Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 33

Kinh Thánh: Mác 10:32-52
Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục suy xét 10:32-52, là phần cuối cùng trong Phúc Âm Mác liên quan đến sự chuyển động trong sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô Lệ. Ở đây, chúng ta có ba vấn đề: Chúa đi lên Giê – ru – sa - lem và sự tiết lộ lần thứ ba về sự chết và phục sinh của Ngài (10:32-34), sự dạy dỗ của Ngài về con đường dẫn đến ngai trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời (cc. 35-45) và việc Ngài đến Giê – ri – cô chữa lành Ba – ti – mê mù lòa (cc. 46-52).
THAM GIA SỰ MÙ LÒA
Trong 10:35, Gia– cơ và Giăng, tức hai con trai của Xê– bê– đê, đến với Chúa Jesus thưa rằng: “Thưa Thầy; chúng tôi muốn hễ điều gì chúng tôi xin thì Thầy làm cho cả”. Khi Ngài hỏi rằng họ muốn Ngài làm cho họ điều gì, thì họ nói: “Xin cho chúng tôi được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Thầy trong vinh hiển của Thầy” (cc. 36-37).
Hai anh em này đã thay Chúa ngay từ ban đầu. Họ là những người được Chúa kêu gọi sau Phi– e– rơ và Anh – rê. Dù đã theo Chúa hơn ba năm rồi nhưng họ vẫn còn ở trong sự mù lòa và cần được chữa lành thêm, một sự chữa lành đặc biệt về thị giác. Giăng và Gia – cơ đã không thể thấy được Đấng Christ cùng với sự chết và phục sinh của Ngài. Chúa đã nói với họ ba lần về sự chết của Ngài nhưng vì mù lòa nên họ không thể hiểu được những gì Ngài đang nói.

Trong 10:46, chúng ta được biết rằng Chúa và các môn đồ đến Giê – ri – cô là nơi bị rủa sả. Bởi sự tể trị của Đức Chúa Trời mà họ đến Giê – ri – cô.
Mác 10:32 chép: “Đương khi đi đường lên Giê – ru – sa – lem, Jesus đi trước, các môn đồ lấy làm sững sờ, và những người đi theo đều sợ hãi”. Chúa đang dạn dĩ đi trước các môn đồ, còn họ thì sững sờ và thậm chí sợ hãi. Khi đi trên đường, Chúa bảo họ rằng Ngài đi lên Giê – ru – sa – lem để chết một cái chết bao – hàm – tất – cả, một cái chết sẽ kết liễu các môn đồ và đem họ vào sự phục sinh. Như chúng tôi đã chỉ ra, vì các môn đồ mù lòa nên họ không thể nào hiểu lời Chúa về sự chết của Ngài, thậm chí sau khi Ngài đã khải thị điều ấy đến lần thứ ba.
Trước khi đến Giê – ru – sa - lem là thành phố bình an, họ đã đến Giê – ri – cô là một thành phố bị rủa sả. Điều có ý nghĩa là họ gặp một người mù gần Giê – ri – cô: “Đoạn Jesus và môn đồ đến Giê – ri – cô. Khi Ngài và các môn đồ cùng quần chúng đông từ đó lại đi, thì có một người ăn xin mù, con trai của Ti – mê, tên là Ba – ti – mê, ngồi bên đường cái” (10:46). Người mù này, giống như người trong 8:22, chỉ về một người đã bị mất thị giác bên trong, một người mù thuộc linh (Công. 26:18; 2Phi. 1:9).
Chúng ta có thể nói rằng mù lòa là một sự rủa sả tồi tệ nhất. Khi người nào đó bị mù, người ấy bị rủa sả. Hơn nữa, mù lòa là vấn đề tối tăm và tối tăm là hậu quả của tội và sự chết. Vì vậy, mù lòa chỉ về tối tăm, tức là sự kết hợp của tội và sự chết. Nơi nào có sự mù lòa, nơi ấy có tối tăm, và nơi nào có tối tăm, nơi ấy có tội và sự chết.
Cho dù các môn đồ đã theo Chúa đã hơn ba năm, nhưng trong chương 10, họ vẫn còn mù lòa. Điều này có nghĩa là trong sự mù lòa, họ phải chịu tối tăm, nơi đó tội và sự chết hiện diện. Vì vậy, họ cần có một khải tượng rõ ràng về những gì Chúa Jesus sẽ làm tại Giê – ru – sa – lem, một khải tượng về việc Ngài sẽ đi vào trong sự chết để kết liễu tình trạng bị rủa sả ấy. Sự chết của Ngài sẽ kết liễu sự mù lòa, tối tăm, tội và sự chết, và sẽ đem con người vào trong sự phục sinh. Vì vậy, bởi Đức Chúa Trời tể trị mà Chúa và các môn đồ đã đến Giê – ri – cô, vào nơi có một người mù.
Trường hợp của Ba– ti– mê, là người ăn xin mù, cho thấy rằng tất cả các môn đồ đều mù. Tham vọng của họ về địa vị là một dấu hiệu cho thấy rằng họ vẩn ở dưới sự rủa sả. Điều có ý nghĩa là ngay sau khi Giăng và Gia– cơ xin được ngồi bên trái và bên phải của Chúa trong vinh hiển Ngài thì tất cả họ đều đã đến Giê – ri – cô là thành phố bị rủa sả.
SỰ CHẾT LÀ MỘT PHẦN THƯỞNG
VÀ LÀ MỘT TIẾN TRÌNH
Khi Gia– cơ và Giăng xin được ngồi ở bên phải và bên trái của Chúa thì Ngài phán với họ: “Các ngươi không hiểu điều mình xin đó. Các ngươi có thể uống được chén ta uống, chịu được báp – têm ta chịu chăng?” (c. 38). Chúng ta thấy rằng cả chén và báp– têm đều chỉ về sự chết của Cứu Chúa-Nô Lệ (Gi. 18:11; Lu. 12:50). Chén có nghĩa là sự chết của Ngài là phần hưởng được Đức Chúa Trời ban cho để Ngài chăm sóc tội nhân là những người Ngài sẽ chuộc cho Đức Chúa Trời. Báp– têm có nghĩa là sự chết của Ngài là con đường Đức Chúa Trời đã định cho Ngài phải trải qua hầu hoàn tất sự cứu chuộc.
Trong 10:40, Chúa tiếp tục phán với Giăng và Gia – cơ: “Nhưng ngồi bên hữu và bên tả Ta thì chẳng phải tự Ta cho được, bèn là cho kẻ nào đã được điều đó dự bị cho”. Ở đây, dường như Chúa muốn nói rằng: “Các ngươi xin ngồi bên hữu và bên tả Ta. Nhưng Ta không có quyền cho các ngươi một chỗ như thế vì chính Ta là một nô lệ. Các ngươi nên hỏi Chủ của Ta về điều này. Đừng đến với Ta bằng một lời thỉnh nguyện như vậy. Là một nô lệ, Ta không thể nào làm được gì về điều này”.
Trong khi trả lời cho Giăng và Gia – cơ, Chúa Jesus vạch trần tham vọng và tính độc lập của họ. Đồng thời, câu trả lời của Ngài ngụ ý rằng Ngài hoàn toàn lệ thuộc Cha là Chủ của Ngài. Vì lệ thuộc Cha nên Ngài không có tư cách để ban địa vị cho ai cả. Là nô lệ, Ngài biết rằng chỉ Cha mới có thể định địa vị cho một ai đó. Hơn nữa, câu trả lời khôn ngoan của Chúa ngụ ý rằng các môn đồ đang ở trong tối tăm và họ đã không biết mình xin điều gì. Vì đưa ra một điều thỉnh nguyện như vậy nên họ đã vượt quá giới hạn của mình; họ đã đi quá xa.
Chúng ta đã thấy rằng trong câu 38, Chúa hỏi Gia– cơ và Giăng xem họ có thể uống được chén Ngài uống và chịu báp – têm mà Ngài phải chịu không. Khi họ đáp rằng họ chịu được thì Ngài tiếp tục phán: “Chén ta uống, các ngươi sẽ uống; báp – têm ta chịu, các ngươi sẽ chịu” (c. 39). Ở đây, dường như Chúa muốn nói rằng: “Các ngươi biết chén chỉ về điều gì không? Chén chỉ về sự chết. Báp– têm cũng chỉ về sự chết. Các ngươi biết phần hưởng của các ngươi là gì không? Phần của các ngươi không phải là địa vị. Phần của các ngươi là chết. Các ngươi muốn có một địa vị nhưng địa vị không phải là điều các ngươi cần. Các ngươi cần phải ý thức rằng phần hưởng đã được dành sẵn cho các ngươi không phải là một địa vị, và phần hưởng này là sự chết của Ta. Ta phải chết và các ngươi cũng phải chết với Ta. Sự chết này cũng là một báp– tem, một tiến trình mà Ta phải trải qua. Các ngươi cũng sẽ trải qua tiến trình ấy với Ta. Ta không có một địa vị cho các ngươi và Ta không có quyền ban cho các ngươi điều này. Nhu cầu của các ngươi là nhận lấy phần hưởng của mình và trải qua tiến trình đó, cả hai đều chỉ về sự chết”
Phần hưởng của anh em trong nếp sống Hội Thánh ngày nay là gì? Có phải phần hưởng đó là một địa vị không? Phần hưởng của anh em có phải là trưởng lão hay người hướng dẫn một nhóm phụng sự không? Tất cả chúng ta cần phải ý thức rằng phần hưởng của chúng ta trong nếp sống Hội Thánh là chết. Chúng ta cần uống chén đóng đinh, chén kết liễu. Phần hưởng của chúng ta trong nếp sống Hội Thánh không phải là địa vị; phần hưởng đó là sự kết liễu. Anh em có muốn làm một trưởng lão không? Nếu có, anh em cần bị kết liễu. Anh em có muốn làm người hướng dẫn một nhóm phụng sự không? Nếu có, anh em cần phải bị kết liễu. Phần hưởng của anh em trong nếp sống Hội Thánh là kết liễu chứ không phải địa vị.
Trong Hội Thánh, chúng ta có sự chết không những là phần để uống mà còn là một tiến trình phải trải qua. Là những người ở trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta đang ở trong báp – têm của sự chết của Chúa. Chúng ta đang trải qua một tiến trình dài của sự chết.
Chính Chúa Jesus nói rằng chúng ta sẽ uống chén của Ngài và sẽ chịu báp – têm chung với báp – têm của Ngài. Như chúng ta đã thấy, lời này được nói cho Giăng và Gia – cơ là những con trai của sấm sét, là những người muốn ngồi bên trái và bên phải của Chúa. Dường như Chúa đang bảo họ rằng: “Các ngươi không biết mình xin điều gì. Thay vì ở bên phải hay trái Ta, các ngươi cần ở trong mộ của Ta. Thay vì được thăng tiến để ngồi bên phải hay bên trái Ta thì các ngươi phải bị chôn với Ta. Ta phải uống chén ấy, và chén ấy sẽ trở nên chén của các ngươi. Ta sẽ chịu báp – têm vào trong tiến trình của sự chết và các ngươi sẽ chịu báp – têm vào trong cùng một tiến trình đó. Không trải qua tiến trình này, các ngươi sẽ không thể nào bước vào sự phục sinh của Ta”.
Chúng ta đã thấy Đấng Christ là sự thay thế duy nhất và chúng ta sẽ được Ngài thay thế. Nhưng để được Đấng Christ thay thế, chúng ta cần phải trải qua tiến trình của sự chết Ngài. Cũng vậy, để bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, chúng ta cần uống chén của sự chết Ngài. Cả chén và báp – têm đều chỉ về sự chết của Đấng Christ. Bây giờ chúng ta cần nhận lấy chén và trải qua tiến trình ấy.
Giữa vòng nhiều Cơ – đốc nhân ngày nay, việc dạy dỗ về sự chết của Chúa là phần hưởng để chúng ta uống và tiến trình mà chúng ta trải qua đã bị phớt lờ. Thay vì thế, nhiều tín đồ thường xem Phúc Âm Mác trong chương 10 là một chương về các câu chuyện. Nhưng những gì chúng ta có ở đây không chỉ là những câu chuyện. Ở đây, Chúa khải thị nếp sống Vương Quốc là gì và con đường dẫn vào Vương Quốc là gì.
Con đường dẫn vào Vương Quốc là nhận phần sự chết và trải qua tiến trình chết. Đó là nhận lấy sự chết của Đấng Christ làm sự chết của mình. Lời chứng của chúng ta nên là mỗi ngày uống sự chết của Ngài và trải qua sự chết của Ngài. Sau đó chúng ta có thể nói: “ Bây giờ không còn tôi nữa mà là Christ. Tôi đang uống sự chết kết liễu của Ngài và tôi đang trải qua sự chết của Ngài như một quá trình”. Bởi nhận phần hưởng và trải qua tiến trình này mà chúng ta ở trong sự phục sinh. Trong sự phục sinh, thật sự không còn là tôi nữa mà là Christ.
CHỮA LÀNH NGƯỜI ĂN XIN MÙ LÒA
Tất cả các môn đồ, mà đại diện là hai con trai của sấm sét, đều cần được chữa lành về sự mù lòa. Gần Giê– ri– cô, họ gặp một người ăn xin mù lòa tên là Ba– ti – mê. Mác 10:47 chép: “Vừa nghe nói là Jesus người Na – xa – rét, thì người vùng kêu lên rằng: Ôi Jesus, con Đa – vít ơi, xin thương xót tôi với! Nhiều người khiển trách người và bảo người im lặng. Nhưng người càng kêu lớn hơn nữa rằng: Ôi con Đa vít ơi, xin thương xót tôi với” (c. 48).
Rồi Jesus dừng lại, bảo rằng: “Hãy kêu người đến”. Bất chấp sự quở trách của nhiều người, Cứu Chúa-Nô Lệ truyền họ kêu người ăn xin mù lòa đáng thương đến. Một lần nữa, điều này tỏ nhân tính của Ngài là thương xót người khốn khổ. Sau đó, Ba– ti– mê quăng áo, nhảy lên và đến với Jesus (c. 50).
Khi ấy, Chúa Jesus nói với ông: “ Ngươi muốn ta làm gì cho ngươi?” (c. 51). Quả là một tình yêu rộng mở đối với người nghèo khó này. Tình yêu này bày tỏ nhân tính của Cứu Chúa-Nô Lệ đến mức không thể tưởng tượng được.
Người mù này thưa với Chúa: “Ra– bô– ni, tôi muốn được thấy!” Chúa phán với ông: “Hãy đi, đức tin ngươi đã cứu ngươi” (c. 52). Ngay lập tức, Ba – ti–mê được phục hồi thị giác và theo Chúa.
Nếu đọc kỹ 10:35-52, chúng ta sẽ thấy hai con trai của sấm sét là một với người ăn xin mù lòa. Nền tảng để nói như vậy là vì Chúa đã hỏi Gia– cơ , Giăng lẫn Ba– ti – mê cùng một câu: “Các ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” (cc. 36, 51). Trong cách hiểu của Chúa thì hai con trai của sấm sét cũng giống như người ăn xin nghèo nàn. Tuy vậy, có một khác biệt đầy ý nghĩa: Gia– cơ và Giăng xin ngồi bên phải và trái của Chúa còn Ba– ti – mê xin được thấy.
Chúng tôi tin rằng, theo ý nghĩa thuộc linh, việc chữa lành sự mù lòa cho Ba–ti–mê cũng là chữa lành sự mù lòa cho Gia – cơ, Giăng và các môn đồ khác. Chúa đã không ban cho họ địa vị ở bên phải và trái của Ngài nhưng chắc chắn Ngài vui lòng chữa lành sự mù lòa của họ. Ngài biết rằng Ngài đã đến để làm ánh sáng cho thê giới. Vì vậy, Ngài sẵn lòng ban thị lực cho người mù.
QUĂNG BỎ CHIẾC ÁO ĐỊA VỊ
Mác 10:50 chép về Ba–ti– mê rằng: “Người bèn bỏ áo, vùng dậy, đến cùng Jesus”. Một người quăng áo của mình có nghĩa là người ấy không quan tâm đến địa vị. Chiếc áo hay bộ đồng phục tượng trưng cho địa vị. Chẳng hạn như đồng phục của cảnh sát hay y tá chỉ về địa vị của họ. Khi cảnh sát không thi hành nhiệm vụ thì họ sẽ bỏ cảnh phục ra. Ba-ti-mê không quan tâm đến cứu địa vị nào. Ao ước duy nhất của ông là được thấy. Vì vậy, khi nghe Jesus gọi thì ông lập tức quăng áo chạy đến cùng Chúa để được thấy
Về nguyên tắc, tất cả chúng ta trong nếp sống Hội Thánh cần phải quăng “áo” của mình. Nếu anh em xem chức vụ trưởng lão là một địa vị thì cần quăng chiếc áo trưởng lão ấy. Cũng vậy, nhưng ai muốn làm người dẫn dắt trong các nhóm phụng sự thì phải quăng đi chiếc áo lãnh đạo. Chúng ta phải quăng bỏ tất cả những chiếc áo địa vị và chỉ quan tâm đến việc nhận lãnh thị lực thuộc linh. Giống như Ba-ti-mê, tất cả chúng ta cần nhìn thấy
Có thể nói rằng Chúa Jesus chết để những người tin Ngài được thấy. Bởi đồng chết với Ngài, chúng ta bước ra khỏi sự mù lòa và bước vào trong sự phục sinh của Chúa. Rồi trong sự phục sinh, chúng ta được thấy
NHẬN LẠI ĐƯỢC THỊ LỰC
TRONG SỰ PHỤC SINH
Sự chữa lành ở cuối chương 10 là phép lạ chữa lành sau cùng được ghi lại trong Phúc Âm Mác. Phép lạ chữa lành sau cùng là chữa lành tình trạng mù lòa. Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã hoàn toàn chữa lành sự mù lòa của tôi. Ha-lê-lu-gia, tôi đã được nhìn thấy! Tôi không quan tâm đến “chiếc áo” địa vị nào cả.
Sau việc chữa lành tình trạng mù lòa trong Mác chương 10, nhưng môn đồ của Chúa sẵn sàng bước vào sự chết của Ngài. Bởi cùng Ngài bước vào sự chết nên họ cũng có thể bước vào sự phục sinh của Ngài.
Chúng ta cần được ấn tượng rằng Chúa Jesus không phải là người duy nhất trải qua sự chết để ở trong sự phục sinh và thăng thiên. Tất cả môn đồ của Ngài đều phải đồng đi với Ngài trong sự chết để bước vào sự phục sinh và thăng thiên của Ngài. Trong Mác chương 16, chúng ta có một quang cảnh vinh hiển; trong quang cảnh đó, tất cả các môn đồ của Chúa đều bước vào trong sự thăng thiên qua sự chết và phục sinh của Ngài. Ở cuối chương 10, các môn đồ hội đủ điều kiện và chuẩn bị trải qua sự chết và phục sinh để có thể ở với Chúa trong sự thăng thiên
Trong kinh nghiệm thuộc linh của mình, anh em đã đến phần cuối chương 10 chưa? Anh em có nhận được sự chữa lành sau cùng, tức chữa lành sự mù lòa của anh em chưa? Ngợi khen Chúa, chúng ta có thể nói rằng sự mù lòa của chúng ta đã được chữa lành! Ha-lê-lu-gia, chúng ta không có mù lòa, tối tăm, tội và sự chết nữa! Bây giờ chúng ta sẵn sàng đồng đi với Cứu Chúa-Nô Lệ vào trong sự chết, qua sự phục sinh và vào trong sự thăng thiên của Ngài.