Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC BÀI 11


Kinh Thánh: Mác 3:7-35
TRÁNH SỰ LẤN ÉP CỦA ĐÁM ĐÔNG
Trong việc thực hiện chức vụ mà Đức Chúa Trời đã ủy nhiệm, chúng ta sẽ đối diện với các nan đề, sự chống đối và ngăn trở. Có những vấn đề xảy ra do một điều gì đó được thực hiện theo cách thiên nhiên với ý định giúp đỡ chúng ta. Chúa đã đối diện với loại ngăn trở này trong chức vụ của Ngài. Khi đang thi hành chức vụ phục vụ Phúc Âm, Chúa đã gặp các nan đề.
Trong 3:7-12, chúng ta có nan đề đám đông lấn ép Ngài. Câu 7 chép rằng quần chúng rất đông theo Ngài và các môn đồ, còn trong câu 8 chúng ta thấy “có quần chúng đông, nghe việc cả thể Ngài làm, thì kéo đến cùng Ngài”. Đoàn dân đông tụ họp quanh Ngài vì họ nghe những gì Ngài đang làm. Đám đông này là một ngăn trở đối với chức vụ của Chúa.
Nhiều thầy giảng và nhà truyền giáo ngày nay thích có đám đông. Tuy nhiên, đám đông không có ích cho chức vụ sự sống thật. Trái lại, hầu như đám đông, quần chúng có thể giúp chúng ta có một phong trào nhưng không có ích cho chức vụ trong sự sống.

Lấn Ép Và Rờ Chạm
Trong 3:7-12, có hai từ có ý nghĩa được dùng liên hệ đến đám đông: lấn ép (cc. 9-10) và rờ chạm (c. 10). Câu 9 chép: “Bởi quần chúng nên Ngài bảo môn đồ phải có một chiếc thuyền nhỏ chực sẵn, kẻo Ngài bị họ lấn ép”. Chúa muốn vào một chiếc thuyền để tránh sự lấn ép của đám đông. Sự lấn ép của đám đông cản đường những người chân thành đến với Chúa và đụng chạm Ngài cách trực tiếp. Nếu ở giữa những người chỉ lấn ép Chúa, chúng ta sẽ không nhận được bất cứ điều gì từ Ngài. Vì vậy trong phân đoạn Phúc Âm Mác này, từ “lấn ép” được sử dụng trong ý nghĩa tiêu cực trong khi từ “rờ chạm” mang ý nghĩa tích cực.
Theo ký thuật trong các sách Phúc Âm, rất nhiều lần người ta đã lấn ép Chúa. Nhưng chỉ những ai rờ chạm Ngài mới nhận được ích lợi nào đó. Bởi trực tiếp rờ chạm Chúa mà sự sống từ Ngài được truyền đến chúng ta. Chúng ta gọi việc truyền sự sống như thế là truyền dẫn hay truyền đạt. Một từ liệu khác là ban phát. Khi tiếp xúc Chúa trực tiếp, chúng ta nhận được sự ban phát thần thượng. Nhưng lấn ép Chúa thì không nhận được bất cứ điều gì từ sự ban phát thần thượng. Chúng ta kinh nghiệm sự ban phát thần thượng chỉ bởi trực tiếp chạm đến Chúa. Vì Chúa nhận biết điều này nên Ngài muốn lánh khỏi đám đông. Vì lý do ấy, Ngài cùng các môn đồ lánh ra biển.
Một Chiếc Thuyền Nhỏ
Mặc dầu Chúa rời đám đông, nhưng đám đông tiếp tục đi theo Ngài. Vì lý do này, thậm chí khi Ngài ở trên bờ biển thì đám đông vẫn cứ tìm cách lấn ép Ngài. Do đó, Ngài bảo các môn đồ phải có một chiếc thuyền đậu sẵn gần Ngài. Ngài không muốn bị đám đông lấn ép. Chiếc thuyền là phương tiện để Chúa Jesus lánh khỏi đám đông.
Về hình bóng, chiếc thuyền nhỏ mà Chúa muốn đậu sẵn gần Ngài chỉ về Hội Thánh. Trong Ma-thi-ơ chương 13, chiếc thuyền có ý nghĩa này. Hội Thánh thì khác với quốc gia Israel được tượng trưng là đất. Hội Thánh cũng khác với thế giới dân ngoại được tượng trưng là nước. Hội Thánh là điều gì đó tách biệt khỏi đất và ở trên nước. Vì vậy, Hội Thánh không ở trên đất cũng không ở trên nước. Mặc dầu “chiếc thuyền” Hội Thánh ở trên nước, nhưng không ở trong nước, và nước không ở trong thuyền. Vì vậy, đất tượng trưng cho quốc gia Israel, thế giới dân ngoại, và chiếc thuyền phân cách cả đất và biển, tượng trưng cho Hội Thánh. Qua điều này, chúng ta thấy Hội Thánh được phân rẽ khỏi quốc gia Israel cũng như khỏi thế giới ngoại bang. Hiểu như vậy là dựa theo lời của Phao-lô trong 1Cô-rin-tô 10:32 về người Do Thái, người Hy Lạp (người ngoại bang) và Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Ngày này, Chúa đang cung ứng sự sống của Ngài cho những ai đang ở trong Hội Thánh. Ngài cũng đang cung ứng từ bên trong Hội Thánh cho những người khác. Đó là ý nghĩa của chiếc thuyền. Nếu thấy ý nghĩa về hình ảnh tượng trưng của chiếc thuyền, chúng ta sẽ ý thức rằng nếu ở ngoài Hội Thánh mà cố gắng cung ứng cho người khác, chúng ta có thể chịu sự lấn ép của đám đông. Ngày nay, nhiều chức vụ đang được cung ứng cho đám đông mà không có thuyền. Tuy nhiên, chức vụ đúng đắn là chức vụ ở trong thuyền, một chức vụ truyền nguồn cung ứng sự sống cho những ai chân thành khao khát rờ chạm Chúa chứ không cho những người lấn ép Ngài.
Những gì Chúa đã làm đối với đám đông phải là một gương mẫu cho chúng ta và chúng ta phải theo bước Ngài. Tuy nhiên, hầu hết các thầy giảng và nhà truyền gáo ngày nay đánh giá cao đám đông. Càng đông họ càng vui. Nhưng sự kiện lịch sử cho thấy đám đông gây tổn thất chứ không ít lợi gì đối với chức vụ sống đích thực.
Ở đây, chúng ta thấy cách của Chúa khác với cách con người. Thay vì đánh giá cao đám đông, Ngài tìm cách lẫn tránh đám đông. Khi đám đông đi theo, Ngài bảo phải có một chiếc thuyền nhỏ chờ sẵn để Ngài có thể rút khỏi đám đông đang lấn ép Ngài.
Nhận Lãnh Chức Vụ Sự Sống
Mặc dù Chúa tìm cách tránh đám đông nhưng Ngài muốn những người chân thành có thể chạm đến Ngài. Nếu chỉ là một phần của đám đông, chúng ta sẽ không nhận bất cứ điều gì từ Chúa. Chúng ta cần phải tách mình khỏi đám đông và chạm đến Chúa cách trực tiếp và chân thành. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ nhận lãnh chức vụ sự sống.
Điều đầu tiên trong những hành động phụ cho sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa-Nô Lệ là tránh sự lấn ép của đám đông. Về điều này, chúng ta cần phải học tập Chúa. Các thầy giảng thường bị đám đông lừa dối. Khi đám đông bao quanh chúng ta, điều này có thể là sự lừa dối và cũng có thể là sự ngăn trở. Vì vậy, chúng ta cần tránh đám đông. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta từ bỏ con người. Không, khi tránh đám đông, chúng ta cần để người khác tiếp xúc, chạm đến chúng ta cách trực tiếp để nhận được chức vụ sự sống đích thực.
Các Uế Linh
Mác 3:11 và 12 chép: “Còn các uế linh hễ thấy Ngài, đều sấp mình xuống trước mặt Ngài mà kêu lên rằng: Ngài là Con Đức Chúa Trời! Song Ngài nghiêm răng chúng nó không được tỏ Ngài ra”. Việc ma quỉ kêu Cứu Chúa-Nô Lệ cũng là một sự ngăn trở cho sự phục vụ Phúc Âm của Ngài. Vì vậy, Ngài cảnh cáo chúng và ngăn cấm chúng.
LẬP CÁC SỨ ĐỒ RAO GIẢNG
Chúng ta đã thấy Cứu Chúa-Nô Lệ trước nhất cần biển rồi sau đó cần một chiếc thuyền nhỏ để tránh sự lấn ép của đám đông. Điều này ngụ ý rằng việc đám đông lấn ép Ngài đã ngăn trở sự phục vụ Phúc Âm của Ngài. Để thoát khỏi đám đông, Chúa ra biển. Sau đó, Ngài từ biển lên núi.
Những hành động của Chúa ở đây rất thú vị. Để tránh sự lấn ép của đám đông, Ngài ra biển là nơi Ngài phụng sự những người chân thành là những người trực tiếp rờ chạm Ngài. Cuối cùng, sau khi những người này nhận lãnh chức vụ sự sống của Ngài, Ngài đi lên núi.
Mác 3:13-15 cho biết tạ sao Chúa lên núi: “Đoạn Jesus lên núi, gọi những người Ngài muốn, thì họ đến cùng Ngài. Ngài bèn lập mười hai người, là những người Ngài cũng gọi là sứ đồ để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo, lại ban uy quyền đuổi quỉ”. Ở đây, chúng ta thấy mục đích của Chúa trong việc lên núi là kêu gọi một số người và lập họ làm sứ đồ là để lan rộng sự phục vụ Phúc Âm của Ngài.
Theo các câu 14 và 15, có mười hai người được Ngài lập để rao giảng và đuổi quỉ. Rao giảng Phúc Âm là cung ứng Đức Chúa Trời cho con người; đuổi quỉ là đuổi Sa-tan ra khỏi con người. Những điều này tạo thành mục đích chính trong sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa-Nô Lệ.
--Theo ý Chỉ Của Cha
Phúc Âm Lu-ca cho thấy Chúa Jesus cầu nguyện trước khi Ngài lập mười hai môn đồ. “Trong lúc đó Jesus đi lên núi để cầu nguyện, và cứ cầu nguyện Đức Chúa Trời suốt đêm. Đến sáng, Ngài với môn đồ đến, lựa chọn mười hai người trong họ, gọi là sứ đồ” (Lu. 6:12-13). Nhiều người đã nhận chức vụ sự sống từ Chúa. Điều này có nghĩa là Ngài đã đem sự sống đến với những người chân thành là người trực tiếp rờ chạm Ngài. Họ đã nhận lãnh nguồn cung ứng sự sống từ Ngài. Sau đó Ngài có gánh nặng chọn lựa một số người và họ phụ giúp Ngài trong chức vụ Phúc Âm của Ngài. Vì lý do này, Ngài lên núi và cầu nguyện. Phúc Âm Lu-ca cho thấy Ngài cầu nguyện suốt đêm. Chúa hẳn đã cầu nguyện về việc chọn lựa mười hai sứ đồ. Ngài đã cầu nguyện về việc chọn mười hai người trong số nhiều người đã nhận lãnh chức vụ sự sống của Ngài.
Chúng ta biết rằng một trong mười hai được Chúa chọn là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ phản Ngài (Mác 3:19). Chắc chắn Chúa Jesus bbieets Giu-đa sẽ phản Ngài. Tôi tin rằng trước khi chọn lựa, Chúa đã nghị bàn với Cha trong sự cầu nguyện. Việc Ngài lập mười hai người thật ra không phải là thực hiện ý muốn của riêng Ngài, trái lại đó là thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời Cha. Tôi tin rằng Cha bảo Ngài lựa chọn những người nào đó, kể cả Giu-đa. Chúa đã chọn lựa theo ý chỉ của Cha.
Học Tập Dấy Người Khác Lên
Chúng ta cần phải học tập Chúa là không chỉ có mình thi hành chức vụ. Ngay cả Chúa Jesus cũng không thi hành chức vụ bởi một mình Ngài. Trước hết, Ngài chọn mười hai người và sau đó là bảy mươi người. Từ điều này chúng ta thấy rằng cả trong chức vụ lẫn trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta cần học tập siêng năng và trung tín, và cũng học cách dấy lên một số người nào đó giúp đỡ chúng ta.
Tự chúng ta thi hành chức vụ thì không khó lắm. Thật vậy, các giáo sư và các thầy giảng có khuynh hướng tự làm mọi việc. Giữa vòng Cơ-đốc nhân ngày nay, việc chia sẻ chức vụ với người khác, việc dạy dỗ và hoàn hảo người khác để thực hiện cùng một chức vụ, không phải là phổ biến. Nhưng theo lời của Phao-lô trong Ê-phê-sô 4, chức vụ của các sứ đồ tiên tri, người truyền giảng Phúc Âm và người chăn cùng giáo sư là để hoàn hảo các thánh đồ hầu cho các thánh đồ có thể thực hiện công tác của chức vụ. Chức vụ của Chúa là làm hoàn hảo các sứ đồ, và chức vụ của các sứ đồ là làm hoàn hảo các thánh đồ. Bởi điều này, chúng ta thấy rằng sự chuyển động của Đức Chúa Trời trên đất thì không ủy thác cho một cá nhân nào; chuyển động của Ngài nằm nơi một nhóm người.
Trong các sách Phúc Âm, trước hết chúng ta có một nhóm mười hai người và sau đó là một nhóm bảy mươi người. Việc Chúa lập các sứ đồ để rao giảng chắc chắn là một hành động phụ đầy ý nghĩa cho sự phục vụ Phúc Âm của Ngài. Tất cả chúng ta cần bước theo Chúa trong vấn đề này. Các trưởng lão trong một Hội Thánh địa phương cần phải biết cách dấy người khác lên. Sau một thời gian, các trưởng lão không nên chăm sóc Hội Thánh một mình nữa; họ nên dấy người khác lên để cùng họ tham gia trách nhiệm này.
---Không Theo Cách Nhìn Thiên Nhiên
Mà Cách Nhìn Theo Nhận Thức Thuộc Linh
Chúa đã chọn mười hai người trong phần đầu của chức vụ Ngài. Những người Ngài chọn chắc chắn không trưởng thành lắm. Hai người trong họ, Gia-cơ-con Xê-bê-đê và Giăng em Gia-cơ, có biệt danh là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét. Từ Hy Lạp “Bô-a-nẹt” có nguồn gốc từ tiếng A-ram. Tên gọi này được Chúa đặt thêm cho Gia-cơ và Giăng vì tính bốc đồng của họ (xem Lu.9:54-55; Mác 9:38). Trong Mác chương 9, chúng ta có một ví dụ về tính “sấm sét” của Giăng. Nhưng đến lúc ông viết sách Phúc Âm, các Thư tín và sách Khải Thị, thì tính sấm sét này đã mất đi tiếng rền của nó.
Một người khác trong số mười hai người được Chúa Jesus chọn là Si-môn người Ca-na-an (Mác 3:18). Từ “người Ca-na-an” có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ kanna, có nghĩa là sốt sắng, nhiệt thành. Từ này chỉ về một giáo phái Ga-li-lê,  được biết là đảng Nhiệt Thành (bản Kinh Thánh Ghê-đê-ôn gọi là Phấn Nhuệ), từ này không chỉ về miền đất Ca-na-an (Lu 6:15; Công 1:13) Người thuộc đảng Nhiệt Thành cực kỳ yêu nước, yêu những truyền thống và thực hành của người Do Thái. Chúa chọn một trong những người theo đảng Nhiệt Thành để làm sứ đồ
Một trong mười hai sứ đồ là Ma-thi-ơ, người trước kia là nhân viên thâu thuế. Trong danh sách mười hai sứ đồ, Ma-thi-ơ đặc biệt tự gọi mình là thâu thuế (Mat.10:3) Điều này có thể cho thấy rằng ông nhớ đến sự cứu rỗi của mình với lòng biết ơn. Thậm chí một người thâu thuế bị khinh dể và tội lỗi cũng có thể trở nên một sứ đồ của Cứu Chúa – Nô Lệ
Người sau cùng trong mười hai sứ đồ được Mác đề cập là Giu-đa Ích-xa-ri-ốt là tiếng Hy Lạp, có lẽ có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là người xứ Kê-ri-giốt, Kê-ri-giốt ở trong xứ Giu-đa (Giô 15:25). Vì vậy, Giu-đa là vị sứ đồ duy nhất đến từ Giu-đê, tất cả những người còn lại là người Ga-li-lê
Khi xem xét những anh em nào có thể gánh vác trách nhiệm tại một Hội Thánh địa phương, thì dường như đối với chúng ta không ai hội đủ điều kiện. Chẳng hạn, có thể chúng ta nói: “Anh em này có vẻ khá tốt và rất yêu Chúa. Nhưng xuất thân của anh ấy thế nào?” Nếu Chúa Jesus xem xét mười hai sứ đồ theo cách này thì ai có thể được chọn? Ắt hẳn Ma-thi-ơ sẽ bị loại. Làm thế nào Chúa có thể chọn một người thâu thuế làm một trong mười hai sứ đồ. Chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa hẳn nên chọn một Kinh Luật gia. Nhưng một trong những người Ngài chọn thật sự là một người thâu thuế
Chúng ta cần học tập từ Chúa rằng cách nhìn thiên nhiên thì khác với cách nhìn theo nhận thức thuộc linh. Chúa đã chọn theo nhận thức thuộc linh, không phải theo quan điểm thiên nhiên của con người. Gia-cơ và Giăng có tính nóng nảy kinh khủng, tính nóng này có thể nổi lên như sấm sét. Chắc hẳn không bao giờ chúng ta chọn họ làm sứ đồ, nhưng Chúa  đã chọn. Theo cách nhìn thiên nhiên thì không ai có đủ điều kiện để làm sứ đồ của Chúa Jesus. Gia cơ và Giăng, Si-môn người đảng Nhiệt Thành, Ma-thi-ơ người thâu thuế - không ai có đủ điều kiện. Ngợi khen Chúa vì Ngài đã không lựa chọn theo quan điểm thiên nhiên
Trái lại, Chúa Jesus đã chọn những người không đủ điều kiện để làm sứ đồ của Ngài. Mười hai sứ đồ không đủ điều kiện và chúng ta cũng hội đủ điều kiện. Tuy vậy, trong chuyển động của Chúa, cần có những người giúp đỡ. Do đó, một trong những hành động phụ của Chúa trong việc thi hành chức vụ là chọn lựa một số người không hội đủ điều kiện để làm các sứ đồ của Ngài.
Cuối cùng, Phi-e-rơ được công nhận bởi những gì xảy ra vào ngày Ngũ Tuần. Tôi không tin Phi-e-rơ có bằng cấp cao. Tuy nhiên, không lâu sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh và được phục sinh, Phi-e-rơ có thể đứng lên vào ngày Ngũ Tuần như là một sứ đồ dẫn dắt. Giáo hội La-mã xem Phi-e-rơ là giáo hoàng đầu tiên. Nhưng “giáo hoàng” này là một ngư phủ được Chúa chọn và sau đó đã được công nhận vào ngày Ngũ Tuần
Điều quan trọng chúng ta cần học là đừng nhìn chức vụ của Chúa hay Hội Thánh theo quan niệm thiên nhiên. Chúa đã không chọn Ni-cô-đem làm một trong mười hai sứ đồ. Chúa đã không chọn bất cứ ai có học. Thay vì thế, những người Ngài chọn dường như khá lập dị. Chúng ta thấy rằng đối với Gia-cơ và Giăng, thậm chí Ngài còn đặt tên là “con của sấm sét”. Khi nói chuyện, họ thường gây tiếng động ầm ầm như sấm. Nếu có mặt ở đó, thái độ của chúng ta có thể là “Hãy để hai người này sang một bên cho đến khi họ ngưng nổi sấm sét. Một khi họ thay đổi và tính sấm sét của họ không còn hiếu chiến nữa thì chúng ta có thể dùng họ trong chức vụ”. Đây là quan niệm của chúng ta, quan niệm thiên nhiên. Nhưng đó không phải là quan điểm của Chúa Jesus. Chúng ta phải học tập Chúa để dùng thậm chí những người như thế để phục vụ Phúc Âm.
Chúng ta đã thấy Chúa Jesus xoay khỏi đám đông và sau đó yêu cầu có một chiếc thuyền nhỏ sẵn sàng cho Ngài. Hành động của Ngài không thiên nhiên. Mọi điều Ngài làm đều ở trong linh. Cũng vậy, việc Ngài lập mười hai sứ đồ không phải theo thiên nhiên nhưng hoàn toàn ở trong linh. Mặc dầu biết Giu –đa sẽ phản Ngài nhưng Ngài vẫn lập ông làm một trong mười hai sứ đồ. Nói theo cách thiên nhiên, không ai lập một người như Giu-đa. Nhưng bởi hành động theo linh, Chúa Jesus thậm chí đã chọn ông
KHÔNG ĂN VÌ NHU CẦU CẤP THIẾT
Mác 3:20 và 21 chép: “Đoạn Jesus về nhà, quần chúng lại nhóm nữa, đến nỗi Ngài và môn đồ không thể ăn được. Những thân thuộc Ngài nghe vậy, bèn ra để bắt Ngài; vì họ nói Ngài cuồng”. Điều này cho thấy sự bận rộn, tính siêng năng và sự trung tín của Cứu Chúa – Nô Lệ là Nô Lệ Đức Chúa Trời trong sự phục vụ Phúc Âm của Ngài.
Không dễ phân tích hay hệ thống hóa các hành động của Chúa. Dường như có sự mâu thuẫn giữa hành vi của Chúa khi lẩn tránh đám đông trong 3:7-12 và hành vi của Ngài trong 3:20-21. Trước hết, Chúa tránh đám đông. Nhưng khi Ngài  ở trong nhà và đám đông tụ họp lại, Ngài đã không cố gắng tránh đám đông. Theo những gì Ngài làm trong 3:7-12, chúng ta nghĩ là Ngài sẽ lánh khỏi đám đông để ăn cho xong. Chúng ta nghĩ Ngài sẽ nói: “Bây giờ Ta đang ăn Ta không có thì giờ với các ngươi”. Tuy nhiên, Ngài đã hành động khác. Ngài ngừng ăn và chăm lo cho nhu cầu cấp bách của những người trong đám đông.
Khi họ hàng của Chúa nghe tình hình, họ đi ra để giữ Ngài lại, nói rằng Ngài cuồng. Lời phàn nàn về Ngài như thế bày tỏ mối quan hệ thiên nhiên từ những người thân của Cứu Chúa – Nô Lệ đối với Ngài. Như chúng ta sẽ thấy trong bài kế tiếp, điều này đã mở đường cho các Kinh luật gia phỉ báng Ngài (c.22)
Những người thân của Chúa có lẽ là các em của Ngài theo phần xác, nghĩ rằng Ngài cuồng. Họ lo âu vì Ngài chỉ quan tâm đến đám đông mà không lo ăn uống

Chúng ta không nên cố gắng phân tích những hành vi dường như mâu thuẫn của Chúa theo cách thiên nhiên. Khi đám đông lấn ép Chúa thì Ngài tìm cách tránh. Nhưng khi đám đông cho Ngài cơ hội để cung ứng sự sống cho người khác thì Ngài không quan tâm đến việc ăn uống. Chúng ta cần phân biệt hai vấn đề này – sự lấn ép của đám đông và cơ hội cung ứng sự sống