Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC BÀI 10


Kinh Thánh: Mác 2:23-3:6

QUAN TÂM ĐẾN CƠN ĐÓI
CỦA CÁC MÔN ĐỒ HƠN LÀ QUI ĐỊNH TÔN GIÁO
Mác 2:23 chép: “Nhằm ngày Sa-bát, xảy khi Jesus đi ngang qua đồng lúa mì; đang đi, môn đồ Ngài bứt bông lúa”. Tôi tin rằng Chúa Jesus cố ý dẫn các môn đồ vào đồng lúa vào ngày Sa-bát. Chắc chắn Ngài biết đó là ngày Sa-bát. Lẽ ra, Ngài không nên quyết định đi ngang qua những cánh đồng vào ngày Sa-bát vì đó là phạm luật về việc giữ ngày Sa-bát. Tuy nhiên Đấng Chăn Chiên, Ngài đã dẫn dắt cả những người theo Ngài là chiên của Ngài vào trong đồng lúa, và những cánh đồng này đã trở nên đồng cỏ của họ. Câu 23 chép rằng “đang đi, môn đồ Ngài bứt bông lúa mì”. Ở đây, chúng ta thấy các môn đồ đang ăn các bông lúa tươi. Nhờ ăn như vậy, họ đỡ đói.
Trong câu 24, “ Người Pha-ri-si bè nói cùng Ngài rằng: Coi kìa, sao họ làm điều không phép làm trong ngày  Sa-bát?” Ngày Sa-bát là để cho người Do Thái nhớ đến Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa (Sáng. 2:2), để giữ dấu hiệu về giao ước của Đức Chúa Trời với họ (Exech. 20:12), và nhớ đến việc Đức Chúa Trời cứu chuộc họ (Phục. 5:15). Vì vậy, vi phạm ngày Sa-bát là vấn đề nghiêm trọng dưới cách nhìn của người Pha-ri-si tôn giáo. Đối với họ, môn đồ của Chúa bứt bông lúa vào ngày Sa-bát là trái luật, không phù hợp Kinh Thánh. Như chúng ta sẽ thấy, người Pha-ri-si không hiểu rõ Kinh Thánh. Theo hiểu biết nông cạn của họ, họ quan tâm đến nghi thức giữ ngày Sa-bát chứ không quan tâm đến cơn đói của người khác. Giữ nghi thức hư không thật ngu dại biết bao!

--Đa-vit Thật
Trong Mác 2:25-26, chúng ta thấy lời đáp của Chúa cho người Pha-ri-si: “Các ngươi há chưa hề đọc đến điều Đa-vít làm trong khi vua cùng những kẻ đi theo bị túng đói hay sao? Thể nào trong đời A-bia-tha là thầy tế lễ thượng phẩm, người vào nhà Đức Chúa Trời, ăn bánh trần thiết, lại cũng cho những kẻ đi theo ăn nữa, là bánh ngoài các thầy tế lễ không ai được phép ăn đến ư?”. Người Pha-ri-si nói rằng môn đồ của Chúa bứt bông lúa ngoài đồng mà ăn là trái luật. Người Pha-ri-si lên án họ vì hành động trái Kinh Thánh. Nhưng Chúa hỏi họ “Các ngươi há chưa hề đọc?”. Ngài nêu lên cho họ một phương diện khác của lẽ thật trong Kinh Thánh để chứng tỏ Ngài và các môn đồ Ngài là đúng. Điều này lên án người Pha-ri-si về việc không hiểu kinh thánh cách đầy đủ.
Câu trả lời của Chúa trong những câu này cho thấy rằng Ngài hẳn đã có phương cách nghiên cứu Kinh Thánh tuyệt hảo. Ở đây, dường như Chúa muốn nói với người Pha-ri-si rằng “Các ngươi chưa bao giờ đọc những gì Đa-vít đã làm sao?  Những người tôn giáo các ngươi tôn trọng Kinh Thánh tột bực. Các ngươi chưa đọc thể nào Đa-vít vào nhà của Đức Chúa Trời ăn bánh trần thiết và cũng ban cho những người đi với ông sao? Các ngươi không biết rằng Đavít đã bày cho những người theo mình làm điều này sao? Các ngươi nói rằng Đa-vít đã bày những người này làm sai trong vấn đề này sao?” Phương cách nghiên cứu Kinh Thánh của Chúa tuyệt vời biết bao! Tất cả chúng ta cần học tập Ngài.
Trong cách nhìn của người Do Thái, Chúa là người thất học. Họ kinh ngạc và nói về Ngài rằng: “Người này chẳng từng học, làm sao biết chữ?” (Gi. 7:15). Người này, là người dường như thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, đã chất vấn các Kinh luật gia, các học giả Kinh Thánh thời xưa liên quan đến kiến thức Kinh Thánh của họ. Mặc dầu xem là các học giả Kinh Thánh nhưng họ chỉ biết Kinh Thánh cách nông cạn và theo giáo lý văn tự chết chóc. Chúa vạch trần kiến thức Kinh Thánh không đầy đủ của họ khi Ngài hỏi rằng họ đã đọc những gì Đa-vít làm khi ông và những người đi theo đang bị đói chưa.
Lời của Chúa hỏi người Pha-ri-si có ẩn ý thật khôn ngoan và phong phú. Lời của Chúa ở đây hàm ý rằng Ngài là Đa-vít thật. Vào thời xưa, Đa-vít và đoàn tùy tùng của ông, khi bị khước từ, đã vào nhà Đức Chúa Trời và ăn bánh trần thiết dường như là vi phạm luật Lê-vi. Bây giờ, Đa-vít thật và môn đồ Ngài cũng bị khước từ và bị tố cáo về việc ăn, có vẻ như chống lại qui định về ngày Sa-bát. Giống như Đa-vít và những người theo ông không bị xem là có tội thì cũng không nên lên án Đấng Christ và các môn đồ của Ngài.
Hơn nữa, lời của Chúa ở đây hàm ý một sự thay đổi mang tính thời đại, từ chức tế lễ sang vương quyền. Vào thời xưa, Đa-vít đến đã làm thay đổi thời đại, từ thời đại thầy tế lễ sang thời đại các vua, sang thời đại mà các vua ở trên các thầy tế lễ. Trong thời đại các thầy tế lễ, người lãnh đạo dân chúng phải lắng nghe các thầy tế lễ (Dân. 27:21-22). Nhưng trong thời đại các vua, thầy tế lễ phải thuận phục vua (1Sa. 2:25-36). Vì vậy, những gì vua Đa-vít cùng với đoàn tùy tùng của ông đã làm thì không phải là không hợp pháp. Bây giờ, vì Đấng Christ đến nên thời kỳ cũng đã thay đổi, lần này là sự thay đổi từ thời đại Kinh Luật sang thời đại ân điển, tức thời đại mà trong đó Đấng Christ ở trên Kinh Luật. bất cứ điều gì Ngài làm đều đúng cả.
Chúng ta đã thấy lời Chúa nói với người Pha-ri-si hàm ý rằng Ngài là Đa-vít thật. Ma-thi-ơ, một nhân viên thâu thuế, là một trong những người theo Đa-vít này, là người chiến đấu vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Khi Đa-vít dẫn đoàn tùy tùng của ông vào nhà Đức Chúa Trời, ông đang chiến đấu cho Vương Quốc. Cũng vậy, là Đa-vít thật, Đấng Christ và những người theo Ngài cũng đang chiến đấu cho Vương Quốc sắp đến. Hơn nữa, với việc Chúa đến thì có sự thay đổi về thời kỳ.
Trong 2:27, Chúa tiếp tục phán với người Pha-ri-si rằng: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chứ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người”. Con người không được tạo dựng cho ngày Sa-bát, nhưng ngày Sa-bát được ấn định cho con người để con người có thể vui hưởng ngày Sa-bát với Đức Chúa Trời (Sáng. 2:2-3).
--Chúa Của Ngày Sa-bát
Trong câu 28, chúng ta được biết rõ Chúa là ai: “Vậy thì Con Người cũng là Chúa của ngày Sa-bát”. Câu này chỉ về thần tính của Cứu Chúa-Nô Lệ trong nhân tính của Ngài. Ngài, Con Người, cũng chính là Đức Chúa Trời đã ấn định ngày Sa-bát, và Ngài có quyền thay đổi những gì Ngài đã ấn đính về ngày Sa-bát. Là Chúa của ngày Sa-bát, Ngải có quyền thay đổi luật lệ về ngày Sa-bát.
Chúa Jesus muốn nói với những người Pha-ri-si hay lên án rằng Ngài là Đa-vít thật, là Vua của Vương Quốc Đức Chúa Trời sắp đến và cũng là Chúa của ngày Sa-bát. Vì vậy, Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn vào ngày Sa-bát, và bất cứ điều gì Ngài làm đều công chính bởi Ngài là Đấng như vậy. Ngài ở trên mọi nghi lễ và qui định. Vì Ngài đã hiện diện nên không cần phải chú ý đến nghi lễ và qui định nào nữa
Tôi muốn anh em chú ý đến từ “thậm chí” (BNC: dịch là cũng) trong 2:28. Ở đây, Chúa nói rằng Con người thậm chí  là Chúa của ngày Sa-bát. Ngài dùng từ “thậm chí” ở đây hàm ý rằng Ngài không chỉ là Chúa của một điều mà cũng là Chúa của mọi điều bao gồm ngày Sa-bát
Lời của Chúa hàm ý và cho thấy rằng Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng, là chính Đấng ấn định ngày Sa-bát trong Sáng Thế Ký chương 2. Là Đấng có quyền ấn định ngày Sa-bát nên Ngài cũng có quyền thay đổi nó. Vì vậy, lẽ ra Chúa có thể phán với người Pha-ri-si rằng: “Sao các ngươi làm phiền Ta? Ta là Chúa đã ấn định ngày Sa-bát, và Ta có  đủ địa vị và quyền hạn để thay đổi nó. Dù Ta ấn định ngày Sa-bát hoặc thay đổi nó thì Ta cũng làm vì cớ con người. Có ngày Sa-bát là vì con người; con người không hiện hữu vì cớ ngày Sa-bát. Những người Pha-ri-si các ngươi thậm chí còn để cho người ta chết bằng cách cứ giữ ngày Sa-bát. Nhưng vào ngày Sa-bát, Ta quan tâm đến việc nuôi dưỡng các môn đồ Ta. Trong Sáng Thế Ký chương 2, ta ấn định ngày Sa-bát bởi vì Ta muốn con người được nghỉ ngơi. Vì vậy, có ngày Sa-bát là vì loài người. Nhưng bây giờ Ta ở đây, Ta muốn hủy bỏ ngày Sa-bát để nuôi dưỡng môn đồ Ta. Là Chúa của ngày Sa-bát, chắc chắn Ta có quyền làm điều này”
Chúa đã giải quyết trường hợp trong 2:23-28 thật tuyệt vời! Chắc chắn Ngài là luật sư giỏi nhất, một luật sư thiên thượng. Bất cứ điều gì Ngài nói đều đúng cả. Khi tranh luận với Ngài, người Pha-ri-si không thắng được trường hợp nào vì Ngài là Chúa toàn năng.
QUAN TÂM ĐẾN VIỆC LÀM GIẢM NỖI KHỔ
CỦA CON NGƯỜI HƠN LÀ NGHI THỨC TÔN GIÁO
Trong 3:1-6, chúng ta thấy Chúa thực hiện sự phục vụ Phúc Âm của Ngài bằng cách quan tâm đến việc làm giảm nỗi khổ của con người thay vì quan tâm đến nghi thức tôn giáo. Ở đây chúng ta có sự kiện cuối cùng của năm sự kiện được ghi lại trong 2:1-3:6, là trường hợp chữa lành người đàn ông bị teo tay. Sự chữa lành này cũng xãy ra vào ngày Sa-bát (3:2).
---Hành Động Của Chúa Vào Hai Ngày Sa-bát
Mác 2;23-3:6 ghi lại hành động của Chúa vào hai ngày Sa-bát (Lu. 6:1, 6). Những gì Ngài làm vào Ngày Sa-bát đầu tiên cho thấy Ngài hành động với tư cách là Đầu của Thân Thể. Là Đầu, Ngài là Đa-vít thật và Chúa của ngày Sa-bát. Những gì Ngài làm vào ngày Sa-bát thứ hai cho thấy Ngài quan tâm đến các chi thể của Ngài. Vào ngày Sa-bát này, Ngài chữa lành bàn tay teo của một người đàn ông. Bàn tay là một thi thể của Thân Thể. Chúa sẽ làm bất cứ điều gì để chữa lành các chi thể của Ngài. Dù là ngày Sa-bát hay không là ngày Sa-bát, thì Chúa vẫn quan tâm đến việc chữa lành các chi thể trong Thân Thể Ngài là những Chi Thể đang có nhu cầu, thậm chí chữa lành các Chi Thể đã chết. Vấn đề hoàn toàn có ý nghĩa đối với Ngài không phải là luật lệ mà là chữa lành các Chi Thể của Thân Thể.
Trong hai phân đoạn này, chúng ta có hai trường hợp vi phạm ngày Sa-bát. Trường hợp thứ nhất vi phạm ngày Sa-bát xảy ra trên cánh đồng, trường hợp thứ hai xảy ra trong nhà hội (3:1). Việc vi phạm ngày Sa-bát thứ nhất có liên quan đến sự thỏa mãn còn trường hợp thứ hai có liên quan đến sự giải phóng.
Trường hợp người đàn ông có bàn tay teo, là trường hợp cuối cùng của năm trường hợp thứ nhất (2:1-12), chúng ta có sự tha tội, trong trường hợp thứ hai (2:13-17), có việc bước vào vui hưởng Đức Chúa Trời; trpng trường hợp thứ ba (2:18-22) có niềm vui qua Đấng Christ sống động là Chàng Rể, là Đấng có áo để chúng ta được che phủ và được làm đẹp, và là Đấng có sự sống thần tượng để đổ đầy chúng ta; còn trong trường hợp thứ tư (2:23-28) có sự thỏa mãn nhờ được Chúa nuôi dưỡng. Bây giờ trong trường hợp thứ năm, chúng ta được giải phóng hoàn toàn. Ở đây chúng ta thấy một người được giải phóng hoàn toàn.
Nếu đặt năm sự kiện này lại với nhau, chúng ta sẽ thấy một bức tranh đầy đủ về một người được cứu trọn vẹn, hình ảnh về một người vui hưởng cứu rỗi cách đầy đủ. Theo bức tranh này, sự cứu rỗi của Chúa bao gồm tha thứ, vui hưởng, vui mừng, thỏa mãn và giải phóng. Nguyện tất cả chúng ta đều kinh nghiệm năm phương diện này về cứu rỗi của Chúa.
--THẦN TÍNH ĐƯỢC BIỂU LỘ TRONG NHÂN TÍNH.
Mác 3:5 chép: “Ngài vừa giận vừa nhìn quanh họ, buồn rầu vì sự cứng lòng của họ, rồi phán cùng người đó rằng : Hãy giơ tay ra. Người bèn giơ ra, thì tay được hoàn nguyên”. Đối với những người chống đối, Cứu Chúa nổi giận với họ, và Ngài vô cùng buồn rầu vì sự cứng lòng của họ. Nhưng đối với người bệnh, Ngài cảm thương họ, và Ngài phục hồi chi thể bị teo. Cơn giận và nỗi buồn của Ngài có thể được xem là sự biểu lộ về tính chân thực của nhân tính Ngài, trong khi lòng thương cảm và sự chữa lành là sự thòa quyện của mỹ đức nhân tánh với quyền năng thần thượng của Ngài. Vì vậy, thần tính của Ngài một lần nữa được biểu lộ trong nhân tình. Sự hoàn nguyên của bàn tay teo thể hiện quyền năng trong thần tính của Cứu Chúa-Nô Lệ.
Chúa phán với người này một lời: “Hãy giơ tay ra”. Trong lời của Chúa có sự sống làm sống động. Bằng cách giơ tay ra, người này nắm lấy lời ban-sự-sống của Chúa và bàn tay teo của ông được hoàn nguyên bởi sự sống trong lời Ngài.
          --Sự Chống Đối Của Những Người Tôn Giáo

Trong 3:6, chúng ta có phần kết luận của sự kiện này: “Người Pha-ri-si đi ra, liền bàn mưu với đảng Hê-rốt để diệt Ngài”. Trong cách nhìn của người Pha-ri-si tôn giáo, việc Chúa vi phạm ngày Sa-bát là hủy phá giao ước của Đức Chúa Trời với dân Israel, tức là phá hủy mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân Israel. Vì vậy, người Pha-ri-si bàn mưu với đảng Hê-rốt tìm cách thủ tiêu Chúa Jesus. Việc vi phạm ngày Sa-bát làm cho những người tôn giáo Do Thái khước từ Cứu Chúa-Nô Lệ. Là những người tôn giáo cũ không có sự sống, người Pha-ri-si bị San-tan xúi giục và bị hắn sử dụng để chống đối, phản kháng và ngăn trở sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa-Nô Lệ qua suốt chức vụ của Ngài. Tôn giáo truyền thống của họ đã làm cho họ mù, không thấy được Ngài trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời nên họ lập mưu giết Ngài.