Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

BA NGUYÊN TẮC SỐNG CHO DÂN SÓT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI-



Sau khoảng 32 năm phụng sự Chúa và trước khi ra đi, sứ đồ Phao- lô than thở, “TRỪ PHI ĐỨC CHÚA CỦA VẠN-QUÂN ĐÃ ĐỂ LẠI CHO CHÚNG TA MỘT HẠT GIỐNG, CHÚNG TA HẲN ĐÃ TRỞ NÊN NHƯ SÔ-ĐÔM, VÀ ĐÃ BỊ LÀM GIỐNG NHƯ GÔ-MÔ-RƠ”(Rô ma 9:29 TKTC). Lời nầy có xuất xứ từ Ê-sai 1:9: “Trừ phi Đức GIA-VÊ vạn-quân đã để lại cho chúng ta một ít người sống-sót, Thì chúng ta sẽ như Sô-đôm, Chúng ta sẽ như Gô-mô-rơ”.
Chữ “hạt giống” ngụ ý dân sót, là thành phần đắc thắng và ưu tú tồn đọng trong từng thời kì dân Chúa sống. Trong thời Phao lô có sự bội đạo, trong thời Đa-ni-ên có sự tiêu diệt thánh dân bội đạo, và cả hai thời kì đó đều còn tồn đọng hạt giống thánh, là dân sót đầy sinh lực thuộc linh, đứng vững làm chứng cớ cho Đức Chúa Trời.
Sách Đa-ni-ên nêu lên ba nguyên tắc sống đạo, ba nguyên tắc chính yếu trong cuộc đời đắc thắng của họ:

1/. Nếp sống thánh hóa- Đa-ni-ên 1:8-
Đa-ni-ên và ba người bạn quyết định không chịu để bị “nhơ nhớp với thức-ăn chọn-lọc của nhà vua hay với rượu nho mà nhà vua uống…”. Ăn của cúng thần tượng là dự tiệc các quỷ, thông công với chúng, là chọc giận lòng ghen tương của Chúa.
Ngày nay có nhiều hình thức làm cho dân Chúa bị nhơ nhớp tâm trí và lương tâm-Tít 1:15 mô tả về tín nhân sa bại: “Đối với những kẻ trong sạch, tất cả các sự việc đều là trong sạch; song đối với những kẻ bị làm ô-uế và không tin, không có điều gì là trong sạch, nhưng cả trí của họ lẫn lương-tâm của họ đều bị làm ô-uế”.
Đại đa số tín nhân hiện đại bị hội chứng nghiện lên mạng. Tôi thấy họ chúi đầu vào điện thoại di động suốt ngày đêm, ăn nhiều loại thức ăn của sa- tan trên đó và gây ô nhiểm cho người bề trong của mình cách sâu nặng. Ông Gia cơ nói, “Sự sống đạo trong sạch, không vết nhơ trước mặt Đức Chúa Trời là Cha, là giữ mình khỏi triêm nhiễm thế giới”. Bản Kinh thánh khác dịch: “giữ mình không vẩn đục từ thế-giới”—hay giữ mình khỏi bị thế giới làm hoen ố”.
2/. Tiếp nhận khải thị tươi mới từ Kinh thánh- Đa-ni-ên 2:19-23--
Đề thi “sự khôn ngoan” là chủ đề hiếm có mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã cho con cháu dòng vua quan Giu đa bị lưu đày tại kinh thành Ba by lôn tranh tài. Đa số con cái Chúa ngày nay còn mù mờ giữa tri thức và sự khôn ngoan theo Kinh thánh. Nên Chúa cho nhà vua công bố kết quả kì thi sát hạch về tri thức và sự khôn ngoan như sau:“Về phần 4 thanh-nam nầy, Đức Chúa TRỜI ban cho họ kiến-thức và thông-minh trong mọi lãnh vực văn-chương và sự khôn-ngoan; thậm-chí Đa-ni-ên hiểu-biết tất cả những sự hiện-thấy và chiêm-bao”—“ Và về mọi vấn-đề liên quan đến khôn-ngoan và hiểu-biết (tri thức) mà nhà vua hỏi ý-kiến họ, nhà vua thấy họ giỏi hơn 10 lần tất cả các ảo-thuật-gia và các chiêm-tinh-gia ở khắp vương-quốc của mình” (Đa 1:17, 20).
Tri thức hay học thức là sự am hiểu lão thông những số liệu về nhiều lĩnh vực thế giới hay về văn tự Kinh thánh. Tri thức thuộc phạm vi tâm trí, nằm trong tâm hồn. Người thì có khả năng cao có thể lãnh hội tri thức nhiều lãnh vực, còn với kẻ trí năng thấp, chỉ có thể tiếp thu học thức cách hạn hẹp mà thôi.
Còn sự khôn ngoan, trí tuệ, sự khải thị thì thuộc địa hạt tâm linh, trong linh giới. Tâm trí bạn có thể có tri thức thuộc đẳng cấp tiến sĩ, viện sĩ, nhưng có thể tâm linh bạn chưa hề được Chúa soi sáng, ban sự khải thị, ban cho sự khôn ngoan để thấy được những mầu nhiệm trong Kinh thánh, hay thấy được chuyển động của Đức Chúa Trời trong linh trường hiện hành.
Kinh thánh đã có 3500 tuổi, đó là một quyển sách thánh già nua, cổ đại, như cây gậy khô khan của A-rôn trước khi trổ hoa, ra nụ, ra trái chín thơm ngon. Bạn có từng được Chúa ban cho sự khải thị tươi mới-- không ngoài kinh thánh như các tà giáo sở hữu—nhưng từ trong kinh thánh cổ đó, là thấy những sự khải thị mới mẻ mà ít hoặc chưa có ai thấy chăng?
Trong Ê-phê-sô 1:18; 3:5 Phao-lô nói, “Đức Chúa TRỜI của Chúa Giê-su Christ chúng ta, Cha vinh-quang, có thể cho anh em một linh có sự khôn-ngoan và có khải thị trong sự nhận-biết về Ngài”- và “khải thị cho các sứ đồ và tiên tri thánh của Ngài trong tâm linh” (revealed to His holy apostles and prophets in the spirit). Việc bày tỏ sự khôn ngoan là ban tứ của Chúa, đến trong tâm linh tín đồ, sau đó được tâm trí họ ghi nhớ, giải thích. Thông minh, có thể là năng lực bẩm sinh của bộ não con người, nhưng khôn ngoan, hay trí tuệ là ban tứ từ trời, còn tri thức là khả năng tích lũy của tâm trí mà thôi.
Cho nên Đa-ni-ên 2:20-22 chép, “Xin danh của Đức Chúa TRỜI được chúc-tụng đời đời vô-cùng, Vì khôn-ngoan và quyền-năng đều thuộc về Ngài."Và chính Ngài thay-đổi thời-đại và kỷ-nguyên; Ngài loại bỏ các vua và lập các vua; Ngài ban sự khôn-ngoan cho những kẻ khôn-ngoan, Và kiến-thức cho những người có sự hiểu-biết. "Chính Ngài tiết-lộ các việc sâu-sắc và giấu kín; Ngài biết điều ở trong tối-tăm, Và sự sáng ở với Ngài".
Trước mặt vua Nê-bu-cát- nết- sa, Đa ni ên nói rằng sự khôn ngoan khải thị ông có để hiểu và giải nghĩa chiêm bao của vua đều đến từ Chúa. Về sau, vua ấy cũng nhìn nhận trong Đa-ni-ên có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thêm vào tri thức mà các học giả trong nước của ông cũng có như Đa-ni-ên. Ông nói với Đa-ni-ên “Đấy là giấc chiêm-bao mà ta, Vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã thấy. Bây giờ, ngươi, hỡi Bên-tơ-xát-sa, hãy nói cho ta biết lời giải cho nó, vì không có ai trong các người khôn ngoan của vương-quốc ta có khả-năng cho ta biết lời giải; nhưng ngươi có khả-năng, vì một linh của các thần thánh ở trong ngươi'.  Về sau, hoàng hậu của vua Bên xát xa cũng chứng thực cho Đa-ni-ên, “Có một người trong vương-quốc của ngài, trong hắn có một linh của các thần thánh; và trong những ngày của cha của ngài, người ta thấy sự soi-sáng, sự sáng suốt, và sự khôn-ngoan như sự khôn-ngoan của các thần ở trong hắn”(Đa. 5:11).
Tổng đốc La Mã, Phết-tu, ở Sê-sa-rê, hẳn là một người có học thức, nên đánh giá sứ đồ Phao lô: “Phao-lô, ngươi mất trí rồi! Nhiều chữ nghĩa đang biến ngươi thành điên!”. Bản nhuận chánh dịch: “Ớ Phao-lô, ngươi điên, ngươi học rộng quá đến nỗi điên rồi!”. Người có học thức có khả năng cảm nhận tri thức cao của người khác. Nhưng sứ đồ lão thành Phi e rơ phân biệt rõ tri thức và sự khôn ngoan thần thượng như sau; “người anh yêu-mến của chúng ta là Phao-lô, theo sự khôn-ngoan được ban cho anh ấy, đã viết cho anh em, cũng như trong tất cả các bức thư của anh ấy, nói về các điều này, trong đó có một số điều khó hiểu, mà những kẻ không được dạy và không vững bóp méo chúng, như họ cũng làm vậy cho phần còn lại của Thánh Kinh, cho chính sự phá-hủy của họ”. Phi-e-rơ nói người tín đồ kém tri thức trong tâm trí không hiểu thấu đáo sự khôn ngoan thần thượng mà Phao lô trình bày trong các thư tín uyên thâm của mình. Phao lô từng nói, “Song chúng tôi nói sự khôn-ngoan giữa những kẻ trưởng-thành; tuy vậy, một sự khôn-ngoan không thuộc về thời-đại này, cũng không thuộc về những kẻ cai-trị của thời-đại này, những kẻ đang chết” (1 Cor. 2:6).
Bạn ơi, sự khôn ngoan thần thượng không thu đạt được bằng khả năng tâm trí học hỏi đâu, vì trí tuệ ấy là ban tứ hạn chế của Chúa dành cho một số người như Giô sép, Sa-lô-môn, Đa-ni-ên, E-xơ-ra, Phao lô… mà thôi. Bạn đừng lầm tưởng khi thấy ai đó có khả năng tâm trí, có thể thông lãm hàng trăm tác phẩm của những  giáo sư lớn như Martin Luther, Jean Calvin, John Nelson Darby, C. H. Spurgeon, Witness Lee… thì bạn khen ngợi người đó có sự khôn ngoan và khải thị của Đức Chúa Trời ban cho để làm sứ đồ thời nay.
Châm ngôn 8 bày tỏ Đấng Christ là Sự Khôn Ngoan của Đức Chúa Trời. Tin lành Giăng 1 trình bày Đấng Christ là Ngôi Lời (The Word, Logos) của Đức Chúa Trời. Sự Khôn Ngoan Và Ngôi Lời là hai phương diện của một Đấng Christ hằng hữu. Ẩn mình trong Thần Cách (Godhead), Đấng Christ là Sự Khôn Ngoan, như là khả năng trí năng để Đức Chúa Trời sáng tạo vạn vật,--Thi 104: 24 ”Hỡi Đức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn ngoan”. Khi biểu lộ ra, Đấng Christ là Ngôi Lời phát ngôn của Đức Chúa Trời, cũng là phương tiện tạo sáng vạn vật (Sáng 1: 3, Hê 1:3, Thi 33:6). Đấng Christ vừa là sự Khôn ngoan và Ngôi Lời mà qua đó Đức Chúa Trời sáng tạo, điều chỉnh vạn vật quy hướng về sự đại kết tối hậu. Hê bơ rơ 11:3 TKTC còn nói một sự kiện sâu sắc hơn, “Bởi đức-tin, chúng ta hiểu rằng các thời-đại đã được sửa soạn (điều chỉnh) bởi lời của Đức Chúa TRỜI, đến nỗi cái gì được thấy thì đã chẳng được làm ra từ những vật có thể thấy được” (theo nguyên văn).
Có thể bạn có tri thức cao về lời văn tự theo kinh thánh, nhưng Ngôi Lời vĩnh hằng có được cấu tạo, thành hình trong bạn và Sự Khôn Ngoan đời đời có thể hiện trong phong thái sống của bạn không? Nếu bạn có nếp sống đạo tương đối như sách Châm ngôn bày tỏ, chứng tỏ Sự Khôn Ngoan vĩnh hằng đã thành hình trong bạn. Nếu Ngôi Lời của Đấng Christ “ở--dwell”(Col. 3:16), “cứ ở-- remain”- (Giăng 15:7) trong bạn, điều đó sẽ chứng minh lí lịch dân sót thuộc linh chân thật của bạn.
3/.Trung tín với Chúa dù phải chết- Đa-niên 3:16-18; 6: 10-
Ba người bạn của Đa ni ên can đảm nói, "Nê-bu-cát-nết-sa ôi, chúng tôi không cần dâng cho bệ hạ một câu trả lời nào về việc nầy. Nếu nó là thế, Đức Chúa TRỜI của chúng tôi mà chúng tôi phụng-sự có khả-năng giải thoát chúng tôi khỏi lò đang cháy rực; và Ngài sẽ giải thoát chúng tôi khỏi tay bệ hạ, bẫm bệ hạ. Nhưng, nếu Ngài không cứu, xin bệ hạ biết rằng, bệ hạ ôi, chúng tôi sẽ không phục-vụ các thần của bệ hạ hay thờ-lạy tượng bằng vàng mà bệ hạ đã dựng lên". Còn về Đa- ni- ên thì, “Bấy giờ, khi Đa-ni-ên biết rằng văn-kiện ấy đã được ký, người vào nhà mình (bấy giờ trong phòng nhỏ trên sân thượng của mình, người để các cửa sổ mở về hướng Giê-ru-sa-lem); người tiếp-tục quỳ xuống trên hai đầu-gối của mình, một ngày 3 lần, cầu-nguyện và dâng các lời cảm-tạ trước mặt Đức Chúa TRỜI của mình, như người đã từng làm trước đây”.
Bốn con người đó trong dân sót đã sống đúng theo lời của Chúa Giê-su phán dặn cho chúng ta hôm nay, “Ngươi hãy trung-tín cho tới chết, và Ta sẽ cho ngươi mão sự sống” (Khải 2:10b). Về thái độ, chúng ta phải trung tín với Chúa cho dù phải chết trước sự bắt bớ nào đó về đức tin. Về thời gian, chúng ta phải trung tín với Chúa mãi cho đến khi chết vào tuổi già, một sự trung tín chung cuộc.
Tóm lại, trong thời đại bội đạo hiện nay, khi dân Chúa chỉ có nếp sống đạo bề ngoài hình như tin kính, nhưng tấm lòng thì cách xa Chúa lắm. Bạn có thấy Hội thánh nói chung đã trở thành Nhà Lớn khoa trương rồi chăng? Trong nhà ấy có thiểu số bình vàng, bình bạc là dân sót như bốn bạn Đa ni ên, như Ô-nê-si-phô-rơ, Ê-pháp-ra, Ti-chi-cơ…,  cũng có rất nhiều bình gỗ, bình đất, rất được đắc dụng, nổi tiếng, như Đi-ô-trép, Đê ma, Phy-gen, Hẹt-mô-ghen… (2 Ti. 1:15).
Nguyện Chúa ban cho chúng ta giữ tâm trí, lương tâm mình khỏi sự ô nhiễm thế tục của thời đại nầy. Nguyện Chúa thương xót ban cho chúng ta lời khôn ngoan hiếm hoi, thêm vào lời tri thức thuộc linh (1 Cor 12:8), để chúng ta có cuộc sống thuộc linh đầy sinh lực tươi mới và can đảm sống trung tín với Chúa trước mọi tình huống.
Tôi khuyên bạn đừng tự mãn như tín hữu hội thánh Lao-đi-xê, tưởng mình đã quá giàu có lời tri thức, mà không nhận biết mình khan hiếm lời khôn ngoan khải thị của Đức Chúa Trời. Lời văn tự chỉ làm cho lên mặt, kiêu căng và gây chết chóc cho người khác, chỉ có lời khôn ngoan, khải thị mới là “Linh và sự sống”.
Minh Khải 11-4-2020