Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC BÀI 15




CÁC ẨN DỤ VỀ VƯƠNG QUỐC
Kinh Thánh : Mác 4 :1-34
Phúc Âm Mác cho chúng ta một bản ký thuật về các hoạt động của Cứu Chúa- Nô Lệ . Như chúng tôi đã chỉ ra, Phúc Âm này không có ý định ghi lại những lời nói hay sự dạy dỗ của Cứu Chúa- Nô Lệ . Dĩ nhiên, Phúc Âm này cho chúng ta biết rằng Chúa Jesus đã dạy dỗ. Tuy nhiên, Phúc Âm Mác không nhấn mạnh lời nói của Chúa.
Chương 4 được xem như phần xen vào, khác với phần còn lại của Phúc Âm Mác là phần ghi lại về bốn ẩn dụ của Chúa. Trong 4 :1-34 chúng ta không có lời mô tả về hoạt động hay chuyển động của Cứu Chúa- Nô Lệ. Trái lại, trong chương này chúng ta có phần ghi lại sự dạy dỗ của Cứu Chúa-Nô Lệ về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Chương này, một chương về sự dạy dỗ thì rất quan trọng.
Nếu so sánh chương 4 của Mác với chương 13 của Ma-thi-ơ, chúng ta sẽ thấy Mác chương 4 ngắn hơn Ma-thi-ơ ở chương 13 rất nhiều. Trong Ma-thi-ơ chương 13, chúng ta có bảy ẩn dụ, nhưng trong Mác chương 4 chúng ta chỉ có bốn : ẩn dụ về người gieo giống (cc.1-20), ẩn dụ về cái đèn (cc.21-25), ẩn dụ về hạt giống (cc.26-29), và ẩn dụ về hạt cải (cc.30-34). Trong bốn ẩn dụ này, chỉ có ẩn dụ về cái đèn là không được đề cập trong Ma-thi-ơ chương 13.

SỰ LỚN LÊN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA HẠT GIỐNG VƯƠNG QUỐC
Vấn đề trọng yếu được khải thị trong Phúc Âm Mác chương 4 là hạt giống Vương Quốc. Vương Quốc Đức Chúa Trời không được sinh ra bởi hoạt động hay tổ chức. Vương Quốc Đức Chúa Trời thật ra là chính Đức Chúa Trời được gieo vào trong con người và phát triển trong họ thành một Vương Quốc.
Chúng ta cần được ấn tượng rằng Vương Quốc Đức Chúa Trời không phải là vấn đề dạy dỗ, hoạt động hay tổ chức. Trái lại, Vương Quốc Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong sự nhục hóa của Ngài được gieo vào trong những người được Ngài chọn để lớn lên và phát triển trong họ thành một Vương Quốc.
Trong định nghĩa vắn tắt này về Vương Quốc, chúng ta có một lời khẳng định về yếu tố nội tại của toàn bộ sự dạy dỗ Tân Ước. Tân Ước dạy dỗ chúng ta những gì ? Tân Ước dạy rằng Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã nhục hóa để được gieo vào trong những người được chọn của Ngài và sau đó phát triển bên trong sự dạy dỗ của Tân Ước.
Nếu đọc Tân Ước trong ánh sáng này, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời Tam-Nhất trở nên một người. Khi con người này, là Jesus Christ, bắt đầu rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật, Ngài đã gieo chính Ngài vào trong người khác. Điều này có nghĩa là việc Ngài rao giảng Phúc Âm và dạy lẽ thật, thật ra là gieo chúng Ngài vào trong những người nghe Ngài. Trong khi rao giảng và dạy dỗ, Ngài đã gieo lời Ngài vào trong những người Nghe. Lời Ngài truyền chính Ngài vào trong họ. Vì vậy, qua lời Ngài thì chính Ngài là Đấng Thần-Nhân, là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong nhân tính, được gieo vào trong những người được Ngài chọn. Rao giảng và dạy dỗ là cách Ngài gieo chính Ngài là hạt giống Vương Quốc. Khi những người được chọn của Đức Chúa Trời nghe lời của Đấng Thần-Nhân này vè tiếp nhận lời ấy, họ thật sự tiếp nhận một Thân Vị kỳ diệu, Đấng vừa là Đức Chúa Trời Tam-Nhất vừa là một người thật sự. Đây là những Đức Chúa Trời Tam-Nhất vừa là một người thật sự. Đây là những gì được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm.
Bốn sách Phúc Âm khải thị về Đức Chúa Trời Tam-Nhất được nhục hóa. Đấng Thần-Nhân này cuối cùng đã xuất hiện để gieo chính Ngài vào trong những người được chọn của Đức Chúa Trời bằng cách rao giảng và dạy dỗ. Khi những người được chọn của Đức Chúa Trời nghe lời Ngài và tiếp nhận lời ấy thì họ nhận lãnh hạt giống, gien của Vương Quốc. Hạt giống này, gien này là Đức Chúa Trời nhục hóa, là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong nhân tính. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta có việc gieo hạt giống Vương Quốc này.
Trong sách Công Vụ, chúng ta có sự sinh sôi nẩy nở và lan rộng của việc gieo này. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta có sự lan rộng trước hết là từ một Đấng gieo giống rồi đến mười hai người gieo giống, rồi từ mười hai người gieo giống đến bảy mươi người gieo giống. Nhưng trong sách Công Vụ, hàng trăm và thậm chí hàng ngàn người gieo giống được dấy lên. Tất cả những người gieo giống này là những người đã nhận hạt giống, gien. Bởi nhận lãnh hạt giống, họ trở nên những người có thể gieo hạt giống ấy vào trong người khác. Bằng cách này, chúng ta có sự sinh sôi nẩy nở của việc gieo giống và của hạt giống.
Trong Các Thư tín, chúng ta thấy sự lớn lên của hạt giống, gieo Vương Quốc. Chúng ta thấy sự lớn lên này đặc biệt trong 1 Cô-rin-tô chương 3. Trong 1 Cô-rin-tô 3 :9b, Phao lô nói : « Anh em là ruộng đất của Đức Chúa Trời ». Cũng một chỗ khác trong chương này, Phao lô nói : « Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên » (c.6). Ở đây trong chương này, chúng ta có sự lớn lên, phát triển của hạt giống.
Sự phát triển hơn nữa của gien Vương Quốc được thấy trong 2 Phi-e-rơ chương 1. Theo 2 Phi-e-rơ 1 :3 thì « thần năng của Ngài đã ban cho chúng ta mọi sự liên hệ đến sự sống thần thượng đã được ban cho chúng ta vì mục đích phát triển ».
Chúng ta có sự mô tả của sự phát triển này trong 2 Phi-e-rơ 1 :5-7 : «…thêm cho đức tin mình đức hạnh, cho đức hạnh tri thức, cho tri thức tiết chế, cho tiết chế nhẫn nại, cho nhẫn nại kỉnh kiền, cho kỉnh kiền tình kính mến anh em, cho tình kính mến anh em lòng thương yêu ». Ở đây , chúng ta có các bước phát triển của hạt giống cho đến trưởng thành. Phi-e-rơ cho thấy rằng nếu chúng ta có sự phát triển này « thì dường ấy sẽ ban cho anh em được vào cảnh thảnh thơi trong nước đời đời của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Jesus Christ » (c.11) Vì vậy, trong các Thư Tín, chúng ta có sự phát triển hạt giống Vương Quốc cách rõ ràng.
Mùa gặt của hạt giống này được thấy trong sách sau cùng của Tân Ước, là sách Khải Thị. Theo Khải Thị chương 14, trước nhất chúng ta có trái đầu mùa rồi sau đó đến mùa gặt. Khải Thị 14 :4 nói về những người « được chuộc mua từ trong loài người để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con ». Sau đó trong câu 15, chúng ta thấy « mùa màng của đất đã chín khô rồi ».
Những người là trái đầu mùa trong Khải Thị chương 14 sẽ là những người cùng làm vua với Đấng Christ trong thiên hi niên. Thiên hi niên, thời đại một ngàn năm, sẽ là sự phát triển đầy trọn của gien Vương Quốc. Trong suốt thiên hi nên nhiều người đã nhận gien Vương Quốc sẽ cùng làm vua với Đấng Christ. Vào lúc đó, Cha chúng ta sẽ khoe khoang với kẻ thù của Ngài rằng « Sa-tan nhỏ bé kia, người ở đâu ? Ngươi ở trong vực thẳm. Sa-tan, Ta bảo ngươi hãy nhìn vào Vương Quốc của Ta. Ta đặc biệt bảo ngươi nhìn vào những người hiện cùng làm vua với Đấng Christ. Nhiều người đã tin Con Ta và nhận lãnh gien Vương Quốc đã trở nên người cùng làm vua với Ngài. Con Ta là vua và tất cả những tín đồ đắc thắng là những người đồng làm vua với Ngài. Sa-tan, hãy nhìn vào Vị Vua này và những người đồng làm vua với Ngài. Đây thật là một Vương Quốc kỳ diệu!»
Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời đời đời, Đấng vĩnh hằng ; với Ngài không yêu tố thời gian. «Ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày » (2 Phi.3 :8). Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, một ngàn năm của thiên hi niên chỉ là một ngày để Ngài trưng bày Vương Quốc tuyệt diệu của Ngài. Nhưng đối với Sa-tan, sự trưng bày Vương Quốc sẽ kéo dài một ngàn năm. Trong thời gian ấy, Sa-tan sẽ bị xiềng trong vực thẳm
Vào cuối thời đại ngàn năm, Sa-tan sẽ được thả ra và được phép phản loạn một lần nữa. Về điều này, Khải thị 20:7 và 8 chép: “ Khi ngàn năm mãn rồi, Sa-tan sẽ được thả khỏi ngục, đi ra lừa dối các dân ở bốn phương trên đất, tức là Gót và Ma-gót”. Mặc dầu Sa-tan sẽ xúi giục sự phản loạn giữa các quốc gia nhưng hắn sẽ không thể chạm đến những người đồng làm vua, vì khi ấy họ đã được biến đổi bởi gien Vương Quốc. Tất cả yếu tố phản loạn trong nhân tính sa ngã của những người đồng làm vua này sẽ được gien Vương Quốc mất đi. Vì vậy, Sa-tan, tức kẻ ác, không thể nào xúi giục “dân có gien Vương Quốc” phản loạn với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một số lớn dân thuộc các quốc gia được phục hồi sẽ theo hắn. Khải Thị 20:9 cho chúng ta biết hậu quả của cuộc phản loạn sau cùng này: “Chúng lên khắp cả đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trời xuống thiêu nuốt chúng”. Những người thuộc các dân tộc được phục hồi không tham gia vào cuộc phản loạn thì sẽ được chuyển dời vào trái đất mới.
Trong trời mới đất mới, Đức Chúa Trời sẽ có Vương Quốc đời đời cùng với Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là sự tổng cộng các vua, và các vua này sẽ cai trị trên các dân được phục hồi hoàn toàn. Sau đó, Đức Chúa Trời sẽ có một Vương Quốc đời đời là sự phát triển đầy đủ của gien được gieo trong các sách Phúc Âm bởi Jesus  người Na-xa-rét, là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong nhân tính
Gien Vương Quốc được gieo trong các sách Phúc Âm thật là tuyệt diệu! Cuối cùng, gien này sẽ được phát triển thành Vương Quốc ngàn năm được nói đến trong Khải Thị chương 20 và trở thành Vương Quốc đời đời của Đức Chúa Trời trong Khải Thị chương 21 và 22. Ngợi khen Chúa về bức tranh gien Vương Quốc và sự phát triển của gien ấy.
SỰ PHÁT TRIỂN VÀ SỰ BIẾN ĐỔI
TRONG NẾP SỐNG HỘI THÁNH
Hội Thánh đứng chỗ nào trong bức tranh về gien Vương Quốc, về sự phát triển và tổng kết của gien ấy? Các Hội Thánh đang ở trong giai đoạn phát triển của gien này. Sự phát triển này diễn ra do sự lớn lên và được biến đổi
Trong 1 và 2 Cô-rin-tô, Phao-lô nói về sự lớn lên và biến đổi mà ngày nay chúng ta đang kinh nghiệm trong nếp sống Hội Thánh. Trong 1 Cô-rin-tô chương 3, chúng ta có sự lớn lên trong sự sống và trong 2 Cô-rin-tô chương 3, chúng ta có sự biến đổi của sự sống. Trong 1 Cô-rin-tô 3:7 Phao-lô nói về “Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”. Ở đây, chúng ta có sự lớn lên trong sự sống. Sau đó, trong 2 Cô-rin-tô 3:18, Phao-lô nói: “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà ngắm xem và chiếu lại sự vinh hiển của Chúa như một cái gương, thì đều biến hóa nên cùng một hình tượng của Ngài, từ vinh hiển đến vinh hiển, như từ Chúa Linh vậy” .Ở đây, chúng ta có sự biến đổi của sự sống. Vì vậy, trong 1 và 2 Cô-rin-tô, chúng ta có một chương nói về sự lớn lên trong sự sống và một chương khác nói về sự biến đổi của sự sống. Bây giờ trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta đang kinh nghiệm sự lớn lên trong sự sống và sự biến đổi của sự sống.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng Hội Thánh là sự tiếp nối về kết quả của gien Vương Quốc. Sự tiếp nối này cuối cùng sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn của gien ấy. Khi ấy Vương Quốc sẽ được biểu lộ suốt thời kỳ ngàn năm. Tất cả những ai đã nhận lãnh gien này trải qua các thế kỷ sẽ trở thành các vua qua sự phát triển của gien ấy bên trong họ. Toàn thể các vua này sẽ là Vương Quốc đời đời của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Vương Quốc đời đời của Đức Chúa Trời là sự phát triển đầy trọn của gien được Đấng Thần-Nhân, là Jesus người Na-xa-rét, gieo vào.
Trong nếp sống Hội Thánh ngày nay, chúng ta đang kinh nghiệm sự phát triển gien Vương Quốc  qua sự lớn lên trong sự sống và sự biến đổi của sự sống. Cuối cùng, sự lớn lên và biến đổi này sẽ đạt đến sự tổng kết chung cuộc. Khi ấy chúng ta sẽ cùng làm vua với Đấng Christ, là những người đã kinh nghiệm sự phát triển đầy trọn của gien Vương Quốc.
Hiện nay, chúng ta đang trải qua quá trình phát triển. Nhưng chắc chắn là một ngày kia, tất cả chúng ta sẽ đồng làm vua. Khi ngày ấy đến, chúng ta có thể nhìn nhau và nói: “Anh ơi, anh có nhớ những buổi nhóm mà chúng ta nghe về gien vương quốc chăng?  Khi đang ở trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển của gien này. Bây giờ, tất cả chúng ta ở đây là những người đồng làm vua với Đấng Christ. Bây giờ chúng ta có thể thấy được sự phát triển đầy trọn của gien Vương Quốc”. Sự phát triển đầy trọn của gien Vương Quốc sẽ là một sự trưng bày cho các dân, các thiên sứ và Ma Quỉ là Sa-tan.
Chúng ta cần đọc chương 4 của Phúc Âm Mác trong ánh sáng của những gì chúng ta thấy về gien Vương Quốc. Nếu đọc chương này trong ánh sáng như vậy, chúng ta sẽ ý thức rằng trong Mác chương 4, chúng ta có yếu tố nội tại của Phúc Âm.
HUYỀN NHIỆM
VỀ VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 4:1-8, Chúa kể ẩn dụ  về người gieo giống. Trong 4:11, Ngài tiếp tục phán với các môn đồ rằng: “Đã ban cho các ngươi sự huyền nhiệm của nước Đức Chúa Trời, còn đối với người ngoài thì dạy mọi sự bằng thí dụ”. Cuộc gia tể của Đức Chúa Trời về Vương Quốc của Ngài là một huyền nhiệm ẩn giấu, là điều đã được tiết lộ cho các môn đồ của Cứu Chúa-Nô Lệ. Tuy nhiên, vì bản chất và đặc tính của Vương Quốc Đức Chúa Trời là hoàn toàn thần thượng, và yếu tố mà qua đó Vương Quốc được sản sinh là sự sống thần thượng và sự sáng thần thượng nên Vương Quốc của Đức Chúa Trời, đặc biệt trong thực tại, tức là Hội Thánh đích thực trong thời đại này (La.14:17), vẫn còn là huyền nhiệm đối với con người thiên nhiên
ẨN DỤ VỀ CÁI ĐÈN
Trong 4:21-25, chúng ta có ẩn dụ về Cái Đèn. Trong các câu 21 và 22, Chúa phán: “Há có ai đem đèn để ở dưới cái đấu, hoặc dưới chõng, mà không để trên giá đèn sao? Vì chẳng có điều gì giấu mà không lộ, cũng chẳng có việc gì kín mà không tỏ” Đèn chiếu ra ánh sáng, ngụ ý rằng sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa- Nô Lệ không những gieo sự sống vào những người Ngài phục sinh mà cũng đem ánh sáng đến cho họ. Vì vậy, một sự phục vụ thần thượng  như thế sinh ra các tín đồ như những vì sáng (Phil 2:15) và các Hội Thánh như các Giá Đèn (Khải 1:20), soi sáng trong thời đại tối tăm này là chứng cớ của Ngài và tổng kết trong Giê-ru-sa-lem Mới với các đặc tính nổi bật của sự sống và sự sáng (Khải. 22:1-2; 21:11, 23-24)
Mác 4:24 và 25 chép: “Ngài lại phán rằng: Hãy coi chừng về điều mình nghe. Các ngươi dùng lượng nào mà lượng ra thể nào, thì cũng sẽ được lượng lại thể ấy, và còn thêm hơn nữa. Vì ai có, sẽ cho thêm; còn ai không có, dẫu điều họ đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa”. Trong Ma-thi-ơ 7:2 và Lu-ca 6:38, lời Chúa về việc đo lường được áp dụng cho cách chúng ta đối xử với người khác. Ở đây trong Mác 4:24, lời này áp dụng cho cách chúng ta nghe lời Chúa. Mức Lượng Chúa ban cho chúng ta tùy thuộc và lức lượng chúng ta nghe. Cũng vậy, lời Chúa trong câu 25 cũng liên hệ đến cùng chúng ta nghe lời Chúa. Điều này cũng đúng như trong Ma-thi-ơ 13:10-13 và Lu-ca 8:18
ẨN DỤ VỀ HẠT GIỐNG
Trong Mác 4:26-29, chúng ta có ẩn dụ về hạt giống. Câu 26 chép: “Ngài lại phán rằng: Nước Đức Chúa Trời cũng như người vãi giống xuống đất”. Vương Quốc Đức Chúa Trời là thực tại của Hội Thánh được sinh ra bởi sự sống phục sinh của Đấng Christ qua Phúc Âm (1 Cô.4 :15). Sự tái sinh là lối vào của Vương Quốc (Gi.3:5), và sự lớn lên của sự sống thần thượng trong tín đồ là sự phát triển của Vương Quốc (2 Phi 1:3-11)
Người trong Mác 4:26 là Cứu Chúa- Nô Lệ, tức là Người gieo giống. Người trong câu 26 là người gieo giống trong câu 3. Người gieo giống này là Cứu Chúa- Nô Lệ, tức con Đức Chúa Trời đến gieo chính Ngài là hạt giống sự sống trong lời Ngài (c.14) vào lòng người để Ngài có thể lớn lên, sống trong họ và được biểu lộ từ bên trong họ.
Hạt giống trong câu 26 là hạt giống sự sống thần thượng (1Gi.3:9; 1Phi.1:23) được gieo vào trong những người đã tin Cứu Chúa- Nô Lệ. Việc vãi giống ở đây cho thấy rằng Vương Quốc của Đức Chúa Trời, là kết quả và mục tiêu Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô Lệ và của Hội Thánh trong thời đại này (La.14:17), là vấn đề sự sống, tức sự sống của Đức Chúa Trời, nẩy mầm, lớn lên, kết quả, trưởng thành và sinh ra mùa gặt. Nhưng điều này không phải là vấn đề của tổ chức không có sự sống qua sự khôn ngoan và khả năng con người. Lời của các sứ đồ trong 1 Cô-rin-tô 3:6-9 và Khải Thị 14:4, 15,16 xác quyết điều này.
Mác 4:27 tiếp tục viết: “Tối ngủ sáng dậy, giống nảy mộng đâm chồi, mà người không thể nào”. Cụm từ “tối ngủ sáng dậy” và “người không hiểu thể nào” không nên áp dụng cho Cứu Chúa – Nô Lệ. Câu này minh họa cho việc hạt giống lớn lên cách tự phát (c.28). Từ “đâm chồi” ở đây chỉ về sự lớn lên.
Câu 28 chép: “Vì đất tự sanh hoa quả, ban đầu là mạ, kế đến bông, đoạn bông kết hột chắc”. Đất ở đây là đất tốt (c.8) chỉ về tấm lòng tốt được Đức Chúa Trời tạo dựng (Sáng 1:31) để sự sống thần thượng của Ngài lớn lên trong con người. Một tấm lòng tốt như thế sẽ thích hợp cho hạt giống sự sống thần thượng được gieo vào trong chúng ta để lớn lên và kết quả cách tự phát hầu biểu lộ Đức Chúa Trời. Lời ở đây làm cho chúng ta có thể có đức tin về tính tự phát này. Vì vậy, về mặt tiêu cực, cỏ lùng không được cập ở để như trong Ma-thi-ơ 13:-24-30. Từ “tự” có nghĩa là sự lớn lên thì tự phát.
Câu 29 kết luận: “Khi hoa quả đã chín, người ta liền đưa lưỡi liềm vào, vì mùa gặt đã đến”. Lưỡi liềm chỉ về các thiên sứ được Chúa sai đi gặt mùa màng (Khải 14:16; Mat 13:39)
ẨN DỤ VỀ HẠT CẢI
Trong 4:30-34, chúng ta có ẩn dụ về hạt cải. Trong câu 30 đến 32, Chúa phán: “Chúng ta sánh nước Đức Chúa Trời với chi, hay lấy thí dụ nào mà giải bày? Nước ấy ví như hột cải gieo xuống đất; tuy nó nhỏ hơn cả các giống trên đất, song khi gieo rồi thì nó mọc lên, trở nên lớn hơn mọi thứ rau, nứt ra nhành lớn, đến nỗi chim trời có thể đậu dưới bóng nó được”.  Ý nghĩa của hạt giống trong câu 3 và câu 26 và giá đèn trong câu 21 bày tỏ bản chất và thực tại bề trong của Vương Quốc Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ý nghĩa của hạt cải trở nên lớn không theo loại của nó, và chim trời đậu dưới bóng nó là nói về sự hư hoại và dáng vẻ bề ngoài của Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Trong Ma-thi-ơ 13:31 và 32, chúng ta thấy hạt cải không những trở nên lớn hơn mọi thứ rau mà cuối cùng còn trở nên một cây lớn. Hội Thánh, tức hiện thân của Vương Quốc , phải giống như rau làm thực phẩm. Nhưng Hội Thánh đã trở nên một cây, là chỗ chim ở, đã thay đổi bản chất và chức năng. (Điều này nghịch lại luật sáng tạo của Đức Chúa Trời là mỗi cây phải theo loài của nó – Sáng 1:11-12). Điều này xảy ra khi Constantine đại đế pha trộn Hội Thánh với thế giới vào nửa đầu thế kỷ thứ tư. Ông đem hàng ngàn tín đồ giả vào trong Cơ-đốc giáo, làm Cơ-đốc giáo thành Cơ-đốc giáo giới, không còn là Hội Thánh nữa. Vì vậy, ẩn dụ về hạt cải tương ứng với Hội Thánh thứ ba trong bảy Hội Thánh và Khải Thị chương 2 và 3, là Hội Thánh tại Bẹt-găm (Khai 2:12-17) Cải là cây thân thảo, sống theo mùa; trong khi cây thân mộc sống lâu năm. Hội Thánh, theo bản chất thiên thượng và thuộc linh, phải giống như cây cải, kiều cư trên đất. Nhưng với bản chất đã bị thay đổi. Hội Thánh đã đâm rễ sâu và ổn định trên đất như cây thân mộc, phát triển sự nghiệp của mình thành các nhánh để cho những người gian ác và vật gian ác. Điều này đã hình thành tổ chức bề ngoài thuộc về dáng vẻ bề ngoài của Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Trong ẩn dụ về người gieo giống “chim đến ăn nuốt” hạt giống rơi nhằm mé đường (Mác 4:4). Theo câu 15, điều này cho thấy rằng Sa-tan đến và giựt lấy lời đã gieo vào lòng một số người. Vì chim trong ẩn dụ về hạt cải phải chỉ về các ác linh của Sa-tan cùng với những người và những điều gian ác bị chúng xúi giục. Chúng ở trong các nhánh của cây lớn này, tức là ở trong sự nghiệp của Cơ-đốc giáo giới.

Trong 4:33 và 34, chúng ta có lời kết luận cho phần này của Phúc Âm Mác về các ẩn dụ liên quan đến Vương Quốc Đức Chúa Trời: “Ngài dùng nhiều thí dụ dường ấy mà giảng đạo cho họ, tùy sức họ nghe; ngoài thí dụ Ngài chẳng phán gì cùng họ, nhưng khi ở riêng thì Ngài giải nghĩa hết cho môn đồ”. Các ẩn dụ này bày tỏ sự khôn ngoan và sự hiểu biết thần thượng của Cứu Chúa- Nô Lệ (Mat.13:34-35)