Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

CẦU NGUYỆN VÀ LỜI CHÚA


Giăng 15:7 chép:
“Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và Lời Ta cứ ở trong các ngươi….
Cô-lô-se 3:16-17 chép:
“Hãy lấy mọi thứ khôn ngoan để cho Lời của Đấng Christ ở trong anh em cách dồi dào, dùng Thi Thiên, Thánh Ca, và Linh Khúc mà dạy dỗ, khuyên răn lẫn nhau, và trong tấm lòng hãy hát xướng cho Đức Chúa Trời cách có ơn (bằng ân điển). Hễ anh em làm điều gì, hoặc lời nói, hoặc việc làm, hãy nhơn danh Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà cảm tạ Đức Chúa Trời là Cha »
Phần Kinh Thánh này trước hết bảo chúng ta hãy để cho Lời Chúa ở trong chúng ta. Sau đó nói rằng chúng ta cần phải ca hát, cảm tạ và ngợi khen là điều hoàn toàn liên quan đến vấn đề để cầu nguyện. Khi có sự nội cư của Lời thì có sự cầu nguyện
Ê-phê-sô 5 :18b-20 chép : «Nhưng hãy đầy dẫy trong linh, dùng Thi Thiên, Thánh Ca, và Linh Khúc mà nói với nhau, miệng hát tấm lòng họa ngợi khen Chúa. Mọi sự điều phải nhơn danh Chúa chúng ta là Jesus Christ mà luôn cảm tạ Đức Chúa Trời và Cha».

Phần Kinh Thánh này trước hết bảo rằng chúng ta cần phải đầy dẫy trong linh. Câu này nói tiếp rằng chúng ta cần có sự cầu nguyện bằng cách ca hát, ngợi khen và cảm tạ. Tất cả chúng ta đều biết hai sách này, tức Ê-phê-sô và Cô-lô-se, đi song song với nhau. Chúng  chứa nhiều điểm tương đồng diễn đạt bằng những lời hơi khác nhau. Chẳng hạn, phân đoạn được trích ở đây nói rằng Cơ-đốc nhân nên luôn luôn ca hát, ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời. Sách Cô-lô-se cho biết rằng đó là kết quả của Lời Chúa ở trong chúng ta. Còn Sách Ê-phê-sô thì nói rằng đó là kết quả của việc chúng ta được đầy dẫy trong linh. Dù những câu này diễn đạt kết quả theo những cách khác nhau, nhưng thật ra chúng đều nói đến cùng một điều ra từ  cùng một nguồn là chính Chúa. Vì Chúa đầy dẫy bên trong anh em nên lời ca hát, cảm ta và ngợi khen từ anh em tuôn ra. Chúa ở đây,  tức Đấng ở trong anh em, vừa là Linh vừa là Lời. Khi đầy dẫy Lời Ngài, anh em đầy dẫy trong linh. Khi đầy dẫy trong linh, anh em đầy dẫy Lời Ngài. Cho nên, Lời Ngài trong chúng ta là linh
Bây giờ chúng ta sẽ xem mối quan hệ giữa sự cầu nguyện và Lời Chúa
I. CHÚA CHUYỂN ĐỘNG
Cầu nguyện là chuyển động của Chúa trong con người. Lời cầu nguyện thật là Đức Chúa Trời nói Lời Ngài ra từ bên trong con người và qua con người. Trong vấn đề cầu nguyện, không điều gì  quan trọng hơn là hiểu được điểm này. Từ đầu, chúng tôi đã chỉ  rõ rằng cầu nguyện không có nghĩa là con người có nhu cầu và bởi đó xin Đức Chúa Trời hoàn thành. Đó là quan niệm của con người. Cầu  nguyện mà Kinh Thánh nói đến là Đức Chúa Trời có một nhu cầu, và Ngài bước vào trong con người, làm cho con người ý thức về nhu cầu  đó. Rồi Ngài hành động bên trong con người, làm con người chuyển động và đặt gánh nặng trên con người  để cầu nguyện cho nhu cầu đó. Đó là cầu nguyện. Nếu muốn thấy mối quan hệ giữa cầu nguyện và Lời Chúa, chúng ta cần bắt đầu từ đây. Vì Đức Chúa Trời chuyển động trong chúng ta nên chúng ta có thể cầu nguyện. Những lời cầu nguyện từ chính chúng ta thì không có giá trị thuộc linh. Điều Đức Chúa Trời mong muốn là lời cầu nguyện ra từ chuyển động của Ngài bên trong chúng ta – lời cầu nguyện do Ngài khởi xướng.
II. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẾN
Để chuyển động trong chúng ta, Đức Chúa Trời phải đến với chúng ta. Nếu còn có một khoảng cách giữa Ngài và chúng ta, Ngài sẽ không thể chuyển động trong chúng ta. Nhưng khi Ngài đến với chúng ta để thúc đẩy chúng ta, Ngài không đến với địa vị là Đức Chúa Trời, hay là Chúa, mà là Linh. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời đến với chúng ta, Ngài là Linh.
Do thiếu hiểu biết về những điều huyền nhiệm của Đức Chúa Trời nên nhiều người thường không rõ ràng, và do đó, tranh cãi rất nhiều về tính tam nhất của Thần Cách  (Godhead). Chúng ta có thể hiểu sự  huyền nhiệm của Đức Chúa Trời đến với con người theo cách rất đơn giản. Hễ khi nào Tân Ước về việc Đức Chúa Trời đến với con người, bước vào trong con người, giáng trên con người, hay hành động, chuyển động và khuấy động bên trong con người thì luôn luôn  nói về Linh. Nếu Đức Chúa Trời không có quan hệ nào với con người, Ngài hoàn toàn  cách xa và ở bên ngoài con người. Nhưng là Linh, Ngài đến để bước vào trong con người và có mối quan hệ với con người.
Trong Tân Ước, sự đề cập đầu tiên Đức Chúa Trời là Linh được tìm thấy trong Phúc Âm Giăng chương 14. Tại đó, Chúa Jesus phán: «Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ phượng Ngài thì cần thờ phượng trong linh…”. Điểm nhấn mạnh  của câu này là sự tiếp xúc của Ngài với con người. Đức Chúa Trời đến với con người và bước vào trong con người chính là Linh
III. ĐỨC CHÚA TRỜI GIẢI THÍCH
Thánh Linh đến với con người và bước vào trong con người không chỉ để làm đầy dẫy bên trong và đổ ra bên ngoài mà cũng để Ngài  trở nên lời nội cư của Đức Chúa Trời. Nếu việc Đức Chúa Trời đến với con người chỉ là việc Ngài đến mà không có lời thì không cách gì để con người hiểu ý định của Ngài. Không có lời, ý định của Ngài không thể nào được giải thích. Giả sử một ai đó vào nhà tôi, nhưng người ấy không nói một lời nào. Điều ấy thật  lấy làm khó cho tôi. Giăng 14 :17 nói rằng khi Linh đến, Ngài sẽ vào trong chúng ta ; 15 :4 nói rằng chúng ta cứ ở trong Chúa, và Chúa cũng cứ ở trong chúng ta. Sau đó, câu 7 nói: «Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và lời Ta cứ ở trong các ngươi». Ở đây, Chúa trở nên lời và sự giải thích bên trong chúng ta.
Cũng vậy, trong Cô-lô-se có nói rằng sự cảm tạ và khợi khen của chúng ta là do Lời Chúa. Trong Ê-phê-sô thì nói chúng ta cảm tạ và ngợi khen là do Linh. Nếu chỉ có sự đầy dẫy Linh mà không có Lời thì làm thế nào anh em có Thi Thiên và Thánh Ca ? Anh em không thể, vì chỉ có sự dứt dấy mà không có lời giải thích. Chẳng hạn, sáng nay tôi cảm thấy cần cầu nguyện, nhưng không có lời hay sự giải thích nào bên trong bảo tôi biết phải cầu nguyện cho điều gì hay cầu nguyện như thế nào. Cách tốt nhất tôi có thể làm là khóc hay kêu vài tiếng Ha-lê-lu-gia. Tôi không thể cầu nguyện cách triệt để.
Vì vậy, Linh đến với chúng ta phải trở nên sự giải thích trong chúng ta. Một khi Linh trở nên sự giải thích thì đó là lời. Phúc Âm Giăng cho biết rõ rằng những lời Chúa phán với chúng ta đều là Linh. Khi Linh ở trong chúng ta làm chúng ta hiểu thì đó là lời. Đôi khi chúng ta có cảm thúc bên trong, nhưng chúng ta không thể hiểu vì Linh chưa trở nên lời, và thiếu sự giải thích. Và rồi, một  ngày kia, Ngài giải thích điều đó cho chúng ta, tức là Linh trở nên lời. Khi ấy và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể hiểu ý định của Ngài.
Người cung ứng Lời thường có kinh nghiệm này: khi sắp đứng lên nói, người ấy cảm thấy có sự cảm thúc và gánh nặng bên trong. Tuy nhiên, người ấy vẫn không biết cụ thể nên nói điều gì. Sau đó, khi đứng lên và nói, người ấy có một cảm nhận bên trong, và càng nói, người ấy càng trở nên sáng tỏ. Linh bên trong trở nên Lời. Điều này đúng với sự cầu nguyện. Chẳng hạn, một ai đó thức dậy vào buổi sáng cảm thấy có gánh nặng cầu nguyện, nhưng người ấy không biết phải cầu nguyện cho điều gì. Vì vậy, người ấy đến trước mặt Đức Chúa Trời, và khi cầu nguyện, người ấy cố gắng hiểu cảm xúc bên trong của mình. Kết quả là, cảm nhận bề trong trở thành lời, và khi đó lời được bày tỏ. Nói ra một câu rồi một câu khác tiếp theo sau. Sau khi cầu nguyện xong, gánh nặng bên trong đượct bốc dỡ. Điều này có nghĩa là Linh đã trở nên lời.
Vì vậy, lời cầu nguyện thật là kết quả chuyển động của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta. Chuyển động này được thực hiện qua Linh và Linh cần trở nên lời, tức sự giải thích. Bởi đó, chúng ta có thể biểu lộ lời cầu nguyện của mình.
IV. ĐỨC CHÚA TRỜI BIỂU LỘ
Giải thích là sự hiểu biết bên trong, trong khi biểu lộ là sự công bố bên ngoài. Mọi lời cầu nguyện thật giống như một bài giảng có trọng lượng, tất cả những cầu nguyện là sự biểu lộ của Linh. Hầu như có thể nói rằng những lời cầu nguyện chính là Linh. Không ngạc nhiên gì Chúa Jesus phán rằng những Lời của Ngài là Linh. Vì bất cứ điều gì Ngài phán, đó là sự biểu lộ của Linh. Về nguyên tắc, những lời cầu nguyện của chúng ta nên giống như vậy.
Trong sự cầu nguyện, chúng ta thường thực sự chạm đến Linh, vui hưởng hiện diện của Chúa rất nhiều và có sự xức dầu. Vào những lúc khác, chúng ta phải thừa nhận rằng lời cầu nguyện của mình không tốt lắm. Càng cầu nguyện, chúng ta càng khô hạn và chết chóc bên trong. Càng cầu nguyện, chúng ta càng có ít lời. Sự khác nhau giữa hai tình trạng này là do đâu? Vấn đề căn bản là: trong khi chúng ta cầu nguyện, Linh có đến với chúng ta và giải thích ý định của Đức Chúa Trời cho chúng ta hay không? Nếu có sự giải thích, khi ấy chúng ta có thể biểu lộ điều đó cách phù hợp. Vì vậy, càng cầu nguyện, chúng ta càng được cảm thúc. Càng cầu nguyện, chúng ta càng được xức dầu. Càng cầu nguyện, chúng ta càng chạm được linh, càng tươi mới và sinh động. Vì trong sự cầu nguyện đó, Linh hiển lộ bằng những lời chúng ta nói ra. Trái lại, những lúc khác có thể không có sự chuyển động của Linh trong khi chúng ta cầu nguyện, do đó, lời của chúng ta không phải là sự biểu lộ của Linh. Khi đó, hoàn toàn là chính chúng ta nói, và lời cầu nguyện như vậy tự nhiên sẽ khô hạn.
Lời cầu nguyện thật chính là kết quả của việc Đức Chúa Trời chuyển động trong chúng ta. Chuyển động của Đức Chúa Trời bắt đầu với Linh trước hết đến với chúng ta và sau đó, đi một bước xa hơn trở nên sự giải thích. Sự giải thích là lời. Một khi lời hiện diện trong ý thức của chúng ta, thì lời phải được biểu lộ. Khi chúng ta nói những lời đó ra thì đó là cầu nguyện
V. MỐI QUAN HỆ GIỮA LỜI VÀ LINH
Lời của Chúa đến với chúng ta theo hai giai đoạn. Một giai đoạn là lời trong Kinh Thánh, và giai đoạn kia là lời trong Linh. Cô-lô-se nói rằng chúng ta nên để cho Lời của Đấng Christ ở trong chúng ta cách dồi dào. Chúng ta phải tin rằng điều này chỉ về những lời trong Kinh Thánh. Chúng ta thường khích lệ các anh chị em dầm thấm chính mình bằng Kinh Thánh. Lý do là vì để chúng ta có thể nhớ Lời Chúa và bởi đó giữ lại Lời Chúa bên trong chúng ta. Vào  một lúc nào đó, khi Linh đến với chúng ta, Ngài sẽ biểu lộ chính Ngài bằng những Lời Kinh Thánh mà chúng ta đã nhớ và lưu lại bên trong. Khi ấy, những Lời này sẽ trở nên Lời của Linh
Khi nói về mối quan hệ giữa sự cầu nguyện và lời Chúa đều luôn bao gồm  hai phương diện: Lời của Linh và Lời Kinh Thánh; hay lời Chúa trong Kinh Thánh và Lời Chúa trong Linh. Thật ra, hai loại lời này chỉ là một. Tuy nhiên, nếu lời trong Kinh Thánh không trở nên lời trong Linh thì chúng chỉ là lời trong trí nhớ và trí tuệ của chúng ta nhưng không bước vào trong linh. Chỉ khi Linh để hòa quyện với những lời này trở nên lời trong linh chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa Lời và Linh
VI. TIẾP NHẬN LỜI CHÚA
Có hai bước trong việc tiếp nhận Lời Chúa. Thứ nhất là tiếp nhận Lời Kinh Thánh, và thứ hai là tiếp nhận lời được Linh giải thích. Hay chúng ta có thể nói rằng trước hết, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa từ Kinh Thánh vào trong chúng ta, sau đó chúng ta tiếp nhận Lời Chúa từ Linh. Không có bước thứ nhất thì rất khó để có bước thứ hai. Hễ ai nghèo nàn trong việc tiếp nhận lời từ Kinh Thánh thì không thể giàu có trong việc nhận được lời từ Linh. Để nhận được lời từ Linh một cách phong phú, một người cần tiếp nhận Lời Kinh Thánh vào trong mình cách dồi dào. Do đó, chúng ta công bố rằng chúng ta cần đọc Kinh Thánh, cần hiểu Kinh Thánh và cần nhớ Lời Kinh Thánh. Đó là để cho Lời Kinh Thánh được lưu trữ trong chúng ta cách dồi dào
Thưa anh chị em, không chỉ cầu nguyện mà chức vụ Lời cũng cần  có sự tích lũy này. Nếu một người cung ứng Lời mà không thường xuyên lưu trữ lời Kinh Thánh bên trong mình, chức vụ của người ấy sẽ không có quyền năng. Khi người khác cung ứng cùng một chủ đề,  càng cung ứng, họ càng phong phú và Lời càng tuôn ra. Còn anh em cung ứng thì không thể nói nhiều được vì anh em nhanh chóng cạn Lời. Lý do là gì? Ấy là vì anh em không có tích lũy đủ bên trong. Do đó, hễ ai muốn làm người cung ứng thì phải siêng năng đọc Kinh Thánh.
Lần nọ, một anh em dẫn dắt trao đổi với tôi về vấn đề cung ứng Lời. Anh nói rằng có hai điều kiện tiên quyết  cho một chức vụ đúng đắn. Thứ nhất, cần phải có việc tích lũy Lời cách phong phú, thường  xuyên. Thứ hai, khi đến lúc, cũng cần phải có khả năng nhận được Lời tức thì, gánh nặng và sự cảm thúc tức thì. Sau khi nói với chúng tôi hai nguyên tắc này, anh nói: “Hãy xem Anh A. Khi anh ấy nói, anh em có thể nói rằng mặc dù anh ấy có sự cảm thúc, nhưng trong anh ấy không có một trữ lượng đủ tương xứng với sự cảm thúc ấy. Rồi hãy xem Anh B. Anh này thực sự có đủ sự cung ứng bên trong, nhưng anh không thể nhận được sự cảm thúc tức thì. Kết quả là sự cung ứng của anh rất cứng nhắc”. Cuộc trò chuyện đó để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu. Thật vậy, một chức vụ đúng đắn, đầy quyền năng và sống động phải có cả hai điều kiện tiên quyết này: trữ lượng đủ và khả năng nhận lãnh cảm thúc tức thì.
Hai bước này không chỉ áp dụng cho việc cung ứng Lời, mà cũng có sự cầu nguyện. Chúng ta thật sự cảm thấy buồn vì một số anh em luôn cầu nguyện những lời cũ kỹ như trước vì họ không có trữ lượng cũng không có sự cảm thúc. Trữ lượng này là gì? Đó là Lời Chúa trong Kinh Thánh hằng được dự trữ trong bản thể chúng ta. Còn sự cảm thúc là gì? Ấy là Lời Chúa nhận được từ Linh. Hằng ngày, hãy đọc Kinh Thánh cách kỹ lưỡng, thành thạo và đúng đắn. Hãy tiếp nhận và dự trữ lời bên trong anh em. Khi đến lúc anh em cung ứng hay cầu nguyện, vì Linh chuyển động trong anh em, nên sự cảm thúc sẽ đến và hòa quyện với lời dự dữ bên trong anh em. Một khi nhận được sự cảm thúc sẽ đến và hòa quyện với lời dự dữ bên trong anh em. Một khi nhận được sự cảm thúc như vậy, khó mà nói rằng đó là Lời Kinh Thánh hay lời của Linh. Anh em có thể nói rằng Lời Kinh Thánh là Lời của linh, và ngược lại. vào lúc này, Lời đã trở nên linh. Vì vậy, chúng ta phải học tập tiếp nhận Lời Chúa. Bằng không, chúng ta sẽ không biết cách để cung ứng hay cách để cầu nguyện. Nếu muốn sự cung ứng của chúng ta có trọng lượng và lời cầu nguyện của chúng ta có giá trị và phù hợp với tấm lòng của Đức Chúa Trời, thì việc chúng ta học tập tiếp nhận lời Chúa là điều hoàn toàn thiết yếu.
Xin nhắc lại, có hai bước trong việc tiếp nhận Lời Chúa. Một là đọc Kinh Thánh và tiếp nhận Lời Chúa trong Kinh Thánh. Hai là được cảm thúc và tiếp nhận Lời Chúa trong linh. Điều trước đòi hỏi sự cố gắng lâu dài để đọc Kinh Thánh hằng ngày, cách kỹ lưỡng và nhận lời vào trong anh em. Còn điều sau đòi hỏi anh em phải có khả năng nhận được sự cảm thúc bất cứ lúc nào. Như vậy, hễ khi sự cảm thúc đến  thì anh em sẽ có khả năng diễn đạt cảm thúc ấy bằng Lời Kinh Thánh mà anh em đã nhận được. Nếu có khả năng này thì anh em có thể cung ứng và cầu nguyện. Trước hết, nhận Lời Kinh Thánh vào; sau đó, khi có sự cảm thúc, lời sẽ trở nên lời trong linh. Khi ấy, những gì anh em cầu nguyện mới thật là sự cầu nguyện, và những gì anh em nói ra mới thật sự là chức vụ.
Nếu đọc Kinh Thánh tốt thì anh em cũng sẽ có thể cầu nguyện tốt. Nhưng điều này không có nghĩa là chỉ bởi biết nhiều câu trong Kinh Thánh mà anh em có thể cầu nguyện tốt. Một số người thực sự thuộc lòng Kinh Thánh. Trong lời cầu nguyện, họ có thể trích từ Sáng Thế Ký đến Khải Thị. Nhưng trong khi nghe lời cầu nguyện của họ, anh em nhận thức rằng lời cầu nguyện đó hoàn toàn ra từ tâm trí chết chóc cùng với những lời văn tự chết chứ không ra từ sự sống chút nào. Đây không phải là điều chúng ta muốn nói đến qua việc tiếp nhận Lời Chúa. Điều chúng ta muốn nói là hằng ngày anh em phải tiếp nhận Lời Kinh Thánh vào bên trong qua Linh. Vào  một lúc nào đó, khi anh em nhận được cảm thúc, Thánh Linh sẽ làm cho những lời mà anh em tiếp nhận từ Kinh Thánh trở thành lời của Ngài. Khi ấy, những lời này sẽ trở nên linh, lời sống động và lời của sự sống. Đó là điều chúng ta muốn nói đến qua việc tiếp nhận Lời Chúa.
VII. LỜI TRỞ NÊN LINH

Chúng ta đã tương giao vấn đề linh trở nên lời. Bây giờ chúng ta hãy xem vấn đề Lời trở nên linh. Lời trở nên linh có nghĩa  là những Lời Kinh Thánh mà anh em đã nghe, trở nên linh trong anh em. Những lời anh em đã nhận, một lúc nào đó sẽ trở nên linh trong anh em. Thưa anh em, xin nhớ lại những kinh nghiệm của anh em về sự cầu nguyện rồi anh em sẽ hiểu rõ rằng lời cầu nguyện tốt, thuộc linh là kết quả của Linh Đức Chúa Trời hòa quyện với anh em. Anh em không đang nhớ Kinh Thánh, mà đúng hơn đang cầu nguyện bằng những lời mà Linh đã chạm đến anh em và làm anh em chuyển động. Điều anh em cầu nguyện là sự hòa quyện của Lời Kinh Thánh với Lời của Linh. Vào lúc này, những lời anh em đã tiếp nhận và dự trữ trong anh em trước đây sẽ trở nên những lời trong kinh. Điều này có nghĩa là những lời trong anh em đã trở nên linh.