Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 31



Kinh thánh: Mác 10:1-31
Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục suy xét 10:1-31. Trong phân đoạn Phúc Âm Mác này, chúng ta có bốn vấn đề: Chúa đến Giu – đê (c. 1), sự dạy dỗ chống lại ly dị (cc. 13-16) và sự dạy dỗ về người giàu và Vương Quốc của Đức Chúa Trời (cc. 17-31). Trong bài trước, chúng tôi đã chỉ ra ba vấn đề có thể ngăn trở chúng ta bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời là hôn nhân, già nua, giàu có. Chúng ta đã thấy rằng nếu được Đấng Christ thay thế, chắc chắn chúng ta sẽ có cách xử lý những vấn đề này cách đúng đắn. Bây giờ, chúng ta hãy suy xét thêm chi tiết về những gì Chúa phán trong 10:2-31 vấn đề hôn nhân, già nua và giàu có.
DẠY DỖ CHỐNG LẠI VIỆC LY DỊ
Khi Đức Chúa Trời tạo nên con người, Ngài đã không tạo dựng cùng một lúc tất cả những người Ngài cần cho mục đích Ngài. Nếu Đức Chúa Trời đã muốn tạo dựng nhiều người cùng một lúc, chắc chắn Ngài đã làm. Ngài hẳn có thể tạo dựng hàng tỉ người. Tuy nhiên, đây không phải là phương cách của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, Đức Chúa Trời đã tạo nên một cặp vợ chồng, bảo họ sinh sôi nảy nở và làm cho đầy dẫy trái đất. Theo chỉ định của Đức Chúa Trời, nhân loại sinh sôi nảy nở qua hôn nhân. Do đó, hôn nhân chỉ xếp thứ hai sau sự sáng tạo của Đức Chúa Trời mà thôi.

Chúng ta không bao giờ được xem thường hôn nhân. Hê– bơ– rơ 13:4 nói rằng: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân”. Hôn nhân là thánh khiết và chúng ta phải tôn trọng hôn nhân.
Nhân loại được hiện hữu qua sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã ấn định rằng nhân loại phải được sinh sôi nảy nở qua hôn nhân.
Chúng ta cần thấy rằng hôn nhân thật đáng tôn trọng và thánh khiết vì hôn nhân được chỉ định để nhân loại sinh sôi nảy nở hầu hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Không có sự sáng tạo con người và sự sinh sôi nảy nở của nhân loại qua hôn nhân thì mục đích của Đức Chúa Trời không thể được hoàn thành. Chúng ta cần thấy hôn nhân từ một quan điểm như vậy. Nếu xem xét hôn nhân theo cách này, chúng ta sẽ tôn trọng hôn nhân. Chúng ta sẽ nhận thức rằng hôn nhân là để nhân loại sinh sôi nảy nở hầu hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Trong đời sống hôn nhân của mình, chúng ta cần phải thành thật, chung thủy và thuần khiết. Nếu không thành thật, chung thủy và thuần khiết, chúng ta sẽ xúc phạm Đức Chúa Trời cách nghiêm trọng. Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời lên án việc gian dâm và ngoại tình. Hê– bơ– rơ 13:4b chép: “Vì Đức Chúa Trời sẽ xét đoán kẻ gian dâm và ngoại tình”. Gian dâm và ngoại tình chỉ đứng sau thờ lạy hình tượng là những tội xúc phạm nhất đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta cần chăm sóc hôn nhân theo cách đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta cần thấy rằng gian dâm và ngoại tình làm tổn hại sự sinh sôi nảy nở đúng đắn của nhân loại. Đây là lý do Đức Chúa Trời không cho phép ly dị.
Vì hôn nhân là một vấn đề nghiêm trọng như vậy nên tôi muốn khuyên những người trẻ đừng vội bước vào hôn nhân. Thưa các bạn trẻ, trước khi lập gia đình, anh chị em cần cầu nguyện và cân nhắc nhiều. Đừng nhìn hôn nhân theo quan điểm của mình. Anh em phải đặc biệt nhìn hôn nhân theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Đừng hấp tấp lập gia đình vì một khi lập gia đình, anh em không còn chọn lựa nào khác. Ly dị là vô cùng gớm ghiếc đối với Đức Chúa Trời.
Vì đang trên đường bước vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời nên chúng ta cần đặc biệt vững vàng về vấn đề hôn nhân. Cần nhận thức rằng một khi đã lập gia đình thì không được ly dị.
Tất cả những người đã lập gia đình rồi cần phải “mù” đối với các khuyết điểm của người bạn đời. Họ không nên cố gắng biết lỗi lầm của bạn đời. Tất cả việc nghiên cứu đối tượng nên được thực hiện trước thời điểm hứa hôn. Sau khi đã đính hôn và đặc biệt là sau khi cưới, anh em nên nhắm mắt lại với những khuyết điểm của bạn đời và nên bị mù. Nếu không sẵn sàng bị mù như vậy, anh em sẽ không có được một đời sống hôn nhân đúng đắn.
Theo 10:2, người Pha–ri–si hỏi Chúa Jesus: “Người ta có phép để vợ mình không?” Khi Ngài hỏi họ Môi– se truyền bảo họ điều gì, họ trả lời “Môi– se cho phép viết tờ ly dị mà để vợ” (c. 4). Mạng lịnh này không phải là một phần trong luật cơ bản mà là phần phụ của Kinh luật. Mạng lịnh này được Môi– se ban bố chứ không theo chỉ định của Đức Chúa Trời từ ban đầu, nhưng tạm thời vì sự cứng cỏi của lòng người.
Trong 10:5-8, Chúa tiếp tục phán rằng: “Ấy vì lòng cứng cỏi của các ngươi nên người đã chép điều răn này cho các ngươi. Nhưng từ ban đầu cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời dựng nên loài người có nam có nữ. Vì cớ đó, người nam phải lìa cha mẹ mà keo sơn với vợ mình và cả hai cùng nên một thịt. Thế thì họ không còn là hai nữa, bèn là một thịt mà thôi”. Ở đây, lời Chúa không những công nhận việc Đức Chúa Trời tạo dựng loài người mà cũng xác quyết sự chỉ định của Đức Chúa Trời về hôn nhân của loài người, đó là một người nam và một người nữ được kết hiệp và mang ách chung với nhau như là một thịt, không thể bị loài người phân rẽ. Mạng lịnh về việc ly dị do Môi– se ban bố là lệch khỏi chỉ định nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Nhưng Đấng Christ đem chúng ta trở lại chỉ định của Đức Chúa Trời từ ban đầu.
Trong 10:9, Chúa phán: “Vậy những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp, người ta chớ chia rẽ”. Ở đây, chúng ta thấy ly dị không những chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời mà còn chống lại chính Đức Chúa Trời. Những gì Đức Chúa Trời đã đặt ách chung thì loài người không nên phân rẽ.
Một mặt, hôn nhân là cần thiết. Mặt khác, đời sống hôn nhân thì khó khăn, Tuy nhiên, chúng ta phải học tập yêu mến sự khó khăn này và thậm chí chăm sóc sự khó khăn ấy với sự trìu mến. Điều này có nghĩa là chúng ta nên yêu mến hôn nhân và chăm sóc hôn nhân. Bằng không, chúng ta sẽ bị cản trở trong việc bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời chân thật, và chúng ta cũng tin rằng Lời Ngài, tức Kinh Thánh, là chân thật. Vì vậy, chúng ta phải tôn trọng những gì Đức Chúa Trời phán trong Lời Ngài về hôn nhân. Không cư xử với đời sống hôn nhân của mình cách đúng đắn là một vấn đề nghiêm trọng. Không chăm sóc đời sống hôn nhân theo lời Đức Chúa Trời dạy sẽ ngăn trở chúng ta không vào được Vương Quốc. Phải, bây giờ chúng ta đang trên đường đến Vương Quốc. Nhưng việc chúng ta có thật sự bước vào Vương Quốc trong thời đại sắp đến hay không thì vẫn còn tùy. Theo Mác chương 10, việc chúng ta bước vào Vương Quốc trong thời đại sắp đến trước nhất tùy vào cách chúng ta cư xử với đời sống hôn nhân của mình.
CHÚC PHƯỚC CHO TRẺ CON
Tôi đã suy nghĩ nhiều tại sao phần ghi lại về việc Cứu Chúa-Nô Lệ chúc phước cho trẻ (cc. 13-16) lại được xen vào chương 10. Kết quả của việc suy xét này là Chúa soi sang tôi thấy rằng những ai đang trên đường bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời không nên già nua. Thay vì thế, họ phải trẻ trung, thậm chí như con trẻ.
Có lẽ điều khó khăn nhất mà Cơ– đốc nhân phải xử lý để bước vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự già nua. Đa số sự dạy dỗ, giáo lý và thần học giữa vòng Cơ– đốc nhân ngày nay thì cũ kỹ. Nếu muốn bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải trẻ trung và tươi mới.
Tôi rất lo mỗi khi nhìn thấy các thánh đồ trong hội thánh của Chúa trở nên già nua trong đời sống thuộc linh. Cách đây ba mươi năm, anh em có lẽ đã trẻ trung và tươi mới, nhưng có thể bây giờ anh em đã trở nên già nua. Ngày nay, Cơ– đốc nhân bị sự già nua và sự dạy dỗ cũ kỹ kiềm hãm nên họ không tiến lên với Chúa được. Những sự dạy dỗ này có thể là căn bản và thậm chí theo Kinh Thánh và đúng đắn nhưng chúng đã cũ kỹ.
Trong 10:14-15, Chúa Jesus phán: “Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng cấm chúng nó, vì Vương Quốc Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như chúng nó. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai chẳng nhận lấy Vương Quốc Đức Chúa Trời như một con trẻ, thì hẳn chẳng được vào đó”. Sau khi nói lời này, Chúa ẵm con trẻ và ban phúc cho chúng (c. 16). Qua điều này, chúng ta thấy Chúa Jesus quí con trẻ và bồng ẵm chúng. Với hành động bồng ẵm con trẻ và chúc phước cho chúng, Chúa chỉ cho các môn đồ biết rằng họ không nên già nua, rằng tất cả họ nên là con trẻ để bước vào Vương Quốc.
Trong 9:38, Giăng, một trong những con trai của sấm sét, thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi thấy một người nhơn danh Thầy mà đuổi quỉ, thì tôi cấm, vì người ấy không theo chúng ta”. Nói về mặt thuộc linh, sự kiện Giăng cấm đoán người nào đó đuổi quỉ trong danh Chúa là một dấu hiệu cho thấy rằng Giăng đã già nua.
Các môn đồ của Giăng Báp– tít cũng trở nên già nua. Họ theo Giăng chưa đầy ba năm. Nhưng thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn, họ cũng đã trở nên già nua và cuối cùng hình thành một tôn giáo. Theo cùng một nguyên tắc thì điều này có thể xảy ra giữa vòng chúng ta ngày nay. Tôi lo ngại rằng sự già nua đang len lỏi vào hội thánh của Chúa. Một sự già nua xuất hiện, chúng ta sẽ không còn, tươi mới mỗi ngày nữa.
Chúng ta có thể dùng việc lượm ma– na trong Cựu Ước để minh họa cho nhu cầu tươi mới mỗi ngày. Nguyên tắc lượm ma– na là ma – na được lượm mỗi ngày một lần. Ngoại trừ, ngày Sa– bát, bất cứ ma– na nào còn để lại cho ngày hôm sau đều sinh mùi và bị hóa sâu bên trong. Điều này mô tả việc chúng ta cần phải được tươi mới và đổi mới hằng ngày. Hằng ngày chúng ta phải trở nên mới mẻ hơn và tươi mới hơn.
Tôi tin rằng lẽ thật trong Phúc Âm Mác có thể được trình bày thậm chí theo cách tươi mới hơn trong các sứ điệp này. Dĩ nhiên, chúng ta không thể thay đổi lẽ thật. Nhưng chúng ta có thể trình bày lẽ thật cách tươi mới hơn. Chẳng hạn như dù trái đất vẫn y nguyên nhưng phương tiện giao thông đã cải tiến. Tương tự như vậy, lẽ thật của Đức Chúa Trời không thay đổi, nhưng phong cách trình bày lẽ thật phải luôn luôn tươi mới hơn.
Vương Quốc Đức Chúa Trời đã đến theo cách mới. Người Pha– ri– si và các Kinh luật gia cần được sinh lại để bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời. Được sinh lại nghĩa là gì? Được sinh lại là được đổi mới. Vì sự già nua không liên quan gì đến Vương Quốc Đức Chúa Trời nên chúng ta phải được sinh lại, đổi mới được bước vào Vương Quốc.
Một nan đề lớn giữa vòng Cơ– đốc nhân ngày nay là sự già nua của họ. Nhiều người đã quay lại với những lời giảng dạy cũ kỹ và bám chặt vào những sự dạy dỗ cũ kỹ của giáo phái họ. Chẳng hạn như những người theo giáo phái Lutheran có thể dùng những gì Luther đã nói để kiểm tra lại các vấn đề. Chắc chắn xưng công chính bởi đức tin là một điều căn bản của lẽ thật. Tuy nhiên về lẽ thật này, chúng ta cần được làm đổi mới và được làm cho tươi mới.
Tất cả chúng ta đều phải mới mẻ, và sự dạy dỗ giữa vòng chúng ta cũng phải nên theo ánh sang mới. Trong chương 7, chúng ta thấy rằng Chúa Jesus là Bác Sĩ Giải Phẫu, mổ xẻ tấm long chúng ta và phơi bày tình trạng tấm lòng ấy. Đây không phải là hiểu biết tươi mới về việc Chúa xử lý tấm lòng chúng ta sao?
Tôi không phát minh việc kêu cầu danh Chúa. Cùng lắm là tôi đã khám phá ra vấn đề này trong Kinh Thánh. Con người đã bắt đầu kêu cầu danh Chúa từ lâu trong Sáng Thế Ký chương 4. Bởi sự thương xót của Chúa, Ngài đã dùng chúng tôi khám phá vấn phá vấn đề này, nhưng chắc chắn là chúng tôi đã không phát minh điều ấy. Rất nhiều thánh đồ đã được phước bởi kêu cầu danh Chúa. Nhưng thậm chí việc kêu cầu của chúng ta cũng phải tươi mới.
Trong bài trước, chúng ta đã thấy cầu nguyện thật sự là vấn đề “không phải tôi mà là Christ”. Anh em có bao giờ nghe rằng cầu nguyện là vấn đề không phải tôi mà là Christ chưa? Tôi có thể làm chứng rằng hiểu về cầu nguyện như vậy thì mới mẻ đối với tôi. Đây là một minh họa hơn nữa về việc chúng ta cần phải mới mẻ, trẻ trung và tươi mới.
Chắc chắn rằng trong tương lai có nhiều điều mới mẻ hơn sẽ xuất hiện, nhiều từ liệu và nhiều cách diễn đạt ấn tượng sẽ được sử dụng. Qua những từ liệu và cách diễn đạt mới, chúng ta có thể nhận được nhiều ánh sáng và ân điển hơn. Vì vậy, chúng ta đừng nắm giữ sự cũ kỹ của mình, nhưng hằng ngày hãy được đổi mới và được làm cho tươi mới.
DẠY DỖ VỀ NGƯỜI GIÀU
VÀ VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta đã thấy hai vấn đề có thể ngăn cản chúng ta bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời là cách chúng ta đối đãi với hôn nhân và sự già nua. Trong 10:17-31, chúng ta thấy giàu có là một điều khác có thể ngăn trở chúng ta.
Trong câu 21, Chúa Jesus nhìn người đã hỏi Ngài nên làm gì để thừa hưởng sự sống đời đời, và Ngài phán với người ấy rằng: “Ngươi còn thiếu một điều: hãy đi, bán hết của cải ngươi mà cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Cách đây nhiều năm, khi đọc lời này tôi thấy bối rối. Là một sinh viên, tôi lo rằng tôi không thể nào thực hiện mạng lịnh của Chúa là bán mọi sự. Dần dần, do nghiên cứu Tân Ước, tôi thấy Phao– lô không dạy người Cô– rin – tô phải bán hết của cải để cho người nghèo. Phao–lô đã không bảo họ “Người Cô– rin– tô ơi, nếu anh em hết lòng với Chúa thì phải bán tất cả những gì mình có để cho người khác”. Không có lời nào như vậy trong các sách của Phao – lô. Tuy nhiên, Phao – lô có nhấn mạnh đến việc tín đồ không nên ở dưới ách nô lệ của của cải. Chúng ta không nên để của cải trói buộc mình bằng bất cứ cách nào. Trái lại, cảnh nô lệ cho sự giàu có phải bị vô hiệu hóa. Chúng ta không vì của cải nhưng của cải phải vì chúng ta. Chúng ta cần được giải thoát khỏi của cải vật chất và dùng của cải vật chất để thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời.
Dĩ nhiên là con người, chúng ta cần tiền để sống. Nhưng đừng bao giờ làm nô lệ cho tiền bạc. Tiền bạc không nên làm chủ chúng ta. Trái lại, tiền bạc nên ở dưới sự quản lý của chúng ta và nên được sử dụng vì mục đích của Đức Chúa Trời. Nếu tiền bạc không ở dưới sự kiểm soát của chúng ta và nếu nó không được dùng cho mục đích của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ làm nô lệ cho nó. Hậu quả là chúng ta sẽ không thể bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Nếu được đầy dẫy Đấng Christ, chúng ta sẽ có thể giải quyết các vấn đề như hôn nhân, già nua và giàu có. Chúng ta sẽ đối đãi với vấn đề hôn nhân Đấng Christ, chúng ta sẽ xử lý vấn đề già nua bằng Đấng Christ, và chúng ta sẽ quản lý tiền bạc bằng Đấng Christ. Điều này có nghĩa là trong các vấn đề như hôn nhân, già nua và giàu có, chúng ta được Đấng Christ thay thế để có thể bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời.

Nguyện chúng ta được ấn tượng với lẽ thật rằng cách tốt nhất để cư xử vấn đề đời sống hôn nhân là nhận Đấng Christ làm sự thay thế và kinh nghiệm sự chết và phục sinh của Ngài. Cũng vậy, cách tốt nhất để giữ chính mình luôn mới mẻ, tươi tắn và trẻ trung là nhận Đấng Christ qua sự chết và phục sinh của Ngài. Hơn nữa, cách tốt nhất để quản lý tiền bạc là Đấng Christ cùng với sự chết và phục sinh của Ngài, chúng ta sẽ không có cách nào xử lý ba vấn đề về hôn nhân, già nua và giàu có. Cách đúng đắn duy nhất để xử lý những vấn đề này là được Đấng Christ thay thế qua sự chết bao–hàm–tất–cả và sự phục sinh tuyệt diệu của Ngài.