Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 37


SỰ CHUẨN BỊ CỦA CỨU CHÚA – NÔ LỆ CHO SỰ
PHỤC VỤ MANG TÍNH CỨU CHUỘC CỦA NGÀI
(4)
Kinh Thánh: Mác 12:18-44
Sự thử nhiệm và tra xét Cứu Chúa – Nô Lệ (11:27-12:44) diễn ra trong những ngày ngay trước lễ Vượt Qua. Người Do Thái từ nhiều nơi đã đến Giê-ru-sa-lem dự tiệc này. Việc Chúa tẩy sạch đền thờ đã làm cho dân chúng chú ý. Trước hết, các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia, và các trưởng lão đã đến với Chúa Jesus để chất vấn uy quyền của Ngài (11:27-33). Sau khi các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia và các trưởng lãi bị Ngài đánh bại thì người Pha-ri-si và người của Hê-rốt cố bắt Ngài trong lời nói (12:13-17). Tuy nhiên, họ cũng bị Cứu Chúa – Nô Lệ đánh bại.

NGƯỜI SA-ĐU-SÊ VÀ SỰ PHỤC SINH
Trong 12:18-27, người Sa-đu-sê đến với Chúa Jesus. Người Sa-đu-sê là một hệ phái giữa vòng người Do Thái (Công.5:17). Họ không tin sự phục sinh, thiên sứ hoặc các linh (Công.23:8). Cả người Pha-ri-si lẫn người Sa-đu-sê đều bị Giăng Báptít và Chúa Jesus lên án là dòng giống rắn độc (Mat.3:7; 12:34;23:33). Chúa cảnh báo các môn đồ về giáo lý của họ (Mat.16:6,12). Trong khi những người Pha-ri-si được cho chính thống thì người Sa-đu-sê có thể được xem là người theo tân phái thời đó.
Trong Mác 12:18-27, người Sa-đu-sê nghĩ rằng họ có thể đánh bại Chúa Jesus về vấn đề phục sinh. Họ hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, Môi-se đã chép cho chúng tôi rằng: Nếu anh của người nào qua đời, để vợ lại mà không con, thì em của người ấy phải lấy vợ góa người để nối giống cho anh. Vậy có bảy anh em: anh cả lấy vợ, rồi qua đời, không con nối, người thứ hai lấy nàng, sau qua đời, cũng không con nối; rồi đến người thứ ba cũng vậy. Cả bảy anh em đều không con nối, sau hết, đờn bà ấy cũng qua đời. Thế thì, lúc sống lại nàng sẽ là vợ ai trong vòng họ? Vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ” (cc. 19-23). Người Sa-đu-sê nghĩ rằng họ đã rất thông minh khi hỏi Chúa một câu hỏi như thế.
Chúa Jesus phán với họ: “Các ngươi há chẳng lầm vì không biết Kinh Thánh, cũng không biết quyền năng của Đức Chúa Trời đó ư?” (c. 24). Biết Kinh Thánh là một điều, và biết quyền năng Đức Chúa Trời là một điều khác. Chúng ta cần phải biết cả hai. Ở đây từ “Kinh Thánh” chỉ về các câu Kinh Thánh trong Cựu Ước nói về sự phục sinh, còn cụm từ “quyền năng của Đức Chúa Trời” chỉ về quyền năng phục sinh.
Chúa tiếp tục phán rằng trong sự phục sinh sẽ không còn hôn nhân nữa: “Vì khi người ta từ kẻ chết sống lại thì không cưới, không gả, song như thiên sứ ở trên trời vậy” (c.25).
Tuy nhiên Chúa Jesus không ngừng ở đó. Ngài tiếp tục phán: “Còn đến như kẻ chết được sống lại, thì các ngươi há chưa đọc trong sách Môi-se về chuyện bụi gai, thế nào Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Tròi của Gia-cốp’ hay sao? Ngài chẳng phải Đức Chúa Trời của kẻ chết đâu, bèn là của kẻ sống. Thật các ngươi lầm to” (cc. 26-27). Vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của người sống và được gọi là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, vì vậy ba người đã chết này –Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp – sẽ được phục sinh. Đây là cách Chúa Jesus giảng giải Kinh Thánh –không chỉ bằng văn tự mà cũng bởi sự sống và quyền năng được hàm ý trong lời ấy. Trong lời Ngài cho người Sa-đu-sê trong câu 26, Chúa Jesus thật sự chỉ về chính Ngài, vì Ngài là Thiên Sứ của Đức Giê-ho-va là Đấng đã phán với Môi-se trong Xuất Ai cập Ký chương 3. Ở đây, dường như Chúa muốn nói: “Ta là Đấng phán với Môi-se. Ta, tức là Đức Chúa Trời của các ngươi, là Thiên Sứ đã phán với Môi-se từ bụi gai. Hơn nữa, Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Nếu họ không được phục sinh thì làm thế nào Đức Chúa Trời có thể được gọi là Đức Chúa Trời của họ. Ngài không bao giờ là Đức Chúa Trời của người sống. Vì vậy, danh xưng này chỉ về sự phục sinh”.
NHẬN ÁNH SÁNG TỪ CHÚA
Chúng ta không nên nghĩ rằng biết nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp trong Kinh Thánh là đủ để hiểu Kinh Thánh. Các kinh luật gia ngày xưa biết Cựu Ước theo tiếng Hê-bơ-rơ. Mặc dầu họ có kiến thức về ngôn ngữ nhưng lại không có chút ánh sáng nào. Trái lại, Chúa Jesus có ánh sáng thần thượng. Vì lý do này, Ngài có thể chỉ ra vấn đề phục sinh được hàm ý trong danh xưng của Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Không có ánh sáng thần thượng, không ai có thể thấy danh xưng thần thượng này liên quan đến sự phục sinh.
Tôi khuyến khích các thánh đồ học tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Nhưng anh em có thể có bằng tiến sĩ tiếng Hê-bơ-rơ hay Hy Lạp mà vẫn mù lòa. Anh em cần ánh sáng từ Đức Chúa Trời. Để nhận được ánh sáng, anh em không nên tin cậy vào kiến thức ngôn ngữ kinh thánh của mình hay tin vào sự giải thích của các giáo sư lớn, mà cần phải quì gối trước mặt Chúa và mở ra cho Ngài. Có lẽ anh em cần phải thưa: “Chúa Jesus ơi, dù con biết tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp nhưng nếu không có Ngài, con không thể thấy chút ánh sáng nào cả. Chúa ơi, con cần sự soi sáng của Ngài. Ánh sáng không đến bởi con nghiên cứu hay phân tích. Chúa ơi, ánh sáng đến qua sự thương xót của Ngài. Chúa ơi, con cần nhận ánh sáng từ Ngài biết bao”.
Nếu không nhận lãnh ánh sáng từ Chúa, chúng ta có thể đọc Phúc Âm Mác nhiều lần mà không thấy gì cả. Chúng ta cần phải tượng trong sách này được “truyền hình” vào bản thể chúng ta. Tôi có thể làm chứng rằng bởi sự thương xót của Chúa, tôi đã thấy được cách khải tượng trong sách này. Đôi khi ánh sáng đến trong lúc tôi đang chia sẻ. Thí dụ, khi đang chia sẻ một trong những bài giảng này, tôi thấy được sự tương đồng giữa sáu ngày trong sáng tạo cũ với sáu ngày để chuẩn bị cho sáng tạo mới. Ánh sáng này không đến do biết các ngôn ngữ Kinh Thánh hay do sách vở của các nhà giải kinh. Ánh sáng này đến từ Chúa qua sự thương xót của Ngài khi chúng ta mở chính mình ra cho Ngài.
BỊ MỘT KINH LUẬT GIA CHẤT VẤN
Trong 12:28-34, Cứu Chúa-Nô Lệ bị một kinh luật gia chất vấn. Trong Ma-thi-ơ 22:35, người này được gọi là luật sư. “Kinh luật gia” là một từ liệu rộng hơn, bao gồm các luật sư là những chuyên gia lề luật Môi-se. Các luật sư này thông thạo về luật Môi-se, họ là những người giảng giải chuyên nghiệp về luật pháp Cựu Ước.
Kinh luật gia này là người thông thạo Kinh luật, đã mạnh dạn đến với Chúa Jesus. Vì biết rằng Ngài rất xuất sắc trong việc đối đáp với những người tranh luận nên kinh luật gia này hỏi Chúa: “Trong các điều răn, điều nào là đầu nhất?” (c.28). Chúa trả lời: “Này là điều nhứt: Hỡi Israel, hãy nghe: Đức Chúa Trời chúng ta là Chúa duy nhất. Người hãy hết lòng, hết tâm hồn, hết sức mà thương yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (cc. 29-30 – .Yêu Chúa như vậy là yêu Ngài với mọi phần của bản thể mình, với linh, hồn và thân thể.
Trong câu 31, Chúa tiếp tục đáp: “ Còn điều thứ hai là như vậy: Người hãy yêu thương kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều nào lớn hơn hai điều đó”.
Cả hai điều răn này đều nói về tình yêu thương, hoặc yêu thương Đức Chúa Trời hoặc yêu thương loài người. Tình yêu thương là tinh túy trong các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, các điều răn lớn nhất hoàn toàn là vấn đề tình yêu, tình yêu đối với Đức Chúa Trời và tình yêu đối với con người.
ẤN TƯỢNG TRÊN MÔN ĐỒ CỦA CHÚA
Câu 34 kết thúc như thế nầy: “Rồi không ai dám hỏi Ngài điều gì nữa”. Chúa Jesus đã trả lời tất cả lời tất cả các câu hỏi và hoàn toàn chiến thắng. Chắc chắn Phi-e-rơ, Giăng , Gia-cơ và tất cả các môn đồ khác gần gũi với Chúa Jesus đều chứng kiến những cuộc đương đầu này và được ấn tượng về cách Chúa giải quyết vấn đề. Anh em không tin rằng họ đã được ấn tượng sâu sắc về cách Chúa trả lời các câu hỏi của những người chống đối, về cách Ngài trải qua sự thử nghiệm và tra xét quỷ quyệt sao? Chắc chắn các môn đồ của Chúa hẳn rất được ấn tượng về Ngài.
ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM CHIÊN CON LỄ VƯỢT QUA
Theo hình bóng, chiên con lễ Vượt Qua được khám xét bốn ngày trước khi bị giết (Xuất. 12:3-6). Cứu Chúa-Nô Lệ, là Chiên Con lễ Vượt Qua thật (1 Cô.5:7), cũng bị tra xét bốn ngày trước khi Ngài bị giết. Ngài đến Bê-tha-ni sáu ngày trước lễ Vượt Qua (Gi. 12:1; Mác 11:1). Ngày kế tiếp Ngài vào Giê-ru-sa-lem và trở về Bê-tha-ni Gi.12:12; Mác 11:11). Ngày thứ ba Ngài trở lại Giê-ru-sa-lem một lần nữa (11:12-15) và bắt đầu bị các nhà lãnh đạo dân Do Thái tra xét theo luật Do Thái (11:27-12:37) ; 14:53-65; Gi. 18:13, 19-24) và bị Phi-lát, tổng đốc La Mã, tra xét theo luật La Mã (Gi. 18:28-19:6) cho đến ngày Vượt Qua thì Ngài chịu đóng đinh (Mác 14:12; 1 Gi. 18:28). Sự tra xét quỷ quyệt và gài bẫy từ nhiều góc độ này chính xác là bốn ngày, và Chúa Jesus đã hoàn toàn vượt qua mọi thử nghiệm. Điều này chứng tỏ rằng Ngài hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành Chiên Con theo đòi hỏi của Đức Chúa Trời nhằm hoàn thành sự cứu chuộc của Ngài hầu Đức Chúa Trời có thể “vượt qua” tội nhân, cả người Do Thái lẫn người phi Do Thái.
Như chúng ta sẽ thấy, dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời,  Cứu Chúa – Nô Lệ bị xét xử không những bởi các nhà lãnh đạo Do Thái, như chiên con trước mặt kẻ hớp lông (Ế. 53:7; Mác 14:53-65) mà còn như một phạm nhân bởi tổng đốc La Mã, trước những kẻ tố cáo (14:64; 15:1-15) hầu Ngài có thể chết để phục vụ tội nhân bằng sự sống của Ngài như là giá chuộc (10:45). Ngài chết không những cho người Do Thái, được đại diện bởi những nhà lãnh đạo Do Thái, mà còn cho người phi Do Thái, được đại diện bởi tổng đốc La Mã.
MỘT CÂU HỎI VỀ ĐẤNG CHRIST
Mác 12:35 chép: “Jesus đương dạy dỗ trong đền thờ thì phán hỏi rằng: Sao cá kinh luật gia nói Đấng Christ là con Đa-vít”. Chúa đã bị chất vấn về một số điều khác. Nhưng ở đây, Ngài hỏi những người thử nghiệm và tra xét Ngài một câu về Đấng Christ.
Trong những ngày ở Giê-ru-sa-lem, trung tâm của Do Thái giáo, Cứu Chúa-Nô Lệ đã bị các thầy tế lễ cả, các trưởng lão, các kinh luật gia, các người Pha-ri-si, người  theo đảng Hê-rốt và người Sa-đu-sê, là những người nỗ lực gài bẫy Ngài, vây quanh bằng cách đặt những câu hỏi quỷ quyệt và nan giải. Thứ nhất, các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia và các  trưởng lão, đại diện cho uy quyền của Do Thái giáo vad dân tộc Do Thái, chất vấn Ngài về uy quyền của Ngài (11:27-33). Đây là một câu hỏi theo quan niệm tôn giáo của họ. Thứ hai, những người Pha-ri-si chính thống và những người theo đảng Hê-rốt chính trị hỏi Ngài một câu liên quan đến chính trị (12:13-17). Thứ ba, những người Sa-đu-sê tân phái hỏi Ngài về niềm tin căn bản, đặc biệt là niềm tin về sự phục sinh. Thứ tư, một kinh luật gia, một luật sư, hỏi Ngài một câu liên quan đến việc giải nghĩa Kinh Thánh.
Sau khi đã trả lời tất cả các câu hỏi của họ một cách khôn ngoan, Chúa hỏi họ một câu về Đấng Christ. Đây là câu hỏi của mọi câu hỏi. Những câu hỏi của họ liên quan đến tôn giáo, chính trị niềm tin và việc giải nghĩa Kinh Thánh; còn câu hỏi của Ngài liên quan đến Đấng Christ, là trung tâm của mọi điều thuộc linh và thần tượng. Họ biết tôn giáo, chính trị, niềm tin và Kinh Thánh theo văn tự nhưng lại không quan tâm đến Đấng Christ. Vì vậy, trong 12:35-37 Ngài hỏi họ về Đấng Christ.
Sau khi hỏi tại sao các kinh luật gia nói Đấng Christ là con Đa-vít, Chúa Jesus tiếp tục phán: “Chính Đa-vít đã cảm Thánh Linh mà nói rằng “Chúa phán cùng Chúa tôi : Hãy ngồi bên hữu ta cho đến khi ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn ngươi’. Vậy, chính Đa-vít đã gọi Ngài là Chúa, thì thể nào Ngài lại là  con của người  được ư?” (cc.36-37). Lời đáp cho câu hỏi của Chúa là thế này: với tư cách là Đức Chúa Trời trong thần tính Ngài, Đấng Christ là Chúa của Đa-vít; và với tư cách là con người trong nhân tính Ngài, Ngài là con của Đa-vít. Người Pha-ri-si và các kinh luật gia chỉ  có một phần kiến thức Kinh Thánh về thân vị Đấng Christ rằng Ngài là con của Đa-vít theo nhân tính của Ngài. Họ không biết một phần khác về thần tính của Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời.

Sau khi Chúa trả lời bốn loại câu hỏi khác nhau do những người thử nghiệm và tra xét Ngài đặt ra, và sau khi Ngài nêu lên câu hỏi của những câu hỏi- câu hỏi về Đấng Christ – thì Ngài tiếp tục cảnh báo về các kinh luật gia và nói một cách hài lòng về một người đàn bà góa nghèo. Chúng ta sẽ xem xét các vấn đề này trong bài sau.