Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

THẬP TỰ GIÁ VÀ SỰ CẦU NGUYỆN


Lê-vi Ký 16:18-19 chép: “Đoàn, người ra, đi đến Bàn Thờ ở trước  mặt Đức Giê-hô-va, đặng làm lễ chuộc tội cho Bàn Thờ; người lấy huyết con bò tơ đực và con dê đực, bôi chung quanh những sừng của Bàn Thờ. Rồi dùng ngón tay rảy huyết bảy lần trên Bàn Thờ, làm cho Bàn Thờ nên sạch và thánh, vì cớ những sự ô uế của dân I-xra-ên
Trong Lê-vi Ký 16:12-13 chép: “Đoạn lấy lư hương đầy than hực đỏ trên Bàn Thờ trước mặt Đức Giê-hô-va, và một vốc hương bột, mà đem vào phía trong bức màn. Người phải bỏ hương trên lửa, trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho ngọn khói hương bao phủ nắp thi ân ở trên hòm bảng chứng, thì người không chết”
Hai phân đoạn trên cho thấy rằng thầy tế lễ trước hết cần làm lễ chuộc tội cho dân Đức Chúa Trời tại Bàn Thờ cùng với huyết của con sinh trong của lễ chuộc tội. Sau đó, khi thầy tế lễ bước vào Nơi Chí Thánh để xông hương, than lửa đỏ ông dùng phải lấy từ Bàn Thờ.
Xuất Ai-Cập Ký 30:9-10 chép: “Trên Bàn Thờ nầy chớ xông hương lạ, hoặc dâng của lễ thiêu, của lễ chay hay là lễ quán nào hết. Nhưng trải qua các đời, mỗi năm một lần, A-rôn sẽ lấy huyết của con sinh tế chuộc tội, bôi trên sừng Bàn Thờ nầy đặng chuộc tội cho nó. Ấy sẽ là một việc rất thánh cho Đức Giê-hô-va”

Phân đoạn trên nói đến Bàn Thờ Xông Hương chứ không phải Bàn Thờ dâng của lễ. Đền tạm có hai Bàn Thờ; phía ngoài là Bàn Thờ dâng của lễ, và phía trong là Bàn Thờ Xông Hương. Bàn Thờ dâng của lễ làm bằng đồng, còn Bàn Thờ Xông Hương làm bằng vàng. Hai Bàn Thờ này là nơi thực hiện sự chuộc tội, và cả hai đều dùng cùng một sinh tế. Ngày 10 tháng 7 là ngày chuộc tội cho con cái I-xra-ên. Vào ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm lấy huyết của con sinh trong của lễ chuộc tội và rảy trên bốn sừng của Bàn Thờ phía ngoài. Ông cũng đem huyết đó vào Nơi Thánh và rảy trên bốn sừng của Bàn Thờ Xông Hương; bởi đó, thực hiện sự chuộc tội trên cả hai Bàn Thờ
Trong Khải Thị 8:3 và 5 chép: “Có một Thiên Sứ khác đến, đứng bên Bàn Thờ, cầm lư hương vàng, và được ban cho nhiều hương để pha vào lời cầu nguyện của cả các thánh đồ trên Bàn Thờ Bằng Vàng ở trước ngai….Thiên Sứ lấy lư hương, bỏ đầy lửa của Bàn Thờ, rồi đổ xuống đất, liền có sấm sét, tiếng lớn, chớp nhoáng và động đất”.
“Một Thiên Sứ khác” ở đây chỉ về Chúa Jesus. Nhờ câu tiếp theo, tức câu 6, chúng ta biết rằng bảy kèn bắt đầu thổi là kết quả của việc Thiên Sứ quăng lửa của Bàn Thờ xuống đất. Nói cách khác, bảy kèn là sự đáp lại những lời cầu nguyện đó. Chúng ta cần chú ý ở đây đề cập đến lư hương, hương và lời cầu nguyện.
Khải Thị 5:8 chép: “Khi đã lấy Sách rồi, bốn sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con, mỗi kẻ cầm một đờn cầm và những bát bằng vàng đầy hương, tức là lời cầu nguyện của các thánh đồ”.
Bốn sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão, mỗi kẻ cầm một đờn cầm và những bát bằng vàng. Đờn cầm là để ngợi khen, trong khi những bát bằng vàng đầy hương là để dâng lời cầu nguyện. Trong câu này, “tức là” chỉ về những bát, không chỉ về hương. Điều này có nghĩa là những bát bằng vàng là lời cầu nguyện của các thánh đồ. Cách giải thích này dựa trên sự kiện là trong chương 8, hương và lời cầu nguyện của các thánh đồ được đề cập như hai điều khác nhau. Hương Đấng Christ được thêm vào lời cầu nguyện của các thánh đồ. Vì vậy, những bát bằng vàng ở đây chỉ về lời cầu nguyện của các thánh đồ.
Cả Xuất Ai-Cập Ký lẫn Lê-vi Ký đều cho chúng ta thấy rằng không ai có thể bước vào đền tạm để xông hương trước mặt Đức Chúa Trời và đến gần Đức Chúa Trời mà không trải qua Bàn Thờ. Bàn Thờ là thập tự giá. Điều này có nghĩa là nếu không trải qua thập tự giá, không một ai có thể đứng trước Đức Chúa Trời và dâng lời cầu nguyện như hương thơm được Đức Chúa Trời chấp nhận. Do đó, chúng ta vẫn cần chú ý đến mối liên hệ giữa thập tự giá và sự cầu nguyện.
I. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA THẬP TỰ GIÁ
Mặc dầu có rất nhiều phương diện về thập tự giá, nhưng trong mối liên hệ với sự cầu nguyện, chủ yếu có hai phương diện. Một phương diện được tượng trung bởi huyết đổ ra trên Bàn Thờ, và phương diện kia được tượng trưng bởi lửa cháy trên Bàn Thờ. Khi người nào dâng sinh tế trên Bàn Thờ, sau khi sinh tế ấy được Đức Chúa Trời chấp nhận và được thiêu hóa, thì trước mặt người ấy chỉ có hai điều. Hai điều này là huyết ở chung quanh Bàn Thờ và than ở trên Bàn Thờ. Vì tro và than lửa trộn lẫn với nhau nên cuối cùng, những gì người dâng nhìn thấy chỉ là huyết và lửa.
     Huyết và lửa là hai phương diện quan trọng của thập tự giá trong mối liên hiện với sự cầu nguyện. Khả năng để một thầy tế lễ bước vào Nơi Thánh để xông hương và cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời được dựa trên hai điều. Thứ nhất, ông phải đem huyết từ Bàn Thờ Của Lễ Thiêu ở bên ngoài và bôi trên các sừng Bàn Thờ Xông Hương. Thứ hai, ông đem theo lửa mà đã thiêu con sinh được dâng trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu phía ngoài và bỏ lửa ấy vào lư hương trên Bàn Thờ Xông Hương để xông  hương. Huyết trên Bàn Thờ Xông Hương ở phía trong và huyết trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu ở phía ngoài cũng là một và giống nhau. Than lửa trên Bàn Thờ Xông Hương ở phía trong và than lửa trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu ở phía ngoài cũng là một và giống nhau. Nói cách khác, huyết trên Bàn Thờ Xông Hương ở phía trong được dựa trên huyết trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu ở phía ngoài. Lửa trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu ở phía ngoài. Huyết là để cứu chuộc; lửa là để kết liễu. Bất cứ điều gì bỏ vào lửa sẽ bị kết liễu. Lửa gây ra sự thiệt hại nặng nề nhất. Hễ khi nào vật gì trải qua lửa thì đều bị thiêu rụi. Trên thập tự giá, Chúa đã đổ huyết Ngài để cứu chuộc. Qua sự chết của Ngài, Ngài cũng đem đến một sự kết liễu lớn. Đó là hai phương diện quan trọng nhất mà Chúa đã hoàn tất trên thập tự giá. Mỗi sinh tế được đặt trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu không chỉ đổ huyết mà cũng trở thành tro. Thập tự giá dẫn đến cả sự cứu chuộc lẫn sự kết liễu. Đây là hai phương diện của thập tự giá.
Trong sự cứu chuộc của Chúa, một mặt thập tự giá cứu chuộc chúng ta, và mặt khác, thập tự giá kết liễu chúng ta. Người cầu nguyện với Đức Chúa Trời phải là người được Chúa cứu chuộc trong hai phương diện này. Nếu một người không được rảy huyết thì trước mặt Đức Chúa Trời, người ấy giống như Ca-in, không thể được Đức Chúa Trời chấp nhận và cũng không thể cầu nguyện. Người nào được Đức Chúa Trời chấp nhận và có thể cầu nguyện đều cần được rảy huyết. Nhưng xin nhớ rằng một người đến trước Đức Chúa Trời để cầu nguyện không những cần sự cứu chuộc bởi huyết mà cũng phải là người đã bị kết liễu tại thập tự giá. Na-đáp và A-bi-hu ngã chết trước mặt Đức Chúa Trời do vấn đề lửa chứ không phải vấn đề huyết. Không bị thiêu rụi, không bị kết liễu tại Bàn Thờ, họ đến trước Đức Chúa Trời cầu nguyện theo con người thiên nhiên của mình. Vì vậy, lời cầu nguyện của họ không những không được Đức Chúa Trời chấp nhận mà thậm chí chính họ còn bị Đức Chúa Trời đánh chết. Do đó, người nào học tập cầu nguyện không những phải được cứu chuộc bởi huyết mà cũng phải là người đã bị kết liễu và trở thành tro. Sự sống thiên nhiên của người ấy đã bị kết liễu hoàn toàn bởi thập tự giá.
Hai phương diện của thập tự giá thực ra không khó hiểu, vì các hình bóng trong Cựu Ước được trưng bày ở đó như những bức tranh sang tỏ. Chúng ta thấy rằng không ai có thể bước vào Nơi Thánh để xông hương và cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà không bởi huyết và lửa từ Bàn Thờ phía ngoài. Nếu ai muốn bước vào Nơi Thành để xông hương mà không bởi lửa là lửa đốt sinh tế trên Bàn Thờ, chắc chắn ngườ ấy sẽ chịu cùng một số phận như Na-đáp và A-bi-hu. Cũng vậy, không có huyết và lửa, không ai có thể bước vào hiện diện của Đức Chúa Trời. Không có sự cứu chuộc và sự kết liễu của thập tự giá thì không ai được quyền đến gần Đức Chúa Trời. Một người có thể cầu nguyện rất nhiều trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng người ấy không nên quá tin rằng mọi lời cầu nguyện của mình đều được Đức Chúa Trời chấp nhận. Câu chuyện về Na-đáp và A-bi-hu là một trường hợp tuyệt diệu về điểm này. Đừng bao giờ chỉ nghĩ rằng: “Ô, không phải chúng tôi đã cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời sao?”. Không! Anh em vẫn cần hỏi: “Còn sự cứu chuộc và sự kết liễu của thập tự giá thì sao?”. Nếu không kinh nghiệm về hai phương diện này của thập tự giá thì không có cách nào để anh em đến trước mặt Đức Chúa Trời.
Trong Cơ-đốc giáo suy thoái và lâm lạc ngày nay,quan niệm thông thường là Đức Chúa Trời đáp lại mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Đúng, thưa anh chị em, Đức Chúa Trời là một Chúa Trời đáp lời cầu nguyện. Nhưng còn hơn thế, Ngài là Đức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện. Ngày nay, nhiều người thường nói: “Xin cầu nguyện cho tôi”. Đó là khẩu hiệu của rất nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay. Anh em có thể gặp một ai đó từ vũ trường bước ra, nhưng nói với anh em: “Cầu nguyện cho tôi nhé!”. Có thể cô ấy đang mặc trang phục rất thời trang và trang điểm đủ màu. Anh em có thể gặp một ai đó đang chuẩn bị dự tiệc đêm Nô-ên. Lúc rời khỏi nhà, có thể cô ấy nói với người bạn: “Xin cầu nguyện cho tôi”. Anh em nghĩ là Đức Chúa Trời sẽ đáp những lời cầu nguyện như vậy không? Không bao giờ! Ô, đừng tự tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Nhiều lần lời cầu nguyện của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời không những không được đáp lời, mà trong cách nhìn của Ngài có thể những lời cầu nguyện đó trở thành tội chống lại Ngài. Chúng ta đã thấy Đức Chúa Trời xử lý các thầy tế lễ cách nghiêm khắc thể nào khi đền tạm lần đầu tiên được dựng lên và những thầy tế lễ đó bước đến trước Đức Chúa Trời để dâng sinh tế. Nếu ngày nay Đức Chúa Trời xử lý Hội Thánh cùng một cách như vậy, hẳn nhiều người không những phải chết cách thuộc linh mà thậm chí còn chết cách thuộc thể trước mặt Đức Chúa Trời.
Giai đoạn đầu của bất cứ vấn đề nào, Đức Chúa Trời rất nghiêm khắc để làm nổi bật nguyên tắc như là luật thép. Vào thời điểm ngày Ngũ Tuần, A-na-nia và Sa-phi-ra nói dối Thánh Linh và đã ngã chết trước mặt Đức Chúa Trời. Điều đó không có nghĩa là sau đó bất cứ ai nói dối Linh đều sẽ ngã chết. Về sau nhiều người nói dối nhưng không ngã chết. Tuy nhiên, trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, họ đã gánh lấy sự chết cho mình. Na-đáp và A-bi-hu ngã chết vì họ phạm nguyên tắc thập tự giá. Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn đang cầu nguyện theo cách vi phạm nguyên tắc thập tự giá. Kết cuộc của họ là như nhau. Không những lời cầu nguyện của họ không được Đức Chúa Trời chấp nhận, mà chính họ cũng không được Ngài chấp nhận. Những lời cầu nguyện không được đáp lời và Đức Chúa Trời không chấp nhận, về nguyên tắc, thì giống như việc gánh lấy cái chết thuộc thể trong thời Cựu Ước. Nghịch lại nguyên tắc của Đức Chúa Trời, họ gánh chịu sự chống cự của Đức Chúa Trời.
II. SỰ CỨU CHUỘC CỦA THẬP TỰ GIÁ
Càng là người cầu nguyện, anh em sẽ càng thấy mình tội lỗi, và nhận thức nhu cầu cứu chuộc. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem tình trạng nầy trong Đa-ni-ên. Một trong những lời cầu nguyện của ông được ghi lại trong Đa-ni-ên chương 9. Trong lời cầu nguyện đó, ông đề cập rất ít đến điều ông cầu thay. Trái lại, phần lớn lời cầu nguyện là sự xưng tội, không những tội của ông mà mà còn tội của cả quốc gia I-xra-ên. Ông thực sự hiểu cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời bởi huyết của con sinh của lễ chuộc tội nghĩa là gì.
Nếu một anh em thấy một chị em không xưng nhận chút nào về các tội phạm mình trong sự cầu nguyện thì không chắc rằng người ấy đã bước vào hiện diện của Đức Chúa Trời. Một người không cảm nhận về tội lỗi không những ở bên ngoài Nơi Thánh mà rất có thể thậm chí không bước vào sân ngoài. Người ấy vẫn còn ở phía ngoài bức màn vải gai trắng. Nếu không, người ấy không thể kiềm chế lời xưng tội của mình. Đây là những gi được nói đến trong 1Giăng chương 1: Đức Chúa Trời là sự Sự Sáng, nếu chúng ta tương giao với Đức Chúa Trời và ở trong  sự sáng, chắc chắn chúng ta sẽ thấy các tội phạm của mình và tiếp nhận huyết của Jesus, Con Đức Chúa Trời để tẩy sạch chúng ta.
Những kinh nghiệm thật về cầu nguyện thì giống như vây. Hễ khi nào bước vào hiện diện của Đức Chúa Trời, anh em cần kinh nghiệm sự cứu chuộc của thập tự giá và tẩy sạch của huyết. Càng bước sâu vào hiện diện của Đức Chúa Trời, ý thức của anh em về tội càng nhạy bén, và sự hiểu biết của anh em về tội càng sâu sắc. Những điều nào đó trước đây có thể anh em xem là những đức tính và phẩm chất đáng khen, thì bây giờ anh em thấy là tội lỗi. Lúc đó, anh em nói với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời ơi, con chỉ có thể bước vào hiện diện Ngài để cầu nguyện dưới huyết của Con Ngài và với huyết của Con Ngài. Nếu không, con không thể thậm chí đến đây huống chi là để cầu nguyện”. Luôn nhận thức rằng hễ khi nào cầu nguyện, anh em cần kinh nghiệm sự cứu chuộc của thập tự giá. Nếu không, anh em là dơ bẩn, ô uế và đầy những vi phạm.
Một điều chắc chắn là nếu Linh muốn cầu nguyện qua anh em về một vấn đề quan trọng nào đó, trước hết Ngài sẽ đến để soi sáng cho anh em và thanh tẩy bản thể anh em. Hễ khi nào Linh sắp đem anh em vào sự cầu nguyện với Ngài, Ngài cần thanh tẩy anh em một lần nữa. Và sự thanh tẩy của Ngài trước hết là để anh em thấy những tội lỗi và quá phạm của anh em, sau đó dẫn anh em đến chỗ tiếp nhận sự tẩy sạch của huyết. Dưới huyết quí báu, anh em xưng tội mình từng tội một với Đức Chúa Trời . Có thể anh em xưng tội trong một tiếng đồng hồ và kết thúc bằng lời cầu xin chỉ trong năm phút. Anh em cần xưng các tội phạm mình cách kỹ lưỡng cho đến khi không có sự sợ hãi và được thuần khiết, được chiếu sáng bên trong. Khi đó, anh em có thể cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ơi, Hội Thánh có một nan đề ở đây, công tác gặp khó khan ở đây, v.v… Con đặt tất cả những điều này trước mặt Ngài”.
Ngay cả trong việc dâng lời cảm tạ và ngợi khen trong buổi nhóm Bàn Chúa, chúng ta cũng nên kinh nghiệm sự cứu chuộc của thập tự giá. Trước khi bước vào hiện diện Chúa để thờ phượng và nhớ Ngài, anh em cần đến thập tự giá. Không ai có thể bước vào Nơi Thánh mà không đi đến Bàn Thờ. Anh em không thể nói: “Ô, cách đây vài ngày, tôi đã trải qua Bàn Thờ rồi, vì thế, hôm nay toi có thể đi thẳng vào”. Nếu làm như vậy, anh em sẽ chết cách thuộc linh trước mặt Đức Chúa Trời. Dù hôm qua anh em đã xưng các tội phạm mình, nhưng sáng nay vẫn phải làm như vậy khi cầu nguyện; anh em vẫn phải xưng tội mình chiều nay khi anh em cầu nguyện. Và chẳng ích chi nếu chỉ xưng nhận bằng những lời trống rỗng. Anh em cần có cảm nhận về tội lỗi. Hễ khi nào một người chạm được Đức Chúa Trời, chắc chắn người ấy sẽ có cảm nhận về tội. Khi Phi-e-rơ thấy Chúa làm phép lạ, bởi đó tỏ chính Ngài là Đức Chúa Trời thì lập tức ông nói: “Lạy Chúa, xin lìa khỏi tôi, vì tôi là người có tội’ (Lu. 5:8). Chính tại đây sự cứu chuộc là cần thiết. Chúng ta không thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào bởi chính mình, nhưng bởi huyết cứu chuộc của thập tự giá.
III. SỰ KẾT LIỄU CỦA THẬP TỰ GIÁ
Một người biết cách cầu nguyện và có thể cầu nguyện luôn luôn là người được cứu chuộc dưới huyết và bị kết liễu trên thập tự giá. Khi đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, anh em cần hỏi mình có bị kết liễu hay không. Giả sử anh em muốn cầu nguyện về Phúc Âm, về gia đình anh em, về việc dâng hiến của cải vật chất hay về vấn đề hôn nhân. Trong mỗi trường hợp, anh em cần hỏi rằng mình đã bị kết liễu trong vấn đề cụ thể đó chưa. Anh em phải hỏi liệu mình có đang cầu nguyện vì tư lợi hay không. Bất cứ điều gì anh em cầu nguyện, anh em cần bị kết liễu trong vấn đề đó.
Hãy luôn ghi nhớ rằng lửa cháy trên Bàn Thờ Của Lễ Thiêu chính là lửa để đốt hương trên Bàn Thờ Xông Hương. Chỉ lửa đốt con sinh thành tro mới có thể là lửa dùng để đốt hương. Nếu lửa được đem đến Bàn Thờ Xông Hương để xông hương không phải là lửa đốt con sinh thành tro thì lửa đó gọi là lửa lạ. Anh em có thể thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này qua số phận của Na-đáp và A-bi-hu. Nếu anh em không bị kết liễu trong một vấn đề nào đó, nhưng lại đem vấn đề đó vào hiện diện của Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện thì đó là một sự xúc phạm lớn đối với Đức Chúa Trời.
Nói cách nghiêm túc, nếu một người chưa bị thập tự giá kết liễu một vần đề nào đó, người ấy thực sự không thể cầu nguyện cho vấn đề đó. Nếu chưa bị thập tự giá kết liễu về chồng hay vợ anh em, thì thành thật mà nói, anh em không đủ tư cách để cầu nguyện cho chồng hay vợ mình. Tại sao nhiều lần Chúa không nghe lời cầu nguyện của chúng ta cho gia đình mình? Câu trả lời là chúng ta chưa trở thành tro. Những lời cầu nguyện đó chỉ là thiên nhiên, lời cầu nguyện bởi lửa lạ. Nhiều lần chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời và công tác của Chúa, Chúa không đáp lời. Anh em cầu nguyện để Chúa ban phước, song anh em không thấy phước hạnh. Anh em đã cầu nguyện nhiều năm xin Chúa làm Hội Thánh lớn lên, nhưng Hội Thánh vẫn không lớn lên. Lời cầu nguyện của anh em không được đáp lời vì đó là cầu nguyện bởi lửa lạ, lời cầu nguyện thiên nhiên.
Chúng ta luôn có quan niệm rằng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta vì Ngài đầy thương xót và hay làm ơn cho chúng ta. Quan niệm này không đúng. Đức Chúa Trời thường không nghe lời cầu nguyện của nhiều người. Lý do Ngài không nghe là vì chúng ta, những người cầu nguyện chưa trải qua Bàn Thờ. Một số người chỉ đem theo huyết từ Bàn Thờ, nhưng không đem lửa. Họ trải qua sự cứu chuộc, nhưng chưa trải qua sự kết liễu của Bàn Thờ.
Xin nhớ rằng, hễ khi nào một người đến xông hương tại Bàn Thờ Xông Hương, người ấy phải hoàn thành hai điều kiện căn bản. Người ấy phải kinh nghiệm huyết là điều cho chúng ta biết rằng tất cả những người đến cầu nguyện đều đã được cứu chuộc và được tẩy sạch. Người ấy cũng phải kinh nghiệm lửa là điều nói với chúng ta rằng tất cả những người đến đó cầu nguyện đều đã bị thiêu rụi và trở thành tro.
Vì vậy, thưa anh chị em, nếu ánh sáng của Chúa chiếu trên anh em cách mạnh mẽ, lập tức anh em sẽ không thể cầu nguyện cho nhiều điều. Việc giảm đi nhiều lời cầu nguyện của anh em chứng tỏ anh em đang được thanh tẩy. Nếu nhìn nhận những lời cầu nguyện đó là bởi lửa lạ, anh em sẽ thấy lời cầu nguyện đó không cần thiết, cũng không dung đắn. Anh em sẽ không dám cầu nguyện những lời cầu nguyện vì chính minh, không vì cớ Đức Chúa Trời vì chúng do anh em khởi xuóng chứ không do Đức Chúa Trời khởi xướng. Sau khi anh em bị kết liễu bởi thập tự giá, sẽ có sự thanh tẩy lớn trong lời cầu nguyện của anh em.
Một số người có thể hỏi: “Vì theo cách đó chúng ta đã bị kết liễu, tại sao chúng ta lại cần xem xét sự cầu nguyện? vì chúng ta đã trở thành tro, không biết nói cũng chẳng nghĩ, nên mọi sự đã chấm dứt. Thế thì, chúng ta cần cầu nguyện về điều gì nữa?”. Tro có nghĩa là mọi sự đã bị kết liễu. Tuy nhiên, đừng quên rằng lửa đốt thành tro vẫn còn ở đó để xông hương trước mặt Đức Chúa Trời. Khi nghiên cứu các hình bóng Cựu Ước, chúng ta được sáng tỏ rằng hương nói đến sự phục sinh của Chúa và hương thơm của Chúa trong sự phục sinh của Ngài. Nơi nào có Chúa, nơi đó có sự phục sinh. Nơi nào anh em và tôi bị kết liễu, nơi đó có sự hiển lộ của Đấng Christ. Trước hết, chúng ta trải qua sự cứu chuộc của thập tự giá, và thực sự trở thành tro trước mặt Đức Chúa Trời. Khi đó, lập tức Christ trở nên hương để cúng ta xông trước mặt Đức Chúa Trời.
Vì vậy, nói cách nghiêm túc, cầu nguyện vừa là chính Đấng Christ vừa là sự biểu lộ của Đấng Christ. Lời cầu nguyện tốt, đúng đắn, thích đáng, chân thật và được Đức Chúa Trời chấp nhận là sự biểu lộ Đấng Christ. Nếu anh em bị kết liễu trên thập tự giá thì Đấng Christ sẽ sống ra từ sự kết liễu như vậy. Trong sự cầu nguyện, Đấng Christ sẽ sống ra trong lời cầu nguyện. Trong nếp sống, Đấng Christ Phục Sinh là nếp sống. Trong chức vụ, Đấng Christ Phục Sinh là chức vụ. Chỉ lời cầu nguyện như vậy mới có thể chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời và được xem là lời cầu nguyện có hương thơm ngọt ngào. Đó là lời cầu nguyện của người đã trải qua sự tẩy sạch của huyết và sự kết liễu của lửa, bởi đó cho chép Đấng Christ lộ ra từ bên trong.
Vì vậy, thưa anh em, nếu thật sự có khải tượng về điều này, anh em sẽ phủ phục trước Đức Chúa Trời, xưng nhận sự dơ bẩn và tình trạng thiên nhiên của mình. Anh em sẽ không thể khởi xướng để thốt ra bất cứ lời cầu  nguyện nào khác. Anh em sẽ thấy nhu cầu được tẩy sạch bởi huyết và được thiêu rụi bởi lửa. Anh em sẽ nói với Đức Chúa Trời rằng “Con là một kẻ ô uế, và con cũng là người thiên nhiên. Cho đến hôm nay, con vẫn còn trong bản ngã thiên nhiên của mình. Con cần huyết của Ngài tẩy sạch con và lửa của Ngài thiêu tụi con. Con cần thập tự giá để cứu chuộc và cũng để kết liễu con”. Thưa anh em, khi cho phép thập tự giá kết liễu mình, anh em có thể kinh nghiệm Đấng Christ lộ ra từ anh em cách thực tế. Chính Đấng Christ Phục Sinh này trở nên lời cầu nguyện của anh em, là hương mà anh em xông trước mặt Đức Chúa Trời.Có thể anh em không cầu nguyện nhiều, nhưng những điều anh em cầu nguyện sẽ được Đức Chúa Trời đáp lời.
IV. HƯƠNG ĐƯỢC THÊM VÀO LỜI CẦU NGUYỆN
Khải Thị chương 8 cho chúng ta thấy rõ hai điều: lời cầu nguyện của các thánh đồ, và Thiên Sứ, tức Chúa Jesus mang nhiều hương. Hương chỉ về Đấng Christ Phục Sinh. Hương này được thêm vào lời cầu nguyện của các thánh đồ.
Thưa anh chị em, cho phép tôi hỏi, Chúa Jesus có thể thêm hương vào mọi lời cầu nguyện của anh em không? Không. Nếu muôn để Chúa Jesus trong sự phục sinh được thêm vào lời cầu nguyện của anh em, chắc chắn lời cầu nguyện đó phải qua sự cứu chuộc của huyết và sự kết liễu của thập tự giá. Những lời cầu nguyện trong Khải Thị chương 8 là những lời cầu nguyện của sự chết và sự phục sinh, vậy nên, một khi hương của những lời cầu nguyện đó được dâng trước mặt Đức Chúa Trời, lập tức có sấm chớp đổ xuống đất. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời nghe và đáp lại những lời cầu nguyện đó của chúng ta, những người ở trong sự chết và sự phục sinh.
Khải Thị chương 8 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời trong sự quản trị của Ngài sẽ phán xét thời đại này như thế nào. Nhưng sự phán xét này đang chờ lời cầu nguyện của những người đã tiếp nhận sự cứu chuộc của huyêt và sự kết  liễu bởi thập tự giá. Sự phán xét này đang chờ nhiều lời cầu nguyện của những người đã được phục sinh để theo đuổi tấm lòng Ngài và đứng trên vị trí sự chết, bởi đó cho phép Đấng Christ Phục Sinh được kết hiệp với lời cầu nguyện của họ. Vì vậy, đó sẽ là những lời cầu nguyện lớn có thể phán xét và kết thúc thời đại này. Chúng tôi xin lặp lại, lý do họ có thể cầu nguyện cho những điều cao trọng và lớn lao nư vậy là vì họ đã bị kết liễu tại thập tự giá và có thể để cho Đấng Christ Phục Sinh được thêm vào lời cầu nguyện của họ. Đó là ý nghĩa của việc hương được thêm vào lời cầu nguyện.
Trước đây, chúng tôi đã nói rằng lời cầu nguyện thật là Đấng Christ trong chúng ta cầu nguyện với Đấng Christ trên trời. Ở đây, chúng ta có một nan đề. Là những người đầy ý kiến, làm thế nào Đấng Christ có thể tìm đường để biểu lộ ra từ lời cầu nguyện của chúng ta? Để Ngài có con đường, chúng ta cần trải qua sự tẩy sạch của huyết và sự kết liễu bởi lửa. Những người bị kết liễu thì không có ý kiến. Tại thập tự giá, chúng ta nhận được sự cứu chuộc và sự kết liễu. Khi ấy, Đấng Christ trong chúng ta có thể liên hiệp với chúng ta và mặc lấy chúng ta để cầu nguyện. Vì vậy, lời cầu nguyện của chúng ta là Đấng Christ biểu lộ Ngài qua chúng ta thì đó là hương được thêm vào lời cầu nguyện của chúng ta.
Có người nói rằng hương ở đây chỉ về phẩm chất đáng khen của Đấng Christ. Thật như vậy, nhưng còn hơn thế, hương nói đến Đấng Christ Phục Sinh. Hương bao gồm những phẩm chất đáng khen của Ngài, tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài đã hoàn thành, và tất cả những gì Ngài đã thực hiện. Đấng Christ Phục Sinh cùng với toàn bộ công tác và thành quả của Ngài là hương. Hễ khi chúng ta tiếp nhận sự cứu chuộc của huyết và ở trong sự kết liễu của thập tự giá thì Đấng Christ trong chúng ta được kết liễu với chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, ấy là Christ cầu nguyện. Lúc đó, lời cầu nguyện của chúng ta là sự biểu lộ của Đấng Christ. Kết quả là, trước mặt Đức Chúa Trời những lời cầu nguyện này là hương có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận và sẽ được Đức Chúa Trời đáp lời.

Những lời cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời phải có hai phương diện. Chúng bao gồm lời cầu nguyện của con người, và hương của Đấng Christ Phục Sinh được thêm vào lời cầu nguyện đó. Trong Khải Thị chương 5 chỉ có lời cầu nguyện của các thánh đồ- chỉ có những bát bằng vàng mà không có hương được thêm vào trong. Vì vậy, không có sự đáp lời cầu nguyện. Sự đáp lời cầu nguyện được dựa trên sự kiện hương được thêm vào lời cầu nguyện đó. Trong chương 8, có một bức tranh trọn vẹn. Có lời cầu nguyện của các thánh đồ, và cũng có Đấng Christ Phục Sinh như hương được thêm vào những lời cầu nguyện đó. Cả hai được dâng trước mặt Đức Chúa Trời. Đồng thời, cũng có sự đáp lời cầu nguyện được đổ xuống. Đó là kết quả sau cùng của lời cầu nguyện dựa trên kinh nghiệm thập tự giá.