Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

SỰ CẦN THIẾT ĐỂ CẦU NGUYỆN TRONG SỰ PHỤC SINH


I. DẤU HIỆU CỦA HÌNH BÓNG TRONG CỰU ƯỚC
Bắt đầu từ chương 13, chúng ta giải quyết các phương diện khác nhau của sự cầu nguyện dựa trên những hình bóng Cựu Ước. Chúng ta đã đề cập vấn đề về thập tự giá và sự cầu nguyện dựa trên mối liên hệ giữa Bàn Thờ dâng của lễ và Bàn Thờ Xông Hương. Chúng ta đã nói đến vấn đề của sự cung ứng sự sống và sự cầu nguyện dựa trên mối liên hệ giữa bàn bánh trần thiết và Bàn Thờ Xông Hương. Dựa trên mối liên hệ giữa giá đèn vàng và Bàn Thờ Xông Hương, chúng ta sẽ thấy sự cần thiết để cầu nguyện trong sự phục sinh
Trong kinh nghiệm thuộc linh, sân ngoài của đền tạm chỉ về trái đất, tức phương diện thuộc đất; trong khi Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh chỉ về các từng trời, tức phương diện thiên thượng. Bất cứ điều gì thiên thượng đều ở trong sự phục sinh. Bàn bánh trần thiết tượng trưng cho Chúa là Bánh Sự Sống của chúng ta. Đó là phương diện thiên thượng và vì vậy, ở trong sự phục sinh. Giá đèn bằng vàng ngụ ý rằng Chúa là Sự Sáng của sự sống. Đó cũng là phương diện thiên thượng và ở trong sự phục sinh. Bàn Thờ Xông Hương chỉ rõ sự cầu nguyện của con người trước mặt Đức Chúa Trời là điều hoàn toàn trong sự phục sinh
Hễ khi nào Kinh Thánh nói về việc con người đến trước mặt Đức Chúa Trời để xông hương thì đều nói về việc con người đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Chẳng hạn, ở đầu Phúc Âm Lu-ca, Kinh Thánh nói rằng Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít vào đền thờ của Đức Chúa Trời để xông hương. Sau đó, Kinh Thánh nói đến dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài vào giờ xông hương trước mặt Đức Chúa Trời là lời cầu nguyện của thánh đồ bay lên Đức Chúa Trời. Vì vậy, xông hương là cầu nguyện.

Trong các hương liệu được đốt trên Bàn Thờ Xông Hương, hương liệu chính là nhũ hương. Trong Kinh Thánh, nhũ hương đặc biệt tượng trung cho sự phục sinh, giống như một dược tượng trưng cho sự chết. Nhũ hương được đốt trên Bàn Thờ Xông Hương là biểu tượng cho sự phục sinh. Khi hương thơm có mùi vị dịu ngọt bay lên thì bầu không khí hoàn toàn ở trong sự phục sinh. Vì vậy, theo hình bóng trong Cựu Ước, việc con người đến trước mặt Đức Chúa Trời để xông hương hoàn toàn là vấn đề trong sự phục sinh. Điều này cho thấy lời cầu nguyện của con người trước mặt Đức Chúa Trời phải ở trong sự phục sinh.
Nói cách nghiêm túc, mặc dù ngày nay chúng ta cầu nguyện trên đất, nhưng mọi lời cầu nguyện phải ở trong vị trí thăng thiên. Và mặc dù người cầu nguyện là chúng ta, tức những con người, nhưng mọi lời cầu nguyện cũng cần ở trong sự phục sinh. Để lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận và được Ngài xem là hương thơm dịu ngọt thì lời cầu nguyện đó phải ở trong sự thăng thiên và trong sự phục sinh. Không có sự xông hương, không có sự cầu nguyện tại Bàn Thờ dâng của lễ. Tất cả hương phải được xông tại Bàn Thờ Xông Hương. Tôi tin rằng theo hình bóng bức tranh này rất sáng tỏ.
Trong sự bố trí của đền tạm, một người phải trải qua Bàn Thờ dâng của lễ, thùng rửa, bàn bánh trần thiết, giá đèn và rồi mới đến Bàn thờ Xông Hương. Cả bức tranh này đều vì một điều đó là để con người có thể đến trước mặt Đức Chúa Trời để xông hương, tức là dâng lời cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời bằng cách đến gần Đức Chúa Trời và tiếp xúc Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện như vậy hoàn toàn ở trong sự phục sinh
II. Ý NGHĨA CỦA SỰ PHỤC SINH
Tóm lại, sự phục sinh là gì? Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này từ ba phương diện:
A. Phục Sinh Nghĩa Là Được Sống Lại Từ Sự Chết
Phục sinh là tình trạng hoàn toàn trải qua sự chết và sống lại từ sự chết. Ở trong sự phục sinh thì khác với việc còn sống. Còn sống là tình trạng ban đầu chưa trải qua sự chết. Ở trong sự phục sinh là đã trải qua sự chết mà được sống lại. Những gì không hợp với Đức Chúa Trời, những gì không thuộc về Đức Chúa Trời, và những gì không thể tồn tại đời đời đều hoàn toàn bị kết liễu một khi bước vào sự chết. Nhưng những gì thuộc về Đức Chúa Trời, tương thích với Đức Chúa Trời và tồn tại đời đời mới có thể trải qua sự chết và xuất hiện trong sự phục sinh. Vì vậy, cầu nguyện trong sự phục sinh nghĩa là người cầu nguyện không nên cầu nguyện theo chính mình cũng không theo bản thể thiên nhiên của mình. Người ấy không nên cầu nguyện theo những điều không thể còn lại đời đời hay không tương thích với Đức Chúa Trời. Đúng ra, người ấy phải hoàn toàn trải qua thập tự giá, tức là phải trải qua sự chết. Khi đó, người ấy sẽ có thể cầu nguyện trong sự phục sinh
B. Sự Phục Sinh Là Đức Chúa Trời
Trong Giăng 11:25, Chúa Jesus phán cách rõ ràng: “Ta là sự phục sinh”. Đức Chúa Trời là sự phục sinh rồi. Một số người có thể hỏi: “Trước sự nhục hóa, trong thời đại Cựu Ước, làm thế nào mà anh nói rằng Đức Chúa Trời là sự phục sinh?”. Xin nhớ rằng, với Đức Chúa Trời không có yếu tố thời gian trước hay sau. Chỉ có vấn đề bản chất đời đời của Ngài. Đức Chúa Trời là sự sống và sự sống này là sự phục sinh
Lần nọ, có một anh em đã nói một điều rất ý nghĩa. Anh nói: “Một hạt cát sẽ chấm dứt và không thể sản sinh sau khi được chôn trong đất. Mặt khác, khi một hạt giống được chôn trong đất và đương đầu với sự chết thì nó sống lại và vỡ ra”. Điều này đúng. Những người vô tín đều chấm dứt khi họ bước vào sự chết. Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân nên sợ rằng họ có thể lỡ mất sự chết, vì hễ khi nào họ bước vào sự chết thì chức năng của sự sống bên trong họ mới lộ ra. Những người vô tín sợ môi trường sự chết, nhưng Cơ-đốc nhân dân đón chào. Hễ khi nào Cơ-đốc nhân rơi vào sự chết, đó là cơ hội để họ sống bằng cách được phục sinh. Sự sống này, tức chính Đức Chúa Trời, là sự phục sinh. Ngài không bao giờ sợ sự chết. Trái lại, Ngài tiếp đón sự chết, vì qua sự chết, Ngài có thể biểu lộ chính Ngài là sự phục sinh. Bây giờ, chúng ta thấy cầu nguyện trong sự phục sinh nghĩa là gì. Cầu nguyện trong sự phục sinh là cầu nguyện trong sự sống. Đó là cầu nguyện trong Đức Chúa Trời là Đấng không sợ sụ chết và cầu nguyện trong Đức Chúa Trời là Đấng trải qua sự chết mà vẫn còn sống.
C. Sự Phục Sinh Là Thánh Linh
Ở trong sự phục sinh cũng có nghĩa là ở trong Thánh Linh. Một khi Chúa Jesus bước vào trong lĩnh vực của sự phục sinh, Ngài bước  vào trong Thánh Linh. Ngày nay tất cả những kinh nghiệm mà anh em và tôi có trong Thánh Linh đều ở trong sự phục sinh. Nói cách khác, chỉ những ai ở trong Thánh Linh mới có thể chạm đến thực tại của sự phục sinh. Thánh Linh là thực tại của sự phục sinh. Chúa Jesus đã bước vào sự phục sinh. Ở trong sự phục sinh là ở trong Thánh Linh, và chạm đến Thánh Linh là chạm đến sự phục sinh. Cầu nguyện trong sự phục sinh là cầu nguyện trong Thánh Linh
Bên trong Linh phục sinh, có cả yếu tố của Đức Chúa Trời và yếu tố của con người. Điều này được hình bóng bởi hương được đề cập trong xuất Ai-cập Ký chương 30, gồm có nhũ hương cộng với các hương liệu khác. Dầu xức cũng bao gồm những yếu tố tiêu biểu cho Đức Chúa Trời và con người. Rất khó phân biệt hương với xức dầu. Trong thực tại thuộc linh, thực tại của hương là dầu xức, và thực tại của dầu xức là hương. Nói cách khác, thực tại của sự phục sinh là linh, và Linh là chính sự phục sinh. Chạm đến Linh là chạm đến sự phục sinh. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ rằng con người hoàn toàn bị bãi bỏ trong kinh nghiệm về sự cầu nguyện. Trái lại, mọi phần của con người như tâm trí, ý chí, tình cảm, khát vọng, sự sáng suốt, sự phán xét và ý muốn có thể được đổi mới trong Linh và được  hòa quyện với lời cầu nguyện trong sự phục sinh. Tâm trí của sự cầu nguyện, tình cảm của sự cầu nguyện, và ý chí của sự cầu nguyện mà chúng tôi đã đề cập trong các chương trước là những điểm trong sự phục sinh
Vì vậy, sự phục sinh có nghĩa là mọi điều của con người đều bị kết liễu và mọi điều của Đức Chúa Trời đều được tỏ ra. Sự phục sinh cũng là Đức Chúa Trời làm sự sống cho con người, và đó là chính Linh. Cầu nguyện trong sự phục sinh là cầu nguyện trong Linh. Hiểu được ý nghĩa của sự phục sinh, chúng ta có thể hiểu vì sao sự cầu nguyện cần ở trong sự phục sinh.
III. CẦU NGUYỆN TRONG SỰ PHỤC SINH
Mỗi khi cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta cần kinh nghiêm sâu xa về sự chết và sự phục sinh. Chẳng hạn, anh em có thể cầu nguyện cho Hội Thánh hay cho công tác của Đức Chúa Trời. Nếu cứ ở yên lặng một lát trước mặt Chúa, anh em sẽ có cảm nhận bề trong rằng có rất nhiều yếu tố thiên nhiên và con người trong lời cầu nguyện của anh em. Anh em sẽ biện biệt thấy có những ý kiến, ước muốn, thiên hướng, sự chọn lựa và đòi hỏi của con người. Vào lúc này, nếu bất cẩn và lơ là, anh em cảm thấy như thể mình đang dâng lời cầu nguyện từ lửa lạ hay hương lạ. Đó không phải là hương từ các hương liệu ngọt ngào mà Đức Chúa Trời muốn. Anh em sẽ cảm thấy Đức Chúa Trời không lắng nghe lời cầu nguyện. Và bên trong, anh em cũng sẽ lên án chính mình. Nếu học các bài học này cách cẩn thận, một khi đến điểm này, anh em sẽ không thể thốt ra một lời nào. Trước hết, anh em cần trải qua thập tự giá. Anh em cần thập tự giá thực hiện công tác phân rẽ và thanh tẩy để những điều thiên nhiên có thể hoàn toàn được loại bỏ. Bằng không, anh em sẽ không có cách để cầu nguyện
Lúc đầu khi mới được cứu, chúng ta rất dễ mở miệng trước mặt Đức Chúa Trời. Dường như chúng ta rất thoải mái và cầu nguyện tự do cho bất cứ điều gì. Nhưng dần dần, khi học những bài học này, chúng ta không còn có thể cầu nguyện cho nhiều điều như vậy trước mặt Đức Chúa Trời. Về sau, khi quì gối cầu nguyện, chúng ta có cảm nhận bên trong rằng trong những vấn đề đó chúng ta vẫn còn có những thiên hướng, ước muốn, sự chọn lựa, thành kiến, ý kiến và khuynh hướng của mình.
Đôi khi thấy hai anh em nào đó bất hòa với nhau, chúng ta có ý định cầu nguyện cho họ. Nhưng khi sắp mở miệng, chúng ta cảm nhận có điều gì đó không đúng bên trong. Tình cảm chúng ta bị xức động. Chúng ta có thành kiến nào đó trong vấn đề này. Nếu không xử lý tình trạng của mình trước, chúng ta sẽ không thể cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Cũng vậy, khi cầu nguyện về những nhu cầu vật chất, chúng ta thường khám phá thấy chúng ta ở trong chính mình rất nhiều và không ở trong sự phục sinh. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn không thể thốt ra một lời nào. Những kinh nghiệm như vậy chứng tỏ rằng chúng ta đã học tập nhiều trước mặt Đức Chúa Trời.
Khi những người không học những bài học mà đến trước mặt Đức Chúa Trời, họ thật sự cả gan cầu nguyện và không sợ cầu nguyện cho bất cứ điều gì. Tôi biết  một người kia đến trước mặt Đức Chúa Trời và cầu nguyện: «Hỡi Đức Chúa Trời, Ngài thấy người đó đã làm tổn thương con biết dường nào; Ngài phải giơ tay giáng cho người ấy một đòn nặng nề hơn điều ấy làm cho con». Và một vài chị em bị chồng xúc phạm đã khóc mà cầu nguyện: «Ôi Chúa, Ngài phải minh oan cho con; Ngài phải giơ tay xử lý chồng con». Bởi nghe những lời cầu nguyện như vậy, anh em biết những con người đó có lẽ thậm chí đã chưa bước vào cổng để đến sân ngoài của đền tạm. Đó là lý do khiến họ cả gan như vậy. Nếu một người thực sự bước vào Nơi Thánh, chạm đến Bàn Thờ Xông Hương, và đã học được những bài học nào đó, người ấy sẽ không thể cầu nguyện như vậy. Nhiều  khi, người ấy không thể cầu nguyện mà chỉ có thể than thở.
Thưa anh chị em, tôi được thuyết phục rằng khi La-mã 8 :26 nói: «Chính Linh lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta», đó là vì chúng ta không biết nguyên tắc phục sinh. Nhiều lần chúng ta cầu nguyện trong chính mình, và khi Linh ngăn cấm chúng ta bên trong thì chúng ta không biết cách nào khác để cầu nguyện. Giả sử chúng ta đến thăm một anh em bị bệnh và chúng ta rất sáng tỏ bên trong rằng tay Đức Chúa Trời đang ở trên anh em đó vì một lý do nào đó. Nhưng vợ anh em đó, cũng là một chị em, hi vọng cách thiên nhiên rằng chồng mình sẽ nhanh chóng được lành.Vào lúc như vậy rất khó cho chúng ta cầu nguyện. Đôi khi để được lòng chị em đó, chúng ta cầu nguyện: «Ôi Chúa, Ngài có quyền tuyệt đối, và Ngài có thể khiến kẻ chết sống lại. Ôi Chúa, ý định của Ngài là ban bình an, chứ không phải giáng tai họa; chắc chắn Ngài sẽ làm cho người anh em của chúng con được chữa lành». Trong khi cầu nguyện theo cách này, anh em biết mình chỉ đang tìm cách làm hài lòng chị em đó. Thường trong cảnh huống như vậy, chúng ta không cách gì để cầu nguyện. Chúng ta không thể nói: « Ôi Chúa, chúng con cảm tạ và ngợi khen Ngài vì chính Ngài đang làm việc trong anh em này». Vì không dám cầu nguyện cách như vậy nên chúng ta chỉ có thể than thở. Vì chúng ta không thể đạt đến nguyên tắc về sự chết và phục sinh, nên nhiều lần Thánh Linh phải cầu nguyện bằng những sự than thở trong chúng ta. Vì không thể cầu nguyện cho anh em đó cách tiêu cực hay tích cực, nên chúng ta chỉ để cho Linh cầu thay trong chúng ta bằng sự than thở không thể nói ra được.
Tôi đã gặp nhiều anh chị em cầu nguyện dạn dĩ cho gia đình, cho sự nghiệp và cho con cái của họ. Nội dung lời cầu nguyện của họ không gì khác ngoài việc xin những ơn phước, được sống lâu và bình an. Hơn nữa, thậm chí họ có nền tảng Kinh Thánh để cầu nguyện: «Đức Chúa Trời ơi, Ngài vốn giàu lòng thương xót, và Ngài không bao giờ làm chúng con đau khổ. Khi Ngài ban con Ngài cho chúng con, thì Ngài cũng sẽ không từ chối một điều tốt lành nào mà không ban cho chúng con». Khi còn trẻ tôi không thể giải thích vì sao cảm  nhận bên trong tôi không thể đồng ý với loại cầu nguyện này. Dần dần, tôi khám phá rằng lời cầu nguyện như vậy không phải là xông hương trên Bàn Thờ Xông Hương. Trái lại, đó là lời cầu nguyện không trải qua sự chết. Lời cầu nguyện đó không được nêm muối bởi kinh nghiệm trước mặt Chúa và đã được thốt ra cách cẩu thả.
Chúng ta thường cảm thấy rằng cầu nguyện cho những điều nào đó gần như là một sự sỉ nhục cho Đức Chúa Trời. Chúng ta không dám cầu nguyện theo cách như vậy. Có một sự ngăn cấm bên trong, một sự kết án bên trong. Điều này xảy ra không phải vì chúng ta được ai đó nói điều gì; đúng ra, điều này xảy ra như một cảm xúc tự nhiên bên trong khi chúng ta sắp cầu nguyện. Khi sắp mở miệng, chúng ta cảm thấy trong mình vẫn còn có những ước muốn, mục tiêu và sự lựa chọn của chúng ta. Một khi cảm thấy như vậy, chúng ta không dám cầu nguyện nữa. Sau khi được thanh tẩy như vậy, bất cứ điều gì còn lại để một người có thể cầu nguyện và dám cầu nguyện là lời cầu nguyện trong sự phục sinh. Loại tình trạng này khác nhau ở mỗi nguời. Điều này không tuyệt đối mà là tương đối. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu anh em học những bài học này càng sâu xa và nghiêm túc, thì lĩnh vực của những gì anh em có thể cầu nguyện và dám cầu nguyện càng trở nên nhỏ đi. Người cầu nguyện có hiệu quả nhất là người có lĩnh vực cầu nguyện bị giới hạn nhiều nhất. Chỉ những ai không biết cầu nguyện mới thích thú với một lĩnh vực cầu nguyện rộng lớn. Không một nơi nào khác đòi hỏi chúng ta phải trải qua sự chết và sự phục sinh cách tuyệt đối hơn là tại Bàn Thờ Xông Hương. Đó là điều đòi hỏi trong sự cầu cầu nguyện.
Tôi đã gặp một anh em kia là người mà khi tranh luận với người khác, anh nói cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục. Anh biện luận cách dữ dội và cảm thấy mình đúng trong mọi sự. Nhưng khi cuộc tranh luận kết thúc, khi mọi người bắt đầu cầu nguyện, thì câu đầu tiên của anh là một lời xưng tội, rằng: «Ôi Chúa, tất cả những lời con vừa nói ra là một sự xúc phạm đến Ngài; xin tha thứ con». Như vậy, anh em thấy đó, khi một người đến chỗ cầu nguyện, lập tức người ấy đối diện với sự đòi hỏi về sự chết và sự phục sinh. Không chỉ lời nói mà ngay cả những ý định và động cơ bên trong chúng ta cũng bị phơi bày tại Bàn Thờ Xông Hương. Do đó, trong việc giúp đỡ người khác, chúng ta không cần tranh luận quá nhiều. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đem họ đến trước mặt Đức Chúa Trời. Một khi cầu nguyện, lập tức họ biết rằng họ vẫn còn thiên nhiên. Họ không trải qua sự chết để bước vào sự phục sinh.
Giữa vòng con cái Đức Chúa Trời ngày nay có một quan niệm rất sai lầm. Một số người luôn nói với người khác rằng để cầu nguyện, một người phải có đức tin hầu cho Đức Chúa Trời có thể đáp lời cầu nguyện đó. Ngày nay khi mọi người nói về sự cầu nguyện, lập tức họ  nói về đức tin. Thưa anh chị em, xin hiểu rằng đức tin không phải là điều gì đó anh em có được khi anh em muốn. Sự đòi hỏi quan trọng nhất của sự cầu nguyện không phải là anh em có đức tin, mà là anh em có thể trải qua Bàn Thờ dâng của lễ và đến Bàn Thờ Xông Hương. Cầu nguyện là vấn đề về sự chết và sự phục sinh chứ không phải là vấn đề đức tin.
Cầu nguyện hoàn toàn là vấn đề giữa hai Bàn Thờ, Bàn Thờ dâng của lễ và Bàn Thờ Xông Hương. Bất cứ điều gì bị Đức Chúa Trời kết án, bất cứ điều gì không tương thích với Đức Chúa Trời, và bất cứ điều gì không thể tồn tại đời đời phải bị xử lý và kết liễu tại  Bàn Thờ dâng của lễ. Anh em cần xông hương trước mặt Đức Chúa Trời bằng chính lửa lấy từ Bàn Thờ Của Lễ Thiêu. Không cần lo về việc có đức tin cho những điều anh em cầu nguyện. Đức Chúa Trời là đức tin của anh em. Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện nào ở trong sự phục sinh. Anh em chỉ cần học bài học về sự chết và sự phục sinh và cầu nguyện theo nguyên tắc đó. Khi ấy, anh em sẽ có sự hướng dẫn để cầu nguyện, có lời để cầu nguyện, và có đức tin để cầu nguyện. Nếu ở trong sự phục sinh, anh em không thể không tin, và chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện của anh em.
Vì vậy, khi La-mã chương 8 nói về sự cầu nguyện thì không đề cập đến vấn đề đức tin chút nào. Chương này chỉ nói rằng Thánh Linh giúp đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết nên cầu nguyện cho điều gì là xứng hiệp, nhưng chính Linh lấy những sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta. Sự cầu nguyện trong La-mã chương 8 hoàn toàn không phải là vấn đề đức tin mà là vấn đề cầu nguyện với những sự than thở trong linh. Sự than thở đó ở trong sự chết và sự phục sinh. Chẳng hạn, một anh em nào đó có thể xúc phạm anh em, chỉ trích anh em, phán xét anh em và tấn công anh em đến nỗi anh em không thể chịu nổi. Khi đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, anh em có ý định buộc tội anh đó, nhưng Linh không cho phép anh em làm như vậy. Trái lại, Ngài muốn anh em cầu nguyện cho anh em đó và xin Chúa ban ân điển cho anh em đó. Nhiều lần anh em không thể cầu nguyện như vậy mà chỉ có thể than thở không thôi. Đó là nguyên tắc của sự chết và phục sinh.

Hãy luôn giữ nguyên tắc này. Khi Cô-rê và những kẻ theo ông phản loạn, Môi-se bảo họ cầm lư hương và xông hương. Theo ý  nghĩa thuộc linh, việc xông hương đó minh họa cho sự cầu nguyện trong bản thể thiên nhiên và ở ngoài sự phục sinh. Lời cầu nguyện như vậy không những không đem đến phước hạnh mà còn sẽ đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời và dẫn đến sự chết thuộc linh. Do đó, chúng ta phải học tập để dâng những lời cầu nguyện trong sự phục sinh để những lời cầu nguyện ấy được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chỉ những lời cầu nguyện như vậy mới có uy quyền và giá trị. Bây giờ chúng ta hiểu được sự cần thiết để cầu nguyện trong sự phục sinh là thể nào.