HỘI THÁNH VÀ VƯƠNG QUỐC
Kinh Thánh: Mác 4:26-29;
Mát.16:16-19; 1 Cô.3:9b; Khải 14:4, 14-16
Trong các bài trước, chúng ta đã nói
về Vương Quốc Đức Chúa Trời như được khải thị trong Phúc Âm Mác chương 4. Đặc biệt
là chúng ta đã chú ý đến hạt giống Vương Quốc như là yếu tố nội tại của Vương
Quốc. Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục xem xét mối liên hệ giữa Hội Thánh và Vương
Quốc.
Hội Thánh và Vương Quốc là những đề
tài quan trọng nhất của Kinh Thánh. Nếu đọc kỹ Tân Ước cách đúng đắn, chúng ta
sẽ thấy tầm quan trọng của Hội Thánh và Vương Quốc.
Trong Ma-thi-ơ chương 3, ở phần mở đầu
Tân Ước, chúng ta có một lời về Vương Quốc. Giăng Báp-tít đến, rao giảng trong
đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: “các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc thiên thượng đã
gần đến!” (Mat.3:2). Sự rao giảng của Giăng Báp-tít là khởi đầu cuộc gia tể Tân
Ước của Đức Chúa Trời. Sự ăn năn trong lời giảng của Giăng Báp-tít như là mở đầu
của cuộc gia tể Tân Ước Đức Chúa Trời, là để có sự xoay lại vì Vương Quốc thiên
thượng. Điều này cho thấy cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời tập trung vào
Vương Quốc của Ngài.
NỀN TẢNG CỦA HỘI THÁNH
Trong Ma-thi-ơ ở chương 16, Chúa
Jesus đem các môn đồ vào địa phận Sê-sa-rê Phi-líp và tại đó Ngài hỏi họ rằng:
“Người ta nói Con Người là ai? (Mat 16:13). Sau khi họ trả lời, Chúa hỏi tiếp:
“Còn các ngươi thì nói Ta là ai?” (c.15).Vì nhận được khải thị từ Cha nên
Si-môn Phi-e-rơ trả lời: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”
(c.16)
Theo Ê-phê-sô 5:32 có một huyền nhiệm
lớn gồm hai phần: Đấng Christ và Hội Thánh. Bởi vì khải thị của Cha về Đấng
Christ chỉ là phần đầu của huyền nhiệm lớn này nên Chúa nói tiếp về Hội Thánh:
“Còn ta lại bảo người rằng, người Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội Thánh ta trên vầng đá
này”(c.18). Điều này rõ ràng ngụ ý rằng Hội Thánh phải là điều gì đó thuộc về Đấng
Christ và vì Đấng Christ. Trước hết, Đấng Christ được nhận biết, và thậm chí được
sở hữu. Rồi Chúa nói rằng trên “vầng đá này” Ngài đã xây Hội Thánh Ngài. Vầng
đá này không những chỉ về Đấng Christ mà còn chỉ về sự khải thị về Đấng Christ
là điều Phi-e-rơ đã nhận lãnh từ Cha. Hội Thánh được xây dựng trên một khải thị
như vậy về Đấng Christ. Vì vậy, “vầng đá” ở đây không chỉ là chính Đấng Christ
mà còn là sự nhận thức, hiểu biết, kinh nghiệm và sở hữu Đấng Christ.
Ngày nay nhiều người công bố họ nhận
thức rằng Đấng Christ là nền tảng của Hội Thánh. Tuy nhiên, họ chưa thấy nền tảng
thật sự để xây dựng Hội Thánh là sự nhận biết Đấng Christ. Nếu không nhận biết
Đấng Christ trong kinh nghiệm, chúng ta sẽ không có nền tảng để xây dựng Hội
Thánh. Vì vậy, chúng ta phải biết Đấng Christ. Rồi việc nhận biết, kinh nghiệm,
vui hưởng và sở hữu Đấng Christ sẽ là nền tảng để Ngài xây dựng Hội Thánh trên
đó.
CÁC CHÌA KHÓA CỦA VƯƠNG QUỐC
Trong Ma-thi-ơ 16:19, ngay sau khi
nói về Hội Thánh, Chúa nói tiếp về Vương Quốc: “Ta sẽ giao các chìa khóa của
Vương Quốc thiên thượng cho ngươi, hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất thì điều
đó trên trời cũng buộc, và điều gì mà ngươi mở dưới đất thì điều đó trên trời
cũng mở”. Ở đây “Vương Quốc thiên thượng” được dùng cách hoán đổi với từ “Hội
Thánh” trong câu trước. Tôi không nói rằng hai từ ngữ này đồng nghĩa, tuy
nhiên, trong câu 18 và 19 chúng được dùng cách hoán đổi. Đây là bằng chứng mạnh
mẽ cho thấy rằng Hội Thánh đích thực là Vương Quốc trong thời đại này. Điều này
được xác quyết bằng La-mã 14:17 là câu Kinh Thánh chỉ về nếp sống Hội Thánh
đúng đắn.
Lời của Chúa với Phi-e-rơ trong
Ma-thi-ơ 16:19 về các chìa khóa của Vương Quốc thiên thượng được ứng nghiệm
trong sách Công Vụ. Chúng ta có phương diện thứ nhất của sự ứng nghiệm này
trong Công Vụ chương 2 và phương diện thứ hai trong Công Vụ chương 10. Trong
hai trường hợp này, Phi-e-rơ dùng hai chìa khóa. Trong Ma-thi-ơ 16:19, Chúa nói
về các chìa khóa chứ không phải một
chìa. Vào ngày lễ Ngũ Tuần như được ghi lại trong Công Vụ chương 2, Phi-e-rơ
dùng một trong những chìa khóa này để mở cửa cho người Do Thái bước vào Vương
Quốc. Rồi trong nhà Cọt-nây, như được
ghi lại trong Công Vụ chương 10, Phi-e-rơ dùng chìa khóa thứ hai để mở cửa cho
người ngoại bang vào Vương Quốc. Đó là lý do trong Ê-phê-sô chương 2, chúng ta
thấy cả người Do Thái và người ngoại bang được xây dựng với nhau thành một Hội
Thánh: “Dường ấy, anh em không còn phải là khách lạ hoặc kiều dân nữa, nhưng là
người đồng quốc với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời, được xây dựng
trên nền các sứ đồ và tiên tri, chính Christ Jesus là đá đầu góc nhà”
(cc.19-20)
Chúng ta cần ghi khắc sự kiện là
trong Ma-thi-ơ 16:18, chúng ta có Hội Thánh và rồi trong câu kế tiếp, chúng ta
có Vương Quốc. Điều này cho thấy rằng khi Hội Thánh được đề cập lần đầu trong
Tân Ước, Hội Thánh được đề cập liên quan đến Vương Quốc. Hơn nữa, như chúng ta
đã thấy, trong các câu này Hội Thánh và Vương Quốc là những từ liệu có thể hoán
đổi.
THỰC TẠI CỦA VƯƠNG QUỐC
TRONG HỘI THÁNH
Mặc dầu Hội Thánh được đề cập rõ
ràng trong Ma-thi-ơ chương 16 nhưng không có điều gì liên quan đến Hội Thánh được
nói đến trong Phúc Âm Mác. Đặc biệt trong chương 4, Chúa nói về Vương Quốc Đức
Chúa Trời. Trong 4:26-29, chúng ta có ẩn dụ về hạt giống. “Ngài lại phán rằng:
Vương Quốc Đức Chúa Trời cũng như người vãi giống xuống đất” (c.26). Ẩn dụ này
khải thị rằng Vương Quốc là vấn đề về sự sống, nẩy mầm, lớn lên, kết quả, trưởng
thành và sản sinh mùa gặt. Trong các câu 27 và 28, chúng ta thấy hạt giống tự động
lớn lên. Rồi trong câu 29, chúng ta có mùa gặt. Ẩn dụ này là minh họa ngắn gọn
về Vương Quốc.
Hội Thánh có được bao hàm trong ẩn dụ
về hạt giống không? Dĩ nhiên, Hội Thánh không được đề cập cách trực tiếp. Tuy
nhiên, Hội Thánh được bao hàm ở đây theo một cách nào đó. Trong ẩn dụ này,
chúng ta có người gieo giống, hạt giống được gieo, ruộng, sự phát triển của hạt
giống và mùa gặt. Đây là bức tranh đầy đủ về Vương Quốc. Nhưng Hội Thánh ở đâu
trong bức tranh này? Vấn đề này đáng cho chúng ta suy xét.
Đoạn 4:26-29 giúp chúng ta trả lời
câu hỏi Hội Thánh ở đâu. Chúng ta có thể suy xét lời của Phao-lô về ruộng của Đức
Chúa Trời. Trong 1 Cô-rin-tô 3:9b, trong mời lời được gởi đến Hội Thánh tại
Cô-rin-tô, Phao-lô nói: “Anh em là ruộng của Đức Chúa Trời”. Theo nghĩa đen, từ
Hy Lạp được dịch là “ruộng” có nghĩa là đất canh tác. Hội Thánh là ruộng của Đức
Chúa Trời, là cánh đồng của Ngài, là đất canh tác của Ngài. Nếu suy xét lời của
Phao-lô trong 1 Cô-rin-tô 3:9 cùng với ẩn dụ về hạt giống trong Mác 4:26-29,
chúng ta sẽ thấy lời của Phao-lô giúp chúng ta hiểu mối liên hệ giữa Hội Thánh
và Vương Quốc.
Chúng ta có thể dùng việc làm vườn để
minh họa cho mối quan hệ giữa Hội Thánh và Vương Quốc. Trong sân nhà tôi có một
cái vườn nhỏ mà chúng ta có thể gọi là một vương quốc – vương quốc thực vật.
Vương quốc thực vật này minh họa cho Vương Quốc đã được gieo như hạt giống
trong các sách Phúc Âm. Trong Các Thư Tín, hạt giống này lớn lên và phát triển;
rồi cuối cùng trong sách Khải Thị sẽ có mùa gặt. Khải Thị chương 14 nói về trái
đầu mùa (c.4) và sau đó là thu hoạch vụ mùa (cc.14-16). Mùa gặt sẽ là sự phát
triển đầy trọn của Vương Quốc và theo 1 Cô-rin-tô 3:9, cánh đồng mà vụ mùa đang
lớn lên là Hội Thánh. Vì vậy, dùng khu vườn của tôi làm minh họa, chúng ta có
thể nói rằng chính khu vườn mô tả Hội Thánh còn các cây mọc trong vườn mô tả
Vương Quốc. Minh Họa này giúp chúng ta thấy Vương Quốc trong Hội Thánh là thế
nào. Phúc Âm Ma-thi-ơ đặc biệt khải thị rằng trong Hội Thánh ngày nay, chúng ta
có thực tại của Vương Quốc
Giả sử trong sân nhà tôi chỉ có đất
mà không có cây nào mọc lên cả. Cái sân đất ấy có là một khu vườn không? Không
thay vì là khu vườn, nó chỉ là cái sân. Thế thì, làm thế nào một cái sân có thể
trở thành một khu vườn. Nó trở nên khu vườn chỉ khi nào có nhiều cây mọc trong
đó. Càng có nhiều cây mọc trong sân, sân càng trở nên một khu vườn. Tương tự
như vậy, hạt giống của Vương Quốc càng mọc trên đất canh tác, tức ruộng, là Hội
Thánh, thì Hội Thánh càng trở nên thực tại của Vương Quốc.
Trong nếp sống Hội Thánh ngày nay,
nhiều “cây” đang mọc lên. Nếu chưa được tái sinh mà chỉ là người thế giớithì
chúng ta chỉ là một cái sân đất trống. Nhưng vì đã được tái sinh nên tất cả
chúng ta đều là những cây mọc trong ruộng của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta
là ruộng của Đức Chúa Trời, khu vườn của Ngài. Thế thì Vương Quốc là gì? Vương
Quốc thật ra là thực tại của những cây mọc trong ruộng của Đức Chúa Trời. Chúng
ta càng lớn lên trong sự sống thì thực tại của Vương Quốc càng có với chúng ta.
Tân Ước nói về Vương Quốc của Đức
Chúa Trời và Vương Quốc thiên thượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là có
hai Vương Quốc. Chỉ có một Vương Quốc, Vương Quốc duy nhất của Đức Chúa Trời,
và Vương Quốc thiên thượng là một phần của Vương Quốc duy nhất này
Chúng ta có thể so sánh Vương Quốc Đức
Chúa Trời với một quốc gia chẳng như Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, còn Vương Quốc
thiên thượng được ví với thủ đô của Hoa Kỳ là Washington, D.C, một quận có cơ
quan đầu não của chính quyền liên bang tọa lạc. Hoa Kỳ và Washington D.C không
phải là hai quốc gia. Không, Washington D.C là một khu vực đặc biệt, một khu vực
hành chánh bên trong quốc gia Hoa Kỳ. Chúng ta có thể nói Vương Quốc thiên thượng
là Washington D.C thuộc linh, là khu vực cai trị của Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Vì vậy, Vương Quốc của Đức Chúa Trời và Vương Quốc thiên thượng không phải là
hai Vương Quốc. Trái lại, Vương Quốc Đức Chúa Trời là Vương Quốc duy nhất và
Vương Quốc thiên thượng là một phần của Vương Quốc này
Trong minh họa về khu vườn trong dân
nhà tôi, thực tại của Vương Quốc thiên thượng được mô tả bằng cây đang mọc. Các
cây trong vườn nhà tôi càng mọc thì càng có thực tại của khu vườn. Giả sử tất cả
các cây trong vườn tôi đều chết, thì trong tình cảnh đó, khu vườn không có thực
tại nào cả.
Chúng ta cần suy xét có bao nhiêu thực
tại trong nếp sống Hội Thánh giữa vòng chúng ta. Lượng thực tại này tùy thuộc
vào lượng lớn lên trong sự sống. Nếu thăm khu vườn của tôi và thấy cây cối tươi
tốt đẹp đẽ, anh em có thể reo lên: “Thật là một khu vườn xinh xắn!” Anh em sẽ
ngắm nhìn một khu vườn đầy thực tại. Đây là một minh họa về những gì chúng tôi
có ý nói là thực tại của Vương Quốc ở trong Hội Thánh
HOÀN TOÀN LÀ VẤN ĐỀ ĐỂ SỰ SỐNG
Hội Thánh là một khu vườn và Vương
Quốc là sự lớn lên của các thánh đồ như các cây lớn lên trong khu vườn ấy. Khi
các thánh đồ, tức là các cây, đạt đến mức trưởng thành thì họ sẽ đủ điều kiện để
làm vua với Đấng Christ trong Vương Quốc Đức Chúa Trời. Khi Chúa trở lại, tất cả
những người đã trưởng thành sẽ đủ điều kiện làm vua với Ngài trong sự hiện lộ của
Vương Quốc trong suốt thời đại ngàn năm. Như biểu đồ cho thấy, sự hiện lộ của
Vương Quốc sẽ ở trong thời đại sắp đến.
Tân Ước không trình bày Vương Quốc Đức
Chúa Trời chỉ như một giáo lý khách quan hay lời tiên tri. Không, Tân Ước dạy lẽ
thật về Vương Quốc là thực tại của sự sống. Vương Quốc Đức Chúa Trời hoàn toàn
là vấn đề sự sống thần thượng.
Sách 1 Cô-rin-tô cho thấy rằng Vương
Quốc Đức Chúa Trời là vấn đề của Đức Chúa Trời. Trong 1 Cô-rin-tô 1:2; chúng ta
có Hội Thánh vì Thư tín này gửi cho “Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại 1
Cô-rin-tô”. Trong Thư này, Phao-lô nhiều lần nhắc đến Hội Thánh hoặc các Hội
Thánh (4:17; 6:4; 7:17; 10:32; 11:16, 18, 22; 12:28; 14:4, 5, 12, 19, 23, 28,
33, 34, 35, 15:9; 16:1, 19).
Chúng tôi đã nhấn mạnh sự kiện là
trong 1 Cô-rin-tô 3:9 chúng ta thấy Hội Thánh là ruộng của Đức Chúa Trời. Trong
chương 6, từ câu 9 đến câu 11, Phao-lô tiếp tục nói về Vương Quốc của Đức Chúa
Trời, chỉ ra rằng các tín đồ tội lỗi sẽ không hội đủ điều kiện để thừa hưởng
Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì vậy, trong chương 1 chúng ta có Hội Thánh;
trong chương 3 có ruộng và trong chương 6 có Vương Quốc. Trong 1 Cô-rin-tô
chương 15, Phao-lô lại nói về Vương Quốc của Đức Chúa Trời (cc.24,50)
Trong Tân Ước, chúng ta có tư tưởng
Vương Quốc hoàn toàn là vấn đề sự sống. Hạt giống sự sống này là Đấng Christ
bao-hàm- tất cả. Đấng này đã được gieo vào trong chúng ta như hạt giống, và hạt
giống này đang lớn lên và phát triển trong chúng ta cho đến khi đạt đến mức trưởng
thành. Khi hạt giống này lên bên trong chúng ta, Đấng Christ thay thế chúng ta
bằng chính Ngài. Khi đạt đến mức trưởng thành, chúng ta sẽ có Đấng Christ làm sự
thay thế hoàn toàn của mình, và Ngài là mọi sự đối với chúng ta. Đó cũng là thời
điểm chúng ta có đủ điều kiện để cai trị với Đấng Christ. Trong thời đại này,
chúng ta có thực tại của sự sống thần thượng và trong thời đại sắp đến, chúng
ta có sự hiện lộ của Vương Quốc khi Đấng Christ và những người cùng làm vua với
Ngài cai trị trên toàn thế giới.
Tất cả chúng ta cần thấy Vương Quốc
là vấn đề sự sống. Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã được khởi xứng bởi việc gieo
hạt giống sự sống vào trong chúng ta. Hạt giống này là Đấng Christ bao-hàm-tất-cả
như là thể yếu sự sống lớn lên trong chúng ta, phát triển trong chúng ta và trưởng
thành trong chúng ta. Về hạt giống này, chúng ta có Đấng Christ, Hội Thánh và
Vương Quốc. Đấng Christ là hạt giống, Hội Thánh là ruộng hay khu vườn và Vương
Quốc là thực tại.