kẻ có tội và bọn thâu thuế , thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Sao Người ăn uống chung với bọn thâu thuế và kẻ có tội!”. Chúng ta đã thấy các Kinh luật gia này, là những người ủng hộ tôn giáo cũ chết chóc, bị Sa-tan là kẻ thù của Đức Chúa Trời xúi giục và sử dụng để chống đối, phản kháng và ngăn trở sự phục vụ Phúc Âm của Nô Lệ Đức Chúa Trời suốt cả chức vụ Ngài (2:16, 24;3:22; 7:5; 8:11; 9:14; 10:2; 11:27; 12:13, 28). Trong câu 16, các Kinh luật gia tự cho mình là công chính khi lên án Cứu Chúa-Nô Lệ về việc Ngài ăn uống với kẻ thâu thuế  và tội nhân. Lời của các kinh luật gia với các môn đồ của Chúa cho thấy rằng trong sự công chính riêng của mình, họ đã không biết đến ân điển của Đức Chúa Trời. Họ cho rằng Đức Chúa Trời đối xử với con người chỉ theo sự công chính. Ở đây trong câu 16, các Kinh luật gia tiếp tục chống đối Ngài, là sự chống đối đã bắt đầu từ 2:6-7.
Khi nghe những điều các Kinh luật gia nói với các môn đồ, Chúa phán với họ: “Chẳng phải người mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, bèn là người đau ốm. Ta đến không phải để gọi người công chính, bèn là gọi kẻ có tội” (c. 17). Lời này cho thấy Cứu Chúa-Nô Lệ tự xem mình là Thầy Thuốc cho những người bệnh có tội. Trong việc kêu gọi con người theo Ngài, Chúa thi hành chức vụ như một Thầy Thuốc, không như một quan tòa. Phán xét của quan tòa thì theo sự công chính, trong khi việc chữa lành của thầy thuốc thì theo sự thương xót và ân điển. Chúa đến thi hành chức vụ như một thầy thuốc; Ngài đến để chữa lành, phục hồi, làm sống động để cứu người.
Lời của Chúa về người mạnh khỏe không cần thầy thuốc hàm ý rằng các Kinh luật gia tự cho mình là công chính đã không ý thức rằng họ cần Ngài như là Thầy Thuốc. Họ tự cho mình là mạnh mẽ. Vì vậy, bởi sự công chính riêng làm cho mù lòa, họ đã không nhận biết rằng họ đang đau yếu.
Trong câu 17, Chúa phán rằng Ngài đến không để kêu gọi người công chính mà kêu gọi tội nhân. Điều này cho thấy Cứu Chúa-Nô Lệ là cứu Chúa của tội nhân. Thật ra, không có một người công chính, thậm chí một người cũng không (La.3:10). Những người nghĩ rằng mình công chính là công chính riêng. Cứu Chúa-Nô Lệ đã đến không để kêu gọi những người “công chính”, Ngài để kêu gọi tội nhân.
Trong câu 17, dường như Chúa phán với các Kinh luật gia rằng: “Người mạnh sẽ không cần thấy thuốc. Tuy nhiên, những người bệnh biết rằng họ cần thầy thuốc. Các Kinh luật gia các ngươi mạnh khỏe hay yếu đuối? Các ngươi đau yếu hay mạnh khỏe? Các người còn đau yếu hơn những người thâu thuế này, nhưng các ngươi không muốn thừa nhận điều ấy. Vì các ngươi không chịu thừa nhận nhu cầu của mình nên. Ta không thể chữa lành các ngươi. Ta đã đến là Thầy thuốc để chữa lành các ngươi, nhưng các ngươi không muốn thừa nhận mình đau yếu. Hơn nữa, Ta đã không đến để kêu gọi những người công chính – T đã đến kêu gọi tội nhân”.
Niềm Vui Của Sự Cứu Rỗi
Trong hai trường hợp được ghi lại trong 2:1-12 và 2:13-17 – là những trường hợp về việc tha thứ các tội phạm của người bệnh và ăn uống với tội nhân – chúng ta thấy được phương cách tốt nhất để thực hiện sự phục vụ Phúc Âm. Đó là giúp người khác được tha tội để họ có thể bước vào vui hưởng với Đức Chúa Trời. dự tiệc với Chúa Jesus là cùng với Ngài vui hưởng Đức Chúa Trời.
Tất cả tội nhân đã đánh mất Đức Chúa Trời và cũng đã đánh mất sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Tội nhân đã bị bắt làm phu tù, xa cách Đức Chúa Trời và mất sự vui hưởng Đức Chúa Trời để làm nô lệ của Sa-tan. Mọi tội nhân đều là nô lệ dưới uy quyền của San-tan. Vì là nô lệ như vậy nên họ không có sự vui hưởng hoặc bình an. Trong việc thực hiện sự phục vụ  Phúc Âm, trước hết Chúa Jesus tha thứ các tội phạm của chúng ta, sau đó đem chúng ta vào vui hưởng Đức Chúa Trời.
Sau khi được cứu, anh em không kinh nghiệm một sự vui hưởng có thể so sánh với một bữa tiệc sao? Nếu được cứu mà không có một bữa tiệc như thế có nghĩa là anh em không có được niềm vui về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa này, kinh nghiệm về sự cứu rỗi của anh em đã không đầy đủ, không trọn vẹn. Sự cứu rỗi trọn vẹn bao hàm sự tha tội và niềm vui trong Đức Chúa Trời. Niềm vui này là niềm vui hưởng Đức Chúa Trời, và sự vui hưởng như vậy là một bữa tiệc.
Tôi vẫn còn nhớ niềm vui mà tôi kinh nghiệm khi được cứu. Mặc dù tôi được sinh ra, trưởng dưỡng và giáo dục trong Cơ- đốc giáo, nhưng mãi đến măn 19 tuổi tôi mới được cứu. Ô, thật là niềm vui mà tôi đã có vào ngày được cứu! Tôi rất vui mừng và dường như mọi vật trên trời dưới đất đều vui mừng với tôi. Đó là vui hưởng Đức Chúa Trời, là niềm vui của sự cứu rỗi. Niềm vui của sự cứu rỗi là một bữa tiệc. Khi chúng ta có niềm vui của sự cứu rỗi, chúng ta đang dự tiệc với Chúa Jesus.
Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng khi nhớ lại kinh nghiệm cứu rỗi, chúng ta vẫn có thể nếm được niềm vui mà mình đã kinh nghiệm. Sau khi được cứu và biết tội mình đã được tha, trong chúng ta có một niềm vui. Chúng ta xem Chúa Jesus là Đấng tuyệt vời nhất và chúng ta vui mừng trong Ngài, dự tiệc với Ngài.
Niềm vui của sự cứu rỗi, sự vui hưởng Đức Chúa Trời là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng chúng ta đã được đem trở lại với Đức Chúa Trời. Niềm vui của sự cứu rỗi làm chứng rằng chúng ta không còn xa cách Đức Chúa Trời nữa mà đã được đem trở lại với Ngài. Phương cách đúng đắn để thực hiện sự phục vụ Phúc Âm là giúp người khác kinh nghiệm sự tha tội để họ có được niềm vui của sự cứu rỗi, sự vui hương Đức Chúa Trời.
BA TRƯỜNG HỢP ĐAU YẾU
Đến đây, chúng ta đã đề cập đến ba trường hợp đau yếu trong Phúc Âm Mác. Trường hợp thứ nhất là của bà gia Phi-e-rơ (1:30-31). Bà gia của Phi-e-rơ bị bệnh sốt. Chúng tôi đã chỉ ra rằng bệnh sốt có thể tiêu biểu cho một tính khí bất thường, không kiểm chế. Mác dùng người đàn bà để minh họa tình trạng này. Phụ nữ đặc biệt rất dễ bị “sốt” như thế, một cơn sốt làm cho họ rất bực bội. Để giúp đỡ những người có cơn sốt như vậy, trước hết chính chúng ta phải hạ sốt. Sau đó người ấy sẽ dần hạ sốt.
Trường hợp thứ hai về sự đau yếu trong Phú Âm này là trường hợp người phung (1:40-45). Người phung mô tả một tội nhân tiêu biểu. Bệnh phung, là chứng bệnh ô nhiễm, Truyền nhiễm và tai hại nhất, làm cho người ta bị cách ly Đức Chúa Trời và con người. Bệnh phung làm cho nạn nhân mất sự tương giao với cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Vì vậy, sự tẩy sạch người phung trong 1:40-45 chỉ về việc phục hồi một tội nhân để tương giao với Đức Chúa Trời và với con người. Người phung không những cần được chữa lành mà còn cần được tẩy sạch. Trường hợp của người phung thì nghiêm trọng hơn trường hợp của bà gia Phi-e-rơ vì bà ấy không cần được tẩy sạch mà chỉ cần được chữa lành.
Trường hợp thứ ba về sự đau yếu trong Phúc Âm Mác là trường hợp người bại (2:1-12) tức trường hợp của người đàn ông tàn tật do bị bại. Trường hợp của bà gia Phi-e-rơ và người bại cho thấy tội lỗi làm cho đàn ông bị tàn tật và vì tội lỗi mà đàn bàn bị sốt. Nói cách khác, điều làm cho đàn ông bị tàn tật cũng chính là điều làm cho đàn bà “sốt” với cơn sốt cao. Vì vậy chúng ta có thể nói đàn bà bị bệnh sốt còn đàn ông bị bại, tàn tật. Hơn nữa, đàn bà đều là những người phung cần được tẩy sạch.

Ba trường hợp này cho thấy Cứu Chúa-Nô Lệ phục vụ những người bị sốt, những người bị bại và những người bị phung. Chúa phục vụ chúng ta bằng uy quyền tha thứ của Ngài và quyền năng tẩy sạch của Ngài. Ngài tha thứ các tội phạm của chúng ta, tẩy sạch chúng ta và đem chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời. Ngài phục hồi sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời và với con người. Bởi Ngài, các tội phạm của chúng ta đã được cất đi và chúng ta có Đức Chúa Trời là mọi sự cho mình. Bây giờ chúng ta vui hưởng Đức Chúa Trời là sự sống, sự sáng và mọi sự. Chúng ta đang dự tiệc với Chúa. Đây là Phúc Âm và đây cũng là cách thực hiện sự phục vụ Phúc Âm.