Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 35


SỰ CHUẨN BỊ CỦA CỨU CHÚA – NÔ LỆ CHO SỰ
PHỤC VỤ MANG TÍNH CỨU CHUỘC CỦA NGÀI
(2)
Kinh Thánh: Mác 11:1-26
Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét sự chuẩn bị của Cứu Chúa – Nô Lệ để phục vụ sự cứu chuộc của Ngài. Trong bài trước, chúng ta đã thấy bước đầu tiên trong sự chuẩn bị của Ngài là vào Giê – ru – sa – lem cách vinh hiển và Ngài đã đón nhận sự thừa nhận, tán thành của dân chúng.
RỦA CÂY VẢ VÀ TẨY SẠCH ĐỀN THỜ
Trong 11:12-26, chúng ta có sự kiện rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ. Chúa nhìn thấy cây vả mà trên đó không có gì ngoài lá, thì trong câu 14, Ngài phán rằng: “Từ rày về sau mãi chớ hề có ai ăn trái của mầy nữa!” Sau khi rủa cây vả, Ngài bước vào đền thờ và “đuổi những kẻ bán người mua trong đó, đổ bàn của kẻ đổi bạc và ghế của người bán bồ câu” (c. 15). Sau đó, Ngài phán: “Há chẳng có chép: Nhà Ta phải gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân’ hay sao? Nhưng các ngươi làm cho nó thành hang trộm cướp” (c. 17).

Hai hành động này – rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ cho thấy rằng toàn thể quốc gia Israel mà đã được Đức Chúa Trời chọn vì mục đích của Ngài đã trở nên không kết quả và hư hoại. Cây vả bị Chúa rủa chỉ có lá mà không có trái. Nó có vinh hiển bề ngoài nhưng không có trái. Nó không có bất cứ thực tại nào. Nó không có điều gì làm thỏa mãn khát vọng của Đức Chúa Trời. Đền thờ lẽ ra là nhà cầu nguyện cho muôn dân, cả người ngoại bang lẫn người Do Thái, thì đã trở thành hang trộm cướp. Theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, những người thờ phượng trong đền thờ là quân trộm cướp. Nhà Đức Chúa Trời trên đất đã thật sự trở thành hang trộm cướp. Vì vậy, sau khi rủa cây vả để kết liễu sự sống của nó, Chúa tẩy sạch đền thờ để loại trừ sự hư hoại.
Khi Chúa làm những điều này thì bề ngoài không ai dám chống đối vì ngài đã nhận được sự tán đồng của dân chúng rồi. Về điều này, câu 18 chép: “Các thầy tế lễ cả và các kinh luật gia nghe vậy, bèn tìm cách diệt Ngài; vì họ sợ Ngài, tại cả quần chúng đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài”.
Hành động rủa cây vả tượng trưng cho việc kết liễu sự sống của quốc gia Israel.
Từ lúc ấy trở đi, đối với cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời, quốc gia Israel đã bị kết thúc. Ngoài việc rủa sả cây vả, Chúa còn tẩy sạch sự hư hoại khỏi nhà của Đức Chúa Trời.
Trong mười chương đầu của Phúc Âm Mác, Chúa nhơn từ, đầy thương xót và cảm thong. Nhưng ở đây, trong 11:12-26, dường như Ngài rất khác, trước hết Ngài rủa cây vả rồi sau đó tẩy sạch đền thờ, thậm chí còn đổ bàn của kẻ buôn bạc. Theo câu 16: “Lại không cho ai được đem một vật dụng nào đi ngang qua đền thờ”. Chúa rất dạn dĩ, mạnh mẽ và thậm chí nghiêm khắc. Dường như Ngài không thể hiện sự thương xót nào cả.
Chúng ta cần thấy rằng việc rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ là phần chuẩn bị của Cứu Chúa – Nô Lệ cho sự chết cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chuẩn bị con đường để người Pha – ri – si và các kinh luật gia đặt Ngài vào chỗ chết.
Khi Chúa tẩy sạch đền thờ thì trời đã tối. Câu 19 chép: “Khi chiều tà thì Ngài ra khỏi thành”. Có thể suốt đêm đó, Ngài trọ tại Bê – tha – ni.
LỜI VỀ ĐỨC TIN VÀ SỰ CẦU NGUYỆN
Mác 11:20 chép: “Sáng lại, khi Ngài và các môn đồ đi ngang qua, thấy cây vả đã héo từ gốc héo lên”. Nhớ lại những lời Chúa Jesus đã nói từ hôm trước, Phi – e – rơ nói với Ngài rằng: “Ra – bi, coi kìa! Cây vả thầy đã nguyền rủa nay héo đi rồi”. (c. 21). Chúa đáp: “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai bảo núi này rằng: Hãy cất mình lên mà gieo xuống biển đi, nếu trong lòng chẳng hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ được nên, thì người chắc được điều đó”. (cc. 22-23). Sau đó Chúa nói tiếp về sự cầu nguyện. Đặc biệt, Ngài chỉ ra việc chúng ta cần tha thứ người khác: “Khi các ngươi cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha thứ sự qua phạm của các ngươi” (c. 25). Ở đây chúng ta thấy rằng tha thứ sự xúc phạm của người khác là nền tảng để Cha thiên thượng tha thứ chúng ta. Điều này đặc biệt đúng vào lúc chúng ta cầu nguyện. Nói cách nghiêm túc, chúng ta không thể cầu nguyện với tấm lòng giữ lại bất cứ điều gì nghịch lại người khác, tức là với một tấm lòng cảm thấy bị người nào đó xúc phạm hay nhớ lại sự xúc phạm từ người khác.
CHÚA XỬ LÝ ISRAEL
Về việc rủa cây vả mà chúng ta đang nhấn mạnh cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã quyết định từ bỏ dân Israel để đến với một dân khác là Hội Thánh. Hội Thánh bao gồm những người đã được đem vào trong sự chết và phục sinh của Đấng Christ để vui hưởng Đấng Christ cách trọn vẹn. Dân này bao gồm cả người Do Thái lẫn người phi Do Thái.
Mác 11:12 nói rằng Chúa đói. Điều này có nghĩa là Ngài đang đói về bông trái ra từ con cái Israel để Đức Chúa Trời có thể được thỏa mãn. Tuy nhiên, cây vả không có trái nào cả. Chúng ta đã thấy rằng cây vả này biểu tượng về quốc gia Israel (Giê. 24:2, 5, 8). Sự kiện cây vả này chỉ toàn lá mà không có trái có nghĩa là vào thời ấy, dân Israel đầy dẫy sự phô trương bề ngoài mà không có điều gì làm Đức Chúa Trời thỏa lòng.
Trong 11:12-26, sự kiện Cứu Chúa – Nô Lệ rửa cây vả và rửa sạch đền thờ được nhập chung lại. Điều này cho thấy rằng cùng một lúc, Ngài xử lý dân tộc Israel hư hoại và phản loạn trong nhiều phương diện khác nhau. Cây vả là biểu tượng về quốc gia Israel, còn đền thờ là trung tâm của quốc gia này trong mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Là cây vả được Đức Chúa Trời trồng nhưng dân tộc này đã không ra trái cho Ngài; và là trung tâm trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời, đền thờ đầy dẫy mọi hư hoại. Vì vậy, Cứu Chúa – Nô Lệ đã rủa cây vả không trái và tẩy sạch đền thờ bị ô uế. Việc xử lý như vậy có thể được xem là lời báo trước về sự hủy diệt được dự ngôn trong 12:9 và 13:2.
NHÂN CÁCH CAO TRỌNG VÀ SỰ CHÂN THẬT
CỦA CHÚA SỰ KHÔN NGOAN THẦN THƯỢNG
VÀ UY QUYỀN CỦA NGÀI
Trong chức vụ lan rộng phúc âm tại Ga – li – lê được ghi lại trong 1:14-10:52, cồn tác của Cứu Chúa – Nô Lệ là rao giảng phúc âm, dạy lẽ thật, đuổi quỉ và chữa lành người đau yếu. Trong công tác ấy, các mỹ đức con người cùng với các thuộc tính thần thượng của Ngài được biểu lộ như là vật chất và vẻ đẹp trong sự phục vụ thần thượng để dâng tội nhân cho Đức Chúa Trời. Trong sự chuẩn bị của Ngài tại Giê – ru – sa – lem (11:15-14:42) cho công tác cứu chuộc thì công việc chính yếu của Ngài là đương đầu với những người lãnh đạo Do Thái chống đối, tức những người lẽ ra là thợ xây nhà Đức Chúa Trời (12:9-10), nhưng thật ra họ đã bị kẻ thù của Đức Chúa Trời là Sa – tan chiếm đoạt và xúi giục để âm mưu giết Cứu Chúa – Nô Lệ. Trong sự đương đầu này, dưới sự chất vấn, thử nghiệm và tra xét quỉ quyệt, gian ác của họ, nhân cách cao trọng của Ngài được bày tỏ trong sự chân thật đầy nhân tính của Ngài (11:15-18), và sự khôn ngoan thần thượng cùng uy quyền của Ngài được bày tỏ trong cách cư xử đầy nhân tính và sự hoàn hảo của Ngài (11:27-12:37) để cuối cùng những người tìm kiếm lỗi của Ngài trở nên những người chứng minh cho phẩm chất của Ngài. Điều này tạo điều kiện để Ngài cho những người chống đối mù lòa này thấy rằng Ngài là Đấng Christ, là Con Đa – vít, là Chúa của Đa – vít, là chính Đức Chúa Trời (12:35-37) để họ có thể biết thần tính trong nhân tính của Ngài hầu có thể biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời đang sống trong con người.
Khi đối phó với những người chống đối, nhân cách cao trọng của Chúa chắc chắn được bày tỏ trong con người đích thực của Ngài. Trong khi đang bị họ tra xét, Ngài bày tỏ phẩm cách cao trọng trong sự chân thực. Hơn nữa cùng lúc ấy, sự khôn ngoan thần thượng và uy quyền của Ngài được bày tỏ trong hành vi và sự hoàn hảo con người của Ngài. Kết quả là, những người đến với ý định tìm ra lỗi lầm của Ngài đều đã trở thành những người có thể chứng minh cho những phẩm chất của Ngài.
MỘT NGẠC NHIÊN LỚN ĐỐI VỚI CÁC MÔN ĐỒ
Trong 11:1-26, có ba điểm chính: vào Giê – ru – sa – lem và trọ tại Bê – tha – ni, rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ. Cả ba điều này chắc hẳn đã làm các môn đồ của Cứu Chúa – Nô Lệ hết sức ngạc nhiên, thậm chí làm cho họ sững sờ. Phi – e – rơ, Giăng và Gia – cơ và những môn đồ khác đã theo Chúa Jesus ba năm rưỡi. Trong suốt những năm tháng ấy, họ đã quan sát cách Chúa cư xử, cách Ngài làm điều này điều kia, và cách Ngài đối đãi với người khác. Họ đã đến với Ngài từ Ga – li – lê, một vùng bị khinh dể, để đến xứ Giu – đê, thậm chí đến thành Giê – ru – sa – lem là nơi quan trọng nhất của đất nước ấy. Giê – ru – sa – lem là nơi có đền thờ và là nơi Công Hội, tức hội đồng lớn nhất của người Do Thái, hội họp. Có nhiều nhân vật quan trọng sống tại Giê – ru – sa – lem. Thế mà có một nhóm người Ga – li – lê bị khinh thường, được một người thợ mộc lãnh đạo, đã đi vào thành phố lớn ấy.
Khi Chúa và các môn đồ “gần tới Giê – ru – sa – lem, vừa đến Bết – pha – ghê và Bê – tha – ni bên núi Ô – liu, Jesus sai hai môn đồ, mà bảo rằng: “Hãy đi đến làng đối diện các ngươi, khi vào đó, tức thì sẽ thấy một con lừa con đương cột chưa hề có ai cưỡi, hãy mở ra, dắt về đây”.Những môn đồ này vâng lời Chúa mà không nói gì cả. Họ đã được huấn luyện không bày tỏ ý kiến. Nếu trước đó Chúa yêu cầu như vậy, hẳn họ đã hỏi Ngài vì sao Ngài muốn làm một điều như thế. Nhưng bây giờ vì đã trải qua quá nhiều điều, đặc biệt là sự chữa lành tại Giê – ri – cô, nên họ chỉ vâng phục Chúa khi Ngài bảo họ đi vào làng mở lừa con dắt về. Điều này cho thấy việc huấn luyện các môn đồ trong cấc chương trước có hiệu quả. Chúa ban một mạng lịnh bất thường cho hai môn đồ này, một mạng lịnh mà đa số mọi người sẽ không tin hay không chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi đã được Chúa huấn luyện, các môn đồ không bày tỏ một ý kiến nào về những gì Chúa bảo họ làm.
Mác 11:7 chép: “Đoạn, họ dắt lừa con về cho Jesus, trải áo mình trên nó, rồi Ngài cỡi lên”. Trong bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng khi người mù Ba – ti – mê nghe Chúa gọi thì ông quăng áo. Ở đây, chúng ta thấy các môn đồ trải áo trên lừa con. Điều này có nghĩa là họ không còn quan tâm về địa vị. Họ sẵn lòng dành mọi địa vị cho Chúa. Các môn đồ tuyệt đối tôn cao Đấng này.
Câu 8 chép: “Nhiều người trải áo mình trên đường”. Chúng ta có thể nói rằng quần chúng làm theo các môn đồ trong việc quăng áo. Sau đó, người ta tiến đến hoan nghênh Chúa và reo lên: “Hô – sa – na! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Chúc tụng nước hầu đến, là nước của Đa – vít, tổ phụ ta! Hô – sa – na nơi chí cao!” (cc. 9-10).
Các môn đồ ắt hẳn ngạc nhiên bởi sự tiếp đón dành cho Cứu Chúa – Nô Lệ. Chắc chắn họ không hề tưởng tượng được rằng Chúa Jesus, một người thợ mộc từ Ga – li – lê, lại được đám đông ở Giê – ru – sa – lem đón tiếp nồng hậu như thế.
Các môn đồ hẳn cũng ngạc nhiên về việc Chúa rủa cây vả. Những môn đồ người Ga – li – lê của Chúa có lẽ đã tự nhủ: “Chúng ta đã theo Chúa ba năm rưỡi, chưa bao giờ thấy Ngài làm một việc như thế. Sao Ngài lại rủa cây vả? Cây vả là biểu tượng của quốc gia chúng ta, và chúng ta rất tôn trọng biểu tượng này. Thế mà Chúa lại rủa sả nó. Hành vi của Ngài chắc hẳn đã thay đổi. Bây giờ thì rất khác với những gì trong quá khứ”.
Sau khi rủa cây vả, Chúa đi vào đền thờ và bắt đầu đuổi những người buôn bán ở đó. Thậm chí Ngài còn đổ bàn của những người đổi bạc và ghế của những người bán bồ câu (c. 15). Hãy tưởng tượng các môn đồ đã suy nghĩ gì khi họ thấy điều này. Có thể họ tự hỏi: “Đây có phải là Thầy của chúng ta không? Ngài luôn nhơn từ, dịu hiền và đầy lòng trắc ẩn. Ngài đang làm gì vậy?” Dĩ nhiên, các môn đồ không dám nói gì với Chúa cả.
CHÚA CHUẨN BỊ VỀ MÔI TRƯỜNG, NHỮNG NGƯỜI
CHỐNG ĐỐI VÀ NHỮNG NGƯỜI THEO NGÀI
Chúng ta đã thấy bởi rủa sả cây vả và tẩy sạch đền thờ mà Chúa đã thực hiện sự chuẩn bị cần thiết để phục vụ cho sự cứu chuộc của Ngài. Đặc bệt là việc Ngài tẩy sạch đền thờ đã khuấy động các thầy tế lễ cả và các kinh luật gia, là những người tìm cách diệt Ngài (c. 18). Thật ra, việc Chúa tẩy sạch đền thờ đã làm cho những kẻ chống đối càng đẩy nhanh nỗ lực giết Ngài. Bằng cách thúc đẩy hoạt động của kẻ chống đối, công tác chuẩn bị này nhằm bảo đảm rằng Chúa phải chết vào ngày lễ Vượt Qua. Vì vậy, việc tẩy sạch đền thờ chắc chắn là một sự chuẩn bị cho cái chết cứu chuộc của Chúa.
Giả sử Chúa Jesus vào đền thờ mà chỉ nhìn quanh, cư xử theo cách rất lịch sự thì có lẽ môn đồ nói rằng: “Chúa ơi, mọi việc rất tốt. Chúng ta hãy đi đến một nơi nào đó để nghỉ”. Nếu như vậy, tôi không nghĩ rằng những kẻ chống đối sẽ ra sức giết Chúa. Thậm chí có lẽ họ đã để Ngài yên một thời gian dài. Trong trường hợp đó, Chúa đã không bị đóng đinh vào lễ Vượt Qua. Vì vậy, Chúa đã chuẩn bị tình hình bằng cách tẩy sạch đền thờ, và vì làm như vậy nên Ngài đã khuấy động những kẻ chống đối để họ giết Ngài vào đúng thời điểm Đức Chúa Trời chỉ định.
Chúa không những chuẩn bị những kẻ chống đối mà còn chuẩn bị những người theo Ngài. Chắc chắn việc rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ đã tạo một ấn tượng sâu đậm trên những người theo Chúa. Dĩ nhiên, họ không hiểu ý nghĩa của những điều này. Nhưng sau đó, sau khi Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, chắc họ đã nhớ lại những điều này. Lúc ấy họ mới bắt đầu hiểu tại sao Ngài rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ.
Trong Mác chương 11, chúng ta có thể thấy Phi – e – rơ, Giăng và Gia – cơ và các môn đồ khác đã chịu ảnh hưởng truyền thống rất nhiều. Đối với họ, Giê – ru – sa – lem được Đức Chúa Trời ban phước và cây vả là biểu tượng của quốc gia Israel, một dân tộc được Chúa chọn. Tâm trí của họ đầy những hiểu biết truyền thống. Chắc họ đã sửng sốt khi Chúa rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ. Bây giờ, chúng ta cần ý thức rằng khi làm điều này, không những Chúa khuấy động những kẻ chống đối để họ giết Ngài, mà cũng gây ấn tượng trên các môn đồ là Đức Chúa Trời muốn hoàn toàn dứt bỏ Israel. Quốc gia Israel bị rủa sả, định tội và chẳng bao lâu sẽ bị lật đổ.
Vào ngày Chúa Jesus rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ, các môn đồ không hiểu nhiều về những điều đã xảy ra. Tuy nhiên, sau đó chắc chắn họ bắt đầu nhớ lại những điều này và có thể hiểu được rằng Chúa đã từ bỏ Israel. Vì vậy, rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ là chuẩn bị cho những người sắp giết Chúa và cũng chuẩn bị cho các môn đồ để họ có thể nhận lấy sự chết của Ngài và nhận lãnh sự phục sinh của Ngài.
Quang cảnh trong chương 11 rất khác với khung cảnh trong các chương từ 1 đến 10. Trong chương đầu của sách Mác, Chúa Jesus thật nhu mì, đầy thương xót, nhẹ nhàng và đầy lòng trắc ẩn. Nhưng trong chương 11, Ngài cư xử một cách hoàn toàn khác. Mục đích của Chúa trong chương này là chuẩn bị môi trường, hoàn cảnh, những kẻ chống đối và những người theo Ngài cho sự kiện vĩ đại là sự chết cứu chuộc của Ngài.
Công tác chuẩn bị này kéo dài 6 ngày. Chúng ta có thể so sánh sáu ngày này với sáu ngày Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ. Trong suốt sáu ngày trước khi chết, Chúa đã chuẩn bị hoàn cảnh và mọi người liên quan đến cái chết của Ngài. Ngài đã làm công tác chuẩn bị này không phải bằng cách dạy dỗ, rao giảng hay giải thích. Trái lại, Ngài đã làm điều này bằng hành động.
PHẢN ỨNG CỦA CÁC MÔN ĐỒ
Trong khi các môn đồ trọ tại Bê – tha – ni, họ hẳn đã nói với nhau về những gì Chúa đã làm trong việc rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ. Có lẽ Phi – e – rơ đã nói với Giăng và Gia – cơ rằng: “Sao Chúa rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ vậy? Cây vả là biểu tượng của dân tộc chúng ta thế mà Ngài rủa sả nó. Sau đó Ngài liền vào đền thờ, ngăn chặn việc buôn bán và lật đổ bàn đổi bạc. Thậm chí Ngài nói rằng họ đã làm cho đền thờ thành hang trộm cướp. Tất cả những điều này có nghĩa gì? Tốt hơn là đừng hỏi Chúa. Chúng ta hãy chờ đến ngày mai để xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta không biết Ngài còn làm điều gì nữa”. Tôi tin rằng các môn đồ đã nói chuyện riêng với nhau như thế.
Nếu ở với các môn đồ, anh em không trao đổi với họ về những điều đã xảy ra sao? Nếu ở đó, tôi e rằng mình không ăn ngon ngủ yên được. Có lẽ tôi đã đến với người khác và hỏi cảm nghĩ của họ về những điều đã xảy ra ngày hôm đó. Hơn nữa, chắc chắn tôi đã nôn nóng chờ đến hôm sau, tự hỏi rằng Chúa sẽ làm thêm điều gì nữa. Ở đây, tôi muốn nói rằng Chúa đang chuẩn bị mọi sự và mọi người một cách khác thường cho sự chết của Ngài, đặc biệt là những người theo Ngài.

Khi đọc Kinh Thánh, nhiều Cơ Đốc nhân đã nghiễm nhiên chấp nhận những điều này. Có lẽ họ đọc về việc Chúa vào Giê – ru – sa – lem, Chúa rủa cây vả và tẩy sạch đền thờ mà không cần biết ý nghĩa của những điều này là gì. Chúng ta phải học tập nghiên cứu Kinh Thánh, không xem bất cứ điều gì là đương nhiên. Chúng ta cần đào sâu các vấn đề ấy, suy xét và tìm cách để hiểu. Khi suy xét ý nghĩa của các sự kiện được ghi lại trong 11:1-26, chúng ta thấy rằng Chúa đang chuẩn bị thực hiện một hành động vĩ đại nhất trong vũ trụ; đó là sự chết cứu chuộc của Ngài.