Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Ý CHÍ VÀ SỰ CẦU NGUYỆN


I. VỊ TRÍ CỦA Ý CHÍ
Ý chí cũng là một phần của hồn. Chúng ta đã đề cập đến vấn đề tâm trí và tình cảm của hồn.Với tâm trí, sự nhấn mạnh là về khả năng lĩnh hội và sự hiểu biết của hồn về các vấn đề hay sự thật; với tình cảm, sự nhấn mạnh là về sự thích và không thích của hồn; còn với ý chí, sự nhấn mạnh là về những quyết định và tính kiến quyết của hồn. Chẳng hạn, về một vấn đề hay sự việc nào đó, việc anh em quyết định có nó hay không, chọn hay từ chối, thì những phán đoán va quyết định này là các chức năng của ý chí. Dù tâm trí chiếm một phần rất lớn của hồn nhưng tâm trí không phải là cơ quan chi phối. Cơ quan chi phối, phần chủ trì của hồn là ý chí. Việc một người quyết định thích hay không thích điều gì đó là chức năng của tình cảm. Khả năng lĩnh hội và sự hiểu biết của một người về một vấn đề nào đó là khả năng của tâm trí. Sau khi đã lĩnh hội và hiểu biết, người ấy thích hay không thích, nhưng người ấy sẽ chọn hay từ chối nó? Điều này được quyết định bởi ý chí. Do đó, cơ quan quyết định sau cùng là ý chí. Ở một người đúng đắn, ý chí nên được xếp cao hơn tâm trí và tình cảm. Ý chí cần phải ở vị trí cao nhất. Trong hoàn cành bình thường, một người sẽ dùng tâm trí mình để hiểu biết và lĩnh hội, dùng tình cảm để ước muốn hay ghét bỏ, nhưng chức năng phán quyết và quyết định sau cùng thuộc về ý chí. Chúng ta hãy xem xét một người đến để nghe Phúc Âm. Cơ quan đầu tiên người ấy dùng tâm trí. Người ấy dùng tâm trí để lắng nghe, hiểu biết và lĩnh hội. Sau khi đã biểu biết và lĩnh hội, người ấy dùng cơ quan kế tiếp là tình cảm. Sau khi tâm trí người ấy được đụng chạm, Thánh Linh thâm nhập qua tâm trí để chạm đến lương tâm người ấy. Một khi lương tâm bị tác động, tình cảm người ấy sẽ chịu ảnh hưởng và người ấy muốn tin Chúa. Vì vậy, người ấy cảm thấy hối tiếc về đời sống trước đây của mình và lòng người ấy bắt đầu hướng về Đức Chúa Trời. Lúc đó, người ấy cần vận dụng ý chí để quyết định và quyết tâm tin Chúa. Như vậy, đó là ý chí chủ trì trong con người. Ý chí phục vụ như một cơ quan chủ trì và quyết định các vấn đề. Mặc dầu tâm trí hiểu biết điều gì đó, và tình cảm thích nó, nhưng người ấy không thể hoạt động nếu ý chí người ấy không chọn lựa điều đó. Ý chí là cơ quan quyết định sau cùng.

Có nhiều người hành động như thể họ không có ý chí. Cũng có nhiều người hành động như thể họ không sử dụng ý chí. Họ để ý chí phục tùng tình cảm và cũng để cho tâm trí xóa bỏ ý chí. Những người như vậy thì không đúng đắn. Một người không có ý chí hay không sử dụng ý chí mình giống như chiếu tàu không có bánh lái. Giả sử một chiếc tàu không có bánh lái hay bánh lái không được dùng đến. Chiếc tàu sẽ trôi dạt bất cứ nơi nào gió thổi, và bởi đó, mất phương hướng. Nhiều người hoàn toàn hành động theo sự thúc đẩy của tình cảm, không có sự kiểm soát nào, giống như chiếc tàu không có bánh lái hay xe hơi không có thắng. Điều này rất nguy hiểm.
Ý chí cần phải là cơ quan kiểm soát trong hồn chúng ta. Lý do ai đó nổi nóng cách hung dữ hay phạm một tội ác nào đó là vì tình cảm của người đó quá năng động trong khi ý chí người đó lại thiếu quyền năng kiểm soát. Lý do một người có thể trở nên hồ hởi đến nỗi không tự chủ và có những hành vi khác thường cũng là do thiếu ý chí kiểm soát. Đời sống cầu nguyện của một người như vậy dao động theo gió thổi. Khi có loại bầu không khí nào đó mang đi thì người ấy cầu nguyện; bằng không, người ấy không cầu nguyên. Ý chí của người áy không có sức mạnh kiểm soát. Điều này đúng với cả lời cầu nguyện riêng tư lẫn lời cầu nguyện trong các buổi nhóm. Khi tình cảm trỗi dậy, người ấy mới dâng lời cầu nguyện theo cảm xúc của mình mà không quan tâm đến dòng chảy của buổi nhóm. Tuy nhiên, nếu cảm xúc của người ấy không trỗi dậy thì người ấy sẽ không cầu nguyện gì cả. Cả đời sống cầu nguyện công khai lẫn riêng tư của người ấy hoàn toàn phục theo những khuấy động của tình cảm và không ở dưới sự kiểm soát của ý chí. Loài người như vậy không thể là người cầu nguyện.
Phục tùng sự kiểm soát của linh, ý chí phải là phần chủ trì của hồn. Đây là vị trí của ý chí.
II. MỘT Ý CHÍ MẠNH MẼ
Ý chí của con người cần phải mạnh mẽ. Tình cảm nên mềm mại nhưng ý chí thì không nên như thế. Có một ý chí nhu nhược tương đương với không có ý chí. Hãy xem: nếu cái thắng mòn bố thì làm thế nào anh em ngừng xe hơi lại? Nếu bánh lái của chiếc tàu làm bằng giấy thì nó không thể thi hành chức năng như một bánh lái. Điều bắt buộc là bánh lái phải cứng và mạnh. Cũng vậy, ý chí của một người không thể hiện chức năng cách hiệu quả trừ phi nó mạnh mẽ.
Người nào trung tín đi theo Chúa và duy trì thế đứng của mình không thay đổi cho đến chết là người có ý chí mạnh mẽ. Mỗi người tuận đạo đều là người có ý chí kiên quyết, mạnh mẽ. Hạy xem Martin Luther hay John Wycliffe. Họ là những người có ý chí mạnh mẽ, kiên quyết. Một lần nữa, hãy xem ba người bạn của Đa-ni-ên. Sự thử thách của lò lửa hừng cho thấy họ thực sự có ý chí mạnh mẽ, kiên quyết. Cũng vậy, sự cầu nguyện của chúng ta không bền lâu nếu chúng ta không có ý chí mạnh mẽ, kiên quyết. Chúa Jesus phán: «Hãy thức canh và cầu nguyện; lúc nào cũng hãy cầu nguyện». Chúng ta cần một ý chí mạnh mẽ, kiên quyết để có thể thức canh và bền đỗ trong cầu nguyện. Người như con sứa thì không bao giờ có thể thức canh. Người ấy chỉ có thể thỉnh thoảng cầu nguyện. Người ấy không thể bền đỗ trong càu nguyện. Mặc dù đây là vấn đề tinh tế, nhưng cầu nguyện đòi một ý chí kiên quyết. Từ ngày đầu Đa-ni-ên ni-ên cầu nguyện cho dân mình, những lời cầu nguyện của ông đã được Đức Chúa Trời nghe và Ngài sai thiên sứ đến đáp lời cầu nguyện của ông. Tuy nhiên, thiên sứ đã gặp sự chống đối từ một vua ác trên không trung và đã chiến đấu trong ba tuần trước khi thiên sứ có thể đến trái đất. Suốt thời gian đó, Đa-ni-ên ở trên đất cần một ý chí kiên quyết để bền bỉ cầu nguyện suốt ba tuần. Không ai trong những người biết cầu nguyện cách đúng đắn và liên tục lại có một ý chí yếu đuối cả. Đúng ra, mỗi người đều có một ý chí mạnh mẽ.
Những người sa ngã có nhiều tình trạng bất thường, chẳng hạn như: ý chí cần phải mạnh mẽ thì lại không mạnh mẽ; tâm trí cần phải tỉnh táo thì lại không tỉnh táo; và tình cảm cần phải dạt dào thì lại không dạt dào. Nhưng với người thuộc linh, tâm trí người ấy tỉnh táo và phong phú; tình cảm người ấy chắc chắn là dạt dào và chừng mực; còn ý chí ấy dứt khoát là mạnh mẽ và kiên quyết. Chúng ta thường nói rằng một người cần phải dạn dĩ. Nhưng người có ý chí yếu đuối thì không bao giờ có thể dạn dĩ được. Tất cả những người dạn dĩ đều có ý chí mạnh mẽ. Ba người bạn của Đa-ni-ên thực sự dạn dĩ khi họ ở kề lò lửa hừng, vì ý chí họ thực sự là mạnh mẽ. Sự dạn dĩ đến từ sức mạnh của ý chí họ. Một người rất yếu đuối và dễ hoảng sợ bởi một lời đe dọa nhỏ. Vì ý chí không kiên quyết khiến học trở nên sợ hãi. Người như thế không thể cầu nguyện. Sa-tan dùng mọi phương pháp để làm biến chất, hủy diệt và phá hủy hoàn toàn sự sống cầu nguyện ở trong con người. Do đó, nếu một người không có ý chí mạnh mẽ thì đời sống cầu nguyện của người ấy sẽ bị phá đổ. Vì vậy, có một ý chí mạnh mẽ để duy trì đời sống cầu nguyện là điều cần thiết.
III. MỘT Ý CHÍ DỄ UỐN NẮN
Mạnh mẽ là một chuyện, nhưng uốn nắn là chuyện khác. Mạnh mẽ nhưng không dễ uốn nắn là bướng bỉnh. Mạnh mẽ là đúng đắn, nhưng bướng bỉnh thì không đúng đắn. Hễ ai học cách để cầu nguyện nên có một ý chí mạnh mẽ nhưng không bướng bỉnh. Ý chí cần phải dễ uốn nắn. Tính dễ uốn nắn có thể được minh họa bởi giây thiều trong chiếc đồng hồ. Anh em có thể nói rằng giây thiều thì cứng, nhưng cũng có thể nói nó dễ uốn. Vì giây thiều cứng chắc song dễ uốn nên nó có thể được dùng để làm sức mạnh thúc đẩy.
Mạnh mẽ có nghĩa là tôi khước từ mọi điều tiêu cực. Tôi uốn nắn là tôi tiếp nhận và tự phục theo mọi điều tích cực, Tôi dùng ý chí mạnh mẽ để xử lý mọi điều đến từ Sa-tan, nhưng dùng ý chí dễ uốn nắn nhận mọi điều đến từ Đức Chúa Trời. Trong sự cầu nguyện, nhiều lúc chúng ta chỉ vừa mới chạm được hiện diện của Đức Chúa Trời thì đánh mất ngay. Nguyên nhân chính là vì chúng ta không được uốn nắn đủ. Trong sự cầu nguyện, cảm xúc của Đức Chúa Trời đã rẽ hướng, nhưng chúng ta thì không rẽ. Chúng ta khăng khăng cầu nguyện như trước. Khăng khăng như vậy là không mạnh mẽ cách đúng đắn mà là cứng đầu.
Ngày Phi-e-rơ lên mái nhà để cầu nguyện và thấy khải tượng về một tấm vải lớn, ý chí ông thì kiên quyết nhưng không bướng bỉnh, dễ uốn nắn. Lời ký thuật trong Công Vụ chương 10 nói rằng khi ông đang cầu nguyện thì thấy đói. Sau đó, ông thấy có vật chi giống như một tấm vải lớn trong đó có đủ các loài bốn cẳng, loài bò sát trên đất và chim trên trời. Lại có tiếng phán với ông rằng: “Ớ, Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn” (c.13). Song Phi-e-rơ nói rằng: “Thưa Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng hề ăn vật gì phàm tục hay bất khiết bao giờ”(c.14). Điều này cho thấy tính kiên quyết của ông. Nhưng Đức Chúa Trời phán với ông ba lần và trong lần cuối thì có vài người đang gọi ông ngoài cửa. Linh bảo ông đi xuống gặp họ. Khi đã xuống dưới rồi, thái độ ông thay đổi và lập tức ông đồng ý đi với những người ngoại bang đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy ý chí của Phi-e-rơ rất dễ uốn nắn, chứ không bướng bỉnh. Bướng bỉnh có nghĩa là cứng. Nếu ông cứ khăng khăng bất kể điều gì, hẳn ông sẽ không giao tiếp với những người ngoại bang đó hay với điều gì phàm tục và bất khiết, ông sẽ là một người bướng bỉnh, cứng cỏi.
Nhiều lần chúng ta không thể đi theo chuyển động của Linh trong sự cầu nguyện vì chúng ta mạnh mẽ đến mức trở nên cứng cỏi. Đây là nan đề rất lớn của chúng ta. Nan đề dấy lên, không chỉ với sự cầu nguyện mà còn trong nhiều vấn đề khác nữa. Có lúc cần phải mạnh mẽ mà chúng ta không mạnh mẽ. Những lúc khác, đang mạnh mẽ thì chúng ta đi quá và trở nên cứng cỏi. Vì vậy, chúng ta không thể thấy ánh sáng, chạm được hiện diện của Chúa hay lớn lên về thuộc linh. Đồng thời, chúng ta không thể bền đỗ trong sự cầu nguyện. Tính kiên quyết của ý chí cần có sự uốn nắn tương thích. Sự dễ uốn nắn phải cân đối với tính kiên quyết nếu ý chí đó thích hợp để cầu nguyện. Sa-tan luôn sử dụng con người, những sự việc và hoạt động bên ngoài để thiêu hủy, dập tắt và phá hủy đời sống cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải dùng ý chí để đứng vững. Đồng thời, trong sự cầu nguyện, ý chí chúng ta lúc nào cũng có thể thuận phục và xoay hướng theo cảm thức trong linh mình.
Hãy xem giây thiều trong đồng hồ dễ uốn nắn là thể nào. Tuy nhiên, một khi nó được lên giây và chuyển động kim đồng hồ thì nó sẽ không dừng hay chịu khuất phục – đó là tính kiên quyết của nó. Một khi bị xao lãng bởi những việc tầm thường nào đó, một số người không thể cầu nguyện. Điều này cho thấy ý chí họ không kiên quyết đủ. Một mặt, có một số người rất mạnh mẽ và cứ khư khư cầu nguyện cho một vấn đề nào đó. Họ không biết làm thế nào để chuyển hướng và đi theo chuyển động của Linh trong họ. Điều này cho thấy họ không được uốn nắn đủ. Nhiều người có một ý chí không quá mềm hay quá cứng. Nhưng cả tính mềm hay tính cứng đều không đáng ao ước. Loại ý chí chúng ta cần là mạnh mẽ nhưng không đáng ao ước. Loại ý chí chúng ta cần là mạnh mẽ nhưng không cứng, dễ uốn nắn nhưng không mềm yếu.
IV. SỰ CAI TRỊ CỦA Ý CHÍ
Sự cai trị của ý chí có nghĩa là ý chí ở trong sự kiểm soát. Đó không phải là ý chí đang bị cai trị: đúng ra, đó là ý chí đang cai trị, đang kiểm soát những phần khác của hồn. Trong chương về tình cảm, chúng ta nói rằng tỉnh cảm được ý chí kiểm soát. Vào ngày hai con trai của A-rôn xúc phạm sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và bị đánh chết, A-rôn đã không khóc. Nếu không vận dụng ý chí của mình, chắc chắn ông sẽ kêu gào và khóc than cách cay đắng. Nhưng vì dùng ý chí mình cai trị tình cảm nên ông có thể vâng lời Môi-se hoàn toàn và không tỏ một dấu hiệu than khóc nào. Đây không phải là điều dễ thực hiện. Ý chí không thể cai trị theo cách này trừ khi nó được luyện tập đến mức tính kiên quyết và tính dễ uốn nắn hoàn toàn được phối hợp với nhau.
Ê-phê-sô chương 4 bảo rằng “hãy giận và đừng phạm tội” (nguyên văn) (c.26). Giận là vấn đề của tỉnh cảm, nhưng không phạm tội phải là vấn đề cai trị của ý chí. Câu này nói tiếp:”Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn”. Một khi mặt trời lặn rồi, cơn giận của anh em cũng phải biến mất theo. Vấn đề là làm thế nào anh em xua đuổi cơn giận của mình? Điều này chỉ có thể được thực hiện qua sự kiểm soát của ý chí. Nhưng với một số người, một khi giận rồi thì cơn giận đó cứ còn mãi; một khi bị người khác xúc phạm, thì suốt đời họ sẽ không tha thứ cho người đó. Xin nhớ tình trạng như vậy cho thấy rằng ý chí không ở trong sự kiểm soát. Ý chí đó không có khả năng cai trị tình cảm. Để trở thành một Cơ-đốc nhân tốt là người có thể cầu nguyện thì ý chí của người ấy phải có khả năng cai trị tình cảm. Bất kể một anh em nào đó chọc giận bao nhiêu, cơn giận của anh em phải bị tan biến theo mặt trời lặn. Người nào mà có ý chí được vận dụng và chịu phục sự cai trị của linh mới có thể giận trong một phút rồi hết giận ngay sau đó.
Tôi nghe rằng: “Người này hay điều đó đã làm tôi giận đến nỗi không thể cầu nguyện được nữa”. Đúng là anh em không thể cầu nguyện khi anh em giận. Nếu muốn cầu nguyện, anh em cần ý chí cai trị tình cảm của mình. Có thể một anh em nào đó thực sự đã làm điều sai trái khiến anh em giận. Nhưng xin nhớ rằng, sau nửa phút cơn giận của mình anh em phải nguôi đi. Bằng không, anh em sẽ không thể cầu nguyện. Không chỉ cơn giận làm chúng ta không thể cầu nguyện. Ngay cả niềm vui cũng có thể cản trở sự cầu nguyện. Một ai đó có thể phấn khởi về việc con trai mình thi đậu và được du học nước ngoài đến nỗi không thể cầu nguyện. Người ấy thực sự muốn cảm tạ Đức Chúa Trời, nhưng vì không thể cầu nguyện nên người ấy không có cách gì dâng lời cảm tạ. Điều này chứng tỏ ý chí người ấy không ở trong sự kiểm soát.
Trong tình trạng bình thường, sự vui mừng hay cơn giận cũng sẽ không làm cho anh em không thể cầu nguyện. Đúng ra, đến lúc cầu nguyện, ý chí anh em sẽ cí thể hãm tình cảm lại. Vào lúc như vậy,  những đặt tính của tình cảm sẽ biểu thị sự lành mạnh, yên bình, chừng mực và kiểm chế, vì tình cảm đang được ý chí điều chỉnh. Nếu ý chí không được điều chỉnh cách đúng đắn thì tình cảm sẽ không bao giờ bình thường bởi vì chúng liên kết với nhau. Có người hỏi: “Tại sao lại đưa ra những vấn đề phức tạp này khi nói về cầu nguyện?”. Xin nhớ rằng cầu nguyện đòi hỏi con người thực hiện một nhiệm vụ và bên trong cỗ máy con người này có nhiều điều phức tạp. Nếu có điều gì đó sai trật tự với bất cứ bộ phận nào của xe hơi thì chiếc xe đó không thể chạy và sẽ cần được sửa chữa. Cũng vậy, nếu bất cứ phần nào bên trong anh em sai thì anh em sẽ không thể cầu nguyện. Do đó, để cầu nguyện cách thành thạo, các phần trong bản thể một người cần phải đúng đắn.
Ý chí không những cần kiểm soát tình cảm mà cũng cần kiểm soát tâm trí. Một số người luôn có những sự tưởng tượng hư không trong tâm trí. Lúc họ quì xuống cầu nguyện, tâm trí họ bắt đầu chu du khắp thế giới. Chưa đầy hai hay ba phút, họ đã đi vòng quanh thế giới hai lần. Điều này cho thấy rằng họ không thực hành xử dụng ý chí mình để kiểm soát tâm trí. Anh em có thể nói: “Đây là sự bất phục của tâm trí tôi”. Việc tâm trí anh em có vâng phục hay không là một vấn đề khác. Anh em vẫn cần phải vậng phục hay không là một vấn đề khác. Anh em vẫn cần phải vận dụng ý chí mình. Điều bắt buộc là ý chí anh em sẽ phải là cơ quan cai trị trong bản thể của anh em. Ý chí không nên hùa theo việc anh em sẽ đánh ai đó chỉ vì bây giờ anh em đang tức giận. Điều này không thể. Chính ý chí cai trị không phải tình cảm. Anh em cũng không nên tiến lên với một vấn đề nào đó chỉ vì tâm trí anh em sáng tỏ điều đó. Ngay cả khi sáng tỏ rồi, anh em vẫn phải chờ ý chí quyết định trước khi anh em chuyển động để làm điều gì. Chính ý chí cai trị chứ không phải tình cảm.
Con tàu sẽ an toàn nếu nó lệ thuộc vào bánh lái để xác định hướng đi. Nếu chiếc xe lệ thuộc vào cái thắng kiểm soát tốc độ, dứt khoát nó sẽ an toàn. Nhưng nếu phương hướng của con tàu không được bánh lái xác định, và tốc độ của chiếc xe không được cái thắng kiểm soát thì cả con tàu lẫn chiếc xe đó sẽ rất nguy hiểm. Cũng vậy, trong cả sự bước đi lẫn sự cầu nguyện, chúng ta phải để ý chí cai trị tình cảm và tâm trí mình. Như vậy, chúng ta mới có thể là những người đúng đắn. Cư xử theo tâm trí và tình cảm không được rèn luyện thì thật nguy hiểm. Một đứa trẻ ham chơi không thích học chắc chắn có một ý chí yếu ớt. Nếu ý chí của đứa trẻ mạnh mẽ và được sử dụng cách đúng đắn, ý chí đó sẽ hạn chế việc chơi của nó để học. Vì vậy, hãy học tập vận dụng ý chí để ý chí mạnh mẽ nhưng dễ uốn nắn. Cũng  hãy học tập cho phép ý chí cai trị, dẫn đầu, kiểm soát tâm trí và tình cảm. Như thế, anh em mới có thể  là một người đúng đắn. Khi có tình trạng này, anh em có thể cầu nguyện.
V. MỐI QUAN HỆ GIỮA Ý CHÍ VÀ LINH
Chức năng của tâm trí là để hiểu biết ý thức trong linh. Chức năng của tình cảm là để giúp linh có thể được biểu lộ. Nhưng không cơ sự quyết định của ý chí thì dù tâm trí có hiểu điều gì và tình cảm có thể biểu lộ điều đó ra nhưng sự hiểu biết và biểu lộ đó đều vô dụng. Chẳng hạn, tâm trí anh em có thể hiểu cảm nhận bên trong linh đang hướng dẫn anh em cầu nguyện. Tình cảm anh em cũng có thể biểu lộ cảm xúc này của linh. Tuy nhiên, ý chí của anh em không nhận lấy vị trí hay không quyết định. Trong trường hợp như vậy, anh em vẫn không thể cầu nguyện. Xin minh họa như vầy: giả sử tại bàn tiệc thánh của Chúa một ai đó thực sự được cảm thúc. Tâm trí anh hiểu sự cảm thúc đó như là cảm nhận về sự vinh hiển của Chúa. Tình cảm anh thực sự cảm thấy sự vinh hiển của Chúa đến mức niềm vui ấy cảm động anh hầu như muốn khóc. Nhưng lúc đó anh vẫn do dự và không muốn cầu nguyện bởi đang cân nhắc nhiều điều. Tại sao điều này như vậy? Điều này cho thấy sự thiếu ý chí. Ý chí không đang phối hợp với linh. Trong khi anh em đang suy xét và nghĩ về điều đó, một anh em khác đề nghị một bài Thánh Ca. Sau việc hát Thánh Ca đó, anh vẫn còn lưỡng lự. Trong khi chờ đợi, một anh em khác cầu nguyện. Vì vậy, tính lưỡng lự của anh đã dập tắt sự cảm thúc trong anh. Sau buổi nhóm, anh về nhà và thao thức suốt đêm. Rõ ràng là anh có sự cảm thúc, nhưng cảm thúc ấy không được biểu lộ. Không phải vì tâm trí anh không hiểu, cũng không phải vì anh không có tỉnh cảm để biểu lộ nó. Điều đó chỉ vì ý chí anh không cương quyết đủ  để thực hiện. Vì ý chí anh yếu ớt và không thể quyết định nên anh trở nên rụt rè. Lẽ ra anh phải dùng ý chí mình để quyết định ngay và bật ra một lời cầu nguyện. Khi đó những gì trong linh anh sẽ được giải phóng. Đây là chức năng của ý chí trong mối quan hệ vơi tâm linh.
VI. Ý CHÍ VÀ SỰ CẦU NGUYỆN
Nếu không có tâm trí chín chắn và tình cảm đúng mực, một người không thể có những lời cầu nguyện hiệu quả. Cũng vậy, nếu không có ý chí mạnh mẽ nhưng uốn nắn thì một người không thể cầu nguyện cách đúng đắn. Vì vậy, giữa ý chí và sự cầu nguyện có mối quan hệ mật thiết. Mọi vấn đề thuộc linh dù đó là gì đều đòi hỏi phải sử dụng ý chí cách đúng đắn. Điều này cũng áp dụng ngay vào thời điểm một người được khuấy động để tin Chúa. Một ai có thể được chạm trong buổi nhóm rao giảng Phúc Âm, thậm chí có thể khóc. Nhưng nếu anh em mời người ấy đứng lên và tiếp nhận Chúa, người ấy có thể dùng ý chí mình từ chối. Có thể người ấy nói rằng sẽ nghĩ lại hay sẽ về nhà bàn với vợ đã,v.v… Người ấy hiểu và được đụng chạm. Cả tâm trí và tình cảm của người ấy đều thực hiện chức năng. Nhưng vì không vận dụng ý chí mình nên không cách gì để người ấy được cứu. Trong mối quan hệ giữa ý chí và sự cầu nguyện, nguyên tắc cũng tương tự. Điều nhất thiết là phải vận dụng ý chí cách đúng đắn đề cầu nguyện có hiệu quả.
VII. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA Ý CHÍ
Chúng ta thường nghĩ rằng cầu nguyện là vấn đề hoàn toàn liên hệ đến linh. Điều này đúng. Nhưng nhiều lúc không có sự cảm thúc; thế thì chúng ta sẽ bỏ cầu nguyện sao? Không. Trong những lúc như vậy, anh em phải học tập trước hết dùng ý chí để cầu nguyện. Bởi dúng ý chí trước hết để cầu nguyện, anh em có thể dễ được dẫn vào sự cảm thúc. Điều này giống như việc lái xe. Bước đầu tiên không phải là sử dụng xăng mà là bật bộ phận đánh lửa. Một khi bộ phận đánh lửa hoạt động, lập tức làm cho xăng bị đốt. Nhiều lần có thể anh em muốn cầu nguyện, nhưng linh anh em không cảm động. Nếu cứ chờ cho đến khi linh cảm động, có thể anh em sẽ không cầu nguyện cả ngày đó. Giả sử khi anh em thức dậy buổi sáng mà linh anh em không cảm động, thế là anh em không cầu nguyện. Sau khi chờ hai giờ mà vẫn không thấy sự chuyển động nào trong linh và anh em sẽ không cầu nguyện. Hôm nay không có sự cảm thúc nào, và bởi đó, không cầu nguyện. Cứ chờ đợi cho đến khi được cảm động trong linh để cầu nguyện là điều hết sức nguy hiểm. Vì vậy, anh em cần học tập dùng ý chí mình để cầu nguyện hầu được cảm thúc.
Tình trạng tương tự có thể xảy ra trong các buổi nhóm. Đúng là khi nhóm lại, chúng ta nên chờ sự cảm thúc và cầu nguyện bởi sự cảm thúc đó. Nhưng nhiều lúc điều này không đúng, nhất là với một vài anh em ở vị trí dẫn dắt để giúp buổi nhóm, chỉ ngồi đó, chờ đợi cách cứng nhắc và thụ động cái gọi là sự cảm thúc. Đôi khi có sự cảm thúc, vì thế, không cần anh em khởi xướng. Thánh Linh đang khởi xướng và tất cả những gì anh em cần làm là cầu nguyện theo Thánh Linh. Nhưng, có những lúc không có dấu hiệu rõ ràng nào về sự khởi xướng của Thánh Linh. Tất nhiên, trước hết anh em phải được thanh tẩy, được tha thứ, ngưỡng trông Chúa và ở trong sự tương giao với Ngài. Và khi anh em biết đến lúc nào cần phải cầu nguyện buổi nhóm thì anh em nên vận dụng ý chí để giải phóng buổi nhóm. Một khi anh em dùng ý chí mình để mở miệng và cầu nguyện thì chưa đầy hai câu, anh em đã có thể làm cho linh mình trỗi dậy. Vào những lúc đặc biệt, một anh em có thể được mời cầu nguyện. Có thể anh không cớ sự cảm thúc nào vào lúc đó, nhưng vì được mời nên anh sẽ phải dùng ý chí mình mà cầu nguyện. Nếu là người kính sợ Đức Chúa Trời, có sự tương giao với Ngài, có sự vận dụng linh và chạm đến linh thì chưa đầy ba đến năm câu, linh của anh sẽ thực hiện chức năng. Giống như bật bộ phận đánh lửa khi lái xe, sự cầu nguyện của ý chí ngay lập tức sẽ kích hoạt linh, làm linh trỗi dậy. Điều này được gọi là sự cầu nguyện của ý chí.
Hơn nữa, đôi lúc dường như trong khi cầu nguyện, sự cảm thúc của anh em bị gián đoạn, nhưng anh em cảm thấy gánh nặng cầu nguyện của mình chưa được bốc dỡ. Vào lúc như vậy, anh em cần dùng ý chí mình để duy trì sự cầu nguyện đó. Sau khi duy trì sự cầu nguyện đó trong một hay hai phút, anh em sẽ tìm thấy sự cảm thúc trở lại. Ý chí là một khả năng rất hữu ích. Hễ khi nào tâm linh thiếu hụt, anh em cần dùng ý chí làm cho linh đầy dẫy. Hãy học tập vận dụng ý chí trong sự phối hợp với linh, nhưng đừng dùng ý chí ngoài linh. Chức năng của ý chí là hợp tác với linh và làm cho linh đầy dẫy. Trước khi được dứt dấy, anh em có thể bắt đầu bằng ý chí. Trong khi dường như linh đang nghỉ ngơi, anh em cũng cần dùng ý chí mình làm linh đầy dẫy. Những lời cầu nguyện khởi xướng hay đổ đầy này được gọi là những lời cầu nguyện của ý chí.
Hơn nữa, khi Kinh Thánh nói hãy “cầu nguyện”, “thức canh”, “cầu nguyện luôn luôn”, “cầu nguyện trong linh” v.v…, những đòi hỏi này là những mạng lịnh nhắm vào ý chí của chúng ta. Tất cả những điều này đòi hỏi chức năng của ý chí. Chỉ việc thi hành chức năng của ý chí mới có thể duy trì đời sống cầu nguyện.

Đa-ni-ên 9:2-3 chép: “Ta, Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để làm cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm. Ta để mắt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khẩn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm”. Điều này cho thấy rằng lời cầu nguyện của Đa-ni-ên hoàn toàn là hành động của ý chí. Lời cầu nguyện của ông không được khởi xướng bởi linh nhưng bởi ý chí. Nhưng khi anh em đọc tiếp những lời tiếp theo, anh em sẽ để ý thấy rằng mặc dù lúc đầu chính là Đa-ni-ên quyết tâm cầu nguyện theo ý chí của ông, nhưng sau vài câu, linh ông được dứt dấy. Khi đọc Lời cầu nguyện của Đa-ni-ên chương 9, anh em có thể nhận thức rằng điều này hoàn toàn ở trong linh. Bằng ý chí, ông khởi xướng lời cầu nguyện đó và chuyển động linh mình –ông đặt ý chí mình vào chỗ của linh và dùng ý chí mình đốt cháy linh. Do đó, chúng ta thấy ý chí cực kỳ quan trọng đối với sự cầu nguyện. Ý chí không những phải khuấy động linh cầu nguyện, nhưng nếu cần, ý chí phải cầu nguyện thế chỗ của linh. Đây là sự cầu nguyện của ý chí.