Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 38

Kinh Thánh: Mác 11:27-12:44
BỐN LOẠI CÂU HỎI
Trong 11:27-12:34, Chúa Jesus bị chất vấn với bốn loại câu hỏi. Những câu hỏi này đại diện cho các phương diện khác nhau của văn hóa loài người. Câu hỏi đầu tiên (11:27-33) liên quan đến tôn giáo. Các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia và các trưởng lão đã hỏi Cứu Chúa-Nô Lệ một câu liên quan đến tôn giáo chính thống, điển hình. Đặc biệt họ chất vấn Chúa Jesus về uy quyền của Ngài. Các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia và các trưởng lão nghĩ rằng họ đang hầu việc Đức Chúa Trời và họ biết luật pháp Môi-se. Chúng ta có thể nói rằng họ có một tôn giáo điển hình. Bây giờ họ muốn biết căn nguyên của những việc mà Chúa Jesus đang làm. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho Chúa trong 11:27-33 chính xác là liên quan đến tôn giáo.

Câu hỏi thứ hai được người Pha-ri-si và người theo đảng He-rốt đặt ra (12:13-37). Họ đến với Ngài và nói: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy thành thật, không tư vị ai, vì thầy không xem dáng của người ta, nhưng thành thật dạy đường của Đức Chúa Trời. Vậy, có phép nộp thuế cho Sê-sa hay không? (c.14). Câu hỏi này liên quan đến chính trị.
Câu hỏi thứ ba được người Sa-đu-sê đặt ra (12:18-27), liên quan đến niềm tin. Đặt biệt, người Sa-đu-sê muốn biết niềm tin của Chúa về sự phục sinh. Như chúng tôi đã chỉ ra, người Sa-đu-sê có thể được xem là những người theo tân phái thời đó, họ không tin vào sự phục sinh. Vì vậy, câu hỏi thứ ba liên quan đến niềm tin.
Câu hỏi thứ tư (12:28-34) được một kinh luật gia đặt ra. Mác 12:28 chép rằng: “Có một kinh luật gia đến nghe Chúa và người Sa-đu-sê biện luận với nhau, nhận biết Ngài khéo đáp, bèn hỏi Ngài rằng: Trong các điều răng, điều nào là đầu nhứt?” Câu hỏi này liên quan đến việc giải nghĩa Kinh Thánh. Kinh luật gia ấy đang hỏi Cứu Chúa-Nô Lệ cách giải nghĩa Kinh Thánh về điều răn nào là quan trọng nhứt.
ĐẤNG CHRIST
LÀ CON CỦA ĐA-VÍT VÀ CHÚA CỦA ĐA-VÍT
Các vấn đề được bốn loại câu hỏi này đặt ra bao gồm các thành phần cấu tạo nên văn hóa cao nhất của con người. Tuy nhiên, mỗi loại câu hỏi đều không đề cập gì đến Đấng Christ, tức Đấng là sự thay thế toàn bộ, toàn diện. Vì những người chất vấn Ngài không chú ý đến Đấng Christ nên chính Chúa đã bổ khuyết khi Ngài hỏi ngược lại họ: “Sao các kinh luật gia nói Đấng Christ là con Đa-vít. Chính Đa-vít đã cảm Thánh Linh mà nói rằng: Chúa phán cùng Chúa tôi: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến khi ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn ngươi’. Vậy chính Đa-vít đã gọi Ngài là Chúa, thì thể nào Ngài lại là con của người được ư?” (12:35-37). Ở đây, Chúa đang hỏi làm sao các kinh luật gia có thể nói rằng Đấng Christ là con Đa-vít khi chính Đa-vít gọi Ngài là Chúa. Ở đây, Chúa cho thấy rằng các kinh luật gia biết Đấng Christ chỉ là một con người. Họ không nhận biết Đấng Christ, là Đấng Mê-si, cũng là chính Đức Chúa Trời và như vậy Ngài là một Thần-nhân.
Dường như Chúa muốn nói với tất cả những người đang thử nghiệm và tra xét Ngài rằng: “Các ngươi chỉ biết Ta là một người Na-xa-rét. Các ngươi không biết Ta là Đức Chúa Trời. Mặc dầu Ta thẳng thắn và thành thật với các ngươi nhưng Ta cũng đầy lòng thương xót. Thậm chí dù Ta là Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng tạo nên các ngươi nhưng Ta vẫn kiên nhẫn để bị các ngươi tra xét và thử nghiệm. Nếu Ta không thương xót các ngươi và nếu Ta tự bỏ chính mình ra bằng thể yếu thần thượng thì tất cả các ngươi đều phải chết. Nhưng Ta đày lòng thương cảm Tuy nhiên, Ta chính là Đức Chúa Trời mà Đa-vít đã xưng là Chúa”.
Chúng ta cần nhận rằng Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ và tất cả các môn đồ thân thiết của Chúa Jesus đang đứng cạnh đó quan sát những gì Chúa đã làm và nghe những gì Chúa nói. Chắc chắn họ rất được ấn tượng Cứu Chúa-Nô Lệ. Chắc là họ đã nói chuyện với nhau. Có lẽ Phi-e-rơ đã nói với Giăng và Gia-cơ rằng: “Về một mặt, Thầy chúng ta là con của Đa-vít. Nhưng mặt khác, Ngài là Chúa. Các anh đã từng biết điều này chưa? Các anh có biết rằng Thầy chúng ta không những là con người mà cũng là Đức Chúa Trời không?”. Tôi tin rằng các môn đồ đã nói với nhau như vậy.
Nếu anh em là môn đồ của Chúa và quan sát cách Ngài đối phó với những người chồng đối, anh em không nói với người khác điều đó sao?  Anh em không được ấn tượng về sự kiện Thầy của anh em đã bày tỏ cho những người chống đối rằng Ngài không những là con Đa-vít mà còn là Chúa của Đa-vít sao? Chắc chắn các môn đồ thân cận của Chúa đã nhận được một ấn tượng sâu xa về Ngài.
Chúng ta thấy rằng Chúa Jesus dẫn các môn đồ vào Giê-ru-sa-lem là có mục đích. Ngài không định đi vào sự chết một mình. Trái lại, Ngài đã dẫn theo một nhóm môn đồ vào trong sự chết với Ngài. Những môn đồ này là những người đại diện chó chúng ta. Khi họ đang ở với Chúa tại Giê-ru-sa-lem thì tất cả chúng ta đều ở đó. Ha-lê-lu-gia, ngày nay chúng ta là những môn đồ thân cận của Chúa. Là các môn đồ của Ngài, chúng ta thấy từ Phúc Âm Mác một chuỗi những khải tượng thiên thượng, những khải tượng ấy được “truyền hình” vào bản thể chúng ta.
Vào thời điểm ở 12:37, Cứu Chúa-Nô Lệ đã hoàn toàn chiến thắng. Ngài không những được dân chúng tán đồng mà còn bắt phục những người chống đối. Các thầy tế lễ cả, các kinh luật gia, các trưởng lão, các người Pha-ri-si, các người theo đảng Hê-rốt và người Sa-đu-sê đều bị bắt phục. Jesus người Na-xa-rét được bày tỏ là một thân vị kỳ diệu. Chắc chắn các môn đồ rất hài lòng với tình thế ấy.
MỘT LỜI CẢNH CÁO VỀ CÁC KINH LUẬT GIA
Ngay sau khi Chúa chế phục được tất cả những người chống đối và cho họ biết về Đấng Christ thì Ngài tiếp tục đưa ra lời cảnh báo về các kinh luật gia. Mác 12:38-40 chép: “Hãy coi chừng các kinh luật gia là kẻ ưa mặc áo dài đi dạo, thích được chào giữa chợ, ưa ghế bực nhứt trong Nhà hội và chỗ đầu trong tiệc yến. Ấy là kể ăn nuốt nhà cửa của đờn bà góa và làm bộ cầu nguyện dài. Họ hẳn phải bị án càng nặng hơn”. Ở một chỗ khác, Chúa bảo các môn đồ phải coi chừng về men của người Pha-ri-si và men của Hê-rốt (8:15). Men của người Pha-ri-si là sự giả hình của họ (Lu.12:1), còn men của Hê-rốt là sự hư hoại và bất công của ông ta trong chính trị. Với các kinh luật gia thì vấn đề của họ là kiến thức hư không, tức là kiến thức Kinh Thánh không có giá trị. Các kinh luật gia dạy thần học hay giáo lý theo cách vô giá trị.
Phúc Âm Mác chương 11 và 12 nhiều lần đề cập đến các kinh luật gia. Các kinh luật gia nằm trong số những người đã chất vấn Chúa về uy quyền của Ngài (11:27-28). Chính một kinh luật gia đã hỏi Chúa một câu liên quan đến việc giải nghĩa Kinh Thánh (12:28). Hơn nữa, trong 12:36, Chúa hỏi: “Sao các kinh luật gia nói Đấng Christ là con Đa-vít?” Bây giờ trong 12:38, Chúa đặc biệt cảnh báo về các kinh luật gia.
Các kinh luật gia nghĩ rằng họ biết Kinh Thánh và cũng biết giáo lý và thần học. Mặc dầu họ có thể biết Kinh Thánh theo vă tự nhưng chắc chắn họ không biết Đấng Christ. Vì vậy, trong sự dạy dỗ của Ngài, Chúa hỏi làm thế nào các kinh luật gia lại nói rằng Đấng Christ là con của Đa-vít. Các kinh luật gia dạy dỗ thần học hư không, một loại thần học không có Đấng Christ là thực tại.
Chúng ta có thể là các kinh luật gia ngày nay. Sự dạy dỗ của chúng ta có thể đúng, nhưng trống rỗng, tức là không có Đấng Christ. Các kinh luật gia thời xưa dạy người ta theo Cựu Ước nhưng không có ánh sáng về Đấng Christ. Họ không có một chút hiểu biết nào về Ngài là Đấng Thần-nhân.
Chúng ta cần biện biệt xem liệu một bài giảng hay một sự dạy dỗ cụ thể nào đó có Đấng Christ là trung tâm, thực tại và thể yếu sống động không. Một số các thầy giảng và giáo sư có khả năng hùng biện thiên nhiên và có thể trình bày giáo lý cho người khác theo cách làm thỏa mãn những lỗ tai đang ngứa. Sự dạy dỗ, rao giảng hay giải Kinh Thánh như vậy là theo tri thức loài người với tài hùng biện của loài người. Chúng ta cần phải phân biệt được Đấng Christ là trung tâm, thực tại và thể yếu của mỗi bài giảng. Nếu Đấng Christ không là trung tâm thì bài giảng ấy trống rỗng. Về nguyện tắc, giảng như vậy là cách dạy dỗ của các kinh luật gia, và chúng ta phải coi chừng điều ấy.
Chúng ta không nên nghĩ rằng miễn là giảng dạy theo Kinh Thánh thì không có vấn đề. Có một phương tiện để chúng ta biện biệt tất cả các loại giảng dạy, đó là biện biệt xem Đấng Christ có là trung tâm, thực tại và thể yếu của mọi sự dạy dỗ hay không. Trong hội thánh của Chúa, Đấng Christ phải là trung tâm, thực tại và thể yếu của từng bài giảng. Một bài giảng hoặc sự dạy dỗ có thể uyên thâm, hàn lâm, theo Kinh Thánh và mang tính hùng biện, cung cấp rất nhiều kiến thức Kinh Thánh. Tuy nhiên có thể sự dạy dỗ như vậy là cách dạy của các kinh luật gia ngày nay. Chúng ta cần lấy điều này làm nguyên tắc căn bản trong việc biên biệt sự dạy dỗ trong hội thánh của Chúa.
Tôn giáo ngày nay đầy dẫy các kinh luật gia. Nhiều sự dạy dỗ giữa vòng Cơ Đốc nhân là theo Kinh Thánh và uyên Thâm. Nhiều giáo sư biết tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Hê-bơ-rơ, và họ rất giỏi trong việc giải nghĩa Kinh Thánh theo nhiều cách khác nhau. Nhưng Đấng Christ không là trung tâm, thực tại hay thể yếu trong lời họ nói.
KHEN MỘT BÀ GÓA NGHÈO
Sau khi Chúa Jesus nói những cảnh báo về các kinh luật gia, Ngài khen một bà góa nghèo về sự trung tín của bà (12:41-44). “Jesus ngồi đối diện kho tiền, coi quần chúng bỏ tiền vào kho thể nào. Có đông người giàu bỏ nhiều” (12:41). Cứu Chúa-Nô Lệ là Đức Chúa Trời đang sống trong nhân tính của Ngài. Vì là một Đấng như thế nên Ngài quan tâm xem dân của Đức Chúa Trời bày tỏ sự trung tín của họ trong việc dâng hiến cho Ngài như thế nào. Bằng cách này, Ngài khen sự trung tín của một bà góa đối với Đức Chúa Trời. Sự quan sát của Cứu Chúa-Nô Lệ thì thấu đáo hơn của con người.
Khi Chúa Jesus thấy “có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng kẽm ăn một đồng. Ngài gọi các môn đồ đến và nói với họ: Quả thật, ta nói cùng cá ngươi, bà góa nghèo này đã bỏ vào kho tiền nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì họ thảy đều do sự dư dật mình mà bỏ vào, còn bà này lại do sự thiếu thốn mình mà bỏ vào hết của mình có, tức là hết cả của nàng có để nuôi mình” (cc.42,44). Những người lấy của dư mà dâng đã không chạm được lòng Chúa. Tuy nhiên,  Chúa cảm động vì một bà góa nghèo bỏ vào hai đồng kẽm nhỏ. Ngài khen bà vì bà đã dâng theo cách như vậy.
SỰ TƯƠNG PHẢN GIỮA HƯ KHÔNG VÀ THỰC TẠI
Điều ý nghĩa là sau khi Chúa chinh phục tất cả những người chống đối, Ngài đã cảnh báo về các kinh luật gia và khen một bà góa nghèo về sự trung tín vủa bà. Trước hết, Ngài cảnh báo các môn đồ phải coi chừng sự dạy dỗ hư không, trống rỗng của các kinh luật gia. Sau đó, Ngài khích lệ họ đánh giá cao thực tại bề trong của một góa phụ. Ngài  muốn họ nhìn vào hoàn cảnh của dân Đức Chúa Trời, không phải bề ngoài theo cách loài người, mà là bề trong theo thực tại bên trong của một người. Vì Ngài có quan điểm như vậy nên Ngài đánh giá cao góa phụ nghèo này.
Trong 11:27-12:37, chúng ta có bốn loại câu hỏi liên quan đến văn hóa con người, tiếp theo câu hỏi của mọi câu hỏi, câu hỏi về Đấng Christ. Bốn loại câu hỏi đầu liên quan đến tôn giáo, chính trị, niềm tin và cách giải nghĩa Kinh Thánh. Có một câu hỏi duy nhất liên quan đến Đấng Christ. Theo sau phần ghi lại về năm loại câu hỏi này là hai sự kiện: sự kiện thứ nhất liên quan đến tính hư không trong sự dạy dỗ trống rỗng của các luật gia; sự kiện thứ hai liên quan đến thực tại của bản thể bề trong của tín đồ. Một kinh luật gia là một người giữa vòng dân Chúa nói ra những điều hư không, nhưng góa phụ này tượng trưng cho một tín đồ có thực tại bên trong. Khi suy xét hai sự kiện này, chúng ta thấy rằng thay vì làm một kinh luật gia, chúng ta nên là một góa phụ nghèo. Tất cả chúng ta nên nói: “Tôi không muốn làm một kinh luật gia rỗng tuếch, nói điều hư không. Tôi muốn làm một góa phụ nghèo. Tôi muốn mọi sự tôi làm phát xuất từ thực tại bên trong tôi”.
Chúng ta cần suy xét xem liệu chúng ta là một kinh luật gia hay một góa phụ. Anh em là một kinh luật gia rỗng tuếch hay một góa phụ đầy thực tại? chúng ta cảm tạ Chúa, trong hội thánh của Ngài có rất nhiều người đầy dẫy thực tại ở bên trong như góa phụ kia. Không có những góa phụ như thế, hội thánh không có cách nào tiến lên được. Cảm tạ Chúa vì giữa vòng chúng ta có rất nhiều góa phụ thật sự, rất nhiều người có thực tại bên trong.
Chúng ta cần tự hỏi tại sao sau khi Chúa trả lời các câu hỏi của những người chống đối và sau khi đặt câu hỏi về chính Ngài, Chúa nói tiếp về các luật gia và người góa phụ nghèo. Chúa đã có một buổi nhóm nhỏ với các môn đồ, một buổi nhóm để nói với họ về kinh luật gia và về một góa phụ. Với các kinh luật gia thì có sự rỗng tuếch, hư không; với góa phụ thì có thực tại bề trong. Chúng ta cần học đánh giá cao thực tại và coi chừng sự hư không. Người nào đó có thể là một diễn giả xuất sắc, có tài hùng biện và có tri thức. Tuy nhiên, lời người ấy có thể rỗng tuếch. Ngược lại, một người khác có thể ăn nói vụng về, không có tài hùng biện cũng không có tri thức. Nhưng với người này có thực tại bề trong đối với Đức Chúa Trời. Đây là ý nghĩa của hai sự kiện – cảnh báo về các kinh luật gia và khen ngợi một góa phụ nghèo – được đặt chung với nhau ở cuối chương 12.
Khi đọc Mác chương 12 dưới ánh sáng thiên thượng, chúng ta có thể thấy ý nghĩa của những gì được ghi lại trong chương này. Đặc biệt, chúng ta thấy ý nghĩa của việc Chúa cảnh báo về các kinh luật gia và khen ngợi một góa phụ nghèo. Một mặt, chúng ta thấy có thể sự dạy dỗ của một người nào đó là có tri thức và có tài hùng biệt, nhưng lại hư không và trống rỗng. Mặt khác, một người khác có thể nghèo nàn nhưng lại đầy thực tại. Chúng ta có thể nghèo nàn về mọi mặt nhưng bên trong chúng ta lại có thực tại của Chúa là Đấng chúng ta kêu cầu, thực tại về chính Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta phụng sự. Có thể chúng ta không có tài hùng biện hay tri thức và chúng ta không theo đuổi những điều ấy, nhưng chúng ta có một điều – thực tại về bề trong.
Không điều gì chứng minh thực tại bề trong của một tín đồ nhiều hơn là vấn đề tiền bạc. Lý do tiền bạc chứng minh được thực tại bề trong của một tín đồ là vì trong đời sống con người, không gì thiết thực hơn tiền bạc hay của cải vật chất. Tiền bạc và của cải của anh em thử nghiệm xem anh em có thực tại đối với Đức Chúa Trời hay không.
Nguyện tất cả chúng ta đều coi chừng sự hư không, đặc biệt là hư không trong lời nói, tài hùng biện, tri thức, giáo lý và dạy dỗ. Đồng thời, tất cả chúng ta phải học tập đánh giá cao, quí trọng điều gì là thực trong cách nhìn của Chúa.

Đừng quên rằng Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ và các môn đồ thân cận của Chúa đang có mặt khi Chúa cảnh báo họ về các kinh luật gia và khen ngợi một góa phụ nghèo. Họ nhìn thấy tất cả những điều xảy ra trong các chương 11 và 12. Tôi tin rằng sau ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả những điều này trở lại trong đời sống của họ như những khải thượng. Ngày nay, từng khải tượng trong Phúc Âm Mác cần được ghi khắc vào bản thể chúng ta. Sau đó, khi chúng ta mở chính mình cho Linh ban-sự-sống kiểm soát thì tất cả những khải tượng này sẽ trở lại với chúng ta theo cách thực tại và sống động.