Chúng ta hãy đọc
vài câu Kinh Thánh trong Phúc Âm Giăng.“Hễ điều gì các ngươi nhơn danh Ta mà
xin, Ta sẽ làm cho, để Cha được tôn vinh nơi Con” (Giăng. 14:13).
“Chẳng phải các
ngươi đã lựa chọn Ta, bèn là Ta đã lựa chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi mà kết quả và trái các ngươi còn
luôn; hầu cho hễ điều gì các người nhơn (trong) danh Ta xin Cha, thì Ngài ban
cho các ngươi” (Gi. 15:16).
“Đến bây giờ các
ngươi chưa từng nhơn (trong) danh Ta mà xin điều gì hết; hãy xin thì sẽ được, hầu
cho sự vui mừng các ngươi được đầy đủ....Trong ngày đó các ngươi sẽ nhơn
(trong) danh Ta mà xin...” (Gi. 16:24, 26).
Nhiều Cơ-đốc
nhân không biết rằng cầu nguyện trong danh Chúa là điều cần thiết. Họ thường
nói rằng họ cầu nguyện bởi huyết báu của Chúa hay nhờ công lao của Chúa. Tuy
nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta nên cầu nguyện trong danh Chúa. Cầu nguyện
trong danh Chúa thật sự nghĩa là gì? Mặc dù thường dùng cụm từ này, nhưng không
chắc họ đã có thực tại về điều này. Ý nghĩa thuộc linh của việc cầu nguyện
trong danh Chúa thì rất sâu và cao, vì vậy, chúng ta thật sự cần đến trước mặt
Chúa để học tập điều này.
I.
Ý NGHĨA “TRONG DANH CHÚA”
Trong Phúc Âm
Giăng, các chương từ 14 đến 16, ít nhất năm lần đích thân Chúa Jesus phán rằng
chúng ta cần cầu nguyện trong danh Ngài. Trong Ê-phê-sô 5:20, sứ đồ Phao-lô
cũng nói: “Mọi sự đều phải nhơn (trong) danh Chúa chúng ta là Jesus Christ mà
luôn luôn cảm tạ Đức Chúa Trời và Cha”. Trong các chương 14 đến 16 của Phúc Âm
Giăng, chúng ta biết rằng danh Chúa chắc chắn chỉ về Con. Danh Cha trong cùng
những chương này cũng chỉ về Cha. Do đó, nếu muốn biết ý nghĩa của danh Chúa
trong Phúc Âm Giăng, chúng ta cần biết đôi điều liênq uan đến việc Chúa đến để
làm Con. “Con” có nghĩa gì? Nhiều lần chúng ta nói rằng Con là sự biểu lộ của
Cha. Trong vũ trụ, Đức Chúa Trời có một Con, và Con này là sự biểu lộ của Đức
Chúa Trời. Hễ khi nào Giăng từ chương 14 đến 16 đề cập đến Chúa Jeus thì điểm
nhấn mạnh không phải Ngài là Chúa, cũng không phải Ngài là Đấng Christ, mà Ngài
là Con. Là Con, Ngài là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Vì vậy, danh này là sự biểu
lộ của Đức Chúa Trời. Ở trong một danh như vậy là ở trong sự biểu lộ của Đức
Chúa Trời.
Chúng ta phải thấy
rằng trong Giăng chương 14 đến 16 có một khái niệm cơ bản về vấn đề gồm ba
phương diện: Cha được biểu lộ trong Con; Con trở nên Linh và vào trong chúng
ta, và kết quả là, Linh sống ra một sự sống nào đó trong chúng ta. Đức Chúa Trời
Tam Nhất – Cha, Con và Linh – bởi đó trở nên một với chúng ta. Đó là những gì
Giăng chương 14 đến 16 bày tỏ cho chúng ta. Ngay sau đó, trong chương 17, Chúa
dâng lời cầu nguyện trong đó Ngài cho chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời Tam Nhất- Cha,
Con và Linh- và chúng ta được trở nên một cách hoàn hảo là như thế nào.
Trong Phúc Âm
Giăng có ba khái niệm chính. Khái niệm thứ nhất là Cha được biểu lộ trong Con.
Cha được nhiều người nhìn thấy và được chạm đến trong Con. Giăng 14:9 nói rằng
ai thấy Con là thấy Cha. Khi Con ở giữa nhiều người, đó là Cha ở giữa nhiều người.
Khái niệm thứ
hai là Con phải ra đi và thay đổi hình thể hình thể của Ngài để trở nên Linh.
Khái niệm thứ ba là Linh vào trong chúng ta, tức những người thuộc về Ngài để ở
với chúng ta đời đời. Cho nên, vì Ngài sống thì chúng ta cũng sống. Chúng ta
cùng sống với Ngài, và chúng ta sống bởi Ngài.
Vì vậy, trong
chương 15, chúng ta được bày tỏ chính xác về một sự liên hiệp như thế. Chúa
phán rằng Ngài là Cây Nho thật, và chúng ta là các nhánh. Chúng ta cứ ở trong
Ngài và Ngài cử ở trong chúng ta. Sau đó, trong chương 16, Chúa bày tỏ thể nào
Linh khải thị mọi thực tại của Ngài vào trong chúng ta để chúng ta có thể kinh
nghiệm và được dẫn vào thực tại này. Như thế, trong các chương này của Sách
Giăng, Chúa phán rằng chúng ta cần cầu nguyện đương khi sống trên đất, và cần cầu
nguyện trong danh Ngài.
Dựa trên những
khái niệm nói trên, chúng ta biết rằng cầu nguyện trong danh Chúa chứng tỏ sự
kiện chúng ta có mối liên hiệp trọn vẹn với Chúa, và sự liên hiệp như vậy làm
cho Đức Chúa Trời được tỏ ra trong chúng ta. Chúng ta cần ba chương này của
Kinh Thánh, tức Giăng từ chương 14 đến 16 để giải thích vấn đề cầu nguyện trong
danh Chúa. Nói ngắn gọn, điều này có nghĩa là chúng ta liên hiệp với Chúa. Chúa
là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời; sự biểu lộ này đã trở nên Linh, và Linh này
đang nội cư trong chúng ta. Khi có sự liên hiệp trọn vẹn này với Đức Chúa Trời
Tam Nhất, nếp sống của chúng ta trở nên nếp sống của Ngài, và Đức Chúa Trời được
biểu lộ qua chúng ta.
Vì vậy, xin nhớ
rằng cầu nguyện trong danh Chúa nghĩa là chúng ta được liên hiệp với Chúa, và để
cho Đức Chúa Trời được biểu lộ qua chúng ta. Đừng bao giờ xem “trong danh Chúa”
như là một cụm từ hay hình thức mà anh em phải dùng đến vào cuối mỗi lời cầu
nguyện. Có những lúc không cần thiết phải thêm “trong danh Chúa” vào cuối lời cầu
nguyện. Thêm “trong danh Chúa” không nhất thiết nghĩa là có thực tại, và không
thêm cũng không có nghĩa là bỏ mất thực tại của điều này. Vấn đề không phải là
hình thức mà là thực tại. Người thật sự cầu nguyện trong danh Chúa là người làm
một với Chúa. Vì vậy, lời cầu nguyện của người ấy là lời cầu nguyện của Chúa.
Người ấy được liên hiệp với Chúa đến mức cả hai trở nên một.
Đừng bao giờ hiểu
cầu nguyện trong danh Chúa theo cách mê tín. Nhiều lần tôi nghe người ta giải
thích điều này bằng cách minh họa như sau: Anh em xin một người giàu kia đôi điều,
nhưng ông không cho. Sau đó, anh em biết người giàu này rất yêu con trai minh,
thế là anh em đến và xin trong danh con đó. Kết quả là, người giàu này cho anh
em những gì anh em xin vì ông yêu con mình. Cũng vậy, khi những tội nhân chúng
ta đến trước mặt Đức Chúa Trời xin đôi điều, Ngài sẽ không cho. Nhưng khi chúng
ta xin trong danh Con Ngài, Đức Chúa Trời sẽ ban điều ấy cho chúng ta vì Ngài
yêu Con. Nếu đây là cách anh em hiểu và giải thích thì anh em hoàn toàn mê tín.
Thật ra, nếu Đức Chúa Trời từ chối khi anh em tự mình xin Ngài thì Ngài cũng sẽ
từ chối khi anh em xin trong danh Con Ngài.
Công Vụ chương
19 cho chúng ta lời ký thuật về một số người mê tín cố gắng bắt chước Phao-lô
đuổi quỉ trong danh Chúa Jesus. Cuối cùng quỉ nói: “Ta biết Jesus, cũng quen
Phao-lô, nhưng các ngươi là ai?” rồi vồ lấy họ và làm họ bị thương (Công.
19:15). Đuỏi quỉ theo cách này hoàn toàn là mê tín. Khi Phao-lô đuổi quỉ trong
danh Chúa Jesus, ông có thể nói: “Ta làm một với Chúa Jesus, đối với ta sống là
Christ”. Đó là ý nghĩa và thực tại thuộc linh của “trong danh Chúa”.
II. CẦU NGUYỆN TRONG DANH CHÚA
Sau khi hiểu được
ý nghĩa của việc ở trong danh Chúa, thì cầu nguyện trong danh Chúa trở nên sáng
tỏ hơn, đó là anh em, người cầu nguyện, liên hiệp với Chúa. Khi anh em cầu nguyện
trong danh Chúa thì Chúa cùng cầu nguyện với anh em.
Thưa anh chị em,
khi cầu nguyện, nhiều lúc chúng ta không thể nói mình cầu nguyện trong danh
Chúa, vì chúng ta biết rằng đó chính là lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa không
cầu nguyện như vậy. Cho nên, cuối cùng chúng ta phải nói: “Đức Chúa Trời ơi,
chúng con đang cầu nguyện trong danh chúng con” vì trên thực tế, đó là chính
chúng ta, chứ không phải Chúa cầu nguyện trong chúng ta. Đã ở trong thực tại của
việc cầu nguyện trong danh Chúa, chúng ta cần cầu nguyện trong danh Chúa. Khi cầu
nguyện như vậy, Chúa cũng cầu nguyện trong chúng ta.
Ở đây, chúng ta
thấy những lời cầu nguyện trong danh Chúa trong Giăng từ chương 14 đến 16 là những
lời cầu nguyện lớn. Thậm chí Chúa cũng nói rằng việc Ngài làm thì chúng ta cũng
sẽ làm, và chúng ta sẽ làm những việc lớn hơn nữa. Ngài cũng nói rằng Ngài sẽ
làm bất cứ điều gì chúng ta xin trong danh Ngài. Đây là vấn đề lớn. Nếu đọc những
lời này trong ngữ cảnh, anh em có thể thấy Chúa, Đấng sống trên đất này bây giờ
đã trở nên Linh đang sống trong anh em, và Ngài đang sống chính Ngài ra từ anh
em. Trong nếp sống này, có nhiều điều anh em cần cầu nguyện. Vì vậy, khi anh em
cầu nguyện thì Ngài cũng cầu nguyện trong anh em và anh em cầu nguyện trong
Ngài. Khi cầu nguyện trong sự liên hiệp như vậy với Ngài và Ngài với anh em thì
anh em đang cầu nguyện trong danh Ngài.
Thưa anh chị em,
tôi tin rằng anh chị em thảy đều có kinh nghiệm này. Trong kinh nghiệm ban đầu
về cầu nguyện, anh em có thể cầu nguyện cho nhiều điều. Nhưng khi bắt đầu cầu
nguyện trong danh Chúa, lập tức những lời cầu nguyện của anh em sẻ giảm dần.
Khi thật sự học tập để Chúa liên hiệp với anh em và cùng cầu nguyện với anh em
thì trong mười điều, anh em chỉ có thể cầu nguyện cho ba điều trong đó. Anh em
biết rằng nếu anh em cầu nguyện cho bảy điều còn lại đó thì Chúa không cầu nguyện.
Anh em xin, nhưng Chúa không xin.
Tôi thường nghe
con trẻ cầu nguyện. Cuối lời cầu nguyện chúng cũng nói: “trong danh Chúa”.
Nhưng càng về sau, khi thật sự biết cầu nguyện trong danh Chúa nghĩa là gì,
chúng sẽ không thể cầu nguyện cách tự do như trước. Chúng cũng không thể nói
“trong danh Chúa” với sự thoải mái như vậy. Thế nên, thưa anh em, anh em cần
sáng tỏ rằng cầu nguyện trong danh Chúa không phải chỉ là hình thức hay một cụm
từ trống rỗng. Trái lại, đó là khi một người sống trong Chúa và liên hiệp thực
tế với Chúa thì lời cầu nguyện của người ấy là Chúa đang cầu nguyện trong người
ấy. Trong sự liên hiệp như vậy, nhiều lời cầu nguyện được thanh tẩy.
III. NẾP SỐNG CẦU NGUYỆN TRONG DANH CHÚA
Thật ra, Giăng từ
chương 14 đến 16 chủ yếu không liên quan đến sự cầu nguyện hay sự sống mà liên
quan đến loại nếp sống liên hiệp. Ở đây, có một nhóm người được Đức Chúa Trời
chọn. Đức Chúa Trời đã biệt riêng họ để họ có thể là chứng cớ trên đất, làm chứng
rằng họ và Đức Chúa Trời Tam Nhất có một sự liên hiệp hoàn hảo như thế. Đó là nếp
sống của họ. Điều Chúa nói đến nhiều lần trong ba chương Kinh Thánh này là một
nếp sống liên hiệp như vậy. Cầu nguyện là một phần của nếp sống này. Cầu nguyện
trong danh Chúa không chỉ cần một nếp sống như vậy hỗ trợ và làm hậu thuẫn mà
thật ra còn cấu tạo nên một phần của nếp sống như vậy. Do đó, chúng ta phải biết
cầu nguyện trong danh Chúa không chỉ là vấn đề cầu nguyện, mà còn hơn thế, là vấn
đề nếp sống. Khi một người sống trong Chúa, bởi Chúa, trong sự liên hiệp với
Chúa, và được hòa quyện với Chúa, tự phát một phần của nếp sống người ấy là cầu
nguyện.
Ngược lại, không
thể cầu nguyện trong danh Chúa nếu anh em không sống bởi Chúa hay trong Chúa. Một
quan niệm sai lầm là tin rằng anh em có thể sống ngoài Chúa và lợi dụng danh
Ngài khi anh em xin Ngài đôi điều, chỉ vì anh em biết danh mình chẳng có giá trị
gì trước mặt Ngài. Đây hoàn toàn là ý tưởng mê tín. Cầu nguyện trong danh Chúa
cần có một nếp sống liên hiệp với Chúa làm hậu thuẫn. Cầu nguyện trong danh
Chúa phải là một phần của nếp sống liên hiệp với Chúa. Vì vậy, đòi hỏi cho sự cầu
nguyện như vậy thì rất cao. Điều này giống như ghi tên vào cuối một bài viết để
cho biết rằng bài đã viết xong. Toàn bộ nếp sống thực tế hằng ngày của anh em
liên hiệp với Chúa nghĩa là như vậy. Anh em
học tập sống trước mặt Đức Chúa Trời bởi Chúa phục sinh. Anh em bước
theo Linh Ngài và đến Linh Ngài sống trong anh em. Một nếp sống như vậy là nền
tảng và sự hỗ trợ cho việc cầu nguyện trong danh Chúa. Hơn nữa, sự cầu nguyện
như vậy thật ra cấu tạo nên một phần của nếp sống như vậy.
IV. MỐI QUAN HỆ GIỮA CẦU NGUYỆN TRONG DANH CHÚA
VÀ THỰC HIỆN Ý CHỦ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong Giăng từ
chương 14 đến 16, Chúa Jesus chỉ rõ rằng những lời cầu nguyện trong danh Chúa bởi
những người sống trong Chúa là lời cầu nguyện hoàn thành thành ý của Đức Chúa
Trời. Lúc đầu khi nghe rằng cần cầu nguyện trong danh Chúa, chúng ta nghĩ mình
có thể cầu nguyện cho bất cứ điều gì trong danh Chúa. Nhưng khi học bài học
này, chúng ta khám phá rằng trong mười điều chúng ta muốn cầu nguyện, thì chỉ
có thể cầu nguyện được hai. Chúng ta nhận thức rằng tám điều kia không phải là
ý muốn của Chúa; vì vậy, Chúa không thể cùng cầu nguyện với chúng ta. Tất cả những
lời cầu nguyện thật trong danh Chúa chắc chắn phù hợp với ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Từ Giăng chương
14 đến 16, chúng ta thấy rằng việc thực hiện ý chỉ Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện
trong danh Chúa hầu như là cùng một điều. Khi cầu nguyện trong danh Chúa thì
cũng tương đương với việc thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vì là người sống
trong Chúa và bởi Chúa nên nếp sống của anh em là nếp sống của Chúa. Hãy xem,
người như thế có thể còn có những mục tiêu hay xu hướng nào ngoài Chúa không?
Dĩ nhiên là không! Vì vậy, chúng ta muốn nhắc lại một lần nữa rằng trong tất cả
những chỗ trong Kinh Thánh đề cập đến lời hứa của Đức Chúa Trời liên quan đến sự
cầu nguyện thì dường như không nơi nào rõ bằng ở đây trong Phúc Âm Giăng. Ở
đây, Chúa Jesus phán: “Hễ điều gì các ngươi muốn, hãy xin, thì Ta sẽ làm điều
đó cho các ngươi” (Gi.15:7). Trong một ý nghĩa, lời hứa này thật rộng. Nhưng thực
tế mà nói, lời cầu nguyện này cũng rất hẹp, vì loại cầu nguyện được nói đến
trong Giăng từ chương 14 đến 16 là lời cầu nguyện trong Chúa. Một mặt, nói rằng
bất cứ điều gì các ngươi muốn sẽ được ban cho; nhưng mặt khác, nói rằng lời cầu
nguyện như vậy cần ở trong danh Chúa. Dù có nhiều ý muốn khi anh em ở trong
chính mình, nhưng một khi xoay về Chúa và vào trong danh Chúa, anh em sẽ thấy ý
muốn của anh em bị giới hạn và có nhiều điều anh em hoàn toàn không thể cầu
xin.
Anh em hiểu điều
tôi muốn nói chứ. Khi sống ngoài Chúa, anh em có nhiều ước muốn. Anh em có thể
nói: “Tôi muốn Đức Chúa Trời làm điều này cho tôi và bởi quyền năng Ngài, tôi
cũng muốn làm điều đó cho Ngài”. Nhưng dần dần, khi học tập sống trong Chúa,
anh em sẽ thấy tất cả ước muốn đó đều ở ngoài Chúa và không phù hợp với ý chỉ của
Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời không cách gì hoàn thành những ước muốn
đó. Khi đó, và chỉ khi đó, anh em mới có thể nói rằng ước muốn của anh em là ước
muốn của Đức Chúa Trời. Vì thế, lời cầu nguyện của anh em sẽ hoàn thành ý chỉ của
Đức Chúa Trời; đó là thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Tóm lại, cầu
nguyện trong danh Chúa không chỉ là một lời tuyên bố hay một hình thức; đúng
ra, đó là một thực tại thuộc linh và một đời sống liên hiệp với Chúa. Khi thật
sự sống trong Chúa và có đời sống liên hiệp với Ngài, tự phát chúng ta sẽ cầu
nguyện, và chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta sẽ phù hợp với ý chỉ của Chúa.
Khi chúng ta sống trong Ngài và để cho Ngài sống trong chúng ta. Ngài sẽ được
biểu lộ qua chúng ta. Khi đó, lời cầu nguyện ra từ chúng ta sẽ bị hạn chế để chỉ
biểu lộ ước muốn của Đức Chúa Trời. Một khi chúng ta có loại cầu nguyện này, chắc
chắn ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành vì ước muốn thanh sạch bên
trong chúng ta ra tù sự hòa quyện – Chúa với chúng ta với Ngài. Lời cầu nguyện
của người như thế là lời cầu nguyện trong danh Chúa.
Hết--